Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 1 văn bản 3: Người mẹ vườn cau

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1 văn bản 3: Người mẹ vườn cau. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều

BÀI 1: TRUYỆN NGẮN 

VĂN BẢN 3: NGƯỜI MẸ VƯỜN CAU
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày một số hiểu biết của em về văn bản “Người mẹ vườn cau” (tác giả, thể loại, nội dung,…) 

Trả lời:

- Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

- Thể loại: Truyện ngắn

- Truyện nằm trong tập truyện ngắn “Xa xóm Mũi”.

- Nội dung: Văn bản xoay quanh câu chuyện về một người mẹ, từ đó nói lên những phẩm chất đẹp của người mẹ ở miền quê xưa đồng thời truyền tải thông điệp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

 

Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Ngọc Tư.

Trả lời:

- Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) là một nhà văn, thành viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.

- Cô được biết đến với tập truyện mang tên Cánh đồng bất tận. Tập truyện nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006 và truyện ngắn cùng tên đã được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 2010.

 

Câu 3: Truyện ngắn “Người mẹ vườn cau” viết về đề tài gì? Giải thích nhan đề “Người mẹ vườn cau”.

Trả lời:

- Truyện ngắn này viết về đề tài: Người mẹ / Gia đình / Tình cảm con người.

- Nhan đề được đắt theo cách: lấy tên một nhân vật chính trong tác phẩm. 

- Nhận xét về nhan đề: Tuy văn bản nói về bà của nhân vật “tôi” nhưng nhân vật “tôi” đã hướng một phần câu chuyện để nói về bố và bà, tức là người mẹ và con cái.

 

Câu 4: Theo em, chủ đề của truyện ngắn “Người mẹ vườn cau” là gì?

Trả lời:

- Chủ đề của truyện ngắn là nói về tình cảm lớn lao mà người mẹ dành cho con cái của mình.

 

Câu 5: Truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Người kể ấy có tác dụng như thế nào?

Trả lời:

- Truyện được kể theo ngôi thứ nhất.

- Tác dụng: Giúp người kể có thể trực tiếp miêu tả, đánh giá và bộc lộ cảm xúc của mình

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Cốt truyện của văn bản “Người mẹ vườn cau” có gì đáng chú ý?

Trả lời:

Cốt truyện của văn bản có điểm đáng chú ý là:

- Tác giả mượn chuyện làm bài kiểm tra để rồi nói về người mẹ của ba mình.

- Câu chuyện chính được tách ra làm hai phần: phần một nói về chuyến về quê thăm nội, phần hai không tiếp diễn ngay chuyện phần một mà nói về một câu chuyện sau đó khi mà ba của “tôi” đã lâu không về thăm nội.

 

Câu 2: Hình ảnh “người mẹ vườn cau” được tái hiện với những chi tiết tiêu biểu nào?

Trả lời:

Các chi tiết về “người mẹ vườn cau”:

- (*) Nội ở một mình, nhà có vườn cau.

- Nội trong gầy gò, cười phô cả lợi, vui sướng đón các con cháu về thăm.

- Nội gắp thức ăn cho “tôi”, bảo “tôi” một cách hiền từ: “Ăn cho mau lớn, con”.

- (*) Nội ôm “tôi” vào lòng, ngồi trên võng bố đưa kèn kẹt.

- Nội dẫn “tôi” ra vườn xem cây cối. 

- Bà nắm tay “tôi”, bàn tay bà nhăn nheo, gân guốc.

- Đêm hôm ấy bà mắc mùng cho “tôi” ngủ.

- (*) Theo lời kể của ba, nội là một bà mẹ anh hùng nhưng không phải anh hùng theo kiểu mà “tôi” nghĩ.

- (*) Bà có dáng còm cõi, nụ cười phúc hậu, đôi mắt già nua, nheo nheo.

- (*) Bà bảo chú Biểu đến nhà mang cho xâu ếch dài. Bà rất nhớ con cháu.

Các chi tiết tiêu biểu là các chi tiết có đánh dấu (*)

 

Câu 3: Em ấn tượng với chi tiết nào về hình ảnh “người mẹ vườn cau” nhất? Vì sao?

Trả lời:

Hãy chọn lựa một chi tiết tiêu biểu và trình bày lí do theo cảm nhận của em.

Ví dụ:

- Em ấn tượng với chi tiết “nội là một bà mẹ anh hùng”. Chi tiết này hay vì nó thể hiện sự khác biệt trong lối suy nghĩ của trẻ em và người lớn. Nhân vật “tôi” trong truyện còn nhỏ, có thể là bị ảnh hưởng bởi các truyện võ thuật hay lời nói của bạn bè, cho rằng “anh hùng phải cao to, đẹp khoẻ”. Nhưng để trở thành một anh hùng không cần phải trở thành một nhân vật thần thánh như vậy, mà chỉ cần như nội vườn cau là đủ. “Nội bán ve chai”, “Nội gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm. Nội đưa thư cho ba. Nội mang thức ăn, tin tức”. Nội vẫn phải vui vẻ sống một mình khi những người con yêu dấu của mình đã ra đi. Nội đã làm những việc phi thường, xứng đáng là một anh hùng. Qua lời kể của ba mình, nhân vật “tôi” phần nào hiểu được điều đó và cảm thấy thương nội hơn.

 

Câu 4: Ngôn ngữ trong truyện là ngôn ngữ ở miền nào?

Trả lời:

- Ngôn ngữ trong văn bản là ngôn ngữ ở miền Nam. Điều đó có thể được nhận ra thông qua các từ ngữ địa phương trong bài như: ba (bố), má (mẹ), vầy (vậy), méc (mách), tòn tọt ((uống) rất nhanh và nhiều), sui (thông gia), mùng (màn),…

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Văn bản “Người mẹ vườn cau” là kiểu truyện ngắn nào?

Trả lời:

- Văn bản này được viết theo kiểu truyện ngắn kể lại sự việc giản dị, đời thường.

- Truyện chỉ nói về hai sự kiện chính là hai cha con về thăm bà nội và một chuyện gợi nhớ về bà của nhiều năm sau. Cốt truyện đơn giản, đời thường nhưng phủ lên đó là những cảm xúc, tâm trạng khiến người ta phải suy ngẫm.

 

Câu 2: Hãy nhận xét về lời nói của các nhân vật trong truyện.

Trả lời:

- Đầu tiên, em hãy liệt kê các lời thoại theo nhân vật.

- Một số điểm em có thể thấy qua lời nói của các nhân vật trong truyện:

+ Lời nói mang màu sắc riêng của nhân vật: lời của bà nội thể hiện sự quan tâm “Má tưởng con …”, cách nói của nội mang tính điển hình của người xưa “Tiên tổ mầy,…”, lời nói của nhân vật “tôi” là kiểu trẻ con chưa biết nhiều,…

+ Lời nói mang màu sắc địa phương

+ Lời nói góp phần thể hiện tâm trạng, cảm xúc của của nhân vật. Chú ý những câu nói ở đoạn hai cha con nói chuyện lúc đi ngủ và ở phần (2).

+ Chú ý đến sự chuyển biến về lời nói: những lời nói ở phần đầu thường vui sau dần có sự biến đổi. Điều này nhằm thể hiện ý đồ của tác giả.

 

Câu 3: Hãy nhận xét về việc miêu tả không gian, cảnh vật, con người trong truyện.

Trả lời:

- Đầu tiên, em hãy liệt kê một số câu miêu tả tiêu biểu như các câu nói về khung cảnh trời mưa ở phần (1) và (2); cảnh vườn sai trữu quả; các câu miêu tả về ngoại hình của nội.

- Qua đó, em có thấy một số điểm sau:

+ Tác giả sử dụng đa dạng các tính từ, trạng từ, phụ từ để việc miêu tả được chân thật, sinh động.

+ Tác giả thường sử dụng câu cú kiểu mỗi câu nhiều ý, ví dụ như: “Mưa nhiều, con đường từ dưới bến lên nhà, đất bùn lẹp nhẹp, tôi ngã oành oạch.

+ Việc miêu tả góp phần làm nổi bật những nét điển hình về người mẹ. Người mẹ ở các miền quê xưa thường quen sống trong căn nhà đơn sơ, gắn với ruộng vườn. Họ là những người tảo tần,… Ở phần (2), chú ý đến câu “Tối đó mưa xập xoài rả rích,…”. Câu này có sự liên kết với tâm trạng lúc này của nhân vật người cha.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Có người cho rằng, qua truyện này, tác giả muốn nhắn gửi đến người đọc thông điệp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Ý kiến của em thế nào? (Trình bày thành một đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng)

Trả lời:

Hãy trình bày ý kiến theo quan điểm của em.

Ví dụ nếu em đồng tình với ý kiến này thì đoạn văn của em cần có các ý sau:

- Chỉ ra được tấm lòng của người mẹ, người bà trong truyện qua các chi tiết nói về nội ở vườn cau như: bà vui sướng khi các con về chơi, bà là một bà mẹ anh hùng, bà nhớ và dõi theo con cháu,…

- Nhận xét về sự “bạc bẽo” của ba “tôi” khiến cho ông đau xót và muốn về thăm bà ngay sau chuyến thăm của chú Biểu. 

=> Thông qua đó để chỉ ra truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được tác giả gửi gắm qua truyện.

 

Câu 2: Hãy viết một hoặc một vài đoạn văn về người mẹ (nếu viết được theo phong cách của văn bản thì càng tốt).

Trả lời: 

Em nên viết một câu chuyện về mẹ em trong đó có miêu tả và biểu cảm.

Tham khảo:

Vào những buổi tối mùa đông, lúc hơi lạnh thấm qua cửa sổ khiến bàn tay tôi run lên vì buốt giá, tôi lại nhớ đến những mùa đông năm nào...

… Những buổi tối mùa đông ấy, gió bấc thổi len qua những bụi tre dày gai góc rì rào như muốn tâm tình với mái nhà lợp rạ đầy lá tre khô rơi. Mái nhà ấy đã ôm ấp mẹ con tôi, vì chiến tranh mà đã rời xa một phố cổ về với chốn thôn quê này.

Trên chiếc bàn tre, bên ngọn đèn dầu, mẹ tôi nghiêng mái đầu bên chồng vở học trò. Mẹ tôi là cô giáo, suốt đời chỉ biết làm một nghề: dạy trẻ con tập đọc, tập viết và tập làm tính.

Tối tối như thế, tôi thấy mẹ tôi ngồi nắn nót viết từng chữ mẫu đầu dòng bằng mực đỏ lên từng cuốn vở học trò. Ngày ấy, chưa có những sách tập viết in những hình chấm chấm để học trò tô theo như bây giờ. Mẹ tôi thường dùng bút chì viết mẫu để sớm mai học sinh sẽ tô lên đó bằng bút mực.

Những tối mùa đông như thế, ngồi học bài bên mẹ như một con mèo nhỏ, tôi lắng nghe tiếng bút mẹ tôi đưa nhẹ trên trang giấy trắng những nét thanh, nét đậm. Đôi khi tôi thấy gợn trong lòng một chút tê tê từ trên đầu ngón tay mẹ tôi.

Thuở ấy ở làng quê, mẹ tôi dạy những đứa trẻ vốn chỉ quen mò cua bắt ốc, chăn trâu cắt cỏ. Có những thằng cu nghịch ngợm và viết xấu quá, nhiều buổi tối mẹ tôi bảo cả mấy đứa đến ngồi bên. Mẹ tôi đặt bàn tay thon thả xanh xao cầm lấy bàn tay bé nhỏ nhưng đã sớm khô ráp chai sẵn của những thằng cu ấy. Mẹ tôi cầm tay học trò viết từng nét cong, nét thẳng. Rồi khi buông ra để học trò tự viết lấy, tôi thấy mẹ tôi khẽ mím môi, hơi thở nhẹ hẳn đi, mái đầu như đưa theo bàn tay của các em. Đến khi xem lại những chữ học trò tròn trịa ngay ngắn, mẹ tôi khẽ gật đầu. Rồi mẹ tôi cất tiếng đọc, một giọng thanh thoát nhẹ nhàng để trẻ con bắt chước theo. Nghe học trò đọc, không thấy ngọng nữa, mẹ tôi mỉm cười trìu mến lắm.

Nụ cười ấy mẹ tôi đã giữ trọn vẹn cho đến lúc bà ra đi mãi mãi.

Sau này, nhiều khi viết xong được những dòng ngay ngắn, tôi lại thấy ở trên cao xanh xa xa, mẹ tôi đang nhìn tôi khẽ gật đầu và mỉm cười trìu mến vô cùng.



=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 1 Đọc 3: Người mẹ vườn cau

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay