Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P2)
Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án lịch sử 7 chân trời sáng tạo (bản word)
ÔN TẬP CHƯƠNG 1. TÂY ÂU TỪ THẾ KỶ V ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVI (PHẦN 2)
Câu 1: Người Giéc-man có nguồn gốc từ đâu?
Trả lời:
- Nguồn gốc của người Giéc-man:
+ Các bộ tộc người Giéc-man có nguồn gốc từ Bắc Âu, đến sinh sống ở ngoài cương giới của đế quốc La Mã, thường liên minh với nhau để xâm chiếm đất đai của người La Mã.
+ Trước đó, họ đang trong thời kì nguyên thủy nên người La Mã gọi họ là “man tộc”
Câu 2: Nhà thám hiểm nào đã vượt qua được cực nam châu Phi và đến được Ấn Độ vào năm 1498?
Trả lời:
Năm 1498, con đường qua phương Đông bằng đường biển được khám phá bởi một người Bồ Đào Nha là V. Gama (Vasco da Gama). Thuyền của ông đi vòng qua điểm cực nam của châu Phi, cập bến Ca-li-cút (Calicut), đến được Ấn Độ.
Câu 3: Xã hội Tây Âu phân hóa như thế nào?
Trả lời:
- Xã hội Tây Âu phân hóa sâu sắc:
+ Tầng lớp thương nhân, chủ xưởng, ngân hàng ngày càng giàu lên, chi phối toàn bộ xã hội.
+ Đại đa số dân thành thị, từ thợ thủ công, người làm thuê đến người ăn xin và nông dân mất đất, không có quyền công dân, nghèo đói và bị bần cùng hóa.
Câu 4: Phong trào văn hóa Phục hưng bắt đầu vào thời gian? Quê hương của phong trào Văn hóa phục hưng là ở đâu?
Trả lời:
Phong trào bắt đầu vào thế kỉ XIV, diễn ra ở những thành phố tự trị, giàu có thuộc miền Bắc I-ta-li-a như Phi-ren-xê, Mi-lan, Vơ-ni-dơ,…
Câu 5: Cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI, giai cấp tư sản Tây Âu muốn thay đổi và cải cách lại tổ chức Giáo hội Thiên Chúa vì sao?
Trả lời:
Cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI, giai cấp tư sản Tây Âu muốn thay đổi và cải cách lại tổ chức Giáo hội Thiên Chúa, vì: Giáo hội là chỗ dựa vững chắc của chế độ phong kiến, là một thế lực cản trở bước tiến của xã hội.
Câu 6: Lí do bộ tộc người Giéc-man xâm chiếm được đế quốc La Mã là gì?
Trả lời:
- Lí do bộ tộc người Giéc-man xâm chiếm được đế quốc La Mã là:
- Từ thế kỉ III, do sự khủng hoảng về kinh tế, chính trị và những cuộc khởi nghĩa của nô lệ, nông dân và dân nghèo làm cho đế quốc La Mã ngày càng rối ren, không đủ sức ngăn ngừa cuộc tấn công của người “man tộc”.
- Đến nửa cuối thế kỉ V, các bộ tộc người Giéc-man từ phương Bắc tràn xuống xâm chiếm lãnh thổ, đưa đến sự diệt vong của đế quốc La Mã năm 476.
Câu 7: Dựa vào lược đồ 2.1 và thông tin trong bài, em hãy:
- Miêu tả trên lược đồ đường đi của các cuộc phát kiến địa lí. Kể tên những địa danh được các nhà thám hiểm đặt tên trên những chuyến hải trình của họ.
- Sự kết nối đường biển giữa châu Á và châu Âu, giữa châu Âu và châu Mỹ liên quan cụ thể đến những cuộc phát kiến địa lí nào? Chuyến đi nào kết nối tất cả các châu lục lại với nhau?
Trả lời:
- Những cuộc phát kiến địa lí xuất phát từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vượt đại dương tìm đường sang phương Đông.
+ Năm 1487, Đi-a-xơ đi từ Bồ Đào Nha xuống điểm cực Nam của châu Phi, điểm đó ông đặt tên là Mũi Bão Tố, sau gọi là mũi Hảo Vọng.
+ Năm 1492, Cô-lôm-bô tìm đường từ Tây Ban Nha qua Phương Đông. Thuyền đi từ phía tây, đến đảo Xan Xan-va-đô, Cuba và Hi-xpa-ni-ô-la và nhầm tưởng đây là Ấn Độ.
+ Năm 1498, Ga-ma đã từ Bồ Đào Nha qua điểm cực nam của châu Phi, cập bến Ca-li-cút và tới Ấn Độ.
+ Năm 1519, Ma-gien-lan từ Tây Ban Nha tìm đường tới đảo gia vị Ma-lu-cu. Ông đi qua điểm cực nam của châu Mỹ tới đại dương được ông đặt tên là Thái Bình Dương, sau ông bị thiệt mạng tại Phi-lip-pin, những người còn lại về đến Tây Ban Nha vào năm 1522.
- Cuộc phát kiến địa lí của Ma-gien-lan và Cô-lôm-bô liên quan đến việc kết nối đường biển giữa châu Âu và châu Mỹ.
- Cuộc phát kiến địa lí của Đi-a-xơ, Ga-ma và Ma-gien-lan liên quan đến việc kết nối đường biển giữa châu Âu và châu Á.
- Chuyến đi của Ma-gien-lan đã kết nối tất cả các châu lục lại với nhau, trở thành chuyến đi vòng quanh trái đất đầu tiên trong lịch sử loài người.
Câu 8: Những biến đổi trong xã hội Tây Âu trung đại sau các cuộc phát kiến địa lí là gì?
Trả lời:
- Sau các cuộc phát kiến địa lí, nhờ vơ vét của cải và cướp bóc thuộc địa, các quý tộc và thương nhân châu Âu càng giàu lên một cách nhanh chóng, tích lũy được một số vốn ban đầu.
- Nhờ đó nền sản xuất hàng hóa và thương mại Tây Âu ngày càng phát triển. Nhiều cảng biển trở lên sầm uất.
- Các xưởng sản xuất với quy mô lớn, các công ty thương mại và những trang trại rộng lớn ra đời.
Câu 9: Theo em phong trào văn hóa Phục hưng đã có những tác động gì đến Tây Âu thời trung đại?
Trả lời:
Phong trào văn hóa Phục hưng đã có những tác động đến Tây Âu thời trung đại:
- Là bước đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại giai cấp phong kiến đã lỗi thời
- Mở đường cho văn hóa Tây Âu phát triển trong những thế kỉ sau.
Câu 10: “Một tôn giáo tiện lợi, phù hợp với giai cấp tư sản, được thể hiện rất rõ trong cách bài trí nhà thờ Tin Lành: không có tranh ảnh, tượng thờ, ghế ngồi bằng gỗ cứng. Thậm chí, bên cạnh bục giảng của mục sư còn treo chiếc đồng hồ cát để đếm thời gian thuyết giảng”. Tư liệu đã đề cập đến nội dung nào của cải cách tôn giáo?
Trả lời:
Đoạn tư liệu trên đã cho thấy, các nhà cải cách tôn giáo ở Tây Âu chủ trương: không thờ tranh tượng, xây dựng một Giáo hội đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian.
Câu 11: Sự tan rã của đế quốc Sác-lơ-ma-nhơ và sự thành lập các quốc gia phong kiến Pháp, Đức, I-ta-li-a như thế nào?
Trả lời:
- Thời kì Sác-lơ-ma-nhơ, do lãnh thổ Vương quốc Phơ-răng rộng lớn, nên nhiều yếu tố phong kiến phân tán xuất hiện, tại các địa phương lãnh chúa không thi hành mệnh lệnh của nhà vua.
- Sau khi Sác-lơ-ma-nhơ chết, Vương quốc Phơ-răng chia thành ba quốc gia: Pháp, Đức, I-ta-li-a. Chế độ phong kiến phân quyền được xác lập. Trên thực tế vua chỉ còn là một lãnh chúa với quyền hạn thu hẹp trong lãnh địa của mình.
Câu 12: Một trong những hệ quả của phát kiến địa lí thế kỉ XV - XVI là sự ra đời của chủ nghĩa thực dân và quá trình xâm chiếm thuộc địa. Em hãy tìm hiểu thêm Việt Nam đã bị xâm lược và trở thành thuộc địa của nước nào.
Trả lời:
Ảnh hưởng từ một trong những hệ quả của phát kiến địa lí thế kỉ XV - XVI là sự ra đời của chủ nghĩa thực dân và quá trình xâm chiếm thuộc địa, đến thế kỉ XVIII, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và trở thành thuộc địa của Pháp.
Câu 13: Từ thế kỉ XVI, trong các thành thị Tây Âu, tổ chức phường hội dần được thay thế như thế nào?
Trả lời:
Từ thế kỉ XVI, trong các thành thị Tây Âu, tổ chức phường hội dần được thay thế bằng các công trường thủ công, nơi tập trung đông đảo những người lao động làm thuê.
Câu 14: Những chuyển biến quan trọng về kinh tế của Tây Âu trong thế kỉ XIII- XVI là gì?
Trả lời:
Từ thế kỉ XIII, thành thị ngày càng có vai trò là những trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Tây Âu. Nhiều xưởng sản xuất với quy mô lớn, các công ty thương mại xuất hiện tập trung chủ yếu ở thành thị. Mầm mống quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dần dần xuất hiện.
Câu 15: Vì sao phong trào Cải cách tôn giáo bùng nổ?
Trả lời:
Phong trào cải cách tôn giáo bùng nổ vì:
- Giáo hội Thiên chúa giáo ngày càng có xu hướng ngăn cản, chống lại sự phát triển tiến bộ của văn hóa,khoa học.
- Giáo hội Thiên chúa giáo là một thế lực cản trở bước tiến của giai cấp tư sản đang lên.
⇒ Giai cấp tư sản đòi thay đổi và "cải cách" tổ chức, giáo lí của Giáo hội Thiên chúa giáo.
Câu 16: Em hãy cho biết quá trình phong kiến hóa của Vương quốc Phơ-răng diễn ra như thế nào?
Trả lời:
- Sau khi xâm chiếm đế quốc La Mã rộng lớn làm cho đế quốc La Mã bị diệt vong, người Giéc-man đã thành lập nhiều vương quốc mới như: Vương quốc của người Ăng-glô Xắc-xông, Vương quốc Phơ-răng, Vương quốc Tây Gốt, Vương quốc Đông Gốt,... Trong đó, Vương quốc Phơ-răng qua các cuộc chiến tranh chinh phục của hoàng đế Sác-lơ-ma-nhơ đã trở thành đế quốc rộng lớn, tồn tại lâu dài và giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Tây Âu thời trung đại.
- Quá trình phong kiến hóa diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc ở Vương quốc Phơ-răng với sự hình thành của các giai cấp mới: lãnh chúa phong kiến và nông nô.
+ Lãnh chúa phong kiến được hình thành từ những quý tộc thị tộc người Giéc-man được phong tước vị, chiếm được nhiều ruộng đất của chủ nô La Mã. Và những quý tộc quy phục chính quyền mới được giữ lại ruộng đất.
+ Nông nô được hình thành từ những nô lệ được giải phóng và nông dân tự do mất ruộng đất phải phụ thuộc vào các lãnh chúa phong kiến.
Câu 17: Mô tả hành trình của các cuộc phát kiến địa lí thế kỉ XV - XVI theo các mục dưới đây.
Tên các cuộc phát kiến địa lí |
Thời gian khởi hành |
Con đường đã đi qua |
Kết quả |
Trả lời:
Tên các cuộc phát kiến địa lí |
Thời gian khởi hành |
Con đường đã đi qua |
Kết quả |
Cuộc phát kiến địa lí của Đi-a-xơ |
1487 |
Đi từ Bồ Đào Nha xuống điểm cực Nam của châu Phi |
Tìm ra mũi Hảo Vọng |
Cuộc phát kiến địa lí của Cô-lôm-bô |
1492 |
Đi từ Tây Ban Nha về phía tây, đến đảo Xan Xan-va-đo, Cuba và Hi-xpa-ni-ô-la và nhầm tưởng đây là Ấn Độ |
Phát hiện ra châu Mỹ |
Cuộc phát kiến địa lí của Ga-ma |
1498 |
Từ Bồ Đào Nha qua điểm cực nam của châu Phi, cập bến Ca-li-cút và tới Ấn Độ |
Tìm ra Ấn Độ, kết nối đường biển giữa châu Âu và châu Á |
Cuộc phát kiến địa lí của Ma-gien-lan |
1519 |
Từ Tây Ban Nha đi qua điểm cực nam của châu Mỹ tới đại dương được ông đặt tên là Thái Bình Dương, sau ông bị thiệt mạng tại Phi-lip-pin, đoàn tàu trở về Tây Ban Nha vào năm 1522 |
Kết nối tất cả các châu lục lại với nhau, hoàn thành chuyến đi vòng quanh trái đất đầu tiên của nhân loại |
Câu 18: Nữ hoàng Ê-li-da-bét I đã trao cho công ty Đông Ấn đặc quyền nào?
Trả lời:
Năm 1600, công ty Đông Ấn của Anh thành lập. Nữ hoàng Ê-li-da-bét I ban cho họ đặc quyền có quân đội riêng, cảng biển riêng và nắm độc quyền giao thương trà.
Câu 19: Em hãy cho biết những biến đổi quan trọng về kinh tế ở Tây Âu thế kỉ XIII-XVI?
Trả lời:
Biến đổi quan trọng về kinh tế ở Tây Âu thế kỉ XIII-XVI:
- Từ thế kỉ XIII, thành thị càng có vai trò là những trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Tây Âu.
- Nhiều xưởng sản xuất với quy mô lớn, các công ty thương mại xuất hiện tập trung chủ yếu ở thành thị.
- Những tầng lớp mới xuất hiện trong xã hội: chủ xưởng, thương gia, chủ ngân hàng
- Họ có nhu cầu xây dựng một hệ tư tưởng và văn hóa mới vì họ có thế lực nhưng lại chưa có địa vị xã hội tương ứng. Do vậy họ ủng hộ và bảo trợ cho những tư tưởng mới trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật.
Câu 20: Kết quả, ý nghĩa của phong trào cải cách tôn giáo là gì?
Trả lời:
Kết quả, ý nghĩa của phong trào cải cách tôn giáo:
- Thúc đẩy chống phong kiến
- Làm cho đạo Thiên chúa phân hóa, mâu thuẫn và xung đột nhau:
+ Cựu giáo là Thiên chúa giáo cũ
+ Tân giáo là Tôn giáo cải cách
- Bùng nổ chiến tranh nông dân Đức.