Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 4 văn bản 3: Ông Giuộc-đanh mặc lễ phục
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 4 văn bản 3: Ông Giuộc-đanh mặc lễ phục. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều
BÀI 4: HÀI KỊCH VÀ TRUYỆN CƯỜIVĂN BẢN 3: ÔNG GIUỐC-ĐANH MẶC LỄ PHỤC
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (4 câu)
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (4 câu)
Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” (tác giả, thể loại, nội dung,…)
Trả lời:
- Tác giả: Moliere
- Văn bản được trích gồm lớp V (hồi II) của vở kịch “Trưởng giả học làm sang” (1670).
- Thể loại: hài kịch
- Nội dung: Đoạn trích được xây dựng hết sức sinh động, khắc hoạ tài tình tính cách lố lăng của một tay trưởng giả muốn học đòi làm sang, gây nên tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Moliere và vở hài kịch “Trưởng giả học làm sang”.
Trả lời:
- Moliere (1622 – 1673) là một trong những nhà viết hài kịch lớn nhất nước Pháp và thế giới. Hài kịch Moliere là tiếng cười khoẻ khoắn, yêu đời, vui nhộn mà sâu sắc, thâm trầm. Mỗi nhân vật chính trong hài kịch Moliere là hiện thân của một tính cách nhất định: đạo đức giả, hà tiện, thông thái rởm, học đòi, ảo tưởng.... Những vở hài kịch tiêu biểu của Moliere: Tác-tuýp (1664), Lão hà tiện (1668) Trưởng giả học làm sang (1670), Người bệnh tưởng (1673),...
- “Trưởng giả học làm sang” phê phán thói học đòi, rởm đời, lố bịch của những người giàu có nhưng ít hiểu biết, ham danh vọng hão huyền đến mức loá mắt, không nhận ra được thật hay giả, tốt hay xấu, trở thành kẻ lố bịch và ngu ngốc đến mức bị lợi dụng, cợt nhạo mà vẫn không hết ảo tưởng, mù quáng.
Câu 3: Trang phục của ông Jourdain được diễn tả ở những chi tiết nào trong đoạn trích?
Trả lời:
Trang phục của ông Jourdain được diễn tả ở những câu sau:
- Bác đã gửi đến cho tôi đôi tất lụa chật quá, tôi khổ sở vô cùng mới xỏ chân vào được, và đã đứt mất hai mắt rồi đấy.
- Lại đôi giày bác bảo đóng cho tôi, làm tôi đau chân ghê.
- Thưa đây là bộ lễ phục đẹp nhất triều, và thích hợp nhất. Sáng chế ra được một kiểu áo lễ phục trang nghiêm mà không phải màu đen, thật là một kì công tuyệt tác.
- Bác may hoa ngược rồi.
- Tôi thách một hoạ sĩ lấy bút mà vẽ cho sát hơn được.
- Bộ tóc giả với lông cắm mũ có được chỉnh tề không?
- Phải, nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi.
Câu 4: Nêu nhận xét chung của em về nhân vật ông Giuốc-đanh.
Trả lời:
- Giuốc-đanh vốn xuất thân là con 1 nhà buôn giàu có. Tuy lắm tiền nhiều của nhưng ông ta dốt nát, quê kệch, lại muốn học đòi làm sang. Bởi vậy, nhiều kẻ đã lợi dụng cơ hội này để săn đón, nịnh hót, tâng bốc để moi tiền của ông ta.
- Mặc dù biết rằng túi tiền của ông có thể hết nhẵn nhưng Giuốc-đanh vẫn sẵn sàng vung ra để mua được cái tiếng “sang”.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Ông Jourdain đặt làm trang phục với mong muốn gì? Hãy chỉ ra nét tính cách nổi bật ở nhân vật và giải thích vì sao ông dễ dàng bị những người thợ may lừa mị, lợi dụng.
Trả lời:
Ông Jourdain đặt trang phục với mong muốn là để mình trông như một quý tộc, một người cao sang.
Nét tính cách nổi bật của ông Jourdain là thói học đòi, ham hư danh, giàu có nhưng ngu dốt và thích được nịnh nọt:
- Thói ham danh vọng hão huyền là lí do ông đặt may bộ lễ phục theo lối quý tộc, một thứ không thuộc về mình.
- Sự ngu dốt, kém hiểu biết đã khiến ông dễ dàng bị lừa: Điều này được thể hiện trong suốt văn bản:
+ Khi ông chỉ trích phó may đến muộn, ông đã bị phó may lừa là “tôi đã cho hai chú thợ phụ xúm lại chiếc áo của ngài đấy”.
+ Khi ông chê đôi tất lụa quá chật, phó may lại bào chữa “rồi nó giãn ra, lo lại không rộng quá ấy chứ”.
+ Khi ông nói đôi giày làm đau chân, phó may phủ nhận ngay và còn đổ lỗi ngược cho ông Jourdain là do ông tưởng tượng ra.
+ Bộ áo lễ phục được may không phải là màu đen nhưng bằng cách nói dối, phó may đã khiến ông Jourdain nghĩ thế mới là “kì công tuyệt tác”.
+ Ở chi tiết hoa áo may ngược, ông đã nhận ra là như thế không hợp lí nhưng vì không biết gì nên đã bị phó may lừa rằng người quý phái đều mặc như thế. Điểm thú vị trong đoạn kịch này là khi lừa được ông Jourdain, phó may lại đưa ra một lời đề nghị càng khiến cho ông tin là thật: “Nếu ngài muốn, thì sẽ xoay hoa xuôi lại thôi mà.”
+ Khi ông Jourdain không biết là mặc thế này có vừa sát không, phó may đã lừa ông bằng cách chứng minh như thế mới thật hay: “Tôi thách một hoạ sĩ lấy bút … anh hùng của thời đại”.
+ Ở chi tiết mặc áo, đúng ra chỉ cần mặc vào như bình thường là được nhưng đằng đây phó may do biết ông Jourdain thích nịnh nọt, ngu dốt nên đã bày ra trò mặc lễ phục quý tộc là phải có nghi lễ. Chỉ cần vài lời xưng hô giả tạo “ông lớn”, “cụ lớn”, “đức ông”, “Người”, đám thợ phụ đã kiếm được bộn tiền.
Câu 2: Lời thoại trong lớp kịch có gì đáng chú ý?
Trả lời:
- Lời thoại giữa ông Jourdain với phó may có điểm đáng chú ý là:
+ Lời của ông Jourdain thường là sự phàn nàn, ca thán: “Tôi sắp phát cáu lên với bác đấy”, Lại còn phải bảo cái đó à?”,…
+ Lời của ông Jourdain cũng làm nổi bật sự kém hiểu biết: “Tôi tưởng tượng vì tôi thấy đau. Lí với lẽ hay chưa kìa!”, “Nhưng người quý phái mặc ngược hoa à?”,…
+ Lời của phó may thì là những lời nói dối, mang tính bào chữa, cho thế mới là phải và có tính cường điệu, ví dụ: “Tôi không làm sao đến sớm hơn được, ấy là tôi đã cho hai chục chú thợ phụ xúm lại chiếc áo của ngài đấy”, “Còn phải nói! Tôi thách một hoạ sĩ lấy bút mà vẽ cho sát hơn được. Ở nhà tôi có một chút thợ phụ, may quần cộc thì tài nhất thiên hạ, và một chú khác, về may áo chẽn, là anh húng của thời đại.”,…
- Lời thoại giữa ông Jourdain với các thợ phụ có điểm đáng chú ý là:
+ Lời của ông Jourdain thể hiện sự thích thú, tự mãn của mìn: “Ấy đấy, ăn mặc ra người quý phái thì thế đây! Cứ bo bo y phục trưởng giả, thì chẳng có ai gọi là “Ông lớn!”,…
+ Lời của thợ phụ thì là những lời nịnh hót.
Câu 3: Xoay quanh sự việc mặc trang phục của ông Jourdain, em hãy chỉ ra những nét tương phản trong hành động của ông Jourdain và các nhân vật.
Trả lời:
- Chú thợ phụ quả là có cái mũi rất tinh, đánh hơi được miếng mồi béo bở: kẻ thích nịnh có cả một túi tiền to. Túi tiền ấy kích thích chú nghĩ ra cách khéo léo moi tiền của ông Jourdain. Chú tinh khôn leo thang từng nấc một, biết kiềm chế để cho kẻ hám danh kia có thời gian tận hưởng sung sướng, vì cứ sướng là lão lại thưởng tiền. Ông Jourdain không tiếc tiền vì đang khao khát danh vọng và dù có biết tỏng sự tôn vinh ấy là giả tạo đi chăng nữa thì lão vẫn cứ thích mê. Danh vọng ảo nhưng tiền bỏ ra mua lại là tiền thật. Chú thợ phụ chỉ cần tiền nên chẳng tội gì mà ngưng nịnh hót.
Câu 4: Ở cảnh đầu của lớp V (hồi II), tính cách học đòi làm sang của ông Jourdain thể hiện như thế nào và bị lợi dụng ra sao?
Trả lời:
- Em có thể dễ dàng nhận xét cuộc đối thoại giữa hai người xoay quanh một số sự việc như bộ lễ phục, đôi bít tất, bộ tóc giả và lông đính mũ, nhưng chủ yếu là xoay quanh bộ lễ phục.
- Tất nhiên ai may áo cũng phải may hoa hướng lên trên. Bác phó may chẳng biết là vì dốt, là do sơ suất hay do cố tình biến ông Jourdain thành trò cười nên đã may ngược hoa. Ông Jourdain chưa phải là mất hết tỉnh táo nên đã phát hiện ra điều đó. Nhưng chỉ cần bác phó may vụng chèo khéo chống, bịa ra lí lẽ những người quý phái đều mặc áo ngược hoa là ông ưng thuận ngay.
- Đoạn này có kịch tính cao. Bác phó may đang ở thế bị động (bị chê trách may áo ngược hoa), nay chuyển sang thế chủ động tấn công lại bằng hai đề nghị liên tiếp: "Nếu ngài muốn, thì sẽ xoay hoa xuôi lại thôi mà", "Ngài chỉ việc bảo tôi". Và thế là ông Jourdain cử lùi mãi: "Không, không", "Đã bảo không mà. Bác làm thế này được rồi.", sau đó đánh bài lảng sang chuyện khác, hỏi bộ lễ phục ông mặc có vừa vặn không.
- Ông Jourdain lại phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải của mình ("thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ"). Ông chuyển sang thế chủ động, trách bác phó may bằng hai lời thoại. Bác phó may chống đỡ yếu ớt. Bây giờ đến lượt bác gỡ thế bí bằng cách chơi nước cờ lảng sang chuyện khác, hỏi ông Jourdain có muốn mặc thử bộ lễ phục không. Nước cờ khá cao tay vì nó đánh trúng vào tâm lí ông Jourdain đang muốn học đòi làm sang.
Câu 5: Tính cách học đòi làm sang của ông Jourdain thể hiện như thế nào và bị lợi dụng ra sao ở cảnh sau của lớp V (hồi II)?
Trả lời:
– Moliere chuyển tiếp từ cảnh trước sang cảnh sau ở lớp kịch này một cách hết sức tự nhiên và khéo léo. Khi ông Jourdain mặc xong bộ lễ phục là được tay thợ phụ tôn xưng là "ông lớn" ngay, khiến ông tưởng rằng cứ mặc lễ phục vào là nghiễm nhiên trở thành quý phái.
– Khác với tính cách của bác phó may ("vụng chèo khéo chống", "thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ"), tay thợ phụ ranh mãnh dùng mánh khoé nịnh hót để moi tiền, điểm huyệt đúng thói học đòi làm sang của ông Jourdain. Thấy ông mắc mưu, tay thợ phụ dấn thêm mấy bước, cứ tôn lên mãi, hết "ông lớn" đến "cụ lớn" rồi đến "đức ông".
- Ông Jourdain vẫn nghĩ đến túi tiền của mình. Thấy tay thợ phụ không tôn ông lên cao thêm nữa, ông nói riêng: "Thế là phải chăng, ta đang sắp cho nó tất cả túi tiền". Nhưng qua câu nói đó, ta thấy tính cách trưởng giả học đòi làm sang ở ông vẫn mãnh liệt lắm. Ông sẵn sàng cho hết cả tiền để được "làm sang".
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Nêu một vài thủ pháp trào phúng trong đoạn trích.
Trả lời:
Một số thủ pháp trào phúng trong đoạn trích là:
- Tạo tình huống kịch tính: thủ pháp này xuất hiện ở những chi tiết như chi tiết chiếc giày, chi tiết may hoa ngược, chi tiết nịnh nọt của đám thợ phụ.
- Dùng thủ pháp phóng đại: nhiều lời nói dối của phó may được cường điệu quá mức
- Dùng điệu bộ gây cười: hoạt động mặc áo.
Câu 2: Giả sử em được đóng vai ông Jourdain để diễn đoạn trích này, em sẽ chọn trang phục, thể hiện dáng vẻ, điệu bộ của nhân vật như thế nào?
Trả lời:
- Hãy trả lời tuỳ thuộc vào sự tưởng tượng của em về vở kịch, về hình ảnh ông Jourdain. Chú ý những chi tiết quan trọng về hình thức như: bộ lễ phục chật, bó sát, hoa may ngược, lông, mũ cài cắm lộn xộn; về dáng vẻ, điệu bộ như: tức giận, ngỡ ngàng, ngạc nhiên (thể hiện sự ngu dốt), tự mãn, vui vẻ (lúc được thợ phụ khen), đi đứng, tác phong bắt chước quý tộc,…
Câu 3: Lớp kịch V gây cười cho khán giả ở những khía cạnh nào?
Trả lời:
- Khán giả cười ông Jourdain ngu dốt chẳng biết gì, chỉ vì thói học đòi làm sang mà bị bác phó may và tay thợ phụ lợi dụng để kiếm chác. Người ta cười khi thấy ông ngớ ngẩn tưởng rằng phải mặc áo hoa ngược mới là sang trọng. Người ta cười khi thấy ông cứ mọi mãi tiền ra để mua lấy mấy cái danh hão.
- Khán giả có thể cười đến vỡ rạp khi được tận mắt nhìn thấy trên sân khấu ông Jourdain bị bốn tay thợ phụ lột quần áo ra, mặc cho bộ lễ phục lố lăng theo nhịp điệu, màu sắc dớ dẩn (không phải màu đen trang trọng) lại may ngược hoa, ấy thế mà vẫn vênh vang ra vẻ ta đây là nhà quý phái.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Theo em, trong cuộc sống hiện nay còn có những người như ông Jourdain không? Cho ví dụ.
Trả lời:
Khi mà cái ham muốn, thèm khát danh vọng mù quáng vẫn còn tồn tại thì kiểu người như ông Jourdain vẫn còn. Em có thể lấy ví dụ qua thực tế cuộc sống những người em đã gặp, đã tiếp xúc, những người em biết đến,… Trong nhiều truyện, phim cũng xuất hiện kiểu người này.
Câu 2: Căn cứ vào các chỉ dẫn sân khấu, cho biết lớp kịch gồm mấy cảnh. Xem xét số lượng nhân vật tham gia ở mỗi cảnh và các loại động tác, âm thanh trên sân khấu để chứng minh rằng càng về sau kịch càng sôi động.
Trả lời:
– Hành động kịch diễn ra tại phòng khách nhà ông Jourdain, một người trên 40 tuổi, thuộc tầng lớp dân thành thị phong lưu. Bác phó may và một tay thợ phụ mang bộ lễ phục đến nhà ông.
– Lời chỉ dẫn sân khấu dài: "Bốn chú thợ phụ ra..." chia lớp kịch này thành hai cảnh rõ rệt: cảnh trước gồm những lời thoại của ông Jourdain và bác phó may; cảnh sau gồm những lời thoại của ông Jourdain và tay thợ phụ. Cảnh trước trên sân khấu có bốn nhân vật là bác phó may, tay thợ phụ mang bộ lễ phục, ông Jourdain và một gia nhân của ông Jourdain. Cảnh sau đông hơn, sôi động hơn, có thêm bốn tay thợ phụ nữa.
– Cảnh trước có hai người là ông Jourdain và bác phó may nói với nhau. Cảnh sau, cũng chỉ có hai người là ông Jourdain và một thợ phụ (tay thợ phụ mang bộ lễ phục đến lúc trước) nói với nhau. Nhưng ta hình dung bốn tay thợ phụ kia cũng xúm xít chung quanh, và ông Jourdain tuy chỉ đối thoại với một người mà như nói với cả tốp thợ phụ năm người. Cảnh này rõ ràng nhộn nhịp hơn cảnh trước.
– Cảnh trước chủ yếu chỉ là những lời đối thoại, tất nhiên các lời đối thoại ấy kèm theo cử chỉ, động tác mà em có thể dễ dàng hình dung ra. Sang cảnh sau, khán giả không chỉ được nghe những lời đối thoại, mà còn được xem các thợ phụ cởi quần áo cũ, mặc lễ phục mới cho ông Jourdain. Kịch sôi động hẳn lên.
– Đã thế ở cảnh sau trên sân khấu còn có cả nhảy múa và âm nhạc rộn ràng nữa. Ông Jourdain mặc lễ phục được xây dựng công phu, sân khấu và rạp hát sôi động náo nhiệt khi màn hạ kết thúc hồi II.
=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 4 Đọc 3: Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục