Câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 cánh diều Ôn tập Bài 8: Văn bản nghị luận (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 8: Văn bản nghị luận (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 cánh diều.

ÔN TẬP BÀI 8

VĂN BẢN NGHỊ LUẬN

Câu 1: Chỉ ra những luận điểm chính mà tác giả Chu Thanh Sơn đã sử dụng trong bài nghị luận của mình ?

Trả lời:

Các luận điểm của văn bản Gió thanh lay động cành cô trúc:

Hai câu đề: Thần thái của trời thu với vẻ êm ả, mát mẻ và trong xanh.

Hai câu thực: Bức tranh thu ảm đạm cứ hạ dần độ cao thông qua việc miêu tả mặt nước và mặt đất.

Hai câu luận: Không gian và thời gian trong bức tranh mùa thu ấy.

Hai câu kết: Kết lại bằng bức họa thật nhanh thật đọng, thể hiện nỗi niềm của thi nhân Nguyễn Khuyến.

Trình tự sắp xếp các luận điểm đó được xếp theo trình tự logic: đề - thực - luận - kết.

Câu 2: Nội dung chủ đạo và âm điệu của hai cậu luận trong bài Gió thanh lay động cành cô trúc được phân tích như thế nào ?

Trả lời:

“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào.”

- Tâm trạng hoài cổ chi phối cách nhìn, cách nghĩ của nhà thơ. Hoa năm nay mà nghĩ là hoa năm ngoái. Tiếng ngỗng trời kêu quen thuộc mỗi độ thu về khiến nhà thơ giật mình, băn khoăn tự hỏi ngỗng nước nào?

- Âm điệu câu thơ 4/1/2 như chứa chất bâng khuâng, suy tư. Nhà thơ quan sát cảnh vật với một nỗi niềm u uất.

Câu 3: Hai câu kết văn bản Gió thanh lay động cành cô trúc thể hiện điều gì ở nhà thơ Nguyễn Khuyến ?

Trả lời:

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”

- Thi hứng dạt dào thôi thúc nhà thơ cầm bút, lý trí bừng thức khiến nhà thơ chợt thấy thẹn với ông Đào. (Tức Đào Tiềm, nhà thơ nổi tiếng đời Đường bên Trung Quốc).

- Nguyễn Khuyến thẹn về tài thơ thua kém hay thẹn vì không có được khí tiết cứng cỏi như ông Đào ? Nói vậy nhưng Nguyễn Khuyến vẫn sáng tác nên bài Thu vịnh để đời.

- Câu thơ cuối bỏ lửng khơi gợi suy ngẫm của người đọc.

Câu 4: Với nhan đề bài nghị luận “Gió thanh lay động cành cô trúc” em có cảm nhận gì về nhan đề này ?

Trả lời:

Nhan đề Gió thanh lay động cành cô trúc em hiểu nói về bóng dáng cây cô trúc ẩn trong thế giới thi ca Nguyễn Khuyến. Hình ảnh thể hiện khí tiết của trúc, luôn biết giữ mình thanh cao, luôn xao mình dù chỉ là một làn gió thoảng

Câu 5: Em hiểu thế nào về “hội nhập”, “bản sắc”,  “văn hóa”?

Trả lời:

- Bản sắc  có thể ám chỉ đến tính cách, đặc trưng, hoặc đặc điểm riêng biệt của một người, một vùng miền, hoặc một quốc gia. Nó thể hiện sự đa dạng và đặc trưng của một cá nhân hoặc một cộng đồng.

- Hội nhập là quá trình mà các quốc gia, cộng đồng, hoặc tổ chức khác nhau hợp nhất với nhau để tạo ra một môi trường chung hòa nhập và hợp tác.

- Văn hóa là tập hợp các giá trị, niềm tin, nghệ thuật, phong tục, và lối sống của một nhóm người hoặc cộng đồng. Nó bao gồm những quy tắc ứng xử, cách thức giao tiếp, và cách mà con người tạo ra và truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm. Văn hóa có thể biểu hiện qua ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật, kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo, và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

Câu 6: Gây tổn thương cho người khác sẽ đem đến những tác hại gì ?

Trả lời:

+ Không chỉ người khác bị chúng ta đối xử tệ mà bản thân chúng ta cũng bị ảnh hưởng về mặt trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần.

- Những hệ quả tích cực từ lời cam kết: “Không làm tổn thương người khác”

+ Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản về cả thể chất và tinh thần

+ Chúng ta không phải đoán già đoán non liệu những hành động của mình sẽ gây ra tác động hay hậu quả thế nào đối với người khác

+ Mỗi ngày đem đến một dòng chảy mới đem cảm giác hạnh phúc và bình yên cho chúng ta

Câu 7: Sau khi tìm hiểu văn bản Đừng gây tổn thương em rút ra được bài học gì ?

Trả lời:

- Mỗi ngày chúng ta phải sống sao cho xứng đáng

- Đơn giản hóa cuộc sống và quyết định của mình trên nhiều lĩnh vực

- Không nên vội phán xét và quy tội cho người khác khi chưa có bằng chứng xác thực

Câu 8: Lợi ích khi chúng ta ngừng việc làm tổn thương nhau ?

Trả lời:

+ Cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản cả về vật chất lẫn tinh thần

+ Đem lại cảm giác bình yên và hạnh phúc mỗi ngày

+ Cuộc sống sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều

+ Gặt hái được nhiều điều tốt đẹp

+ Tránh được những vết thương cho chính bản thân mình

Câu 9: Nêu giá trị nghệ thuật của tác phẩm Bản sắc là hành trang ?

Trả lời:

- Luận điểm rõ ràng

- Ngôn ngữ sắc bén…

Câu 10: Tìm các phép liên kết có trong các đoạn trích sau:

a, Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu.

b, Tôi ngẩng cao đầu mới thấy tuổi của bà; chứ cứ nhìn bà chặt củi, nhổ sắn, nhìn bà đứng, bà đi thì không ai biết bà đã gần bảy mươi. Bà làm nhanh, đi nhanh, lưng thẳng. Bà không hút thuốc lào như u tôi, không ăn giầu.

c, Có cây lược anh càng mong gặp con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám- năm đó ta chưa võ trang- trong một trận càn của quân Mĩ - ngụy, anh Sáu bị hy sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mỹ bắn vào ngực.

Trả lời:

a, Phép thế

b, Phép lặp

c, Phép nối

Câu 11: Phân tích cách trình bày nội dung của các đoạn văn sau:

“ Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hoá nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả ở phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, chầu Á, châu Mĩ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hoá thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm […] Nhưng điều kỳ lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hoá dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại […].” (Lê Anh Trà, Phong cách Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Đoạn văn của Lê Anh Trà có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức:

- Về nội dung:

+ Các câu trong đoạn văn cùng hướng đến chủ đề ca ngợi lối sống giản dị của Bác Hồ.

+ Các câu trong đoạn văn được sắp xếp theo trình tự hợp lí (lô-gíc): câu 1, 2, 3: Bác giản dị trong nơi ở; câu 4, 5: Bác giản dị trong trang phục; câu 6: Bác giản dị trong bữa ăn hằng ngày.

- Về hình thức: Các câu trong văn bản được liên kết chặt chẽ bằng các phép liên kết: phép lặp: nhà sàn, Người; phép thế: Người (thế cho vị Chủ tịch); phép nối: Và; phép đồng nghĩa: giản dị, mộc mạc đơn sơ, đạm bạc.

Câu 12: Trong các đoạn trích sau đây, những phép liên kết câu và liên kết đoạn văn nào đã được sử dụng?

  1. a) Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến. Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa. (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục)

  2. b) Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực sự được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống. Sự sống ấy tỏa đều cho mọi vẻ, mọi mặt của tâm hồn. Văn nghệ nói chuyện với tất cả tâm hồn chúng ta, không riêng gì trí tuệ, nhất là trí thức. (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)

  3. c) Thật ra, thời gian không phải là một mà là hai: đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm thế giới, vừa là một khái niệm chủ quan của con người đơn độc. Bởi vì chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian là liên tục. (Thời gian là gì? trong Tạp chí Tia sáng)

  4. d) Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh. (Nam Cao, Chí Phèo)

Trả lời:

- (a):

+ Liên kết câu: trường học ở trường học (phép lặp);

+ Liên kết đoạn: trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến ở như thế(phép thế).

- (b):

+ Liên kết câu: Văn nghệ ở văn nghệ (phép lặp);

+ Liên kết đoạn: sự sống ở Sự sống; văn nghệ ở Văn nghệ (phép lặp).

- (c): Liên kết câu: thời gian ở thời gian ở thời gian; con người ở  Con người (phép lặp).

- (d): Liên kết câu: yếu đuối ở mạnh; hiền lành ở ác (liên hệ trái nghĩa).

Câu 13: Theo em nhan đề của văn bản Bản sắc là hành trang có ý nghĩa gì ?

Trả lời:

- Nhan đề “Bản sắc là hành trang”: Bản sắc là nét riêng, hành trang là những điều có thể đem theo mãi mãi. Bản sắc là hành trang là những nét riêng biệt, đặc sắc riêng của dân tộc ta nên được đem theo, giữ gìn mãi mãi.

- Nhan đề này cho em biết vấn đề tác giả bàn luận trong văn bản là việc bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc.

- Vấn đề ấy có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập, nơi những điều mới mẻ, hiện đại có nguy cơ xóa bỏ hoàn toàn những nét riêng biệt của mỗi dân tộc.

Câu 14: Nối các từ ngữ cột A với các từ ngữ cột B sao cho phù hợp

A

B

1. Phép lặp từ ngữ

a, Sử dụng ở các câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước

2. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng

b, Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước

3. Phép thế

c, Lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu đứng trước

4. Phép nối

d, Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước

Trả lời:

  1.     c: Phép lặp từ từ - lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu đứng trước

  2.     d: Phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng - sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước

  3.     a: Phép thế - sử dụng ở các câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước

  4.     b: Phép nối -  sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước

Câu 15: Nêu bố cục của tác phẩm Bản sắc là hành trang ?

Trả lời:

- Phần 1: Khái niệm hội nhập

- Phần 2: Giá trị của bản sắc văn hóa Việt Nam

- Phần 3: Nhấn mạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Câu 16: Nêu tác dụng của biện pháp trình bày song hành trong đoạn văn dưới đây:

“Cây lan, cây huệ, cây hồng nói chuyện bằng hương bằng hoa. Cây mơ, cây cải nói chuyện bằng lá. Cây bầu, cây bí nói bằng quả. Cây khoai, cây dong nói bằng củ, bằng rễ. Bao nhiêu thứ hoa, bấy nhiêu tiếng nói.” (Theo Trần Mạnh Hảo)

Trả lời:

Đoạn văn trình bày theo phép song hành: là đoạn văn không có câu chủ đề. Mỗi câu trong đoạn triển khai một hướng của chủ đề đoạn nhưng không có câu mang ý khái quát toàn đoạn, không có ý này bao quát ý kia hoặc ý này phụ thuộc vào ý kia. Các câu có quan hệ ngang hàng, bình đẳng nhau về ngữ pháp. Do vậy, loại đoạn văn này thường dùng phép lặp cú pháp.

Câu 17: Viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) về chủ đề: Uống nước nhớ nguồn. Trong đó có sử dụng các từ để liên kết và chỉ ra từ liên kết ấy ?

Trả lời:

“Uống nước nhớ nguồn” là một thói quen tốt. Thói quen tốt ấy được thể hiện ở việc ta biết ơn, kính trọng đối với thế hệ đi trước, những người đã tạo ra những “quả ngọt” để ta hưởng thụ hôm nay. Nó giúp cho con người biết nhớ về cội nguồn và trần trọng những gì mà mình đang sử dụng hay sở hữu. Vì thực tế, cần phải hiểu rằng, trong cuộc sống này, không phải thứ gì cũng tự nhiên mà có mà mọi vật đều có một nguồn gốc riêng, do những bàn tay tạo nên. Cái áo ta mặc, chiếc giày ta đi,… là bàn tay lao động vất vả của các bác công nhân tạo nên, ta có cuộc sống yên bình, hạnh phúc là nhờ có công lao to lớn của biết bao thế hệ cha anh trong thời chiến đã không tiếc thân mình để hy sinh, bảo vệ Tổ Quốc, dân tộc. Vậy nên, con người ta bên cạnh việc biết ơn thì cũng cần phải biết giữ gìn và trân trọng những thành quả ấy. Thế hệ chúng ta hôm nay, cần biết phát huy và bảo tồn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đó là một đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc.

- Phép liên kết: “Uống nước nhớ nguồn” là một thói quen tốt. Thói quen tốt ấy được thể hiện…

Câu 18: Em có cảm nhận gì về câu nói : Đừng để những người thân yêu xung quanh tổn thương vì sự vô tâm của bạn ? Hãy viết một bài văn nghị luận bàn về vấn đề này ?

Trả lời:

Xã hội đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế… Chính sự phát triển như vũ bão này lại là tác nhân khiến cho thái độ sống của con người với nhau trở nên xa lạ, không còn thân thiết. Bởi guồng quay cuộc sống kéo họ vào những bận rộn, hối hả đời thường. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành nên.

Trước hết chúng ta cần hiểu rõ vô cảm là như thế nào? Và tại sao lại gọi vô cảm là “bệnh”. Người ta chỉ gọi bệnh ho, bệnh lao, bệnh ngoài da… có thể dùng thuốc để chữa nhưng vô cảm cũng là một loại bệnh. Chắc hẳn có ý ẩn dụ gì đằng sau câu chữ đó. Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác.

Hiện nay khi đất nước ngày càng phát triển thì vô cảm càng dễ dẫn đến thành một loại bệnh. Cần phải tìm “phương thuốc” để chữa trị, xích gần hơn nữa tình cảm giữa người với người, phương pháp ấy sẽ xóa bỏ được lối sống lãnh đạm, thờ ơ này ở con người trong xã hội này.

Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người.

Bệnh vô cảm xuất hiện trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều, đó chính là thái độ, cách ứng xử giữa người với người. Họ không còn thân thiết, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện mà đã trở nên vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ, không còn quan tâm nhiều đến cuộc sống của nhau nữa.

Những người con xa nhà lâu ngày, bị cuốn vào guồng quay của công việc nên việc hỏi thăm cha mẹ thường xuyên cũng thưa dần. Rồi những lần gọi điện, những lần về thăm cứ cạn vơi theo năm tháng. Như thế chúng ta đang vô tình khiến cho trái tim mình, cho bản thân mình vô cảm với những người thân yêu nhất. Vô cảm thật đáng trách, đáng giận nhưng nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết sửa chữa, biết hỏi thăm cuộc sống của nhau thì thật đáng quý. Con người ai cũng có lỗi lầm, chỉ cần biết nhận sai và sửa sai.

Hiện nay, có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khi con người cứ lạnh nhạt, vô tâm với nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống; có người giàu sang, có người khốn khó, biết trách ai được.

Chiều nay khi đi trên phố, tôi thấy có một đôi vợ chồng trẻ đi trên chiếc xe Sh sang chảnh. Họ đi qua khu chợ ồn ào, náo nhiệt, cười nói rất vui vẻ. Họ bắt gặp một bà lão già mắt kèm nhèm dắt theo một đứa cháu nhỏ chân không đi dép mặc bộ quần áo rách rưới. Họ ngả chiếc nón trước mắt hai vợ chồng kia xin vài ba đồng. Nhưng hai bà cháu nhận lại là ánh mắt khinh khỉnh, không quan tâm. Hai vợ chồng ấy mang theo hương nước hoa thơm lừng, bỏ lại sau lưng thái độ lạnh lùng đến vô tâm. Như vậy đó, vô cảm chỉ là những biểu hiện nhỏ nhặt trong cuộc sống như vậy nhưng chúng ta đâu phải ai cũng có đủ tâm để nhận ra.

Con người ta sống ở trên đời cần phải yêu thương, chia sẻ cho nhau những lúc khốn khó. Thấy nỗi khổ của người khác như nỗi khổ của bản thân mình thì mới có thể giúp đỡ một cách thực tâm được. Cũng bởi vì thái độ sống thờ ơ, lạnh nhạt nên cuộc sống của họ thiếu đi tình yêu thực tâm nhất.

Đối với thế hệ trẻ thì thái độ sống vô cảm cần phải ngăn chặn trước. Vì tương lai đất nước cần những con người tài giỏi và biết sẻ chia, biết yêu thương đồng loại. Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta có thể dùng chính trái tim mình để sưởi ấm những trái tim khác đang đầy những vết xước hơn.

Vô cảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ sự phát triển quá nhanh của xã hội khiến cho con người không bắt kịp được. Cũng từ đó họ bị cuốn sâu vào sự bộn bề, lo toan mà quên mất đi tấm lòng yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh mình.

Vô cảm có thể sẽ thành thói quen nếu như chúng ta không kịp ngăn chặn và từ bỏ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức được suy nghĩ của bản thân mình. Rằng khi yêu thương và sẻ chia thương yêu thì chúng ta sẽ thấy bản thân mình sống có ích, sống tốt đẹp hơn.

Câu 19: Viết bài văn nghị luận với chủ đề phân tích và nêu cảm nhận của em về bài thơ Thu Vịnh của thi nhân Nguyễn Khuyến ?

Trả lời:

Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 của nước ta. Các tác phẩm của ông mang đậm tính dân tộc và thấm đẫm hình ảnh làng quê Việt Nam mộc mạc. Nổi bật trong đó là chùm thơ Thu đã gợi tả lên một bức tranh phong cảnh mùa thu làng quê đồng bằng Bắc Bộ với những hình ảnh đặc trưng: trời xanh, nước trong, lá vàng. Đặc biệt với tác phẩm Thu vịnh, nhà thơ đã vẽ lên những nét đặc trưng tiêu biểu cho mùa thu nhưng bên trong lại ẩn chứa những tâm sự thầm kín về tình yêu quê hương đất nước.

“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.”

Ở đây, khác hẳn với những trời thu trong “Thu điếu” và “Thu ẩm”, trời thu của Thu vịnh được mở đầu là một khung cảnh cao vút và thăm thẳm của trời thu, và xen vào đó là cái se se lạnh của mùa thu. Với cái nền là bầu trời bao la “xanh ngắt”, “ mấy tầng cao” nổi bật lên hình ảnh thanh tú của cần trúc đang đong đưa khe khẽ trước gió thu. Và hình ảnh động của gió hắt hiu như chứa chất tâm trạng bên trong. Mở đầu như vậy khiến cho người đọc có thể phần nào thấy được một nỗi lòng đầy lo âu. Sự lay động rất nhẹ của cần trúc càng làm tăng thêm cái lặng thinh, sâu thẳm của bầu trời. Hai câu đề chấm phá hai nét phong cảnh đơn sợ, thanh thoát nhưng hoà điệu nhịp nhàng với tâm hồn tác giả. Nhà thơ đã vẽ lên một khung cảnh trời thu vừa có cảnh thực là vừa có hồn thu ở trong cảnh.

“Nước biếc trông như tầng khói phủ

Song thưa để mặc bóng trăng vào.”

Nước biếc là màu nước đặc trưng của mùa thu khi khí trời bắt đầu se lạnh. Sáng sớm và chiều tối, trên mặt ao, mặt hồ có một lớp sương mỏng trông như khói phủ làm cho người đọc có cảm giác cảnh mùa thu được chen lẫn với màu khói. Và chính cái cảnh mặt nước khói sương bình thường ấy qua con mắt và tâm hồn thi sĩ đã trở thành một dáng thu ngâm vịnh. Tầng khói phủ khác làn khói phụ vì sương đã trở nên dày hơn, nhiều lớp hơn, có chiều cao, độ sâu, như chất chứa cái gì đó ở bên trong. Chỉ bằng vài nét chấm phá nho nhỏ của mùa thu đã khiến cho mùa thu như có hồn và sự hòa quyện giữa cảnh thu và lòng người đi vào trong lòng người đọc Hình ảnh song thưa gợi ý thanh thoát, cởi mở, kết hợp với hình ảnh ánh trăng- hình ảnh quen thuộc đều có ở mỗi làng quê, góp phần vừa tạo nên cảm giác gần gũi, vừa tạo cho người đọc có được có cảm giác thiên nhiên luôn luôn hài hòa và gần gũi với nhau. Nếu ở câu trên là một trạng thái có chiều cao, có độ sâu thì ở câu này lại là một trạng thái mở ra thành một bề rộng, giới hạn bởi khung cửa sổ song thưa mà vẫn cứ mênh mông ở ý nghĩa bên trong, ở tinh thần và âm điệu, nhưng trạng thái nào thì cũng đều tĩnh mịch và chất chứa suy tư.

“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?”

Nếu như cảnh vật ở 4 câu thơ trên được miêu tả qua con mắt nhìn có vẻ khách quan, đầy cảm xúc của trái tim. Nghệ thuật đảo ngữ làm nổi bật hình ảnh “mấy chùm” hoa và “một tiếng” ngỗng. Hình ảnh “hoa năm ngoái” có sức gợi tả mạnh; “hoa năm ngoái” có nghĩa là hoa vẫn là hoa y như năm ngoái mà nước hôm nay thì đã trở thành “nước nào”. Và tiếng ngỗng ở đây, về nghệ thuật, là lấy cái động để diễn tả cái tĩnh. Cảm giác khi nghe tiếng ngỗng trên không văng vẳng mà giật mình băn khoăn tự hỏi: ngỗng nước nào? Mặc dù âm thanh ấy đã quá quen thuộc mỗi độ thu về. Và nếu như 4 câu thơ trên sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người có sự kết hợp hài hòa thì đến 2 câu thơ này, là một nỗi u uất của lòng người trước cảnh vật thiên nhiên, là nỗi niềm xót xa, nẫu ruột, chết lòng.

Và rồi đến 2 câu thơ kết của của bài thơ là cảm hứng và nỗi thẹn của nhà thơ

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”

“Nhân hứng” ở đây chính là hứng làm thơ trước cảnh mùa thu, “toan cất bút” định không viết nhưng trước cảnh đẹp thì lại tạo được hứng khởi để viết. “Nghĩ ra” tức là ý thức, là lý trí, là tỉnh. Nguyễn Khuyến rất say mà rất tỉnh. Ông say trước cảnh đẹp của mùa thu, nhưng ông vẫn tỉnh trước lương tâm của mình. Cho nên, ông nói được là thẹn. Nhưng thẹn với ai? Có lẽ thẹn vì tài thơ thua kém hay thẹn vì mình chưa có được nhân cách trong sáng và khí phách cứng cỏi như Đào Tiềm? Với hướng văn đi từ cảnh đến tình, từ tình đến người và rồi là cái kết có chút lẳng lơ nhưng mà lại vô cùng kín đáo ẩn chứa rất nhiều suy tư của người đọc.

Câu 20: Viết một bài văn nghị luận về quan điểm: “Hòa nhập chứ không hòa tan”. Và từ đó em rút ra kinh nghiệm gì cho bản thân ?

Trả lời:

Mỗi đất nước đều có một sắc văn hóa riêng biệt, đó là giá trị văn hóa quý báu mà chúng ta cần gìn giữ. Thế nhưng trong thời buổi xã hội toàn cầu hóa hiện nay, câu hỏi làm sao để có thể giữ gìn được bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc là một câu hỏi lớn buộc mọi người phải suy nghĩ. Vậy làm sao để hòa nhập chứ không bị hòa tan, làm sao để tiếp thu được nét đẹp trong truyền thống văn hóa các nước khác và truyền bá văn hóa dân tộc mình với các quốc gia khác trên thế giới? Để trả lời câu hỏi này sau đây chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu.

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được khái niệm về truyền thống dân tộc, vậy truyền thống là gì, tại sao chúng ta lại cần phải gìn giữ? Đầu tiên, truyền thống là những nét đẹp có trong văn hóa của mỗi quốc gia, nó là nét riêng biệt của mỗi dân tộc được hình thành và khẳng định qua thời gian, được truyền từ đời này sang đời khác. Dân tộc nào cũng có những truyền thống tốt đẹp và dân tộc Việt Nam của chúng ta cũng không là ngoại lệ. Chắc hẳn bạn đã nghe câu chuyện kể về cuộc hành trình gian khổ của người dân Việt Nam để giữ gìn lấy bản sắc dân tộc, ông cha ta đã bỏ ra vô vàn công sức cùng những cố gắng để không bị đồng hóa bởi quân giặc. Ai cũng biết trong chặng đường lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc đã đã phải đấu tranh và chịu đựng biết bao đau thương. Cuộc sống của dân ta trở nên khốn cùng bởi sự bóc lột của quân giặc, chúng không cho dân ta học chữ, bắt dân ta học ngôn ngữ của chúng, bắt dân ta làm đủ chuyện chỉ để phục vụ mục đích đồng hóa khiến chúng ta mất đi tiếng nói và bản sắc của mình. Thế nhưng, vượt lên ngàn đau thương, phong ba bão táp ấy cũng chẳng thể khiến con người ta từ bỏ đi bản sắc của mình, người này truyền cho người kia và cuối cùng những nỗ lực ấy cũng được báo đáp và dân tộc ta vẫn giữ được tiếng nói, vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của mình.

Dân tộc Việt có vô vàn truyền thống quý báu trong đó phải kể đến truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, truyền thống tôn sư trọng đạo,… Đó là những truyền thống vô cùng quý báu của con người. Người này vẫn truyền tai người kia nối tiếp nhau, truyền cho nhau những đạo lý cơ bản để làm người. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được nuôi dạy trong một môi trường tràn ngập yêu thương, cha mẹ dạy ta cách sống sao cho đúng, làm sao cho phải, dạy ta biết lễ nghĩa, dạy cách để trở thành người tốt hơn. Đến lớp ta được giảng dạy về trang sử hào hùng của dân tộc, nghị lực và nhiệt huyết của họ đã nhắc nhở chúng ta phải cố gắng để gìn giữ truyền thống, bản sắc dân tộc và không ngừng học hỏi để thành tài góp phần xây dựng cho đất nước.

Thế nhưng không phải ai cũng thiểu được hết giá trị của truyền thống hoặc có người hiểu nhưng không biết quý trọng giá trị ấy. Vì chúng ta đang sống trong thời bình, chúng ta không phải đấu tranh và cuộc sống của chúng ta được cha mẹ che chở nên không biết giá trị của cuộc sống. Nhiều người trong chúng ta chuộng lối sống tây hóa, thích âu phục, thích phong cách rồi tự biến mình thành những con vẹt bắt chước văn hóa của nước khác. Dù vô tình hay không cố ý nhưng bằng cách nào đó chúng ta đã và đang truyền bá văn hóa của nước khác vào nước mình và làm mất thuần phong mỹ tục của dân tộc. Người con gái Việt Nam xưa cũ là vẻ đẹp trong tà áo dài kín đáo, vẻ đẹp hiền dịu mặn mà thế nhưng ngày nay người phụ nữ việt Nam lại du nhập lối sống “thoáng” quá mức của phương Tây. Nhiều bạn trẻ ăn mặc quá mức hở hang rồi lại không biết cách chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh, cũng chỉ vì vài ba cái mốt tây hóa mà người việt dần đánh mất đi bản sắc dân tộc của mình.

Khi xưa, người Việt Nam thường tự hào bởi cách ăn nói lịch sự, trang nhã của mình thì nay cách ăn nói, xử sự của giới trẻ lại làm người ta thực sự thất vọng. Nhiều bạn trẻ nói tục chửi bậy, chuộng sử dụng tiếng lóng để giao tiếp với mọi người, họ không biết phép lịch sự nơi công cộng, không biết giúp đỡ người gặp khó khăn mà ngược lại còn chê bai, khinh miệt những tấm thân nghèo khó.

Để giữ gìn truyền thống dân tộc thì phải hiểu về lịch sử nước nhà thế nhưng thời điểm hiện tại có mấy bạn trẻ biết về lịch sử nước nhà. Nhiều bạn chê bai lịch sử khô khan và khó học thế sao lịch sử nước khác họ lại am hiểu tường tận đến thế, hằng ngày thay vì nghiên cứu lịch sử nước nhà để thấm nhuần được sự mất mát và hy sinh của thế hệ trước thì họ lại đắm chìm trong những bộ phim cổ trang Trung Quốc rồi lại đến những bộ phim dã sử Hàn Quốc. Họ ăn ngủ với lịch sử nước ngoài nhưng lịch sử việt Nam thì lại hoàn toàn mù tịt, điều này thật sự đáng buồn.

Truyền thống của dân tộc là uống nước nhớ nguồn thế nhưng hiện nay có biết bao bạn trẻ cãi lại lời bố mẹ, thậm chị có người còn vô ơn đuổi cha mẹ già ra khỏi đường. Họ phủi đi công sức nuôi dạy của đấng sinh thành và ngược đãi cha mẹ, cha mẹ thì bất lực không thể làm được gì với đứa con khó dạy của mình rồi lại ngậm ngùi trong nước mắt và chỉ tự trách mình là không biết dạy con. Nhưng trong chúng ta ai cũng biết đây hoàn toàn không phải lỗi của họ, lỗi lầm chỉ tại những đứa con ham chơi thiếu hiểu biết đã hòa nhập đồng thời hòa tan luôn nhân cách con người mình.

Trong thời buổi hội nhập ngày nay thì việc làm sao để có thể gìn giữ được truyền thống là một mối quan tâm hàng đầu của các nhà chức trách và của mọi người, vì vậy chúng ta cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy để giới trẻ hứng thú hơn với lịch sử nước nhà. Chỉ khi hiểu rõ về lịch sử nước nhà, ta mới biết trân trọng những cố gắng của cha ông đã không ngừng gây dựng, giữ gìn và giá trị văn hóa của dân tộc. Giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của truyền thống dân tộc và tạo cho trẻ em những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với thế hệ trẻ, những người đã tự nhận thức được vấn đề thì cần cùng nhau tuyên truyền và có những hình thức mới mẻ để họ hứng thú với những nét đẹp trong truyền thống dân tộc, tạo cho họ đam mê với những nét đẹp ấy cũng là một giải pháp cho việc giữ gìn truyền thống dân tộc. Cả dân tộc hãy cùng nhau chung tay để gìn giữ giá trị truyền thống quý báu mà cha ông ta đã đánh đổi cả mồ hôi, công sức để gìn giữ.

Được sinh ra trong thời bình và được hưởng một cuộc sống đầy đủ khiến em cảm thấy rất biết ơn. Và để đền đáp công ơn đó em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để thành tài phục vụ cho đất nước. Không chỉ có thế em thấy mình cũng có trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là nghĩa vụ của mọi công dân đang sinh sống trên dải đất hình chữ S này.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay