Câu hỏi tự luận Công dân 7 kết nối Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P2)
Bộ câu hỏi tự luận Giáo dục công dân 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập từ bài 1 - bài 3 (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công dân 7 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án giáo dục công dân 7 kết nối tri thức (bản word)
ÔN TẬP BÀI 1+2+3
TỰ HÀO VỀ TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG – QUAN TÂM, CẢM THÔNG VÀ CHIA SẺ - HỌC TẬP TỰ GIÁC, TÍCH CỰC
Câu 1: Nêu những việc làm để duy trì thói quen học tập tự giác, tích cực.
Trả lời:
- Chỉ ra được mục đích và động cơ học tập.
- Lập ra được kế hoạch học tập.
- Luôn chủ động học tập và rèn luôn tích cực.
- Luôn hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
- Cần góp ý, nhắc nhở những bạn chưa tự giác, tích cực trong học tập để các bạn đạt kết quả tốt hơn.
Câu 2: Nếu không học tập tự giác, tích cực sẽ ra sao?
Trả lời:
Thiếu tự giác trong học tập sẽ đem lại kết quả học tập kém
Sống ỷ lại vào bố mẹ,
Bản thân sẽ trở thành con người lười biếng, cẩu thả, tùy tiện.
Mọi người sẽ không tôn trọng, uy tín cá nhân giảm sút.
Câu 3: Em hãy nêu các biểu hiện trái với học tập tự giác, tích cực và hậu quả của những biểu hiện đó
Biểu hiện trái với học tập tự giác, tích cực |
Hậu quả |
Trả lời:
Biểu hiện trái với học tập tự giác, tích cực |
Hậu quả |
- Không tích cực, không có hứng thú trong học tập - Lười biếng, trốn tránh nhiệm vụ - Ngại khó không tham gia các hoạt động học tập - Học uể oải, đối phó, sơ sài, qua loa, dựa dẫm vào người khác - Phải thúc giục mới học... |
- Không học tập tự giác, tích cực sẽ gây nên những hậu quả khôn lường như: + Không có kiến thức, hiểu biết, khi trưởng thành sẽ khó có nghề nghiệp ổn định, từ đó làm gánh nặng cho xã hội; + Không nhận ra giá trị của cuộc sống; lỡ mất tuổi trẻ,.. |
Câu 4: Vì sao học sinh cần phải tự giác, tích cực trong học tập?
Trả lời:
Học sinh cần phải tự giác, tích cực trong học tập vì:
+ Tự giác, tích cực sẽ giúp bạn chủ động, sáng tạo hơn và không ngừng tiến bộ trên con đường học thức;
+ Việc tự giác học tập sẽ giúp bạn được mọi người tin tưởng, yêu mến và giúp đỡ.
Câu 5: Để rèn luyện tính tự giác, tích cực trong học tập, em phải làm gì?
Trả lời:
Để rèn luyện tính tự giác, tích cực trong học tập em cần phải:
+ Xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân theo từng mốc thời gian cụ thể.
+ Có ý thức rõ ràng và đúng đắn về vai trò của việc học đối với cuộc sống con người.
+ Thực hiện việc học một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Câu 6: Em hãy kể về một tấm gương luôn tự giác, tích cực trong học tập. Em học tập được điều gì từ tấm gương đó?
Trả lời:
Tấm gương: Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần tự học, đặc biệt là học ngoại ngữ trong suốt hành trình tìm đường cứu nước. Nhờ tích cực, tự giác học tập, Bác có thể nói được một số tiếng nước ngoài, như: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc,…
Câu 7: Mỗi khi thấy, cô giáo giao nhiệm vụ cho nhóm của Tuấn, bạn thường không để tâm vì nghĩ rằng trong nhóm có nhiều người làm rối, mình không làm cũng không ảnh hưởng gì đến kết quả của nhóm.
Nếu là thành viên trong nhóm, em sẽ khuyên Tuấn điều gì?
Trả lời:
Em sẽ khuyên Tuấn: trong quá trình học nhóm, thái độ học tập và kết quả của mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng lớn để kết quả chung của cả nhóm, vì vậy, Tuấn nên tự giác, tích cực tham gia vào hoạt động học tập chung của nhóm và hoàn thành nhiệm vụ mà nhóm đã phân công.
Câu 8: Quỳnh luôn ngồi vào bàn học đúng giờ nhưng bạn lại không làm bài tập ngày mà thường xem mạng xã hội, đọc truyện,... Đến sát giờ đi ngủ bạn mới vội vàng làm các bài tập, nhiệm vụ học tập mà thầy cô giao.
Nếu là bạn của Quỳnh, em sẽ khuyên Quỳnh điều gì?
Trả lời:
Em sẽ khuyên: khi ngồi vào bàn học, Quỳnh nên tập trung học tập, hoàn thành các bài tập và nhiệm vụ học tập mà thầy cô giáo giao; Quỳnh có thể giành thời gian để giải trí sau khi đã hoàn thành bài tập.
Câu 9: Theo em, nên góp ý, nhắc nhở những bạn chưa tự giác, tích cực học tập như thế nào?
Trả lời:
Góp ý, nhắc nhở những bạn chưa tích cực, tự giác trong học tập như sau: Nhiệm vụ lớn nhất của chúng ta bây giờ là học. Không ai có thể học thay chúng ta được. Vì vậy, chúng ta phải tích cực, tự giác trong học tập để có thể chiếm lĩnh được tri thức cũng như tiến tới thực hiện những ước mơ sau này.
Câu 10: Em hãy kết hợp với một bạn trong lớp để cùng góp ý, nhắc nhở nhau trong học tập và chia sẻ trước lớp về kết quả đạt được sau một tháng.
Trả lời:
- Kế hoạch đề ra:
+ Cùng hoàn thành bài tập về nhà.
+ Kiểm tra bài tập của bạn và góp ý nếu cần.
+ Nhắc nhở nhau cùng tìm hiểu bài mới.
+ Nhắc nhở bạn nếu bạn có biểu hiện lười học.
+ Cùng nhau tìm hiểu kiến thức cho cuộc thi: Em yêu chú bộ đội.
- Kết quả thực hiện:
+ Bài tập về nhà được hoàn thành đầy đủ.
+ Trang bị được kiến thức cho cuộc thi: Em yêu chú bộ đội.
+ Bài mới luôn được soạn đầy đủ.
Câu 11: Để quan tâm, cảm thông và chia sẻ, ta cần làm gì?
Trả lời:
- Để quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác, mỗi người cần:
+ Khích lệ, động viên bạn bè quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác.
+ Phê phán thói ích kỷ, thờ ơ trước khó khăn, mất mát của người khác
Câu 12: Em hãy kể tên 1 số câu tục ngữ về quan tâm, cảm thông và chia sẻ.
Trả lời:
-
Chia ngọt sẻ bùi.
-
Lá lành đùm lá rách.
-
Yêu nhau chín bỏ làm mười.
-
Thương người như thể thương thân.
-
Nhường cơm sẻ áo.
-
Chị ngã em nâng
Câu 13: Chia sẻ những việc em đã làm để thể hiện sự chia sẻ của bản thân đối với gia đình.
Trả lời:
Phụ giúp bố mẹ các công việc nhà như: quét nhà, rửa bát, nấu ăn, dạy em gái học bài, ...
Câu 14: Em hãy ghi lại một số câu danh ngôn nói về sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ mà em biết.
Trả lời:
Không thể vươn tới được vùng tư duy cao nhất nếu đầu tiên không hiểu được sự cảm thông. – Socrates
Hãy cảm thông với cảnh ngộ của người khác. Bạn phải biết cả về bi kịch lẫn chiến thắng, thất bại lẫn thành công. – Jim Rohn
Những chật vật mà tôi phải chịu trong đời tạo ra sự cảm thông – tôi có thể cảm thông với nỗi đau, với việc bị bỏ rơi, không được ai yêu thương. – Oprah Winfrey
Tài lãnh đạo cốt ở sự cảm thông. Nó cốt ở khả năng tương tác và kết nối với người khác cho mục đích truyền cảm hứng và trao sức mạnh cho cuộc đời của họ. – Oprah Winfrey
Câu 15: Em hãy nêu 5 việc làm không thể hiện sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ.
Trả lời:
- Không giúp đỡ bố mẹ việc nhà.
- Trêu ghẹo, cười đùa khi thấy bạn mình gặp chuyện buồn.
- Thấy người gặp nạn không giúp đỡ.
- Né tránh, không tham gia các hoạt động thiện nguyện do nhà trường tổ chức.
- Giúp bạn nói dối bố mẹ để đi chơi điện tử.
Câu 16: Có ý kiến cho rằng, quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác không còn phù hợp trong xã hội hiện đại sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Em nhận xét thế nào về ý kiến trên?
Trả lời:
- Em không đồng tình với ý kiến trên, vì:
+ Tuy những robot được phát triển trí thông minh nhân tạo để đọc các tín hiệu cảm xúc, nhưng chúng không thể thay thế con người giải quyết mọi tình huống, đặc biệt là các tình huống phức tạp và máy móc cũng không thể thay thế con người trong việc xây dựng, phát triển các mối quan hệ xã hội.
+ Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực và sự cô đơn, do đó, sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ càng cần thiết.
Câu 17: Trong cuộc sống, em đã thể hiện sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ với gia đình như thế nào?
Trả lời:
- Lời nói: Luôn nói lời yêu thương với ông bà, cha mẹ, anh chị em; Nói lời chúc với người thân trong gia đình vào mọi ngày lễ, ngày kỷ niệm, ngày sinh nhật; Luôn hỏi han bố mẹ đi làm có mệt không;...
- Việc làm: Tặng những món quà nhỏ do bản thân tự tay làm cho ông bà, bố mẹ, anh chị em vào những ngày lễ, ngày kỉ niệm; Giúp đỡ mọi người trong gia đình bằng cách làm việc nhà;...
Câu 18: Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi:
Năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến nước ta. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mỗi người tuỳ khả năng của mình, góp tiền, hiện vật, giúp sức, cùng chung tay chống dịch. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh với quyết tâm từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Khó khăn do dịch bệnh Covid-19 chưa qua, thiên tai bão lũ lại dồn đến đã gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào miền Trung. Với truyền thống tương thân, tương ái, những món quà nghĩa tình từ đồng bào và các tổ chức trên khắp cả nước được trao tới người dân vùng lũ. Đằng sau những con số về vật chất là tinh thần dân tộc, là tình cảm của con người Việt Nam luôn sẵn sàng đùm bọc, yêu thương nhau trong hoạn nạn.
Theo em những thông tin trên đã nói về những truyền thống tốt đẹp nào? Em hãy nêu ý nghĩa của những truyền thống đó?
Trả lời:
* Thông tin trên đã nói về những truyền thống tốt đẹp là:
- Đoàn kết.
- Yêu thương con người, tương thân tương ái.
* Những truyền thống đó mang lại ý nghĩa là:
Truyền thống đoàn kết và yêu thương con người, tương thân tương ái đã giúp dân tộc ta một lòng cùng Đảng và Nhà nước vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid hoành hành và thiên tai bão lũ.
Câu 19: Em hãy nêu một vài biểu hiện chưa đúng của việc tự hào về truyền thống quê hương.
Trả lời:
- Biểu hiện chưa đúng của việc tự hào về truyền thống quê hương:
+ Phân biệt, kỳ thị vùng miền.
+ Thiếu tôn trọng đối với những người có công với quê hương.
+ Từ chối tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa của quê hương.
Câu 20: Em hãy giới thiệu về 1 truyền thống tự hào của quê hương em.
Trả lời:
- Giới thiệu về những truyền thống đó:
+ Cần cù lao động:
Cần cù và sáng tạo trở thành một trong những giá trị văn hóa tinh thần, là lẽ sống, cội nguồn của những triết lý nhân sinh con người quê em.
Truyền thống ấy trong lao động biểu hiện rất đa dạng, phong phú và rõ nét. Đó là công cuộc cải tạo, chinh phục tự nhiên; là sự sáng tạo trong chế tác, cải biến công cụ lao động; là việc hình thành các ngành nghề gắn với từng lợi thế của địa phương; là quá trình sản xuất vật chất phục vụ cuộc sống, phát triển xã hội… Và cũng chính từ trong tiến trình ấy, con người quê em tiếp tục sáng tạo những giá trị văn hóa tinh thần to lớn khác, tạo nên bản sắc, đặc trưng, cốt cách riêng của mảnh đất và con người nơi đây.