Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 6: Khởi nghĩa Lam Sơn và Đại Việt thời Lê sơ (1418 – 1527); 7: Vùng đất phía Nam Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 6: Khởi nghĩa Lam Sơn và Đại Việt thời Lê sơ (1418 – 1527); 7: Vùng đất phía Nam Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 6+7 (PHẦN 2)

Câu 1: Nhân vật lịch sử nào được gọi là Bình Định Vương? Bình Định Vương đã dựng cờ khởi nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Nhân vật lịch sử được gọi là Bình Định Vương: Lê Lợi

- Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa:

+ Lê Lợi (1385-1433) là một hào trưởng có uy tín ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa). Trước cảnh nước mất, nhân dân lầm than, ông đã dốc hết tài sản chiêu tập nghĩa quân, bí mật liên lạc với các hào kiệt, xây dựng lực lượng và chọn Lam Sơn làm căn cứ khởi nghĩa.

+ Được tin Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa chống quân Minh, hàng loạt nhân tài yêu nước từ các nơi đã tìm về Lam Sơn, trong đó có Nguyễn Trãi.

+ Năm 1416, Hội thề Lũng Nhai của chủ soái Lê Lợi cùng 18 hào kiệt đồng chí hướng được tổ chức với quyết tâm chiến đấu đến cùng, “sống chết có nhau”

+ Ngày 7-2-1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương.

Câu 2: Hãy cho biết tình hình thủ công nghiệp, thương nghiệp của Đại Việt thời Lê Sơ?

Trả lời:

Thủ công nghiệp

Thương nghiệp

- Phát triển nhiều ngành nghề thủ công truyền thống ở làng xã, kinh đô Thăng Long.

- Nhiều làng nghề thủ công chuyên nghiệp ra đời.

– Trong nước: khuyến khích lập chợ, họp chợ.

- Ngoại thương: buôn bán với nước ngoài được duy trì, tuy nhiên được kiểm soát chặt chẽ.

 

Câu 3: Hãy cho biết những nét chính về tình hình chính trị vùng đất Nam Bộ từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI.

Trả lời:

Những nét chính về tình hình chính trị vùng đất Nam Bộ từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI:

  • Vương quốc Phù Nam sụp đổ, vùng đất Nam Bộ trên danh nghĩa bị đặt dưới quyền cai trị của Chân Lạp.
  • Thực tế: triều đình Ăng-co gặp nhiều khó khăn, không thể quản lí → giao cho người thuộc dòng dõi Phù Nam.
  • Cuối thế kỉ XIV: Chân Lạp phải đối phó với các cuộc tấn công của quân Xiêm → không có khả năng kiểm soát trực tiếp vùng đất Nam Bộ.
  • Giai đoạn thế kỉ X - đầu thế kỉ XIV: khu vực Nam Bộ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi điều kiện tự nhiên → cư dân thưa vắng.

Câu 4: Những năm đầu dựng cờ khởi nghĩa nghĩa quân lam Sơn đã hoạt động như thế nào?

Trả lời:

- Tháng 2-1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ. Trong tình thế lực lượng còn ít, quân sĩ có lúc chỉ còn 100 người mà quân Minh lại đang mạnh và làm chủ cả nước, nghĩa quân đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ.

- Do mới bắt đầu hoạt động, khởi nghĩa thiếu về lương thực. Năm 1421, trong một đợt vây quét của giặc Minh, nghĩa quân lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng, đói và rét,... Lê Lợi phải cho giết cả voi, ngựa để nuôi quân.

- Nhiều lần bị quân Minh tấn công, nghĩa quân phải rút quân lên núi Chí Linh, cố gắng bảo toàn lực lượng:

+ Năm 1418, nghĩa quân phải rút lên núi Chí Linh (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) lần 1. Quân Minh huy động quân bắt Lê Lợi, Lê Lai liều chết cứu chủ tướng.

+ Năm 1421, quân Minh mở cuộc càn quét buộc nghĩa quân rút lên núi Chí Linh lần 2.

- Trong tình thế khó khăn đó, năm 1423, Lê Lợi, Nguyễn Trãi quyết định hòa hoãn với quân Minh, tranh thủ thời gian tìm phương hướng mới, củng cố lực lượng...

- Năm 1424, quân Minh trở mặt tấn công, nghĩa quân Lam Sơn phải rút lên núi Chí Linh lần 3, khởi nghĩa chuyển sang giai đoạn mới.

Câu 5: So sánh điểm khác nhau về sự thành lập và kinh tế thời Trần với thời Lê sơ  

Trả lời:

  • Về sự thành lập:

– Thời Trần, sau khi được thành lập năm 1226, tiến hành ngay nhiều chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp.

– Thời Lê sơ, sau cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi mới tập trung khôi phục, phát triển kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nhiệp và thương nghiệp.

  • Về kinh tế:

– Về nông nghiệp:

+ Thời Trần, hằng năm nhà vua tổ chức lễ cày Tịch điền. Thực hiện chính sách ruộng đất điền trang, thái ấp.

+ Thời Lê sơ, nhà vua không tổ chức lễ cày Tịch điền. Nhà nước thực hiện chính sách quân điển về ruộng đất. Đặt một số chức quan chuyên trách về nông nghiệp như Khuyến nông sứ, Hà đê sứ, Đồn điền sứ,...

– Về thủ công nghiệp:

+ Thời Trần mặt hàng thủ công càng ngày càng tốt, đẹp: thạp gốm hoa nâu, gạch đất nung chạm

+ Thời Lê sơ, có các làng nghề thủ công, phường thủ công. Các xưởng do nhà nước quản lí, gọi là Cục Bách tác.

– Về thương nghiệp:

+ Thời Trần, đã có sự phát triển, tuy nhiên, chưa bằng thời Lê sơ.

+ Thời Lê sơ, triều đình khuyến khích việc lập chợ, thúc đẩy việc buôn bán giữa các địa phương, giữa các làng nghề thủ công với đô thị. Buôn bán với nước ngoài được duy trì và phát triển hơn thời Trần.

Câu 6: Hãy nêu những nét chính về tình hình kinh tế, văn hoá của vùng đất Nam Bộ từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI.

Trả lời:

Những nét chính về tình hình kinh tế, văn hoá của vùng đất Nam Bộ từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI:

  • Cư dân Nam Bộ tập trung thành xóm làng ở những vùng đất cao phía Tây.
  • Kinh tế:
    • Dựa vào canh tác lúa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thuỷ hải sản.
    • Làm các nghề thủ công, buôn bán nhỏ, thương nghiệp kém phát triển.
  • Văn hoá:
    • Giữ nhiều truyền thống văn hoá từ thời Phù Nam, tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc.
    • Hindu giáo, Phật giáo, các tín ngưỡng dân gian: tiếp tục được duy trì trong đời sống văn hoá.
    • Đời sống vật chất, tinh thần phản ánh nền văn hóa bình dân của những con người sống ở vùng khí hậu nóng ẩm và môi trường sông nước.

 

Câu 7: Những thắng lợi đầu tiên làm thay đổi cục diện cuộc chiến của nghĩa quân Lam Sơn là những thắng lợi nào?

Trả lời:

- Nghĩa quân Lam Sơn thắng lợi giải phóng Nghệ An:

+ Thời gian tạm hòa diễn ra không lâu. Quân Minh tìm mọi cách mua chuộc Lê Lợi nhưng không thành. Chúng phải thay đổi ý định. Trước tình hình đó, nghĩa quân quyết định mở lại cuộc chiến đấu, đưa cuộc khởi nghĩa bước qua giai đoạn mới.

+ Để phá thế bao vây của địch, theo đề nghị của tướng Nguyễn Chích – một người đã từng hoạt động nhiều ở vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, nghĩa quân chuyển hướng tấn công vào Nghệ An. Nơi đây, đất rộng người đông, lại vừa ít lực lượng của quân Minh, nhân dân đều mong muốn tham gia khởi nghĩa

+ Từ Nghệ An, nghĩa quân mở rộng vùng giải phóng Tây Đô (Thanh Hóa) và Đông Quan

+ Được nhân dân ủng hộ, đến cuối năm 1424, nghĩa quân giải phóng Nghệ An.

- Nghĩa quân Lam Sơn thắng lợi giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa đến đèo Hải Vân.

=> Những thắng lợi này đã làm thay đổi căn bản cục diện cuộc chiến và so sánh lực lượng giữa hai bên theo hướng có lợi cho nghĩa quân.

Câu 8: Hãy kể tên một số danh nhân văn hóa tiêu biểu thời Lê sơ và những đóng góp của họ đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc?

Trả lời:

Nhân vật

Đóng góp

Nguyễn Trãi

-Tư tưởng nhân nghĩa, thương dân

- Tác phẩm: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú,…

Lê Thánh Tông

- Hoàng đế anh minh, tài năng, tiến hành cải cách để đưa thời kì ông cai trị đạt đến đỉnh cao của chế độ quân chủ chuyên chế.

- Sáng lập hội Tao Đàn, để lại 300 bài thơ chữ Hán, Hồng Đức quốc âm thi tập bằng chữ Nôm

Ngô Sỹ Liên

Đại Việt sử kí toàn thư

Lương Thế Vinh

Đại Thành toán pháp, Thiển môn giáo khoa…

 

Câu 9: Dựa vào kiến thức đã học, em hãy lí giải về những nguyên nhân khiến trong một thời kì dài, triều đình Chân Lạp không thể quản lí và kiểm soát được vùng đất Nam Bộ.

Trả lời:

  • Thế kỉ XV: sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái và sự tấn công của người Thái khiến triều đình Ăng-co suy yếu → Gặp nhiều khó khăn, không thể quản lí vùng đất Nam Bộ.
  • Cuối thế kỉ XIV: phải đối phó với các cuộc tấn công của quân Xiêm → Không có khả năng kiểm soát trực tiếp vùng đất Nam Bộ.

Câu 10: Kể tên những nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng to lớn đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Trả lời:

- Những người trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy cuộc khởi nghĩa: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chích

- Ngoài ra, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn còn có vai trò to lớn của Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Nguyễn Biểu, Lê Lai,... những người đã sớm đến với Lê Lợi, đến với nghĩa quân Lam Sơn để cùng nghĩa quân chiến đấu và chiến thắng.

 

Câu 11: Hãy cho biết Vương triều Lê sơ được thành lập như thế nào.

Trả lời:

  • Năm 1428: Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, thành lập nhà Lê Sơ.
  • Đặt niên hiệu Thuận Thiên, khối phục quốc hiệu Đại Việt và đóng đô ở Thăng Long.

Câu 12: Viết một đoạn văn giới thiệu về một di tích đền tháp Chăm-pa được xây dựng trong giai đoạn từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI. Theo em cần phải làm gì để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích đó.

Trả lời:

  • Gợi ý: Giới thiệu về đền tháp Po-na-ga.

Đền tháp Po-na-ga được xây dựng trong khoảng từ thế kỉ thứ VIII đến hết thế kỉ thứ XIII. Đây là thời kỳ Hinđu giáo phát triển cực thịnh tại vương quốc Chăm-pa cổ. Tên gọi của tháp được đặt theo tên của một vị nữ vương, cũng chính là là vị thần tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Đền tháp Po-na-ga nằm trên ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mặt nước biển, phân bố theo 3 khối kiến trúc gồm Tháp Cổng, Mandapa và khu đền tháp. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, người Chăm-pa đã để lại những di sản văn hóa khổng lồ. Văn hóa Chămpa có ý nghĩa to lớn cả về vật chất và tinh thần dọc dải đất miền Trung. Tháp Po-na-ga chính là một thành tựu tiêu biểu nhất về nghệ thuật xây dựng kiến trúc đền tháp, nghệ thuật điêu khắc, bia ký và tôn giáo, tín ngưỡng, một chứng tích rõ ràng cho sự ảnh hưởng lớn mạnh của Hindu giáo đối với người Chăm.

  • Cách bảo vệ và phát huy giá trị của di tích:
    • Giáo dục ý thức bảo vệ di sản cho du khách và cộng đồng địa phương.
    • Huy động nguồn vốn trong nước và ngoài nước cho hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích.
    • Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trong khu di tích, di sản.
    • Tăng cường quảng bá điểm đến di sản văn hóa.
    • Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để khai thác đầy đủ giá trị di sản.

 

Câu 13: Vì sao nói khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có tính nhân dân rộng rãi?

Trả lời:

- Từ núi rừng Lam Sơn, mùa xuân năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi toàn dân nổi dậy chống giặc Minh xâm lược.

- Lam Sơn là nơi khởi phát khởi nghĩa. Những năm tháng đầu tiên hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn trên địa bàn Thanh Hóa. Đây là giai đoạn hoạt động dài nhất, gian khổ nhất, có lúc rơi vào tình thế phải giảng hòa hai năm để củng cố lực lượng.

- Nhưng với nghị lực phi thường, lại được nhân dân đùm bọc, chở che, giúp đỡ, nên nghĩa quân đã vượt qua bao khó khăn nguy hiểm, dần khôi phục và phát triển được phong trào.

- Sau khoảng thời gian xây dựng và củng cố lực lượng trên địa bàn núi rừng Thanh Hóa và theo hiến kế của Nguyễn Chích, năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến vào đánh chiếm Nghệ An – nơi đất rộng, người đông, tạo thành cơ sở để thu hút nhân lực, tài lực. Từ đó, mở rộng giải phóng Tây Đô và Đông Quan. – Cuối năm 1424, nghĩa quân giải phóng Nghệ An, sau đó giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa đến đèo Hải Vân rồi tiến tới giải phóng Đông Quan vào cuối năm 1427.

- Trong những thắng lợi mang tính chất quyết định đến cục diện của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, sự tham gia và đóng góp của các địa phương (Thuận Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình, Bắc Giang),... Điều đó thể hiện tính nhân dân rộng rãi, lòng dân quyết định mọi thành bại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây là đặc điểm nổi bật nhất và là cội nguồn sức mạnh của cuộc khởi nghĩa.

=> Khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có tính nhân dân rộng rãi

Câu 14: Vương triều Lê Sơ thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như thế nào? 

Trả lời:

  • Chú trọng xây dựng quân đội mạnh.
  • Thực hiện chính sách kiên quyết nhằm giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, mở rộng biên giới về phía Nam.

Câu 15: Hãy kể tên một số danh nhân văn hoá tiêu biểu thời Lê sơ và những đóng góp của họ đối với sự phát triển của văn hoá dân tộc.

Trả lời:

Một số danh nhân văn hoá tiêu biểu thời Lê sơ và những đóng góp của họ đối với sự phát triển của văn hoá dân tộc:

  • Nguyễn Trãi: là vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.
    • Sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị lớn về văn học, sử học, địa lí: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo,...
    • Tư tưởng "chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân": là bài học quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
  • Lê Thánh Tông: là vị hoàng đế anh minh, tài năng xuất chúng, nhà văn hoá lớn của dân tộc.
    • Dưới thời ông trị vì, giáo dục và đào tạo nhân tài nở rộ, có hơn 500 người đỗ tiến sĩ.
    • Hội Tao đàn do ông thành lập đánh dấu bước phát triển cao của nền văn chương đương thời.
    • Để lại di sản thơ văn phong phú, đồ sộ với trên 300 bài thơ chữ Hán và tập Hồng Đức quốc âm thi tập bằng chữ nôm.
  • Ngô Sĩ Liên: đỗ Tiến sĩ năm 1442, là nhà sử học nổi tiếng với bộ Đại Việt sử kí toàn thư.
  • Lương Thế Vinh: đỗ trạng nguyên năm 1463, là nhà toán học nổi tiếng với các sách Đại thành toán pháp, Thiền môn giáo khoa, được vua và nhân dân quý mến.

 

Câu 16: Nguyễn Trãi đến với nghĩa quân Lam Sơn như thế nào?

Trả lời:

- Nguyễn Trãi đến với nghĩa quân lam Sơn:

+ Năm 1416, Nguyễn Trãi trốn khỏi Đông Quan, nơi bọn giặc Minh quản thúc ông và sau đó dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi ở Lỗi Giang, Thanh Hóa.

+ Nguyễn Trãi đứng trong hàng ngũ chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn từ những ngày ở Lỗi Giang, nhưng tên tuổi, sự nghiệp của ông ghi lại trong lịch sử của dân tộc chỉ từ sau khi nghĩa quân Lam Sơn rút về núi Chí Linh lần thứ ba, tức là từ năm 1423 trở đi.

 + Khi tới Lỗi Giang, Nguyễn Trãi đã làm lễ ra mắt lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn bằng bản Bình Ngô sách của ông nói về kế sách để đánh thắng giặc.

Câu 17: Em có nhận xét gì về đề nghị tạm hoà với quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn?

Trả lời:

Nhận xét về đề nghị tạm hoà với quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn: là một quyết định hoàn toàn đúng đắn và cần thiết do tương quan lực lượng giữa hai bên chênh lệch quá lớn.

  • Nghĩa quân Lam Sơn:
    • Những ngày đầu khởi nghĩa, nghĩa quân còn non yếu, gặp nhiều khó khăn (ba lần rút lên vùng núi Chí Linh, có lúc chỉ còn hơn 100 người).
    • Phải liên tiếp chống lại sự vây quét của giặc trong điều kiện thiếu thốn.
  • Quân Minh: lực lượng đông đảo, mạnh mẽ và đang làm chủ cả nước.

=> Đề nghị tạm hoà với quân Minh để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị đầy đủ về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến sau này.

Câu 18: Trình bày những khó khăn của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm tháng đầu của cuộc khởi nghĩa.

Trả lời:

Những khó khăn của nghĩa quân Lam Sơn trong những năm tháng đầu của cuộc khởi nghĩa:

  • Căn cứ nhiều lần bị bao vây.
  • Ba lần phải rút lên vùng núi Chí Linh, có lúc chỉ còn hơn 100 người.

 

Câu 19: Em hãy cho biết kế sách đánh giặc của Nguyễn Trãi trong khởi nghĩa Lam Sơn?

Trả lời:

- Kế sách lớn của Nguyễn Trãi là đánh vào lòng dân. Theo Nguyễn Trãi, nhân nghĩa là cội nguồn của cuộc sống. Có nhân nghĩa thì thành công, không nhân nghĩa thì thất bại.

- Binh pháp “đánh vào lòng người” của Nguyễn Trãi đã giúp khởi nghĩa Lam Sơn trong việc thu phục lòng dân khi tiến quân mở rộng cuộc khởi nghĩa.

+ Năm 1425, khi nghĩa quân tiến vào Nghệ An, nhân dân đều vui mừng, tranh nhau đem trâu, rượu ra đón khao nghĩa quân và xin gia nhập vào nghĩa quân.

+ Khi nghĩa quân Lam Sơn cho một bộ phận quay trở lại đánh úp Tây Đô thì nhân dân Thanh Hóa đều thi nhau đến cửa quân, xin hãng hải ra sức để mưu báo đền.

+ Khi tiến ra Bắc, nghĩa quân Lam Sơn được nhân dân các lộ Đông Kinh cùng phiên trấn các xứ hân hoan, tranh nhau đem bò, dê, lương thực đến để khao tướng sĩ.

+ Cuối năm 1426, khi quân ta tiến ra vây thành Đông Quan trong 3 ngày đầu, nhân dân kinh lộ và các phủ châu huyện cùng các tù trưởng ở biên trấn đều tấp nập đến cửa quân, xin ra sức liều chết để đánh thành giặc các nơi.

- Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi cũng chính là do có đội quân lấy nhân nghĩa làm đầu. Có nhân nghĩa sẽ tạo ra được một đội quân không có kẻ thù nào có thể đánh thắng được. Đó chính là đỉnh cao của binh pháp “đánh vào lòng người” của Nguyễn Trãi.

Câu 20: Hãy cho biết vì sao nhà Lê sơ chú trọng phát triển giáo dục, khoa cử.

Trả lời:

  • Nhà Lê Sơ tôn sùng nho giáo nên luôn đề cao vai trò của người có học, có hiểu biết trong xã hội.
  • Ý thức cao về một dân tộc có nền văn hiến lâu đời cần phải đi liền với trình độ văn hoá tương ứng.
  • Nhận thấy sự cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ra giúp nước.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay