Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo Bài 4 văn bản 1: Sơn Đoòng - Thế giới chỉ có một

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 4 văn bản 1: Sơn Đoòng - Thế giới chỉ có một. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo

BÀI 4: NÉT ĐẸP VĂN HOÁ VÀ CẢNH QUAN 

VĂN BẢN 1: SƠN ĐOÒNG – THẾ GIỚI CHỈ CÓ MỘT
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản Sơn Đoòng – thế giới chỉ có một (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời:

- Tác giả: Tuyết Loan

- Thể loại: văn bản thông tin

- Văn bản trích dẫn từ trang web: nhandan.vn/megastory/2019/3/1.

- Nội dung: cung cấp thông tin cho người đọc về vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng và vấn đề khai thác du lịch.

 

Câu 2: Hãy trình bày khái niệm, đặc điểm của:

  1. a) Văn bản thông tin
  2. b) Các yếu tố hình thức trong văn bản thông tin
  3. c) Dữ liệu trong văn bản thông tin

Trả lời:

  1. a) Văn bản thông tin được viết nhằm mục đích chủ yếu là cung cấp thông tin cho người đọc. Để truyền tải thông tin sinh động, hiệu quả, văn bản thông tin có thể sử dụng kết hợp nhiều nguồn thông tin, nhiều cách trình bày (dạng chữ, dạng hình ảnh/ sơ đồ/ bảng biểu,...), nhiều phương thức biểu đạt (thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận,...).
  2. b) Các yếu tố hình thức trong văn bản thông tin: Văn bản thông tin có thể sử dụng một số yếu tố hình thức (bao gồm cả phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ) để biểu thị cách sắp xếp, cấu trúc thông tin trong văn bản hoặc làm cho các ý tưởng và thông tin hấp dẫn, sinh động, dễ hiểu. Chẳng hạn như: nhan đề; kí hiệu đánh dấu các phần, mục; chú thích cho hình ảnh; bảng số liệu; biểu đồ, sơ đồ, lược đồ; mô hình; bản đồ.
  3. c) Dữ liệu trong văn bản thông tin là sự thật hiển nhiên hoặc những phát biểu/ tuyên bố được xác minh bằng những bằng chứng cụ thể, được đo lường, quan sát một cách khoa học và mọi người công nhận. Vì thế, dữ liệu mang tính khách quan và là yếu tố làm nên tính chính xác, đáng tin cậy của văn bản thông tin.

 

Câu 3: Hãy trình bày khái niệm, đặc điểm của:

  1. a) Thái độ, ý kiến, quan điểm của người viết trong văn bản thông tin
  2. b) Thông tin cơ bản của văn bản
  3. c) Cách trình bày ý tưởng và thông tin, dữ liệu

Trả lời:

  1. a) Thái độ, ý kiến, quan điểm của người viết trong văn bản thông tin thường được trình bày dưới dạng những phát biểu thể hiện niềm tin, cảm nhận hoặc suy nghĩ của người viết về một vấn đề/ đối tượng nào đó. Ý kiến, quan điểm có thể được/ không được xác minh bằng sự thật hoặc chứng cứ cụ thể, vì đó có thể là những suy nghĩ cảm tính hoặc diễn giải của người viết về thông tin, dữ liệu. Vì vậy, thái độ, ý kiến và quan điểm thường mang tính chủ quan. Đó là lí do dẫn đến hiện tượng cùng một dữ liệu, nhưng có thể có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về dữ liệu ấy. 
  2. b) Thông tin cơ bản của văn bản là thông tin quan trọng nhất mà người viết muốn truyền tải qua văn bản. Thông tin cơ bản được hỗ trợ bởi các thông tin chi tiết. 
  3. c) Cách trình bày ý tưởng và thông tin, dữ liệu: Ý tưởng và thông tin, dữ liệu trong văn bản thông tin thường được trình bày theo một số cách nhất định để hỗ trợ người đọc nhận ra mối liên hệ giữa chúng, chẳng hạn như: ý chính và nội dung chi tiết, trật tự thời gian, cấu trúc nguyên nhân – kết quả, cấu trúc so sánh – đối chiếu, cấu trúc vấn đề – cách giải quyết.

 

Câu 4: Nội dung chính của văn bản này là gì? Các yếu tố hình thức của văn bản đã hỗ trợ như thế nào cho việc biểu đạt nội dung chính? Hãy lí giải.

Trả lời:

- Nội dung chính của văn bản là cung cấp thông tin về nhiều mặt cho người đọc về hàng Sơn Đoòng.

- Các yếu tố hình thức trong văn bản: nhan đề, các đề mục, hình ảnh, chú thích cho hình ảnh, sơ đồ,… Tác dụng:

+ Hình ảnh, sơ đồ giúp cho người đọc có thể hình dung rõ hơn về vẻ đẹp cũng như sự rộng lớn, đồ sộ của hang Sơn Đoòng.

+ Các đề mục giúp phân tách các ý chính trong văn bản một cách rõ ràng, giúp người đọc dễ theo dõi.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Vẽ sơ đồ tóm tắt bố cục của văn bản. Bố cục ấy có mối quan hệ như thế nào với nhan đề của văn bản?

Trả lời:

Bố cục văn bản:Bố cục có quan hệ trực tiếp với nhan đề. Bố cục giúp làm sáng tỏ vấn đề được nói tới trong nhan đề.

 

Câu 2: Phần văn bản “Sơn Đoòng – Đệ nhất kì quan” trình bày dữ liệu và thông tin theo (những) cách nào? Dựa vào đâu bạn có thể xác định được như vậy? Nhận xét về hiệu quả của (các) cách trình bày ấy trong văn bản.

Trả lời:

- Phần văn bản này được trình bày theo một số cách:

+ Trình tự thời gian: Các thời điểm được đưa ra: 1990, 2008, 2009,…

+ Ý chính và nội dung chi tiết: Ta có thể nhận thấy điều này qua các ý nêu ở phần trả lời câu 1. Mỗi ý sẽ có các nội dung chi tiết bổ trợ cho ý đó. Ví dụ: ý Kích thước hang động, văn bản đã trình bày hàng loạt các số liệu về kích thước của hang.

- Hiệu quả của các cách trình bày này: Giúp người đọc dễ dàng theo dõi văn bản, hình thành được tiến trình lịch sử, tạo điều kiện cho người đọc hình dung, liên tưởng.

 

Câu 3: Chỉ ra các trích dẫn trong văn bản và nêu tác dụng.

Trả lời:

- Tờ Thời báo New York đánh giá Sơn Đoòng là một trong những điểm đáng đến nhất thế giới.

- Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam, Tạ Hoà Phương cho rằng: “Hình thức … có khả năng hồi phục”.

- Chuyên gia hang động, Hao-ot Lim-bo cũng cho rằng: [...] “Sơn Đoòng … người dân sở tại.”

=> Tác dụng: làm tăng độ tin cậy, minh bạch, cho phép người đọc theo dõi và tìm được nguồn trích dẫn.

 

Câu 4: Các đoạn văn nằm trong ô màu tím có nhiệm vụ gì trong văn bản?

Trả lời:

- Các đoạn văn này có nhiệm vụ cung cấp một số thông tin thêm, bổ sung cho văn bản chính. Ví dụ đoạn “Sơn Đoòng còn là … sau của hang…” bổ sung thêm các thông tin về động vật cho văn bản chính.

 

Câu 5: Hãy liệt kê các số liệu cho thấy sự kì vĩ của hang Sơn Đoòng.

Trả lời:

- Chiều dài nhánh chính của hang Sơn Đoòng là 4,45 km

- Khoảng cách tính từ nền lên tới trần hang bên trong, nơi cao nhất là 203 m.

- Từ đỉnh cao nhất của hố sụt xuống đến nền hang, khoảng cách lên tới 304 m.

- Nơi lòng hang rộng nhất, theo kích thước đo đạc là 147 m.

- Thể tích của toàn bộ hang Sơn Đoòng đạt tới 12,5 triệu mét khối.

- Trong hang, có những cột nhũ đá cao tới 70 m.

- “Bức tường” thạch nhũ khổng lồ cao xấp xỉ 100 m, chắn hết chiều rộng phía cuối hang và nối với hang chính bằng một hồ nước dài cỡ 500 m.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Xác định thái độ của tác giả được thể hiện qua văn bản và chỉ ra căn cứ để xác định (những) thái độ đó.

Trả lời:

Thái độ của tác giả thể hiện qua văn bản: 

- Thái độ trung thực, khách quan: Điều này thể hiện qua các dữ kiện được đưa vào văn bản đều chuẩn xác, có nguồn cụ thể.

- Thái độ thích thú, ngượng mộ sự kì vĩ của hang Sơn Đoòng: Điều này thể hiện qua ngôn từ, cách diễn đạt: “gìn giữ được “báu vật” này”, “chúng ta sẽ thấy khả năng tạo tác thần kỳ của bà mẹ thiên nhiên quả là không giới hạn”, “điểm đặc biệt cuối cùng mà Sơn Đoòng dành tặng du khách trước khi chia tay là “Bức tường Việt Nam”,…

 

Câu 2: Tìm thông tin chính và các chi tiết được trình bày trong đoạn văn: “Điểm đặc biệt của Sơn Đoòng là có hai hố sụt … cây ưa bóng râm chen dày, thực vật biểu sinh như tầm gửi, phong lan,…”. Các chi tiết này đóng vai trò gì trong việc thể hiện thông tin chính của đoạn văn?

Trả lời:

- Thông tin chính: thảm thực vật / đặc trưng tự nhiên của hai hố sụt

- Các chi tiết hỗ trợ thể hiện thông tin chính: Các câu từ câu thứ ba đến hết. Các câu này đều đề cập đến thực vật trong hai hố sụt.

 

Câu 3: Hãy nhận xét về phần sapo của văn bản.

Trả lời:

- Phần sapo là đoạn in đậm ở đầu văn bản.

- Phần sapo này đã nêu ra hai vấn đề sẽ được trình bày trong văn bản: vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng và vấn đề bảo vệ, giữ gìn. => Tác dụng: thu hút và định hướng người đọc.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Bạn có đồng ý với quan điểm của người viết được thể hiện ở phần văn bản “Để phát triển bền vững hang động lớn nhất thế giới – Sơn Đoòng” không? Vì sao?

Trả lời:

Hãy trả lời theo quan điểm của em.

Ví dụ 1: Em đồng tình với quan điểm của người viết là áp dụng hình thức khai thác du lịch mạo hiểm, khám phá để bảo vệ môi trường, duy trì trạng thái nguyên vẹn của hang động thay vì đưa tới du lịch đại trà. Phát triển kinh tế luôn phải đi đôi với bảo vệ môi trường là kiểu phát triển bền vững, lâu dài. Tuy lợi nhuận chúng ta thu được từ hình thức này không nhiều như phát triển du lịch đại trà nhưng nó có tính an toàn. Nếu trong tương lai khi công nghệ phát triển việc chúng ta có thể phát triển du lịch đại trà cũng chưa muộn.

Ví dụ 2: Em không đồng tình với quan điểm của người viết vì việc quảng bá và tận dụng phát triển du lịch ở hang Sơn Đoòng là một điều cần thiết cho địa phương Quảng Bình nói riêng và cho toàn ngành du lịch Việt Nam nói chung. Chúng ta nên đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc du khách không thể gây tác động xấu cho môi trường hang động thay vì không phát triển du lịch đại trà. 

 

Câu 2: Đề tài của văn bản Sơn Đoòng – thế giới chỉ có một có ý nghĩa như thế nào với ngành du lịch Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung? Từ đó, bạn có suy nghĩ gì về việc khai thác và bảo tồn các kì quan thiên nhiên?

Trả lời:

- Đề tài của văn bản giúp quảng bá hình ảnh của hang Sơn Đoòng đến với công chúng đồng thời giúp người đọc nhận thức được vấn đề khai thác du lịch đi đôi với phát triển bền vững. 

- Quan điểm về việc khai thác và bảo tồn các kì quan thiên nhiên: Hai công việc này cần phải đi đôi với nhau để đảm bảo phát triển bền vững.



=> Giáo án Ngữ văn 11 chân trời Bài 4 Đọc 1: Sơn Đoòng - thế giới chỉ có một

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay