Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 cánh diều Bài 7: Văn bản Lính đảo hát tình ca trên đảo

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 7: Văn bản Lính đảo hát tình ca trên đảo. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 cánh diều

TL. LÍNH ĐẢO HÁT TÌNH CA TRÊN ĐẢO

NHẬN BIẾT

Câu 1:Tìm hiểu về tác giả Trần Đăng Khoa?

Trả lời:

 - Trần Đăng Khoa (sinh năm 1958)

 - Quê quán: Hải Dương

 - Phong cách nghệ thuật: Giản dị, gần gũi, giàu chất nhạc,

 - Tác phẩm chính: Góc sân và khoảng trời, từ góc sân nhà em, khúc hát người anh hùng,...

Câu 2: Tìm hiểu về nguồn gốc và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm ?

Trả lời:

 - Bài thơ sáng tác vào năm 1982 trong một lần đi thăm những người chiến sĩ nơi đảo xa của nhà thơ Trần Đăng Khoa. 

 - Bài thơ được trích từ tập “Tuyển thơ” của nhà xuất bản Văn học

Câu 3: Tóm tắt tác phẩm theo cách hiểu của em ?

Trả lời:

Bài thơ viết về những người lính trên quần đảo Trường Sa vào đầu những năm 80 của thế kỉ XX. Tuy cuộc sống của họ còn thiếu thốn về vật chất, sân khấu xếp bằng đá san hô, cánh gà chôn bằng mấy tấm tôn, ca sĩ toàn là những anh chàng đầu trọc (họ phải cạo trọc đầu để tiết kiệm nước ngọt vệ sinh)... nhưng tâm hồn của họ thì vô cùng lạc quan, yêu đời. Họ cất cao lời ca tiếng hát, những tiếng hát ngang tàng, toàn nhớ với thương. Dù chưa biết "người thương" ở phương nào, họ vẫn khát khao và mộng tưởng, họ khẳng định tình yêu thủy chung như muối mặn của mình dẫu chưa hề biết "bóng dáng nào sẽ đến" với họ. Có thể nói, họ thiếu thốn cả về vật chất và tình cảm. Chỉ có tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước thì luôn chan chứa trong tim.

Câu 4: Thể loại của tác phẩm là gì ?

Trả lời:

Thể loại: Thơ tự do

Câu 5: Phương thức biểu đạt của tác phẩm ?

Trả lời:

Phương thức biểu đạt: Biểu cảm

Câu 6: Nêu bố cục của tác phẩm ?

Trả lời:

 - Đoạn 1,2,3: Khâu chuẩn bị biểu diễn của những người lính đảo

 - Đoạn 4,5,6: Buổi biểu diễn của những người lính đảo

 - Đoạn 7,8,9,10: Buổi biểu diễn đến cao trào 

THÔNG HIỂU

Câu 7: Nêu giá trị nội dung của tác phẩm ?

Trả lời:

 - Nêu hiện thực cuộc sống khốn khổ, khó khăn của những người lính nơi đảo xa

 - Ca ngợi tinh thần lạc quan, yêu tổ quốc, vượt lên trên khó khăn của những mình lính đảo 

Câu 8: Nêu giá trị nghệ thuật của tác phẩm ?

Trả lời:

 - Nghệ thuật so sánh, nhân hóa sinh động, linh hoạt

 - Ngôn ngữ thơ mềm mại, uyển chuyển

 - Hình ảnh thơ mới mẻ, sáng tạo

Câu 9: Theo em chủ đề của bài thơ là gì?

Trả lời:

 Chủ đề: hình tượng người lính đảo.

 VẬN DỤNG

Câu 10: Trong bài thơ người lính đảo chuẩn bị những gì cho sân khấu biểu diễn của mình ?

Trả lời:

 - Không gian sân khấu thiếu thốn, tạm bợ

 - Đá san hô làm sân khấu

 - Vài tấm tôn làm cánh gà

=> Không gian biểu diễn chỉ cần có sân khấu và cánh gà

Câu 11: Từ đây em có nhận thấy điều gì về hoàn cảnh sống của những người lính đảo?

Trả lời:

 - Hoàn cảnh sống khó khăn, khắc nghiệt 

 - Gió rát mặt, đảo liên tục thay đổi hình dáng => Địa hình nơi đảo xa khó khăn, hiểm trở

 - Hình ảnh so sánh “sỏi cát bay - lũ chim hoang” => thể hiện số lượng sỏi cát bay mịt mù trong gió trời

 - Cả người hát lẫn người xem toàn là lính trọc đầu => Đặc điểm của những người lính trên đảo 

Câu 12: Ngoại hình của những người lính được miêu tả như thế nào ?

Trả lời:

 Cái đầu trọc lốc nên được ví như sư cụ "Là bà con xa với bụt ốc đây mà" -> giọng thơ hóm hỉnh, nhí nhảnh và vui tươi.

Câu 13: Buổi biểu diễn của những người lính đảo đã diễn ra như thế nào ?

Trả lời:

 - Tiết mục biểu diễn có sự góp sức của cả thiên nhiên

 - Mây nước đã mở màn là biện pháp nhân hóa => Khúc ca có sự góp mặt của mây và nước

 - Giai điệu của những người lính đảo phóng khoáng, tự do nhưng tràn đầy tình yêu

 - Biện pháp so sánh: Giai điệu ngang tàng như gió biển => Giọng ca mát lành, phóng khoáng tự do

 - Lời ca chỉ toàn tình yêu gửi đến nơi hậu phương 

=> Tâm hồn lãng mạn của những người lính đảo

Câu 14: Lời hát của người lính biển mang thông điệp và ý nghĩa gì ?

Trả lời:

 - Lời hát nhắc lại những kỉ niệm nơi hậu phương 

 - Kỉ niệm đi dạo dưới đêm trăng 

 - Những bức thư tình chưa biết gửi cho ai

=> Nỗi nhớ nhung của những người lính đảo nơi chiến tuyến

 - Lời hát là lời khẳng định lòng chung thủy nơi biển đảo

 - Đứng vững giữa muôn trùng sóng vì tổ quốc yêu thương 

=> Dù trăm bề khốn khổ nhưng những người lính không quên nhiệm vụ của mình, rắn rỏi, ngang tàng

 VẬN DỤNG CAO

Câu 15: Viết một bài văn phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo của nhà thơ Trần Đăng Khoa ?

Trả lời:

Trần Đăng Khoa được người đời ngợi ca và mệnh danh là "Thần đồng thơ ca". Với ngôn từ mộc mạc, hình ảnh thân quen, những sáng tác của ông dễ dàng đi sâu vào tâm trí và trái tim người đọc. Trong đó, chúng ta không thể bỏ qua tác phẩm "Lính đảo hát tình ca trên đảo". Bài thơ đã mang tới những hình ảnh chân thực về cuộc sống sinh hoạt của người lính nơi đầu sóng ngọn gió.

Mở đầu bài thơ, Trần Đăng Khoa trực tiếp đưa độc giả đến với khung cảnh:

"Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà"

Ngoài đảo, mọi thứ đều khan hiếm, thiếu thốn đủ đường. Vậy nên, sân khấu chỉ được lắp ghép, chắp vá tạm bợ bởi "đá san hô" mà thôi. Phía cánh gà cũng được tạo nên từ vài tấm tôn. Có thể thấy, chỉ với hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã gợi lên cuộc sống khó khăn của những người lính đảo. Cuộc sống ấy còn bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên nhiên khắc nghiệt:

"Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi Trường Sa"

Cách xưng hô thân mật "em", "bọn chúng anh" cho thấy sự gắn kết giữa con người. Người lính nói bằng giọng điệu hết sức nhẹ nhàng, như thể đây chỉ là một câu chuyện nhỏ nhẹ, không đáng quan tâm. Câu thơ giống như lời tâm sự thủ thỉ, lời lí giải nhẹ nhàng cho hoàn cảnh. Đồng thời, khéo léo nhấn mạnh vào ý chí, bản lĩnh của những người dám đương đầu với sóng to, gió lớn nơi biển đảo.

Dẫu thiếu thốn vật chất, điều kiện tự nhiên hà khắc, người lính vẫn nở nụ cười lạc quan:

"Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn"

Sống giữa biển trời mênh mông, người lính hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với biết bao gian khổ. Nào là những lần gió thổi rát mặt. Nào là những trận bão cát sỏi bay điên cuồng. Thế nhưng, họ chẳng lấy làm để tâm. Câu nói "Cứ mặc nó" cho thấy phong thái bình thản, ung dung của người lính đảo. Dường như, những khó khăn ấy không còn là nỗi bận tâm, lo lắng nữa rồi. Giờ đây, họ dành hết tâm trí cho chiếc sân khấu "có một không hai" - "mây nước mở màn" với đội ngũ biểu diễn và khán giả đặc biệt:

"Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc
Lính già lính trẻ đều trọc tếu như nhau"

Khổ thơ bốn dòng nhưng có đến ba từ "trọc" đã nhấn mạnh vào vẻ bề ngoài đặc trưng những chàng lính đảo. Ngoài đảo, nước ngọt khan hiếm vô cùng. Vì thế, họ không nỡ dùng nguồn nước quý giá đó để gội đầu. Từ lính mới đến lính cũ, lính già đến lính trẻ, ai ai cũng đồng lòng. Họ bảo nhau cắt đi mái tóc, biến mình thành "chàng đầu trọc" nhằm tiết kiệm những giọt nước tinh khiết. Bằng giọng điệu hóm hỉnh, Trần Đăng Khoa đã khắc họa nên một bức tranh chân thực về đời sống của lính đảo, tuy khó khăn nhưng không bi lụy. Từ chính cái khổ cực ấy, họ biến chúng thành niềm vui: "Có lúc vui cứ gọi đùa sư cụ/ Là bà con xa với bụt ốc đây mà", "Hóa ra là sư cụ hát tình ca".

Giữa không gian bao la, mây trời sóng nước lồng bóng, người lính đảo được ví như "sư cụ" cất lên khúc hát đặc biệt:

"Những giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi"

Nếu như giai điệu mạnh mẽ, ngang tàn như gió biển thổi thì lời ca lại nhẹ nhàng, tha thiết nỗi nhớ thương. Một bản tình ca độc đáo, mới lạ, chỉ có riêng ở người lính đảo. Hòa theo nhịp điệu, những chàng lính cất lên câu hát tâm tình, chan chứa yêu thương "Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo", "Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?". Mượn lời ca, họ khéo léo bày tỏ tình cảm chân thành "Rằng chúng ta là những con người/ Yêu em thủy chung hơn muối mặn/ Dù thư tình chưa biết gửi cho ai". Có thể thấy, người lính đảo hiện lên thật chân thực với nét tính cách lạc quan, nhí nhảnh, tâm hồn trong sáng. Giống như bao người, các chàng trai ấy cũng có trái tim khao khát hạnh phúc và tình yêu đôi lứa.

Bản tình ca đằm thắm ấy còn là khúc hát say sưa về Tổ quốc thân yêu:

"Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này..."

Trên tất cả, trong trái tim thổn thức từng nhịp đập, tình yêu đất nước vẫn nóng bỏng hơn bao giờ hết. Nó chính là ngọn lửa tiếp thêm nhiệt huyết, là điểm tựa tiếp thêm sức mạnh cho những người lính. Giữa muôn trùng sóng gió của biển cả, người lính đảo luôn vững vàng chắp tay súng, bảo vệ từng tấc đất của nước nhà. Để rồi, thông qua đó, khẳng định đất nước bắt nguồn từ chính những vùng đất xa xôi mà thiêng liêng này.

Bài thơ kết thúc với hình ảnh ấn tượng:

"Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển người đâu lên đông thế
Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu..."

Khổ thơ cuối vẫn là giọng điệu hóm hỉnh, vui tươi và tếu táo giống các phần trước. Khi thủy triều rút, những tảng đá bóng nhẵn như cái đầu trọc lộ lên khỏi mặt nước. Có thể thấy, điều kiện sống thật cực khổ làm sao!

Bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu; hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc, nhà thơ đã đem đến cho người đọc những hình dung cụ thể, chi tiết về đời sống nơi hải đảo xa xôi, hiểm trở. Việc sử dụng thành công các biện pháp tu từ như so sánh "Những giai điệu ngang tàn như gió biển", điệp ngữ "Nào hát lên cho",... cũng góp phần khắc họa thành công hình ảnh người lính đảo. Họ là những con người lạc quan, yêu đời, đầy mơ mộng với cuộc sống. Chính họ đã và đang từng ngày, từng giờ bảo vệ chủ quyền nước nhà.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay