Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 kết nối Bài 9: Văn bản. Một đời như kẻ tìm đường

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 9: Văn bản. Một đời như kẻ tìm đường . Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 Kết nối tri thức.

VĂN BẢN. MỘT ĐỜI NHƯ KẺ TÌM ĐƯỜNG

( 19 câu)

1.    NHẬN BIẾT ( 4 câu)

Câu 1: Em hãy trình bày tác giả và tác phẩm của đoạn trích “Một đời như kẻ tìm đường”

Trả lời:

a,  Tác giả

- Tên: Phan Văn Trường

- Sinh năm 1946 ở Hải Dương.

- Giữ nhiều vị trí nghề nghiệp, am hiểu văn hóa Đông Tây, trải nghiệm phong phú, tinh thần tận hiến.

b,  Tác phẩm

- Xuất xứ: trích trong tác phẩm cùng tên.

- Nội dung: là những đúc kết trong suốt cuộc đời tâm huyết về con đường đến thành công hạnh phúc ông dành tặng cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Câu 2: Tóm tắt đoạn trích bằng một đoạn văn ngắn

Trả lời:

Văn bản "Một đời như kẻ tìm đường"là những chiêm nghiệm của tác giả về việc lựa chọn hướng đi đúng đắn của mỗi người trên đường đời. Văn bản đã gửi gắm thông điệp: mỗi người hãy dũng cảm lựa chọn con đường cuộc đời cho chính mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải bước tiếp, đi đường nào cũng có thể thành công bởi hạnh phúc nằm ngay trên chính con đường mà ta đã chọn.

Câu 3: Đoạn trích được chia làm mấy phần? Em hãy nêu nội dung chính từng phần.

Trả lời:

Bố cục: 3 phần:

+ Phần 1: Lựa chọn đầu tiên của “tôi”.

+ Phần 2: Mối quan hệ giữa lựa chọn và số mệnh.

+ Phần 3: Chiêm nghiệm rút ra sau hành trình một đời tìm đường.

Câu 4: Trình bày giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của đoạn trích “Một đời như kẻ tìm đường”

Trả lời:

a, Nội dung

Văn bản là lời kể của tác giả về trải nghiệm của bản thân. Qua đó thấy được những lời tâm huyết của tác giả - thế hệ đi trước, nhằm truyền động lực và cảm hứng sống tích cực cho thế hệ trẻ qua những chiêm nghiệm về lựa chọn con đường đến thành công và hạnh phúc. Hành trang cuộc đời mỗi người cần mang theo là tạo và cống hiến giá trị, tâm trạng tự tại, tinh thần tích cực.

b,  Nghệ thuật

- Lời kể gần gũi, cảm xúc chân thực, lí lẽ dẫn chứng thuyết phục, quan điểm rõ ràng

- Giọng điệu suy tư, giàu trải nghiệm, tự tin

2.    THÔNG HIỂU (8 câu)

Câu 1: Nhận xét về cách tác giả thể hiện quan điểm của chính mình.

Trả lời:

Tác giả đã lựa chọn lời kể gần gũi, chân thành về lựa chọn đầu tiên năm 14 tuổi: Chọn chương trình học, chọn ngoại ngữ.

+ Định hướng từ bố mẹ, thầy: hướng đến chương trình cổ điển.

+ Tôi: thích chương trình hiện đại vì sự thích thú với những bản nhạc Âu Mĩ dù không hiểu lời.

-> Quyết định xuất phát từ chính trái tim.

- Sử dụng yếu tố biểu cảm, hình ảnh biểu tượng trình bày suy ngẫm của mình.

Câu 2: Theo em, điều gì khiến tác giả thành công, hạnh phúc trên những lối đi không chọn?

Trả lời:

Vì tác giả đã hiểu và đúc kết ra được những chân lý:

+ Cuộc sống là hành trình tìm đường cho chính mình. Mỗi người bắt buộc phải có những quyết định trước lựa chọn.

+ Dù muốn chọn lựa hay không thì cuộc đời vẫn cứ tiếp diễn đưa đẩy đến 1 con đường mà mình phải bước tiếp.

 Suy ngẫm đầy những trải nghiệm và mang tính triết lí cuộc đời, giọng điệu dứt khoát, động viên, khích lệ mỗi người mạnh dạn bước đi trên con đường của chính mình.

Câu 3: Em có đồng ý với quan điểm: “đi đường nào cũng có thể thành công, chọn lối nào cũng có khả năng đạt hạnh phúc vì hạnh phúc và thành công không tùy thuộc vào con đường chúng ta đi mà phụ thuộc vào tâm trạng tự tại của chúng ta, cũng như vào những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên những nẻo đường đã qua”.

Trả lời:

Em có đồng ý vì:

Con đường đến thành công và hạnh phúc có thể rất đa dạng và khác nhau đối với mỗi người. Một người có thể chọn theo đuổi con đường sự nghiệp, trong khi người khác lại chọn con đường gia đình và sự hài lòng trong cuộc sống hàng ngày. Quan trọng hơn, điều quyết định sự thành công và hạnh phúc không phải là con đường mà chúng ta chọn, mà là tâm trạng và cách chúng ta đối mặt với những thách thức và cơ hội trên con đường đó.

Câu 4: Qua đoạn trích “Một đời sống như kẻ tìm đường”, rút ra được những bài học cho chính mình.

Trả lời:

Những bài học rút ra từ đoạn trích:

+ Cuộc sống là hành trình tìm đường cho chính mình. Mỗi người bắt buộc phải có những quyết định trước lựa chọn.

+ Dù muốn chọn lựa hay không thì cuộc đời vẫn cứ tiếp diễn đưa đẩy đến 1 con đường mà mình phải bước tiếp.

Câu 5: Cả cuộc đời tìm đường tác giả khám phá ra điều gì? Rốt cuộc tác giả có tìm thấy con đường mình chọn không?

Trả lời:

Đúc kết cuộc đời bằng giọng điệu tự hào, vui tươi, cởi mở của một người nhiệt huyết đã tìm thấy chính mình trên hành trình cuộc đời:

-       Tìm thấy sức mạnh- qua những thử thách

-       Thấy tình yêu- khi trao trọn trái tim.

-       Thấy quyền thế- bằng cách sống mẫu mực, khiêm tốn.

-        Thấy hạnh phúc- khi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người xung quanh.

-       Thấy no ấm- khi miệt mài tạo giá trị cho xã hội.

-        Thấy chính mình- tặng trọn bản thân cho xã hội.

 tìm thấy bằng cách cho đi những giá trị mình có

 

Câu 6: Em hiểu như thế nào về câu nói: Hạnh phúc ở đâu nay tôi đã biết. Những hạnh phúc nhỏ thì nằm trên mỗi bước đi, nhưng hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi chấp nhận, từ tinh thần tích cực mà mình luôn luôn có”.

Trả lời:

Ý nghĩa của câu nói trên:

- Chẳng có đường để đi tìm.

- Cho đi là nhận lại. Đóng góp không có nghĩa là ở số lượng vật chất mà là những tình cảm, giá trị bền vững.

- Hạnh phúc có nguồn gốc từ sự trải nghiệm, từ bi chấp nhận, và tinh thần tích cực 

Thông điệp mang tính triết lí và giàu giá trị nhân văn: Tìm đường là hành trình đi tìm chính mình. Cống hiến là con đường đi đến hạnh phúc và thành công

Câu 7: Qua văn bản vừa tìm hiểu, hãy mục đích của bài viết. Xác định quan điểm chính của tác giả trong bài viết này

Trả lời:

- Tác giả muốn truyền tải đến người đọc rằng trong cuộc đời có nhiều lúc chúng ta phải lựa chọn, lựa chọn đó có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta hoặc là thành công, hạnh phúc hoặc thất bại, đau khổ và điều đó tùy vào chính tâm trạng của chúng ta.

- Quan điểm chính của tác giả trong bài viết này là cuộc đời của chúng ta như một con đường với hàng ngàn khúc quanh, đến khúc quanh nào chúng ta cũng bắt buộc phải có những lựa chọn dù những lựa chọn đó chưa chắc đã là cuộc đời tương lai của chúng ta.

Câu 8: Chỉ ra các yếu tố tự sự, biểu cảm và phân tích tác dụng của chúng trong văn bản.

Trả lời:

- Yếu tố tự sự là ở đoạn văn kể lại câu chuyện về sự lựa chọn đầu tiên của người viết năm mười bốn tuổi, ở chi tiết về các tình huống lựa chọn được đưa ra trong quá trình bàn bạc với bố mẹ.

- Yếu tố biểu cảm là ở những đoạn văn viết về suy ngẫm, đúc rút của người viết, những cảm xúc hạnh phúc, thỏa mãn của người viết khi nói về cuộc đời của mình.

- Tác dụng của các yếu tố tự sự, biểu cảm là giúp cho bài viết thêm hấp dẫn hơn, giàu tính hình ảnh; người đọc có thể dễ dàng hòa vào suy nghĩ của người viết, cảm nhận được rõ hơn cảm xúc của người viết.

3.    VẬN DỤNG ( 6 câu)

Câu 1: Hình ảnh con đường trong văn bản "Một đời như kẻ tìm đường" và văn bản "Con đường không chọn" có gì giống và khác nhau? Em hãy phân tích quan điểm của hai tác giả khi nói về những "con đường" trong cuộc sống.

Trả lời:

Văn bản Một đời như kẻ tìm đường đem đến thông điệp mỗi người hãy dũng cảm lựa chọn con đường cuộc đời cho chính mình. Mỗi lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay dù đúng hay sai đều sẽ ảnh hưởng và thay đổi tương lai của chúng ta, ảnh hưởng đó có thể tốt cũng có thể xấu đối với chúng ta, có thể mang đến sự may mắn nhưng cũng có thể là sự đen đủi trong cuộc sống tương lai. Để đưa ra những lựa chọn đúng trong cuộc đời thì chúng ta cần rèn luyện kiến thức, rèn luyện bản thân phải biết đối mặt với những khó khăn, dù lựa chọn có sai thì chúng ta vẫn có khả năng thay đổi nó, biến thất bại thành thành công. Qua bài viết, gười viết đã đưa ra bài học: cuộc đời luôn có nhiều ngã rẽ, khúc quanh phải lựa chọn, dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải đưa ra một lựa chọn hoặc đôi khi không có quyền được chọn. Mỗi lựa chọn, mỗi lộ trình sẽ đẩy chúng ta đến với sự thay đổi có thể tốt hoặc có thể xấu.

Trong văn bản Con đường không chọn, tác giả đã đưa ra một dạng tâm lí rất phổ biến của con người, đó là chúng ta thường không trân trọng những gì mình đang có mà ngược lại, chỉ trân trọng và khao khát những gì đã mất đi hoặc không thuộc về mình. Cuộc đời là một hành trình dài, ẩn chứa vô vàn sự lựa chọn khác nhau. Chỉ có việc lựa chọn mới giúp con người ta nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực mà mình cần tìm kiếm. Tuy nhiên, dù đã có sự lựa chọn của mình nhưng mà trong sâu thẳm của tâm hồn, “con đường không được chọn” vẫn có sức vẫy gọi rất lớn như một bến bờ hạnh phúc mà con thuyền cuộc đời của nhà thơ không bao giờ cập bến được

Câu 2: Sau khi đọc những lời đúc rút của tác giả - một người từng trải, đã đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, em rút ra cho mình được những bài học gì? 

Trả lời:

Sau khi đọc những lời đúc rút của tác giả - một người từng trải, đã đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, em rút ra cho mình được những bài học: phải luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn mà không được từ bỏ. Cuộc đời con người phải lựa chọn rất nhiều, không phải lúc nào con đường mình chọn cũng thuận lợi, sẽ có lúc gian truân, vất vả. Nhưng đó không phải là lí do cản bước chúng ta. Khó khăn, thử thách là thứ tôi luyện con người ta. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo ra giá trị của bản thân, cho xã hội.

Câu 3: Theo em, khi còn trẻ, chúng ta có nên tự thử thách bản thân, chọn cho mình những con đường riêng chứ không đi theo những lối mòn? Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày quan điểm của em.

Trả lời:

Đường đi không tự dưng mà có, nó chính là quá trình con người tìm tòi, nỗ lực lao động mới có được. Tuy nhiên, nếu cứ mãi đi theo con đường đó, ta sẽ không thể tìm ra được những điều mới mẻ, những điều hay ho của cuộc sống. Để khuyên nhủ con người sáng tạo hơn trong cuộc sống, ý kiến: Đừng đi theo những lối mòn, hãy băng qua những nơi chưa có dấu chân người để tìm một con đường hoàn toàn chính xác và chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. Lối mòn là những lối đi đã được con người nhiều lần, khám phá ra được những điều hay trên con đường đó để thế hệ sau có lối đi, thuận tiện cho việc phát triển, đi lại. Những nơi chưa có dấu chân là những con đường mới, những nơi chưa có bóng dáng con người đặt chân đến. Câu nói nhằm nhắc nhở con người ta hãy cố gắng sống sáng tạo, không nên phụ thuộc lý tưởng sống của mình vào những thứ đã có sẵn. Chúng ta không có sự bứt phá, phát triển vượt trội nếu chỉ đi theo con đường cũ, hãy mạnh dạn tìm cho mình một lối đi riêng, dù nó có nhiều khó khăn, gập ghềnh, vấp ngã nhưng nó sẽ đưa bạn đến một giá trị thành công mới mẻ và con đường đó tạo nên giá trị riêng biệt cho chính bạn. Trong chính cuộc sống hiện đại đang như không ngừng trôi chảy như ngày nay, các bạn trẻ chúng ta cần phải có tư duy sáng tạo, mày mò tìm tòi học hỏi mới mong tìm kiếm được những thành tựu vẻ vang cho riêng mình. Trong bất kỳ ngành nghề nào nếu không tìm tòi sáng tạo, tìm ra những cái mới mẻ thì mãi mãi dẫm chân tại chỗ. Chỉ khi nào chúng ta tìm tòi cái mới sáng tạo ra cái mới thì mới có thể giúp cuộc sống ngày càng tiến bộ hơn nữa. Người học sinh chúng ta là thế hệ trẻ của đất nước, mang năng lượng tích cực cống hiến cho đất nước ngày càng giàu đẹp trong tương lai, ngay từ hôm nay ta hãy chọn cho mình một con đường riêng biệt và nỗ lực học tập, theo đuổi con đường ấy để tạo ra giá trị tốt đẹp cống hiến cho xã hội. Sẽ nỗ lực, cống hiến là những tinh hoa ấn tượng nhất mà ta ghi dấu ấn lại cho cuộc đời.

Câu 4: Theo bạn, khi viết văn bản này, tác giả đang ngầm đối thoại với ai?

Trả lời:

Trước hết, văn bản là một lời độc thoại, trong đó tác giả tự chiêm nghiệm, cắt nghĩa các quy luật cuộc đời, tự đúc rút các bài học cho mình. Nhưng văn bản còn có thể là một thông điệp của tác giả cho thế hệ trẻ, rằng việc lựa chọn đường đi thế nào không quan trọng, quan trọng là phải sống tử tế và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

Câu 5: Giọng điệu của tác giả trong các đoạn văn này là gì? Những yếu tố nào tạo nên giọng điệu đó?

Trả lời:

Giọng điệu được sử dụng trong văn bản là giọng tự vấn, tâm tình, sâu lắng. Giọng điệu này được tạo nên bởi nhịp điệu lời văn chậm rãi, bởi hình thức lời đối thoại mang tính chất độc thoại, bởi những cụm từ thể hiện sự suy ngẫm, chiếm nghiệm của tác giả như:“suốt cuộc đời tôi đã”, “nhưng rồi mãi tới lúc cao tuổi” “tôi mới hiểu được rằng" “cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra”, “suốt cuộc đời tìm đường, tôi đã tìm thấy”.

Câu 6: “Đi đường nào rồi cũng có thể thành công, chọn lối nào rồi cũng có khả năng đạt hạnh phúc, vì hạnh phúc và thành công không tuỳ thuộc vào con đường chúng ta đi, mà vào tâm trạng tự tại của chúng ta, cũng như vào những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên những nẻo đường đã đi qua”. Bạn có đồng ý với nhận định này của tác giả không? Vì sao?

Trả lời:

Cuộc sống là sự lựa chọn, có người sẽ chọn một con đường bằng phẳng, ít chông gai nhưng cũng có người sẽ chọn cho mình con đường nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng dù lựa chọn thế  nào đi chăng nữa, chỉ cần chúng ta cố gắng, nỗ lực hết mình đều có thể đạt được thành công, hạnh phúc. Chính vì vậy, nhận định của tác giả hoàn toàn phù hợp. Chỉ cần chúng ta có đam mê, kiên trì, nỗ lực thì dù ở hoàn cảnh nào đi nữa, chúng ta cũng có thể vươn lên để gặt hái thành quả.

4.    VẬN DỤNG CAO ( 1 câu)

Câu 1: Viết một đoạn văn phân tích tác phẩm “Một đời như kẻ tìm đường”

Trả lời:

Trong cuộc đời của mỗi người đều có rất nhiều sự lựa chọn và lựa chọn đầu tiên trong cuộc đời của người viết xảy ra năm anh mười bốn tuổi. Sự lựa chọn đầu tiên ấy là lựa chọn chương trình học ở trường cùng với ngành nghề trong tương lai. Với người viết, trong những khúc quanh của cuộc đời, nhiều khi chúng ta không có quyền lựa chọn hoặc không biết lựa chọn nhưng chúng ta bắt buộc phải đưa ra lựa chọn để có thể đi tiếp. Đôi khi sự lựa chọn đi liền với những điều kì lạ, số phận đưa chúng ta đến với lộ trình không mong muốn. Trong tương lai, những mong muốn, ước mơ và nghề nghiệp của người viết đều do số phận an bài, nó khác so với những thứ anh lựa chọn. Dù số phận đã đưa ta đến với những lựa chọn khác nhưng sự thành công và hạnh phúc là do chính bản thân quyết định, nó phụ thuộc vào tâm trạng của bản thân, vào những gì mà ta đã gặt hái được trên đường đi. Người viết đã có một cuộc đời thành công và hạnh phúc, anh thỏa mãn với những gì mình học được và những gì mình đang có.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay