Câu hỏi tự luận Công dân 7 kết nối Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Giáo dục công dân 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công dân 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 1+2+3

TỰ HÀO VỀ TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG – QUAN TÂM, CẢM THÔNG VÀ CHIA SẺ - HỌC TẬP TỰ GIÁC, TÍCH CỰC

Câu 1: Thế nào là tự hào về truyền thống quê hương?

Trả lời:

Tự hào về truyền thống của quê hương là sự tự hào, tự tin, hãnh diện về những giá trị mà người dân ở quê hương đã sáng tạo ra và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Câu 2: Em hãy kể tên một số truyền thống tốt đẹp của nước ta.

Trả lời:

Mỗi vùng miền, địa phương trên đất nước Việt Nam đều có những truyền thống tốt đẹp về ẩm thực, lễ hội, nghệ thuật, trang phục, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm,…

Câu 3: Nêu ý nghĩa của việc tự hào về truyền thống quê hương.

Trả lời:

Tự hào về truyền thống quê hương giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm, động lực vượt qua khó khăn, thử thách và nỗ lực vươn lên để thành công trong cuộc sống; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp về quê hương mình tới bạn bè khắp nơi.

Câu 4: Em hãy nêu biểu hiện của truyền thống yêu nước và giá trị của truyền thống yêu nước.

Trả lời:

Biểu hiện: truyền thống yêu nước được hình thành và bồi đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc là nét đặc trưng nổi bật nhất của truyền thống yêu nước.

Giá trị của truyền thống yêu nước: là nền tảng để xây dựng và bảo vệ đất nước; góp phần tích cực vào sự phát triển của mỗi cá nhân; yêu nước cũng là cơ sở và biểu hiện của các truyền thống: đoàn kết; dũng cảm, bất khuất; cần cù lao động; tự lực tự cường,… cùng nhiều truyền thống tốt đẹp khác của nhân dân Việt Nam.

Câu 5: Em cần làm gì để thể hiện lòng tự hào về truyền thống quê hương?

Trả lời:

- Để thể hiện lòng tự hào về truyền thống quê hương, em cần:

+ Phê phán, ngăn chặn những việc làm thiếu trách nhiệm, đi ngược lại những truyền thống tốt đẹp của quê hương

+ Tích cực tìm hiểu, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp từ truyền thống

+ Tích cực quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về những truyền thống tốt đẹp của quê hương…

Câu 6: Có ý kiến cho rằng, truyền thống quê hương là những giá trị của mỗi vùng miền địa phương, làm nên bản sắc riêng của mỗi vùng miền. Vì vậy, giữ gìn truyền thống, bản sắc quê hương thì chỉ cần giữ gìn những gì mình có, không nên học hỏi, đưa các giá trị, truyền thống của nơi khác đến quê mình.

Em có đồng ý với ý kiến trên không? Vì sao?

Trả lời:

- Em không đồng ý với ý kiến trên, vì: mỗi địa phương, vùng miền trong cả nước đều có những truyền thống, bản sắc văn hóa riêng. Việc chúng ta tiếp thu, học hỏi những truyền thống tốt đẹp của địa phương khác sẽ góp phần giúp:

+ Mỗi người dân thay đổi nhận thức về sự đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam; hiểu và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các vùng miền.

+ Mỗi người dân có thể tự nhận thức và hành động để khắc phục những mặt còn yếu kém, hạn chế của địa phương.

Câu 7: Qua lời kể của ông nội, S được biết đến phong trào “Ba sẵn sàng” và rất tự hào về tinh thần sẵn sàng khi Tổ quốc cần, dù trong thời chiến hay thời bình của người dân quê hương mình. Nhưng mấy hôm trước, anh trai của S nhận được lệnh gọi nhập ngũ, S thấy anh có vẻ do dự, tâm trạng nặng nề không vui. S rất muốn nói những suy nghĩ của mình với anh trai.

Em hãy nhận xét suy nghĩ của S.

Trả lời:

Suy nghĩ của anh S vẫn chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với truyền thống sẵn sàng khi Tổ quốc cần, vẫn còn e ngại và lo sợ trước những khó khăn, thử thách khi được gọi nhập ngũ.

Câu 8: Em tán thành hay không tán thành những quan điểm nào dưới đây? Vì sao?

  1. a) Tự hào về truyền thống quê hương cũng chính là tự hào về nguồn gốc của mình, về dòng họ, tổ tiên của mình.

  2. b) Nghề thủ công truyền thống không còn là niềm tự hào của quê hương vì không phù hợp với cuộc sống hiện đại.

  3. c) Những câu chuyện cổ dân gian, những làn điệu dân ca địa phương là một phần của truyền thống văn hóa quê hương.

Trả lời:

- Em tán thành với ý kiến a). Vì: truyền thống của quê hương, đất nước là những giá trị tốt đẹp về cả vật chất và tinh thần, những giá trị vật thể và phi vật thể…đã được sáng tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, do đó: tự hào về truyền thống quê hương cũng chính là tự hào về nguồn gốc của mình, về dòng họ, tổ tiên của mình.

- Em không tán thành với ý kiến b). Vì: nghề thủ công truyền thống cũng là một nét đẹp của quê hương, do cha ông ta truyền lại, cần được gìn giữ.

- Em tán thành với ý kiến c), vì: truyền thống của quê hương, đất nước bao gồm cả những giá trị vật chất và tinh thần, những giá trị vật thể và phi vật thể. Vì vậy: những câu chuyện cổ dân gian, những làn điệu dân ca địa phương là một phần của truyền thống văn hóa quê hương.

Câu 9: Em hãy nêu khái niệm của quan tâm, cảm thông và chia sẻ?

Trả lời:

- Quan tâm là thường xuyên chú ý đến mọi người và sự việc xung quanh.

- Cảm thông là đặt mình vào vị trí người khác để hiểu được cảm xúc của người đó.

- Chia sẻ là sự cho đi hay giúp đỡ người khác lúc khó khăn, hoạn nạn theo khả năng của mình.

Câu 10: Em hãy nêu biểu hiện của quan tâm, cảm thông và chia sẻ.

Trả lời:

Quan tâm, cảm thông và chia sẻ được biểu hiện thông qua các hành vi, việc làm cụ thể như an ủi, động viên, hỏi thăm, lắng nghe; giúp đỡ khi khó khăn, hoạn nạn; tham gia các hoạt động thiện nguyện trong nhà trường và ngoài xã hội;…

Câu 11: Nêu ý nghĩa của quan tâm, cảm thông và chia sẻ.

Trả lời:

- Quan tâm, cảm thông và chia sẻ giúp con người gần gũi, gắn bó; có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống.

- Người biết quan tâm, cảm thông và chia sẻ sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng.

Câu 12: Tại sao cần sự cảm thông, quan tâm và chia sẻ?

Trả lời:

Vì:

+ Khi nhận được sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ, mỗi người sẽ có động lực và niềm tin để vượt qua khó khăn, thử thách. Nhờ đó, cuộc sống sẽ tràn ngập tình yêu thương, niềm vui và hạnh phúc.

+ Sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ sẽ giúp các mối quan hệ trở nên tốt đẹp và bền vững hơn.

+ Người biết quan tâm, cảm thông và chia sẻ sẽ nhận được sự yêu quý, tôn trọng của mọi người.

Câu 13: Em hãy nêu 5 việc làm thể hiện sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ.

Trả lời:

- Nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa giúp cha mẹ.

- An ủi khi thấy bạn gặp chuyện buồn.

- Giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

- Tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.

- Giúp cụ già qua đường.

Câu 14: Nếu bạn trong lớp gặp khó khăn trong học tập, bạn có thể giúp đỡ họ bằng cách:

Trả lời:

Em sẽ động viện và hỏi han xem bạn có chuyện gì mà ảnh hưởng tới học tập. Nếu có chuyện buồn gì em sẽ giúp bạn tìm cách giải quyết, em sẽ giảng lại cho bạn những phần bạn chưa hiểu và cố gắng khích lệ bạn để kết quả học tập bạn đi lên.

Câu 15: Gia đình Q có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, mẹ Q phải một mình làm lụng nuôi hai con. Gần đây, mẹ của Q bị ốm nên Q thường xuyên phải nghỉ học để chăm mẹ. Nếu là bạn cùng lớp, biết được hoàn cảnh của Q em sẽ chọn cách ứng xử nào?

Trả lời:

Trong trường hợp này, nếu là bạn cùng lớp, biết được hoàn cảnh của Q em nên kêu gọi các bạn cùng lớp quyên góp, hỗ trợ Q. Em và các bạn trong lớp có thể ủng hộ bạn sách vở, bút, gạo, ... và động viên bạn cố gắng đi học. Ngoài ra chúng em có thể lên kế hoạch kêu gọi mọi người giúp đỡ bạn Q bằng cách kêu gọi mọi người ủng hộ bạn và giải thích tình hình của bạn Q và những khó khăn mà bạn ấy đang gặp phải, có thể sử dụng các trang mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ.

Câu 16: Trong cuộc sống, em đã thể hiện sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ với bạn bè như thế nào?

Trả lời:

Lời nói: Hỏi thăm, động viên bạn bè khi bạn bè bị ốm, gặp phải chuyện buồn; Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng với bạn bè;...

Việc làm: Khi bạn bè gặp khó khăn trong học tập thì giúp bạn bằng cách kiên nhẫn giảng bài cho bạn; Khi bạn bị ốm thì đến thăm và động viên bạn; ...

Câu 17: Thế nào là học tập tự giác, tích cực?

Trả lời:

Học tập tự giác, tích cực là chủ động, cố gắng tự mình thực hiện tốt nhiệm vụ học tập mà không cần ai nhắc nhở, khuyên bảo.

Câu 18: Nêu những biểu hiện của học tập tự giác, tích cực.

Trả lời:

Học tập tự giác, tích cực biểu hiện ở:

- Có mục đích và động cơ học tập đúng đắn và tự giác.

- Chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ học tập (học và làm bài tập đầy đủ, hăng hái phát biểu xây dựng bài, tích cực hợp tác khi học nhóm,…).

- Luôn cố gắng, vượt khó, kiên trì trong học tập.

- Lập ra kế hoạch học tập tích cực phù hợp.

- Luôn tự giác học tập mà không cần sự nhắc nhở của thầy cô, bạn bè và bố mẹ.

Câu 19: Nêu những biểu hiện của việc học tập không tự giác, tích cực.

Trả lời:

- Không tích cực, không có hứng thú trong học tập

- Lười biếng, trốn tránh nhiệm vụ

- Ngại khó không tham gia các hoạt động học tập

- Học uể oải, đối phó, sơ sài, qua loa, dựa dẫm vào người khác

- Phải thúc giục mới học...

Câu 20: Ý nghĩa của việc học tập tự giác, tích cực là gì?

Trả lời:

Học tập tự giác, tích cực giúp chúng ta:

- Không ngừng tiến bộ, đạt kết quả cao trong học tập.

- Rèn được tính tự lập, tự chủ, ý chí kiên cường, bền bỉ.

- Thành công trong cuộc sống và được mọi người tin yêu, quý mến.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công dân 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay