Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo Bài 2 văn bản 2: Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2 văn bản 2: Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 chân trời sáng tạo
BÀI 2: HÀNH TRANG VÀO TƯƠNG LAIVĂN BẢN 2: NGƯỜI TRẺ VÀ NHỮNG HÀNH TRANG VÀO THẾ KỈ XXI
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (4 câu)
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (4 câu)
Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI (tác giả, thể loại, nội dung,…).
Trả lời:
- Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Đức Dũng
- Thể loại: văn bản nghị luận
- Văn bản được trích trong Giáo dục trong kỉ nguyên của sự bất định, tạp chí Tia sáng, số Tết 2 + 3, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, ngày 20/02/2022.
- Nội dung: Văn bản đã đưa ra được những hành trang thiết yếu đối với người trẻ để có thể ứng phó với những bất định có thể xảy ra trong thế kỉ XXI. “Khung kĩ năng thế kỉ XXI” là mô hình mà người trẻ nên học và làm theo.
Câu 2: Hãy trình bày về tính thuyết phục của lí lẽ, bằng chứng trong văn bản nghị luận và các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận.
Trả lời:
- a) Tính thuyết phục của lí lẽ, bằng chứng trong văn bản nghị luận
- Để làm nên sức hấp dẫn, thuyết phục của văn bản nghị luận, cần có những lí lẽ, bằng chứng thích hợp, chính xác, đầy đủ. Tính thuyết phục của lí lẽ thể hiện ở chỗ soi chiếu vấn đề trên nhiều khía cạnh, có những cơ sở vững chắc (từ lí thuyết và thực tiễn) để làm điểm tựa cho lập luận. Lí lẽ cần được lập luận một cách chặt chẽ, đảm bảo đủ cơ sở và kết luận. Tính thuyết phục của bằng chứng thể hiện ở việc lựa chọn bằng chứng phù hợp, cụ thể, tiêu biểu, xác thực để làm sáng tỏ lí lẽ. Tính thuyết phục của lí lẽ, bằng chứng còn thể hiện ở những cách biểu đạt độc đáo, ấn tượng, giàu tính hùng biện, nhằm tác động vào tư tưởng, tình cảm của người đọc.
- b) Yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận
- Các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự được đưa vào văn bản nghị luận giúp người đọc hình dung về luận đề, bằng chứng trong văn bản. Yếu tố thuyết minh cung cấp tri thức về nguồn gốc, cấu tạo, vai trò, ý nghĩa,... của đối tượng cần bàn luận. Yếu tố miêu tả thể hiện các đặc điểm, tính chất nổi bật của con người, con vật, đồ vật, cảnh sinh hoạt,... Yếu tố tự sự thuật lại các sự việc liên quan đến luận đề, luận điểm, các bằng chứng trong văn bản. Các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận cần đáp ứng mục đích của văn bản là thuyết phục người đọc về ý kiến, quan điểm của người viết.
Câu 3: Hãy trình bày về đặc điểm của nhan đề văn bản nghị luận.
Trả lời:
- Nhan đề của văn bản nghị luận thường khái quát nội dung chính của văn bản. Bên cạnh đó, để tăng sức thuyết phục, người viết có thể chọn những nhan đề độc đáo, khơi gợi cảm xúc nơi người đọc. Ví dụ: Nguyễn Ái Quốc đã đặt nhan đề cho chương một của Bản án chế độ thực dân Pháp là Thuế máu. Đây là một nhan đề giàu hình ảnh và giá trị biểu cảm, gây ấn tượng mạnh cho người đọc về tội ác của chính quyền thực dân và số phận bi thảm của nhân dân các nước thuộc địa trong chiến tranh.
Câu 4: Hãy nhận xét về nhan đề của văn bản.
Trả lời:
- Nhan đề của văn bản: “Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI”.
- Nhan đề được đặt theo kiểu nêu ra những vấn đề chính sẽ được bàn luận trong văn bản.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Xác định luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản và mối liên hệ giữa các yếu tố ấy.
Trả lời:
- Luận đề: Người trẻ cần phát triển và xây dựng bản thân theo “Khung kĩ năng thế kỉ XXI” đề chuẩn bị cho những bất định xảy ra.
Hệ thống luận điểm:
- Luận điểm 1: Trong bối cảnh toàn cầu hoá sâu rộng của thế giới thế kỉ XXI, các sự bất định gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi người trẻ phải trang bị được những thứ cần thiết để đáp ứng được nhu cầu của thực tế.
+ Lí lẽ: thế giới đã trở nên “phẳng” và “ảo” với mạng Internet và các ứng dụng công nghệ truyền thông; thế giới đương đại càng ngày càng ẩn chứa đa liên kết phức tạp, sự bất định cũng trở nên phức tạp bội phần; dùng “Nguyên lí bất định” của Heisenberg trong vật lí lượng tử hiện đại để phân tích những bất định trong thế giới đương đại.
- Luận điểm 2: Người trẻ cần trang bị hành trang tri thức.
- 2.1: Kiến thức cốt lõi của ngành
- 2.2: Kiến thức liên ngành.
+ Lí lẽ: Thế giới hiện đại cho thấy không thể chia tách các ngành, các lĩnh vực, mà chúng tồn tại ràng buộc, lệ thuộc, tương tác với nhau. Do vậy, bên cạnh kiến thức cốt lõi của ngành, còn cần phải nắm bắt được kiến thức của các ngành gần, các ngành liên quan.
+ Bằng chứng: Câu chuyện chống dịch Covid-19 trên thế giới.
- 2.3: Khối kiến thức chung.
- 2.3.1: Khối các môn học cốt lõi: tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ toàn cầu (tiếng Anh), Nhân văn, Toán, Kinh tế, Khoa học, Địa lí, Lịch sử và Quản lí nhà nước – Trách nhiệm dân sự
- 2.3.2: Khối kiến thức chung liên ngành: hiểu biết về vấn đề toàn cầu, tài chính, kinh tế, kinh doanh, vai trò và trách nhiệm dân sự, y tế và sức khoẻ, môi trường
- Lí lẽ: Có thể thấy khung kĩ năng đã đặt ra các khối nội dung kiến thức xã hội khá rộng, đòi hỏi sinh viên phải hiểu biết về môi trường đang sống, và phải có liên kết, gắn bó với môi trường xung quanh.
- Luận điểm 3: Người trẻ cần chuẩn bị hành trang về kĩ năng.
+ Lí lẽ, bằng chứng: Thiếu kĩ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường lao động sau tốt nghiệp đại học là vấn đề của nhiều quốc gia. “Khung kĩ năng thế kỉ XXI” là chỉ dẫn giúp thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo ở đại học với nhu cầu của doanh nghiệp.
- Luận điểm 4: Hành trang không thể thiếu đó là thái độ.
+ Lí lẽ: Tác giả liên hệ với sự bất định đã phân tích ở trên để lí giải về những thái độ người trẻ cần có. Chúng ta có thể lường trước sự bất định đến từ đâu, chứ không phải chúng ta mù mờ về tương lai và cho rằng tương lai là không thể xác định. Nhận thức như vậy giúp chúng ta có thái độ phù hợp với sự bất định.
Mối liên hệ giữa các yếu tố: Luận điểm 1 đưa ra vấn đề, các luận điểm sau trình bày những giải pháp. Bằng chứng và lĩ lẽ hỗ trợ tốt cho các luận đề.
Câu 2: Các luận điểm trong bài viết đã làm sáng tỏ luận đề như thế nào? Theo bạn, lí lẽ, bằng chứng nào là tiêu biểu?
Trả lời:
- Các luận điểm đã trình bày những hành trang cần thiết như tri thức, kĩ năng và thái độ mà người trẻ cần có để giải quyết những bất định ở thế kỉ XXI. Đây là cách đưa ra lập luận chứng minh trực tiếp cho vấn đề được đặt ra ở luận đề.
- Đối với câu hỏi thứ hai. Hãy trả lời theo quan điểm của em. Ví dụ:
+ Lí lẽ tiêu biểu: “Thiếu kĩ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường lao động sau tốt nghiệp đại học là vấn đề của nhiều quốc gia. “Khung kĩ năng thế kỉ XXI” là chỉ dẫn giúp thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo ở đại học với nhu cầu của doanh nghiệp.” => Tác giả đã đề cập đến một vấn đề trọng tâm của tình trạng lao động và việc làm hiện nay.
+ Bằng chứng tiêu biểu: “Câu chuyện của giải pháp liên ngành đã được nhắc từ nhiều năm nay trở nên hiển hiện nhất trong đại dịch Covid-19. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, chống dịch cấp quốc gia và trên toàn cầu là bài toán không thể giải chỉ bằng các mô hình dịch tễ hay các giải pháp y tế, mà còn đòi hỏi các tính toán về công bằng, an sinh xã hội, về tâm lí xã hội và cách tiếp cận cộng đồng.” => Đây là một bằng chứng khách quan, chân thực, nhiều người biết và hiểu.
Câu 3: Nêu tác dụng của các yếu tố thuyết minh trong văn bản.
Trả lời:
- Các đoạn có yếu tố thuyết minh: “Khối các môn học cốt lõi … ô nhiễm nguồn nước, phá rừng,…)”; “P21 đưa ra ba khối … ứng phó với bất định”.
- Tác dụng: Giúp trình bày các thông tin, phân loại của “Khung kĩ năng thế kỉ XXI”, hướng đến hỗ trợ lập luận về các kiến thức, kĩ năng cần có.
Câu 4: Bạn hãy chỉ ra mục đích và thái độ của người viết được thể hiện trong văn bản.
Trả lời:
- Mục đích của người viết: chứng minh cho người đọc thấy tầm quan trọng của việc trang bị tri thức, kĩ năng, thái độ và đưa ra những việc cần làm để giải quyết bài toán của thế kỉ XXI.
- Thái độ của người viết: nghiêm túc, với mong muốn giúp người trẻ phát triển. Ta có thể thấy điều đó qua những thông tin thuyết minh, những luận điểm, ngôn từ không mang nhiều màu sắc cảm xúc.
Câu 5: Bạn có đồng ý với “thái độ phù hợp với sự bất định” được trình bày ở đoạn cuối của văn bản không? Vì sao?
Trả lời:
Đồng ý vì:
- Như văn bản đã nói, sự sẵn sàng, chủ động giúp chúng ta tránh được những hoang mang, sợ hãi và đưa ra được những quyết định đúng đắn.
- Nếu chúng ta có thái độ không phù hợp, điều đó sẽ khiến chúng ta nản chí, chùn bước trước mọi điều sẽ xảy ra. Con người cần mạnh mẽ trước mọi tình huống, đây là điều mà nhiều người thành công trên thế giới quan niệm.
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Trong “Khung kĩ năng thế kỉ XXI”, những kĩ năng nào bạn thấy bản thân cần trau dồi thêm? Bạn sẽ làm gì để hình thành, phát triển các kĩ năng ấy?
Trả lời:
- Hãy tự đánh giá khả năng của bản thân và đưa ra câu trả lời.
Ví dụ: Dựa vào “Khung kĩ năng thế kỉ XXI”, tôi thấy tôi cần trau dồi thêm bộ kĩ năng sống và làm việc và bộ kĩ năng ICT. Tôi sẽ thường xuyên giao lưu với bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, tìm hiểu trước nghề nghiệp tương lai để nâng cao kĩ năng sống và làm việc. Tôi sẽ học cách sử dụng các phần mềm máy tính phổ biến vào thời gian rảnh.
Câu 2: Hãy nhận xét, đánh giá về lập luận của tác giả (Lập luận trong văn bản có thuyết phục không?)
Trả lời:
- Văn bản đa phần hướng về cung cấp thông tin về những hành trang mà người trẻ cần chuẩn bị. Các lí lẽ, dẫn chứng đưa ra không nhiều. => Nếu chỉ xét riêng văn bản thì ta có thể thấy là văn bản lập luận chưa thật thuyết phục, tất nhiên, nếu xét trên toàn bộ văn bản không bị lược bớt thì nó có thể là một câu chuyện khác. Em có thể liên hệ với bản thân mình sau khi đọc văn bản rằng mình có thực sự cần phải thay đổi bản thân để đi theo khung kĩ năng hay không?
Câu 3: Liên hệ thực tế và kể ra một vài sự bất định (theo quan điểm của văn bản).
Trả lời:
Một vài sự bất định:
- Chiến tranh bùng nổ
- Dịch bệnh bùng phát, học online
- Công nghệ phát triển nhanh chóng khiến cho nhiều người lao động mất việc
- Tác hại không thể lường trước được khi để con trẻ chơi điện thoại mà không kiểm soát
- Bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo
…
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Hãy nhận xét, đánh giá bộ hành trang mà tác giả đưa ra.
Trả lời:
- Hãy trả lời theo quan điểm của em.
- Ví dụ 1: Tôi thấy bộ hành trang này rất toàn diện, phù hợp với thực tiễn vì nó giúp người trẻ có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống, có thể hướng tới một cuộc sống hạnh phúc và không bị tụt hậu. Bộ hành trang, dựa trên kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng, nó đã tập hợp được nhiều quan điểm, đánh giá, phân tích từ những giáo sư, tiến sĩ cho đến những người thành công, người nổi tiếng.
- Ví dụ 2: Tôi thấy bộ hành trang này “quá nặng”. Bộ hành trang này dàn trải trên nhiều vấn đề, nhiều nội dung. Bộ hành trang nhìn qua thì thấy toàn diện, đáp ứng được nhiều vấn đề trong công việc và cuộc sống tuy nhiên nếu bắt tay vào làm thử chúng ta có thể gặp vô số vấn đề như: có quá nhiều kiến thức phải học, việc học lan tràn khiến kiến thức chuyên môn bị hổng, các kiến thức có thể không duy trì được lâu (nay học mai quên),… Hơn nữa, khung này xem chừng chỉ áp dụng được với một số đối tượng có điều kiện, còn nhìn trên tổng thể, nhiều người trẻ, nhiều trường học, khu vực khó lòng có thể đáp ứng được. Nói chung, bộ hành trang không thật tối ưu.
Câu 2: Hãy nêu những sự khác nhau về cách lập luận giữa văn bản Một cây bút và một quyền sách có thể thay đổi thế giới (1) và Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI (2).
Trả lời:
- Văn bản (1) theo thiên hướng một bài diễn văn, văn bản (2) theo thiên hướng một bài cung cấp thông tin.
- Ở văn bản (1), tác giả đã đưa ra nhiều bằng chứng có thật, chuẩn xác trong thực tế nhằm tạo sự đồng cảm, đồng tình nơi người đọc, người nghe. Văn bản (1) có sự lồng ghép nhiều cảm xúc, thái độ. Ở văn bản (2), tác giả đưa ra ít bằng chứng, các lĩ lẽ mang tính khái quát thực tế, chủ yếu được dùng làm cơ sở để truyền tải thông tin. Văn bản (2) ít có sự lồng ghép cảm xúc, thái độ.
=> Giáo án Ngữ văn 11 chân trời Bài 2 Đọc 2: Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI