Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 2 văn bản 3: Đường về quê mẹ

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2 văn bản 3: Đường về quê mẹ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

BÀI 2: THƠ SÁU CHỮ, BẢY CHỮ 

VĂN BẢN 3: ĐƯỜNG VỀ QUÊ MẸ
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Đường về quê mẹ” (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời:

- Tác giả: Đoàn Văn Cừ

- Thể loại: thơ bảy chữ

- Nội dung: Tác giả nhớ lại con đường về quê mẹ thuở nào với bức tranh thiên nhiên thôn quê đầy màu sắc và sức sống, nổi bật trên đó là hình ảnh người mẹ với vẻ đẹp khiến người con còn ấn tượng mãi.

 

Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Đoàn Văn Cừ.

Trả lời:

Tham khảo:

- Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 11 năm 1913 ở Thôn Đô Đò xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân. Trước Cách mạng tháng Tám, Đoàn Văn Cừ dạy học, ông đã tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định năm 1936. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định (1946). Năm 1948 ông tham gia Việt Minh trong Kháng chiến chống Pháp làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu III. Từ 1959, ông là cán bộ biên tập Nhà xuất bản Phổ Thông (Bộ Văn hóa). Năm 1974 công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh (hiện nay huyện Nam Trực thuộc tỉnh Nam Định). Từ 1971, ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông gần như sống ẩn dật ở quê trong những năm cuối đời và mất tại đây ngày 27 tháng 6 năm 2004. Ông còn có các bút danh khác là Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư Sỹ Sông Ngọc và ngoài thơ cũng sáng tác văn xuôi.

- Đoàn Văn Cừ được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Con trai ông, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2006.

- Đoàn Văn Cừ xuất hiện trong Phong trào Thơ mới và viết về thôn quê với bút pháp rất riêng: tả chân. Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét: "Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt". Những cảnh quê như Đám hội, Đám cưới mùa xuân,... và đặc biệt là phiên Chợ Tết nông thôn của ông vẫn sẽ còn mãi với thời gian.

 

Câu 3: Bài thơ là lời của ai? Nêu ấn tượng chung của em về tác phẩm.

Trả lời:

- Bài thơ là lời của người con.

- Đối với câu hỏi thứ hai, hãy trả lời theo cảm nhận của em. Ví dụ: Bài thơ đã diễn tả được hành trình về quê của hai mẹ con, trong đó hình ảnh thiên nhiên và hình ảnh người mẹ được làm nổi bật, tô đậm những nét đẹp đặc trưng, đúng với phong cách làm thơ của bao thi sĩ.

 

Câu 4: Hãy chỉ ra bố cục của bài thơ và đặt tên cho từng phần.

Trả lời:

Bố cục của bài thơ:

- Khổ 1: Gợi lại chuyện u “tôi” ngày xưa thường dẫn chúng “tôi” về thăm quê ngoại vào mỗi dịp xuân. Đặt tên: Gợi nhớ kỷ niệm.

- Khổ 2 + 4: Hình ảnh thiên nhiên và con người trên đường về quê.

- Khổ 3 + 5: Hình ảnh người mẹ trên đường về quê.

- Khổ 6: Đã đến quê ngoại.

 

2. THÔNG HIỂU (6 câu)

Câu 1: Hãy phân tích khổ 1.

Trả lời:

- U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân: gợi nhớ về quá khứ

- Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần: con đường về quê mẹ xa xôi có đám mây trắng. “Trắng ngần”: tác giả muốn gợi ra hình ảnh đám mây đẹp. => Không gian lúc mẹ bắt đầu đưa về quê có những ấn tượng.

- “Lại”: đã về nhiều lần

=> Khổ thơ này đã nêu ra thời điểm và không gian khi mẹ đưa “tôi” về quê ngoại.

 

Câu 2: Phân tích khổ thơ thứ hai.

Trả lời:

- Hình ảnh thiên nhiên hiện lên qua các sự vật: rặng đề, dòng sông, cồn, bãi. Chú ý đến màu sắc: trắng, xanh, tía. Chú ý đến đường nét, mảng khối: lượn ven đê, kề liên tiếp.

- Hình ảnh người nông dân: Người xới cà, ngô rộn bốn bề. Chú ý cụm từ “rộn bốn bề”: không khí làm việc hăng say, tích cực.

 

Câu 3: Phân tích khổ thơ thứ ba.

Trả lời:

- Người mẹ mang những vẻ đẹp điển hình của phụ nữ thôn quê xưa, thể hiện qua việc miêu tả của tác giả: thúng cắp bên hông, nón đội đầu, khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu (trang phục), mắt sáng, môi hồng, má đỏ au (diện mạo).

- Chú ý tính đối ở dòng 2 và dòng 4.

- Cách dùng các vế nhỏ liên tiếp ở dòng 1, 2, 4: giúp diễn tả được nhiều đặc điểm

- “Trông u chẳng khác thời con gái”: bản thân ý nghĩa của câu cộng thêm việc đặt câu này giữa các câu nêu đặc điểm ngoại hình của người mẹ góp phần làm nổi bật vẻ đẹp tươi trẻ của người mẹ.

 

Câu 4: Hãy phân tích khổ thơ thứ tư.

Trả lời:

- Chú ý đến thời gian: lúc này đã là buổi chiều

- Những hình ảnh thiên nhiên điển hình của trời chiều: nắng nhạt vàng, trời xanh, có trắng bay từng lớp, xóm chợ, lều phơi, lá bàng. Chú ý cách dùng từ ngữ thú vị của tác giả: “xác lá bàng”.

- Hình ảnh con người: Đoàn người về ấp gánh khoai lang

=> Không gian trời chiều trong bài thơ giống như hình ảnh buổi chiều trong nhiều bài thơ khác: chìm trong nắng vàng và có phần ảm đạm nhưng không làm mất đi vẻ đẹp của nó.

 

Câu 5: Hãy phân tích khổ thơ thứ năm.

Trả lời:

Các câu thơ trong khổ này đều là những hình ảnh thú vị, đặc sắc.

- Tà áo nâu in giữa cánh đồng: từ “in” làm nổi bật hình ảnh người mẹ trên cánh đồng

- Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng: buổi chiều lộng gió. “Bụi bốc sau lưng” làm hình ảnh người mẹ mờ đi khi nhìn vào để làm tiền đề cho câu thơ sau “Bóng u hay bóng người thôn nữ”: u đẹp như người thôn nữ => tăng cường nhấn mạnh vẻ đẹp của người mẹ.

- Cúi nón mang đi cặp má hồng: chú ý từ “mang đi”. Hãy tưởng tượng và nêu cảm nhận của em. Ví dụ: Theo cách dùng thông thường, “mang đi” không thể dùng với bộ phận thân thể được mà chỉ có thể dùng với đồ vật, con vật,… Xét thêm bối cảnh là gió bụi bốc lên, ta có thể hiểu là tác giả muốn nhấn mạnh vào cặp má xinh đẹp của người mẹ, cặp má đó nổi bật lên trên bóng người mẹ, người mẹ muốn cặp má không bám bụi bẩn.

 

Câu 6: Hãy phân tích khổ thơ thứ sáu.

Trả lời:

- Sau một chặng đường dài thì cuối cùng người con cùng với mẹ của mình cũng về đến quê. 

- Vẻ đẹp bên trong của người mẹ: nết thảo hiền

- “Đường về quê mẹ” được nhắc tới trong câu cuối: tạo sự liên kết cho bài thơ.

 

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Liệt kê các hình ảnh, chi tiết về thiên nhiên và con người trong bài thơ. Qua đó, hãy nêu nhận xét của em về màu sắc, đường nét của bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn của con người được thể hiện trong tác phẩm.

Trả lời:

Các hình ảnh, chi tiết về thiên nhiên:

- Rặng đề

- Dòng sông trắng lượn ven đê

- Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp

- Chiều mát, nắng nhạt vàng

- Trời xanh cò trắng bay từng lớp

- Xóm chợ lều phơi xác lá bàng

- Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng

Các hình ảnh, chi tiết về con người (người gặp trên đường đi):

- Người xới cà, ngô rộn bốn bề

- Đoàn người về ấp gánh khoai lang

Các hình ảnh, chi tiết về người mẹ:

- Thúng cắp bên hông, nón đội đầu

- Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

- Trông u chẳng khác thời con gái

- Mắt sáng, môi hồng má đỏ au

- Bóng u hay bóng người thôn nữ

- Cúi nón mang đi cặp má hồng.

- Ai cũng khen u nết thảo hiền

- Dẫu phải theo chồng thân phận gái

- Đường về quê mẹ vẫn không quên

Nhận xét:

- Bức tranh thiên nhiên được tạo nên bởi nhiều màu sắc, nhiều đường nét, có nét uốn lượn, có nét nhẹ nhàng nhưng cũng có nét dồn dập.

- Cuốc sống của con người: tươi vui, nhộn nhịp

- Hình ảnh người mẹ: Mang những đặc điểm điển hình của một người phụ nữ đẹp thời xưa, đẹp cả ở ngoại hình lẫn con người bên trong. Hình ảnh người mẹ được khắc hoạ trên không gian làng quê càng trở nên đẹp hơn.

 

Câu 2: Xác định vần, nhịp của bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ gieo vần chân:

- Khổ 1: xuân – ngần – thân

- Khổ 2: đề - đê – bề

- Khổ 3: đầu – nâu – au 

- Khổ 4: vàng – lang – bàng

- Khổ 5: đồng – hồng

- Khổ 6: quen – quên

Nhịp của bài thơ phần nhiều là 4/3.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng và tình cảm gì của nhà thơ?

Trả lời:

- Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng nhung nhớ của nhà thơ nhưng nỗi nhớ đó không đi cùng nỗi buồn mà được đặt trong niềm vui thích, tự hào về vẻ đẹp của quê hương, của người mẹ.

- Bài thơ thể hiện tình cảm yêu thiên nhiên, yêu mẹ của nhà thơ.

 

Câu 2: Hãy nêu mạch cảm xúc của bài thơ.

Trả lời:

- Mạch cảm xúc của bài thơ đi theo trình tự thời gian, từ lúc bắt đầu đi đến lúc về đến quê mẹ, nhằm tái hiện cảm xúc, tâm trạng trên một đoạn đường dài.



=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 2 Đọc 3: Đường về quê mẹ

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay