Câu hỏi tự luận Công nghệ chăn nuôi 11 Kết nối tri thức bài 14: Một số bệnh phổ biến ở trâu, bò và biện pháp phòng, trị

Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ chăn nuôi 11 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 14: Một số bệnh phổ biến ở trâu, bò và biện pháp phòng, trị, Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ chăn nuôi 11 kết nối tri thức.

BÀI 14: MỘT SỐ BỆNH PHỔ BIẾN Ở TRÂU, BÒ

VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG, TRỊ

(15 câu)

  1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Có những bệnh phổ biến biến nào trên trâu, bò?     

Trả lời:

Những bệnh phổ biến trên trâu, bò: bệnh chướng hơi, bệnh tụ huyết trùng, bệnh xoắn khuẩn, bệnh ngộ độc thức ăn, bệnh lở mồm long móng, bệnh ngộ độc thức ăn,… 

Câu 2: Nêu đặc điểm và nguyên nhân gây ra bệnh lở mồm, long móng.    

Trả lời:

Bệnh lở mồm, long móng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan rất nhanh, mạnh, rộng ở các loài động vật guốc chẵn như trâu, bò, dê, cừu, lợn,... Bệnh do virus lở mồm, long móng có vật chất di truyền là RNA thuộc họ Picornaviridae gây ra.

Câu 3: Em hãy cho biết các triệu chứng của bệnh lở mồm, long móng trên trâu bò. 

Trả lời:

Các triệu chứng của bệnh lở mồm, long móng trên trâu bò:

  • Thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày.
  • Sốt cao trên 40ºC, giảm ăn hoặc bỏ ăn, ủ rũ, thú hay nằm, chân đau không đứng vững, đi khập khiểng. Giai đoạn đầu của bệnh thú đứng hay nhấc chân lên rồi đổi chân do bị đau, nhưng khi bị nặng thì thú không đứng được và thường nằm.
  • Chảy nhiều nước dãi có bọt trắng như bọt xà phòng.
  • Các mụn đỏ xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi răng, trong mũi, lỡ loét và có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, vàng, xám.
  • Các mụn loét cũng xuất hiện ở quanh chỗ da tiếp giáp với móng chân, có thể làm long móng chân, thú đi lại khó khăn.
  • Mụn loét cũng xuất hiện ở núm vú trên các thú cho sữa làm cho vú nứt nẻ, chảy dịch, thú mẹ không cho con bú vì rất đau. Có thể gây sẩy thai ở thú mang thai.

Câu 4: Em hãy nêu đặc điểm và nguyên nhân gây ra bệnh tụ huyết trùng trên trâu bò. 

Trả lời:

Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trâu, bò. Bệnh do vi khuẩn Gram âm có tên là Pasteurella multocida gây ra. Bệnh gây tụ huyết từng mảng và xuất huyết ở một số vùng như niêm mạc mắt, miệng, mũi, da.

Câu 5: Những triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng trên trâu bò là gì?  

Trả lời:

Các triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng trên trâu bò là:

* Thể ác tính

Thể này thường ít gặp. Trâu, bò phát bệnh rất nhanh. Con vật đột nhiên lên cơn sốt cao 41 – 420C và trở nên hung dữ, điên loạn, đập đầu vào tường và chết trong vòng 24 giờ. Bê nghé 3 – 18 tháng thể hiện triệu chứng thần kinh: giãy giụa, ngã vật xuống rồi chết, có khi con vật đang ăn bỗng chạy lồng lên, điên loạn, run rẩy, ngã xuống rồi lịm đi.

* Thể cấp tính

Thể này xảy ra phổ biến ở trâu, bò. Thời gian ủ bệnh ngắn từ 1 – 3 ngày, con vật không nhai lại, mệt lả, bứt rứt, sốt cao đột ngột 40 – 420C. Các niêm mạc mắt, mũi đỏ sẫm rồi tái xám. Nước mắt, nước mũi chảy liên tục. Các hạch lâm ba đều sưng, đặc biệt là hạch dưới hầu sưng rất to, làm cho con vật lè lưỡi ra, thở khó khăn, người ta thường gọi là bệnh “trâu bò hai lưỡi”. Hạch lâm ba trước vai, trước đùi sưng, thuỷ thũng, làm cho con vật đi lại khó khăn.

  1. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1. Theo em để phòng chống bệnh lở mồm, long móng trên trâu, bò thì biện pháp nào là quan trọng nhất? Vì sao?

Trả lời:

Để phòng chống bệnh lở mồm long móng một cách hiệu quả, biện pháp tốt nhất là tiêm đầy đủ các mũi vaccine cho trâu, bò. Tiêm nhắc lại định kì các để nâng cao hiệu quả của thuốc.

Câu 2: Em hãy cho biết các biện pháp phòng, trị bệnh lở mồm, long móng trên trâu bò. 

Trả lời:

+ Kiểm dịch ở biên giới, ngăn ngừa không để bệnh ở các nước khác lây lan vào nội địa. Cấm mua bán, xuất nhập trâu, bò trong vùng có dịch. Việc mua bán trâu, bò trong những vùng gần vùng có dịch phải thông qua chính quyền địa phương. Khai báo đầy đủ, kịp thời khi có dịch hay nghi có dịch.

+ Thực hiện vệ sinh, tiêu độc chuồng trại đúng quy trình, cách li triệt để gia súc bị bệnh, điều trị tích cực, đảm bảo cách li trước khi tái nhập đàn. Đối với trâu, bò, lợn chết vì bệnh phải chôn sâu giữa hai lớp vôi rồi lấp đất kĩ, nơi chôn phải xa khu dân cư, xa nguồn nước sinh hoạt, khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả động vật.

+ Việc giết mỗ gia súc trong vùng dịch phải tiến hành tại lò mỗ hoặc điểm giết mỗ do chi cục Thú y cấp tỉnh quy định, quá trình giết mỗ phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh thú y.

+ Tiêm phòng vaccine đầy đủ theo khuyến cáo của cơ quan thú y và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Câu 3: Giải thích vì sao việc cho trâu, bò, ăn, uống đầy đủ, khoa học; chăm sóc, sử dụng và khai thác hợp lí có tác dụng phòng bệnh tụ huyết trùng?   

Trả lời:

Việc trâu, bò ăn, uống đầy đủ, khoa học; chăm sóc, sử dụng và khai thác hợp lí có tác dụng phòng bệnh tụ huyết trùng vì: Thời tiết thay đổi, khi bổ sung các sản phẩm ăn uống sẽ tăng sức đề kháng cho trâu, bò.

Câu 4: Hãy cho biện các biện pháp phòng trị bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò.

Trả lời:

Phòng bệnh:

+ Bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn có sẵn trong cơ thể, bùng phát khi thời tiết thay đổi nên định kì cần bổ sung các sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng cho trâu, bò.

+ Luôn giữ chuồng trại, bãi chăn thả khô thoáng, lưu thông khí, thực hiện vệ sinh sát trùng định kì.

+ Thực hiện biện pháp chăn nuôi “cùng vào – cùng ra”. Tiêm phòng vaccine đầy đủ theo quy định. Giống như các bệnh đường hô hấp khác, biện pháp dùng kháng sinh để phòng bệnh có hiệu quả hơn để điều trị. Một số loại kháng sinh được sử dụng gồm Tetracycline, Sulfamethazine, Tiamulin.

Trị bệnh:

+ Khi phát hiện gia súc bị bệnh, kịp thời báo cho thú y địa phương. Cần phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời bằng các loại kháng sinh: Kanamycin, Neomycin, Gentamycin, Norfloxacin, Marbofloxacin. Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

+ Kết hợp với việc dùng kháng sinh, cần tiêm cho vật nuôi các thuốc trợ tim, trợ sức như long não, cafein, anagil và vitamin (vitamin B1, vitamin C). Trong những trường hợp cần thiết có thể truyền dịch.

Câu 5: So sánh biện pháp phòng trị một số bệnh phổ biến ở trâu, bò (bệnh lở mồm, long móng; bệnh tụ huyết trùng).    

Trả lời:

Bệnh lở mồm, long móng

Bệnh tụ huyết trùng

Phòng bệnh:

·        Kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt ở các đường biên giới, cửa khẩu, vùng có dịch; không vận chuyển buôn bán các loại trâu bò từ vùng dịch.

·        Thực hiện tiêu độc chuồng trại khi nuôi nhốt vật nuôi.

·        Giữ chuồng nuôi được thông thoáng.

·        Tiêm phòng đầy đủ các mũi vaccine phòng dịch.

·        Việc giết mổ phải được thực hiện đúng quy định của thú ý đã quy định.

Trị bệnh:

·        Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng chống căn bệnh này là quan trọng hàng đầu.

Phòng bệnh:

·        Tăng sức đề kháng cho trâu, bò.

·        Luôn giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát.

·        Tiêm phòng, tiêm nhắc lại các mũi vaccine.

Trị bệnh:

·        Kịp thời báo cho cán bộ thú ý khi phát hiện ra bệnh trên đàn trâu, bò.

·        điều trị kịp thời bằng các loại kháng sinh: Kanamycin, Neomycin, Gentamycin, Norfloxacin, Marbofloxacin. Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

·        Kết hợp với việc dùng kháng sinh, cần tiêm cho vật nuôi các thuốc trợ tim, trợ sức như long não, cafein, anagil và vitamin.

 

  1. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Em hãy tìm hiểu và cho biết các triệu chứng của bệnh tiêm mao trùng trên trâu bò. Cách phòng và điều trị bệnh này như thế nào?  

Trả lời:

* Triệu chứng:

Bệnh do một loại tiêm mao trùng có tên gọi là Trypanosoma evansi gây ra. Triệu chứng điển hình của bệnh là gây sốt cao 40-410C, cơn sốt gián đoạn không theo một quy luật nào. Ở thể cấp tính, khi sốt cao thường thể hiện triệu chứng thần kinh như quay cuồng, đi vòng tròn, run từng cơn. Bò thiếu máu và phù thũng những vùng thấp của cơ thể. Viêm giác mạc, iả chảy dai dẳng. Có thể xảy thai, giảm sản lượng sữa. Bệnh truyền qua ruồi, mòng. Bệnh thường ở thể mãn tính.

* Khi vật bị nhiễm bệnh, có thể sử dụng những loại hóa dược sau để điều trị:

- Berenyl 7%, tiêm bắp với liều 3,5 - 7mg/1kg trọng lượng.

-Tripamidium 1-2%, có thể tiêm bắp hoặc tiêm dưới da với liều 0,2 - 0,5mg/1kg trọng lượng.

- Suramin (Naganol) 10% tiêm tĩnh mạch với liều 2,5mg/1kg trọng lượng. Tiêm hai lần cách nhau một tuần.

- Novarsenobenzole 10% tiêm tĩnh mạch với liều 2,5 - 5mg/1kg trọng lượng.

- Quinapyramine 10% có thể tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.

- Prothidium 2,5% tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.

* Phòng bệnh: Quy trình phòng bệnh tiên mao trùng gồm ba biện pháp chủ yếu như sau:

- Định kỳ kiểm tra máu mỗi năm hai lần để phát hiện tiên mao trùng.

- Diệt côn trùng hút máu và truyền bệnh. Phát quang bờ bụi và khai thông các cống rãnh quanh chuồng và bãi chăn để côn trùng không có nơi cư trú.

- Chăm sóc nuôi dưỡng tốt để tăng sức đề kháng cho bò

Câu 2: Mùa nắng nóng, là mùa trâu, bò rất dễ mắc phải bệnh tiêu chảy, em hãy tìm hiểu và cho biết các triệu chứng của bệnh tiêu chảy. Nêu cách trị bệnh tiêu chảy trên trâu, bò.

Trả lời:

* Triệu chứng:

+ Bệnh thường bị ở bê, nghé nhiều hơn trâu, bò trưởng thành; Khi mắc bệnh ở giai đoạn đầu vật nuôi thường mệt mỏi, ăn kém, uống nước nhiều, đi phân lỏng có màu xám vàng hoặc xám xanh có mùi tanh khó chịu.

+ Khi bị nặng, bê, nghé phân toàn nước, đôi khi có máu, mất nước, mất muối trong cơ thể và chết do kiệt sức; Nếu điều trị không kịp thời, tỷ lệ bê, nghé chết từ 30 - 40%, do đó cần phát hiện bệnh sớm để có biện pháp điều trị.

* Cách điều trị:

+ Ngoài dùng thuốc Atropine tiêm theo liều 1ml/15 - 20kg thể trọng,  trường hợp bị nặng phải truyền dung dịch nước đường đẳng trương hoặc nước muối sinh lý vào tĩnh mạch cho bê, nghé theo liều 0,5 - 0,8 lít/ bê, nghé.

+ Ngoài ra, kết hợp sử dụng 300g lá ổi hoặc lá phèn đen + 1 lít nước rồi đun sôi cho bê, nghé uống 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần từ 0,2 - 0,5 lít.

Câu 3:  Hãy cho biết các triệu chứng khi bê, ghé bị bệnh giun đũa. Nêu cách phòng, trị bệnh này.     

Trả lời:

* Triệu chứng:

+ Bệnh thường xảy ra vào đầu mùa hè, thường thấy ở bê, nghé từ 1 - 3 tháng tuổi. Khi nhiễm giun có triệu chứng dáng đi chậm chạp, cúi đầu, đuôi cụp; khi bệnh nặng nghé bỏ ăn, nằm một chỗ, đập chân lên phía bụng.

+ Do giun đũa chiếm đoạt chất dinh dưỡng và tiết độc tố vào máu nên bê, nghé gầy yếu, rối loạn tiêu hóa; thường chết do kiệt sức với tỷ lệ khoảng 30 - 40%.

* Cách điều trị:

+ Đối với bê, nghé dưới 2 tháng tuổi dùng thuốc tiêm Levamisol, kết hợp với Vitamin ADE; Đối với bê, nghé trên 2 tháng tuổi, ngoài tiêm thuốc đồng thời tiến hành tiêu diệt các loại ngoại kí sinh trùng khác như ve, rận,…

+ Cần tẩy giun cho bê, nghé ở những vùng có bệnh theo định kỳ 20 ngày tuổi, 1 tháng tuổi.

Câu 4: Em hãy cho biết triệu chứng của bệnh biên trùng trên trâu, bò. Nêu cách phòng tránh và trị bệnh.         

Trả lời:

Biên trùng là một loại động vật đơn bào rất nhỏ ký sinh trong hồng cầu của gia súc. Ở bò, thấy có hai loài biên trùng gây bệnh là: Anaplasma margonale và Anaplasma centrale. Bệnh truyền qua ve.

* Triệu chứng:

+ Ở thể cấp tính, con vật sốt cao 40-420C và cơn sốt lên xuống thất thường. Toàn thân run rẩy, các cơ bắp, cơ vai, cơ mông co giật. Bò ăn kém, chảy nhiều nước dãi. Khi phát bệnh, bò ngừng hoặc giảm tiết sữa hoàn toàn. Sau 7-10 ngày gia súc chết tới 90%.

 

+ Thể mãn tính bò gầy còm, thiếu máu, giảm sữa. Phân lỏng, hay bị chướng hơi dạ cỏ.

* Cách điều trị:có nhiều hóa dược đã được nghiên cứu và sử dụng trong điều trị bệnh biên trùng như: Heamospiridin, Azidin, Sulfantrol, Quinarcin, Lomidin, Rivanol... nhưng trong đó Rivanol có hiệu lực cao và được sử dụng phổ biến ở nước ta.

* Phòng bệnh: Diệt ve, nuôi dưỡng tốt.

  1. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 1: Em hãy nêu các biện pháp tăng cường phòng, chống các loại bệnh trên đàn gia súc trên địa bàn em đang sinh sống.    

Trả lời:

Để đảm bảo cho việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc trên địa phương các hộ chăn nuôi thực hiện một số biện pháp sau:

* Chuồng trại :

- Vị trí xây dựng chuồng nuôi nên chọn nơi cao ráo, thoáng mát;

- Kiểm tra hệ thống thoát nước chung của cả khu vực, đặc biệt phải củng cố hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khu chứa chất thải (phân, rác và nước thải) phải xa chuồng nuôi, cuối hướng gió, vị trí thấp và xa nguồn nước ngầm, trường học, bệnh viện…

- Nên có hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi hoặc định kỳ rắc vôi bột phun sát trùng xung quanh chuồng nuôi gia súc để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường.

* Chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc:

- Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn gia súc nhằm nâng cao sức đề kháng phòng, chống lại các tác động bất lợi của thời tiết hạn chế phát sinh dịch bệnh. Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phù hợp với giống, lứa tuổi, tính biệt và mục đích sản xuất của từng loại gia súc: Cần dự trữ thức ăn xanh, có thể phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân cây bắp.

- Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn khi thời tiết bất lợi, để tăng cường sức đề kháng và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

- Đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống, có thể sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước cho vật nuôi.

* Phòng bệnh cho gia súc:

- Tăng cường vệ sinh phòng ngừa bệnh cho gia súc: Thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi; vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; Định kỳ, tuần 1 - 2 lần/tuần phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng ...

- Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin: Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin phòng chống bệnh cho đàn vật nuôi: Tiêm phòng bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng.

- Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn gia súc như uể oải, ủ rũ, kém ăn; kiểm tra lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ hàng ngày của gia súc để biết được tình trạng sức khoẻ đàn gia súc.

- Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết, không được bán hoặc phát tán gia súc ốm, chết và chất thải của chúng ra môi trường xung quanh.

- Khai báo cho sở thú ý địa phương về tình hình của những ổ dịch nguy hiểm để kịp thời có biện pháp xử lí.

=> Giáo án Công nghệ chăn nuôi 11 kết nối bài 14: Một số bệnh phổ biến ở trâu, bò và biện pháp phòng, trị

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Công nghệ chăn nuôi 11 Kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay