Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 1 văn bản 2: Gió lạnh đầu mùa
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1 văn bản 2: Gió lạnh đầu mùa. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều
BÀI 1: TRUYỆN NGẮN VĂN BẢN 2: GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Gió lạnh đầu mùa” (tác giả, thể loại, nội dung,…)
Trả lời:
- Tác giả: Thạch Lam
- Thể loại: Truyện ngắn
- Nội dung: Qua việc thương cảm và sẻ chia của ba mẹ con nhà Sơn với hai mẹ con nhà Hiên, truyện đã vẽ lên một bức tranh ngày đầu đông giá rét ở vùng quê nghèo nhưng tấm lòng con người đã làm cho mọi thứ trở nên ấm áp hơn.
Câu 2: Hãy trình bày một số thông tin cơ bản về tác giả Thạch Lam.
Trả lời:
- Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sinh ra ở Hà Nội, lúc nhỏ sống ở quê ngoại – phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
- Ông sáng tác ở nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tuỳ bút,...) song thành công nhất vẫn là truyện ngắn.
- Truyện ngắn của Thạch Lam giàu cảm xúc, lời văn bình dị và đậm chất thơ. Nhân vật chính thường là những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu. Tác phẩm của Thạch Lam ẩn chứa niềm yêu thương, trân trọng đối với thiên nhiên, con người, cuộc sống.
- Các tập truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lam: Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc,…
Câu 3: Hãy tóm tắt nội dung chính của truyện “Gió lạnh đầu mùa”. Xét về cốt truyện, văn bản “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam) và “Tôi đi học” (Thanh Tịnh) có gì giống nhau?
Trả lời:
Tóm tắt:
Mùa đông đột ngột đến với phố chợ nghèo khiến cho Sơn không muốn dậy ngay. Mẹ Sơn thấy thế bảo chị Lan lấy quần áo ra cho Sơn mặc. Nhân thể, mẹ cho Sơn và Lan xem chiếc áo bông cũ của em Duyên, đứa em gái của Lan và Sơn đã mất từ lúc bốn tuổi. Chuyện này làm mọi người xúc động thoáng chốc. Sau khi mặc áo ấm, Sơn và chị ra ngoài chơi với những đứa trẻ ở gần đó. Thấy Hiên không có áo để mặc trong ngày đông giá rét, Sơn và chị đã về lấy cho Hiên cái áo bông cũ. Sơn và chị sau đó phải đi tìm Hiên để đòi lại áo nhưng không thấy, khi về đến nhà thì mẹ con Hiên đã ở đó để trả lại áo. Mẹ Sơn có chút quở trách chị em Sơn vì chưa xin phép mà đã tự ý lấy đồ đi cho người khác nhưng cũng vui vì chị em Sơn biết thương người.
=> Xét về cốt truyện, văn bản “Gió lạnh đầu mùa” và “Tôi đi học” có điểm giống nhau là đều có cốt truyện đơn giản, nói về cuộc sống đời thường.
Câu 4: Những chi tiết nào trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông? Bối cảnh ấy cho em biết gì về cuộc sống được miêu tả trong truyện?
Trả lời:
- Những chi tiết nêu lên bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông:
+ “Không phải ngày phiên nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt.”
+ “Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên lanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.”
+ “Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy.”
+ Hiên vẫn đứng dựa vào cột quán trong khi mọi người đến chỗ chị em Sơn chơi.
=> Bối cảnh ấy cho ta thấy rằng cuộc sống của những người trong truyện khó khăn, nghèo khổ.
Câu 5: Chỉ ra các câu văn miêu tả suy nghĩ, cảm xúc của Sơn khi nghe mẹ và vú già trò chuyện về chiếc áo bông cũ của em Duyên; khi Sơn nhớ ra cuộc sống nghèo khổ của mẹ con Hiên. Những suy nghĩ, cảm xúc ấy giúp em cảm nhận được gì về nhân vật này?
Trả lời:
- Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện, “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá” và hiểu nỗi lòng của mẹ: “Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt”; khi nhớ ra cảnh sống nghèo khổ của gia đình Hiên, “Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên...”
=> Những ý nghĩ ấy cho thấy Sơn là một cậu bé sống rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Hãy nhận xét về cách ứng xử của mẹ Hiên và mẹ Sơn trong đoạn kết của truyện.
Trả lời:
– Các em có thể đưa ra nhận xét, đánh giá qua việc trả lời các câu hỏi sau:
+ Vì sao mẹ Hiên mang trả mẹ Sơn chiếc áo bông?
+ Tại sao mẹ Sơn không cho bé Hiện chiếc áo bông cũ mà lại cho mẹ Hiên vay tiền để mua áo cho con?
+ Mẹ Sơn có trách mắng các con không?
+ Bằng cử chỉ ôm các con vào lòng và lời nói: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?”, mẹ Sơn muốn các con hiểu điều gì?
– Qua đó ta thấy được cách cư xử đúng đắn, tự trọng của một người mẹ nghèo khổ; cách cư xử nhân hậu, tế nhị của một người mẹ có điều kiện sống khá giả hơn. Với các con, cách cư xử của mẹ Sơn vừa nghiêm khắc vừa ấm áp, yêu thương. Cử chỉ và lời nói của bà giúp các con hiểu rằng: không nên tự tiện lấy áo của mẹ đem cho (mà cần phải xin phép mẹ) nhưng mẹ vui vì các con biết chia sẻ, giúp đỡ người khác...
Câu 2: Đọc lại một số đoạn văn tác giả miêu tả những thay đổi của đất trời khi mùa đông đến. Em có thích những đoạn văn này không? Vì sao?
Trả lời:
Hãy trả lời dựa trên cảm nhận và đánh giá của em.
Ví dụ:
- Em không thích các đoạn văn tả cảnh vì chúng không liên quan đến cốt truyện hoặc khiến tác phẩm trở nên dài dòng,..;
- Em thích các đoạn văn này vì chúng giúp em hiểu về thiên nhiên; hình dung được khung cảnh diễn ra câu chuyện và giúp em cảm nhận về đặc điểm nhân vật Sơn...
* Nếu chưa đưa được ra câu trả lời, hãy làm một số việc dưới đây:
- Phân tích một số chi tiết cho thấy sự quan sát, lối miêu tả rất tinh tế của tác giả: Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét [...]. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như gần. Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên tanh tách dưới nhịp guốc của hai chị em...
=> Thạch Lam đã nắm bắt, tái hiện được sự đổi thay của thời tiết, cảnh vật lúc giao mùa; đồng thời thể hiện được tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của nhân vật Sơn.
- Kết nối các yếu tố: nhan đề truyện, các đoạn văn tả cảnh, miêu tả cảm giác của một em nhỏ về cái lạnh đầu mùa, câu chuyện về chiếc áo bông cũ với chủ đề truyện.
Câu 3: Hãy nhận xét về nhan đề của văn bản.
Trả lời:
- Nhan đề “Gió lạnh đầu mùa” được đặt theo cách là lấy tên một sự vật, sự kiện, hiện tượng, hình ảnh cụ thể,… có trong tác phẩm.
- Nhan đề tuy không khái quát nội dung chính của văn bản như cuộc sống nghèo khổ hay tấm lòng nhân hậu, thương cảm nhưng chính việc “gió lạnh” đến là tiền đề, là bối cảnh để phát sinh ra câu chuyện đáng nhớ cho mọi người. Đây là cách đặt nhan đề cho người đọc nhiều lắng đọng.
Câu 4: Văn bản này viết về đề tài gì? Nêu chủ đề của truyện.
Trả lời:
- Đề tài của truyện: Tình cảm con người; làng quê; trẻ em.
- Chủ đề của truyện: Tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người trong cuộc sống.
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Phân tích diễn biến tâm trạng của Sơn trước và sau khi cho chiếc áo. Chi tiết nào làm em chú ý và xúc động nhất? Vì sao?
Trả lời:
- Diễn biến tâm trạng của Sơn: Sơn khi chợt nhận ra là nhà cái Hiên rất nghèo thì “động lòng thương”, lại nhớ đến em mình. Sơn sau đó đã cho Hiên cái áo bông cũ của em Duyên, điều đó khiến Sơn “trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”. Tuy vậy, sau khi về nhà ăn cơm thì Sơn được vú già nói cho chuyện của con Sinh, Sơn liền cảm thấy lo sợ và cùng chị chạy đi tìm Hiên khắp nơi để đòi lại áo vì chưa xin phép mẹ.
=> Có thể thấy đây là hành động và diễn biến tâm trạng thông thường của một đứa trẻ có lòng thương người nhưng suy nghĩ có phần ngây thơ.
- Chi tiết nào làm em chú ý và xúc động nhất? Hãy trả lời câu hỏi này theo cảm nhận của em.
Ví dụ: Chi tiết làm em chú ý và xúc động nhất là chi tiết “cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng Hiên, đừa nghịch ở vườn nhà”. Chi tiết cho thấy Sơn luôn buồn, nhung nhớ và thương cảm với người em gái xấu số của mình, đồng thời cũng chỉ ra Sơn biết quan tâm đến mọi người. Chuyện Duyên chơi với Hiên ngày trước khiến cho ta cảm thấy dường như Sơn lúc này nhìn thấy Hiên như thấy em mình, thương Hiên cũng như thương em mình.
Câu 2: Nhận xét về thái độ và cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn và mẹ Hiên) trong phần cuối của truyện. Theo em, vì sao mẹ Sơn lại không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông ấy?
Trả lời:
Qua đoạn hội thoại, ta thấy:
- Mẹ Hiên: Khôn khéo, biết cách xử trí tình huống: khi mẹ Sơn thấy chị em Sơn về và nghiêm nghị hỏi chuyện cái áo thì mẹ Hiên đã nói đỡ cho hai chị em ngay, tránh làm họ khó xử: “Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây lại trả mợ”. Nói xong mẹ Hiên cũng xin phép về luôn. => Mẹ Hiên tuy nghèo nhưng có lòng tự trọng, không vì tham lam mà để mọi chuyện trở nên gay gắt với tất cả. Mẹ Hiên cũng là một người hiểu chuyện.
- Mẹ Sơn: Vừa có sự nghiêm khắc nhất định, vừa có lòng thương người. Mẹ Sơn cũng vừa có ý quở trách, muốn cho hai chị em một bài học nhưng cũng thấy vui với tấm lòng đáng quý của các con.
=> Hai người mẹ biết cách xử lý vấn đề theo cách ôn hoà, không khiến cho vấn đề trở nên to tát, nghiêm trọng.
Mẹ Sơn không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông vì hai chị em chưa xin phép mẹ mà đã tự quyết định.
Câu 3: Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ có làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không? Vì sao?
Trả lời:
Hãy trả lời tuỳ thuộc vào suy nghĩ của em.
Ví dụ:
- Hành động đó không làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì nhà văn miêu tả đúng với đặc điểm của một em nhỏ ngây thơ: Sơn sợ bị mẹ mắng và có lẽ lúc đó em mới hiểu mẹ rất quý chiếc áo bông cũ ấy…
- Hành động đó khiến em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì thấy Sơn “trẻ con” quá, đã cho bạn rồi lại còn đòi lại,…
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Có người cho rằng, truyện “Gió lạnh đầu mùa” chỉ có ý nghĩa đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ. Em có đồng ý không? Vì sao? Theo em, truyện ngắn này có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
- Truyện ngắn này không đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ mà là một sự tái hiện lên cuộc sống nghèo khó của người dân Việt Nam ở các miền quê thời trước. Tuy nghèo khó là vậy nhưng mọi người vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp, đặc biệt là tấm lòng thương cảm của Sơn.
Câu 2: Vẻ đẹp của truyện “Gió lạnh đầu mùa” không chỉ hiện lên qua hình thức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) để làm rõ điều đó.
Trả lời:
Gợi ý làm bài:
Đoạn văn của em cần có các ý sau:
- Vẻ đẹp của truyện được thể hiện qua hình thức:
+ Cách tác giả mô tả không gian, cảnh vật, con người
+ Ngôn ngữ giản dị, đời thường, chân thật phù hợp với nội dung của truyện
- Vẻ đẹp của truyện còn hiện lên ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung:
+ Chỉ ra tấm lòng nhân hậu được thể hiện trong truyện
+ Chú ý làm nổi bật cái suy nghĩ trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ ở nhân vật Sơn
=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 1 Đọc 2: Gió lạnh đầu mùa