Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối Bài 7: Thực hành tiếng việt. Mạch lạc và liên kết

Bộ câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 7: Thực hành tiếng việt. Mạch lạc và liên kết. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học ngữ văn 7 kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án ngữ văn 7 kết nối tri thức (bản word)

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT. MẠCH LẠC VÀ LIÊN KẾT

(12 câu)

1.    NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Mạch lạc là gì?

Trả lời:

- Mạch lạc là sự thống nhất về chủ đề và tính lô gích của văn bản. Một văn bản được coi là có tính mạch lạc khi các phần, các đoạn, các câu của văn bản đều nói về một chủ đề và được sắp xếp theo một trình tự hợp lí

Câu 2: Liên kết trong văn bản là gì?

Trả lời:

- Liên kết là sự thể hiện mối quan hệ về nội dung giữa các câu, các đoạn, các phần của văn bản phương tiện ngôn ngữ thích hợp.

Câu 3: Các phương tiện liên kết gồm những phép nào?

Trả lời:

  • Phép lặp: sử dụng các từ ngữ lặp lại nhiều lần để liên kết câu.
  • Phép nối: Sử dụng các từ có quan hệ nối câu như các cụm từ tóm lại, bởi vì, nhưng…
  • Phép thế: Sử dụng những từ có chung ý nghĩa để tránh lỗi lặp từ quá nhiều lần.

Câu 4: Nêu những điều kiện để văn bản có tính mạch lạc

Trả lời:

  • Các phần, các câu, các đoạn trong văn bản đều nói hoặc mô tả về một đề tài cụ thể, xuyên suốt trong đoạn văn bản đó.
  • Các đoạn, các câu, các ý phải được trình bày tiếp nối nhau theo một trình tự rõ ràng, hợp lý, logic, trước sau hô ứng nhau làm cho chủ đề liền mạch và gây hứng thú cho người đọc, người nghe.
  • Các trình tự này có thể là trình tự thời gian, không gian, diễn biến tâm lý hay các môi quan hệ tương đồng, tương phản, quan hệ nhân quả…

2.    THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Hãy phân tích tính mạch lạc của đoạn văn sau:

Sáu giờ, trời hửng sáng. Cùng với những tia sáng đầu tiên của bình minh, ánh điện của con cá thiết kình cũng phụt tắt. Tới bảy giờ, trời gần sáng rõ. Nhưng sương mù dày đặc đang trải ra ở chân trời, và dùng ống nhòm loại tốt nhất cũng chẳng thấy rõ vật gì. Có thể hình dung được chúng tôi thất vọng và giận dữ đến mức nào!

(Cuộc chạm trán trên đại dương)

Trả lời:

- Nội dung: Các câu văn kể về việc những người trên tàu quan sát để tiếp cận “con cá thiết kình”.

- Hình thức:

  • Các câu văn kể lại sự việc theo trình tự thời gian (Sáu giờ…; Tới bảy giờ…).
  • Sử dụng phép liên kết câu: Phép lặp (trời, sáng); phép nối (cùng, tới, nhưng).

Câu 2: Phân tích phép liên kết trong đoạn sau:

Tháp Ép-phen không những được coi là biểu tượng của Pa-ri, mà còn là biểu tượng của nước Pháp. Nó được dùng để trang trí những trang đầu của sách hướng dẫn du lịch trên nước Pháp, được làm biểu tượng trong phim ảnh, được in trong các văn kiện chính thức, những tem thư và bưu ảnh.

Tuy nhiên, điều đáng kể là việc xây dựng tháp đã là một bài học có giá trị về óc sáng tạo và tổ chức trong công tác xây dựng.

(Theo Bàn tay và khối óc)

Trả lời:

  • Nội dung: Vai trò của tháp Ép-phen
  • Hình thức: Phép nối (Tuy nhiên), Phép thế (Tháp Ép-phen - nó - tháp).

Câu 3: Hãy sắp xếp các ý sau đây để tạo được một văn bản có bố cục rõ ràng :

  1. Đà Lạt còn thật đáng yêu với đủ loại hoa có sắc màu và kiểu dáng khác nhau.
  2. Dời chân đi nhưng tôi biết chắc mình sẽ trở lại Đà Lạt vào một ngày không xa.
  3. Con người nơi đây thân thiện và mến khách vô cùng.
  4. Tôi ngây ngất trước sắc xanh sâu thẳm của màu thông trên suốt dọc đường vào trung tâm thành phố.
  5. Kì nghỉ hè này tôi đến với Đà Lạt.
  6. Đà Lạt là thành phố dễ làm người ta yêu mến ngay từ lần đầu tiên đặt chân tới đây.
  7. Thành phố bắt đầu với những rừng thông bạt ngàn .
  8. Nhiều loại hoa tôi mới nhìn thấy lần đầu và không khỏi ngạc nhiên vì sắc đẹp của chúng.

Trả lời:

5-6-7-4-1-8-3-2

3.    VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Xác định tính mạch lạc trong truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

Trả lời:

- Nội dung của truyện: Các câu văn trong văn bản đều kể về việc người thợ mộc dốc hết vốn liếng để đẽo cày.

- Hình thức của truyện:

  • Các câu được kể theo một trình tự thời gian (Từ lúc bắt đầu làm nghề đẽo cày, những lần nghe theo lời người khác, vốn liếng đi đời nhà ma)
  • Sử dụng các phép liên kết (Phép thế: người thợ mộc - anh ta, phép lặp: đẽo cày….)

Câu 2: Xác định tính liên kết trong các trường hợp sau:

  1. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thủy Tinh đã kiệt. Thân Nước đành rút quân.

Từ đó oán nặng thù sâu, hằng năm Thủy Tinh làm mưa làm gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh.

(Theo Sơn Tinh, Thủy Tinh)

  1. Gần cuối bữa ăn, Nguyên bảo tôi:

- Chị ơi, em… em - Nó bỏ lửng không nói tiếp. Tôi bỏ bát bún đang ăn dở nhìn nó khó hiểu. Thảo nào trong lúc nói chuyện, tôi có cảm giác như nó định nói chuyện gì đó nhưng còn ngại ngần.

- Chị tính xem em nên đi học hay đi bộ đội? - Nó nhìn tôi không chớp mắt.

(Theo Thùy Linh, Mặt trời bé con của tôi)

Trả lời:

a.

- Nội dung: Các câu văn kể về kết quả của sự việc Thủy Tinh đánh Sơn Tinh.

- Hình thức:

  • Phép thế: Thần Nước - Thủy Tinh
  • Phép nối: Từ đó

b.

- Nội dung: Các câu văn đều xoay quanh cuộc trò chuyện của nhân vật tôi và Nguyên.

- Hình thức: Phép thế: Nguyên - nó.

Câu 3: Xác định tính liên kết trong các trường hợp sau:

  1. a. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết…

(Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh)

  1. b. Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:

- Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì ta nói chuyện tử tế với nhau, cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.

Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:

- Khổ quá! Giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lý Cường nóng tính không biết nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy.

Chí Phèo chẳng biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, cụ quát:

(Chí Phèo, Nam Cao)

Trả lời:

a.

- Nội dung: Tội ác về mặt chính trị của giặc Pháp

- Hình thức: Phép lặp (chúng)

b.

- Nội dung: Thái độ của Chí Phèo trước lời nói của bá Kiến

- Hình thức: Phép thế (Chí Phèo - anh - hắn; cụ Bá - cụ)

 

4.    VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về một văn bản nghị luận xã hội đã học . Chỉ ra tính mạch lạc và các biện pháp liên kết được sử dụng trong đoạn văn đó

Trả lời:
         Bác Hồ -hai tiếng gọi thân thương biết mấy! Người là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu của dân tộc. Trong cuộc sống cũng như công việc, Người luôn là một hình mẫu về sự giản dị, khiêm tốn. Đó là một đức tính, một phẩm chất đáng quý được Phạm Văn Đồng thể hiện rõ nét trong văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ. Theo ông, đức tính ấy được thể hiện trong mọi mặt của Bác như bữa cơm hàng ngày chỉ có vài ba món đơn giản, nơi ở của Bác là nhà sàn đơn sơ mộc mạc với vài phòng; trong lời nói bài viết của Người cũng hết sức giản dị “Nước VN là một, dân tộc VN là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lí ấy không hề thay đổi”. Sự giản dị, thanh bạch trong đời sống của Người là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ học tập và noi theo. Là học sinh em sẽ cố gắng rèn luyện theo những phẩm chất quý báu ấy để sau này trở thành con người có ích trong gia đình và xã hội.
- Tính mạch lạc: các câu trong đoạn đều tập trung làm sáng tỏ chủ đề: Sự giản dị của Bác trong cuộc sống và công việc.
- Biện pháp liên kết: phép lặp (Việt Nam, đức tính), phép thế (Bác Hồ - Người, cha già, Bác; Phạm Văn Đồng – ông; đức tính giản dị- đức tính ấy…)

Câu 2: Em hãy viết một đoạn văn có tính mạch lạc (chủ đề tự chọn).

Trả lời:

Trong gia đình em, mẹ là người mà em yêu quý nhất. Năm nay mẹ đã ngoài ba mươi tuổi rồi nhưng mẹ còn trẻ lắm. Dáng người nhỏ nhắn. Khuôn mặt trái xoan, rạng rỡ. Mái tóc đen mượt lúc nào cũng được chải gọn gàng. Đôi mắt đen nhánh nhìn em thật hiền từ và đấy trìu mến.Thường ngày mẹ dậy thật sớm để dọn dẹpvà chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Mẹ nấu ăn rất ngon, em thích nhất món canh bí tôm của mẹ nấu. Tối đến, mẹ thường dạy em học bài, bài nào em chưa hiểu,mẹ giảng cho em ngay. Rồi mẹ đưa em vào giấc ngủ với những câu chuyện thần tiên mà mẹ kể, chắp cánh những ước mơ cho em. Em rất yêu mẹ và cố gắng hái được nhiều bông hoa điểm mười để tặng mẹ.

=> Giáo án ngữ văn 7 kết nối tiết: Mạch lạc và liên kết của văn bản

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay