Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 3 Thực hành Tiếng Việt

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3 Thực hành Tiếng Việt. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

BÀI 3: VĂN BẢN THÔNG TIN

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: CÁC ĐOẠN VĂN DIỄN DỊCH, QUY NẠP, SONG SONG, PHỐI HỢP
(25 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (7 câu)

Câu 1: Hãy trình bày khái niệm đoạn văn diễn dịch, đoạn văn quy nạp, đoạn văn song song và đoạn văn phối hợp. 

Trả lời: 

- Đoạn văn diễn dịch là đoạn văn có câu chủ đề được đặt ở đầu đoạn, những câu tiếp theo triển khai các nội dung cụ thể để làm rõ chủ đề của đoạn văn.

- Đoạn văn quy nạp là đoạn văn triển khai nội dung cụ thể trước, từ đó mới khái quát nội dung chung, được thể hiện bằng câu chủ đề ở cuối đoạn văn.

- Đoạn văn song song (song hành) là đoạn văn không có câu chủ đề, các câu trong đoạn có nội dung khác nhau, nhưng cùng hướng tới một chủ đề.

- Đoạn văn phối hợp là đoạn văn kết hợp diễn dịch với quy nạp, có câu chủ đề ở đầu đoạn và cuối đoạn.

 

Câu 2: Đặc điểm của đoạn văn diễn dịch được thể hiện như thế nào trong đoạn văn sau đây?

“Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đẩy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kì lịch sử.”

Trả lời:

Ở đoạn văn trên, câu chủ đề là câu đầu tiên của đoạn, khẳng định hai nét đặc sắc của tiếng Việt là đẹp và hay. Các câu tiếp theo nói rõ cái đẹp và cái hay thể hiện cụ thể như thế nào.

 

Câu 3: Đặc điểm của đoạn văn quy nạp được thể hiện như thế nào trong đoạn văn sau đây?

“Đề cao sự khác biệt không phải là cổ động cho lối sống cá nhân ích kỉ, hẹp hòi, chối bỏ mọi trách nhiệm. Để cao sự khác biệt không có nghĩa chấp nhận những sự kì dị, quái đản cốt làm cho cá nhân nổi bật giữa đám đông, xa lạ với văn hoá truyền thống của dân tộc. Đề cao sự khác biệt cũng không đồng nghĩa với việc tán thành lối sống tự do vô mục đích. Xét cho cùng, chỉ sự khác biệt nào toát lên được giá trị của cá nhân và có ích cho cộng đồng thì mới thực sự có ý nghĩa, đáng được đề cao.”

Trả lời:

Ba câu đầu nêu những biểu hiện của sự khác biệt tầm thường, vô nghĩa, từ đó, câu chủ đề (câu cuối cùng của đoạn) ở cuối đoạn văn mới có cơ sở khẳng định sự khác biệt có ý nghĩa, đáng được đề cao.

 

Câu 4: Hãy nêu chức năng của các kiểu tổ chức đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, song song và phối hợp.

Trả lời:

- Diễn dịch, quy nạp là hai kiểu tổ chức đoạn văn khác nhau, nhưng đều đáp ứng yêu cầu cơ bản của một đoạn văn: thể hiện rõ chủ đề. 

- Do có câu chủ đề, việc tiếp nhận nội dung đoạn văn trở nên thuận lợi hơn, dù câu chủ đề được đặt ở đầu đoạn (diễn dịch) hay ở cuối đoạn (quy nạp). 

– Đoạn văn song song tuy không có câu chủ đề, nhưng nội dung của cả đoạn vẫn thống nhất. Kiểu đoạn văn song song rất phù hợp với việc trình bày các thông tin khách quan, không hàm chứa sự đánh giá chủ quan của người viết. Kết luận thế nào là do người đọc tự suy nghĩ và rút ra. 

– Đoạn văn phối hợp có cấu trúc rất chặt theo kiểu tổng hợp – phân tích – tổng hợp. Câu đầu và câu cuối đoạn đều là câu chủ đề. Kiểu đoạn văn này rất phù hợp với việc khẳng định chắc chắn điều mà người viết cho là chân lí.

 

Câu 5: Hãy sắp xếp các câu sau đây thành đoạn văn diễn dịch, sau đó sắp xếp lại thành đoạn văn quy nạp và cho biết dựa vào cơ sở nào mà em sắp xếp như vậy.

(1) Một cô Tấm (trong truyện “Tấm Cám") bao lần bị hại, cuối cùng vẫn được làm hoàng hậu, nhưng mụ dì ghẻ và Cám - những kẻ lắm mưu mô tàn ác thì bị trừng phạt đích đáng.

(2) Một Thạch Sanh (truyện "Thạch Sanh") chất phác, thật bụng tin người, dẫu trải qua bao khổ nạn, oan khuất rồi đến lúc cũng cưới được công chúa và lên ngôi, còn Lý Thông lừa lọc, xảo trá thì trời đất không dung tha.

(3) Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo là ước mơ công bằng được nhân dân gửi gắm vào truyện cổ tích.

(4) Một người em (truyện “Cây khế”) thật thà, hiền lành, bị anh đối xử bất công, ai ngờ cuộc sống về sau lại giàu sang, hạnh phúc, trong khi người anh tham lam thì bỏ mạng giữa biển khơi.

Trả lời:

- Trình tự sắp xếp để có đoạn văn diễn dịch: (3), (1), (2), (4).

- Trình tự sắp xếp để có đoạn văn quy nạp: (1), (2), (4), (3)

- Cơ sở của sự sắp xếp là:

+ Câu (3) có tính chất của câu chủ để, thể hiện lập luận, ý tưởng khái quát.

+ Các câu (1), (2), (4) có tính chất là lí lẽ, dẫn chững và có sự đồng đều về chức năng với nhau nhưng khác với câu (3).

 

Câu 6: Hãy chỉ ra đặc điểm của đoạn văn song song trong đoạn văn sau:

“Cần tạo cho trẻ em cơ hội tìm biết được nguồn gốc lai lịch của mình và nhận thức được giá trị của bản thân trong một môi trường mà các em cảm thấy là nơi nương tựa an toàn, thông qua gia đình hoặc những người khác trông nom các em tạo ra. Phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do. Cần khuyến khích trẻ em ngay từ lúc còn nhỏ tham gia vào sinh hoạt văn hoá xã hội.”

Trả lời:

Đoạn văn có ba câu, mỗi câu nêu một điều cần làm để đáp ứng quyền lợi của trẻ em. Mặc dù không có câu chủ đề, nhưng tất cả các câu trong đoạn cùng thể hiện một chủ đề: trách nhiệm đối với trẻ em.

 

Câu 7: Hãy chỉ ra đặc điểm của đoạn văn phối hợp trong đoạn văn sau:

“Bị cười, không phải mọi người đều phản ứng giống nhau. Có người tỏ thái độ mặc kệ, bất cần, ai cười, người ấy nghe. Có người, nhân bị thiên hạ cười mà nghiêm túc soi xét bản thân, lặng lẽ sửa mình. Nhưng cũng có những người, bị tiếng cười của đám đông nhằm tới, do thiếu bản lĩnh, nên hoảng hốt, lo âu và tưởng rằng khiếm khuyết của mình là rất nghiêm trọng. Rơi vào bế tắc, họ tìm lối thoát trong hành vi tiêu cực. Như vậy, sự cười nhạo chẳng phải đã vô tình làm hại người ta đó sao?”

Trả lời:

Đoạn văn trên có câu mở đầu (“Bị cười … giống nhau”) nêu chủ đề của đoạn: mọi người sẽ có phản ứng khác nhau khi bị chê cười. Bốn câu tiếp nêu các kiểu phản ứng cụ thể. Câu cuối đoạn (“Như vậy … đó sao?”) khái quát tác hại của sự cười nhạo đối với con người.

 

2. THÔNG HIỂU (8 câu)

Câu 1: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau, từ đó, xác định kiểu đoạn văn. Phân tích tác dụng của cách tổ chức đó trong đoạn văn.

“Ta thường nghe: Kỉ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay chết theo nạn của vua; Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!”

Trả lời:

- Câu chủ đề trong đoạn văn: “Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!”

 Đoạn văn quy nạp.

Tác dụng: Trong đoạn văn, tác giả đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng thực tế và có sức thuyết phục cao rồi kết luận lại bằng một câu ở cuối. Cách tổ chức này làm nổi bật lập luận của tác giả, tạo ra ấn tượng cho người đọc.

 

Câu 2: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau, từ đó, xác định kiểu đoạn văn. Phân tích tác dụng của cách tổ chức đó trong đoạn văn.

“Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường. Cậu này là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, bạn ấy thuộc Trường THCS Lương Thế Vinh, còn cô bé kia học ở Trường THCS Đặng Thai Mai,.... tất cả đều được nhận ra nhờ bộ đồng phục mà họ mặc. Trong cuộc thi “Nhóm bạn lí tưởng” ở huyện, “màu cờ sắc áo” không chỉ thể hiện ở tài trí của năm bạn trong đội hình thi đấu trên sân khấu, mà còn ở các nhóm cổ động viên tưng bừng, nổi bật trong bộ đồng phục của trường mình trên khán đài.”

Trả lời:

- Câu chủ đề của đoạn văn: Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường. Đây là đoạn văn diễn dịch.

Tác dụng: Định hướng nội dung cho người đọc ngay từ đầu. Các câu sau nói rõ thêm cho ý ở câu chủ đề.

 

Câu 3: Đoạn văn dưới đây được tổ chức theo kiểu nào? Vì sao em cho là như vậy?

“Quan trọng hơn cả, tự học còn là một thú vui rất thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta vui vì thấy khả năng của ta đã thăng tiến và ta giúp đời nhiều hơn trước. Một thầy kí, một bác nông phu, bất kì hạng người nào, nếu chịu học hỏi tìm kiếm, cũng có thể cải thiện phương pháp làm việc của mình, và giảng giải những kinh nghiệm của mình cho người khác. Sau cùng, còn gì vui bằng tìm tòi và khám phá Pasteur, Eisntein, hai vợ chồng Curie và hàng trăm nhà bác học khác, suốt đời nghèo nàn mà lúc nào cũng mãn nguyện hơn những vua chúa trên ngai vàng; cả tháng cả năm tự giam trong phòng thí nghiệm, không hề biết những tiêu khiển của người đời mà thấy thời giờ trôi qua vẫn qua mau, là nhờ thủ tự học tìm tòi của họ.”

Trả lời:

- Đây là đoạn văn diễn dịch vì có câu chủ đề mang ý khái quát đứng đầu đoạn: “tự học là một thú vui thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên”; các câu sau triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ cho câu chủ đề: ở đây ta có thể dễ dàng nhận thấy các lí lẽ và dẫn chứng mà tác giả đưa ra.

 

Câu 4: Đoạn văn dưới đây được tổ chức theo kiểu nào? Vì sao em cho là như vậy?

“Hiện nay, tại một số địa phương, người dân đã hưởng ứng “lối sống xanh” bằng những hành động thiết thực như tiết kiệm điện, nước, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Bên cạnh những hoạt động đó, việc buôn bán và sử dụng thực phẩm an toàn, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, ngăn chặn những hành vi làm ô nhiễm môi trường... cũng dần được mọi người chú ý thực hiện tích cực hơn. Tóm lại, “lối sống xanh” góp phần nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường xung quanh và ngày càng được nhiều người lựa chọn.”

Trả lời:

Đây là đoạn văn quy nạp vì:

- Đoạn văn được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các ý chi tiết đến ý khái quát: ở đây các ý nhỏ là những hành động nhằm bảo vệ môi trường, ý lớn là câu chủ đề.

- Câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn.

 

Câu 5: Xác định kiểu đoạn văn của những trường hợp sau. Phân tích tác dụng của cách thức tổ chức đoạn văn đó.

“Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là “Binh thư yếu lược”. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì mới phải đạo thần chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù.”

Trả lời:

Đoạn văn trên đây là đoạn văn song song.

 Cách tổ chức kiểu này đảm bảo sự duy trì chủ đề thống nhất, không định hướng người đọc vào một quan điểm cụ thể nào. Kết luận thế nào là do người đọc tự suy nghĩ và rút ra. Ở trong đoạn văn, các binh sĩ sẽ tự suy ngẫm và rút ra quyết định của mình.

 

Câu 6: Xác định kiểu đoạn văn của những trường hợp sau. Phân tích tác dụng của cách thức tổ chức đoạn văn đó.

“Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyền đất ruộng cho Chính phủ,... Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.”

Trả lời:

Đoạn văn trên là đoạn văn phối hợp:

Cách tổ chức kiểu này nêu ra quan điểm ở đầu rồi chứng minh ở các câu sau, cuối cùng là chốt một câu kết. Trong đoạn văn: câu đầu đưa ra nhận định là đồng bào ta ngày nay yêu nước, tiếp đó là hàng loạt dẫn chứng rồi đến câu cuối là chốt lại vấn đề nêu ở câu đầu. Điều đó có tác dụng trong việc khẳng định quan điểm của người viết.

 

Câu 7: Đoạn văn sau được tổ chức theo kiểu nào? Chủ đề của đoạn văn là gì? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó?

“Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hoà tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.”

Trả lời:

- Đoạn văn trên được tổ chức theo kiểu song song vì không có câu chủ đề. Các câu chỉ là trong đoạn chỉ là những lời kể, tả, cảm nhận về ca Huế, không hướng vào một ý nào.

- Chủ đề của đoạn văn là cái hay của ca Huế, sự tài năng của nhạc công.

 

Câu 8: Viết câu chủ đề cho đoạn văn sau:

……………………………………………………………….. Khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong một thời gian dài, làn da của chúng ta có nguy cơ bị lão hoá. Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là sự xuất hiện của các đốm sắc tố và nếp nhăn trên da. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân gây khởi phát hoặc tăng nặng một số bệnh lí về da như viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mề đay... Không chỉ vậy, ô nhiễm không khí còn làm cho một số bệnh về da kém đáp ứng điều trị, dễ tái phát, kéo dài và khó điều trị hơn.

Trả lời:

- Với việc câu chủ đề ở đầu thì ta có thể xác định đây là đoạn văn diễn dịch  Hãy xác định nội dung hướng tới ở các câu sau để viết câu chủ đề cho phù hợp.

- Câu chủ đề tham khảo: Ô nhiễm không khí tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người.

 

3. VẬN DỤNG (6 câu)

Câu 1: Hãy viết một/hai đoạn văn (15 – 20 dòng) dùng phương pháp quy nạp hoặc diễn dịch để trình bày về vấn đề môi trường.

Trả lời:

Gợi ý làm bài: Môi trường là một vấn đề đã được đặt ra từ lâu và được coi là vấn đề cấp thiết trên toàn cầu tuy vậy đến nay vấn đề này không hề hết nóng. Vậy nên ở đây các em có thể viết về một khía cạnh của môi trường như: tình trạng ô nhiễm môi trường chung, bảo vệ môi trường, năng lượng xanh, tình trạng ô nhiễm nơi em đang ở, liệu chúng ta nên giải quyết theo cách thông thường hay tìm những hướng đi mới,… Vấn đề có rất nhiều thông tin trên mạng mà các em có thể khai thác nên hãy đảm bảo có dẫn chứng là các số liệu cụ thể.

 

Câu 2: Đoạn văn sau được tổ chức theo cách nào: diễn dịch, quy nạp hay một cách khác? Vì sao?

“Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.”

Trả lời:

- Đoạn văn được tổ chức theo một cách khác. Đoạn văn này không có câu chủ đề, các câu có chức năng đồng đều.

 

Câu 3: Đoạn văn sau được tổ chức theo cách nào: diễn dịch, quy nạp hay một cách khác? Vì sao?

“Cốm trộn hạt dẻ trở thành món ăn đặc sản, sang trọng. Khi trong nhà có khách, ông chủ bày cốm hạt dẻ mời trả. Con rể thì dâng cốm hạt dẻ lễ bố mẹ vợ nhân ngày Tết thưởng trăng. Học trò mang cốm trộn hạt dẻ biếu thầy cô. Tóm lại, cốm trộn hạt dẻ là một thứ vật quý, dùng để khoản đãi quý nhân.”

Trả lời:

- Đoạn văn được tổ chức theo cách phối hợp cả diễn dịch và quy nạp. Ta có thể thấy rằng câu chủ đề nằm ở cả đầu đoạn và cuối đoạn.

 

Câu 4: Đoạn văn dưới đây được tổ chức theo kiểu nào? Vì sao em cho là vậy?

“Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương. Em thương bác đẩy xe bò "mồ hôi ướt lưng, căng sợi dây thừng" chở vôi cát về xây trường học, và mời bác về nhà mình... Em thương thầy giáo một hôm trời mưa đường trơn bị ngã, cho nên dân làng bèn đắp lại đường.”

Trả lời:

Đây là đoạn văn diễn dịch. Lí do: câu đầu là câu chủ đề, các câu sau chứng minh cho câu đó.

 

Câu 5: Đoạn văn dưới đây được tổ chức theo kiểu nào? Vì sao em cho là vậy?

“Mưa đã ngớt. Trời rạng dần. Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông một mảng trời trong vắt. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh.”

Trả lời:

Đây là đoạn văn song song. Lí do: Không có câu chủ đề. Đoạn văn chỉ là một sự liệt kê những lời kể, tả hiện thực.

 

Câu 6: Đoạn văn dưới đây được tổ chức theo kiểu nào? Vì sao em cho là vậy?

“Nguyên Hồng (1918 – 1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành phố Nam Định. Trước Cách mạng, ông sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo. Ngay từ tác phẩm đầu tay, Nguyên Hồng đã hướng ngòi bút về những người cùng khổ gần gũi mà ông yêu thương thắm thiết. Sau Cách mạng, Nguyên Hồng tiếp tục bền bỉ sáng tác, ông viết cả tiểu thuyết, kí, thơ, nổi bật hơn cả là các bộ tiểu thuyết sử thi nhiều tập. Nguyên Hồng được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).”

Trả lời:

Đây là đoạn văn song song. Lí do: Đoạn văn không có câu chủ đề. Các câu trong đoạn là những thông tin khách quan nói về tiểu sử của Nguyên Hồng, không định hướng người đọc theo một quan điểm nào.

 

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.” (Ilya Ehrenburg). Xem đây là câu chủ đề, hãy viết một đoạn văn diễn dịch.

Trả lời:

Đoạn văn tham khảo: 

Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Tại sao lại cần yêu những vật tầm thường nhất? Vì những thứ to lớn, vĩ đại đều được xây đắp từ những thứ nhỏ bé, tầm thường. Nếu những điều nhỏ bé mà chúng ta còn không làm được thì sao làm được những điều lớn lao hơn. Mỗi người trong chúng ta để thể hiện lòng yêu nước hãy thử bắt đầu từ việc yêu những thứ tầm thường nhất. Nếu bạn là một học sinh, bạn có thể học tập chăm chỉ hơn, yêu thiên nhiên, động vật, bảo vệ môi tường. Nếu bạn là một người trưởng thành, hãy yêu gia đình, quan tâm vợ/chồng, con cái; hãy nhiệt huyết hơn với công việc bạn đang làm. Khi làm những điều đó, những điều chẳng phải là to tát gì, nhưng chúng ta đã đóng góp rất nhiều cho đất nước, đó tất yếu là một cách để yêu nước.

 

Câu 2: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.” (Ilya Ehrenburg). Xem đây là câu chủ đề, hãy viết một đoạn văn quy nạp.

Trả lời:

Đối với việc viết đoạn văn quy nạp, em không nhất thiết phải giữ nguyên vẹn câu chủ đề đã cho ở đề bài. Hãy biến đổi một chút nếu thấy cần thiết miễn là không thay đổi đại ý của câu.

Đoạn văn tham khảo:

Có người cho rằng yêu nước phải được thực hiện bằng những việc làm to tát như ra chiến trận bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng hi sinh quên mình, trở thành những lãnh đạo cấp cao trong cơ quan chính quyền hay là một doanh nhân thành đạt. Có những người lại nghĩ khác, một người yêu nước trước hết phải làm được những việc nhỏ, phải phát huy tốt nhất những gì mình đang có. Và tôi thì theo ý kiến thứ hai. Bởi một lẽ, làm sao ta có thể ra xa trường trong khi ta còn sợ sệt, không dám theo lẽ phải mà chỉ hùa theo đám đông; làm sao ta có thể trở thành một chính khách hay một doanh nhân tầm cỡ trong khi kiến thức, kinh nghiệm của ta chẳng có là bao; làm sao ta có thể yêu đồng bào, yêu Tổ quốc khi mà ngay chính người thân gia đình hay bạn bè ta còn không quan tâm. Vậy nên mới nói: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.

 

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp theo chủ đề tự chọn.

Trả lời:

Đoạn văn song song tham khảo:

Mưa lớn kéo dài ở các vùng đồng bằng (như ở các vùng đồng bằng thuộc miền Trung nước ta) khiến cho nước trên các con sông không kịp thoát, gây ra ngập úng. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài còn hình thành nên các cơn lũ quét, lũ ống gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của. 

Đoạn văn phối hợp tham khảo:

Không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà lũ lụt còn gây thiệt hại cả về con người, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Điển hình là lũ lụt sông Dương Tử ở Trung Quốc năm 1911 đã khiến cho 100 000 người chết, hay lũ lụt đồng bằng sông Hồng năm 1971 khiến cho 594 người chết và hơn 100 000 người bị thương nặng. Như vậy, có thể thấy lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

 

Câu 4: Các đoạn văn sau đây sai ở chỗ nào? Hãy chữa lại cho đúng.

  1. a) Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn là một đứa trẻ thông minh nhưng ngỗ ngược. Ngày đi học, Lê Quý Đôn đã có ý thức tìm tòi, nghiên cứu, phê phán những điểm phản khoa học thường được tôn sùng thời bấy giờ. Ông thường tham gia bình văn cùng những người lớn tuổi. Không ai dám coi thường "chú học nhãi ranh" học nhiều biết rộng ấy.
  2. b) Cư dân Văn Lang rất ưa ca hát, nhảy múa. Họ hát trong những đêm trăng hoặc ngày hội. Họ còn hát trong những lúc chèo thuyền, săn bắn. Những nhạc cụ đệm cho những điệu hát thường là trống đồng, khèn, sáo, công....

Trả lời:

  1. a) Câu chủ đề nêu hai nét về phẩm chất và tính cách của Lê Quý Đôn lúc còn trẻ: thông minh, ngỗ ngược. Tuy nhiên, đoạn văn mới triển khai được ý nói về sự thông minh còn ý nói về tính ngỗ ngược chưa được chú ý.

Để đoạn văn hoàn chỉnh về nội dung, em cần viết thêm một số câu thể hiện tính ngỗ ngược của Lê Quý Đôn lúc còn bé. Nếu thấy khó tìm nội dung em có thể cắt bớt nội dung của câu chủ đề.

  1. b) Câu chủ đề nêu hai đặc điểm của người dân Văn Lang: ưa ca hát và nhảy múa. Các câu triển khai mới nói được nội dung ưa ca hát. Đoạn văn còn thiếu ý.

 Em hãy thêm một số câu để nói rõ cư dân Văn Lang yêu nhảy múa như thế nào.



=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 3 TH tiếng Việt: Các đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay