Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 5: Nghị luận xã hội (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 5: Nghị luận xã hội (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều

ÔN TẬP BÀI 5. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (PHẦN 2)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về tục ngữ (hình thức, nội dung, các nghĩa,…)

Trả lời:

– Về hình thức: mỗi câu tục ngữ là một câu nói diễn đạt một ý trọn vẹn. Câu tục ngữ có đặc điểm là ngắn gọn, hàm súc, kết cấu bền vững. Tục ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu.

– Về nội dung, tư tưởng: tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất và về con người, xã hội.

- Nói đến tục ngữ thường phải chú ý tới nghĩa đen và cả nghĩa bóng (cũng có thể gọi là nghĩa bề mặt và nghĩa hàm ẩn).

- Đa số trường hợp nghĩa đen phản ánh kinh nghiệm quan sát thiên nhiên và kinh nghiệm lao động sản xuất, nghĩa bóng thể hiện kinh nghiệm về con người, xã hội. Không phải câu tục ngữ nào cũng có nghĩa bóng. Nghĩa đen gợi đến nghĩa bóng khi người sử dụng tục ngữ liên hệ, tìm thấy sự tương đồng giữa điều mà tục ngữ phản ánh cụ thể (trong nghĩa đen) với các hiện tượng đời sống.

– Về sử dụng: Tục ngữ được nhân dân vận dụng vào mọi hoạt động của đời sống. Nó giúp nhân dân có được kinh nghiệm để nhìn nhận, ứng xử, thực hành các kinh nghiệm vào cuộc sống. Trong ngôn ngữ, tục ngữ làm đẹp, làm sâu sắc thêm lời nói.

- Về sử dụng, cần chú ý rằng, nghĩa bóng tạo cho tục ngữ khả năng ứng dụng vào các trường hợp khác nhau. Mỗi lần như vậy, ý nghĩa của tục ngữ được làm giàu thêm.

– Tri thức trong tục ngữ vì dựa trên kinh nghiệm nên không phải lúc nào cũng đúng; thậm chí có những kinh nghiệm đã lạc hậu.

Câu 2: Hãy trình bày những hiểu biết của em về từ Hán Việt.

Trả lời:

Em hãy tổng hợp lại kiến thức đã học về từ Hán Việt.

Tham khảo:

- Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt. Tiếng để cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt.

- Phần lớn các yếu tố Hán Việt không được dùng độc lập như từ mà chỉ dùng để tạo từ ghép. Một số yếu tố Hán Việt như hoa, quả, bút, bảng học, tập,... có lúc dùng để tạo từ ghép, có lúc được dùng độc lập như một từ.

- Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau.

- Cũng như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.

- Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:

+ Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau;

+ Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau.

Trong nhiều trường hợp, người ta dùng từ Hán Việt để:

+ Tạo sắc thái trang trọng, thể hiện thái độ tôn kính;

+ Tạo sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thô tục, ghê sợ;

+ Tạo sắc thái cổ, phù hợp với bầu không khí xã hội xa xưa.

- Khi nói hoặc viết, không nên lạm dụng từ Hán Việt, làm cho lời ăn tiếng nói thiếu tự nhiên, thiếu trong sáng, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

Câu 3: Ghép các thành ngữ, tục ngữ (in đậm) ở cột bên trái với nghĩa phù hợp ở cột bên phải:

Thành ngữ, tục ngữ

Nghĩa

a) Dã tâm của quân giặc đã hai năm rõ mười. (Nguyễn Huy Tưởng)

1) khi đất nước có giặc, bổn phận của mọi người dân là phải đứng lên đánh giặc

b) Chữ đề phải quang minh chính đại như ban ngày. (Nguyễn Huy Tưởng)

2) chịu đựng nắng mưa, sương gió qua nhiều năm tháng

c) Hầu muốn luyện cho mình thành một người có thể dãi gió dầm mưa. (Nguyễn Huy Tưởng)

3) có sức mạnh phi thường, có thể làm được những việc to lớn

d) Họ nhìn lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng, lòng họ bừng bừng, tay họ như có thể xoay trời chuyển đất. (Nguyễn Huy Tưởng)

4) ngay thẳng, đúng đắn, rõ ràng, không chút mờ ám

e) Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. (Tục ngữ)

5) (sự việc) quá rõ ràng, sáng tỏ, không còn nghi ngờ gì nữa

Trả lời:

A5, B4, C2, D3, E1

Câu 4: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Nước Đại Việt ta” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Nguyễn Trãi

- Văn bản là phần đầu của “Bình Ngô đại cáo”

- Thể loại: cáo

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

- Nội dung: Với cách lập luận chặt chẽ và chứng cứ hùng hồn, đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập: Nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử; kẻ xâm lược là phản nhân nghĩa, nhất định thất bại.

Câu 5: Hãy nối các từ ở cột A với các chú giải ở cột B.

A

 

B

1. Nhân nghĩa

a. tên nước ta từ đời vua Lí Thánh Tông

2. Yên dân

b. chỉ triều đại của Triệu Đà, kẻ đã cướp nước Âu Lạc, nhưng sử sách trước đây có tài liệu coi đó là một triều đại của nước nhà

3. Điếu phạt

c. tướng nhà Tống, đem quân sang đánh nước ta thời Lí, bị Lí Thường Kiệt đánh đuổi

4. Đại Việt

d. hai tướng nhà Nguyên. Theo sử, Toa Đô bị giết chết ở trận Hàm Tử (không phải bị bắt sống)

5. Văn hiến

e. những triều đại xây dựng nền độc lập của đất nước ta.

6. Bắc Nam

f. rút ý từ câu "điếu dân phạt tội" (thương dân, đánh kẻ có tội) trong Kinh Thư nói về việc Thang, Vũ đánh kẻ có tội là Kiệt, Trụ

7. Đinh, Lí, Trần

g. vốn là khái niệm đạo đức của Nho giáo, nói về đạo lí, cách ứng xử và tình thương giữa con người với nhau. Ở đây tác giả đã tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo theo hướng lấy lợi ích của nhân dân, dân tộc làm gốc.

8. Triệu

h. đem lại cuộc sống yên ổn cho dân

9. Hán, Đường, Tống, Nguyên

i. vua Nam Hán (nam Trung Quốc) đã sai con là Hoằng Thao (có tài liệu ghi là Hoằng Tháo) đem quân xâm lược nước ta, bị Ngô Quyền đánh bại năm 938

10. Hào kiệt

k. bến Hàm Tử, một địa điểm ở tả ngạn sông Hồng (nay thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên), là nơi Trần Nhật Duật phá quân Toa Đô trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai

11. Lưu Cung

l. truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp

12. Triệu Tiết

m. ở đây Bắc chỉ Trung Quốc, Nam chỉ nước ta

13. Hàm Tử

n. các triều đại Trung Quốc

14. Toa Đô, Ô Mã (tức Ô Mã Nhi)

o. người có tài cao, chí lớn hơn người

Trả lời:

1g, 2h, 3f, 4a, 5l, 6m, 7e, 8b, 9n, 10o, 11i, 12c, 13k, 14d

Câu 6: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Hịch tướng sĩ” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Trần Quốc Tuấn

- Thể loại: Hịch

- Nội dung: Phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Đây là một áng văn chính luận xuất sắc, có sự kết hợp giữa lập luận chặt chẽ, sắc bén với lời văn thống thiết, có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Câu 7: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Trần Quốc Tuấn.

Trả lời:

- Trần Quốc Tuấn (1231? – 1300) tước Hưng Đạo Vương, là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc.

- Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai (năm 1285) và thứ ba (năm 1287 – 1288), ông đều được vua Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, cả hai lần đều chiến thắng oanh liệt.

- Đời Trần Anh Tông, ông về trí sĩ ở Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) rồi mất ở đấy.

- Nhân dân tôn ông là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi trên cả nước.

Câu 8: Bài hịch có thể chia làm mấy đoạn? Nêu ý chính của từng đoạn.

Trả lời:

Bài hịch có thể chia làm 4 đoạn:

– Đoạn 1 (từ đầu đến "còn lưu tiếng tốt"): Nêu những gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách để khích lệ ý chí lập công danh, xả thân vì nước.

– Đoạn 2 (từ "Huống chi" đến "cũng vui lòng"): Lột tả sự ngang ngược và tội ác của kẻ thù đồng thời nói lên lòng căm thù giặc.

– Đoạn 3 (từ "Các ngươi" đến "không muốn vui vẻ phỏng có được không?"): Phân tích phải trái, làm rõ đúng sai. Đoạn này có thể chia thành hai đoạn nhỏ:

+ Từ "Các ngươi" đến "muốn vui vẻ phỏng có được không?": Nêu mối ân tình giữa chủ và tướng, phê phán những biểu hiện sai trong hàng ngũ tướng sĩ.

+ Từ "Nay ta bảo thật" đến "không muốn vui vẻ phỏng có được không?": Khẳng định những hành động đúng nên làm để tướng sĩ thấy rõ điều hay, lẽ phải.

– Đoạn 4 (đoạn còn lại): Nêu nhiệm vụ cấp bách, khích lệ tinh thần chiến đấu.

Câu 9: Em hiểu nhan đề văn bản Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? như thế nào? Hãy xác định luận đề và các luận điểm của bài viết.

Trả lời:

- Tác giả đặt nhan đề ở dạng một câu hỏi nhằm kích thích người đọc suy nghĩ và hướng đến bàn về vấn đề nào đó liên quan đến sự phát triển của đất nước.

- Mỗi phần được đánh số trong văn bản triển khai một luận điểm. Các luận điểm trong văn bản:

+ Niềm tự hào của dân tộc ta trong một nghìn năm phong kiến tự chủ giúp chúng ta tồn tại và xây dựng nên một quốc gia hùng mạnh, không thua kém gì các nước khác.

+ Tinh thần và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đã giúp chúng ta đánh đuổi kẻ thù, xây dựng nên một đất nước độc lập, có chủ quyền.

+ Nước ta hiện nay đang tụt hậu và nguyên nhân chính yếu cho sự tụt hậu đó là nếp nghĩ và hành xử của chúng ta.

+ Nước Việt Nam nhỏ hay không nằm ở chính tâm thế của chúng ta.

- Xác định luận đề: Ta thấy rằng tác giả đi từ quá khứ tới hiện tại để cho người đọc thấy tại sao nước ta giờ đây kém hơn nước ta của cha ông thời xưa. => Luận đề của văn bản: Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ nằm ở tâm thế của mỗi người dân Việt Nam.

Câu 10: Phần (1) và (2) của Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? nhắc lại lịch sử nhằm mục đích gì? Đâu là điều đã tạo nên sức mạnh dân tộc trong những giai đoạn lịch sử quan trọng?

Trả lời:

- Phần (1) và (2) của bài viết nhắc lại lịch sử nhằm mục đích cho người đọc thấy rằng nước ta trong lịch sử là một đất nước phát triển, ngoan cường, không thua kém các nước khác. Hai phần này đã nhắc nhở người đọc về lịch sử vẻ vang của dân tộc.

- Điều làm nên sức mạnh dân tộc trong những giai đoạn lịch sử quan trọng chính là ở tinh thần, khí thế của dân tộc.

 

Câu 11: Tội ác và sự ngang ngược của kẻ thù được tác giả lột tả như thế nào trong “Hịch tướng sĩ”?

Trả lời:

– Tội ác và sự ngang ngược của kẻ thù được lột tả bằng những hành động thực tế và qua cách diễn đạt bằng những hình ảnh ẩn dụ:

+ Kẻ thù tham lam tàn bạo: đòi ngọc lụa, hạch sách bạc vàng, vét kiệt của kho có hạn, hung hãn như hổ đói.

+ Kẻ thù ngang ngược: đi lại nghênh ngang ngoài đường, bắt nạt tể phụ.

+ Những hình tượng ẩn dụ "lưỡi cú diều", "thân dê chó" để chỉ sứ Nguyên cho thấy nỗi căm giận và lòng khinh bỉ giặc của Trần Quốc Tuấn. Đồng thời, đặt những hình tượng đó trong thế tương quan "lưỡi cú diều" - "sỉ mắng triều đình", "thân dê chó" – "bắt nạt tể phụ", Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra nỗi nhục lớn của mọi người khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm.

– Có thể so sánh với thực tế lịch sử: Năm 1277, Sài Xuân đi sứ, buộc ta lên tận biên giới đón rước; năm 1281, Sài Xuân lại sang sứ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, bị Xuân lấy roi đánh toạc cả đầu; vua sai Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải ra đón tiếp, Xuân nằm khểnh không dậy. è So sánh với thực tế ấy sẽ thấy tác dụng của lời hịch như lửa đổ thêm dầu.

Câu 12: Hãy khái quát nghệ thuật lập luận trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ”.

Trả lời:

- Nghệ thuật lập luận của Hịch tướng sĩ là khích lệ nhiều mặt để tập trung vào một hướng. Khích lệ từ ý chí lập công danh, lòng tự trọng cá nhân, tự tôn dân tộc đến lòng căm thù giặc, tinh thần trung quân ái quốc, nghĩa tình cốt nhục... để cuối cùng khích lệ lòng yêu nước bất khuất, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

- Có thể thấy được cách triển khai lập luận của bài hịch qua một lược đồ kết cấu:

Câu 13: Hãy tìm một vài câu tục ngữ về thiên nhiên. Chỉ ra ý nghĩa của chúng.

Trả lời:

- Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng / Ngày tháng mười chưa cười đã tối: Tháng năm (âm lịch), đêm ngắn, ngày dài; tháng mười (âm lịch), đêm dài, ngày ngắn.

- Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa: Ngày nào đêm trước trời có nhiều sao, hôm sau sẽ nắng; trời ít sao, sẽ mưa.

- Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ: Khi trên trời xuất hiện ráng có sắc vàng màu mỡ gã tức là sắp có bão.

- Tháng bày kiến bò, chỉ lo lại lụt: Ở nước ta, mùa lũ xảy ra vào tháng bảy (âm lịch), nhưng có năm kéo dài sang cả tháng tám (âm lịch). Từ kinh nghiệm quan sát, nhân dân tổng kết quy luật: kiến bò nhiều vào tháng bảy – thường là bò lên cao – là điềm báo sắp có lụt. Kiến là loại côn trùng rất nhạy cảm với những thay đổi của khí hậu, thời tiết, nhờ cơ thể có những tế bào cảm biến chuyên biệt. Khi trời chuẩn bị có những đợt mưa to kéo dài hay lũ lụt, kiến sẽ từ trong tổ kéo ra dài hàng đàn, để tránh mưa, lụt và để lợi dụng đất mềm sau mưa làm những tổ mới.

Câu 14: Hãy tìm một vài câu tục ngữ về lao động sản xuất. Nêu ra giá trị về mặt kinh nghiệm mà câu tục ngữ truyền tải.

Trả lời:

- Tấc đất tấc vàng: Câu này có thể dùng để: phê phán hiện tượng lãng phí đất; đề cao giá trị của đất.

- Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền: Câu tục ngữ này giúp con người biết khai thác tốt điều kiện, hoàn cảnh tự nhiên để tạo ra của cải vật chất.

- Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống: Kinh nghiệm của câu tục ngữ được vận dụng trong quá trình trồng lúa, giúp người nông dân thấy được tầm quan trọng của từng yếu tố cũng như mối quan hệ của chúng. Nó rất có ích đối với một đất nước mà phần lớn dân số sống bằng nghề nông.

- Nhất thì, nhì thục: Câu tục ngữ này khẳng định tầm quan trọng của thời vụ và của đất đai đã được khai thác, chăm bón đối với nghề trồng trọt.

 

Câu 15: Hãy phân biệt tục ngữ với thành ngữ.

Trả lời:

- Giống nhau: Tục ngữ và thành ngữ đều là những đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ và lời nói, đều dùng hình ảnh để diễn đạt, dùng cái đơn nhất để nói cái chung và đều được sử dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau trong đời sống.

- Khác nhau:

+ Thành ngữ thường là đơn vị tương đương như từ, mang hình thức cụm từ cố định (ví dụ: "Cao như sếu", "Năm lần bảy lượt", "Đứng mũi chịu sào", "Con Rồng cháu Tiên",...); còn tục ngữ thường là câu hoàn chỉnh.

+ Thành ngữ có chức năng định danh – gọi tên sự vật, gọi tên tính chất, trạng thái hay hành động của sự vật, hiện tượng; Tục ngữ diễn đạt trọn vẹn một phán đoán hay kết luận, một lời khuyên.

=> Do những khác biệt trên, một đơn vị thành ngữ chưa thể coi là một văn bản trong khi mỗi câu tục ngữ được xem như một văn bản đặc biệt, một tổng thể thi ca nhỏ nhất (R. Gia-cốp-xơn).

- Tuy nhiên có một số trường hợp rất khó phân biệt đó là thành ngữ hay tục ngữ.

Câu 16: Hãy phân biệt tục ngữ và ca dao.

Trả lời:

- Tục ngữ là câu nói, ca dao là lời thơ và thường là lời thơ của những bài dân ca. Tục ngữ thiên về duy lí, ca dao thiên về trữ tình. Tục ngữ diễn đạt kinh nghiệm, ca dao biểu hiện thế giới nội tâm của con người.

- Có những trường hợp rất khó phân biệt đó là tục ngữ hay ca dao. Ví dụ: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng", "Thức khuya mới biết đêm dài, Ở lâu mới biết con người phải chăng". Hợp lí hơn cả, nên coi đây là những hiện tượng trung gian giữa hai thể loại.

Câu 17: Xếp các từ ngữ có chứa yếu tố “giai” sau thành từng nhóm có yếu tố Hán Việt cùng nghĩa và giải nghĩa yếu tố Hán Việt đó.

“giai cấp, giai điệu, giai nhân, giai phẩm, giai thoại, giai đoạn, bách niên giai lão”

Trả lời:

- Giai với nghĩa là cùng, đều: giai cấp, bách niên giai lão

- Giai với nghĩa là tốt, đẹp: giai điệu, giai nhân, giai phẩm

- Giai với nghĩa về thời gian: giai thoại, giai đoạn

Câu 18: Giải nghĩa các thành ngữ có yếu tố Hán Việt sau và đặt câu với mỗi thành ngữ:

  1. đồng sàng dị mộng
  2. chúng khẩu đồng từ
  3. độc nhất vô nhị

Trả lời:

  1. a) Đồng sàng dị mộng nghĩa là cùng nằm một giường mà có những giấc mơ khác nhau; ví cảnh cùng chung sống với nhau, có quan hệ bên ngoài gắn bó, nhưng tâm tư, tình cảm, chí hướng khác nhau (thường nói về vợ chồng).

Ví dụ:

- Vợ chồng bọn họ đúng là đồng sàng dị mộng, không đồng lòng với nhau, xem ra rất khó sống cùng nhau đến cuối đời.

- Đồng sàng dị mộng nhưng mọi người đều không biết, ngồi cùng nhau vấn cảnh cuối cùng ai đúng. (Tiền Khiêm Ích thời nhà Thanh trong tác phẩm “Ngọc xuyên tử ca”.)

  1. b) Chúng khẩu đồng từ nghĩa là tất cả đều cùng nói một lời, một ý. Ví dụ: Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết.
  2. c) Độc nhất vô nhị chỉ một thứ gì, một điều gì đó là duy nhất, rất nhiếm, không có nhiều. Ví dụ: ABC là một món bảo vật độc nhất vô nhị, chúng ta không thể để nó rơi vào tay người khác.

Câu 19: Vấn đề tác giả đặt ra trong Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? có ý nghĩa như thế nào đối với thế hệ trẻ hiện nay? Theo em, làm thế nào để có thể thoát khỏi tâm lí và cách hành xử tự ti của “một nước nhỏ”?

Trả lời:

- Vấn đề tác giả đặt ra trong bài viết có ý nghĩa cấp thiết đối với thế hệ trẻ hiện nay vì chúng ta đang tụt hậu có nghĩa là chúng ta đang không duy trì được sự phát triển của nước ta thời xưa, tức là chúng ta đang yếu dần đi. Chúng ta đang tụt hậu có nghĩa là chúng ta đang bị các cường quốc trên thế giới bỏ xa và điều đó khiến chúng ta khó có thể tự chủ trước sự tác động của nước này. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước nên nếu họ không chung tay đưa đất nước phát triển thì sẽ khiến nước Việt Nam nhỏ đi theo thời gian.

- Câu hỏi thứ hai em hãy trả lời theo quan điểm của bản thân. Ví dụ: Để thoát khỏi tâm lí và cách hành xử tự ti của “một nước nhỏ” thì chúng ta cần học tập, nâng cao kiến thức, năng lực, cùng nhau xây dựng một đất nước hùng mạnh.

Câu 20: Hãy chỉ ra một số câu văn, chi tiết mà em cho là hay ở trong phần (3) Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?

Trả lời:

Hãy trả lời dựa trên quan điểm của em.

Ví dụ: Em có thể đưa ra nhưng câu như “Đương nhiên, … hành xử”, “Không ít … tụt hậu”, “Lại nhớ … của mình”. Những câu này cho thấy sự chỉ trích của tác giả với lối suy nghĩ của một bộ phận người dân và cho thấy mong muốn, khao khát của tác giả được nhìn thấy một nước Việt Nam phát triển, nhân dân Việt Nam có tâm thế lớn.

Câu 21: Chỉ ra đoạn văn phê phán thái độ, hành động sai trái của các tướng sĩ và chỉ ra cho họ thấy những thái độ, hành động đúng nên theo, cần làm. Phân tích nghệ thuật lập luận đặc sắc trong đoạn văn đó.

Trả lời:

– Đoạn văn này từ “Nay các ngươi nhìn chủ nhục … không muốn vui chơi phỏng có được không?”.

– Giọng văn trong đoạn này vừa là lời vị chủ soái nói với tướng sĩ dưới quyền, vừa là lời của người cùng cảnh ngộ è Chính vì vậy, cách nói có khi nghiêm khắc mang tính chất sỉ mắng, răn đe, có khi lại chân thành, tình cảm mang tính chất bày tỏ thiệt hơn.

– Trần Quốc Tuấn vừa chân tình chỉ bảo vừa phê phán nghiêm khắc hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh của đất nước.

+ Thái độ bàng quan không chỉ là tội thờ ơ nông cạn mà còn là vong ân bội nghĩa trước mối ân tình của chủ tướng, sự ham chơi hưởng lạc đâu chỉ là vấn đề nhân cách mà còn là sự vô trách nhiệm đến táng tận lương tâm khi vận mệnh đất nước đang nghìn cân treo sợi tóc.

+ Trần Quốc Tuấn chỉ rõ những việc làm sai tưởng như nhỏ nhặt: vui chọi gà, cờ bạc, ham săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát,... mà hậu quả thì tai hại khôn lường : thái ấp, bổng lộc không còn; gia quyến, vợ con khốn cùng, tan nát; xã tắc, tổ tông bị giày xéo; thanh danh bị ô nhục; chủ và tướng, riêng và chung.... tất cả đều "đau xót biết chừng nào".

– Có khi tác giả dùng cách nói thẳng, gần như sỉ mắng: "không biết lo", "không biết thẹn", "không biết tức", "không biết căm". Có khi tác giả dùng cách nói mỉa mai, chế giễu: "cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc", "mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh", "chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết", "tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai". Điều đơn giản ấy "trẻ con cũng biết được, mà các tướng lại hình như không biết... làm cho họ tức khí, muốn mau chóng chứng minh tài năng, phẩm chất của mình bằng việc làm thiết thực" (Trần Đình Sử).

– Cùng với việc phê phán thái độ, hành động sai của tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn còn chỉ ra những việc đúng nên làm. Đó là nêu cao tinh thần cảnh giác, chăm lo "tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ". Những hành động này đều xuất phát từ mục đích quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

– Để tác động vào nhận thức, tác giả dùng thủ pháp nghệ thuật so sánh tương phản và cách điệp từ điệp ý tăng tiến.

+ Trần Quốc Tuấn so sánh giữa hai viễn cảnh, đầu hàng thất bại thì mất tất cả, chiến đấu thắng lợi thì được cả chung và riêng. Từ lời văn dịch khá sát, có thể thấy khi nêu viễn cảnh đầu hàng thất bại, Trần Quốc Tuấn sử dụng những từ mang tính chất phủ định: "không còn", "cũng mất", "bị tan", "cũng khốn". Còn khi nêu viễn cảnh chiến đấu thắng lợi, tác giả dùng những từ mang tính chất khẳng định: "mãi mãi vững bền", "đời đời hưởng thụ", "không bị mai một", "sử sách lưu thơm".

+ Điều đáng lưu ý là trong khi sử dụng phương pháp so sánh tương phản, người viết rất hiểu quy luật nhận thức. Cách điệp ngữ, điệp ý tăng tiến có tác dụng nêu bật vấn đề từ nhạt đến đậm, từ nông đến sâu. Cứ từng bước, từng bước, tác giả đưa người đọc thấy rõ đúng sai, nhận ra điều phải trái.

Câu 22: Nêu những đặc điểm cơ bản của thể hịch. Lấy dẫn chứng từ “Hịch tướng sĩ” để làm sáng tỏ những đặc điểm cơ bản đó.

Trả lời:

Đặc điểm của thể hịch

Dẫn chứng từ Hịch tướng sĩ

- Chức năng chủ yếu của hịch là cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống kẻ thù.

- Khích lệ lòng yêu nước, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.

- Về kết cấu, thông thường bài hịch gồm bốn phần chính. Tất cả các phần đều hướng tới tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.

- Kết cấu bốn phần, các phần đều hướng tới tư tưởng chủ đạo: nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng.

– Hịch thời xưa thường được viết theo lối văn biền ngẫu. Cũng có khi hịch được viết bằng văn xuôi, có khi sử dụng phối hợp các thể văn khác nhau. Dù sử dụng thể văn nào thì lời hịch cũng trang trọng, hùng hồn.

- Hịch tướng sĩ có sự đan xen tản văn (văn xuôi) với biền văn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”,…

- Lập luận đanh thép, hùng hồn, thường kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng, sử dụng linh hoạt cách lập luận tương đồng và lập luận tương phản, khẳng định hoặc phủ định.

– Kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng (đoạn tố cáo tội ác kẻ thù), những hình tượng trong sự đối lập, tương phản (đoạn phê phán thái độ bàng quan, hưởng lạc của tướng sĩ,...)

Câu 23: Nêu những thành công nghệ thuật chủ yếu của “Hịch tướng sĩ”.

Trả lời:

Hịch tướng sĩ thể hiện một tài nghệ viết văn chính luận bậc thầy, nổi bật là những thành công nghệ thuật chủ yếu:

– Trong cách lập luận của tác giả, có sự kết hợp giữa lí lẽ và thực tiễn. Để tăng sức thuyết phục, người viết thường lấy dẫn chứng từ thực tế. Tố cáo tội ác quân Nguyên – Mông để khích lệ lòng căm thù giặc cũng như nỗi nhục mất nước ở tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã lột tả hành động ngang ngược của kẻ thù bằng những hành động thực tế: đòi ngọc lụa, hạch sách bạc vàng, vét kiệt của kho có hạn, đi lại nghênh ngang ngoài đường, sỉ mắng triều đình,...

- Để thuyết phục mọi người thấy rõ đúng sai bằng lí lẽ, nhận thức, Trần Quốc Tuấn nêu lên mối quan hệ tất yếu giữa nguyên nhân và kết quả. Tác giả sử dụng tài tình các quan hệ từ. Đầu câu nguyên nhân là các quan hệ từ nêu giả thiết "nếu", "hoặc", trong câu chỉ kết quả là các từ ngữ khẳng định "thì", "chẳng những", "mà". Sự hô ứng giữa các từ chỉ quan hệ có tác dụng làm nổi bật nguyên nhân của việc làm sai trái nhất định sẽ dẫn đến hậu quả tai hại.

- Cũng để thuyết phục mọi người nhận rõ phải trái, đúng sai, tác giả đã sử dụng phương pháp so sánh đối lập. Đối lập ý trong câu "Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc thái thường để đãi yến nguy sứ mà không biết căm". Những hình tượng cũng được đặt trong thế tương phản: cựa gà trống/ áo giáp; mẹo cờ bạc / mưu lược nhà binh.

- Phương pháp tương phản được sử dụng với phương pháp so sánh. So sánh giữa ta và địch, ta thì nghĩa tình sâu nặng, địch thì ngang ngược, tàn bạo. So sánh giữa hai viễn cảnh, đầu hàng thất bại thì mất tất cả, chiến đấu thắng lợi thì được cả chung và riêng. Từ lời văn dịch khá sát có thể thấy khi nêu viễn cảnh đầu hàng thất bại, Trần Quốc Tuấn sử dụng những từ ngữ mang tính chất phủ định: "không còn", "cũng mất", "bị tan", "cũng khốn". Khi nêu viễn cảnh chiến đấu thắng lợi, tác giả dùng những từ ngữ mang tính chất khẳng định: "mãi mãi vững bền", "đời đời hưởng thụ", "không bị mai một", "sử sách lưu thơm".

– Điều đáng lưu ý là trong khi sử dụng phương pháp so sánh tương phản, người viết rất hiểu quy luật nhận thức. Các điệp từ, điệp ý tăng tiến có tác dụng nêu bật vấn đề từ nhạt đến đậm, từ nông đến sâu. Cứ từng bước, từng bước, tác giả đưa người đọc thấy rõ đúng sai, nhận ra đường phải trái.

è Hịch tướng sĩ có sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương. Nội dung tư tưởng được diễn đạt bằng những hình tượng thật gợi cảm, dễ hiểu. Những hình tượng ẩn dụ "lưỡi cú diều", "thân dê chó" để chỉ sứ Nguyên đã nói lên lòng căm thù và sự khinh bỉ giặc của tác giả. Những hình tượng "người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ", "bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai" đã truyền tới tướng sĩ tinh thần hào hứng giết giặc. Chính nhờ sự kết hợp sâu sắc, hài hoà giữa lí luận sắc bén và nhiệt tâm yêu ghét thiết tha, giữa tư duy lô-gíc và tư duy hình tượng mà bài hịch đã tác động mạnh mẽ cả lí trí và tình cảm người đọc, đưa họ từ nhận thức đến hành động một cách tự nhiên, hợp lí.

Câu 24: Hãy phân tích đoạn văn lấy dẫn chứng từ thực tiễn lịch sử để làm sáng tỏ sức mạnh của nguyên lí nhân nghĩa và sức mạnh của chân lí độc lập dân tộc (phần (2)).

Trả lời:

– Ở bài thơ Sông núi nước Nam, tác giả cũng khẳng định sức mạnh của chân lí chính nghĩa, của độc lập dân tộc: Kẻ xâm lược là giặc bạo ngược (nghịch lỗ) làm trái lẽ phải, phạm vào sách trời (thiên thư), cũng có nghĩa là đi ngược lại chân lí khách quan, nhất định sẽ chuốc lấy thất bại hoàn toàn (thủ bại hư).

– Ở Bình Ngô đại cáo, nêu nguyên lí nhân nghĩa, nếu chân lí khách quan, Nguyễn Trãi đưa ra những minh chứng đầy tính thuyết phục về sức mạnh của nhân nghĩa, của chân lí, nói chung lại là sức mạnh của chính nghĩa: Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đô, Ô Mã, kẻ bị giết, người bị bắt. Tác giả lấy "chứng cớ còn ghi" để chứng minh cho sức mạnh của chính nghĩa, đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Câu 25: Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép so sánh, phép đối, cách sử dụng câu văn biền ngẫu trong đoạn trích Nước Đại Việt ta

Trả lời:

- Phép so sánh, phép đối: Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây dựng nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương.

=> Tác giả đã so sánh ta với Trung Quốc, đặt ta ngang hàng với Trung Quốc về hệ thống chính trị, về quản lí đất nước để chứng minh nước ta không thua kém gì so với Trung Quốc. => Góp phần chứng minh độc lập, chủ quyền của Đại Việt.

- Phép đối: Lưu Cung tham công nên thất bại / Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong; Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô / Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.

=> Tác dụng: tạo âm hưởng cho lời văn, làm cho chứng cơ thêm phần giá trị.

- Văn biền ngẫu trong đoạn trích được thể hiện ở chỗ: Mỗi hai dòng tạo thành một cặp sóng đôi. Phần lớn có sự đối nhau về âm thanh (thanh bằng – thanh trắc). Các cặp có sự tương đồng về số từ và nhịp.

=> Tác dụng: tạo nên nhịp điệu và ý nghĩa của bài văn; giúp người đọc dễ nhớ, dễ thuộc, để lại ấn tượng.

Câu 26: Đoạn trích “Nước Đại Việt ta” giúp em hiểu thêm những gì về Nguyễn Trãi và thế hệ cha ông ta thời bấy giờ?

Trả lời:

Đối với thế hệ cha ông ta:

- Họ hiểu được việc trừ bạo, an dân là việc quan trọng.

- Họ đã xây dựng nên một nước Đại Việt hùng mạnh, độc lập, có chủ quyền không thua kém gì phương Bắc.

- Họ giữ vững công lý, chính nghĩa.

Đối với Nguyễn Trãi:

- Ông vừa là một nhà chính trị, vừa là một nhà thơ, nhà văn tài ba, lỗi lạc.

- Ông có tinh thần yêu nước, am hiểu lịch sử dân tộc.

Câu 27: Dựa vào nội dung đoạn trích, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) để trả lời câu hỏi: Nước Đại Việt ta là một quốc gia như thế nào?

Trả lời:

Tham khảo:

          Nước Đại Việt ta là một quốc gia có vị thế, có những yếu tố để làm nên một quốc gia độc lập, tự chủ, ngang hàng với quốc gia phương Bắc. Chúng ta hiểu công lý, chính nghĩa, lấy trừ bạo, diệt giặc để đem lại cuộc sống âm no cho nhân dân làm trọng. Ngay từ trước kia, nước ta đã vốn có nền văn hiến lâu đời. Biên cương, lãnh thổ đã được xác định, không cho phép nước khác xâm chiếm. Phong tục của người Nam và người Bắc có khác biệt rõ rệt. Các triều đại của nước ta từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên độc lập cùng các triều đại của nước phương Bắc từ Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương. Nước ta lúc nào cũng có hào kiệt, không thua kém gì nước khác. Qua đó ta có thể thấy, nước Đại Việt trước kia có một lịch sử hào hùng và nước Đại Việt giờ đây đủ sức để duy trì những điều quý giá đó.

Câu 28: Hãy tìm hiểu kết cấu bài “Chiếu dời đô”. Phân tích tính chất chặt chẽ và tác dụng của kết cấu đó.

Trả lời:

- Chiếu dời đô thuộc thể văn nghị luận, có kết cấu ba phần. Phần mở đầu nêu sử sách làm tiền đề. Phần hai soi sáng tiền đề vào thực tế hai triều đại Đinh, Lê. Phần kết luận khẳng định thành Đại La là nơi tốt nhất để định đô.

- Kết cấu của bài Chiếu dời đô cũng là trình tự lập luận của tác giả. Trình tự lập luận này rất chặt chẽ, có sức thuyết phục lớn.

+ Phần mở đầu tác giả nêu sử sách làm chỗ dựa cho lí lẽ: trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và đã từng đem lại kết quả tốt đẹp.

+ Phần hai, soi sử sách vào tình hình thực tế để chỉ rõ việc hai triều Đinh, Lê cứ đóng yên đô thành ở vùng rừng núi Hoa Lư là không theo mệnh trời (tức không phù hợp với quy luật khách quan). Hậu quả là triều đại ngắn ngủi, đất nước không phát triển, người dân khốn khổ trong một vùng đất chật chội.

+ Phần cuối rút ra kết luận: cần thiết phải dời đô và thành Đại La là nơi định đô tốt nhất, bởi vì đây là nơi có lợi thế về tất cả các mặt địa lí, chính trị, văn hoá,...

=> Kết cấu ba phần nói trên rất tiêu biểu cho kết cấu văn nghị luận nói chung, văn chính luận nói riêng.

Câu 29: Chiếu là lời ban bố mệnh lệnh của vua chúa xuống thần dân. Thế nhưng kết thúc “Chiếu dời đô”, Lí Công Uẩn không ra mệnh lệnh mà đặt câu hỏi: "Các khanh nghĩ thế nào?". Theo em, cách kết thúc như vậy có tác dụng gì?

Trả lời:

- Cách kết thúc mang tính chất đối thoại, trao đổi đã tạo sự đồng cảm giữa vua với các quan và thần dân. Việc dời đô đâu chỉ là ý nguyện riêng của Lí Công Uẩn mà còn phù hợp với nguyện vọng chung của mọi người. Ở Chiếu dời đô, bên cạnh tính chất mệnh lệnh còn là tính chất tâm tình.

=> Vì vậy, Chiếu dời đô có sức mạnh thuyết phục người nghe bằng cả lí trí và tình cảm.

Câu 30: Vì sao nói “Chiếu dời đô” phản ánh ý chí độc lập tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt?

Trả lời:

- Chiếu dời đô ra đời là sự phản ánh ý chí độc lập tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt. Bởi lẽ hai triều Đinh, Lê trước đó thế và lực chưa đủ mạnh nên còn phải dựa vào vùng núi rừng Hoa Lư hiểm trở. Việc nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra vùng đồng bằng đất rộng Thăng Long chứng tỏ thế và lực của dân tộc Đại Việt đã đủ mạnh để sánh ngang hàng với phương Bắc. Định đô ở nơi trung tâm đất nước là thực hiện nguyện vọng của nhân dân xây dựng một quốc gia thống nhất, hùng cường. Chọn mảnh đất là nơi “trung tâm trời đất” để có điều kiện mở mang kinh kì cho thấy khí phách của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Tầm vóc lớn của đất nước cần có tầm vóc lớn của một thủ đô tương xứng và ngược lại, tầm vóc lớn của thủ đô tạo đà cho đất nước phát triển.

- Kinh đô mới có tên là Thăng Long vừa phản ánh ý nguyện vươn lên vừa cho thấy khí thế rồng bay lên của một dân tộc độc lập, tự cường.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay