Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 5: Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 5: Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 chân trời sáng tạo.

Xem: => Giáo án lịch sử 7 chân trời sáng tạo (bản word)

ÔN TẬP CHƯƠNG 5. VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ X ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XVI (PHẦN 3)

Câu 1: Em hãy nêu những việc làm thể hiện ý thức độc lập tự chủ của Ngô Quyền trong xây dựng đất nước

Trả lời:

Những việc làm thể hiện ý thức độc lập tự chủ của Ngô Quyền trong xây dựng đất nước:

- Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, bỏ chức Tiết độ sứ và đóng đô ở Cổ Loa.

- Ngô quyền thiết lập bộ máy chính quyền mới và cử các tướng lĩnh trấn giữ các châu quan trọng ở địa phương.

-  Chế định triều nghi phẩm phục. (Quy định về lễ nghi, trang phục quan lại).

Câu 2: Cho biết nhà Lý được thành lập trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

- Nhà Lý được thành lập trong hoàn cảnh:  Năm 1009, Lê Long Đĩnh mất. Các nhà sư và đại thần trong triều tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Nhà Lý được thành lập

 

Câu 3: Mô tả sự thành lập của nhà Trần. Theo em, Trần Thủ Độ có vai trò như thế nào đối với sự thành lập nhà Trần?

Trả lời:

 Sự thành lập của nhà Trần:

- Cuối thế kỉ XII, nhà Lý suy yếu.

- Năm 1224, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi hoàng đế.

- Dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, năm 1226, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhà Trần thành lập.

Trần Thủ Độ đối với sự thành lập nhà Trần có vai trò chủ chốt. “Thái Tông (nhà Trần) lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả”.

Câu 4: Hãy trình bày diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258.

Trả lời:

Diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258:

- Tháng 1 - 1258, ba vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, tiến vào xâm lược Đại Việt.

- Quân giặc tiến đến vùng Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc) thì bị phòng tuyến của ta chặn lại

- Nhà Trần rút khỏi Thăng Long, thực hiện "vườn không nhà trống". Thiếu lương thực lại bị quân dân ta chống trả, chưa đầy 1 tháng, lực lượng chúng hao mòn dần.

- Ngày 29 - 2 - 1258, Nhà Trần mở cuộc phản công lớn ở Đông Bộ Đầu, quân Mông Cổ thua trận phải rút chạy về nước. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất kết thúc thắng lợi.

Câu 5: Vì sao gọi tình hình đất nước cuối thời Ngô là “Loạn 12 sứ quân”?

Trả lời:

- Gọi tình hình đất nước cuối thời Ngô là “Loạn 12 sứ quân” vì sau khi Ngô Quyền mất, một số hào trưởng địa phương nổi dậy chiếm giữ các nơi.

- Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc. Cả nước bấy giờ chia làm 12 sứ quân đóng ở mỗi vùng.

Câu 6: Giải thích vì sao Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La? Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này

Trả lời:

- Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La vì:

- Kinh đô Hoa Lư không còn phù hợp với tình hình đất nước.

- Muốn chọn một nơi có địa thế thuận lợi (Đại La nằm trung tâm đồng bằng Bắc Bộ), để ổn định về chính trị làm cơ sở để phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên.

- “Xem khắp đất Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội trọng yếu của bốn phương. Đúng là nơi thượng đô, kinh sư mãi muôn đời”.

 

Câu 7: Em hãy trình bày những nét chính về tình hình chính trị thời nhà Trần

Trả lời:

Những nét chính về tình hình chính trị thời nhà Trần:

- Đứng đầu nhà nước là vua.

- Vua Trần thường nhường ngôi sớm cho con, xưng là Thái thượng hoàng cùng quản lí đất nước.

- Quý tộc và quan lại được ban thái ấp, cấp bổng lộc nhưng thưởng phạt có quy định cụ thể.

- Cả nước chia làm 12 lộ, phủ. Đơn vị hành chính ở địa phương là xã.

- Ban hành bộ “Quốc triều hình luật”.

- Quân đội gồm quân triều đình, quân các lộ. phủ, quận biên ải và dân binh ở làng xã.

Câu 8: Đặc điểm chung về tinh thần chống giặc ngoại xâm của vua quan và nhân dân thời Trần.

Trả lời:

- Đặc điểm chung về tinh thần chống giặc ngoại xâm của vua quan và nhân dân thời Trần:

+ Cả nước đồng lòng, chung sức chống giặc.

+ Tất cả các lớp lớp nhân dân, già trẻ gái trai đều tham gia vào công cuộc chống giặc.

 

Câu 9: Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước trong hoàn cảnh nào? Trình bày nét chính về công cuộc thống nhất đất nước của ông.

Trả lời:

- Một số nét chính về công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh:

+ Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm và Phạm Bạch Hổ tiến đánh các sứ quân khác.

+ Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng.

+ Tình trạng cát cứ chấm dứt.

+ Cuối năm 967, đất nước được thống nhất.

Câu 10: Nhà Lý đã làm gì để củng cố chế độ quân chủ?

Trả lời:

Để củng cố chế độ quân chủ, nhà Lý đã:

- Đổi tên nước là Đại Việt (1054)

- Tổ chức bộ máy nhà nước gồm:

+ Trung ương: Vua đứng đầu, các chức vụ quan trọng cử người thân cận nắm giữ. Giúp việc vua có quan đại thần.

+ Địa phương: Cả nước có 24 lộ, phủ (châu), huyện, hương, xã.

- Ban hành bộ luật Hình thư (1042)

- Quân đội gồm: cấm quân và quân địa phương, thi hành chính sách “ngụ binh ư nông”.

- Ban chức tước, gả con gái cho tù trưởng miền núi.

- Giữ hòa hiếu với nhà Tống và Chăm -pa nhưng kiên quyết chống lại quân xâm lược.

 

Câu 11: Tình hình kinh tế thời Trần có những điểm gì nổi bật?

Trả lời:

Tình hình kinh tế thời Trần:

- Nông nghiệp:

+ Khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích canh tác.

+ Đắp đê, đào sông ngòi. Đặt chức quan lo nông nghiệp và thủy lợi.

+ Trồng các loại cây khác: khoai, đậu, chè, cây ăn quả.

- Thủ công nghiệp:

+ Nhiều làng thủ công chuyên nghiệp ra đời

+ Thăng Long là trung tâm sản xuất và buôn bán lớn nhất nước ta.

- Thương nghiệp:

+ Tiền được sử dụng phổ biến, buôn bán phát triển

+ Thuyền buôn ngoại quốc thường đến buôn bán ở cảng Vân Đồn, Hội Thống, Hội Triều,…

+ Gốm sứ trở thành mặt hàng xuất khẩu của Đại Việt.

Câu 12: Vì sao khi bước vào kháng chiến, trước thế giặc rất mạnh, Hưng Đạo Vương lại khẳng định với vua Trần: “Năm nay đánh giặc nhàn”.

Trả lời:

Khi bước vào kháng chiến, trước thế giặc rất mạnh, Hưng Đạo Vương lại khẳng định với vua Trần: “Năm nay đánh giặc nhàn” vì:

- Trong lần này, nhà Trần chủ động mai phục và tiêu diệt đoàn thuyền chở quân lương của giặc, đẩy chúng lâm vào tình thế khó khăn, thiếu thốn.

- Chủ động xây dựng trận địa mai phục trên sông Bạch Đằng, tiêu diệt gọn lực lượng quân giặc, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.

 

Câu 13: Mô tả và nêu nhận xét về tổ chức chính quyền thời Đinh- Tiền Lê.

Trả lời:

Tổ chức chính quyền thời Đinh:

- Trung ương:

+ Hoàng đế đứng đầu triều đình trung ương

+ Giúp vua trị nước có các cao tăng và ban văn, ban võ.

+ Tướng lĩnh thân cận giữ chức vụ chủ chốt

- Địa phương: gồm đạo (châu), giáp, xã

Tổ chức chính quyền thời Lê:

- Trung ương:

+ Vua đứng đầu chính quyền

+ Phong vương cho các con, trấn giữ nơi quan trọng

+ Thái sư, đại sư, quan văn, quan võ giúp vua

- Địa phương:

+ lộ, phủ, châu, rồi đến giáp. Đơn vị cơ sở là xã.

+ Quân đội: cấm quân và quân địa phương

Nhận xét:

- Bộ máy nhà nước thời Đinh còn chưa hoàn chỉnh, sơ sài.

- Sang đến thời Tiền Lê, bộ máy nhà nước được hoàn thiện, cải cách hành chính các cấp ở địa phương.

Câu 14: Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077) có những nét độc đáo gì?

Trả lời:

* Những nét độc đáo của cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077)

- Chủ động tiến công địch, đẩy địch vào thế bị động.

- Lựa chọn và xây dựng phòng tuyến phòng ngự vững chắc trên sông Như Nguyệt.

- Đánh vào tâm lí của địch bằng bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”

- Chủ động tấn công quy mô lớn vào trận tuyến của địch khi thấy địch yếu.

- Chủ động kết thúc chiến sự, đề nghị “giảng hòa” để hạn chế tổn thất.

Câu 15: Em hãy cho biết xã hội thời Trần có những tầng lớp nào?

Trả lời:

- Xã hội thời Trần có những tầng lớp:

+ Tầng lớp quý tộc, quan lại.

+ Tầng lớp địa chủ

+ Tầng lớp nông dân

+ Tầng lớp nô tì

Câu 16: Phân tích nguyên nhân thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên- Mông (thế kỉ XIII).

Trả lời:

Nguyên nhân thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên- Mông:

- Kết quả của lòng yêu nước, của sự đoàn kết toàn dân, trên dưới một lòng cùng tham gia đánh giặc.

- Đề ra kế sách đánh giặc đúng đắn, sáng tạo, biết phát huy truyền thống đánh giặc “lấy ít địch nhiều, lấy ít chống mạnh”, “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”.

- Tài năng của các vua nhà Trần cùng các danh tướng

Câu 17: Đời sống xã hội, văn hóa thời Ngô- Đinh- Tiền Lê có điểm gì nổi bật.

Trả lời:

* Xã hội:

- Gồm 2 bộ phận:

+ Thống trị: vua, quan, một bộ phận nhà sư, đạo sĩ

+ Bị trị: nông dân, thợ thủ công, thương nhân, nô tì

- Nông dân là lực lượng sản xuất chính, cày ruộng công làng xã.

* Văn hóa:

- Nho giáo chưa phát triển, Phật giáo được truyền bá rộng rãi.

- Nhà sư là người có học, được chính quyền và nhân dân tôn trọng.

- Nhiều loại hình văn hóa dân gian phát triển, đặc biệt là hát chèo, đánh đu, đấu vật…

Câu 18: Lý Thường Kiệt có vai trò như thế nào trong kháng chiến chống Tống?

Trả lời:

* Vai trò của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077):

+ Tiêu diệt thủy quân của địch, không cho thủy quân tiến sâu vào hỗ trợ cánh quân đường bộ.

+ Nhận thấy quân địch đã suy yếu, hoang mang Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công quy mô lớn vào trận tuyến của địch.

+ Là người chỉ huy cuộc kháng chiến, giữ chức vụ chủ chốt trong quân đội

+ Đưa ra đường lối kháng chiến đúng đắn, dẹp tan quân Tống

Câu 19: Nêu những thành tựu chủ yếu về văn hóa thời Trần.

Trả lời:

Lĩnh vực

Nội dung

Tư tưởng- tôn giáo

- Thờ tổ tiên, các anh hùng dân tộc

- Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo được coi trọng

- Ra đời Thiền phái Trúc Lâm

Giáo dục và khoa học- kĩ thuật

- 1253 Quốc Tử Giám được mở rộng và nhận cả con cái thường dân

-  Sử học: Đại Việt sử ký, Việt sử lược, Việt sử cương mục

- Quân sự: Binh thư yếu lược

- Y học: thiền sư Tuệ Tĩnh

Văn học và nghệ thuật

- Thơ văn phát triển

- Tác phẩm: Hịch tướng sĩ, Phú sông Bạch Đằng, Tụng giá hoàn kinh sư, Thiên trường vãn vọng…

- Kiến trúc: tháp Phổ Minh, tháp Bình Sơn, chùa Thái Lạc…

- Hát chèo và múa rối nước phổ biến

Câu 20: Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, chọn Cổ Loa làm kinh đô. Giải thích về quyết định này, nhiều ý kiến cho rằng Ngô Vương muốn tiếp nối truyền thống nước Âu Lạc xưa. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

Trả lời:

Em có đồng ý với ý kiến Ngô Quyền chọn Cổ Loa là kinh đô vì muốn tiếp nối truyền thống nước Âu Lạc xưa.

Vì chính Sử gia Lê Văn Hưu đời Trần cũng đã nêu cao ý tưởng này của Ngô Vương Quyền khi viết về Ngô Vương “chính thống của nước Việt ta đã nối lại được”. Với việc Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa, vùng đất Hà Nội đã khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu phục hưng độc lập sau hơn nghìn năm Bắc thuộc.

Ngô Quyền cũng muốn khẳng định việc trở về với cội nguồn của dân tộc, tỏ rõ ý nguyện tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Văn Lang - Âu Lạc, chính thức cắt hẳn sự ảnh hưởng của triều đình phương Bắc.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay