Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 kết nối Bài 1: Văn bản. Chữ người tử tù
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1: Văn bản. Chữ người tử tù. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 Kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án ngữ văn 10 kết nối tri thức (bản word)
VĂN BẢN. CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ
( 16 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Trình bày khái quát về tác giả, nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm
Trả lời:
a, Tác giả
- Tên: Nguyễn Tuân
- Năm sinh – năm mất: 1910 -1987
- Quê quán: Hà Nội
- Ông có đóng góp lớn cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.
- Sở trường sáng tác: truyện ngắn và tùy bút.
- Phong cách nghệ thuật: Sáng tác của Nguyễn Tuân bộc lộ cái tôi độc đáo, tài hoa, uyên bác; tràn đầy niềm say mê cái đẹp; thể hiện tấm lòng thiết tha gắn bó với cảnh sắc quê hương xứ sở và thái độ nâng niu, trân trọng các giá trị văn hoá của dân tộc. Lối viết của Nguyễn Tuân khá cầu kì, lôi cuốn người đọc bằng ngòi bút giàu cảm hứng lãng mạn và tài nghệ sử dụng ngôn ngữ bậc thầy.
- Tác phẩm tiêu biểu: Vang bóng một thời (tập truyện ngắn, 1940), Thiếu quê hương (tập tùy bút, 1940), Chùa Đàn (tiểu thuyết, 1946), Sông Đà (tập tùy bút, 1960), Cô Tô (kí, 1965),...
b, Nguồn gốc xuất xứ
Tác phẩm lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn sau được tuyển in trong tập Vang bóng một thời.
Câu 2: Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm
Trả lời:
Thái độ trân trọng, ngợi ca, nuối tiếc của nhà văn trước một vẻ đẹp văn hóa lâu đời đang có nguy cơ mai một
Tác phẩm cũng là bài học về lẽ sống đẹp của những con người chân chính: dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn “thiên lương” cho lành vững; sống trên đời không được phụ những tấm lòng trong thiên hạ; phải biết tôn trọng tài năng và phẩm giá của con người.
Câu 3: Phân tích nhan đề của tác phẩm
Trả lời:
Căn cứ vào nội dung truyện, có thể hiểu Chữ người tử tù là cái nhan đề hàm chứa quan niệm và thái độ trân trọng, ngợi ca của nhà văn đối với cái Đẹp thuộc về văn hóa truyền thống và cái Đẹp thuộc về nhân cách con người. Đó chính là sự tôn vinh và luyến tiếc của Nguyễn Tuân trước một vẻ đẹp văn hóa lâu đời đang có nguy cơ mai một. Ngoài ra, khi “chữ” đặt cạnh cụm từ “người tử tù”, khiến ta thấy được sự tương phản: một người tử tù lại có nét chữ rất đẹp- tài năng đáng trân trọng. Nhan đề gợi sự tò mò cho người đọc. Ngoài ra, nhan đề hàm chứa ý nghĩa: dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn cần giữ “thiên lương” trong sạch.
Câu 4: Trình bày bố cục của tác phẩm Chữ người tử tù
Trả lời:
- Phần 1 (Từ đầu đến …để mai ta dò ý tứ hắn ra sao rồi sẽ liệu): Cuộc trò truyện giữa viên quản ngục và thầy thơ lại
- Phần 2 (Tiếp theo đến …thiếu một chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ): Tấm lòng biệt đãi của viên quản ngục.
- Phần 3 (Còn lại): Cảnh cho chữ.
Câu 5: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
Trả lời:
a, Giá trị nội dung
Tác phẩm khẳng định và tôn vinh sự chiến thắng của ánh sáng, cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người, bộc lộ tình yêu nước thầm kín.
b, Giá trị nghệ thuật
- Tạo tình huống độc đáo, đặc sắc.
- Sử dụng thành công nghệ thuật tương phản, đối lập.
- Xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao-con người hội tụ nhiều vẻ đẹp
- Ngôn ngữ góc cạnh, giàu hình ảnh, tạo hình, cổ kính và hiện đại.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Nhân vật Huấn Cao được tác giả “vẽ” lên như thế nào?
Trả lời:
a, Một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp
- Tài viết chữ đẹp: viết nhanh, đẹp, vuông và màng nhân cách của người viết “nói lên cái hoài bão tung hoành của 1 đời người”.
- Tài chữ đẹp nổi tiếng được ngưỡng mộ.
b, Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất
- Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.
- Trong hoàn cảnh lao tù vẫn hiên ngang, khí phách:
c, Một nhân cách, một thiên lương cao cả
- Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao giờ”, và chỉ mới cho chữ “ba người bạn thân” -> Trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người tri kỉ.
- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: Xem y là kẻ tiểu nhân -> Đối xử coi thường, cao ngạo.
- Khi biết tấm lòng của quản ngục: Cảm nhận được “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” và hiểu ra “sở thích cao quý” của quản ngục, Huấn Cao nhận lời cho chữ -> Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.
Câu 2: Tại sao Huấn Cao bị bắt? Vẻ đẹp của hình tượng Huấn cao được thể hiện ở những phương diện nào?
Trả lời:
- Huấn Cao là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nên bị kết án tử hình. Trước khi chịu án chém, ông bị đưa đến giam tại một nhà tù
- Vẻ đẹp Huấn Cao được thể hiện ở:
+ Một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp, tài viết chữ đẹp
+ Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất
+ Một nhân cách cao đẹp, một thiên lương cao cả.
Câu 3: Huấn Cao nổi tiếng về tài gì? Em hiểu biết gì về nghệ thuật thư pháp đó
Trả lời:
- Huấn Cao nổi tiếng vì tài viết chữ đẹp: viết nhanh, đẹp, vuông và màng nhân cách của người viết “nói lên cái hoài bão tung hoành của 1 đời người”.
- Nghệ thuật thư pháp:
+ Thư Pháp là nghệ thuật viết chữ bằng bút lông, thể hiện qua nét chữ những tâm tình và gửi gắm của người viết. Viết Thư Pháp không chỉ đòi hỏi chữ đẹp, mà bố cục còn phải hài hòa, đôi khi phải hợp phong thủy.
+ Thư Pháp vốn xuất thân từ Trung Hoa. Do nét chữ tượng hình đặc trưng, Thư Pháp Trung Quốc phát triển rực rỡ với nhiều dạng chữ như chữ Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo. Nghệ thuật Thư Pháp ảnh hưởng và lan rộng qua các nước láng giềng như Hàn Quốc (Thư Nghệ), Nhật Bản (Thư Đạo).
+ Ở Việt Nam, Thư Pháp chữ Hán – Nôm đã từng rất phổ biến, hiện nay thi thoảng vẫn được sử dụng. Về sau, cùng với sự phát triển và phổ biến của chữ Quốc Ngữ, Thư Pháp Việt ra đời vừa mang tính đổi mới với việc sử dụng chữ La tinh, vừa đậm nét truyền thống với phong cách nghệ thuật cổ xưa.
Câu 4: Em hãy chỉ ra những hành động của Huấn Cao khi ở trong tù? Điều này nói lên nhân cách gì?
Trả lời:
Hành động của Huấn Cao khi trong tù:
- Trong hoàn cảnh lao tù vẫn hiên ngang, khí phách
- Trước câu nói của tên lính áp giải, Huấn cao không thèm để ý, không thèm chấp. Điều này thể hiện khí tiết anh hùng, thái độ khinh bỉ bọn tiểu nhân
- Thản nhiên rũ rệp trên thanh gông
- Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”. Qua đây ta thấy phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.
- Xua đuổi viên quản ngục: “Ta chỉ muốn có một điều là. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây” -> Xưng ta, gọi nhà ngươi, không hề tỏ ra sợ hãi trước
- Lời kể của Huấn Cao: Không vì quyền lực, tiền bạc mà ép mình cho chữ ai bao giờ; cả đời chỉ mới viết tặng cho ba người bạn thân.
- Bình thản nhận lệnh hành hình.
- Đĩnh đạc cho chữ viên quản ngục
=> Huấn Cao hiện lên là người vô cùng hiên ngang và khảng khái, không sợ hãi trước chốn lao tù. Huấn Cao luôn kiên định với tính cách, những hành động mình đã làm
Câu 5: Kẻ cai tù có thái độ như thế nào với tử tù? Điều đó có gì bất thường? Nêu ý nghĩa?
Trả lời:
- Thái độ của viên quản ngục với Huấn Cao
+ Dành những sự đãi ngộ đặc biệt cho Huấn Cao ngay từ lúc đầu nghe tin ông sẽ tới nhà tù
+ Mặc dù Huấn Cao lạnh nhạt, viên quản ngục vẫn giữ thái độ kính trọng, khúm nhường
- Điều bất thường: đáng nhẽ viên cai ngục phải là người có mánh khóe hành hạ, gông, xiềng xích, thủ đoạn tàn bạo. Tuy nhiên, viên cai ngục này lại có một niềm say mê với cái đẹp, kính phục người tài. Ông đã biệt đãi Huấn Cao chỉ để xin nét chữ và do cảm phục con người tài năng này
- Ý nghĩa: Tác giả muốn hàm ý rằng, ở thời nào đi chăng nữa, dù ở nơi tăm tối nhiều thủ đoạn như chốn lao tù, vẫn có những người như viên quản ngục – luôn trân trọng cái đẹp và cảm phục những con người tài năng.
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Mô tả cảnh cho chữ. Vì sao cảnh cho chữ là cảnh xúc động xưa nay chưa từng có?
Trả lời:
Cảnh cho chữ:
- Địa điểm: Tại đề lao tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt. Tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.
- Thời gian: Đêm khuya
- Tư thế của những người cho chữ, nhận chữ:
o Người cho chữ: Tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang say mê tô từng nét chữ.
o Người nhận chữ: Viên quản ngục “khúm núm”, thầy thơ lại “run run bưng chậu mực”.
Cảnh cho chữ là cảnh xúc động xưa nay chưa từng có vì:
- Vị thế các nhân vật bị đảo ngược (tử tù thành thần tượng, ân nhân của cai ngục; cai ngục thành người ngưỡng mộ,chịu ơn tử tù).
- Ngục tù sụp đổ,cái đẹp của nghệ thuật thư pháp và tài hoa,thiên lương thăng hoa.
- Ánh sáng chiến thắng bóng tối; cái đẹp lên ngôi chiến thắng cái thấp hèn, đen tối nơi ngục tù.
Câu 2: Lời khuyên của Huấn Cao với viên quản ngục có ý nghĩa gì? Vì sao Huấn Cao lại khuyên viên quản ngục bỏ nghề
Trả lời:
- Lời khuyên: Khuyên quản ngục hãy thay chỗ ở để giữ thiên lương bởi vì cái đẹp cần có môi trường phù hợp để được nuôi dưỡng.
- Cái đẹp có thể ra đời ở mọi nơi nhưng cái đẹp không thể chung sống với cái xấu xa, cái ác bởi bản chất của cái đẹp là cái thiện. Cái đẹp của văn chương nghệ thuật không thể tách rời cái đẹp của tình người. Vì vậy, muốn chơi chữ trước hết cần phải giữ lấy thiên lương
Câu 3: Phân tích ứng xử của viên quản ngục xuyên suốt tác phẩm
Trả lời:
Ứng xử của quản ngục | Biểu hiện | ||
Khi biết tin Huấn Cao sẽ nhập tù | Khi có Huấn Cao trong tù | Khi xin chữ | |
Xưng hô | ông Huấn Cao: kính trọng | ||
Suy nghĩ, tâm trạng | - Băn khoăn, tư lự: đấu tranh tư tưởng, trăn trở để quyết định “biệt đãi ông Huấn Cao”: đỡ cực trong những ngày cuối đời. - Biệt đãi người tài | -Khổ tâm: sở nguyện (có chữ Huấn Cao) mà không thể thành. - Lo lắng: không kịp xin chữ, ân hận suốt đời-luyến tiếc cái đẹp. - Nhận tin Huấn Cao sắp tử hình: khát khao xin chữ-lưu giữ cái đẹp | |
Hành động (lời nói, cử chỉ..) | Ngợi ca tài năng, biệt đãi | - Đón tù: kiêng nể, hiền lành, biệt nhỡn. - Biệt đãi: dâng rượu thịt, đồ nhắm - Khi bị khinh bỉ, rẻ rúng: nhẫn nhịn,cung kính, nghe lời. - Tái nhợt người: sợ hãi, tiếc, đau xót Biệt đãi, tiếc người tài | - Nhận chữ: khúm núm - Nhận lời khuyên nhủ: vái lạy, khóc, bái lĩnh Xúc động, cảm phục, nghe theo. |
4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)
Câu 1: Dựa vào hiểu biết về lịch sử của em, hãy nêu nguyên mẫu của hình tượng nhân vật Huấn Cao
Trả lời:
Theo các nhà nghiên cứu, nhân vật Huấn Cao được xây dựng từ nguyên mẫu là Cao Bá Quát (1808-1855). Chữ “Huấn” ở đây là huấn đạo (giáo thụ) – chức quan phụ trách việc học ở một huyện. Cao Bá Quát đã từng làm chức giáo thụ ở Quốc Oai – Hà Tây. Còn “Cao” là họ của “thánh Quát”. Cao Bá Quát không chỉ nổi danh là “văn hay chữ tốt” như đương thời truyền tụng “Thần Siêu, thánh Quát”, “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” mà còn nổi tiếng là người cương trực, quý trọng tài năng, có bản lĩnh, sống có lý tưởng và dám đương đầu với cường quyền. Và cũng chính con người ấy đã cứng cỏi đứng lên tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương chống lại triều đình nhà Nguyễn hèn yếu, lạc hậu để rồi hi sinh trong một trận đánh. Chẳng phải thế mà Nguyễn Tuân đã chọn làm nguyên mẫu để xây dựng nên hình tượng Huấn Cao.
Câu 2: Phân tích nhân vật Huấn Cao
Trả lời:
Huấn Cao – một vị anh hùng lý tưởng đứng hiên ngang bất khuất giữa trang văn đầy nghệ thuật và lãng mạn của nhà văn Nguyễn Tuân trong tác phẩm “Chữ người tử tù”. Người anh hùng ấy đến giây phút sắp kề dao vào cổ vẫn luôn thể hiện ý chí anh dũng và tấm lòng trong sạch của mình, quyết hy sinh chứ không bao giờ chịu khuất phục dưới chân kẻ thù. Và cũng thật đáng khâm phục cho ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân đã để lại cho đời một nhân vật lý tưởng với những vẻ đẹp kiêu hãnh, tự hào rất đáng để thế hệ sau noi theo.
Huấn Cao là một người đầu đội trời, chân đạp đất. Ông luôn đi theo tiếng gọi của chân lý, của những người nông dân nghèo khổ để cùng họ đứng lên đấu tranh quyết dành lại bằng được quyền sống và quyền tự do của chính bản thân mình. Nhưng không may, ông đã rơi vào tay chính quyền và bị chúng kết án tử hình. Nhưng cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn hiên ngang, vẫn ung dung bình thản. Ông không sợ đầu rơi máu chảy, lại càng không sợ đòn roi sẽ như mưa trút xuống thân mình. Ý chí kiên cường, anh dũng trong ông chưa bao giờ nguôi dù là đứng trước cái chết. Ngay từ cái lý do khiến ông bị kết án tử hình cũng đã đủ thấy rằng đây là một người anh hùng chiến đấu vì chính nghĩa, vì nhân dân. Ta không nhìn thấy Huấn Cao cầm đao giết giặc nhưng lại nhìn thấy ở ông những hành động đanh thép hẳn là chỉ dành cho kẻ thù: “Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Giờ đây dù đang trong thân phận là kẻ tử tù, ông có thể sẽ bị đánh đòn, bị hành hạ bất cứ khi nào nhưng mọi thứ đều chẳng làm ông nao núng. Khí phách anh hùng trong Huấn Cao chưa bao giờ bị vơi nhạt. Ông từng giết chết bao nhiêu kẻ thù, từng làm náo động cả chính quyền, hà cớ gì ông lại sợ một tên lính quèn thấp hèn nhỏ bé kia? Cái chết ngay trước mắt ông cũng chẳng hề lo sợ, huống chi chỉ là mấy đòn roi cỏn con. Thật là một người tù có khí phách của một vị anh hùng thực thụ.
Chẳng những thế, Huấn Cao còn là một người nghệ sĩ tài hoa với cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp. Đến nỗi tên cai ngục dù quanh quẩn suốt trong ngục tù cũng biết đến tiếng tăm của ông. Viết chữ, có thể rất nhiều người biết viết, nhưng viết rất nhanh và đẹp thì thật hiếm có. Bởi ở thời ấy, mọi người học chữ tượng hình. Khi thuộc và hiểu chữ nghĩa là hiểu cả một nền tảng văn hóa từ những nét tượng hình trong chữ. Chứng tỏ Huấn Cao là người có vốn kiến thức rất rộng và uyên thâm. Cái chữ của ông khiến cho viên quan coi ngục hằng ước ao, khát khao có được. Hắn coi đó là một vật báu và nếu không xin được chữ ông Huấn, hắn sẽ phải hối hận suốt cả đời này.
Một anh hùng đầy khí phách vừa anh dũng kiên cường, vừa đậm chất nghệ sĩ tài hoa, vậy mà lại rơi vào tay của kẻ địch. Thật đáng tiếc. Nhưng cũng chính từ hoàn cảnh éo le ấy, ta lại hiểu thêm một vẻ đẹp cao quý nữa từ vị anh hùng này. Đó là một tâm hồn trong sáng, lương thiện và luôn trân trọng, đề cao cái đẹp. Khi được cai ngục mở lời dành cho những quyền lợi đặc biệt, ông đã thẳng thắn chối từ với vẻ khinh bạc, coi thường: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
Ngay trong lời nói của Huấn Cao đã thể hiện đầy sự sỉ nhục, kiêu ngạo. Nhưng ông đâu biết rằng người đang đứng trước mắt mình không phải là một tên cai ngục lố bịch với những mánh khóe man rợ, gian xảo như mọi người thường thấy. Mãi cho tới khi thấu hiểu được tấm lòng biệt nhỡn liên tài của cai ngục, Huấn Cao mới bàng hoàng xúc động “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Đến giây phút này, Huấn Cao mới cảm thấu được mọi chuyện. Ông đã thẳng thắn với lòng mình và nhận lời cho chữ quản ngục ngay. Ông chẳng vì tiền tài hay lợi lộc mà đem cái tài của mình ra bán cho ai. Khí chất này khiến mọi người cảm phục và nể trọng ông hơn.
Và đúng như lời đã hứa, đêm ấy ngay trong ngục tù tăm tối, nhơ bẩn, Huấn Cao đã dành những nét chữ cao quý của mình cho cai ngục kèm theo lời nhắc nhở đầy ý nghĩa sâu xa: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi…Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuôc mất cái đời lương thiện đi.” Lời ấy không những dành cho cai ngục mà còn dành cho cả hậu thế, cho những ai đang sống trong hoàn cảnh tương tự như cai ngục: sống mà không được làm chính mình, sống mà phải dấu đi cái thiên lương trong sáng của bản thân.
Nguyễn Tuân đã rất thành công khi xây dựng hình tượng lý tưởng Huấn Cao với những vẻ đẹp cao quý của một người anh hùng vừa tài ba vừa lãng mạn. Tâm hồn ông như một vị thần đầy tính lương thiện, tốt đẹp cho hậu thế noi theo.
Câu 3: Phân tích chi tiết: “Viên quản ngục cảm động, vái người tù một vái…Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”
Trả lời:
Biết yêu cái đẹp, biết trân trọng giữ gìn cái đẹp, viên quản ngục còn là người có thiên lương trong sáng. Sống giữa chốn lao tù, đầy rẫy tội ác mà tâm hồn viên quản ngục không hề bị nhuốm bẩn. Ông biết nhận rõ đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt và đâu là xấu. Quả thực “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tự mình ông cũng đã biết mình chọn “nhầm nghề”. Vì vậy, khi Huấn Cao có lời khuyên “Ở đây lẫn lộn cả. Ta khuyên thầy quản nên thay đổi chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người (…) Thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi” thì viên quản ngục đã kính cẩn tiếp nhận lời khuyên “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Qua phân tích, ta thấy viên quản ngục đúng là một thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà nhạc luật đều xô bồ.
=> Giáo án ôn tập Ngữ văn 11 bài: Chữ người tử tù