Câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 cánh diều Ôn tập Bài 2: Thơ Đường luật (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 2: Thơ Đường luật (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 2

THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Câu 1: Nêu giá trị nghệ thuật của tác phẩm Câu cá mùa thu ?

Trả lời:

- Cách gieo vần đặc biệt: Vần “eo” (tử vận) khó làm, được tác giả sử dụng một cách thần tình, độc đáo, góp phần diễn tả một không gian vắng lặng, thu nhỏ dần, khép kín, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhà thơ.

- Lấy động tả tĩnh – nghệ thuật thơ cổ phương Đông.

- Vận dụng tài tình nghệ thuật đối.

Câu 2: Nêu bố cục của bài thơ Câu cá mùa thu ?

Trả lời:

- Cách chia 1:

+ Hai câu đề: Quang cảnh mùa thu.

+ Hai câu thực: Những chuyển động nhẹ nhàng của mùa thu.

+ Hai câu luận: Bầu trời và không gian làng quê..

+ Hai câu kết: Tâm trạng của nhà thơ.

- Cách chia 2:

+ Phần 1 (6 câu thơ đầu): Cảnh mùa thu ở vùng quê Bắc bộ.

+ Phần 2 (2 câu thơ cuối): Tình thu.

Câu 3: Tìm hiểu đôi nét về Nguyễn Khuyến?

Trả lời:

- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu là Quế Sơn, lúc nhỏ tên là Nguyễn Thắng.

- Sinh ra tại quê ngoại – xã Hoàng Xá (nay là xã Yên Trung), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

- Lớn lên và sống chủ yếu ở quê nội – làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

- Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo.

- Năm 1864, ông đỗ đầu kì thi Hương. Mấy kì sau thi tiếp lại trượt, đến năm 1871, ông đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình. ⇒ Do đỗ đầu cả ba kì thi nên Nguyễn Khuyến được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

- Tuy đỗ đạt cao nhưng ông chỉ làm quan hơn mười năm, còn phần lớn cuộc đời là dạy học và sống thanh bạch ở quê nhà.

Câu 4: Tìm hiểu về hai câu đề của bài thơ Thu Điếu ?

Trả lời:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

- Khung cảnh: ao thu, chiếc thuyền câu → Hình ảnh bình dị, gần gũi với quê hương.

→ Không gian mùa thu không mở ra bát ngát mà thu hẹp lại trên một ao thu rồi đến một chiếc thuyền câu đã bé lại càng bé hơn như muốn thu mình vào cảnh bé tẻo teo.

- Điểm nhìn đi từ cái nhìn bao quát đến cận cảnh: từ ao thu đến chiếc thuyền câu.

- Đường nét, sắc thái tinh tế của cảnh thu được bộc lộ qua các từ ngữ: lạnh lẽo, trong veo → Cảnh thu cảnh thu vắng, lạnh, có chút đìu hiu.

Câu 5: Phân tích cách dùng từ trong hai câu kết trong bài thơ Câu cá mùa thu ?

Trả lời:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

- Cái tôi trữ tình của nhà thơ – người câu cá xuất hiện với trạng thái: tựa gối, buông cần. → Một sự chờ đợi mỏi mòn trong vắng lặng mênh mông.

⇒ Tư thế chứa đựng bao tâm sự thầm kín của thi nhân trước thời thế.

- Tiếng cá đớp động dưới chân bèo. → Lấy động tả tĩnh.

⇒ Sự tĩnh lặng trong tâm hồn của thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc và dường như tuyệt đối bởi không gì tĩnh lặng đến mức nhà thơ có thể nghe được tiếng cá đớp mồi câu dưới chân bèo.

- Từ đâu có hai cách hiểu:

+ Phủ định;

+ Phiếm định hay nghi vấn.

→ Gợi nên sự mơ hồ của cảnh, tạo nên không khí ảo diệu của mùa thu và cho ta thấy được thái độ tĩnh tại trong tâm hồn của thi nhân.

Câu 6: Thử sắp xếp lại trật tự các từ gạch chân nhằm nhấn mạnh những phẩm chất của cây xe theo trình tự miêu tả ?

“Cây tre Việt Nam ! Cây tre can đảm, ngay thẳng, xanh, chung thủy, nhũn nhặn. Cây tre xanh mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.”

Trả lời:

“Cây tre Việt Nam ! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, cam đảm . Cây tre xanh mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.”

Câu 7: Phân tích và sửa lỗi về trật tự từ trong các trường hợp sau:

a, Đến năm 2000, phải thanh toán hết các trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, phải đầu tư một số dụng cụ chuyên khoa cần thiết cho các trạm y tế như răng, mắt.

b, Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều.

Trả lời:

-  Sửa "phải thanh toán hết các trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu"  thành"các trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu phải thanh toán hết".

-  Sửa "úp cái nón lên mặt" thành "úp lên mặt cái nón".

Câu 8: Nêu phong cách nghệ thuật và sáng tác tiêu biểu của tác giả Hồ Xuân Hương ?

Trả lời:

- Theo giới nghiên cứu hiện có khoảng trên dưới 40 bài thơ tương truyền là của Hồ Xuân Hương.

- Nữ sĩ còn có tập thơ Lưu hương kí gồm 24 bài chữ Hán và 26 bài chữ nôm.

- Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là hiện tượng rất độc đáo: nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng.

- Nổi bật trong sáng tác thơ của Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ.

⇒ Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa Thơ Nôm”.

Câu 9: Thể loại của tác phẩm Cảm xúc mùa thu là gì ?

Trả lời:

Thể loại: Thơ đường luật

Câu 10: Nêu bố cục của bài thơ ?

Trả lời:

- Hai câu đề: cảnh núi rừng mùa thu tiêu điều, hoang vắng

- Hai câu thực: bức tranh thu vừa hùng vĩ vừa bi tráng.

- Hai câu luận: nỗi niềm của kẻ li hương

- Hai câu kết: cuộc sống tất bật thường nhật của những con người lao động

Câu 11: Hiệu quả diễn đạt của việc sắp xếp trật tự các cụm từ in đậm trong câu văn “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập - Cùng Hán, Đường, tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương” là gì ?

Trả lời:

Nhằm thể hiện trình tự theo thời gian và mối quan hệ không gian của các sự việc được nói đến.

Câu 12: Giải thích nghĩa các từ sau: rung chuyển, rung rinh. Đặt câu với mỗi từ đó.

Trả lời:

Từ

Nghĩa của từ

rung chuyển

Chỉ sự chuyển động mạnh mẽ của sự vật khi có một lực lớn tác động

rung rinh

Chỉ sự chuyển động nhỏ, không đáng kể của sự vật, thường là những sự vật nhỏ, mỏng manh

Đặt câu:

   - Câu chứa từ rung chuyển: Trận động đất đã làm cả mặt đất rung chuyển.

   - Câu chứa từ rung rinh: Cơn gió nhẹ của mùa thu thoáng qua, làm rung rinh những cành lá non.

Câu 13: Hãy thay từ dùng sai trong các câu dưới đây bằng những từ khác. Theo em, nguyên nhân chủ yếu của việc dùng sai đó là gì?

   a, Tiếng Việt có khả năng diễn tả linh động mọi trạng thái tình cảm của con người.

   b, Có một số bạn còn bàng quang với lớp.

   c, Vùng này còn khá nhiều thủ tục như: ma chay, cưới xin đều cỗ bàn linh đình; ốm không đi bệnh viện mà ở nhà cúng thôi.

Trả lời:

Câu

Từ bị dùng sai

Cần thay bằng từ

a

linh động

linh hoạt

b

bàng quang

bàng quan

c

thủ tục

hủ tục

Câu 14: Thể loại của tác phẩm Câu cá mùa thu là gì ?

Trả lời:

Thể loại: Thất ngôn bát cú

Câu 15: Phân tích màu sắc, đường nét, nghệ thuật của hai câu thơ thực ?

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”

Trả lời:

- Sắc màu: Màu xanh biếc của sóng nước và sắc vàng của lá hòa thành màu sắc kỳ diệu của mùa thu.

- Đường nét: Gió thu thoáng nhẹ, sóng gợn nhẹ nhàng, lá bay khẽ khàng. → Tô đậm thêm cái tĩnh lặng của mùa thu.

- Nghệ thuật: Lấy động tả tĩnh.

→ Phác họa mùa thu với màu sắc hài hòa, không gian tĩnh lặng với bao nhiêu cử động mà vẫn im lìm, mỏng manh, nhỏ nhẹ. ⇒ Phải có sự hòa điệu với thiên nhiên nhà thơ mới cảm nhận được những rung động mơ hồ của vạn vật, đất trời.

Câu 16: Chỉ ra các lỗi dùng từ trong những câu dưới đây. Chữa lại các lỗi sai về dùng từ trong các câu

a, Nghe phong phanh hình như hôm nay được nghỉ.

b, Anh ấy là một người kiên cố.

c, Anh ấy rất cao ráo.

Trả lời:

   - Lỗi dùng từ trong:

    + Câu a: phong phanh

    + Câu b: kiên cố

    + Câu c: cao ráo

   - Chữa lại các câu đã cho như sau:

    + Câu a: Nghe phong thanh hình như hôm nay được nghỉ

    + Câu b: Anh ấy là một người rất kiên cường

    + Câu c: Anh ấy rất cao

Câu 17: Nêu bố cục của bài thơ Tự tình 2?

Trả lời:

+ Hai câu đề: Giới thiệu về hình ảnh người vợ lẽ.

+ Hai câu thực: Cách giải quyết nỗi tâm tư của người vợ lẽ.

+ Hai câu luận: Khát khao tìm đến hạnh phúc của người phụ nữ.

+ Hai câu kết: Quy luật khắc nghiệt của thời gian và tuổi trẻ.

Câu 18: Nêu giá trị nghệ thuật của tác phẩm Tự tình 2 ?

Trả lời:

Ngôn ngữ thơ Nôm bình dị, hình ảnh gợi cảm, giàu màu sắc, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc,...

Câu 19: Phân tích hai câu luận

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Trả lời:

- Nghệ thuật đảo ngữ, động từ mạnh, đối: Xiên ngang – rêu; đâm toạc – đá → Bức tranh thiên nhiên sinh động, giàu sức sống.

- Hình ảnh thơ: Rêu xiên ngang mặt đất, đá đâm toạc chân mây. → Không chỉ diễn tả sự phẫn uất mà đó còn là sự phản kháng trước số phận hẩm hiu, tình duyên dang dở.

⇒ Ý thức về hạnh phúc, tình duyên.

Câu 20: Hai câu kết thể hiện ý nghĩ, suy tư gì của tác giả ?

Trả lời:

- Ngán: chán ngán, ngán ngẩm. → Mệt mỏi, chán chường trước duyên phận éo le, bạc bẽo.

- Từ xuân mang hai nghĩa: Vừa là mùa xuân vừa là tuổi xuân.

→ Mùa xuân của thiên nhiên thì tuần hoàn, vĩnh cửu còn tuổi xuân của đời người thì qua đi không bao giờ trở lại.

- Hai từ lại mang hai nghĩa khác nhau:

+ Từ lại thứ nhất mang ý nghĩa thêm lần nữa;

+ Từ lại thứ hai có nghĩa là trở lại.

→ Sự trở lại của mùa xuân lại đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Tác giả cảm nhận sự chảy trôi của thời gian, đời người với bao xót xa, tiếc nuối.

- Thủ pháp nghệ thuật tăng tiến Mảnh tình – san sẻ – tí – con con: Nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn.

→ Mảnh tình đã bé lại còn san sẻ thành ra ít ỏi chỉ còn tí con con nên càng xót xa tội nghiệp.

⇒ Câu thơ là cảnh ngộ và là tâm trạng bi kịch của nữ sĩ: càng khát khao hạnh phúc càng thất vọng, mơ ước càng lớn thực tại càng mỏng manh ⇒ nỗi ngao ngán về số phận và thực tại phũ phàng, tình duyên lận đận

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay