Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 2 văn bản 1: Nắng mới

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2 văn bản 1: Nắng mới. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

BÀI 2: THƠ SÁU CHỮ, BẢY CHỮ 

VĂN BẢN 1: NẮNG MỚI
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Nắng mới” (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời:

- Tác giả: Lưu Trọng Lư

- Thể loại: Thơ bảy chữ

- Nội dung: “Nắng mới” là một bài thơ hết sức thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng. Lưu Trọng Lư đã thả hồn mộng đi tận hết cõi lòng để trở về với những hồi ức thấm thía. Bài thơ có cấu tứ đơn giản với không nhiều hình ảnh nhưng hình ảnh nào cũng sinh động, cũng rất có hồn. Chính vì thế, “Nắng mới” gợi niềm đồng vọng sâu xa ở nhiều tâm hồn bạn đọc. Nó đã chạm tới một trong những tình cảm thiêng liêng, ấm cúng nhất trong mỗi con người.

 

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Lưu Trọng Lư.

Trả lời:

- Lưu Trọng Lư (19 tháng 6 năm 1911 – 10 tháng 8 năm 1991), là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam.

- Là một trong những người tiên phong của Phong trào Thơ mới, những bài thơ của ông mà "nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta" đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới.

- Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

- Tác phẩm nổi bật: Tiếng thu, Trăng lên, Nắng mới

 

Câu 3: Nhân vật “tôi” đã thể hiện tình cảm, cảm xúc gì trong bài thơ? Tình cảm, cảm xúc đó được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Trả lời:

- Tình cảm, cảm xúc thương nhớ người mẹ được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh: “Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng”; “Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời”; “Hình dáng mẹ tôi chưa xoá mờ.”

 

Câu 4: Bạn có nhận xét gì về cách sử dụng từ ngữ, ngắt nhịp, gieo vần và tác dụng của chúng trong bài thơ?

Trả lời: 

- Cách ngắt nhịp đều đặn, chủ yếu của bài thơ là 4/3, trừ câu thứ hai ngắt nhịp 2/2/3, gieo vần chủ yếu là vần thông. Tác dụng: thể hiện cảm xúc trầm buồn, nhớ thương.

 

Câu 5: Hãy tìm ba hình ảnh trong bài thơ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau được tác giả sử dụng để khắc hoạ về người mẹ.

Trả lời:

Ba hình ảnh đó là:

- Áo đỏ người đưa trước giậu phơi

- Nét cười đen nhánh sau tay áo

- Trong ánh trưa hè trước giậu thưa

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào trong tâm tưởng nhân vật “tôi”?

Trả lời:

- Kí ức về mẹ trong tâm tưởng của nhân vật “tôi” gắn liền với hình ảnh mẹ đưa áo ra giậu phơi mỗi khi có nắng mới về. Bên song của ngập tràn “nắng mới”, vào khoảnh khắc yên ắng, tĩnh lặng của một buổi trưa buồn, bất chợt nhìn ra giậu thưa, nhà thơ bắt gặp hình ảnh quen thuộc của mẹ lúc còn sống. Những kí ức thân thương về mẹ sống dậy trong tâm tưởng của nhà thơ từ hình dáng thấp thoáng sau chiếc “áo đỏ” đến “nét cười đen nhánh sau tay áo”. 

- Ở khổ thơ thứ hai, hình ảnh người mẹ chưa được khắc hoạ trực tiếp mà chỉ thoáng ẩn hiện sau màu áo đỏ, sau lưng giậu thưa đậm màu nắng mới. Có lẽ đó là những kí ức đẹp đẽ, thân thương nhất về người mẹ còn đọng lại trong tâm trí của một đứa trẻ lên mười nên cả không gian ấy trong cảm nhận của nhà thơ thật tươi vui, đầy sức sống “nắng mới reo ngoài nội”. Màu đỏ của chiếc áo đã làm cho hình ảnh người mẹ phơi áo trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ của nhân vật “tôi”. 

- Sang đến khổ 3, chân dung người mẹ dần hiện ra rõ nét hơn với một “nét cười” vừa lấp lánh toả sáng, vừa kín đáo, nhẹ nhàng. Đến đây, hình ảnh người mẹ hiện lên trong tâm tưởng nhà thơ với đầy đủ nét duyên dáng, hiền từ của người phụ nữ Việt thuở xưa.

 

Câu 2: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì? Cảm hứng đó thể hiện giá trị đạo đức truyền thống nào của người Việt Nam?

Trả lời:

- Cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt tác phẩm là nỗi nhớ về người mẹ trong kí ức tuổi thơ của tác giả. Cảm hứng đó thể hiện giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam, đó là tình cảm yêu thương gia đình.

 

Câu 3: Bài thơ được cấu tứ theo một mô típ như thế nào?

Trả lời:

- Bài thơ được cấu tứ theo một mô típ khá “cổ điển”: từ hiện tại nhớ về dĩ vãng xa xưa, từ một hình ảnh hiện hữu liên tưởng đến hình ảnh tương đồng trong quá khứ.

 

Câu 4: Hãy cho biết bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ có thể chia bố cục thành hai phần:

- Khổ đầu thể hiện những tín hiệu đánh thức kí ức về người mẹ trong tâm tưởng của nhà thơ.

- Hai khổ sau thể hiện hình ảnh người mẹ trong kí ức của tác giả.

Mạch cảm xúc của bài thơ: 

- Khổ đầu: nỗi buồn da diết, cảm giác trống vắng vì thiếu mẹ được thức dậy trong tâm hồn nhà thơ bởi những tín hiệu đặc biệt.

- Hai khổ sau: nỗi nhớ và niệm hạnh phúc trong tâm tưởng tác giả khi hồi tưởng lại những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ thuở còn có mẹ.

=> Bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ “Nắng mới” được thể hiện theo trình tự thời gian, từ hiện tại ngược về quá khứ, nhằm nhấn mạnh tình cảm yêu thương sâu đậm của tác giả dành cho người mẹ của mình.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thơ đầu.

Trả lời:

- Chú ý đến không gian được tái hiện khiến nhà thơ nhớ về những ngày xưa

- Chú ý những từ láy gợi nhiều xúc cảm: xao xác, não nùng, chập chờn

Tham khảo:

Hai chữ “nắng mới” vừa ghi nhận một thời điểm đặc biệt trên dòng chảy thời gian vừa diễn tả không gian. Cái nắng đầu mùa, mỗi năm chỉ có một lần, báo hiệu đã hết những tháng ngày lạnh ẩm. Thời điểm ấy, trong cuộc đời mỗi con người, cuộc sống một gia đình, dễ nhớ kĩ, nhớ sâu lắm. Bởi nó gắn với sự bừng nở, sự rộng rãi, phơi phóng. Nỗi nhớ của Lưu Trọng Lư cũng được gợi lên từ đó. Song có một điều lạ: Nắng mới lúc này sao mà buồn, mà mung lung đến thế. Nói khác đi, ngay khi đặt bút viết “Nắng mới”, thi sĩ đã chập chờn sống trong cõi mộng:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng, 

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng, 

Chập chờn sống lại những ngày không.

Ai từng ở làng quê mới thấy những trưa hè tĩnh lặng, trống vắng đến dường nào. Cái động của tiếng gà trưa xao xác chỉ thêm rõ cái tĩnh, vẻ mung lung mà thôi. Các từ láy “xao xác”, “não nùng”, “chập chờn” gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm, một tâm trạng quạnh hiu, xa vắng. “Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng” – nhịp điệu thơ trôi nhẹ như ru hồn về một thời xa xăm. Chữ “ngày không” đầy sức gợi. Nó tương tự như “chiều thưa” trong “Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần” ở bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu. Phải chăng đó là những ngày vắng lặng, đơn điệu, chẳng có sự kiện gì đáng nhớ? Mà chính vì thế, hình dáng, việc làm của người mẹ ở những “ngày không” càng ám ảnh đứa con đa cảm. “Mỗi lần” lại nhắc nhớ “mỗi lần”. 

 

Câu 2: Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thơ thứ hai.

Trả lời:

- Chú ý đến không gian “nắng mới” được gợi ra khi người con nhớ về quá khứ

- Chú ý hình ảnh “áo đỏ người đưa trước giậu phơi”, điểm nhấn đầu tiên khi nhớ về người mẹ đã quá cố

Tham khảo:

Nói là “chập chờn sống lại” nhưng người con nhớ rõ lắm. Nhớ tiếng reo của nắng mới tưng bừng ngoài nội. Nhớ màu áo mẹ từng đưa phơi trước giậu:

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời 

Lúc người còn sống, tôi lên mười; 

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, 

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Cái nắng mới của hoài niệm này nao nức, tươi vui bởi gắn với một cậu bé lên mười, với một người mẹ chăm chút, hiền dịu. Màu đỏ của chiếc áo trong tiếng nắng reo làm cho câu thơ sáng hơn, ấm nóng hơn. Có lẽ cũng nhờ màu đỏ ấy mà việc phơi áo của mẹ trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ.

Từ “nắng mới hắt bên song” nhớ “nắng mới reo ngoài nội”, nhớ người mẹ phơi áo trước giậu. Cứ thế, nỗi nhớ ngày một thành hình, ngày một rõ hơn.

 

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về khổ thơ thứ ba.

Trả lời:

Các em cần chú ý đến những điểm sau:

- Sự liên kết giữa khổ 2 và khổ 3: Khổ 2 “Tôi nhớ me tôi”, khổ 3 “Hình dáng me tôi chửa xoá mờ” => Sự nhấn mạnh, tăng tiến

- Chi tiết “nét cười đen nhánh”

- Không gian ngày nắng lại một lần nữa hiện lên ở câu cuối

Tham khảo:

Sang khổ thơ cuối, cảnh và tình mới thật quấn quyện, mới thật là “thi trung hữu hoạ”:

Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ

Vẫn còn mường tượng lúc vào ra: 

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ảnh trưa hè trước giậu thưa.

Dáng vào ra của người mẹ như đang hiện lên rõ rệt trong tâm tưởng đứa con đa cảm. Chi tiết gây ấn tượng nhất trong Nắng mới là “nét cười đen nhánh” của người mẹ. Không phải “miệng” cười hay “nụ” cười mà là “nét”. Lại “đen nhánh”! Hình ảnh thơ bỗng sắc, bỗng lấp lánh hơn. Nét cười ấy lại thêm sáng, thêm duyên khi thấp thoáng “sau tay áo”. Chính vì thấp thoáng thế mà nó càng đáng nhớ, càng được nhớ lâu, nhớ mãi. Sau này, tâm hồn thi sĩ, ngòi bút tài hoa của Hoàng Cầm cũng khiến ta chẳng thể nào quên nụ cười của những cô gái miền quê Kinh Bắc:

Những cô hàng xén răng đen 

Cười như mùa thu toả nắng

Với Lưu Trọng Lư, khuôn mặt, nét cười đáng kính, đáng yêu của người mẹ cứ thấp thoáng trong một không gian ấy thôi: “Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”. “Nắng mới” và “giậu thưa” quả là đã thành một thời gian – không gian nghệ thuật ám ảnh không tách rời hình ảnh người mẹ... Có thể nói, mẹ là tâm điểm của nỗi nhớ về tuổi thơ trong nắng mới, là nét son trong “những ngày không” đi suốt cuộc đời với nhà thơ.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Nhan đề của bài thơ được đặt theo cách nào?

Trả lời:

- Nhan đề của bài thơ là “Nắng mới”. Hình ảnh ánh nắng cũng xuất hiện ở cả ba khổ thơ: Mỗi lần nắng mới hắt bên song, Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, Trong ánh trưa hè trước giậu thưa. Có thể thấy ánh nắng đã gợi cho người con nhớ về quá khứ, và ngay cả trong tâm tưởng thì ánh nắng vẫn là thứ mà người con ghi nhớ.

=> Nhan đề của bài thơ được đặt bằng cách dùng một hình ảnh khơi nguồn cảm hứng cho tác giả.

 

Câu 2: Trong kí ức tuổi thơ của nhân vật “tôi” ở bài Nắng mới, người mẹ hiện lên qua những hình ảnh được lựa chọn, để lại ấn tượng sâu đậm cho tác giả.

Với em, hình ảnh nào về người mẹ của mình khiến em thấy yêu thương nhất? Hãy chia sẻ bằng một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng).

Trả lời:

Tham khảo:

Bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư đã mang tới cho em nhiều cảm xúc lắng đọng về tình mẫu tử, đặc biệt thông qua hình dáng mẹ và nét cười đen nhánh, rất đỗi quen thuộc. Còn đối với em, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí em mỗi khi nhớ về mẹ đó là đôi bàn tay gầy guộc, đầy vết chai sạn nhưng luôn thoăn thoắt làm mọi việc. Đôi bàn tay hằng ngày khám bệnh cho bệnh nhân, tối về lại phải chăm sóc gia đình, nấu những bữa cơm nóng hổi rồi về đêm khi ánh trăng tròn lên cao, đôi bàn tay ấy chưa được yên giấc, tiếp tục vỗ vỗ quạt quạt ru tôi chìm vào giấc ngủ. Mặc dù vất vả đến thế nhưng mẹ tôi chẳng than lấy một lời, mẹ quả thật là người cứng rắn, biết cam chịu một cách đáng khâm phục. Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai này có ra sao thì mẹ sẽ vẫn mãi ở trong trái tim tôi.



=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 2 Đọc 1: Nắng mới

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay