Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 5: Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI (P2)
Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 5: Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án lịch sử 7 chân trời sáng tạo (bản word)
ÔN TẬP CHƯƠNG 5. VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ X ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XVI (PHẦN 2)
Câu 1: Mô tả và nêu nhận xét về tổ chức chính quyền thời Đinh- Tiền Lê.
Trả lời:
Tổ chức chính quyền thời Đinh:
- Trung ương:
+ Hoàng đế đứng đầu triều đình trung ương
+ Giúp vua trị nước có các cao tăng và ban văn, ban võ.
+ Tướng lĩnh thân cận giữ chức vụ chủ chốt
- Địa phương: gồm đạo (châu), giáp, xã
Tổ chức chính quyền thời Lê:
- Trung ương:
+ Vua đứng đầu chính quyền
+ Phong vương cho các con, trấn giữ nơi quan trọng
+ Thái sư, đại sư, quan văn, quan võ giúp vua
- Địa phương:
+ lộ, phủ, châu, rồi đến giáp. Đơn vị cơ sở là xã.
+ Quân đội: cấm quân và quân địa phương
Nhận xét:
- Bộ máy nhà nước thời Đinh còn chưa hoàn chỉnh, sơ sài.
- Sang đến thời Tiền Lê, bộ máy nhà nước được hoàn thiện, cải cách hành chính các cấp ở địa phương.
Câu 2: Nhà Lý đã làm gì để củng cố quốc gia thống nhất?
Trả lời:
Nhà Lý củng cố quốc gia thống nhất bằng cách:
+ Tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương.
+ Ban hành bộ Hình thư.
+ Xây dựng quân đội vững mạnh gồm 2 bộ phận: cấm quân và quân địa phương.
+ Thi hành chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi binh ở nhà nông).
+ Thực hiện chính sách đoàn kết với các dân tộc thiểu số.
Câu 3: Nhận xét về cách tổ chức quân đội thời Trần?
Trả lời:
- Nhận xét:
+ Tổ chức quân đội thống nhất từ trung ương đến địa phương
+ Mối quan hệ giữa quan, quân đồng nhất.
Câu 4: Năm 1257, khi Mông Cổ cho quân áp sát biên giới Đại Việt và cử sứ giả đến Thăng Long dụ hàng, vua Trần Thái Tông đã có thái độ như thế nào?
Trả lời:
Năm 1257, Mông Cổ đã cho quân áp sát biên giới Đại Việt rồi ba lần cử sứ giả đến Thăng Long dụ hàng. Vua Trần Thái Tông cho bắt giam sứ giả, đồng thời ra lệnh cả nước ra sức tập luyện, chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng đánh giặc.
Câu 5: Đời sống xã hội, văn hóa thời Ngô- Đinh- Tiền Lê có điểm gì nổi bật.
Trả lời:
* Xã hội:
- Gồm 2 bộ phận:
+ Thống trị: vua, quan, một bộ phận nhà sư, đạo sĩ
+ Bị trị: nông dân, thợ thủ công, thương nhân, nô tì
- Nông dân là lực lượng sản xuất chính, cày ruộng công làng xã.
* Văn hóa:
- Nho giáo chưa phát triển, Phật giáo được truyền bá rộng rãi.
- Nhà sư là người có học, được chính quyền và nhân dân tôn trọng.
- Nhiều loại hình văn hóa dân gian phát triển, đặc biệt là hát chèo, đánh đu, đấu vật…
Câu 6: Cách tổ chức bộ máy chính quyền trung ương nhà Lý. Tại sao nhà Lý lại giao các chức vụ quan trọng cho những người thân cận nắm giữ?
Trả lời:
- Cách tổ chức bộ máy chính quyền trung ương nhà Lý:
+ Vua ở ngôi theo chế độ cha truyền con nối.
+ Những người thân được cất nhắc nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình.
+ Đặt chuông ở trước điện Long Trì, người dân có gì oan ức đánh chuông xin vua xét xử.
- Tại vì:
+ Lúc đó nền giáo dục chưa phát triển để có điều kiện tuyển lựa nhân tài.
+ Nhà Lý mới thành lập cần tập trung quyền lực để xây dựng và củng cố chính quyền của mình.
+ Vì thế nhà Lý giao những chức vụ quan trọng cho những người thân cận họ hàng thân thiết để đề phòng sự phản nghịch của các thế lực ngoại tộc.
Câu 7: Hãy trình bày những nét chính về tình hình xã hội thời Trần? Vì sao nói nhà nước phong kiến thời Trần là nhà nước quân chủ quý tộc?
Trả lời:
- Những nét chính:
+ Vương hầu, quý tộc ngày càng có nhiều ruộng đất là tầng lớp có đặc quyền, đặc lợi
+ Tầng lớp địa chủ có nhiều ruộng đất cho nông dân để cày cấy để thu tô
+ Nông dân cày cấy ruộng công làng xã là tầng lớp đông đảo nhất nông dân lĩnh canh đông hơn trước
+ Nông nô, nô tì là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, họ bị lệ thuộc.
- Tại vì:
+ Xã hội thời Trần ngày càng phân hóa mạnh mẽ, sự phân biệt đẳng cấp sâu sắc
+ Tầng lớp quý tộc, vương hầu nhà Trần có nhiều đặc quyền, đặc lợi
+ Nông nô, nô tì đông đảo là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, họ lệ thuộc vào tầng lớp quý tộc.
Câu 8: Em hãy nêu tác dụng của Hội nghị Diên Hồng?
Trả lời:
Tác dụng của Hội nghị Diên Hồng:
- Đây là hội nghị có sự tham dự của những bậc phụ lão có uy tín trong cả nước mục đích của Hội nghị là bàn kế đánh giặc giữa vua, các quan lại và các bậc phụ lão
- Qua hội nghị các phụ lão cùng với nhà Trần thể hiện quyết tâm đánh thắng quân Nguyên. Điều dó có tác dụng động viên cả nước đứng lên đáh giặc.
- Hội nghị thể hiện sự đoàn kết quân dân dưới thời Trần, đó là sức mạnh tổng hợp để đánh thắng quân Nguyên xâm lược.
Câu 9: Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, chọn Cổ Loa làm kinh đô. Giải thích về quyết định này, nhiều ý kiến cho rằng Ngô Vương muốn tiếp nối truyền thống nước Âu Lạc xưa. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?
Trả lời:
Em có đồng ý với ý kiến Ngô Quyền chọn Cổ Loa là kinh đô vì muốn tiếp nối truyền thống nước Âu Lạc xưa.
Vì chính Sử gia Lê Văn Hưu đời Trần cũng đã nêu cao ý tưởng này của Ngô Vương Quyền khi viết về Ngô Vương “chính thống của nước Việt ta đã nối lại được”. Với việc Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa, vùng đất Hà Nội đã khôi phục vị trí trung tâm chính trị của đất nước trong buổi đầu phục hưng độc lập sau hơn nghìn năm Bắc thuộc.
Ngô Quyền cũng muốn khẳng định việc trở về với cội nguồn của dân tộc, tỏ rõ ý nguyện tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Văn Lang - Âu Lạc, chính thức cắt hẳn sự ảnh hưởng của triều đình phương Bắc.
Câu 10: Nhờ đâu dưới thời Lý nhiều năm mùa màng bội thu?
Trả lời:
- Thời Lý thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp:
+ Chia ruộng đất cho nông dân cày cấy và nộp thuế cho nhà nước.
+ Thi hành chính sách “ngụ binh ư nông”
+ Mùa xuân hằng năm, các vua Lý thường về địa phương cày Tịch điền.
+ Nhà nước ban hành luật cấm giết hại trâu bò để bảo vệ sức kéo.
+ Nhà nước khuyến khích nhân dân khai khẩn đất hoang.
+ Nhà nước chú trọng đến công tác thủy lợi như: đào kênh mương, đắp đê phòng lụt,...
⇒ Nhờ vậy, nhiều năm mùa màng bội thu như: Năm 1016, triều đại vua Lý Thái Tổ. Năm 1030 – 1044, dưới thời vua Lý Thái Tông. Năm 1131, dưới thời vua Lý Anh Tông. Năm 1139 – 1140, dưới thời vua Lý Anh Tông.
Câu 11: Tóm tắt tình hình văn hóa thời Trần?
Trả lời:
- Tín ngưỡng cổ truyền phổ biến trong nhân dân và phát triển hơn trước: thờ tổ tiên, thờ anh hùng dân tộc, người có công.
- Tôn giáo:
- Nho giáo ngày càng được nâng cao vị thế. Nhiều nhà Nho được cử giữ các chức vụ quan trọng trong triều như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh,...
- Phật giáo được cả vua, quý tộc và nhân dân tôn sùng. Đặc biệt, thời kì này,
- Thiền phái trúc lâm Yên Tử ra đời do Trần Nhân Tông sáng lập.
- Giáo dục:
- Quốc Tử Giám được mở rộng, là nơi dạy học cho các hoàng tử và con em quý tộc, quan lại cấp cao.
- Các trường học xuất hiện ở nhiều địa phương.
- Các khoa thi Nho học thời Trần được tổ chức thường xuyên và quy củ hơn.
- Khoa học – kĩ thuật:
- Về sử học, Lê Văn Hưu biên soạn bộ Đại Việt sử kí – bộ sử kí đầu tiên. Việt sử lược (khuyết danh), Việt sử cương mục và Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc. Về quân sự, có tác phẩm Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Quốc Tuấn.
- Trong y học, Tuệ Tĩnh là thầy thuốc nổi tiếng, nghiên cứu và viết sách về cây thuốc nam.
- Văn học, nghệ thuật:
- Văn học chữ Hán và chữ Nôm rất phát triển, chứa đựng sâu sắc lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
- Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thể hiện rõ nét trong các công trình xây dựng như kinh đô Thăng Long (Hà Nội), thành Tây Đô (Thanh Hóa), các lăng mộ vua Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh), tháp Phổ Minh (Nam Định),...
- Nghệ thuật diễn xướng phát triển nhiều loại hình như; chèo, tuồng, hát xẩm, múa rối,..
Câu 12: Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến nhà Trần đã tiến hành chuẩn bị những gì để chống giặc Nguyên?
Trả lời:
- Nắm được thế mạnh của giặc, với ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, vua tôi nhà Trần đã phát động cuộc chiến tranh toàn dân.
- Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), vua Trần đã triệu tập Hội nghị Bình Than (Bắc Ninh).
+ Hội nghị được tổ chức vào năm 1282 cho các vương hầu để bàn phương án kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược Đại Việt năm 1285.
+ Đây là hội nghị của những người nắm giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước.
+ Hội nghị chủ yếu bàn về phương hướng chiến lược chống xâm lược và tổ chức bộ máy chỉ huy kháng chiến.
+ Hội nghị đã quyết định cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế – tổng chỉ huy các lực lượng kháng chiến.
- Tiếp sau đó, Hội nghị Diên Hồng được tổ chức vào năm 1284 tại kinh thành Thăng Long. Tại Hội nghị, các phụ lão trong cả nước được triệu tập trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu ý kiến về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai năm 1285. Tất cả hội nghị đều đồng tâm quyết đánh.
- Trần Quốc Tuấn đã soạn Hịch tướng sĩ để khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt.
- Nhà Trần tổ chức cuộc tập trận lớn và duyệt binh ở Đông Bộ Đầu, chia quân đóng giữ những nơi trọng yếu. Cả nước sẵn sàng chiến đấu.
Câu 13: Nhà Tống âm mưu xâm lược Đại Việt nhằm mục đích gì? Nhà Tống đã có những hành động như thế nào?
Trả lời:
- Âm mưu:
+ Từ giữa thế kỉ XI, nhà Tống gặp nhiều khó khăn về đối ngoại vì thế nhà Tống muốn dùng chiến tranh xâm lược để giải quyết những cuộc khủng hoảng trong nước.
+ Nhà Tống muốn dùng chiến công (nếu chiếm được Đại Việt) để trấn áp phe đối lập trong triều, dọa nạt 2 nước biên cương phía Bắc Liêu – Hạ và trấn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân trong nước.
- Hành động:
+ Nhà Tống xúi giục vua Chăm-pa đánh lên từ phía nam Đại Việt.
+ Biên giới phía bắc Đại Việt, việc đi lại buôn bán của nhân dân bị ngăn cản.
+ Quan lại nhà Tống nhiều lần đem quân quấy phá lãnh thổ Đại Việt, dụ dỗ các tù trưởng dân tộc ít người của ta để làm chỗ dựa cho âm mưu xâm lược của nhà Tống.
Câu 14: Thế nào là chính sách “ngụ binh ư nông”? Ý nghĩa của việc cày Tịch điền.
Trả lời:
- Chính sách “ngụ binh ư nông”:
+ Chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi binh ở nhà nông) nghĩa là hằng năm, chia quân sĩ thay phiên nhau đi luyện tập và thanh niên đăng kí tên vào sổ nhưng vẫn ở nhà sản xuất. Khi có chiến tranh, khi cần triều đình sẽ điều động tham gia quân ngũ.
+ Chính sách này có ưu điểm: Lực lượng tham gia quân đội là những trai tráng ở các làng (từ 18 tuổi) lại vừa là lực lượng lao động sản xuất chính, với cơ sở này có tác dụng vừa đảm bảo có lực lượng sản xuất nông nghiệp, vừa có lực lượng quân đội dự trữ. Họ vừa có nhiệm vụ sản xuất khi thời bình, đánh giặc khi có chiến tranh.
- Ý nghĩa của việc cày Tịch điền:
+ Biểu hiện sự quan tâm của nhà vua đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
+ Vua cày ruộng để làm gương cho nông dân noi theo. Với ý thức “... không tự mình cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo”.
Câu 15: Vì sao có sự phân hóa xã hội thời Trần?
Trả lời:
- Thời Trần, xã hội ngày càng phân hóa mạnh mẽ, sự phân biệt đẳng cấp ngày càng sâu sắc, nhất là tầng lớp quý tộc, vương hầu nhà Trần có nhiều đặc quyền, đặc lợi, trong khi đó tầng lớp nông dân, nỗ tì đông đảo nhưng đây là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, họ bị lệ thuộc vào tầng lớp quý tộc.
- Đặc điểm nhà nước thời Trần là nhà nước quân chủ quý tộc.
⇒ Thời Trần có sự phân hóa xã hội.
Câu 16: Nhân vật lịch sử nào đã lập ra nhà Nguyên? Trình bày âm mưu xâm lược Đại Việt lần thứ hai của quân Nguyên.
Trả lời:
- Vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt là người đã lập ra nhà Nguyên (1271) sau khi đánh chiếm được nước Nam Tống, làm chủ phần lớn lãnh thổ Trung Quốc.
- Âm mưu xâm lược Đại Việt của quân Nguyên:
+ Năm 1279, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược Chăm-pa và Đại Việt.
+ Trong hoàn cảnh mới, với thế lực lớn, đồng thời rút kinh nghiệm của thất bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất, quân Nguyên đã đánh vào Chăm-pa (ở phía nam Đại Việt, là một quốc gia nhỏ) để biến nơi đây thành bàn đạp đánh lên Đại Việt, phối hợp với quân chủ lực đánh từ phía bắc xuống.
+ Nhưng nhân dân Chăm-pa đã chiến đấu hết sức anh dũng, kế hoạch của nhà Nguyên định dùng Chăm-pa làm bàn đạp tấn công vào nước ta bước đầu tan vỡ.
Câu 17: Mô tả vài nét về phòng tuyến Như Nguyệt.
Trả lời:
– Vài nét về phòng tuyến Như nguyệt:
+ Sông Như Nguyệt là đoạn sông Cầu chảy qua huyện Yên Phong (bờ Bắc là Bắc Giang, bờ Nam là Bắc Ninh ngày nay). Đây là đoạn sông có vị trí rất quan trọng, vì nó án ngữ mọi con đường từ phía Bắc chạy về Thăng Long.
+ Phòng tuyến dài gần 100 km, được đắp bằng đất cao, vững chắc, bên ngoài có mấy lớp giàu tre dày đặc. Dưới bãi sông còn có những hố chôn ngầm, tất cả hợp thành một chiến lũy vững kiên cố.
+ Quân chủ lực do Lý Thường Kiệt chỉ huy, trực tiếp đóng giữ phòng tuyến quan trọng này gồm cả thủy binh và bộ binh.
Câu 18: Bằng việc sưu tầm tài liệu, hãy kể về tiểu sử và công lao của Lý Thường Kiệt?
Trả lời:
- Lý Thường Kiệt sinh năm 1019 tại căn nhà của một võ quan ở phường Thái Hòa, con trai đầu lòng của Ngô An Ngữ và bà họ Hàn, ra đời Lý Thường Kiệt được đặt tên là Ngô Tuấn.
- Dưới thời Lý Thánh Tông, ông An Ngữ mất, chồng của cô ruột là Tạ Đức đưa Lý Thường Kiệt về nuôi, dạy văn, võ. Năm 18 tuổi (1036), khi mẹ mất Ngô Tuấn được vua tin yêu thăng thưởng dần lên chức Đô trị và được đổi sang họ vua gọi là Lý Thường Kiệt.
- Năm 1061, được vua cử vào trấn giữ vùng núi Thanh – Nghệ hiểm trở, ông đã làm cho dân no ấm, biên cương được bảo vệ vững vàng.
- Năm 1075, nhà Tống âm mưu xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt tâu với Thái hậu Ỷ Lan rằng: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước”. Thái hậu đồng ý cho Lý Thường Kiệt và Tông Đàn mang quân đánh Ung Châu. Sau đó Lý Thường Kiệt cho xây dựng tuyến phòng thủ ở sông Như Nguyệt.
- Năm 1077, nhà Tống mang quân đến sông Như Nguyệt bị quân Lý Thường Kiệt bao vây đánh tơi bời. Lý Thường Kiệt đã chủ động đề nghị “giảng hòa” để cho quân Tống có lối thoát rút quân về nước. Cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi vẻ vang.
Câu 19: Phòng tuyến sông Như Nguyệt đã ghi dấu ấn trong việc đánh bại quân nhà Tống như thế nào?
Trả lời:
– Phòng tuyến sông Như Nguyệt đã ghi dấu ấn:
+ Tháng 1-1077, quân Tống chia làm hai đạo tiến vào xâm lược Đại Việt. Cánh quân bộ do Quách Quỳ chỉ huy vượt qua vùng biên giới Đông Bắc nước ta. Trên đường vào Thăng Long chúng đã bị chặn đứng trước phòng tuyến sông Như Nguyệt. Còn cánh quân thủy do Hòa Mậu chỉ huy tiến vào vùng ven biển Đông Bắc bị chặn đánh liên tiếp nên không thể tiến sâu vào nội địa để hỗ trợ cho quân bộ.
+ Trong tình thế đó, Quách Quỳ nhiều lần cho quân vượt sông Như Nguyệt nhưng đều bị đẩy lùi về phía bờ Bắc.
+ Cuối Xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt quyết định mở cuộc tấn công lớn. Vào ban đêm, quân ta lặng lẽ vượt sông Như Nguyệt, đánh thẳng vào trại quân Tống. Quân giặc thua to, lâm vào tình thế khó khăn, tuyệt vọng. Lý Thường Kiệt đề nghị giảng hòa để tạo cho quân Tống lối thoát rút quân về nước.
+ Trận đánh trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống, giữ vững nền độc lập, tự chủ cho đất nước.
Câu 20: Vì sao cả ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên thời Trần quân và dân ta đều giành thắng lợi?
Trả lời:
- Nhờ lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập tự chủ và quyết tâm đánh giặc của quân dân Đại Việt.
- Nhờ kế sách đánh giặc đúng đắn và sáng tạo: chủ động chuẩn bị kháng chiến, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của kẻ thù,...
- Nhờ sự lãnh đạo, chỉ huy tài ba của vua Trần Thái Tông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và các tướng lĩnh như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải,...
- Công cuộc chuẩn bị kháng chiến chu đáo, toàn diện. Nổi lên hai Hội nghị Bình Than và Diên Hỏng với mục tiêu: đoàn kết đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc.
⇒ Cả ba lần lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên thời Trần quân và dân ta đều giành thắng lợi.