Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 5 Thực hành Tiếng Việt: Ôn tập về từ Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 5 Thực hành Tiếng Việt: Ôn tập về từ Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều
BÀI 5: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT:
ÔN TẬP VỀ TỪ HÁN VIỆT, THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
ÔN TẬP VỀ TỪ HÁN VIỆT, THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ
(14 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về tục ngữ (hình thức, nội dung, các nghĩa,…)
Trả lời:
– Về hình thức: mỗi câu tục ngữ là một câu nói diễn đạt một ý trọn vẹn. Câu tục ngữ có đặc điểm là ngắn gọn, hàm súc, kết cấu bền vững. Tục ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu.
– Về nội dung, tư tưởng: tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất và về con người, xã hội.
- Nói đến tục ngữ thường phải chú ý tới nghĩa đen và cả nghĩa bóng (cũng có thể gọi là nghĩa bề mặt và nghĩa hàm ẩn).
- Đa số trường hợp nghĩa đen phản ánh kinh nghiệm quan sát thiên nhiên và kinh nghiệm lao động sản xuất, nghĩa bóng thể hiện kinh nghiệm về con người, xã hội. Không phải câu tục ngữ nào cũng có nghĩa bóng. Nghĩa đen gợi đến nghĩa bóng khi người sử dụng tục ngữ liên hệ, tìm thấy sự tương đồng giữa điều mà tục ngữ phản ánh cụ thể (trong nghĩa đen) với các hiện tượng đời sống.
– Về sử dụng: Tục ngữ được nhân dân vận dụng vào mọi hoạt động của đời sống. Nó giúp nhân dân có được kinh nghiệm để nhìn nhận, ứng xử, thực hành các kinh nghiệm vào cuộc sống. Trong ngôn ngữ, tục ngữ làm đẹp, làm sâu sắc thêm lời nói.
- Về sử dụng, cần chú ý rằng, nghĩa bóng tạo cho tục ngữ khả năng ứng dụng vào các trường hợp khác nhau. Mỗi lần như vậy, ý nghĩa của tục ngữ được làm giàu thêm.
– Tri thức trong tục ngữ vì dựa trên kinh nghiệm nên không phải lúc nào cũng đúng; thậm chí có những kinh nghiệm đã lạc hậu.
Câu 2: Hãy trình bày những hiểu biết của em về từ Hán Việt.
Trả lời:
Em hãy tổng hợp lại kiến thức đã học về từ Hán Việt.
Tham khảo:
- Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt. Tiếng để cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt.
- Phần lớn các yếu tố Hán Việt không được dùng độc lập như từ mà chỉ dùng để tạo từ ghép. Một số yếu tố Hán Việt như hoa, quả, bút, bảng học, tập,... có lúc dùng để tạo từ ghép, có lúc được dùng độc lập như một từ.
- Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau.
- Cũng như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.
- Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:
+ Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau;
+ Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau.
Trong nhiều trường hợp, người ta dùng từ Hán Việt để:
+ Tạo sắc thái trang trọng, thể hiện thái độ tôn kính;
+ Tạo sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thô tục, ghê sợ;
+ Tạo sắc thái cổ, phù hợp với bầu không khí xã hội xa xưa.
- Khi nói hoặc viết, không nên lạm dụng từ Hán Việt, làm cho lời ăn tiếng nói thiếu tự nhiên, thiếu trong sáng, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Câu 3: Ghép các thành ngữ, tục ngữ (in đậm) ở cột bên trái với nghĩa phù hợp ở cột bên phải:
Thành ngữ, tục ngữ | Nghĩa |
a) Dã tâm của quân giặc đã hai năm rõ mười. (Nguyễn Huy Tưởng) | 1) khi đất nước có giặc, bổn phận của mọi người dân là phải đứng lên đánh giặc |
b) Chữ đề phải quang minh chính đại như ban ngày. (Nguyễn Huy Tưởng) | 2) chịu đựng nắng mưa, sương gió qua nhiều năm tháng |
c) Hầu muốn luyện cho mình thành một người có thể dãi gió dầm mưa. (Nguyễn Huy Tưởng) | 3) có sức mạnh phi thường, có thể làm được những việc to lớn |
d) Họ nhìn lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng, lòng họ bừng bừng, tay họ như có thể xoay trời chuyển đất. (Nguyễn Huy Tưởng) | 4) ngay thẳng, đúng đắn, rõ ràng, không chút mờ ám |
e) Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. (Tục ngữ) | 5) (sự việc) quá rõ ràng, sáng tỏ, không còn nghi ngờ gì nữa |
Trả lời:
A5, B4, C2, D3, E1
Câu 4: Phân biệt ý nghĩa của các cặp từ sau và cho ví dụ minh hoạ:
- a) Vô tư / vô ý thức
- b) Chinh phu / chinh phụ
Trả lời:
- a) Vô tư có các nghĩa là:
- không lo nghĩ gì
- không nghĩ đến, không vì lợi ích riêng
- không thiên vị ai cả
Vô ý thức được sử dụng để chỉ việc làm, hành động, lời nói không đúng, không hợp quy chuẩn, không theo những nét đẹp, nền nếp.
- b) Chinh phu: người đàn ông đi đánh trận thời phong kiến
Chinh phụ: vợ của người đàn ông đang đi đánh trận thời phong kiến
Câu 5: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Vua truyền cho hai chú cháu đứng dậy, và nói tiếp:
- Việc nước đã có người lớn lo. Hoài Văn Hầu nên về quê để phu nhân có người sớm hôm trông cậy. Đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, em ta không nên sao những phận làm con.
Vừa lúc ấy, một người nội thị bưng một mâm cỗ đi qua. Thiệu Bảo cầm lấy một quả cam sành chín mọng trên mâm, bảo một nội thị đưa cho Hoài Văn.
- Tìm từ ngữ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm trong đoạn trích trên.
- Việc sử dụng các từ in đậm đó đã đem lại sắc thái gì cho lời văn?
Trả lời:
- a) – Phu nhân: vợ (xét theo truyện thì “phu nhân” ở đây chỉ mẹ của Hoài Văn)
- Đế vương: vua
- Thiên hạ: nước (nhà)
- Nội thị: người hầu
- b) Việc sử dụng các từ ngữ in đậm đó mang lại sắc thái cổ xưa, trang trọng cho lời văn.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Hãy tìm một vài câu tục ngữ về thiên nhiên. Chỉ ra ý nghĩa của chúng.
Trả lời:
- Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng / Ngày tháng mười chưa cười đã tối: Tháng năm (âm lịch), đêm ngắn, ngày dài; tháng mười (âm lịch), đêm dài, ngày ngắn.
- Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa: Ngày nào đêm trước trời có nhiều sao, hôm sau sẽ nắng; trời ít sao, sẽ mưa.
- Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ: Khi trên trời xuất hiện ráng có sắc vàng màu mỡ gã tức là sắp có bão.
- Tháng bày kiến bò, chỉ lo lại lụt: Ở nước ta, mùa lũ xảy ra vào tháng bảy (âm lịch), nhưng có năm kéo dài sang cả tháng tám (âm lịch). Từ kinh nghiệm quan sát, nhân dân tổng kết quy luật: kiến bò nhiều vào tháng bảy – thường là bò lên cao – là điềm báo sắp có lụt. Kiến là loại côn trùng rất nhạy cảm với những thay đổi của khí hậu, thời tiết, nhờ cơ thể có những tế bào cảm biến chuyên biệt. Khi trời chuẩn bị có những đợt mưa to kéo dài hay lũ lụt, kiến sẽ từ trong tổ kéo ra dài hàng đàn, để tránh mưa, lụt và để lợi dụng đất mềm sau mưa làm những tổ mới.
Câu 2: Hãy tìm một vài câu tục ngữ về lao động sản xuất. Nêu ra giá trị về mặt kinh nghiệm mà câu tục ngữ truyền tải.
Trả lời:
- Tấc đất tấc vàng: Câu này có thể dùng để: phê phán hiện tượng lãng phí đất; đề cao giá trị của đất.
- Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền: Câu tục ngữ này giúp con người biết khai thác tốt điều kiện, hoàn cảnh tự nhiên để tạo ra của cải vật chất.
- Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống: Kinh nghiệm của câu tục ngữ được vận dụng trong quá trình trồng lúa, giúp người nông dân thấy được tầm quan trọng của từng yếu tố cũng như mối quan hệ của chúng. Nó rất có ích đối với một đất nước mà phần lớn dân số sống bằng nghề nông.
- Nhất thì, nhì thục: Câu tục ngữ này khẳng định tầm quan trọng của thời vụ và của đất đai đã được khai thác, chăm bón đối với nghề trồng trọt.
Câu 3: Giải nghĩa các thành ngữ có yếu tố Hán Việt sau và đặt câu với mỗi thành ngữ:
- vô tiền khoáng hậu
- dĩ hoà vi quý
Trả lời:
- a) Vô tiền khoáng hậu nghĩa là trước sau không có. Ví dụ: 91 bàn thắng một năm của Messi là một thành tích vô tiền khoáng hậu.
- b) Dĩ hoà vi quý nghĩa là: coi sự hoà thuận, êm thấm là quý. Ví dụ: Người trong một nhà cần phải dĩ hoà vi quý.
Câu 4: Tìm những từ Hán Việt có chứa những yếu tố sau: vô (không), hữu (có), hữu (bạn), lạm (quá mức), tuyệt (tột độ, hết mức).
Trả lời:
- Vô (không): vô tình, hư vô, vô đối, vô chủ
- Hữu (có): hữu tình, hữu hảo, hữu ích, hữu hiệu
- Hữu (bạn): thân hữu, bằng hữu
- Lạm (quá mức): lạm phát, lạm dụng
- Tuyệt (tột độ, hết mức): tuyệt vời, tuyệt thế, tuyệt chủng, tuyệt luân
Câu 5: Giải thích nghĩa của từ Hán Việt được in đậm trong các câu sau:
- Bức tranh thu từ những gì vô hình (hương, gió), từ ngõ hẹp (ngõ) chuyển sang những nét hữu hình, cụ thể (sông, chim, mây) với một không gian vừa dài rộng, vừa cao vời.
- Nhưng có điều khi sang thu, khi nửa đời nhìn lại thì người ta một mặt sâu sắc thêm, chín chắn thêm, thâm trầm, điềm đạm thêm, mặt khác người ta phải khẩn trương thêm, gấp gáp thêm.
Trả lời:
- a) - Vô hình: không có hình dạng cụ thể, không nhìn thấy được
- Hữu hình: có hình dạng cụ thể, có thể nhìn thấy được
- b) - Thâm trầm: sâu sắc và kín đáo, không dễ dàng để tâm tư, tình cảm cũng như ý nghĩ bộc lộ ra bên ngoài
- Điềm đạm: lúc nào cũng từ tốn, nhẹ nhàng, không gắt gỏng, nóng nảy
- Khẩn trương: cần được tiến hành, được giải quyết một cách tích cực trong thời gian gấp, không thể chậm trễ.
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Hãy phân biệt tục ngữ với thành ngữ.
Trả lời:
- Giống nhau: Tục ngữ và thành ngữ đều là những đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ và lời nói, đều dùng hình ảnh để diễn đạt, dùng cái đơn nhất để nói cái chung và đều được sử dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau trong đời sống.
- Khác nhau:
+ Thành ngữ thường là đơn vị tương đương như từ, mang hình thức cụm từ cố định (ví dụ: "Cao như sếu", "Năm lần bảy lượt", "Đứng mũi chịu sào", "Con Rồng cháu Tiên",...); còn tục ngữ thường là câu hoàn chỉnh.
+ Thành ngữ có chức năng định danh – gọi tên sự vật, gọi tên tính chất, trạng thái hay hành động của sự vật, hiện tượng; Tục ngữ diễn đạt trọn vẹn một phán đoán hay kết luận, một lời khuyên.
=> Do những khác biệt trên, một đơn vị thành ngữ chưa thể coi là một văn bản trong khi mỗi câu tục ngữ được xem như một văn bản đặc biệt, một tổng thể thi ca nhỏ nhất (R. Gia-cốp-xơn).
- Tuy nhiên có một số trường hợp rất khó phân biệt đó là thành ngữ hay tục ngữ.
Câu 2: Hãy phân biệt tục ngữ và ca dao.
Trả lời:
- Tục ngữ là câu nói, ca dao là lời thơ và thường là lời thơ của những bài dân ca. Tục ngữ thiên về duy lí, ca dao thiên về trữ tình. Tục ngữ diễn đạt kinh nghiệm, ca dao biểu hiện thế giới nội tâm của con người.
- Có những trường hợp rất khó phân biệt đó là tục ngữ hay ca dao. Ví dụ: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng", "Thức khuya mới biết đêm dài, Ở lâu mới biết con người phải chăng". Hợp lí hơn cả, nên coi đây là những hiện tượng trung gian giữa hai thể loại.
Câu 3: Xếp các từ ngữ có chứa yếu tố “giai” sau thành từng nhóm có yếu tố Hán Việt cùng nghĩa và giải nghĩa yếu tố Hán Việt đó.
“giai cấp, giai điệu, giai nhân, giai phẩm, giai thoại, giai đoạn, bách niên giai lão”
Trả lời:
- Giai với nghĩa là cùng, đều: giai cấp, bách niên giai lão
- Giai với nghĩa là tốt, đẹp: giai điệu, giai nhân, giai phẩm
- Giai với nghĩa về thời gian: giai thoại, giai đoạn
Câu 4: Giải nghĩa các thành ngữ có yếu tố Hán Việt sau và đặt câu với mỗi thành ngữ:
- đồng sàng dị mộng
- chúng khẩu đồng từ
- độc nhất vô nhị
Trả lời:
- a) Đồng sàng dị mộng nghĩa là cùng nằm một giường mà có những giấc mơ khác nhau; ví cảnh cùng chung sống với nhau, có quan hệ bên ngoài gắn bó, nhưng tâm tư, tình cảm, chí hướng khác nhau (thường nói về vợ chồng).
Ví dụ:
- Vợ chồng bọn họ đúng là đồng sàng dị mộng, không đồng lòng với nhau, xem ra rất khó sống cùng nhau đến cuối đời.
- Đồng sàng dị mộng nhưng mọi người đều không biết, ngồi cùng nhau vấn cảnh cuối cùng ai đúng. (Tiền Khiêm Ích thời nhà Thanh trong tác phẩm “Ngọc xuyên tử ca”.)
- b) Chúng khẩu đồng từ nghĩa là tất cả đều cùng nói một lời, một ý. Ví dụ: Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết.
- c) Độc nhất vô nhị chỉ một thứ gì, một điều gì đó là duy nhất, rất nhiếm, không có nhiều. Ví dụ: ABC là một món bảo vật độc nhất vô nhị, chúng ta không thể để nó rơi vào tay người khác.
4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)
Câu 1: Khi sử dụng từ Hán Việt, ta cần lưu ý hiện tượng đồng âm: các yếu tố Hán Việt cùng âm, nhưng nghĩa khác xa nhau và không có liên quan với nhau. Hãy chứng minh điều đó với yếu tố “giới”.
Trả lời:
Có nhiều yếu tố “giới” cùng âm nhưng nghĩa khác xa nhau và không có liên quan với nhau:
- Giới1, với nghĩa là “cõi, nơi tiếp giáp” trong các từ như: giới hạn, giới thuyết, giới tuyến, biên giới, địa giới, giáp giới, hạ giới, phân giới, ranh giới, thế giới, thượng giới, tiên giới.
- Giới2, với nghĩa “răn, kiêng” trong các từ như: giới nghiêm, cảnh giới, phạm giới, thụ giới.
- Giới3, với nghĩa “ở giữa, làm trung gian" trong các từ như: giới thiệu, môi giới.
- Giới4, với nghĩa “đồ kim khí, vũ khí” trong các từ như: cơ giới, cơ giới hoá, binh giới, khí giới, quân giới.
- Giới5, với nghĩa chỉ một loài cây: kinh giới.
Câu 2: Hãy viết một đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng về một chủ đề bất kì có chứa từ / yếu tố Hán Việt. Hãy chỉ ra các từ / yếu tố Hán Việt trong đó.
Trả lời:
Gợi ý: Từ Hán Việt được sử dụng rất phổ biến trong khi nói, viết tiếng Việt vậy nên việc viết một đoạn văn có chứa từ / yếu tố Hán Việt là điều rất dễ dàng. Cái khó ở đây là chỉ ra các từ / yếu tố Hán Việt vì chúng ta rất dễ nhầm giữa từ gốc Hán và từ thuần Việt. Hãy hỏi thầy cô hoặc tra từ điển để xác định.
Câu 3: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Huống chi ta cùng các người sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi tai vạ về sau?
- Tìm trong đoạn trích năm từ Hán Việt và giải nghĩa các từ đó.
- Đặt một câu với mỗi từ Hán Việt tìm được.
Trả lời:
Một số từ Hán Việt trong đoạn trích:
- Huống chi: (liên từ) tổ hợp biểu thị ý với đối tượng sắp nêu thì việc đang nói đến càng có khả năng xảy ra, nó là tất yếu.
Đặt câu: Người dưng còn giúp được huống chi bạn bè.
- Loạn lạc: tình trạng xã hội lộn xộn, không còn có trật tự, an ninh do có loạn.
Đặt câu: Các tinh binh được vu cử đi dẹp loạn lạc ở phương Bắc.
- Gian nan: có nhiều khó khăn gian khổ phải vượt qua.
Đặt câu: Tình cảnh gian nan đã khiến nhiều người nản chí.
- Triều đình: nơi các quan vào chầu vua và bàn việc nước; thường dùng để chỉ cơ quan trung ương, do vua trực tiếp đứng đầu, của nhà nước quân chủ.
Đặt câu: Triều đình nhà Nguyễn đã nhiều lần nhượng bộ thực dân Pháp.
- Tai vạ: điều không may lớn phải gánh chịu một cách oan uổng.
Đặt câu: Anh nên làm ăn cẩn thận, tránh gây tai vạ về sau.
=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 5 Thực hành tiếng Việt: Ôn tập về từ Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ