Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 4: Hài kịch và truyện cười (P1)
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 4: Hài kịch và truyện cười (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều
ÔN TẬP BÀI 4. HÀI KỊCH VÀ TRUYỆN CƯỜI (PHẦN 1)
Câu 1: Hãy nêu khái niệm nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu.
Trả lời:
- Nghĩa tường minh là nghĩa được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ trong câu.
- Nghĩa hàm ẩn là nghĩa được suy ra từ nghĩa tường minh của cả câu, từ nghĩa của từ ngữ trong câu và từ ngữ cảnh sử dụng câu.
Câu 2: Chức năng của nghĩa hàm ẩn là gì? Lấy ví dụ.
Trả lời:
Chức năng của nghĩa hàm ẩn:
- Giúp chuyển tải nhiều điều ý nhị, kín đáo, sâu xa,…
- Làm cho giao tiếp ngôn từ được uyển chuyển, phong phú, thú vị
- Trong văn học, các nội dung, thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải thường được thể hiện dưới hình thức nghĩa hàm ẩn.
Ví dụ:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm.
Chuột chù và khỉ đều là các loài có mùi hôi. Nhưng chuột chù lại chê khỉ trong khi chính mình cũng hội. Nghĩa tường minh trong câu trả lời của khỉ là lời khen, nghĩa hàm ẩn thể hiện sự mỉa mai chuột chù. Câu ca dao có hàm ý phê phán những người không tự biết cái xấu của mình mà còn đi chê bai người khác.
Câu 3: Xem lại văn bản “Chùm ca dao trào phúng”. Đặt trong ngữ cảnh cuộc đối thoại được thể hiện ở bài ca dao số 2, nghĩa hàm ẩn của câu “Chú chuột đi chợ đường xa / Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo” là gì?
Trả lời:
Nghĩa hàm ẩn của câu này có thể là: Chú chuột thông minh đã không mắc bẫy mèo, đồng thời chỉ trích hoặc chế giễu bộ mặt giả nhân giả nghĩa của con mèo.
Câu 4: Xem lại văn bản “Chùm ca dao trào phúng”. Theo em, qua câu ca dao “Cưới em ba chum mật ong / Mười thúng mỡ muỗi ba nong quýt đầy…”, anh học trò thực sự muốn nói điều gì?
Trả lời:
- Điều anh học trò thực sự muốn nói là anh không thể đáp ứng được yêu cầu thách cưới của nhà em.
Câu 5: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” (tác giả, thể loại, nội dung,…)
Trả lời:
- Tác giả: Moliere
- Văn bản được trích gồm lớp V (hồi II) của vở kịch “Trưởng giả học làm sang” (1670).
- Thể loại: hài kịch
- Nội dung: Đoạn trích được xây dựng hết sức sinh động, khắc hoạ tài tình tính cách lố lăng của một tay trưởng giả muốn học đòi làm sang, gây nên tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Câu 6: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Moliere và vở hài kịch “Trưởng giả học làm sang”.
Trả lời:
- Moliere (1622 – 1673) là một trong những nhà viết hài kịch lớn nhất nước Pháp và thế giới. Hài kịch Moliere là tiếng cười khoẻ khoắn, yêu đời, vui nhộn mà sâu sắc, thâm trầm. Mỗi nhân vật chính trong hài kịch Moliere là hiện thân của một tính cách nhất định: đạo đức giả, hà tiện, thông thái rởm, học đòi, ảo tưởng.... Những vở hài kịch tiêu biểu của Moliere: Tác-tuýp (1664), Lão hà tiện (1668) Trưởng giả học làm sang (1670), Người bệnh tưởng (1673),...
- “Trưởng giả học làm sang” phê phán thói học đòi, rởm đời, lố bịch của những người giàu có nhưng ít hiểu biết, ham danh vọng hão huyền đến mức loá mắt, không nhận ra được thật hay giả, tốt hay xấu, trở thành kẻ lố bịch và ngu ngốc đến mức bị lợi dụng, cợt nhạo mà vẫn không hết ảo tưởng, mù quáng.
Câu 7: Hãy nêu những hiểu biết của em về đặc điểm của hài kịch.
Trả lời:
- Hài kịch là một thể loại kịch dùng biện pháp gây cười để chế giễu các tính cách và hành động xấu xa, lố bịch, lỗi thời của con người.
- Nhân vật của hài kịch là đối tượng của tiếng cười, gồm những hạng người hiện thân cho các thói tật xấu hay những gì thấp kém trong xã hội. Tính cách của nhân vật hài kịch được thể hiện qua những biến cố dẫn đến sự phơi bày, phê phán cái xấu.
- Hành động trong hài kịch là toàn bộ hoạt động của các nhân vật (bao gồm lời thoại, điệu bộ, cử chỉ,...) tạo nên nội dung của tác phẩm hài kịch. Hành động thể hiện qua lời thoại dưới các dạng: tấn công – phân công; thăm dò – lảng tránh; chất vấn – chối cãi; thuyết phục – phủ nhận/ bác bỏ; cầu xin – từ chối;...
- Xung đột kịch thường nảy sinh dựa trên sự đối lập, mâu thuẫn tạo nên tác động qua lại giữa các nhân vật hay các thế lực. Có nhiều kiểu xung đột: xung đột giữa cái cao cả với cái cao cả, giữa cái cao cả với cái thấp kém, giữa cái thấp kém với cái thấp kém,... Trong hài kịch, do đặc điểm, tính chất của các nhân vật, xung đột thường diễn ra giữa cái thấp kém với cái thấp kém.
- Lời thoại là lời của các nhân vật hài kịch nói với nhau (đối thoại), nói với bản thân (độc thoại) hay nói với khán giả (bàng thoại), góp phần thúc đẩy xung đột hài kịch phát triển.
- Lời chỉ dẫn sân khấu là những lời chú thích ngắn gọn của tác giả biên kịch (thường để trong ngoặc đơn) nhằm hướng dẫn, gợi ý về cách bài trí, xử lí âm thanh, ánh sáng, việc vào – ra sân khấu của diễn viên thủ vai nhân vật cùng trang phục, hành động, cử chỉ, cách nói năng của họ,...
- Thủ pháp trào phúng: Hài kịch thường sử dụng các thủ pháp trào phúng như phóng đại tính phi lô-gíc, tính không hợp tình thế trong hành động của nhân vật (hành vi, lời nói, cử chỉ, trang phục,...); các thủ pháp tăng tiến, giễu nhại, mỉa mai; lối nói hóm hỉnh, lối chơi chữ, lối nói nghịch lí;...
Câu 8: Nội dung chính của văn bản “Đổi tên cho xã” là gì? Nội dung đoạn trích này liên quan như thế nào với tên vở kịch “Bệnh sĩ”?
Trả lời:
- Nội dung chính của văn bản: Thông qua cuộc họp đổi tên xã và các phòng ban một cách không thực tế và lố bịch, tác giả đã cho thấy tính sĩ diện, háo danh, bên ngoài thì tỏ ra có tầm nhìn chiến lược, giỏi giang nhưng bên trong thì ngu dốt, chẳng có hiểu biết thực tế gì cả của không chỉ ông chủ tịch xã mà còn ở những người khác.
=> Nội dung đoạn trích liên quan trực tiếp đến tên vở kịch “Bệnh sĩ”.
Câu 9: Nhan đề “Thi nói khoác” gợi cho em những suy nghĩ gì về nội dung văn bản?
Trả lời:
- Nhan đề này gợi cho suy nghĩ nội dung văn bản sẽ là một cuộc tranh tài về khả năng khoác.
Câu 10: Có những nghĩa hàm ẩn tuỳ thuộc ngữ cảnh. Hãy lấy ví dụ chứng minh.
Trả lời:
Ví dụ: Ngày mai tôi đi Hà Nội.
- Có thể hiểu là: “Ngày mai tôi không gặp mặt với nhóm được”, nhưng cũng có thể hiểu: “Anh có cần gửi gì cho người thân ở Hà Nội thì tôi sẽ mang giúp cho",... Những nghĩa này tuỳ thuộc vào nội dung trao đổi trước đó giữa người nói (người viết) và người nghe (người đọc).
Câu 11: Có những nghĩa hàm ẩn không tuỳ thuộc vào ngữ cảnh. Hãy lấy ví dụ chứng minh.
Trả lời:
Ví dụ: Nó lại đi Đà Lạt.
- Câu này cho biết một người nào đó đi Đà Lạt, và nhờ từ “lại” mà ta có thể suy ra trước đó người này đã từng đi Đà Lạt. Nghĩa hàm ẩn này được suy ra từ nghĩa của từ ngữ ở trong câu, chứ không tuỳ thuộc vào ngữ cảnh.
Câu 12: Xác định nghĩa hàm ẩn của các câu tục ngữ dưới đây:
- Có tật giật mình.
Đời người có một gang tay
Ai hay ngủ ngày, còn có nửa gang.
Trả lời:
- a) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: một người có lỗi, có sai phạm thì dễ chột dạ khi có ai nói động đến.
- b) Nghĩa hàm ẩn của câu tục ngữ là: đời người rất ngắn ngủi nên nếu ta ngủ nhiều thì sẽ rất lãng phí thời giờ
Câu 13: Ông Jourdain đặt làm trang phục với mong muốn gì? Hãy chỉ ra nét tính cách nổi bật ở nhân vật và giải thích vì sao ông dễ dàng bị những người thợ may lừa mị, lợi dụng.
Trả lời:
Ông Jourdain đặt trang phục với mong muốn là để mình trông như một quý tộc, một người cao sang.
Nét tính cách nổi bật của ông Jourdain là thói học đòi, ham hư danh, giàu có nhưng ngu dốt và thích được nịnh nọt:
- Thói ham danh vọng hão huyền là lí do ông đặt may bộ lễ phục theo lối quý tộc, một thứ không thuộc về mình.
- Sự ngu dốt, kém hiểu biết đã khiến ông dễ dàng bị lừa: Điều này được thể hiện trong suốt văn bản:
+ Khi ông chỉ trích phó may đến muộn, ông đã bị phó may lừa là “tôi đã cho hai chú thợ phụ xúm lại chiếc áo của ngài đấy”.
+ Khi ông chê đôi tất lụa quá chật, phó may lại bào chữa “rồi nó giãn ra, lo lại không rộng quá ấy chứ”.
+ Khi ông nói đôi giày làm đau chân, phó may phủ nhận ngay và còn đổ lỗi ngược cho ông Jourdain là do ông tưởng tượng ra.
+ Bộ áo lễ phục được may không phải là màu đen nhưng bằng cách nói dối, phó may đã khiến ông Jourdain nghĩ thế mới là “kì công tuyệt tác”.
+ Ở chi tiết hoa áo may ngược, ông đã nhận ra là như thế không hợp lí nhưng vì không biết gì nên đã bị phó may lừa rằng người quý phái đều mặc như thế. Điểm thú vị trong đoạn kịch này là khi lừa được ông Jourdain, phó may lại đưa ra một lời đề nghị càng khiến cho ông tin là thật: “Nếu ngài muốn, thì sẽ xoay hoa xuôi lại thôi mà.”
+ Khi ông Jourdain không biết là mặc thế này có vừa sát không, phó may đã lừa ông bằng cách chứng minh như thế mới thật hay: “Tôi thách một hoạ sĩ lấy bút … anh hùng của thời đại”.
+ Ở chi tiết mặc áo, đúng ra chỉ cần mặc vào như bình thường là được nhưng đằng đây phó may do biết ông Jourdain thích nịnh nọt, ngu dốt nên đã bày ra trò mặc lễ phục quý tộc là phải có nghi lễ. Chỉ cần vài lời xưng hô giả tạo “ông lớn”, “cụ lớn”, “đức ông”, “Người”, đám thợ phụ đã kiếm được bộn tiền.
Câu 14: Lời thoại trong lớp kịch “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” có gì đáng chú ý?
Trả lời:
- Lời thoại giữa ông Jourdain với phó may có điểm đáng chú ý là:
+ Lời của ông Jourdain thường là sự phàn nàn, ca thán: “Tôi sắp phát cáu lên với bác đấy”, Lại còn phải bảo cái đó à?”,…
+ Lời của ông Jourdain cũng làm nổi bật sự kém hiểu biết: “Tôi tưởng tượng vì tôi thấy đau. Lí với lẽ hay chưa kìa!”, “Nhưng người quý phái mặc ngược hoa à?”,…
+ Lời của phó may thì là những lời nói dối, mang tính bào chữa, cho thế mới là phải và có tính cường điệu, ví dụ: “Tôi không làm sao đến sớm hơn được, ấy là tôi đã cho hai chục chú thợ phụ xúm lại chiếc áo của ngài đấy”, “Còn phải nói! Tôi thách một hoạ sĩ lấy bút mà vẽ cho sát hơn được. Ở nhà tôi có một chút thợ phụ, may quần cộc thì tài nhất thiên hạ, và một chú khác, về may áo chẽn, là anh húng của thời đại.”,…
- Lời thoại giữa ông Jourdain với các thợ phụ có điểm đáng chú ý là:
+ Lời của ông Jourdain thể hiện sự thích thú, tự mãn của mìn: “Ấy đấy, ăn mặc ra người quý phái thì thế đây! Cứ bo bo y phục trưởng giả, thì chẳng có ai gọi là “Ông lớn!”,…
+ Lời của thợ phụ thì là những lời nịnh hót.
Câu 15: Hãy trình bày cách hiểu về nội dung của văn bản “Cái kính”.
Trả lời:
- Truyện này được viết theo một cách thức không giống như các truyện cười dân gian mà ta thường đọc. Truyện này có tính ẩn ý, phóng đại thái quá nên dễ gây khó hiểu cho người đọc và cũng khiến người đọc hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Dưới đây là một cách hiểu cho em tham khảo.
- Mục tiêu chính của truyện này là phê phán kiểu người mắc bệnh tưởng. Điều này được tác giả triển khai ngay từ đầu truyện. Chú ý vào câu: “Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn”. Trong thực tế thì không thể nào có chuyện chỉ một câu nói chê trách khiến cho mắt ta mắc bệnh ngay được. Ở đây, tác giả đã phóng đại, áp đặt cho “tôi” bị mờ mắt đi. “Tôi” bị ám ảnh bởi lời nói của người bạn là mình phải có kính. Những đoạn khám bác sĩ thực chất chỉ có tác dụng thúc đẩy câu chuyện đi đến cao trào ở cuối. Các bác sĩ bị tác giả áp đặt cho trình độ kém cỏi, không thể nhìn ra được căn bệnh thực sự của “tôi”, chứ trong thực tế không có chuyện các bác sĩ không tìm ra được bệnh. Tác giả làm vậy để cho thấy được những khổ sở mà kiểu người mắc bệnh tưởng sẽ gặp phải. Chú ý đến đoạn cuối của truyện. Có hai chi tiết mà bạn nên để ý đó là khi “tôi” ngã cầu thang thì kính văng ra, như thế thì mắt “tôi” nhìn không thông qua kính; và khi “tôi” đeo kính đã mất mắt kính vào. Xét theo thực tế thì cả hai thời điểm này, “tôi” nhìn không cần mắt kính nhưng chỉ có lần sau khi đã gọng kính vào thì “tôi” mới nhìn rõ, tức là “tôi” chỉ cần cái cảm giác đeo kính chứ không thực sự cần cái kính. Điều này cho thấy rõ việc tác giả áp đặt cho nhân vật “tôi” những bệnh tật về mắt, để rồi qua việc đeo gọng không, tác giả phê phán cái vấn đề ở người mắc bệnh tưởng.
Câu 16: Nêu hậu quả của mỗi lần nhân vật “tôi” thay kính mới.
Trả lời:
- Lần 1: Cứ đeo vào là “tôi” thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được.
- Lần 2: Không còn thấy chóng mặt, buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Đam ra mắt “tôi” lúc nào cũng đỏ hoe; như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ.
- Lần 3: Khi đeo vào, cái gì cũng như lùi hẳn ra xa.
- Lần 4: Khi đeo vào, nhìn cái gì cũng hoá hai.
- Lần 5: Các vật ở xa trông lại hoá gần.
Câu 17: Hãy phân tích một số đặc điểm của truyện cười được thể hiện ở văn bản “Cái kính”.
Trả lời:
- Truyện “Cái kính” chứa đựng cái hài ở bệnh tưởng của nhân vật “tôi”, những lời chỉ trích của các bác sĩ,… Những chi tiết này tạo nên tiếng cười đồng thời phê phán, châm biếm người mắc bệnh tưởng.
- Truyện “Cái kính” ngắn gọn, có cốt truyện đơn giản, ít nhân vật.
- Ngôn ngữ trong truyện làm nổi bật tính cách, đặc điểm của các nhân vật, đồng thời tạo nên tiếng cười.
- Nhân vật “tôi”, nhân vật chính của truyện, là đối tượng của tiếng cười. Ông có sự đối lập giữa bên ngoài và bên trong: bên trong thì không có bệnh nhưng bên ngoài thì lại tỏ ra là có bệnh.
- Thủ pháp trào phúng trong truyện là nghệ thuật phóng đại. Bệnh tình của nhân vật “tôi” và sự khám chữa của các bác sĩ đã được phóng đại.
- Kết thúc truyện gây ngờ: những tình tiết ở trước đó đều hướng đến một kết thúc bất ngờ. Nhân vật “tôi” ngỡ ngàng khi biết mình không cần có kính để nhìn được.
=> Truyện “Cái kính” của A-dít Nê-xin là ví dụ tiêu biểu cho đặc điểm về bối cảnh, cốt truyện, nhân vật và ngôn ngữ của truyện cười.
Câu 18: Tại sao văn bản “Cái kính” được coi là truyện cười hiện đại?
Trả lời:
Truyện “Cái kính” là truyện cười hiện đại vì:
- Nó được sáng tác bởi một tác giả cụ thể
- Các chi tiết trong truyện cho thấy câu chuyện diễn ra ở thời hiện đại.
- Kích cỡ của truyện dài hơn so với kích cỡ thông thường của truyện cười dân gian.
- Truyện mang tính ẩn ý, có thể gây khó hiểu, áp dụng mạnh mẽ các thủ pháp trào phúng.
Câu 19: Liệt kê những phòng ban, chức vụ được đổi tên trong văn bản “Đổi tên cho xã”. Hãy nhận xét về các tên mới.
Trả lời:
Tên cũ |
Tên mới |
Hợp tác xã Cà Hạ |
Liên đoàn Tổ hợp tác xã Công Nông Thương Tín Hùng Tâm |
Đội trưởng đội Sáu |
Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ kiêm Trưởng ban Ngoại vụ của Liên hợp xã |
Tổ tưởng Tổ nề mộc |
Chủ nhiệm Trung tâm Xây dựng và kiến thiết cơ bản |
Cửa hàng trưởng Cửa hàng mua bán xã |
Chủ nhiệm Công ty dịch vụ Thương nghiệp Hùng Tâm |
Đội trưởng đội Hai |
Chủ nhiệm Trung tâm Điều phối nhân lực và sản xuất nông nghiệp |
Trưởng trại lợn |
Chủ nhiệm Trung tâm Chăn nuôi gia súc |
(Nơi làm việc của ông Độp hoạn lợn) |
Trung tâm Triệt sản gia súc |
Nhận xét: Những tên mới được đặt theo kiểu đặt tên của các ban ngành ở cơ quan, tổ chức, chính quyền cấp cao hay các công ty lớn. Điều này phần nào cho thấy thói ham hư vinh, học đòi của ông Toàn Nha.
Câu 20: Hãy nhận xét về nhân vật Văn Sửu.
Trả lời:
- Văn Sửu là thư ký của ông Toàn Nha, có học, có chữ nghĩa. Điều đó được thể hiện qua việc anh ta giúp ông Toàn Nha đặt những cái tên mới, qua việc nịnh hót,… Là một người có học nhưng anh ta lại hỗ trợ, cổ vũ cho những việc làm mơ mộng không đâu của ông Toàn Nha. => Đây là một kiểu người đáng lên án, kiểu người làm cho cái xấu phát triển hơn.
Câu 21: Hãy chỉ ra các chi tiết, lời nói gây cười trong văn bản “Đổi tên cho xã”
Trả lời:
Những chi tiết, lời nói gây cười nằm ở:
- Những lời nói có tính cường điệu của ông Toàn Nha, nhân vật chính
- Đoạn thay đổi các chức vụ
- Đoạn triệt sản
- Đoạn ví von, so sánh của ông Nha.
- Đoạn ông Nha trình bày về phương án làm pháo.
…
Câu 22: Hãy nhận xét về hai nhân vật ông Độp và ông Thình.
Trả lời:
- Nhân vật ông Độp: Ông là phần nào có nét giống ông Toàn Nha: mặc dù trình độ thấp kém nhưng lại thích thú một cách mù quáng với những những thứ mĩ miều, xa với, những thứ hình thức, giả tạo. Điều đó được thể hiện qua chuyện khi những người khác đã được “chuyển” sang một chức vụ mới còn ông chưa được nói đến thì ông đã đòi hỏi ngay, mặc dù sau đó thì ông cũng chẳng hiểu ngay được từ “triệt sản” là gì. Khi vợ ông chê là việc đổi tên vẫn là thế thì ông cũng hùa theo Văn Sửu mà chỉ trích lại vợ mình là quê mùa.
- Nhân vật ông Thình có một điểm giống với ông Thình là trình độ thấp kém: ông không hiểu được cái chức danh mới của mình là như thế nào rồi khi ông Toàn Nha nói về việc làm pháo, ông cũng không hiểu được ý của ông Toàn Nha là làm pháo nổ chứ không phải là trồng cà pháo.
Câu 23: Hãy nhận xét về ngôn ngữ trong văn bản “Đổi tên cho xã”
Trả lời:
Ngôn ngữ trong văn bản mang tính cường điệu, phóng đại; ngôn từ thể hiện những đặc trưng của nhân vật nhằm làm nổi rõ tính hài kịch. Ta có thể thấy điều này qua:
- Tên của các nhân vật: Thình, Độp, Tỵ,… Ngay những cái tên cho ta thấy đây là một miền quê nghèo, dân trí thấp.
- Những cách dùng từ, đặt câu như: nói cụ thể hơn là giờ phút này; lịch sử xã ta mở sang một trang mới; thủ phủ; long trọng tuyên bố kế hoạch xây dựng cách tân, toàn diện và triệt để, rộng lớn và phong phú, mới mẻ và khoa học,…
- Những đoạn hội thoại sau đó giữa ông Nha, Văn Sửu, ông Độp,… cho ta thấy rõ đặc điểm của những nhân vật này.
…
Câu 24: Ở cảnh đầu của lớp V (hồi II), tính cách học đòi làm sang của ông Jourdain thể hiện như thế nào và bị lợi dụng ra sao?
Trả lời:
- Em có thể dễ dàng nhận xét cuộc đối thoại giữa hai người xoay quanh một số sự việc như bộ lễ phục, đôi bít tất, bộ tóc giả và lông đính mũ, nhưng chủ yếu là xoay quanh bộ lễ phục.
- Tất nhiên ai may áo cũng phải may hoa hướng lên trên. Bác phó may chẳng biết là vì dốt, là do sơ suất hay do cố tình biến ông Jourdain thành trò cười nên đã may ngược hoa. Ông Jourdain chưa phải là mất hết tỉnh táo nên đã phát hiện ra điều đó. Nhưng chỉ cần bác phó may vụng chèo khéo chống, bịa ra lí lẽ những người quý phái đều mặc áo ngược hoa là ông ưng thuận ngay.
- Đoạn này có kịch tính cao. Bác phó may đang ở thế bị động (bị chê trách may áo ngược hoa), nay chuyển sang thế chủ động tấn công lại bằng hai đề nghị liên tiếp: "Nếu ngài muốn, thì sẽ xoay hoa xuôi lại thôi mà", "Ngài chỉ việc bảo tôi". Và thế là ông Jourdain cử lùi mãi: "Không, không", "Đã bảo không mà. Bác làm thế này được rồi.", sau đó đánh bài lảng sang chuyện khác, hỏi bộ lễ phục ông mặc có vừa vặn không.
- Ông Jourdain lại phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải của mình ("thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ"). Ông chuyển sang thế chủ động, trách bác phó may bằng hai lời thoại. Bác phó may chống đỡ yếu ớt. Bây giờ đến lượt bác gỡ thế bí bằng cách chơi nước cờ lảng sang chuyện khác, hỏi ông Jourdain có muốn mặc thử bộ lễ phục không. Nước cờ khá cao tay vì nó đánh trúng vào tâm lí ông Jourdain đang muốn học đòi làm sang.
Câu 25: Tính cách học đòi làm sang của ông Jourdain thể hiện như thế nào và bị lợi dụng ra sao ở cảnh sau của lớp V (hồi II)?
Trả lời:
– Moliere chuyển tiếp từ cảnh trước sang cảnh sau ở lớp kịch này một cách hết sức tự nhiên và khéo léo. Khi ông Jourdain mặc xong bộ lễ phục là được tay thợ phụ tôn xưng là "ông lớn" ngay, khiến ông tưởng rằng cứ mặc lễ phục vào là nghiễm nhiên trở thành quý phái.
– Khác với tính cách của bác phó may ("vụng chèo khéo chống", "thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ"), tay thợ phụ ranh mãnh dùng mánh khoé nịnh hót để moi tiền, điểm huyệt đúng thói học đòi làm sang của ông Jourdain. Thấy ông mắc mưu, tay thợ phụ dấn thêm mấy bước, cứ tôn lên mãi, hết "ông lớn" đến "cụ lớn" rồi đến "đức ông".
- Ông Jourdain vẫn nghĩ đến túi tiền của mình. Thấy tay thợ phụ không tôn ông lên cao thêm nữa, ông nói riêng: "Thế là phải chăng, ta đang sắp cho nó tất cả túi tiền". Nhưng qua câu nói đó, ta thấy tính cách trưởng giả học đòi làm sang ở ông vẫn mãnh liệt lắm. Ông sẵn sàng cho hết cả tiền để được "làm sang".
Câu 26: Theo em, trong cuộc sống hiện nay còn có những người như ông Jourdain không? Cho ví dụ.
Trả lời:
Khi mà cái ham muốn, thèm khát danh vọng mù quáng vẫn còn tồn tại thì kiểu người như ông Jourdain vẫn còn. Em có thể lấy ví dụ qua thực tế cuộc sống những người em đã gặp, đã tiếp xúc, những người em biết đến,… Trong nhiều truyện, phim cũng xuất hiện kiểu người này.
Câu 27: Căn cứ vào các chỉ dẫn sân khấu, cho biết lớp kịch gồm mấy cảnh. Xem xét số lượng nhân vật tham gia ở mỗi cảnh và các loại động tác, âm thanh trên sân khấu để chứng minh rằng càng về sau kịch càng sôi động.
Trả lời:
– Hành động kịch diễn ra tại phòng khách nhà ông Jourdain, một người trên 40 tuổi, thuộc tầng lớp dân thành thị phong lưu. Bác phó may và một tay thợ phụ mang bộ lễ phục đến nhà ông.
– Lời chỉ dẫn sân khấu dài: "Bốn chú thợ phụ ra..." chia lớp kịch này thành hai cảnh rõ rệt: cảnh trước gồm những lời thoại của ông Jourdain và bác phó may; cảnh sau gồm những lời thoại của ông Jourdain và tay thợ phụ. Cảnh trước trên sân khấu có bốn nhân vật là bác phó may, tay thợ phụ mang bộ lễ phục, ông Jourdain và một gia nhân của ông Jourdain. Cảnh sau đông hơn, sôi động hơn, có thêm bốn tay thợ phụ nữa.
– Cảnh trước có hai người là ông Jourdain và bác phó may nói với nhau. Cảnh sau, cũng chỉ có hai người là ông Jourdain và một thợ phụ (tay thợ phụ mang bộ lễ phục đến lúc trước) nói với nhau. Nhưng ta hình dung bốn tay thợ phụ kia cũng xúm xít chung quanh, và ông Jourdain tuy chỉ đối thoại với một người mà như nói với cả tốp thợ phụ năm người. Cảnh này rõ ràng nhộn nhịp hơn cảnh trước.
– Cảnh trước chủ yếu chỉ là những lời đối thoại, tất nhiên các lời đối thoại ấy kèm theo cử chỉ, động tác mà em có thể dễ dàng hình dung ra. Sang cảnh sau, khán giả không chỉ được nghe những lời đối thoại, mà còn được xem các thợ phụ cởi quần áo cũ, mặc lễ phục mới cho ông Jourdain. Kịch sôi động hẳn lên.
– Đã thế ở cảnh sau trên sân khấu còn có cả nhảy múa và âm nhạc rộn ràng nữa. Ông Jourdain mặc lễ phục được xây dựng công phu, sân khấu và rạp hát sôi động náo nhiệt khi màn hạ kết thúc hồi II.
Câu 28: Để sử dụng hàm ý, cần có điều kiện gì?
Trả lời:
Để sử dụng hàm ý, cần có hai điều kiện sau đây:
- Người nói (người viết) có ý thức đưa hàm ý vào câu nói.
- Người nghe (người đọc) có năng lực giải đoán hàm ý.
Câu 29: Đọc đoạn trích sau (Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long) và trả lời câu hỏi:
- a) – Anh nói nữa đi. – Ông giục.
– Báo cáo hết! – Người con trai vụt trở lại giọng vui vẻ. – Năm phút nữa là mười. Còn hai mươi phút thôi. Bác và cô vào trong nhà. Chè đã ngấm rồi đấy.
Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người hoạ sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế.
Câu hỏi: Người nói, người nghe những câu in đậm dưới đây là ai? Xác định hàm ý của mỗi câu ấy. Theo em, người nghe có hiểu hàm ý của người nói không? Những chi tiết nào chứng tỏ điều đó?
Trả lời:
- Người nói là anh thanh niên, người nghe là ông hoạ sĩ và cô gái.
- Hàm ý của câu in đậm là "Mời bác và cô vào uống nước.".
- Hai người nghe đều hiểu hàm ý đó, chi tiết "Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà" và "ngồi xuống ghế" cho biết điều này.
Câu 30: Hãy điền vào lượt lời của B trong đoạn thoại sau đây một câu có hàm ý từ chối.
A: Mai về quê với mình đi!
B: /.../
A: Đành vậy.
Trả lời:
- Có thể nêu việc phải làm vào ngày mai (nên không thể đi được), ví dụ: "Bận ôn thi", "Phải đi thăm người ốm"....
- Chú ý là phải dùng câu chứa hàm ý "từ chối" theo yêu cầu của đề bài, không dùng những câu không rõ chủ định như "Để mình xem đã!", "Mai hằng hay."....