Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều Bài 6 văn bản 1: Lão Hạc

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 6 văn bản 1: Lão Hạc. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Cánh diều

BÀI 1: TRUYỆN NGẮN

VĂN BẢN 1: LÃO HẠC

(16 CÂU)

1. NHẬN BIẾT (05 CÂU)

Câu 1: Hãy trình bày một số nét cơ bản về tác giả Nam Cao?

Trả lời:

- Nam Cao (1917-1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam.

- Ông là một nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ.

- Nam Cao được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996)

- Tác phẩm chính: các truyện ngắn Chí Phèo (1941), Giăng sáng (1942), Đời thừa (1943), Lão Hạc (1943),…

 

Câu 2: Truyện ngắn Lão Hạc được sáng tác năm nào? Nêu hoàn cảnh sáng tác?

Trả lời:

- Lão Hạc được sáng tác năm 1943

- Lão Hạc là một trong những truyện ngắn xuất sắc viết về người nông dân của Nam Cao, nội dung phản ánh về một phần hiện thực của xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.

 

Câu 3: Truyện ngắn Lão Hạc sử dụng ngôi kể thứ mấy? Việc sử dụng ngôi kể đó có tác dụng gì?

Trả lời:

- Truyện ngắn Lão Hạc kể theo ngôi thứ nhất.

- Người kể chuyện: ông giáo (một nhân vật trong truyện)

- Tác dụng: 

+ Việc kể ở ngôi thứ nhất khiến cho mạch kể linh hoạt.

+ Là người gần gũi với lão Hạc, chứng kiến toàn bộ cảnh đời của lão Hạc nên câu chuyện do ông giáo thuật lại trở nên chân thực, giàu cảm xúc, khách quan.

 

Câu 4: Bố cục của văn bản gồm mấy phần? Nêu nội dung của từng phần?

Trả lời:

Bố cục của văn bản gồm: 3 phần.

- Phần 1: Từ đầu đến “…chứ đâu còn là con tôi?”: Nỗi nhớ thương con da diết của lão Hạc.

- Phần 2: Từ “Lão Hạc ơi!...” đến “Tôi bây giờ có làm gì được đâu!”: Hoàn cảnh đáng thương của lão Hạc.

- Phần 3: Còn lại: Sự day dứt, dằn vặt của lão Hạc khi bán con chó Vàng và cái chết đau đớn của lão.

 

Câu 5: Nêu tóm tắt văn bản Lão Hạc?

Trả lời:

Truyện kể về lão Hạc người nông dân nghèo, vợ mất sớm, con trai không có tiền lấy vợ nên đã quẫn trí bỏ đi làm đồn điền cao su. Lão sống cô độc bên con chó Vàng của con trai lão để lại. Sau trận ốm, lão không đủ sức đi làm thuê như trước, quá cùng đường vì muốn giữ lại mảnh đất cho con trai, lão đã ra một quyết định đau đớn là bán cậu Vàng. Lão đem tiền và mảnh vườn gửi ông giáo nhờ lo ma chay khi lão mất. Lão xin Binh Tư bả chó và tự kết liễu đời mình – cái chết dữ dội không ai hiểu nguyên nhân ngoại trừ Binh Tư và ông giáo.

 

2. THÔNG HIỂU (05 CÂU)

Câu 1: Hoàn cảnh của lão Hạc trong truyện có gì đặc biệt?

Trả lời: 

- Hoàn cảnh của lão Hạc cũng giống như biết bao người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám với cuộc sống đói nghèo, cực khổ. Những lão Hạc cũng có hoàn cảnh riêng của mình. Vợ mất sớm, con trai vì không đủ tiền lấy vợ mà quẫn trí đi đồn điền cao su. Lão sống đơn độc cùng với con chó vàng.

 

Câu 2: Phân tích diễn biến hành động, tâm trạng của lão Hạc sau khi bán con chó vàng. Theo em, nguyên nhân nào khiến lão Hạc có hành động và tâm trạng như vậy?

Trả lời: 

- Sau khi bán chó: 

+ “Cố tỏ ra vui vẻ”, “cười như mếu”, “đôi mắt ầng ậng nước”, “mặt lão đột nhiên co rúm lại”, “vết nhăn xô lại với nhau”, “ép cho nước mắt chảy ra”, “cái đầu ngoẹo”, “thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”….

+ Hàng loạt những chi tiết thể hiện hành động và tâm trạng dằn vặt đau đớn đến tận cùng của lão Hạc khi bán đi kỉ vật vật cuối cùng người con trai lão để lại, người bạn trung thành trong cuộc sống của ông.

- Nguyên nhân lão Hạc có hành động và tâm trạng như vật bởi ông là người sống hiền lành và tình nghĩa nên cảm thấy đau xót, day dứt lương tâm khi bán cậu vàng.

 

Câu 3: Trước khi chết, lão Hạc đã chuẩn bị những gì? Tìm các chi tiết miêu tả cái chết của lão Hạc. Từ các chi tiết đó em có suy nghĩ gì về nhân vật này?

Trả lời: 

- Trước khi chết lão Hạc đã bán con vàng đi, sau đó nhờ ông giáo hai việc đó là nhượng lại đất cho ông giáo giữ hộ cho con trai lão và lo liệu ma chay cho mình. Cuối cùng sang nhà Binh Tư xin ít bả chó.

- Những chi tiết miêu tả cái chết của lão: “vật vã”, “đầu tóc rũ rượi”, “quần áo xộc xệch”, “hai mắt long sòng sọc”, “lão tru tréo, bọt mép sùi ra”, “khắp người chốc chốc lại giật mạnh một cái, nảy lên”, “đau đớn và bất thình lình”,…

- Từ những chi tiết đó cho thấy lão là người có hoàn cảnh đáng thương nhưng lão không muốn phiền lụy tới mọi người xung quanh. Qua đó thể hiện lão là người giàu lòng tự trọng, hiền hậu, cách cư xử tinh tế, hiểu người, hiểu đời nhưng bất lực trước hiện thực. Là một người cha yêu thương con vô bờ, giàu tình cảm và lương thiện.

 

Câu 4: Em có nhận xét gì về nhân vật ông giáo (hoàn cảnh, suy nghĩ, thái độ, tình cảm dành cho lão Hạc,…)? Chỉ ra vai trò của nhân vật này trong văn bản.

Trả lời:

- Ông giáo là một tri thức nghèo, ông còn yêu quý mấy quyển sách hơn là những ngón tay của mình. Sau khi lão Hạc bán chó ông vô cùng thấu hiểu và đồng cảm với lão. Có lúc ông giáo đã hiểu nhầm lão Hạc nhưng khi chứng kiến cái chết của lão, ông giáo đã rất thương cảm và kính trọng nhân cách, tấm lòng nhân hậu của lão. Ông giáo là một người giàu lòng trắc ẩn, luôn thấu hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của những người nghèo khó

- Ông giáo là người kể chuyện, vừa trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh của lão Hạc vừa tham gia vào câu chuyện của lão. Ông giáo đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện trực tiếp bày tỏ thái độ, tình cảm, tâm trạng của bản thân.

 

Câu 5: Chỉ ra những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Lão Hạc. Trong đó em ấn tượng với yếu tố nào nhất? Vì sao?

Trả lời: 

- Những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Lão Hạc:

+ Xây dựng tình huống truyện bất ngờ có tác dụng làm sáng tỏ nhân cách của lão Hạc và những nhân vật khác trong truyện.

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực và sâu sắc.

+ Cách xây dựng nhân vật rất chân thực và sinh động từ ngoại hình cho đến nội tâm nhân vật.

+ Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất có tác dụng tạo sự gần gũi, thân thuộc. 

- Em ấn tượng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật chân thực, sinh động và sâu lắng tác giả đã giúp người đọc hình dung toàn diện về cả bề ngoài lẫn bên trong từ đó hiểu hơn về hoàn cảnh khốn khổ của những người nông dân trước cách mạng.

 

3. VẬN DỤNG (04 CÂU)

Câu 1: Em hiểu thế nào về ý nghĩ của nhân vật “tôi” (có thể coi là tác giả) qua đoạn văn sau:

“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta cố mà tìm hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương […]. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”.

Trả lời:

- Qua đoạn văn trên ta thấy ý nghĩ của nhân vật tôi thật triết lí, nó nêu lên bài học về cách nhìn người, nhìn đời và cách ứng xử trong cuộc sống. Hơn thế nữa, ý nghĩ này còn thể hiện nhân vật “tôi” có lòng thương người, biết đồng cảm, thấu hiểu với hoàn cảnh với số phận người khác.

 

Câu 2: Viết một đoạn văn lý giải nguyên nhân cái chết của Lão Hạc.

Trả lời: 

Nhà văn Nam Cao đã miêu tả cái chết của lão Hạc thật dữ dội để lại cho người đọc niềm thương cảm sâu sắc. Cái chết của lão Hạc không phải là sự manh động, tiêu cực. Lão đã rất bền bỉ, đã gắng để sống: "Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc" mà không được. Bi kịch là thế đấy. Nếu không muốn sống thì lão đã không phải cố duy trì sự sống bằng mọi cách như thế. Lão có thể tự sát ngay sau khi ủy thác cho ông giáo mảnh vườn và tiền làm tang. Dường như, trong mòn mỏi, lão vẫn cố chờ điều gì... Chờ con trai trở về. Biết đâu trong những ngày gắng sống ấy nó trở về! Không thể chờ thêm được nữa, cuối cùng thì lão Hạc phải chấp nhận một sự thật của chính mình, để lão không vi phạm lẽ sống của lão: muốn sống mà vẫn tự chết. Tại sao lão tự trọng đến "hách dịch" như thế cơ chứ? Lão có thể cậy nhờ để sống qua ngày cơ mà, dân gian chẳng đã từng nói "hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau" là gì! Đến ngay tiền làm ma cho mình lão còn không động đến nữa là cậy nhờ! Thế mới là lão Hạc. Cậu Vàng chết để có thêm năm đồng vào hai lăm đồng thành ba mươi đồng lão gửi ông giáo làm tang nếu lão có mệnh hệ nào. "Đâu vào đấy" là cay đắng thế ư? Khi con chó phải chết, lão Hạc mong hóa kiếp cho nó; đến khi lão chết, con chó còn là 5 đồng để tiễn đưa hương hồn lão. Cơ cực đến thế là cùng. Chẳng gì khác, xã hội thực dân nửa phong kiến đen tối đã đẩy cuộc sống người nông dân đến đường cùng; cái nghèo khó, cùng cực đã đẩy lão Hạc đến một lựa chọn đau đớn, nghiệt ngã.

 

Câu 3: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về nhân vật lão Hạc.

Trả lời: 

Qua ngòi bút tài ba của nhà văn hiện thực Nam Cao hình ảnh người nông dân khốn khổ đã được tác giả khắc họa rõ nét chân thực trong truyện ngắn Lão Hạc. Lão Hạc là một người nông dân nghèo, vợ mất sớm, con trai bỏ đi làm đồn điền cao su, lão sống lủi thủi một mình với con chó. Trải quan một trận ốm nặng sức khỏe lão yếu đi bất lực trước hoàn cảnh lão đã ra quyết định bán cậu vàng đi. Lão ân hận lắm trước khi ra đi lão chọn ông giáo – một trí thức nghèo đồng thời cũng là người bạn của ông gửi gắm lại mảnh đất cho con trai và số tiền lo ma chay. Ông lão sao phải khổ vậy, ông không khát khao sống ư? Sau khi nhờ cậy ông giáo xong, ông lão vẫn cố gắng hôm thì ăn khoai, hết thì tìm ăn củ chuối nhưng cái hiện thực tàn khốc cứ đẩy ông tìm đến cái chết. Một cái chết đau đớn, một cái cái dữ dội bằng cách ăn bả chó. Lão Hạc là đại diện tiêu biểu cho những người nông dân trong xã hội xưa, ông sống một cuộc sống nghèo khó nhưng giàu lòng tự trọng, giàu tình yêu thương con và nhân cách trong sạch. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, xây dựng tình huống, lối kể truyện chân thực và sâu sắc tác giả đã thành công giúp người đọc hình dung về số phận những người nông dân khốn khổ nhưng có phẩm chất cao đẹp của người nông dân trước Cách mạng Tháng Tám.

 

Câu 4: Hãy tưởng tượng em là con trai của lão Hạc kể lại câu chuyện trở về làng và thăm mộ cha.

Trả lời:

Tôi về lại quê sau nhiều năm đi làm ở đồn điền cao su, vì đi làm xa, nhiều năm liền chẳng được trả tiền công nên tôi không biết làm cách nào để về nhà, thi thoảng năm một lần lại gửi giấy về cho cha yên tâm. Đã sáu năm rồi, tôi chưa về nhà, tính năm nay sẽ về nên không gửi thư về nữa, thế nhưng khi tôi về đã không kịp gặp cha lần cuối. Đi mất hai ngày đường tôi mới về tới làng, đi về làng mà tôi ngỡ như mình đi đến nơi khác, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt khác lạ, chẳng ai chào hỏi vì dường như họ thấy tôi lạ quá. Đi làm được vài trăm bạc tôi cũng gọi là có quần áo mặc tử tế. Về đến nhà tôi thấy không khí im ắng lạ thường, trong đầu tôi thoáng có ý nghĩ đáng sợ, tôi cố trấn át nó đi rồi tìm cha khắp xung quanh nhà, tôi lớn tiếng gọi cha nghĩ ông đang ở ngoài vườn sẽ nghe thấy, nhưng mãi vẫn không thấy ai thưa.

Một lúc sau thấy tiếng bước chân, tôi mừng nghĩ cha đã về, thế nhưng không phải, đó là ông giáo. Ông sang thắp một nén hương rồi vái rằng "Lão Hạc ơi con trai ông đã về rồi đây này, ông về mà nhìn nó đi". Tôi lặng người đi, hóa ra cái suy nghĩ đáng sợ ấy là thật. Tôi ngồi sụp xuống, thế là chẳng còn gì nữa, đã quá muộn màng để tôi hối hận về quyết định bỏ cha đi làm ăn xa. Ông giáo dẫn tôi ra thăm mộ cha rồi kể cho tôi nghe về cái chết của cha tôi, tôi nghe mà lòng đau quặn thắt, chưa bao giờ tôi thấy mình đau đớn và thương cha đến như thế.

Nhìn mảnh vườn trước mặt, tôi vừa nhớ cha lại vừa trách mình bất hiếu. Giá như cha đừng vì tôi mà giữ mảnh vườn, cứ bán mà ăn mà sống thì có lẽ tôi còn có cha. Tất cả là vì tôi, giờ tôi sẽ chăm chỉ làm lụng, chăm bón cái vườn này vì cha.

 

4. VẬN DỤNG CAO (02 CÂU)

Câu 1: Theo em, với truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao đã gửi gắm những điều gì khi viết về người nông dân nghèo trước Cách mạng Tháng Tám 1945?

Trả lời: 

- Nam Cao bày tỏ sự cảm thương cho số phận người nông dân khốn khổ, không có lối thoát trước cách mạng lên án hiện thực xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

- Tác giả ca ngợi những phẩm chất cao quý của những người nông dân là biểu hiện quan trọng của giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Lão Hạc”

 

Câu 2: Qua truyện ngắn Lão Hạc, em hiểu thế nào về cuộc đời, số phận của người nông dân trong xã hội cũ?

Trả lời:

- Cuộc đời của những người nông dân trong xã hội cũ là những người nông dân cực khổ, nghèo túng, bất hạnh.

- Họ bị xã hội đè nén, áp bức, rơi vào tình trạng khốn khó, cùng cực.

- Họ là người nông dân hiền lành, lương thiện, giàu lòng tự trọng, sống trong hoàn cảnh nào cũng giữ được bản thân trong sạch.



=> Giáo án Ngữ văn 8 cánh diều Bài 6 Đọc 1: Lão Hạc

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay