Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều Ôn tập Bài 8: Truyện lịch sử và tiểu thuyết (P2)
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 8: Truyện lịch sử và tiểu thuyết (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 cánh diều.
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 cánh diều
ÔN TẬP BÀI 8. TRUYỆN LỊCH SỬ VÀ TIỂU THUYẾT (PHẦN 2)
Câu 1: Em hãy nêu một số hiểu biết của em về nhóm tác giả Ngô gia văn phái?
Trả lời:
- Một nhóm tác giả dòng họ Ngô Thì, làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội)
- Trong đó, Ngô Thì Chí (1753-1788) làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống , Ngô Thì Du (1772-1840) làm quan dưới triều Nguyễn là hai tác giả chính.
Câu 2: Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh kể về những sự kiện gì? Các sự kiến ấy có liên quan đến những tuyến nhân vật nào?
Trả lời:
Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh kể về ba sự kiện chính:
- Tướng giặt Tôn Sĩ Nghị chủ quan, hống hách, bắt nạt triều đình vua Lê.
- Quang Trung thần tốc ra Bắc đánh tan quân Thanh
- Vua Lê cùng một số triều thần chạy trốn lên biên giới phía bắc.
Các sự kiện trên có liên quan đến đến những nhân vật chính có thật trong lịch sử là Nguyễn Huệ - Quang Trung, vua Lê Chiêu Thống, Ngô Thì Nhậm, tướng nhà Thanh như Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống,…
Câu 3: Xác định bố cục của bài và nêu nội dung bố cục của bài đó?
Trả lời:
- Phần 1 (Từ đầu đến “về triều có chỗ nào quở trách được ta..”: Quân Thanh chiếm thành Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.
- Phần 2 (Từ đoạn "Nhắc lại Ngô Văn Sở đến "vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành): Cuộc hành quân và chiến thắng vang dội của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn.
- Phần 3 (Còn lại): Sự thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Câu 4: Trong văn bản “Đánh nhau với cối xay gió” có mấy sự việc? Đó là những sự việc nào?
Trả lời:
5 sự việc chính chủ yếu:
- Nhìn thấy và nhận định về những chiếc cối xay gió
- Thái độ, hành động của hai thầy trò Đôn-ki-hô-tê
- Quan niệm và cách ứng xử của hai thầy trò khi bị thương, đau đớn.
- Chuyện ăn
- Chuyện ngủ
- Qua những sự việc này tính cách đối lập của hai nhân vật được khắc họa rõ nét.
Câu 5: Nêu xuất xứ và nội dung chính của tác phẩm?
Trả lời:
Văn bản Đánh nhau với cối xay gió được trích trong chương VIII của tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê. Đoạn trích kể lại việc hai thầy trò đang trên đường phiêu lưu thì bắt gặp hàng chục chiếc cối xay gió. Đôn-ki-hô-tê một mực cho rằng đó là những gã khổng lồ và quyết tâm đánh bại chúng, bất chấp lời khuyên của Xan-chô Pan-xa. Cuối cùng cả người và ngựa đều bị thương nặng.
Câu 6: Tại sao nói Đôn-ki-hô-tê và Xan-chô-pan-xa là cặp nhân vật tương phản trong truyện “Đánh nhau với cối xay gió”? Tác giả xây dựng hình ảnh nhân vật có ý nghĩa gì?
Trả lời:
- Sự tương phản về mọi mặt giữa Đôn Ki- hô- tê và Xan- chô Pan- xa tạo nên một cặp nhân vật bất hủ trong văn học, Đôn Ki- hô-tê nực cười nhưng có nhiều phẩm chất đáng quý, Xan-chô Pan -xa có những mặt tốt song cũng bộc lộ nhiều điểm đáng chê trách.
- Hai tính cách trên tương phản nhau nhưng lại không mâu thuẫn; trái lại bổ sung cho nhau. Thực tế tác phẩm cho thấy trong các cuộc phiêu lưu mạo hiểm hiệp sĩ Đôn-ki-hô- tê luôn luôn có giám mã Xan-chô Pan-xa đi theo phục vụ. Và hai người sống với nhau rất hòa thuận, gắn bó. Tách riêng ra, mỗi tính cách đều phiến diện (lệch lạc), cực đoan (thái quá) không thể tồn tại mà không gặp khó khăn và thất bại- nhất là những lúc đứng trước thử thách lớn. Đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau, chúng hạn chế được những mặt yếu, phát huy được những mặt mạnh, trở thành một khối thống nhất vững chắc trong mọi suy nghĩ, sinh hoạt và hành động.
Câu 7: Chỉ ra trong các câu sau, câu nào là câu phủ định bác bỏ, câu nào là câu phủ định miêu tả và câu nào không phải câu phủ định:
- a) Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống của chúng tôi
- b) Ở thành phố của người da trắng, chẳng có nơi nào yên tĩnh cả, chẳng có nơi nào yên tĩnh...
- c) Mùa nước nổi xưa kia hay mùa lũ theo cách gọi hiện nay, không là mối lo ngại cho nông dân vùng châu thổ Cửu Long.....
Trả lời:
- - Phủ định bác bỏ
b - phủ định miêu tả
c - không phải câu phủ định.
Câu 8: Trong các câu sau, theo em, câu nào là câu khẳng định, câu nào là câu phủ định?
- Ngập lụt đã tạo nên ít nhất là ba kết nối quan trọng cho hệ sinh thái...
- Thật ra, điều này không mới, ít nhất vài trăm năm trước, các cư faan đầu tiền đến vùng ....
- Còn chúng tôi, chúng tôi chẳng thể quên được mảnh đất tươi đẹp này.
Trả lời:
- Câu khẳng định
- Câu phủ định
- Câu phủ định
Câu 9: Câu phụ định có mấy chức năng cơ bản? Nêu những chức năng đó?
Trả lời:
Câu phủ định có hai chức năng cơ bản
- Câu phủ định miêu tả: thông báo, xác nhận không có sự vật, sự việc, tính chấ, quan hệ nào đó
- Câu phủ định bác bỏ: Phản bác một ý kiến nhận định
Câu 10: Tìm từ ngữ phủ định và cho biết chức năng của mỗi câu phủ định sau.
- a) Tôi đâu có biết anh ấy làm nghề gì.
- b) Nó chưa được học tiếng Pháp.
- c) Ngày mai chúng ta không phải đến đó nữa.
- d) – Em đã là vỡ lọ hoa của lớp phải không?
– Không, em không hề làm vỡ.
Trả lời:
Từ ngữ phủ định và chức năng của câu phủ định trong đề bài trên là:
- a) Từ ngữ phủ định là “đâu có” và câu phủ định này có chức năng bác bỏ ý kiến.
- b) Từ ngữ phủ định là “chưa” và câu phủ định có chức năng xác nhận sự việc chưa diễn ra.
- c) Từ ngữ phủ định là “không phải” và câu phủ định có chức năng thông báo không có sự việc.
- d) Từ ngữ phủ định là “Không” và câu phủ định có chức năng phản bác ý kiến.
Câu 11: Xét câu văn sau và trả lời câu hỏi
Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp.
Nếu Tô Hoài thay từ “không” bằng từ “chưa” thì nhà văn phải viết lại câu văn này như thế nào? Nghĩa của câu có thay đổi không? Câu nào phù hợp với câu chuyện hơn, vì sao?
Choắt chưa dậy được nữa, nằm thoi thóp.
Trả lời:
- Ý nghĩa của câu khi thay sẽ có thay đổi, bởi: từ “chưa” biểu thị ý phủ định đối với điều mà cho tới thời điểm nào đó không có nhưng sau đó có thể.
- Nghĩa là Dế Choắt lúc ấy không dậy được nhưng sau đó có thể dậy được. Trái lại, từ không mang nghĩa phủ định sự tồn tại ở thời điểm hiện tại và cả sau này nữa. Sau khi Dế Choắt bị chị Cốc mổ đã không bao giờ dậy được nữa và sau đó chết. Vì thế, câu phủ định có từ không sẽ thích hợp với tình huống truyện.
Câu 12: Ngòi bút của tác giả khi miêu tả cuộc tháo chạy của quân Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống có gì khác biệt? Vì sao có sự khác biệt đó?
Trả lời:
- Đoạn văn miêu tả sự tháo chạy của quân tướng nhà Thanh: Với nhịp điệu, nhanh, mạnh, hối hả, ngòi bút miêu tả khách quan của tác giả hàm chứa thái độ hả hê, sung sướng của người thắng trận trước sự thảm hại của lũ cướp nước.
- Đoạn văn miêu tả cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống: Nhịp điệu chậm hơn dường như để làm nổi bật số phận bi đát. Miêu tả tỉ mỉ những giọt nước mắt của người thổ hào, giọt nước mắt tủi hổ của vua tôi Lê Chiêu Thống, cuộc thiết đại thịnh tình của kẻ bề tôi…Âm hưởng ngậm ngùi, chua xót. Là những kẻ cựu thần của nhà Lê, các tác giả không thể không mủi lòng trước sự sụp đổ của vương triều mà mình phụng thờ, tuy đó là kết cục không thể tránh khỏi.
Câu 13: Các tác giả vốn là cựu thần nhà Lê nhưng viết rất thực và hay về hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung. Vì sao vậy?
Trả lời:
- Do quan điểm phản ánh hiện thực của các tác giả - những người trí thức của nhóm Ngô gia văn phái:
+ Tôn trọng lịch sử
+ Ý thức dân tộc
- Các tác giả Ngô gia văn phái vốn là những cựu thần, chịu ơn sâu nghĩa nặng của nhà Lê. Nhưng họ không thể bỏ qua sự vật thật là Lê Chiêu Thống – vua nhà Lê đã đớn hèn “cõng rắn cắn gà nhà”, và chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc.
à Các tác giả Ngô gia văn phái đã vượt qua tư tưởng trung quân mù quáng để viết rất thực và hay như vậy về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.
Câu 14: Em hãy phân tích lời dụ của vua Quang Trung tại trấn Nghệ An?
Trả lời:
- Khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và lên án hành động xâm lược phi nghĩa trái đạo trời của giặc “Trong khoảng vũ trụ đất nào sao nấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị”
- Vạch trần dã tâm xâm lược của quân giặc “người phương Bắc không phải là giống nước ta, bụng dạ ắt khác..”
- Nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ xa xưa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
- Kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực để lập nên công lớn.
- Quang Trung đã dự kiến được việc Lê Chiêu Thống về nước có thể làm một số người phù Lê thay đổi lòng dạ nên ông đã có lời dụ với quân lính vừa chí tình vừa nghiêm khắc. Ông đã đề ra kỉ luật nghiêm minh “chớ có quen theo thói cũ ăn ở hai lòng …không tha một ai”
- Lời dụ của vua Quang Trung có thể xem như một bài hịch rất ngắn gọn nhưng ý tứ phong phú sâu xa có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống quật cường của dân tộc, khích lệ quyết tâm chiến đấu của binh lính trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.
à Chúng ta nhận ra bài hịch ấy có hồn phách thiêng liêng của một Nam quốc sơn hà, cái giọng khích lệ của một Hịch tướng sĩ, và đặc biệt là âm hưởng rõ ràng tràn ngập lòng tự hào dân tộc của những dòng đầu tiên của những áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo.
Câu 15: Em hãy nêu nội dung chính của bài Bên bờ Thiên Mạc
Trả lời:
Truyện "Bên bờ Thiên Mạc" là tập truyện lịch sử kể về vị tướng Trần Bình Trọng tài năng đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 khi ông mới 26 tuổi (năm 1285).
Câu 16: Nêu giá trị nội dung “ Bên bờ Thiên Mạc”
Trả lời:
Giá trị nội dung: tinh thần yêu nước của nhân dân ta từ xưa đến nay. Lòng yêu nước là động lực, sức mạnh để nhân dân ta ra sức chiến đấu bảo vệ tự do của dân tộc.
Câu 17: Nêu giá trị nghệ thuật “ Bên bờ Thiên Mạc”
Trả lời:
- Giá trị nghệ thuật:
+ Cách diễn tả tâm lý nhân vật độc đáo, phương thức đối thoại hấp dẫn làm cho câu chuyện hay hơn, sinh động hơn.
+ Sự kết hợp nhuần nhị giữa kiến thức lịch sử vững chãi, cảm xúc dồi dào, tưởng tượng phong phú của tác giả.
Câu 18: Phân tích tác phẩm Đánh nhau với cối xay gió
Trả lời:
Xéc-van-tét (1547-1616) là một nhà văn lớn, yêu công lí, đã thể hiện những giá trị nhân văn cao quý, nhà văn nổi tiếng có tiểu thuyết Đôn Ki-hô-tê làm say mê bao thế hệ người đọc trên thế giới, Đôn Ki-hô-tê cũng là nhân vật chính trong tác phẩm, đặc biệt là nhân vật ấy, một nhân vật vừa đáng cười chê, lại vừa đáng thương yêu, khâm phục.
Đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió” là đoạn trích tiêu biểu góp phần làm nổi bật tính cách nhân vật chính: nhân vật Đôn Ki-hô-tê, một con người có lí tưởng tốt đẹp nhưng vì mê muội bởi những tác phẩm tiểu thuyết kiếm hiệp lỗi thời nên hành động mê muội, đáng cười.
Trên đường đi thực hiện những ý định viển vông, hai thầy trò phát hiện thấy ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng. Đôn Ki-hô-tê tưởng tượng đó là những tên khổng lồ, và quyết giao chiến. Bỗng lúc đó gió nổi lên, cối xay gió bắt đầu chuyển động và Đôn Ki-hô-tê càng hăng máu xông vào. Giáo gãy, ngựa và người văng ra, Đôn Ki-hô-tê bị đau như trời giáng. Kết cục, hai thầy trò đi về phía cảng La-pi-xê, vì Đôn Ki-hô-tê nghĩ: “con đường này có lắm người qua lại chẳng thể nào không gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau”.
Đoạn trích này làm hiện lên rất rõ tính cách của Đôn Ki-hô-tê. Sự mê muội do đọc quá nhiều sách kiếm hiệp đã khiến người hiệp sĩ tưởng những chiếc cối xay gió là bọn khổng lồ gian ác, sau đó lại tưởng là phép thuật của pháp sư Phơ-re-xtôn. Vì thế mà, không một chút ngần ngại, lão hiệp sĩ đã lao vào để tiêu trừ cái lũ gian ác ấy. Ước mơ và khát vọng của người hiệp sĩ không phải là không tốt đẹp và dũng cảm nếu đối thủ là quân gian ác thực sự, nhưng nó lại là hành động thật nực cười bởi đối thủ của anh ta lại là… những chiếc cối xay gió.
Tính cách của Đôn Ki-hô-tê còn được thể hiện rõ ở đoạn tiếp theo: lão bị trọng thương những không hề rên rỉ (lão cần phải chứng tỏ mình là một hiệp sĩ giang hồ); lão cũng không quan tâm đến chuyện ăn, chuyện ngủ bởi lão còn đang mơ đến… “tình nương”.
Nhân vật Đôn Ki-hô-tê tuy cuộc đời không thành công, gặp nhiều chuyện không may, tính tình nông nổi, hành động mù quáng và cố chấp nhưng lúc nào cũng vì chính nghĩa, vì công bằng trong cuộc sống. Ông sẵn sàng bất chấp hiểm nguy để bảo vệ kẻ yếu. Đó là một phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng ở nhân vật này.
Câu 19: Em hãy viết một đoạn văn cảm nhận về nhân vật Đôn-ki-hô-tê?
Trả lời:
Đôn Ki-hô-tê là một lão quý tộc nghèo ở nông thôn. Người lão gầy gò, cao lênh khênh, đang ở độ tuổi năm mươi. Lão say mê các truyện hiệp sĩ phiêu lưu, mạo hiểm, đầu óc ngày càng trở nên mụ mẫm, chìm đắm trong mộng tưởng hão huyền. Lão mơ ước trở thành một hiệp sĩ giang hồ đi khắp đất nước Tây Ban Nha, phò đời cứu nguy, diệt trừ lũ khổng lồ yêu quái, thiết lập lại trật tự và công lí, để lại bao chiến công oanh liệt cho đời. "Chết nhưng cái nết không chừa" bị thảm bại nhục nhã trước những chiếc cối xay gió mà vẫn còn khoác lác. Trước lời an ủi của giám mã, Đôn Ki-hô-tê đã chỉ cho anh kéo lừa biết rằng cái nghề cung kiếm thường biến hóa khôn lường, nghĩa là sự thắng bại là chuyện bình thường. Và nguyên nhân thất bại theo Đôn-ki-hô-tê là do lão pháp sư đã cắp sách vở của ông bày trò. Hắn đã thâm thù ta, hắn đã tước đi phần vinh quang chiến thắng của ta! Phải chăng đó là khẩu khí của hiệp sĩ xứ Man-tra lừng danh thiên hạ! Cảnh đánh nhau với cối xay gió đã ghi được "chiến công hiển hách" của Đôn Ki-hô-tê.
Câu 20: Em có nhận xét gì về giá trị nội dung của văn bản Đánh nhau với cối xay gió?
Trả lời:
Nội dung: Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan- xa đã tạo nên một cặp nhân vật bất hủ. Qua đó tác giả còn muốn báo trước sự xuất hiện của thời đại Phục hưng với những con người mới, những tính cách mới nghị lực mới và sáng ngời chủ nghĩa nhân văn.
Câu 21: Từ nhân vật Đôn - ki - hô - tê, em rút ra bài học gì cho mình?
Trả lời:
Qua tác phẩm, em đã rút ra một bài học từ nhân vật đã gây nhiều tranh cãi này. Cần phê phán tính chất ảo tưởng, mơ hồ trong suy nghĩ và hành động của con người.Không nên đọc những cuốn truyện nhảm nhí và đừng quá say mê đến nỗi lại tưởng tượng chuyện đó là có thật. Đôn-ki-hô-tê đã phí tuổi thanh xuân của mình cho những hành động nực cười. Nhưng may thay đến lúc chết chàng đã nhận thấy hậu quả của việc làm này. Đôn-ki-hô-tê đã phải trả giá. Em viết về nhân vật khá lý thú. Thái độ của em với nhân vật rạch ròi nhưng mới thấy phần đáng ghét mà chưa thấy rõ phần đáng thương, thậm chí đáng yêu của nhân vật này.
Câu 22: Phân biệt câu phủ định bác bỏ và câu phủ định miêu tả?
Trả lời:
- Dựa vào vị trí để phân biệt: câu phủ định bác bỏ bao giờ cũng phải đứng sau một ý kiến, nhận định nào đó đưa ra trước đó. Vì vậy, câu phủ định bác bỏ thường sẽ không đứng ở đầu câu.
- Dựa vào hoàn cảnh để phân biệt: nhiều trường hợp chúng ta không thể dựa vào dấu hiệu hình thức để phân biệt thì cần dựa vào hoàn cảnh cụ thể để biết được đó là phủ định miêu tả hay phủ định bác bỏ
Ví dụ: “Không, chúng con không đói nữa đâu. Hai đứa ăn hết ngần kia củ khoai thì no mỏng bụng ra rồi còn đói gì nữa”.
- Dựa vào ý nghĩ của chị Dậu là các con đang đói, nhưng cái Tí đã bác bỏ ý kiến của chị Dậu là chúng con không có đói.
Câu 23: Chuyển các câu sau thành câu phủ định?
- Hôm qua, mẹ ở nhà.
- Trong giờ Toán, Hoa rất trật tự.
- Cô ấy rất đẹp.
- Anh ấy đi xe cẩn thận
Trả lời:
Câu |
Câu phủ định |
a. Hôm qua, mẹ ở nhà. |
Hôm qua, mẹ không đi đâu cả. |
b. Trong giờ Toán, Hoa rất trật tự. |
Trong giờ Toán, Hoa không nói chuyện riêng. |
c. Cô ấy rất đẹp. |
Cô ấy không xấu. |
d. Anh ấy đi xe cẩn thận |
Anh ấy đi xe không ẩu. |
Trả lời:
Phân tích giá trị của những từ phủ định trong các ví dụ sau:
- Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
(Tràng Giang – Huy Cận)
- Đêm nào, anh chẳngnhớ em.
- Chờ mãi anh sang anh chảsang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!
(Mưa xuân – Nguyễn Bính)
- Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
(Mưa xuân – Nguyễn Bính)
Trả lời:
- Phủ định không đò, không cầu
- Khẳng định nỗi nhớ của chàng trai với cô gái
- Lời giận hờn dịu dàng
- Lời trách cứ, giận hờn
Câu 25: Nêu cảm nghĩ của em về vẻ đẹp hình tượng của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ
Trả lời:
Vua Quang Trung là người có hành động mạnh mẽ quyết đoán. Là người có trí tuệ nhạy bén, Nguyễn Huệ sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan chiến lược giữa ta và địch, từ đó định sẵn kế hoạch đánh giặc và sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người. Chắc chắn phải nhắc đến tài dụng binh như thần quyết định thắng lợi của quân ta. Cuối cùng Quang Trung trở thành vị vua oai phong lẫm liệt trong trận đấu.
Câu 26: Viết 1 đoạn văn từ 6-8 câu nêu suy nghĩ của em về vấn đề: Tuổi trẻ Việt Nam hiện nay vẫn cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước?
Trả lời:
Cũng như bao truyền thống khác, tinh thần yêu nước là một nét đặc sắc trong văn hóa lâu đời của nước ta, nó được thể hiện từ xưa đến nay và đi sâu vào từng hành động, ý nghĩ của mỗi con người. Lòng yêu nước là yêu tất cả những gì tốt đẹp, yêu thiên nhiên muôn hình vạn trạng, yêu bầu trời trong xanh, yêu đàn chim bay lượn, yêu cả những dòng sông thân thương hay gần gũi nữa là yêu những chiếc lá mỏng manh. Xét cho cùng thì tinh thần yêu nước nó xuất phát từ ý chí, sự quyết tâm phấn đấu, xây dựng Tổ quốc, tình yêu thương và cả niềm hi vọng. Tinh thần yêu nước bao gồm cả nhiều tình yêu khác: tình yêu gia đình, quê hương, tình yêu con người. Nó được bộc lộ ở mọi lúc mọi nơi, mọi cá nhân, bất cứ nơi nào có người dân Việt Nam sống thì đó sẽ mãi là mầm mống, là chồi non của tinh thần yêu nước Việt Nam. Và đó cũng sẽ không phải là lí tưởng của mình dân tộc Việt Nam mà còn rất nhiều nước khác, lí tưởng ấy luôn đi đầu. Đối với bản thân em, em luôn cố gắng chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức để sớm trở thành công dân có ích cho đất nước.
Câu 27: Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió gợi cho người đọc hai lối sống: mơ mộng và thực dụng. Theo em, nên chọn lối sống nào? Vì sao?
Trả lời:
Đoạn trích Đánh nhau với cối xay gió gợi cho người đọc hai lối sống: mơ mộng và thực dụng. Tuy nhiên, em không chọn một lối sống nào trong cả hai. Bởi lẽ:
- Lối sống thực dụng là lối sống coi nặng giá trị vật chất, chạy đua theo những nhu cầu trước mắt, đặt lợi ích của bản thân lên trên tất cả, gần với sự ích kỉ, trục lợi. Lối sống thực dụng là một căn bệnh nguy hiểm có thể làm băng hoại đạo đức con người.
- Cuộc sống xung quanh chúng ta, có rất nhiều người thường hay suy nghĩ mộng tưởng, xa rời thực tế về công việc, tình yêu, bạn bè,...Một người mơ mộng, sống không thực tế có khả năng cao phải đối diện với rất nhiều thất bại trong cuộc sống. Công việc có thể hiểu là trong làm ăn, chuyện tình cảm, chuyện bạn bè,... Đối trước công việc nào cũng mộng tưởng sinh ra chán nản, nhàm chán dẫn đến mọi việc đổ vỡ, thất bại.
Câu 28: Nêu giá trị nội dung “Quang Trung đại phá quân Thanh”
Trả lời:
- Giá trị nội dung: tác giả đã ghi lại lịch sử hào hùng của dân tộc ta, tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Câu 29: Nêu giá trị nghệ thuật “Quang Trung đại phá quân Thanh”
Trả lời:
- Giá trị nghệ thuật:
- Cốt truyện được xây dựng trên các cơ sở các sự kiện đã xảy ra nhằm thể hiện chủ đề của tác phẩm.
- Ngôn ngữ truyện kể và nhân vật phù hợp với thời đại được miêu tả.
- Nghệ thuật kể chuyện: Lối văn trần thuật đặc sắc.
Câu 30: Phân tích tác phẩm Quang Trung đại phá quân Thanh
Trả lời:
Quang Trung – Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Hình ảnh vua Quang Trung tiêu biểu cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 39 tuổi xuân, Quang Trung đã có 22 năm đánh Nam dẹp Bắc – tạo cơ sở cho quá trình thống nhất đất nước; đuổi Xiêm diệt Thanh – góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập nước nhà. Mỗi chiến công trong cuộc đời Quang Trung đánh dấu một mốc son trong lịch sử hào hùng của cả dân tộc.
Nói đến vua Quang Trung, trước hết nói đến một anh hùng với tính cách mạnh mẽ quyết đoán mỗi lần ông hành động. Nghe tin giặc đã kéo đến tận Thăng Long ông đã rất tức giận, đã họp các tướng sĩ, "định thân chinh cầm quân đi ngay". Rồi trong vòng chỉ một tháng, Nguyễn Huệ đã làm bao nhiêu việc lớn: "Tế cáo trời đất", "lên ngôi hoàng đế", "đốc suất đại binh'' ra Bắc, gặp gỡ "người cống sĩ ở huyện La Sơn", tuyển mộ quân lính và mở các cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng. Là con người hành động liên tục, không ngừng làm việc, có tính cách xông xáo, mọi quyết định đều nhanh gọn và rất dứt khoát, xứng đáng là vị chủ tướng trên vạn quân.
Vua Quang Trung còn nổi tiếng là con người có trí tuệ sáng suốt, rất nhạy bén trong mọi trường hợp. Ông có một tầm nhìn xa trông rộng, mưu cao trí lược, hơn nữa cái nhìn khái quát ấy còn giúp ông định hình về tình thế và về thời cuộc ông lên ngôi với mục đích có thể " để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người". Vì vậy, ông đưa ra mọi quyết định đều cân nhắc trước hết, làm thế nào để yên bề tình hình, giúp cho mục đích cuối cùng. Ông phân tích tình hình quân địch, nhận định được thế lực hai bên để phán đoán trong từng bước đi của mình. Ông đưa vào trong bài hịch những tội ác của giặc, chúng đã gây nên tội ác với nhân dân ta, phá huỷ nhiều nếp nhà, khiến cho quân sĩ được khích lệ tinh thần, đồng thời ông cũng nhắc đến nhiều tên tuổi anh hùng bảo vệ dân tộc như: Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng…Ông dùng những lời lẽ mềm mỏng để thuyết phục những kẻ "mềm lòng" dễ thay lòng đổi dạ, lạt mềm buộc chặt, nhưng vẫn không mất cái uy. Quang Trung hiểu rõ sở trường và sở đoản các tướng lĩnh dưới trướng mình bởi vậy ông vẫn trách mắng để họ nhận ra khuyết điểm đồng thời tha cho họ. Việc làm của ông là hành động sáng suốt, giúp thu phục nhân tâm, ai nấy đều phải tâm phục, khẩu phục.
Với Quang Trung, tư tưởng quyết chiến, quyết thắng, tầm nhìn xa, trông rộng rất quan trọng. Ông đã kiên quyết khẳng định chỉ trong vòng mười ngày có thể lấy lại kinh thành Thăng Long, nói được làm được, đây chính là một trong những trận chiến anh hùng nhất trong suốt những năm tháng chống quân xâm lăng của dân tộc ta. Ông đã mềm mỏng dùng ngoại giao để giữ hoà bình và cuộc sống cho nhân dân. Trên chiến trường, ông tổ chức trận đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo, với nhiều kế binh hiểm hóc kết hợp nhuần nhuyễn nhiều cánh quân, cách đánh luôn giữ thế chủ động, lúc cần thì phòng thủ, luôn lợi dụng được điểm yếu của quân địch khiến kẻ địch không kịp trở tay. Tài dùng trận thì khỏi bàn cãi: trận Hà Hồi, trống rong cờ mở bắc loa đàn áp tinh thần quân giặc, trận Ngọc Hồi bện rơm tránh lửa, dùng kế gậy ông đập lưng ông, đồng thời đánh chặn chốt giặc khiến chúng hồn xiêu phách lạc.
Từ những đoạn trích trên ta thấy hiện về trong lịch sử một nhân vật xuất chúng: Lẫm liệt oai phong, văn võ song toàn đã ghi vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời truyền thống dân tộc, ngàn đời sau vẫn nhắc tên người anh hùng áo vải Quang Trung.