Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 3 văn bản 3: Lũ lụt là gì? - Nguyên nhân và tác hại

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3 văn bản 3: Lũ lụt là gì? - Nguyên nhân và tác hại. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

BÀI 3: VĂN BẢN THÔNG TIN 

VĂN BẢN 3: LŨ LỤT LÀ GÌ? – NGUYÊN NHÂN VÀ TÁC HẠI
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại” (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời: 

- Tác giả: Mơ Kiều

- Văn bản lấy từ website: khbvptr.vn (02/11/2020)

- Thể loại: văn bản thông tin giải thích một hiện tượng tự nhiên

- Nội dung: Văn bản trình bày những thông tin cơ bản về hiện tượng lũ lụt trên ba bình diện là khái niệm, nguyên nhân và tác hại.

 

Câu 2: Hãy xác định bố cục của văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại”. Dựa vào đâu để xác định bố cục văn bản này? Đánh số thứ tự hay kí hiệu cho các phần trong bài hoặc trình bày bố cục ấy theo một sơ đồ.

Trả lời:

Ta có thể dựa vào các đề mục in đậm để dễ dàng xác định được bố cục của văn bản này:

  1. Lũ lụt là gì?
  2. Nguyên nhân gây ra lũ lụt

2.1. Do bão hoặc triều cường

2.2. Do hiện tượng mưa lớn kéo dài

2.3. Do các thảm hoạ sóng thần, thuỷ triều

2.4. Do sự tác động của con người

  1. Tác hại của lũ lụt

3.1. Gây thiệt hại về vật chất

3.2. Gây thương vong về con người

3.3. Tác động xấu đến môi trường nước

3.4. Là nguyên nhân của nhiều mầm bệnh

3.5. Ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế địa phương, đất nước

 

Câu 3: Tại sao lũ lụt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế địa phương, đất nước?

Trả lời:

Vì khi lũ lụt xảy ra có thể gây ra các vấn đề sau:

- Làm giảm tức thời các hoạt động du lịch

- Người dân không thể tăng gia sản xuất, đẩy mạnh việc làm

- Lũ lụt gây ra thiệt hại về tiền của, con người, làm chất lượng môi trường suy giảm

 

Câu 4: Tại sao văn bản được coi là văn bản thông tin giải thích một hiện tượng tự nhiên?

Trả lời:

- Vì đối tượng được trình bày trong văn bản là lũ lụt, một hiện tượng tự nhiên. Văn bản đã trình bày các thông tin để trả lời cho những câu hỏi như “Hiện tượng đó là gì?”, “Tại sao có hiện tượng đó?”,…

 

Câu 5:Mỗi cơn lũ đi qua đều càn quét phá huỷ không biết bao nhiêu nhà dân, nương rẫy, giết hại các loại động vật. Ngoài ra, tình trạng bão lũ kéo dài còn khiến cho việc trồng trọt bị ảnh hưởng: các loại cây lương thực vì bị ngập úng mà chết, nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm. Có thể nói lũ lụt gây nhiều thiệt hại trực tiếp về vật chất đối với người dân.”

Đoạn văn trên là kiểu đoạn văn gì?

Trả lời:

- Đây là đoạn văn quy nạp. Câu cuối của đoạn là câu chủ đề.

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Người viết đã chọn những cách nào để triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản? Chỉ ra những biểu hiện cụ thể của cách triển khai ấy và hiệu quả của nó.

Trả lời:

Cách mà tác giả đã dùng để triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản:

- Áp dụng cách triển khai thông dụng khi trình bày về một vấn đề gây hại: đi từ khái niệm, nguyên nhân rồi đến tác hại.

- Sử dụng cách phân chia nội dung: ở các phần, tác giả đều có sự phân loại rõ ràng. Ví dụ ở phần Nguyên nhân, tác giả đã phân chia ra nhiều nguyên nhân và trình bày chi tiết về mỗi nguyên nhân thành một phần nhỏ.

 

Câu 2: Các nội dung trong văn bản “Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại” đã làm sáng tỏ mục đích của văn bản như thế nào?

Trả lời:

- Mục đích của văn bản là trình bày các thông tin cơ bản về khái niệm, nguyên nhân và tác hại của lũ lụt.

- Văn bản đã làm sáng tỏ mục đích đó bằng một bố cục hợp lí, các thông tin đưa ra rõ ràng, dễ hiểu, khách quan, giúp người đọc dễ dàng hình dung được vấn đề.

 

Câu 3: Nêu nhận xét về cách tác giả giải thích hiện tượng tự nhiên (lũ lụt) trong văn bản này.

Trả lời:

- Cách tác giả giải thích hiện tượng lũ lụt: đầu tiên chỉ ra cách hiểu sai của mọi người về từ “lũ lụt”, sau đó trình bày khái niệm và phân loại cách hiện tượng “lũ” và “lụt” rồi sau cùng là khái quát lại một cách đơn giản.

=> Cách giải thích này giúp mọi người hiểu đúng, hiểu rõ hơn về vấn đề đang được trình bày và đến cuối thì vẫn có thể nắm được thông tin quan trọng cần nhớ.

 

Câu 4: Văn bản có sử dụng những phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ nào? Tác dụng của chúng là gì?

Trả lời:

Văn bản có sử dụng hình ảnh và số liệu:

- Bức ảnh cho ta thấy lũ lụt trông như thế nào.

- Số liệu ở phần “Gây thương vong về con người” cho ta thấy tác hại ghê gớm của lũ lụt.

Tác dụng: giúp cho người đọc hình dung rõ hơn về vấn đề đang được bàn luận, làm tăng sức thuyết phục cho văn bản.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Hãy nhận xét về ngôn ngữ của văn bản.

Trả lời:

- Ngôn ngữ trong văn bản mang tính khoa học nhằm trình bày thông tin một cách khách quan, chuẩn xác. Ngôn từ không có tính biểu cảm hay tính nghệ thuật. Ta có thể nhận thấy điều đó qua qua các khái niệm, thuật ngữ; qua cách diễn đạt nhằm trình bày thông tin, dữ kiện; qua việc phân chia bố cục rõ ràng,…

 

Câu 2: “(1) Bão và triều cường xảy ra tạo nên lượng nước lũ lớn, kèm theo đó là hiện tượng sạt lở đất khiến cho đất dâng lên làm tràn ngập nước vùng ven biển. (2) Đó là lí do tại sao ở vùng biển, người ta phải trồng rừng ở phía ngoài đê để hạn chế triều cường, hạn chế tình trạng thiệt hại do lũ lụt gây nên.”

Hãy chỉ ra cách triển khai thông tin trong đoạn trên.

Trả lời:

- Đoạn văn được triển khai theo quan hệ nguyên nhân – kết quả: (1) nêu lên nguyên nhân, (2) đưa ra kết quả.

 

Câu 3: Hãy chỉ ra cách triển khai ý tưởng trong sapo của văn bản.

Trả lời:

- Sapo là đoạn in đậm ở đầu văn bản.

- Cách triển khai: Nêu một ý khái quát về hiện tượng lũ lụt đang xảy ra trên Trái Đất từ đó đưa ra các câu hỏi khơi gợi.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Từ văn bản, em có suy nghĩ gì về hiện tượng lũ lụt ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung? Bản thân em cần biết thêm thông tin gì nữa về lũ lụt?

Trả lời:

Hãy trình bày theo suy nghĩ của em.

Ví dụ:

- Lũ lụt gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Lũ lụt đang ngày càng xảy ra nhiều hơn với mức độ khắc nghiệt cao hơn do tác động của con người đối với môi trường tự nhiên.

- Em cần biết thêm thông tin về cách phòng chống lũ lụt, những tiến bộ trong nghiên cứu về phòng chống bão lũ.

 

Câu 2: Tìm hiểu thêm từ nhiều nguồn khác nhau và nêu một số thông tin bổ sung (kênh chữ hoặc kênh hình) về hiện tượng lũ lụt chưa có trong văn bản này.

Trả lời:

Tham khảo (Wikipedia tiếng Việt):

  1. Cách đối phó với lũ lụt

Ở phương Tây, đa phần đất đai đã được con người trải nhựa làm đường và tiến hành bê tông hóa đồng loạt. Dễ thấy là lớp phủ mặt đường này khiến cho hầu hết lượng mưa tích tụ lại đều biến thành dòng chảy. Trong một khu công nghiệp không có hệ thống tiêu thoát nước hữu hiệu, có lẽ không cần quá nhiều mưa cũng có thể gây ra lụt nặng.

Nhiều thành phố đã xây dựng các cống dẫn nước bằng bê tông để phòng ngừa lũ lụt. Khi mưa nhiều, nước sẽ chảy vào trong các cống dẫn chạy quanh khu vực ngoại ô thành phố, nơi nước được hấp thụ tốt hơn. Song, biết đâu một lúc nào đó chính những cống dẫn nước này lại gây lũ lụt. Bản thân hoạt động rải bê tông, nhựa đường trên mặt đất cũng đã đồng nghĩa với việc chúng ta đang cắt đi một phần của miếng bọt biển tự nhiên và dồn thêm nước vào phần bọt biển còn lại.

Tương tự, con người xây rất nhiều đê chống lũ. Có thể hình dung đây là những bức tường thành lớn được xây dựng dọc các bờ sông để ngăn sông tràn ra thành lũ. Trong suốt thời gian qua, những con đê này đã hoàn thành tương đối tốt sứ mệnh của mình, nhưng với những khu vực không có đê thì hoàn toàn ngược lại, sẽ phải hứng toàn bộ lượng nước lũ khi nước sông dâng lên. Hơn nữa, không khác đập là mấy, hệ thống đê có thể vỡ. Nếu điều này xảy ra thì việc những khu vực gần sông bị nước lũ nhấn chìm chỉ còn là vấn đề thời gian.

Riêng đối với hoạt động kiểm soát lũ dọc bờ biển, loài người thực chất không đạt được nhiều thành tựu. Những con sóng lớn có khả năng phá hủy các công trình xây dựng bằng cách gây xói mòn. Để kiểm soát xói mòn, chúng ta đã áp dụng phương pháp xây các hàng rào và đê chắn sóng. Song thực tế, chúng lại gây trở ngại cho tiến trình hình thành bãi biển bởi khi chúng ta ngăn nước di chuyển về phía bờ, biển không thể "chở" cát vào bờ tạo nên những bãi biển đẹp.

Đối với nhiều khu vực nội địa cũng vậy. Thoạt nhìn, người ta có thể tưởng rằng sông là một đặc trưng không đổi của cảnh quan nói chung, nhưng thật ra nó lại là một thực thể động, nhất là những con sông lớn như Mississippi (Hoa Kỳ), Dương Tử, Hoàng Hà (Trung Quốc)… Trải qua thời gian, sông dần dần mở rộng ra, rồi đột ngột chuyển hướng, thậm chí có thể biến đổi cả dòng chảy. Vì lý do này mà những vùng đất ven bờ sông thường có nguy cơ ngập lụt rất cao.

  1. Những trận lũ lụt gây thiệt mạng nhiều nhất

Số người chết

Sự kiện

Địa điểm

Thời gian

2.500.000 –3.700.000

Lũ lụt Trung Quốc năm 1931

Trung Quốc

1931

900.000 –2.000,000

Lũ lụt Hoàng Hà năm 1887

Trung Quốc

1887

500.000–700.000

Lũ lụt Hoàng Hà năm 1938

Trung Quốc

1938

231.000

Vỡ Đập Bản Kiều, do Bão Nina. Khoảng 86.000 người chết do lũ và 145.000 người chết do dịch bệnh.

Trung Quốc

1975

230.000

Sóng thần Ấn Độ Dương 2004

Indonesia

2004

145.000

Lũ sông Dương Tử 1935

Trung Quốc

1935

100.000+

Lũ St. Felix, bão

Hà Lan

1530

100.000

Lũ lụt sông Dương Tử 1911

Trung Quốc

1911



=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 3 Đọc 3: Lũ lụt là gì? - Nguyên nhân và tác hại

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay