Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo Bài 2 Thực hành Tiếng Việt: Cách giải thích nghĩa của từ (tiếp)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2 Thực hành Tiếng Việt: Cách giải thích nghĩa của từ (tiếp). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo

BÀI 2: HÀNH TRANG VÀO TƯƠNG LAI

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: CÁCH GIẢI THÍCH NGHĨA CỦA TỪ
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Giải thích nghĩa của các từ in đậm trong những trường hợp sau. Chỉ ra cách giải thích từ ngữ mà bạn đã sử dụng. 

  1. Hôm nay là ngày của tất cả mọi phụ nữ, mọi thanh thiếu niên nam nữ đã cất cao tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của mình.
  2. Sức mạnh của giáo dục khiến họ sợ hãi.
  3. Có thể thấy bộ kĩ năng đã đặt ra các khối nội dung kiến thức xã hội khá rộng, đòi hỏi sinh viên phải hiểu biết về môi trường đang sống, và phải có liên kết, gắn bó với môi trường xung quanh.
  4. Để chiến thắng được sức mạnh khổng lồ của thiên nhiên, ông lão phải vận dụng hết kinh nghiệm, trí thông minh, lòng dũng cảm của một ngư dân sống cả đời trên biển.

Trả lời:

  1. a) Quyền lợi: quyền được hưởng những lợi ích nào đó về vật chất, tinh thần

=> Cách giải thích nghĩa: Phân tích nội dung nghĩa của từ

  1. b) Giáo dục: hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra

=> Cách giải thích nghĩa: Phân tích nội dung nghĩa của từ

  1. c) Hiểu biết: giống như “hiểu” và “biết” như nói một cách khái quát

=> Cách giải thích nghĩa: Dùng từ đồng nghĩa với từ cần giải thích

  1. d) Chiến thắng: chiến – chiến đấu; thắng – giành được phần hơn => chiến thắng: giành được phần thắng trong chiến tranh, chiến đấu hoặc trong một cuộc thi đấu thể thao

=> Cách giải thích nghĩa: Giải thích nghĩa của từng thành tố cấu tạo nên từ

 

Câu 2: Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã giải thích các nghĩa của từ “quả” (danh từ) như sau:

  1. Bộ phận của cây do bầu nhuỵ hoa phát triển mà thành, bên trong chứa hạt. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (tục ngữ). 2. Từ dùng để chỉ từng đơn vị những vật có hình giống như quả cây. Quả bóng. Quả trứng gà. Quả lựu đạn. Quả tim. Đấm cho mấy quả (khẩu ngữ). 3. Đồ để đựng bằng gỗ, hình hộp tròn, bên trong chia thành nhiều ngăn có nắp đậy. Quả trầu. Bưng quả đồ lễ. 4. (kết hợp hạn chế; dùng đi đôi với nhân). Kết quả (nói tắt). Có nhân thì có quả. Quan hệ giữa nhân và quả. 5. (khẩu ngữ) Món lợi thu được trong làm ăn, buôn bán. Thắng quả. Trúng quả. Thua liền mấy quả.

Hãy cho biết:

  1. Trong các nghĩa của từ “quả”, nghĩa nào là nghĩa gốc, nghĩa nào là nghĩa chuyển? 
  2. Các nghĩa của từ “quả” được giải thích theo cách nào?

Trả lời:

  1. a) Chỉ có nghĩa 1 là nghĩa gốc còn tất cả các nghĩa sau đều là nghĩa chuyển. Cách nghĩa sau mang tính hình ảnh.
  2. b) Các nghĩa của từ “quả” được giải thích theo cách phân tích nội dung nghĩa của từ và có kết hợp chỉ ra phạm vi sử dụng.

 

Câu 3: Phần giải thích nghĩa của các từ sau đây đã chính xác hay chưa? Vì sao?

  1. Đả kích (động từ): việc phê phán, chỉ trích gay gắt đối với người, phía đối lập hoặc coi là đối lập.
  2. Khép nép (tính từ): điệu bộ như muốn thu nhỏ người lại để tránh sự chú ý, sự đụng chạm hoặc để tỏ ra vẻ ngại ngùng hay kính cẩn.
  3. Trắng (tính từ): màu của vôi, của bông.

Trả lời:

  1. a) Chưa chính xác. Vì từ “việc” đặt trước động từ là để biến thành cụm danh từ. Ở trường hợp này cần bỏ từ “việc”.
  2. b) Chưa chính xác. Vì “điệu bộ như …” là kiểu giải nghĩa cho danh từ. Ở trường hợp này cần sửa lại thành: “chỉ / có điệu bộ …”.
  3. c) Chưa chính xác. Tương tự như câu b. Sửa lại: “có màu của vôi, của bông”.

 

Câu 4: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày một mục tiêu của bạn trong tương lai và những giải pháp để đạt được mục tiêu ấy. Hãy giải thích nghĩa của hai từ ngữ trong đoạn văn và cho biết bạn đã giải thích theo cách nào.

Trả lời:

Tham khảo:

Trong tương lai ngắn hạn, em có mơ ước thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện tại, em học rất tốt các môn tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hoá) nhưng hơi yếu về tiếng Anh và tin học. Em dự tính sẽ đi học và ôn luyện hai môn này ở các trung tâm để nâng cao nhanh chóng trình độ. Em cũng sẽ nghiên cứu kĩ các chuyên ngành mà Đại học Bách khoa tuyển sinh, đánh giá năng lực của em và xem xét cơ hội nghề nghiệp để có thể chọn được các ngành học phù hợp nhất. Em có thể sẽ phải tìm kiếm và liên hệ với những người đã học ở trường này để tìm hiểu thêm. Em hi vọng là với những hoạch định đó, em sẽ thi đỗ.

- Ngắn hạn: “hạn” – thời hạn => “ngắn hạn”: có thời hạn tương đối ngắn; phân biệt với dài hạn, trung hạn.

=> Cách giải thích nghĩa: giải thích từ thành tố cấu tạo nên từ.

- Tuyển sinh: tuyển học sinh, sinh viên vào trường học

=> Cách giải thích nghĩa: phân tích nội dung nghĩa của từ

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: a) Trong câu thơ Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo (Thu điếu, Nguyễn Khuyến), từ được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Hãy xác định nghĩa đó.

  1. b) Trong tiếng Việt, từ còn được dùng theo nhiều nghĩa khác trong những trường hợp sau:

– lá gan, lá phổi, lá lách,...

– lá thu, lá đơn, lá thiếp, lá phiếu, lá bài,...

– lá cờ, lá buồm,...

– lá cót, lá chiếu, lá thuyền,...

– lá tôn, lá đồng, lá vàng....

Hãy xác định nghĩa của từ lá trong mỗi trường hợp kể trên, cho biết cơ sở và phương thức chuyển nghĩa của từ lá.

Trả lời:

  1. a) Trong câu thơ “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”, từ được dùng theo nghĩa gốc. Đó là nghĩa: chỉ bộ phận của cây, thường ở trên ngọn hay trên cành cây, thường có màu xanh, thường có hình dáng mỏng, có bề mặt.
  2. b) – dùng với các từ chỉ bộ phận cơ thể người.

dùng với các từ chỉ vật bằng giấy.

dùng với các từ chỉ vật bằng vải.

dùng với các từ chỉ vật bằng tre, nứa, cỏ,...

dùng với các từ chỉ kim loại.

Tuy trong các trường hợp trên, từ lá dùng ở các trường nghĩa khác nhau, nhưng vẫn có điểm chung:

– Khi dùng với các nghĩa đó, từ gọi tên các vật khác nhau, nhưng các vật đó có điểm giống nhau (tương đồng): đó đều là các vật có hình dáng mỏng, dẹt như cái lá cây.

– Do đó các nghĩa của từ có quan hệ với nhau: đều có nét nghĩa chung (chỉ thuộc tính có hình dáng mỏng như lá cây).

 

Câu 2: Các từ có nghĩa gốc chỉ bộ phận cơ thể người (đầu, chân, tay, miệng, ốc, tim,...) có thể chuyển nghĩa để chỉ cả con người. Hãy đặt câu với mỗi từ đó theo nghĩa chỉ cả con người.

Trả lời:

Ví dụ:

– Trinh sát của ta đã tóm được một cái lưỡi. (Ý nói bắt được một tù binh để khai thác tin tức bí mật của đối phương – cái lưỡi là cơ quan nói năng của con người). 

– Nó thường giữ chân hậu vệ trong đội bóng của trường (cầu thủ).

– Nhà ông ấy có năm miệng ăn (năm người).

– Giăng Van–giăng trong truyện "Những người khốn khổ" là một trái tim nhân hậu (người nhân hậu).

– Đó là những gương mặt mới trong làng thơ Việt Nam (người làm thơ).

 

Câu 3: Tìm các từ có nghĩa gốc chỉ vị giác có khả năng chuyển nghĩa chỉ đặc điểm của âm thanh (giọng nói), chỉ tính chất của tình cảm, cảm xúc. Hãy đặt câu với mỗi từ đó theo nghĩa chuyển.

Trả lời:

Các từ chỉ vị giác là: mặn, ngọt, chua, cay, đắng, chát, bùi,... Một số ví dụ trong đó các từ này chuyển nghĩa để chỉ:

– Đặc điểm của âm thanh, lời nói:

+ Nói ngọt lọt đến xương.

+ Một câu nói chua chát.

+ Những lời mời mặn nồng, thắm thiết.

– Mức độ của tình cảm, cảm xúc:

+ Tình cảm ngọt ngào của mọi người làm tôi rất xúc động.

+ Nó đã nhận ra nỗi cay đắng trong tình cảm gia đình.

+ Anh ấy đang mải mê nghe câu chuyện bùi tai.

 

Câu 4: Tìm từ đồng nghĩa với từ cậy, từ chịu trong câu thơ (Truyện Kiều, Nguyễn Du):

Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thua.

Giải thích lí do tác giả chọn dùng từ cậy, từ chịu mà không dùng các từ đồng nghĩa với mỗi từ đó.

Trả lời:

– Từ cậy có từ nhờ là từ đồng nghĩa. Chúng có sự giống nhau về nghĩa: "bằng lời nói tác động đến người khác với mục đích mong muốn họ giúp mình làm một việc gì đó". Nhưng cậy khác từ nhờ ở nét nghĩa: dùng cậy thì thể hiện được niềm tin vào sự sẵn sàng giúp đỡ và hiệu quả giúp đỡ của người khác. Do đó, Thuý Kiều dùng từ cậy là thể hiện sự tin tưởng ở Thuý Vân trong sự thay thế mình.

– Từ chịu có các từ đồng nghĩa là nhận, nghe, vâng (kết hợp với từ lời) vì đều chỉ sự đồng ý, sự chấp thuận với lời người khác. Tuy thế, các từ đó vẫn có sắc thái khác nhau:

+ nhận: sự tiếp nhận, đồng ý một cách bình thường.

+ nghe, vâng: đồng ý, chấp thuận của kẻ dưới đối với người trên, thể hiện thái độ ngoan ngoãn, kính trọng.

+ chịu (lời): thuận theo lời người khác, theo một lẽ nào đó mà mình có thể không ưng ý. Thuý Kiều dùng từ chịu để nói rằng việc thay thế là việc có thể Thuý Vân không ưng ý nhưng hãy vì tình chị em mà nhận lời.

 

Câu 5: Hãy chọn từ ngữ phù hợp nhất để điền vào chỗ trống trong mỗi câu sau và giiar thích lí do.

  1. a) “Nhật kí trong tù” ……………. một tấm lòng yêu nước. (phản ánh, thể hiện, bộc lộ, canh cánh, biểu hiện, biểu lộ)
  2. b) Anh ấy không ……………. gì đến việc này. (dính dấp, quan hệ, can dự, liên hệ, liên can, liên luỵ)
  3. c) Việt Nam muốn làm …………… với tất cả các nước trên thế giới. (bầu bạn, bạn hữu, bạn, bạn bè)

Trả lời:

  1. a) Chọn canh cánh vì:

– Các từ khác, nếu dùng, chỉ nói đến một tấm lòng nhớ nước như một đặc điểm nội dung của tác phẩm Nhật kí trong tù.

– Từ canh cánh khắc hoạ tâm trạng day dứt triền miên của tác giả Hồ Chí Minh. Khi dùng từ canh cánh thì cụm từ chủ ngữ "Nhật kí trong tù" được chuyển nghĩa: không chỉ thể hiện tác phẩm, mà còn biểu hiện con người, tức tác giả (nhân hoá Nhật kí trong tù).

  1. b) Chỉ có thể dùng ở câu này từ: liên can. Còn các từ khác không phù hợp về ngữ nghĩa hoặc sự kết hợp ngữ pháp.
  2. c) Các từ bầu bạn, bạn hữu, bạn, bạn bè đều có nghĩa chung là bạn, nhưng khác nhau ở chỗ:

bầu bạn có nghĩa khái quát, chỉ cả một tập thể nhiều người, lại có sắc thái gần gũi của khẩu ngữ. Ở câu văn trong bài, chủ ngữ nói đến Việt Nam (số ít) nên không thể dùng từ bầu bạn.

bạn hữu lại có ý nghĩa cụ thể, chỉ những người bạn thân thiết, cho nên không phù hợp để nói về quan hệ giữa các quốc gia.

bạn bè cũng có nghĩa khái quát và còn có sắc thái thân mật, nhưng Việt Nam (số ít) nên không thể dùng từ này.

=> Do vậy, câu này chỉ có thể điền từ bạn

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Cách giải thích nghĩa của từ Trình bày khái niệm mà từ đó biểu thị cần đảm bảo những yêu cầu gì?

Trả lời:

- Phải nêu đầy đủ các khía cạnh của khái niệm, vừa chỉ được “loại” mà đối tượng thuộc vào, vừa chỉ được tính đặc thù của đối tượng so với các đối tượng khác cùng loại. Ví dụ về cách giải thích từ tượng đài: “Công trình kiến trúc lớn gồm một hoặc một nhóm tượng, đặt ở địa điểm thích hợp, dùng làm biểu trưng cho một dân tộc, một địa phương, đánh dấu một sự kiện lịch sử hay tưởng niệm người có công lao lớn.” Trong lời giải thích trên, ý “công trình kiến trúc lớn” đã đặt tượng đài vào loại chung của nó là kiến trúc, còn các ý sau nêu tính đặc thù của tượng đài, giúp phân biệt nó với các công trình kiến trúc khác như dinh thự, lâu đài, thành quách, chung cư, nhà... Nếu việc giải thích chỉ dừng lại với ý đầu tiên thì chưa thể gọi là đạt yêu cầu.

 

Câu 2: Cách giải thích nghĩa của từ Nêu từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa cần đảm bảo những yêu cầu gì?

Trả lời:

- Trong một số trường hợp, có thể nêu cùng lúc 2 – 3 từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa để người tiếp nhận nắm bắt thuận lợi hơn về sắc thái nghĩa tinh tế của từ được giải thích. Ví dụ về cách giải thích từ hoan hỉ: đồng nghĩa với phấn khởi, vui vẻ, vui mừng,... và từ điềm đạm: trái nghĩa với nóng nảy, bộp chộp, hấp tấp,...

- Lưu ý: Thông thường, từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa dùng để giải thích cần phải phổ biến, dễ hiểu hơn so với từ được giải thích, ví dụ, có thể giải thích “phi trường là sân bay”, chứ không giải thích “sân bay là phi trường”; có thể giải thích “hậu đậu là vụng về”, chứ không giải thích “vụng về là hậu đậu”.

 

Câu 3: Cách giải thích nghĩa của từ Nêu từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa cần đảm bảo những yêu cầu gì?

Trả lời:

- Cách giải thích này có thể áp dụng đối với đa số từ ghép. Yếu tố dùng trong từ ghép có thể có nhiều nghĩa, vì vậy, khi giải thích, phải phán đoán để chọn đúng nghĩa nào có thể tương thích với nghĩa của yếu tố còn lại. Ví dụ, với từ di sản, khi giải nghĩa yếu tố di, trong các nghĩa mà di chỉ định như “sót”, “thừa ra”, “để lại cho người sau”, “tặng”, cần chọn nghĩa “để lại cho người sau”. Tương tự, với yếu tố sản, trong các nghĩa “sinh đẻ”, “sản xuất”, “của cải”, “sản phẩm”,... cần chọn nghĩa “của cải”. Từ việc ghép các nghĩa đã chọn, có thể có được một cách giải thích sát đúng với từ di sản: tài sản (vật chất hay tinh thần) mà người thời trước để lại. 

Lưu ý:

– Cách giải thích nêu trên không áp dụng cho loại từ ghép mang nghĩa biệt lập hoặc nghĩa thuật ngữ chuyên môn như: quân tử, tiểu nhân, kinh tế, du kích,...

– Sau khi đã giải thích nghĩa của từng yếu tố tạo nên từ, cần phải chú ý mối quan hệ giữa các yếu tố đó để thực hiện việc tổng hợp nghĩa. Mỗi loại từ ghép (ví dụ: từ ghép đẳng lập như giang sơn, xã tắc,...; từ ghép chính phụ như vĩ nhân, danh nhân,...) sẽ đòi hỏi những cách tổng hợp nghĩa khác nhau.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Vì sao trong các từ điển, bên cạnh việc giải thích nghĩa của từ, người ta thường nêu một số câu có sử dụng từ đó làm ví dụ?

Trả lời:

- Việc giải thích nghĩa của từ trong từ điển về cơ bản chỉ là dùng những từ thông dụng hơn, dễ hiểu hơn để giải nghĩa, nó không trình bày được toàn bộ những khía cạnh liên quan đến từ cần được giải thích vì thế khi người đọc xem giải thích nghĩa, họ có thể hiểu đại khái nghĩa của từ đó là gì nhưng cách dùng, dùng thế nào cho tự nhiên,… của từ đó thì người đọc có thể không hình dung được nên phải có một / một số câu làm ví dụ đi kèm.

 

Câu 2: Khi phân tích cái hay của những từ được dùng trong văn bản văn học, tại sao ta chưa thể thoả mãn với việc dùng từ điển để tìm hiểu nghĩa của chúng?

Trả lời:

Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, có tính nghệ thuật, thể hiện qua các đặc điểm: 

- Tính biểu cảm, truyền cảm: có khả năng chứa đựng, khơi gợi nhiều tình cảm, cảm xúc; 

- Tính đa nghĩa: các hình thức ẩn dụ, nhân hoá, tượng trưng,... khiến câu văn, câu thơ hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa; 

- Tính hình tượng: có khả năng khơi gợi hình ảnh, hình tượng, mang lại cho người đọc ấn tượng sinh động về sự vật được nói đến, từ đó có những liên tưởng, phán đoán thú vị; 

- Tính thẩm mĩ: ngôn ngữ văn học phải được gọt giũa, tinh luyện từ ngôn ngữ chung để đạt tới giá trị nghệ thuật, tạo được rung động thẩm mĩ trong người đọc.

=> Đó là lí do tại sao việc tìm nghĩa của từ ngữ trong tác phẩm văn học theo từ điển là không đủ để thấy được cái hay.



=> Giáo án Ngữ văn 11 chân trời Bài 2 Thực hành tiếng Việt: Cách giải thích nghĩa của từ

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay