Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 2 văn bản 2: Nếu mai em về chiêm hóa

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2 văn bản 2: Nếu mai em về chiêm hóa. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

BÀI 2: THƠ SÁU CHỮ, BẢY CHỮ

VĂN BẢN 2: NẾU MAI EM VỀ CHIÊM HOÁ
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Em hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hoá” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Mai Liễu

- Thể loại: thơ sáu chữ

- Nội dung: Bài thơ nói về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, những nét đặc trưng của vùng Chiêm Hoá vào ngày xuân, đồng thời qua đó thể hiện tình yêu quê hương của tác giả.

 

Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Mai Liễu.

Trả lời:

Tham khảo:

- Tác giả Mai Liễu có tên thật là Ma Văn Liễu. Ông là người dân tộc Tày đến từ núi rừng Tuyên Quang. Cụ thể, quê của Mai Liễu nằm ở xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nhà thơ Mai Liễu sinh năm 1949, mất năm 2020, hưởng thọ 71 tuổi. Ông được bạn bè, người thân nhận xét là người hoà đồng, đôn hậu.

- Sau khi học xong Đại học, tác giả Mai Liễu tham gia vào Hội nhà văn Việt Nam tại Tuyên Quang. Ngoài ra ông còn học tại Học viện quân sự Liên Xô. Cả cuộc đời ông gắn liền với văn chương. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã sáng tác văn và còn làm ở Đài phát thanh truyền hình tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, ông còn giữ nhiều chức vụ cao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam như Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà văn Tuyên Quang, Tổng biên tập báo Tân Trào,...

- Trước những năm 2000, Mai Liễu có những tác phẩm thơ nổi bật sau: Mây bay về núi, Tìm tuổi, Lời then ai buộc, Suối làng,...

- Từ năm 2000 trở đi, ông có những tác phẩm thơ đặc sắc sau: Đầu nguồn mây trắng, Bếp lửa nhà sàn, Núi vẫn còn mưa...

- Thơ của Mai Liễu chân thật và thấm đẫm tình cảm. Trong những tác phẩm của ông, tình cảm gia đình, tình cảm giữa người với người và tình yêu quê hương, miền núi được đề cao. Ngôn từ trong thơ Mai Liễu cũng đậm chất miền núi.

- Trong cuộc đời của mình, nhà thơ Mai Liễu đã giành được nhiều giải thưởng lớn của nền văn học Việt Nam như: Giải ba cuộc thi viết thơ năm 2000 của báo Văn nghệ, nhiều lần đạt giải B của Hội nhà văn Việt Nam,...

 

Câu 3: Hãy xác định bố cục và mạch cảm xúc của bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hoá”.

Trả lời:

Bố cục bài thơ:

- Hai khổ thơ đầu: Vẻ đẹp của thiên nhiên Chiêm Hoá

- Hai khổ thơ sau: Vẻ đẹp của con người Chiêm Hoá

- Khổ cuối: Mong ước lứa đôi

Mạch cảm xúc của bài thơ: Được thể hiện theo trình tự không gian, đi từ cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên đến cảm nhận về vẻ đẹp con người rồi tới cuối trên một bức tranh đẹp đẽ đó, tình yêu đôi lứa mong ước được nảy sinh. Bao trùm lên dòng cảm xúc đó là tình cảm yêu quê hương tha thiết của tác giả.

 

Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hoá được sử dụng trong các khổ thơ 2, 4 của văn bản.

Trả lời:

Biện pháp tu từ nhân hoá được sử dụng:

- Ở khổ 2: Đá ngồi dưới bên trông nhau / Non Thần hình như trẻ lại. Tác dụng: Giúp cho không gian thiên nhiên trở nên sống động, tươi mới trong tiết trời mùa xuân

- Ở khổ 4: Mùa xuân e cũng lạc đường. Tác dụng: Nhấn mạnh, làm nổi bật vẻ đẹp của những cô gái bản Tày. 

 

Câu 5: Xác định vần và nhịp trong bài thơ.

Trả lời:

- Gieo vần: “nhau” – “màu” (khổ 2), “tay” – “đầy” (khổ 3), “hương” – “đường” (khổ 4).

- Nhịp: Bài thơ đa phần là nhịp 2/2/2.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Hãy phân tích khổ thơ đầu của bài thơ.

Nếu mai em về Chiêm Hoá

Cho ta gửi nỗi nhớ cùng

Tháng Giêng mưa tơ rét lộc

Em về vừa kịp mùa măng.

Trả lời:

- Chiêm Hoá: một huyện của tỉnh Tuyên Quang, có địa hình đồi núi, là quê hương của tác giả.

- Bài thơ có một cách mở thú vị: Tác giả không trực tiếp nói về vẻ đẹp của quê hương mình ngay mà thông qua việc nhờ “em” mang nỗi nhớ về hộ. Ta thấy rằng, “nỗi nhớ” đâu thể nào có thể nhờ người khác mang giùm được, nhưng tác giả lại như muốn điều đó có thể. Cách mở này đã cho thấy tác giả là một người yêu quê hương tha thiết, luôn mong muốn trở về. 

- “Em” – “ta”: cách xưng hô thân mật, giản dị

- Nỗi nhớ của nhà thơ về một quê hương tươi đẹp bắt đầu với khung cảnh mùa xuân: “Tháng Giêng mưa tơ rét lộc”. Những hạt mưa nhỏ, không khí se lạnh, cây cối đâm chồi nảy lộc.

- “Em về vừa kịp” cho thấy “mùa măng” ở đây rất đáng để chờ đợi.

 

Câu 2: Hãy phân tích khổ thơ thứ hai của bài thơ.

Sông Gâm đôi bờ trắng cát

Đá ngồi dưới bến trông nhau

Non Thần hình như trẻ lại

Xanh lên ngút ngát một màu

Trả lời:

- Từ “trắng” được đảo lên trước “cát”: nhấn mạnh màu sắc của bờ sông. Hình ảnh bờ sông cát trắng là một hình ảnh đẹp.

- “Đá” được nhân hoá, có thể ngồi và nhìn nhau => con sông đã đẹp giờ lại còn sống động thêm.

- Non Thần là tên một ngọn núi. Khi nói đến thần, chúng ta thường hiểu người đó đã ở một tuổi rất lớn. Ngọn núi trong bài thơ cũng như vậy, nhưng qua cách nhìn của nhà thơ, hoà cùng vào không khí của mùa xuân, mọi thứ đang đâm chồi nảy lộc, thì “Non Thần” cũng như trẻ ra. 

- “Xanh lên” được đặt ở đầu câu: nhấn mạnh sắc màu của núi rừng. “Ngút ngát” là từ láy hay trong trường hợp này vì nó tạo cảm giác cao lên tận trời xanh.

=> Đoạn hai đã tái hiện lên bức tranh về thiên nhiên, cảnh quan mùa xuân của vùng Chiêm Hoá.

 

Câu 3: Hãy phân tích khổ thơ thứ ba của bài thơ.

Phố đông cứ mải tìm nhau

Cô gái Dao nào cũng đẹp

Vòng bạc rung rinh cổ tay

Ngù hoa mơn mởn ngực đầy.

Trả lời:

- Câu đầu: cho thấy con phố ở đây đông vui, nhộn nhịp

- Các câu sau: thể hiện vẻ đẹp của con người nơi đây. Ngoại hình, trang phục đẹp đẽ, sặc sỡ.

- Câu 3 và 4 có phần nào đối xứng. Các từ láy “rung rinh”, “mơn mởn” gợi cảm giác tươi mới, rộn ràng.

 

Câu 4: Hãy phân tích khổ thơ thứ tư của bài thơ.

Con gái bản Tày duyên quá

Sắc chàm như cũng pha hương

Chỉ riêng nụ cười môi mọng

Mùa xuân e cũng lạc đường.

Trả lời:

- Ở khổ 3, tác giả đã nói về vẻ đẹp của cô gái Dao, còn ở khổ 4 tác giả nói về vẻ đẹp của con gái một dân tộc khác ở Chiêm Hoá, đó là dân tộc Tày. Cả hai đều có những nét đẹp riêng.

- Câu 2 ý muốn nói sắc chàm của quần áo người Tày dường như hoà lẫn vào hương thơm.

- Hai câu đầu đã nói về vẻ đẹp của những cô gái Tày, vì thế cách nói “chỉ riêng” ở câu góp phần nhấn mạnh vẻ đẹp đó.

- “Mùa xuân” được nhân hoá như một nam thanh niên và người thanh niên đó thật khó để kiềm chế được vẻ đẹp của “nụ cười môi mọng”. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ thứ tư rất tinh tế: mùa xuân đẹp như đã nói ở trên, mùa xuân là tổng thể của nhiều thứ nhưng ở đây đã thu vào thành một người và người đó lại phải “lạc đường” vì nét đẹp của người con gái nơi đây.

 

Câu 5: Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả với quê hương?

Trả lời: 

- Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thương, thích thú và tự hào về vẻ đẹp quê hương của tác giả. Bài thơ cũng thể hiện nỗi nhớ, mong muốn của tác giả muốn trở về quê hương để tận hưởng không khí tưng bừng của mùa xuân. 

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Tác giả sử dụng những hình ảnh, chi tiết nào để thể hiện bức tranh thiên nhiên và con người trong mùa xuân? Hãy chia sẻ ấn tượng, nhận xét của em về bức tranh đó 

Trả lời:

- Bức tranh thiên nhiên trong mùa xuân được thể hiện qua những hình ảnh, chi tiết:

+ Mưa tơ rét lộc

+ Mùa măng

+ Sông gâm đôi bờ cát trắng, đá dưới bến hướng vào nhau

+ Núi Non Thần trông tươi mới, phủ lên một màu xanh rộng lớn

- Bức tranh con người trong mùa xuân được thể hiện qua những hình ảnh, chi tiết:

+ Phố nhộn nhịp, đông người

+ Cô gái Dao xinh đẹp, đeo vòng bạc trên tay, đeo ngù hoa trên ngực

+ Con gái bản Tày duyên dáng, nụ cười khiến người ta mê hồn

=> Tác giả đã vẽ lên một bức tranh mùa xuân ở Chiêm Hoá, rộng hơn là vùng núi phía bắc với những nét điển hình về thời tiết, cảnh quan, con người. Bức tranh này có màu sắc rực rỡ: đôi bờ cát trắng, núi non xanh biếc, trang phục sặc sỡ, làn da, đôi môi trong trẻo, đẹp đẽ,… Bức tranh này tràn đầy sức sống mà mùa xuân mang đến.

 

Câu 2: Tìm các từ có thể thay thế từ “về” trong dòng thơ “Nếu mai em về Chiêm Hoá”. Theo em, vì sao nên chọn từ “về”?

Trả lời:

- Ta có thể thay thế từ “về” bằng các từ đồng nghĩa, ví dụ: trở lại, hồi. Tuy nhiên, chỉ có từ “về” là phù hợp trong câu thơ này vì từ “trở lại” có hai tiếng nên sẽ dẫn đến không đảm bảo về hình thức câu thơ, còn từ “hồi” thì là từ Hán Việt, không phù hợp với ngôn ngữ bình dị trong bài thơ.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Giả sử sau dấu ba chấm “Nếu mai em về...” là tên vùng đất quê hương em thì em sẽ chia sẻ những hình ảnh, chi tiết nào của quê hương mình? Vì sao em lại chọn các chi tiết, hình ảnh ấy?

Trả lời:

Để làm bài này, các em hãy liệt kê các nét đặc trưng của quê hương mình về:

- Văn hoá, truyền thống

- Danh lam thắng cảnh

- Vẻ đẹp, phẩm chất con người

- Những nét riêng khác tạo nên vẻ đẹp của quê hương em

 

Câu 2: Em thích khổ thơ nào nhất trong bài thơ, hãy viết một đoạn văn cảm nhận.

Trả lời:

Hãy chọn lựa khổ thơ theo cảm xúc và suy nghĩ của em.

Ví dụ, nếu em thích khổ thơ thứ năm, em cần chú ý đến một số điểm sau:

- Sự lặp lại của câu thơ “Nếu mai em về Chiêm Hoá” với khổ thơ đầu

- Câu thơ “Ngày lành duyên tốt mừng nhau” cùng với việc sử dụng từ “em” trong bài thơ: tác giả có ý muốn nói đến khao khát tình yêu lứa đôi, đặc biệt trong không gian mùa xuân thật đẹp này.



=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 2 Đọc 2: Nếu mai em về Chiêm Hoá

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay