Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 1. TÂY ÂU TỪ THẾ KỶ V ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVI (PHẦN 2)

Câu 1: Để thủ tiêu bộ máy nhà nước của chủ nô La Mã, người Giéc-man đã thành lập những vương quốc mới nào?

Trả lời:

- Để thủ tiêu bộ máy nhà nước của chủ nô La Mã, người Giéc-man đã thành lập những vương quốc mới như: Vương quốc của người Ăng-lô Xắc-xông, Vương quốc Phơ-răng, Vương quốc Tây Gốt, Vương quốc Đông Gốt,..

Câu 2: Hãy cho biết quá trình tích lũy vốn và tập trung nhân công của giai cấp tư sản trong giai đoạn đầu như thế nào.

Trả lời:

  • Quá trình tích lũy vốn:
    • Thương nhân châu Âu đẩy mạnh cướp bóc của cải, tài nguyên từ các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ đem về châu Âu.
    • Ở trong nước: dùng bạo lực và nhiều thủ đoạn để tước đoạt ruộng đất của nông nô, tư liệu sản xuất của thợ thủ công,…
  • Quá trình tập trung nhân công:
    • Hàng triệu người da đen ở châu Phi bị bắt để bán cho các chủ đồn điền, hầm mỏ ở châu Âu, châu Mỹ làm nhân công.
    • Thực hiện phong trào “rào đất cướp ruộng”, tước đoạt ruộng đất của nông nô và biến họ trở thành người làm thuê cho các công xưởng của tư bản.

 

Câu 3: Trình bày những thành tựu nổi bật của phong trào văn hóa Phục hưng?

Trả lời:

- Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học – kĩ thuật, sự phát triển phong phú về văn học và sự nở rộ các tài năng

+ Ra-bơ-le vừa là nhà văn, vừa là nhà y học.

+ Đề-các-tơ vừa là nhà toán học, vừa là nhà triết học lớn.

+ M. Xéc-van-téc là một nhà văn lớn của Tây Ban Nha với tác phẩm nổi tiếng là Đôn Ki-hô-tê.

+ W. Sếch-xpia người Anh là nhà viết kịch vĩ đại thời Văn hóa Phục hưng với nhiều vở kịch nổi tiếng như Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Hăm-lét, Ô-tec-lô,...

+ Lê-ô-na đờ Vanh-xi, người I-ta-li-a là một họa sĩ thiên tài, để lại nhiều kiệt tác cho nhân loại như: Bữa ăn tối cuối cùng, Nàng La Giô-công-đơ.

+ Mi-ken-lăng-giơ là một danh họa, một nhà điêu khắc, kiến trúc sư nổi tiếng người I-ta-li-a với những tác phẩm tiêu biểu như: Sáng tạo thế giới, Cuộc phán xét cuối cùng, Tượng Đa-vít,...

+ Thời Văn hóa Phục hưng đã xuất hiện nhiều nhà khoa học dũng cảm chống lại những quan điểm sai lầm, bảo thủ của giáo hội. Tiêu biểu là N. Cô-péc-ních (người Ba Lan), G. Ga-li-lê (người I-ta-li-a). N. Cô-péc-ních đã chứng minh rằng Trái Đất quay quanh trục của nó và quay xung quanh Mặt Trời nhưng bị giáo hội cấm lưu hành. Còn G. Ga-li-lê công bố học thuyết Trái Đất quay mà bị bỏ tù khi ông đã 70 tuổi. Dù vậy, khi bị kết án, ông vẫn tuyên bố: “Dù sao Trái Đất vẫn quay”.

Câu 4: Trình bày những biến đổi của xã hội Tây Âu trong thời đại phong kiến?

Trả lời:

Những biến đổi của xã hội Tây Âu trong thời đại phong kiến:

- Cuối thế kỉ V, xã hội Tây Âu có những biến đổi lớn:

+ Bộ máy nhà nước của đế quốc La Mã sụp đổ.

+ Quý tộc thị tộc người Giéc-man được phong tước vị chiếm nhiều ruộng đất của chủ nô La Mã.

+ Quý tộc La Mã quy thuận chính quyền mới, được giữ lại ruộng đất.

- Những quý tộc thị tộc người Giéc-man và quý tộc La Mã quy thuận trở thành lãnh chúa phong kiến

- Những nô lệ được giải phóng và nông dân tự do mất ruộng đất phải phụ thuộc vào các lãnh chủ trở thành nông nô.

- Xã hội châu Âu có hai giai cấp cơ bản: lãnh chúa phong kiến và nông nô. Đó là điều kiện dẫn để sự ra đời của xã hội phong kiến châu Âu thời trung đại.

Câu 5: Nêu những biểu hiện của sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu.

Trả lời:

  • Xuất hiện quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa: quan hệ chủ - thợ được hình thành giữa chủ công trường thủ công, chủ đồn điền,... với những người lao động làm thuê => Quan hệ bóc lột giai cấp.
  • Hình thức bóc lột: bóc lột giá trị thặng dư.
    • Người lao động không được sở hữu bất cứ tài sản nào trong xã hội.
    • Toàn bộ nhà xưởng, ruộng đất, công cụ và nguyên liệu,... đều là của chủ, công nhân phải bán sức lao động của mình và nhận về đồng lương ít ỏi.
  • Các hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa:
    • Trong công nghiệp: xuất hiện các công trường thủ công dưới nhiều hình thức (công trường thủ công phân tán, công trường thủ công tập trung và công trường thủ công hỗn hợp).
    • Trong nông nghiệp: xuất hiện các trang trại của phú nông, nông trang của địa chủ phong kiến, trại ấp của tư sản nông nghiệp.

Câu 6: Trình bày những tác động của phong trào cải cách tôn giáo?

Trả lời:

- Phong trào Cải cách tôn giáo được đông đảo nhân dân ủng hộ, đã lan rộng khắp Tây Âu trong thế kỉ XVI.

- Phong trào đã làm cho Thiên Chúa giáo phân hóa thành hai giáo phái: Cựu giáo (Thiên Chúa giáo) và Tân giáo (Anh giáo, Tin Lành,... là những tôn giáo cải cách).

- Phong trào đã làm bùng lên một cuộc đấu tranh rộng lớn ở Đức, thường gọi là cuộc Chiến tranh nông dân Đức.

- Là một trong những cuộc đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hóa – tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến đã suy tàn.

- Cổ vũ và mở đường cho nền văn hóa châu Âu phát triển cao hơn.

 

Câu 7: Thế nào là lãnh địa phong kiến? Đặc điểm của các giai cấp trong lãnh địa phong kiến?

Trả lời:

  • Hiểu biết về lãnh địa phong kiến:

- Là một khu đất rộng lớn mà quý tộc tước đoạt được, bao gồm đất canh tác, rừng, ao hồ, nhà thờ, lâu đài của lãnh chúa, nhà ở của nông nô.

- Đứng đầu mỗi lãnh địa là một lãnh chúa, có mọi quyền hành trong lãnh địa đó.

- Quyền lực của lãnh chúa trong lãnh địa: quyền sở hữu tối cao ruộng đất, quyền đặt ra các loại tô, thuế. Ngoài ra, lãnh chúa còn đứng đầu cơ quan pháp luật và thống trị nông nô về tinh thần.

  • Đặc điểm của các giai cấp trong lãnh địa phong kiến:

- Trong mỗi lãnh địa phong kiến có hai giai cấp cơ bản, đó là: lãnh chúa phong kiến và nông nô.

+ Lãnh chúa phong kiến có cuộc sống nhàn rỗi, xa hoa, sung sướng bằng việc bóc lột tô, thuế và sức lao động của nông nô.

+ Nông nô là người sản xuất chính trong các lãnh địa. Họ bị cột chặt và lệ thuộc vào lãnh chúa.

- Trong lãnh địa diễn ra mâu thuẫn giữa nông nô với lãnh chúa phong kiến ngày càng gay gắt, đã làm bùng nổ các cuộc đấu tranh của nông nô chống lại lãnh chúa.

Câu 8: Hãy cho biết những biến đổi chính trong xã hội Tây Âu giai đoạn này

Trả lời:

Trong giai đoạn này, xã hội Tây Âu đã có những thay đổi. Cụ thể là:

  • Sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thúc đẩy sự xuất hiện của các giai cấp mới trong xã hội phong kiến Tây Âu.
  • Xuất hiện 2 giai cấp mới: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
  • Xuất hiện những mâu thuẫn mới trong xã hội, đó là:
    • Mâu thuẫn giữa tư sản và lãnh chúa phong kiến.
    • Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
    • Bên cạnh đó vẫn tồn tại mâu thuẫn cũ giữa nông dân với địa chủ và lãnh chúa phong kiến.
  • Sự ra đời của các giai cấp, tầng lớp mới tạo điều kiện cho sự ra đời các học thuyết xã hội mới, đặc biệt là học thuyết tư bản chủ nghĩa và học thuyết xã hội chủ nghĩa ở giai đoạn sau.

 

Câu 9: Phong trào văn hóa Phục hưng ý nghĩa và tác động như thế nào đối với xã hội Tây Âu?

Trả lời:

- Ý nghĩa Phong trào văn hóa Phục hưng:

+ Thông qua các tác phẩm của mình, các nhà Phục hưng đã có đóng góp lớn trong việc giải phóng con người khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến và Giáo hội.

=> Phong trào Phục hưng là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên của giai cấp tư sản chống giai cấp phong kiến đã lỗi thời.

- Mở đường cho sự phát triển cao của văn hóa châu Âu trong những thế kỉ sau đó; làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

- Phong trào văn hóa Phục hưng: đóng vai trò tích cực trong việc phát động quần chúng chống lại chế độ phong kiến.

Câu 10: Đời sống của các lãnh chúa phong kiến trong các lãnh địa diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Đời sống của các lãnh chúa phong kiến trong các lãnh địa:

+ Trong các lãnh địa, bọn lãnh chúa phong kiến sống bằng việc bóc lột sức lao động của nông nổ. Lãnh chúa có cuộc sống nhàn rỗi, xa hoa và trụy lạc.

+ Nghề nghiệp chính của họ là chiến đấu, vì vậy từ nhỏ con em quý tộc chỉ học tập quân sự như phi ngựa, đấu kiếm, đâm lao... Họ không quan tâm đến học văn hóa để mở rộng trí tuệ nên số đông trong bọn họ rất thô lỗ, dốt nát, thậm chí không biết chữ.

+ Thời bình, quanh năm họ tổ chức tiệc tùng linh đình, tổ chức vũ hội, săn bắn, đua ngựa và thi đấu vô... Không những thế, họ còn đối xử rất tàn nhẫn với nông nô.

 

Câu 11: Một hậu quả của phát kiến địa lí là dẫn đến làn sóng xâm lược thuộc địa và cướp bóc thực dân. Em hãy tìm hiểu thêm và cho biết Việt Nam đã từng bị xâm lược và trở thành thuộc địa của nước nào?

Trả lời:

Việt Nam đã từng bị xâm lược và trở thành thuộc địa của Pháp (1858) do hậu quả của các cuộc phát kiến địa lí, dẫn đến làn sóng xâm lược thuộc địa và cướp bóc thực dân.

Câu 12: Vẽ sơ đồ tư duy hoặc lập bảng hệ thống thể hiện những nét chính về phong trào văn hóa Phục hưng (điều kiện, mục đích, ý nghĩa)

Trả lời:

 

Điều kiện

Mục đích

Ý nghĩa

Phong trào văn hóa

Phục hưng

- Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế châu Âu.

- Sự thắng thế của chế độ phong kiến tập quyền.

- Mâu thuẫn giữa nhân dân với giai cấp thống trị phong kiến trở nên gay gắt.

- Khôi phục tinh hoa văn hóa xán lạn cổ đại Hy Lạp và La Mã.

- Xây dựng một nền văn hóa mới, đề cao giá trị chân chính của con người.

- Đòi quyền tự do cá nhân, coi trọng khoa học – kĩ thuật.

- Lên án gay gắt giáo hội Thiên Chúa giáo và đả phá trật tự phong kiến.

- Đề cao giá trị con người và tự do cá nhân.

- Đề cao tinh thần dân tộc, có nhiều đóng góp đối với kho tàng văn hóa nhân loại.

- Là bước đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại giai cấp phong kiến đã lỗi thời.

- Mở đường cho văn hóa Tây Âu phát triển trong những thế kỉ sau.

 

Câu 13: Trình bày các hoạt động của thành thị trung đại Châu Âu.

Trả lời:

- Các hoạt động của thành thị trung đại Châu Âu:

+ Một số thợ thủ công tìm cách thoát khỏi lãnh địa, tập trung ở những nơi thuận tiện sản xuất, mua bán như các chợ bên ngoài lãnh địa; các bến sông, nơi giao nhau của các trục đường giao thông chính. Tại những nơi này, bắt đầu xuất hiện các thị trấn rồi đến thành phố, gọi là thành thị trung đại.

+ Trong thành thị, cư dân chủ yếu là thợ thủ công và thương nhân. Họ lập ra phường hội, thương hội nhằm giữ độc quyền sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi và đấu tranh chống sự áp bức, sách nhiễu của lãnh chúa địa phương.  

Câu 14: Quan sát hình 2, em hãy cho biết lãnh chúa phong kiến và nông nô được hình thành từ những tầng lớp nào?

 

Trả lời:

Lãnh chúa phong kiến và nông nô được hình thành từ những tầng lớp: Lãnh chúa phong kiến và nông nô.

  • Lãnh chúa phong kiến được hình thành từ những quý tộc thị người Giéc-man (thông qua việc chiếm nhiều ruộng đất của chủ nô La Mã và được phong tước vị) và quý tộc La Mã quy thuận chính người Giéc Man (họ được giữ lại ruộng đất).
  • Nông nô được hình thành từ nô lệ (được giải phóng) và nông dân tự do (mất ruộng đất).

Câu 15: Hãy lập và hoàn thành bảng theo mẫu dưới đây:

Trả lời:

Các nhà Văn hóa phục hưng

Lĩnh vực

Tác phẩm/ Công trình tiêu biểu

M. Xéc-van-tét

Nhà văn

Đôn Ki-hô-tê

W. Sếch-xpia

Nhà viết kịch

Rô-mê-ô và Giu-li-ét

Lê-ô-na đơ Vanh-xi

Hoạ sĩ

Bữa tiệc cuối cùng, Nàng La Giô-công-đơ

N. Cô-péc-ních

Thiên văn học

Học thuyết Trái Đất quay quanh trục

G. Ga-li-ê

Thiên văn học

Học thuyết Trái Đất quay

 

Câu 16: Mô tả quá trình hình thành nông nô?

Trả lời:

Mô tả quá trình hình thành nông nô:

- Dưới thời đế quốc La Mã ở Tây Âu, xã hội phân chia thành hai giai cấp chính đó là chủ nô và nô lệ. Bên cạnh đó còn có giai cấp nông dân công xã.

- Khi đế quốc La Mã bị một bộ tộc Giéc-man từ phương Bắc tràn xuống (bộ tộc Giéc-man có nguồn gốc từ Bắc Âu) chiếm lãnh thổ rộng lớn của đế quốc La Mã, đưa đến sự diệt vong của đế quốc La Mã vào năm 476.

- Từ đó, giai cấp chủ nô La Mã không còn tồn tại, một bộ phận phân hóa thành lãnh chúa phong kiến. Còn giai cấp nô lệ được giải phóng thân thể và nông dân công xã bị mất ruộng đất trở thành nông nổ.

Câu 17: Quan sát hình 3 và đọc thông tin trong mục, em hãy trình bày đặc điểm của lãnh địa phong kiến ở Tây Âu.

Trả lời:

Quan sát hình 3 và đọc thông tin ta thấy, lãnh địa phong kiến ở Tây Âu có những đặc điểm:

  • Là đơn vị chính trị, kinh tế cơ bản của Tây Âu cho đến thế kỉ IX.
  • Là khu đất rộng lớn thuộc sở hữu của một lãnh chúa, bao gồm đất của lãnh chúa và đất khẩu phần.
  • Mỗi lãnh địa có quân đội, luật pháp, tòa án, thuế khóa, tiền tệ, hệ thống đo lường riêng.
  • Kinh tế chủ đạo của lãnh địa là nông nghiệp, tự cấp, tự túc, ít trao đổi với bên ngoài.
  • Lãnh chúa sống bằng việc bóc lột sức lao động tô, thuế của nông nô.

Câu 18: Hoạt động kinh tế chính trong lãnh địa phong kiến Châu Âu thời trung đại là hoạt động kinh tế nào? Nhận xét về nền kinh tế đó.

Trả lời:

- Hoạt động kinh tế chính trong lãnh địa phong kiến Châu Âu thời trung đại là nông nghiệp.

- Nhận xét về nền kinh tế của các lãnh địa phong kiến ở Châu Âu thời trung đại:

+ Kinh tế chính trong lãnh địa là nông nghiệp.

+ Kĩ thuật canh tác: lạc hậu, thô sơ.

+ Quan hệ sản xuất: nông nô là lực lượng sản xuất chính nhưng bị lãnh chúa bóc lột.

+ Nền kinh tế hầu như hoàn toàn mang tính tự cấp tự túc. Chỉ có những thứ không sản xuất được trong lãnh địa mới mua từ bên ngoài.

+ Kinh tế lãnh địa kìm hãm sự phát triển của xã hội phong kiến ở Tây Âu thời trung đại.

 

Câu 19: Những điểm khác nhau giữa kinh tế thành thị trung đại và nền kinh tế lãnh địa. Nguyên nhân của sự khác nhau đó.

Trả lời:

- Kinh tế lãnh địa:

+ Sản xuất chủ yếu là nông nghiệp.

+ Sản xuất ra sản phẩm chỉ để tiêu dùng trong lãnh địa, không trao đổi, mua bán ra bên ngoài nên được gọi là nền kinh tế tự cung tự cấp.

+ Kinh tế lãnh địa kìm hãm sự phát triển của xã hội phong kiến.

- Kinh tế thành thị:

+ Sản xuất chủ yếu là các nghề thủ công.

+ Sản phẩm thủ công để trao đổi, mua bán nên gọi là nền kinh tế hàng hóa.

+ Kinh tế thành thị tạo điều kiện cho xã hội phong kiến phát triển.

- Nguyên nhân:

+ Tính chất của thành thị Tây Âu thời trung đại là có sự giao thương với bên ngoài, góp phần phát triển kinh tế.

+ Kinh tế thành thị không chịu gò bó như kinh tế tự cung tự cấp của các lãnh địa phong kiến. Vì vậy, khi thành thị ra đời đã phá vỡ tính khép kín của kinh tế các lãnh địa phong kiến, tạo kiện cho kinh tế hàng hóa phát triển.

Câu 20: Khai thác sơ đồ Hình 2 và thông tin trong mục, hãy trình bày mối quan hệ giữa lãnh chúa và nông nô trong xã hội phong kiến.

 

Trả lời:

Mối quan hệ giữa lãnh chúa và nông nô trong xã hội phong kiến là quan hệ bóc lột bằng địa tô.

  • Các hình thức địa tô như lao dịch, tô hiện vật, tô tiền. Trong đó, tô lao dịch phổ biến trong giai đoạn đầu hình thành lãnh địa phong kiến.
  • Lãnh chúa phong kiến bóc lột sức lao động của nông nô và chi phối mọi mặt đời sống của nông nô.
  • Nông nô là lực lượng sản xuất chính, phải nhận ruộng từ lãnh chúa và nộp tô thuế cho lãnh chúa.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay