Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 kết nối Bài 2: Văn bản. Chùm thơ Hai-ku Nhật Bản
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2: Văn bản. Chùm thơ Hai-ku Nhật Bản. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 Kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án ngữ văn 10 kết nối tri thức (bản word)
VĂN BẢN. CHÙM THƠ HAIKU NHẬT BẢN
( 15 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Nêu đặc điểm hình thức của thơ Hai-cư. Em biết những bài thơ nào thuộc thể loại này?
Trả lời:
a, Đặc điểm hình thức của thơ Hai – cư:
Hai cư là một thể thơ truyền thống độc đáo của Nhật Bản (thi quốc), được hình thành từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ XVII có những thành tựu nổi bật.
- Hình thức: thơ Hai cư thuộc loại ngắn nhất thế giới (cả bài chỉ 17 âm tiết, ngắt thành 3 đoạn 5-7-5). Nguyên bản tiếng Nhật chỉ có một câu thơ.
+ Dòng 1: giới thiệu.
+ Dòng 2: Tiếp tục ý trên và chuẩn bị cho dòng 3.
+ Dòng 3: Ý thơ kết lại nhưng không rõ ràng, mở ra những suy ngẫm, cảm xúc cho người đọc ngân nga, lan tỏa.
b, Một số bài thơ Hai – cư mà em biết:
Bài 1:
Đất khách mười mùa sương
Về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương
Bài 2:
Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
Câu 2: Những bài thơ Hai – cư thường thể hiện nội dung gì? Nêu đặc sắc nghệ thuật của thơ Hai- cư.
Trả lời:
a, Nội dung
- Phản ánh tâm hồn người Nhật - tâm hồn ưa thích hòa nhập với thiên nhiên, vì vậy nội dung thường hướng đên một phong cảnh, một vài sự vật cụ thể, một tứ thơ, một cảm xúc, một suy tư… của người viết.
- Tứ thơ: khơi gợi xúc cảm, suy tư trong một khoảnh khắc hiện tại (quy tắc sử dụng "quý ngữ)
b, Nghệ thuật
- Thủ pháp tượng trưng:
+ Thể hiện một khoảnh khắc của cảnh vật và đỉnh điểm của cảm xúc, hàm súc nghệ thuật khơi gợi chứ không phải là hàm xúc của châm ngôn, triết lý, thiên nhiên. Tìm cái đẹp trong những hình ảnh giản dị bình thường của thiên nhiên.
+ Thấm đẫm tinh thần Thiền tông (Phật giáo) và tinh thần văn hóa phương Đông.
- Ngôn ngữ: thiên về gợi, đa nghĩa.
Câu 3: Tóm tắt ngắn gọn thông tin về 3 tác giả của chùm thơ Hai-cư
Trả lời:
- a. Mát-chư-ô Ba-sô (1644 - 1694)
- b. Chi-ô (1703 - 1775)
- c. Cô-ba-y-a-si Ít-sa (1763 - 1828)
Câu 4: Hình ảnh trung tâm của ba bài thơ là gì? Chúng có mối liên hệ gì với nhau?
Trả lời:
Hình ảnh trung tâm của từng bài thơ:
- Bài 1: hình ảnh con quạ
- Bài 2: Hoa triêu nhan
- Bài 3: Con ốc nhỏ
Mối liên hệ: chúng đều là những hình ảnh nhỏ bé, bình thường mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày.
Câu 5: Nêu giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của Chùm thơ Hai- cư
Trả lời:
a, Giá trị nội dung
- Ba bài thơ thể hiện những rung cảm của con người trước thiên nhiên như một buổi “chiều thu”, cành “hoa triêu nhan” và sự vật nhỏ bé như “dây gàu”, “giếng” nước, “con ốc”
- Những hình ảnh được sử dụng trong bài thơ mang ý nghĩa tượng trưng cho những cố gắng của con người (hình ảnh con ốc trèo núi Fu-ji), tâm trạng man mác bâng khuâng (cánh quạ đậu trên cành khô),...
b, Giá trị nghệ thuật
- Ngắn gọn, hàm súc
- Hình ảnh được sử dụng nhẹ nhàng, trong sáng nhưng giàu tính tượng trưng.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Trong Bài thơ của tác giả Ba – sô (Bài thơ thứ nhất), giữa "cánh quạ" và "cành khô" có mổi quan hệ như thế nào? Sự phối hợp hai hình ảnh này có thể gợi lên ấn tượng gì về không gian, thời gian?
Trả lời:
- Cánh quạ đáp xuống cành khô làm nổi bật sự mênh mông và tĩnh lặng của không gian, nối không gian thực (sự hiện diện đơn độc, sắc nét của hai đối tượng nhỏ bé) với không gian u huyền của vũ trụ mà nhà thơ muốn đắm mình vào.
- Cành khô vốn đã gợi lên ấn tượng về một mùa tiêu sơ, tàn ứa, khi có thêm cánh quạ, vẻ tiêu sơ, tàn úa càng được tô đậm, khiến người quan sát lập tức nhận ra đó là hình ảnh điển hình của mùa thu, chiều thu.
=> Cánh quạ đã đem mùa thu, chiều thu đến cho bức tranh thơ.
Câu 2: Hãy xác định mối liên hệ giữa ba hình ảnh được gợi lên từ ba dòng thơ trong bài Hai-cư của Ba-sô. So với hai hình ảnh đầu tiên, hình ảnh sau cùng có vị trí như thế nào?
Trả lời:
Ba dòng thơ, mỗi dòng gợi lên một hình ảnh riêng: cành khô, cánh quạ, chiều thu. Thoạt nhìn, những hình ảnh này có vẻ xuất hiện một cách ngẫu nhiên, không có mối liên hệ với nhau. Sự thực, chúng là những yếu tố hợp thành của một thể thống nhất. Riêng một cành khô hay cánh quạt tự chúng chưa nói được điều gì rõ rệt, thậm chí chỉ tồn tại đơn thuần như những khái niệm khách quan. Chỉ khi hai hình ảnh trên phối hợp với nhau thì cái tối giản bất biến của bản chất thế giới mới hiện hình, gợi lên một sự chiêm nghiệm trong tịch lặng. Chiều thu vừa như một bối cảnh nền vừa như kết quả cuối cùng có được hay thần thái toát lên của bức tranh - thơ, khi trên cành khô, một cánh quạ từ đâu đáp xuống, im lìm. Theo góc nhìn khác, trong bài thơ chỉ có hai hình ảnh đúng nghĩa, được "vẽ" theo lối điểm xuyết, còn chiều thu chỉ là tên gọi của một trạng thái tâm hồn mà nhân vật trữ tình muốn hướng đến hay đã đạt đến, một khi đã chủ động gạt hết mối bận tâm về những dáng vẻ (hình tướng) luôn thay đổi của vạn vật.
Câu 3: Phân tích ý nghĩa của phát hiện "Dây gầu vương hoa bên giếng" trong bài thơ của Chi-ỵ-ô đối với chính nhà thơ và người đọc.
Trả lời:
Trong bài thơ của Chi-y-ô, dòng thứ hai không đơn thuần miêu tả một hiện tượng mà chủ yếu nêu lên một phát hiện. Từ dòng này, người đọc vừa nhận ra hình ảnh do thị giác nhà thơ "chụp" lại, vừa nắm bắt được những gì đang diễn ra trong tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ. Đó có thể là một chút ngỡ ngàng, hân hoan hay là một thoáng phân vân, bối rối. Tất cả hợp nhất với nhau, làm cho hai dòng thơ trước và sau đó bị “nhiễm điện” để cùng truyền đạt một ý tưởng hay một cảm nhận xuyên suốt. Đối với tác giả, phát hiện về “Dây gầu vương hoa bên giếng” đã làm bật nảy ý thơ, tạo nên cấu trúc vận động của bài thơ. Chính nó khiến nhân vật trữ tình quyết định “giữ nguyên hiện trạng” dây hoa quấn quanh dây gàu để sang nhà bên xin nước. Đối với độc giả, phát hiện trên có thể đưa đến cảm nghĩ: nhà thơ là người có tâm hồn cực kì nhạy cảm, biết lắng nghe, trân trọng tiếng nói của cỏ cây, những vật vô tri và nhận thức được một cách sâu sắc sự liên quan, liên đới giữa mọi sinh thể, vật thể hiện diện trong cuộc sống này.
Câu 4: Làm rõ những mối tương quan đa chiều giữa các đối tượng được nhắc đến trong bài thơ của Ít-sa.
Trả lời:
Bài thơ của Ít-sa thể hiện được suy tưởng thâm trầm của nhà thơ về các mối tương quan đa chiều trong cuộc sống. Việc đặt hai đối tượng con ốc nhỏ và núi Phu-gi bên nhau có thể khiến người đọc nghĩ tới:
- Tương quan giữa cái cực tiểu và cái cực đại (con ốc nhỏ tí và núi Phu-gi đồ sộ).
- Tương quan giữa khả năng hiện thực và mục tiêu to lớn đặt ra (con ốc bò chậm rì nhưng lại thực hiện một hoạt động gần như hoang tưởng: trèo núi Phu-gi).
- Tương quan giữa thời gian và không gian (qua theo dõi thời gian “trèo núi” của con ốc, ta có được cảm nhận trực quan hơn về kích thước vĩ đại của ngọn núi Phu-gi).
-Tương quan giữa con người với muôn vật trong vũ trụ (hình ảnh con ốc, núi Phu-gi mang tính biểu tượng, phản chiếu hoạt động của con người trong thế giới bao la).
Với bài thơ của Ít-sa, tuỳ vào trải nghiệm và nhận thức của mình, từng người đọc cụ thể sẽ tìm được những điều tâm đắc riêng. Tuy nhiên, đặt bài thơ vào trong mạch suy tư, chiêm nghiệm của các bậc thầy thơ hai-cư, không nên cảm nhận bài thơ ở khía cạnh hài hước (do ngôn ngữ của bản dịch có thể gợi lên).Sự thực, hành trình của con ốc nhỏ cũng tương tự như mọi hành trình trong cuộc đời, cần được thực hiện với một tâm thế an nhiên và thái độ không sốt ruột, vội vã. Con ốc cứ trèo núi Phu-gi, khi nó đã định. Đích có khi không phải ở phía trước mà ở ngay trong mình, ở sự làm chủ chính mình.
3. VẬN DỤNG (2 câu)
Câu 1: Trong Bài thơ của tác giả Ba – sô (Bài thơ thứ nhất), nếu đảo câu cuối của bài thơ lên đầu, tương quan giữa các đối tượng được nói đến có thay đổi không? Vì sao?
Trả lời:
Nếu đảo ngược câu thơ cuối lên trên, bài thơ dường như chỉ mang tính chất minh hoạ cho một ý niệm đã biết trước, không thể phản ánh được sự"chợt thức" của tâm trí trước sự vật, như điều mà chính nhà thơ muốn gợi ra.
Câu 2: Trong bài thơ Chi-y-ô, ấn tượng mà hình ảnh “hoa triêu nhan” và “dây gàu” gợi ra cho bạn là gì? Vì sao phát hiện này lại dẫn dắt nhân vật trữ tình sang “xin nước nhà bên”?
Trả lời:
- Hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng:
+ Hoa triêu nhan trong tư duy thẩm mĩ của người Nhật Bản là biểu tượng cho cái đẹp của thiên nhiên ban sơ, thuần khiết, mong manh.
+ Sợi dây gàu: một sự vật đời thường xù xì, thô ráp, vốn chỉ mang chức năng thực dụng: (để người ta) múc nước.
- Thiên nhiên quấn quýt, giao hòa:
Hoa với sợi dây gàu quấn quýt với nhau trong tương quan bạn bè. Sự quấn quýt này khiến dây gàu trở thành điểm tựa cho hoa và sự góp mặt của hoa đã làm mờ đi sự xù xì, thô ráp của sợi dây.
⇨ Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới không chia cắt với nhau như cách chúng ta vẫn hằng nghĩ.
- Con người khi phát hiện tương quan đẹp đẽ đó giữa các sự vật thì cũng có cách ứng xử rất nhân văn: để hoa tiếp tục vướng vít bên sợi dây gàu, mình sang xin nước nhà bên. Đó cũng là cách để người với người kết nối, làm bạn với nhau.
=> Bài thơ gợi ra một cách ứng xử đẩy nâng niu, trân trọng đối với tạo vật trong đời sống.
4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1: Bài thơ của tác giả Ba-sô gợi cho em suy nghĩ gì về những khoảng lặng trong cuộc sống?
Trả lời:
Trạng thái của con quạ cũng là trạng thái tự tại, không đuổi bắt cái gì cả, không vọng động bởi bất cứ cái gì bên ngoài. Bằng sự im lặng ấy, con quạ như đang chiêm ngắm sự u huyền (yugen) của vũ trụ. Bài thơ hai-cư của Ba-sô gợi sự tỉnh thức về ý nghĩa của những khoảng lặng trong đời sống. Những khoảng lặng là cần thiết để ta nhận ra chiều sâu, sự bí ẩn của thế giới ta đang sống.
Câu 2: Từ bài thơ của Chi-y-ô, hãy bình luận về ý nghĩa triết lí trong cách ứng xử của con người với thiên nhiên mà bài thơ gợi ra.
Trả lời:
Nội dung chính của bài thơ là Tác giả định ra giếng lấy nước thì thấy hoa triêu nhan (loài có thân dây leo) đang quấn quanh dây gầu. Thương hoa, trân trọng vẻ đẹp mong manh, thuần khiết của hoa, tác giả không nỡ dùng gầu múc nước mà sang nhà hàng xóm xin nước để dùng. Qua đó, có thể thấy được triết lí về cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên trong bài thơ: trân trọng, nâng niu, bảo vệ sự sống tự nhiên dù là nhỏ bé.
Câu 3: Đọc bài thơ thứ ba (của nhà thơ Ít -sa) và trả lời câu hỏi sau:
a, Tại sao trong cuộc đời, có những người biết trước việc làm của mình chưa chắc đã đạt được kết quả như mong muốn nhưng họ vẫn quyết làm ? Lúc ấy, họ có thể đã suy nghĩ những gì?
b, Theo bạn, nhà thơ Ít-sa đã nhìn nhận như thế nào về hành trình của con ốc? Căn cứ vào đâu mà bạn có ý kiến như vậy?
Trả lời:
a, Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng biết chắc kết quả của những hành động mà chúng ta thực hiện. Tuy nhiên, có những người kiên trì và quyết tâm làm điều đó dù biết trước rằng thành công có thể không đến ngay lập tức. Hãy nhìn chú ốc với tốc độ bò chậm chạp. Dù chậm, nó không từ bỏ và kiên nhẫn tiến về phía trước. Nó biết rằng sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng nếu nó không dừng lại. Nó không để cho những trở ngại và khó khăn dày vò mình.Tương tự như chú ốc, khi chúng ta kiên trì và không từ bỏ, chúng ta tạo ra cơ hội cho sự thành công. Mỗi bước tiến nhỏ đều đóng góp vào hành trình của chúng ta. Đôi khi, kết quả có thể đến chậm hơn dự định, nhưng việc không từ bỏ sẽ mang lại thay đổi tích cực và mở ra cánh cửa mới.
b, Nhà thơ đã nhìn nhận về hành trình của con ốc:
- Tác giả đã xây dựng hai hình ảnh tương phản, đối lập:
+ Con ốc là một sinh vật nhỏ bé, bình thường, có tác phong chậm chạp, hành trình nó theo đuổi thì dài.
+ Ngọn núi cao, là một biểu tượng kì vĩ.
- Con ốc chậm rì trong bài thơ của Ít-sa chính là sự phản ánh cảm thức thanh thoát (karumi): con ốc ung dung, tự tại trong hành trình của mình.
- Hành trình con ốc theo đuổi có thể không đạt đến được nhưng bản thân việc theo đuổi hành trình ấy làm nó có sự tự do trong tinh thần.
- Giữa hai hình ảnh trên tuy đối lập nhưng có sự đồng nhất, tương quan: ai có việc nấy, con ốc tiếp tục bò còn núi Phu-gi cứ lớn, mãi mãi.
=> Qua đó ta thấy được: Sự tự do tinh thần ấy cũng là thứ quý giá nhất mà đời người cần phải hướng tới.
Câu 4: Từ việc đọc ba bài thơ trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày về điều bạn cảm thấy thú vị nhất ở thể thơ hai-cư.
Trả lời:
Thể thơ Hai-cư (Hai-kư) trong văn học Nhật Bản mang đến sự thú vị đặc biệt qua nội dung và nghệ thuật. Điểm thú vị nhất mà tôi cảm nhận được là sự tương hợp giữa tâm hồn người Nhật và thiên nhiên trong các bài thơ này. Thể thơ Hai-cư phản ánh tâm hồn ưa thích hòa nhập với thiên nhiên, và do đó, nội dung thường tập trung vào việc miêu tả một phong cảnh, một sự vật cụ thể hoặc một cảm xúc sâu sắc. Bằng cách sử dụng tứ thơ, Hai-cư khơi gợi xúc cảm và suy tư trong một khoảnh khắc hiện tại. Nghệ thuật của Hai-cư cũng rất đặc trưng. Thủ pháp tượng trưng trong thể thơ này thể hiện một khoảnh khắc của cảnh vật và đỉnh điểm của cảm xúc. Hàm súc nghệ thuật này không chỉ khơi gợi, mà còn tìm ra cái đẹp trong những hình ảnh giản dị bình thường của thiên nhiên. Hơn nữa, sự thấm đẫm tinh thần Thiền tông và tinh thần văn hóa phương Đông càng làm cho Hai-cư trở nên độc đáo và sâu sắc hơn. Ngôn ngữ trong Hai-cư hướng đến sự gợi, đa nghĩa. Từ ngữ được sắp xếp khéo léo để gợi lên những hình ảnh và cảm xúc đa chiều. Điều này tạo nên một không gian tưởng tượng và thú vị cho người đọc. Tổng thể, thể thơ Hai-cư là một hình thức nghệ thuật độc đáo, mang trong mình sự gắn kết đặc biệt giữa tâm hồn người Nhật và thiên nhiên. Sự tương hợp này đã tạo nên những tác phẩm thơ tinh tế, đẹp và sâu sắc, mở ra một cánh cửa để chúng ta truy cập vào thế giới tâm linh và vẻ đẹp của tự nhiên.
=> Giáo án tiết: Văn bản 1, 2, 3 - Chùm thơ Hai- Cư (Haiku) Nhật Bản