Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo Bài 3 văn bản 2: Tú Uyên gặp Giáng Kiều

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3 văn bản 2: Tú Uyên gặp Giáng Kiều. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo

Xem: => Giáo án ngữ văn 11 chân trời sáng tạo

BÀI 1: KHAO KHÁT ĐOÀN TỤ 

VĂN BẢN 2: TÚ UYÊN GẶP GIÁNG KIỀU
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản Tú Uyên gặp Giáng Kiều (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời:

- Tác phẩm nguyên là truyện viết bằng chữ Hán, được cho là của Đoàn Thị Điểm, về sau được dịch ra truyện thơ Nôm và phổ biến rộng rãi. Trước đây, nhiều người cho rằng truyện thơ này là của một tác giả khuyết danh, nhưng theo các nhà nghiên cứu hiện nay thì người sáng tác truyện thơ là Vũ Quốc Trân (? – ?), người làng Đan Loan, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, từng sống ở phường Đại Lợi (một phần phố Hàng Đào thuộc Hà Nội ngày nay) vào khoảng giữa thế kỉ XIX.

- Văn bản trích từ tác phẩm Tú Uyên gặp Giáng Kiều.

- Nội dung: Đoạn trích kể về chàng Tú Uyên lúc nào cũng ôm tranh bên mình, lòng mơ tưởng đến người đẹp. Cho tới một ngày kia, chàng bắt gặp người đẹp bước ra từ trong tranh. Người đẹp đó là Giáng Kiều, người có duyên tiền định từ kiếp trước, nay xuống trần để kết duyên.

 

Câu 2: Hãy trình bày khái niệm và đặc điểm của truyện thơ Nôm.

Trả lời:

- Truyện thơ Nôm (hay truyện Nôm) là một thể loại văn học độc đáo của văn học Việt Nam, sáng tác dưới hình thức văn vần (Đường luật hoặc lục bát, song thất lục bát), có cốt truyện, phát triển mạnh vào cuối thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX; dùng thơ tiếng Việt viết bằng chữ Nôm (thường là thơ lục bát) để kể chuyện (trần thuật), có khả năng phản ánh về hiện thực xã hội và con người với một phạm vi tương đối rộng. Truyện thơ Nôm thường chia làm hai loại: 

+ Truyện thơ Nôm bình dân do các tác giả trong giới bình dân (thường là khuyết danh) sáng tác, chủ yếu lưu hành trong dân gian, nội dung phản ánh cuộc sống và khát vọng của người dân tầng lớp dưới, ngôn ngữ giản dị gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Ví dụ: Thạch Sanh, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa,... 

+ Truyện thơ Nôm bác học do các tác giả là trí thức Nho học (thường có tên tuổi, lai lịch rõ ràng) sáng tác, lưu hành rộng rãi nhưng chủ yếu vẫn trong giới trí thức tinh hoa, có nội dung phản ánh số phận và nhu cầu của giới trí thức, có chất lượng nghệ thuật cao. Ví dụ: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Mai đình mộng kí (Nguyễn Huy Hổ), Sơ kính tân trang (Phạm Thái),.. 

- Cốt truyện trong truyện thơ Nôm: Truyện thơ Nôm có thể sử dụng cốt truyện dân gian, cốt truyện trong văn học viết Trung Quốc hoặc cốt truyện lấy từ chính cuộc đời tác giả và thực tiễn đời sống. Cốt truyện trong truyện thơ Nôm thường được chia làm hai nhóm, thể hiện qua các mô hình sau: 

+ Mô hình Gặp gỡ (Hội ngộ) – Tai biến (Lưu lạc) – Đoàn tụ (Đoàn viên) 

+ Mô hình Nhân – Quả

- Nhân vật trong truyện thơ Nôm thường được chia thành hai tuyến rõ ràng: nhân vật chính diện (đại diện cho cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ) và nhân vật phản diện (đại diện cho cái xấu, cái ác, cái bảo thủ). Nhân vật chính diện thường được xây dựng theo khuôn mẫu như: chàng trai tài giỏi (tài tử), chung tình, hiếu học, trải qua nhiều khó khăn về sau thành đạt; cô gái xinh đẹp (giai nhân), nết na, đảm đang, hiếu thảo, luôn sắt son chung thuỷ,... 

- Ngôn ngữ trong truyện thơ Nôm: Truyện thơ Nôm được viết bằng chữ Nôm, có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình. Truyện thơ Nôm bình dân có ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, còn truyện thơ Nôm bác học sử dụng nhiều biện pháp tu từ và nhiều điển tích, điển cố; có nhiều tác phẩm đạt tới trình độ điêu luyện. 

 

Câu 3: Dựa vào tóm tắt, cho biết cốt truyện của Bích Câu kì ngộ được xây dựng theo mô hình nào.

Trả lời:

- Cốt truyện tác phẩm được xây dựng theo mô hình “Gặp gỡ (Hội ngộ) – Tai biến (Lưu lạc) – Đoàn tụ (Đoàn viên)”.

+ Gặp gỡ: Trong một dịp tình cờ, Tú Uyên gặp được một cô gái đẹp như tiên giáng trần.

+ Tai biến: Sau đó, Tú Uyên dần trở nên nghiện rượu. Giáng Kiều khuyên chồng không được, bèn bỏ về tiên giới. Tú Uyên hối hận, sinh ra sầu não, đau ốm, định quyên sinh.

+ Đoàn tụ: Đúng lúc ấy, Giáng Kiều hiện ra, tha lỗi cho chồng. Hai vợ chồng nối lại duyên xưa.

 

Câu 4: Văn bản có thể chia thành mấy phần? Hãy nêu nội dung của mỗi phần.

Trả lời:

Văn bản có thể chia thành 4 phần:

- Phần 1 (từ câu 305 đến 326): Tú Uyên với bức tranh Tố Nữ

- Phần 2 (từ câu 327 đến 340): Tố Nữ trong tranh hiện thành người thực

- Phần 3 (từ câu 341 đến 374): Tú Uyên cùng Giáng Kiều trò chuyện

- Phần 4 (từ câu 375 đến 400): Giáng Kiều dùng phép tiên biến hoá

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Chỉ ra chi tiết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

Trả lời:

- Nội dung của văn bản là về chuyện Giáng Kiều xuống trần kết duyên với Tú Uyên theo nhân duyên đã định.

=> Chi tiết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản là duyên kiếp của Giáng Kiều.

 

Câu 2: Phân tích đặc điểm của nhân vật Tú Uyên thể hiện qua văn bản.

Trả lời:

Các đặc điểm của nhân vật Tú Uyên được thể hiện qua văn bản:

- Sự yêu thích cuồng nhiệt, ngưỡng mộ cái đẹp: Điều này được thể hiện qua chuyện Tú Uyên lúc nào cũng ôm tranh bên mình, lòng mơ tưởng đến người đẹp. Các câu thơ ở phần đầu của văn bản cho thấy nỗi tương tư của anh ta khi chỉ có bức hình mà không có người thực sự nhưng vẫn cố coi đó như là thật. Các câu thơ như “Ấy ai điểm … chào chúa Đông” cho thấy tình cảm tha thiết, mong đợi. Khi thấy người trong tranh bước ra chính là người mà mình hằng ao ước, Tú Uyên đã vui mừng khôn xiết rồi còn trách móc sao nỡ để để người bận lòng. 

- Biết nói lời ngon ngọt, có ham muốn “xác thịt”: Điều này được thể hiện qua những câu như “Giọng tình sánh với quỳnh tương / Giả say sinh mới toan đường lần khân”. Câu “Chiều lòng chi nỡ ép nài mưa mây” cho thấy ham muốn sắc dục của Tú Uyên là thường tình, anh vẫn hiểu chuyện, biết hành xử đúng đắn.

 

Câu 3: Phân tích đặc điểm của nhân vật Giáng Kiều thể hiện qua văn bản.

Trả lời:

Các đặc điểm của nhân vật Giáng Kiều được thể hiện qua văn bản:

- Giáng Kiều là một tiên nữ sinh đẹp, giỏi giang: Điều này được thể hiên qua nhan sắc khiến cho Tú Uyên say mê, qua việc làm các món ăn, qua việc tổ chức đám cưới, qua việc đối đáp.

- Giáng Kiều luôn coi trọng phẩm giá, giữ mình theo đúng khuôn phép. Điều này thể hiện qua lời đáp của nàng khi trả lời câu hỏi của Tú Uyên.

- Giáng Kiều đến với Tú Uyên là một định mệnh đã sắp đặt.

 

Câu 4: Nhận xét về cách thể hiện thái độ, tình cảm của nhân vật Giáng Kiều qua lời thoại sau đây: 

Thưa rằng: “Túc trái tiền nhân

Không dưng dễ xuống cõi trần làm chi

Song còn mấy bạn tương tri

Bấy lâu chưa có chút gì là đâu

Trước xin từ biệt cùng nhau

Chữ duyên này trở về sau còn dài”

Trả lời:

- Giáng Kiều có cách ứng xử khôn khéo trước việc giả say, lần khân của Tú Uyên. Nàng gợi nhắc chuyện vì nguyên nhân mắc nợ kiếp trước nên mới xuống trần để kết duyên với chàng. Hơn nữa nàng còn mấy bạn tương tri sẽ đến dự buổi hôm nay. Cuối cùng, nàng nhắc nhở Tú Uyên duyên kiếp này sẽ còn kéo dài về sau, không có gì phải vội vàng. => Cách thể hiện thái độ, tình cảm của nhân vật Giáng Kiều là trực tiếp, cho Tú Uyên thấy được suy nghĩ và tình cảm trong lòng của mình.

 

Câu 5: Dấu hiệu nào trong văn bản cho thấy đây là truyện thơ Nôm bác học?

Trả lời:

Các dấu hiệu:

- Văn bản có hình thức văn vần (lục bát), có cốt truyện.

- Văn bản viết bằng chữ Nôm

- Văn bản do trí thức Nho học sáng tác (có thể là của Vũ Quốc Trân).

- Văn bản có chất lượng nghệ thuật cao. Điều này được thể hiện qua vần điệu, ngôn ngữ ước lệ, nghệ thuật hoá, sử dụng nhiều điển tích, điển cố. Các chi tiết có sự tổ chức theo những hướng nhất định để làm nổi bật nội dung muốn truyền tải. Văn bản có sự kết hợp tự sự với trữ tình.

- Nhân vật nữ trong văn bản là một giai nhân điển hình.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Hãy phân tích đoạn từ câu 305 đến 326.

Trả lời:

Đoạn này nói về nỗi tương tư, sầu muộn của Tú Uyên. Chú ý các điểm sau:

- Địa điểm: Mưa hoa khép cánh song hồ

- Sự gắn bó, coi bức tranh như là người thật: Sớm khuya với bức hoạ đồ làm đôi … phát phu. Thơ, nguyệt, rượu, hoa: những thứ điển hình của một khung cảnh buổi tối đẹp.

- Cách miêu tả không gian hay: “Êm trời … rụng vàng” để từ đó nói về nỗi tâm tư “Chiều thu … mơ hình”.

- Giãi bày tâm sự: “Kề bên … ngày xưa”.

- Nỗi sầu muộn, khao khát muốn được gặp nàng: “Từ phep giáp mặt đến giờ … chào chúa Đông”. Chàng nhớ đến mức ban ngày thì tưởng tượng, ban đêm thì mơ đến mức mệt mỏi. Chàng đặt ra các câu hỏi trách móc, suy ngẫm,…

- Ngôn từ mang tính nghệ thuật cao: song hồ, ngàn sương rắc bạc, sông Tương, điểm phấn tô son, ruột héo, gan mòn, buồng đào, miệng đào, mặt hoa, chúa Đông,…

 

Câu 2: Phân tích đoạn từ câu 327 đến 340.

Trả lời:

Đoạn này kể về chuyện Tú Uyên thấy sự lạ trong nhà, bèn về bất chợt để xem chuyện gì xảy ra thì thấy thiếu nữ trong tranh xuất hiện. Chú ý các điểm sau:

- “Cho hay tình cũng là chung / Khách tiên chưa dễ qua vòng ái ân!”: Hiểu câu này là tình cảm con người là điểm chung của mọi người, tiên nhân cũng chẳng ngoại lệ. Câu này có tính khái quát để nói về đoạn truyện sau đó. 

- Thử diễn xuôi và nhận xét về cách tác giả đã tổ chức ngôn từ để có thể kể truyện với những sự việc liên tiếp bằng thơ. 

 

Câu 3: Phân tích đoạn từ câu 341 đến 374.

Trả lời:

Đoạn này nói về sự chào hỏi trong vui mừng của Tú Uyên và sự tỏ bày nỗi niềm của Giáng Kiều. Đoạn có 4 lời:

- Lời 1: “Bấy lâu một chữ tình”: Tú Uyên trực tiếp bày tỏ tình cảm, thể hiện tình yêu của mình dành cho tiên nữ.

- Lời 2: Giáng Kiều trình bày tên tuổi, nguồn gốc, đặc biệt là duyên kiếp đem nàng đến với chàng.

+ Chú ý ngôn từ: bồ liễu, má phấn, tơ điều, tơ trăng, đoá hoa, chúa xuân,…

- Lời 3: Tú Uyên than trách, lời lẽ đầy tâm tư, nỗi lòng: “Nhắp sầu gối muộn có ngày nào nguôi”,… Lưu ý: “sinh” ở đây có nghĩa là người thư sinh.

- Lời 4: 

+ Các câu từ “Nàng rằng: … soi chung”, Giáng Kiều nêu ra các điểm cố, chuyện xưa để cho Tú Uyên hiểu là mình phải giữ khuôn phép. Câu “Dám đâu học thói yến oanh / Mặn tình trăng gió, nhạt tình lửa hương” hiểu là không dám học thói vui chơi, yêu đương tự do, phóng túng, tình như thế là hời hợt, không sâu đậm.

+ Các câu tiếp theo, Giáng Kiều tiếp tục nhấn mạnh vào chuyện phải giữ khuôn phép, giữ phẩm giá, chuyện duyên kiếp đã định, nhân sinh không thể cưỡng cầu. Nói cách khác, nàng đến lúc này mới có thể đến gặp chàng.

Đoạn đối thoại đã cho ta thấy nhiều điểm về con người của Giáng Kiều.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Theo em, thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc là gì?

Trả lời:

- Thông điệp trong văn bản không thực sự nổi bật, vì vậy hãy trả lời theo suy nghĩ của em. Lưu ý tác giả sống ở thế kỉ XIX nên quan điểm, cách nhìn có thể khác với chúng ta ngày nay. Ví dụ một số thông điệp mà em có thể đưa ra như: sự say mê, chờ mong rồi cũng sẽ có ngày có được; con người cần phải hành xử đúng đắn, theo đúng lễ nghi;…

 

Câu 2: Hãy diễn xuôi đoạn từ “Trước sân mừng tỉnh … thiết tha”. So sánh sự khác biệt giữa đoạn trích và đoạn diễn xuôi.

Trả lời:

Tham khảo: Hiểu lời Giáng Kiều nói, Tú Uyên tỉnh ra trong không gian có ánh trăng, có hoa, có tiếng cười. Giáng Kiều làm phép một lần nữa, khung cảnh đổi thay: mây bỗng kéo quanh nhà, nhà tranh bỗng biến thành lâu đài, ánh sáng bừng lên một góc trời, quân áo đẹp phô ra trước mặt. Không khí của buổi tiệc trở nên vui vẻ, rộn ràng, đầy sắc màu. Ai nấy đều mang một vẻ đẹp riêng. Mọi người nói cưới, chúc mừng tâng lang, tân nương. Những điệu múa đầy màu sắc, hấp dẫn lòng người được trình diễn. Buổi tiệc thật là linh đình.

=> Sự khác biệt: Đoạn truyện thơ có vần điệu, có tính nhạc còn đoạn diễn xuôi thì không. Đoạn truyện thơ thể hiện tính nghệ thuật cao hơn phần nào. Đoạn truyện thơ còn có thể giúp người đọc dễ nhớ, dễ thuộc, tạo ra sự ấn tượng cho người đọc. Đoạn diễn xuôi có câu từ đầy đủ, rõ ràng, giúp người đọc có thể hiểu ngay trong khi đoạn câu cú trong đoạn truyện thơ đã được tổ chức lại, có thể khiến người đọc hơi khó hiểu khi đọc.



=> Giáo án Ngữ văn 11 chân trời Bài 3 Đọc 2: Tú Uyên gặp Giáng Kiều

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 11 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay