Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 7: Văn bản 3 - Những ngôi sao xa xôi (trích)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 7: Văn bản 3 - Những ngôi sao xa xôi (trích). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 7: TIN YÊU VÀ ƯỚC VỌNG

VĂN BẢN 3: NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI
(12 câu)

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày hiểu biết của em về về tác giả Lê Minh Khuê và tác phẩm Những ngôi sao xa xôi (hoàn cảnh ra đời, thể loại, nội dung,......).

Trả lời:

*Tác giả:

+ Lê Minh Khuê sinh năm 1949 quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá.

+ Là cây bút nữ chuyên viết về truyện ngắn

+ Ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, đặc sắc, đặc biệt là tâm lí nhân vật phụ nữ

+ Lê Minh Khuê là nhà văn nữ có sở trường về truyện ngắn, với ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, sắc sảo, đặc biệt là tâm lí nhân vật phụ nữ.

+ Lê Minh Khuê từng là thanh niên xung phong trên những nẻo đường Trường Sơn trong thời kì chống Mĩ.Những truyện ngắn đầu tay của chị ra đời đầu những năm 70 của thế kỉ XX khi chị còn rất trẻ. Viết về cuộc đời của chính bản thân chị và đồng đội 

=> Chị miêu tả tâm lí tinh tế, sắc sảo đặc biệt là tâm lí của những cô gái thanh niên xung phong.

*Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: “Những ngôi sao xa xôi” được viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra vô cùng ác liệt, lúc đó tác giả từng là chiến sĩ thanh niên xung phong ở Trường Sơn.

- Thể loại: truyện ngắn

- Nội dung: tác phẩm đã khắc họa rõ nét tâm hồn trong sáng, mộng mơ cùng tinh thần lạc quan dũng cảm giàu nghị lực của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó cũng là hình ảnh đẹp của thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam những năm kháng chiến chống Mĩ.

- Ý nghĩa nhan đề:

+ “Những ngôi sao xa xôi” là một nhan đề rất lãng mạn, rất đặc trưng của văn học thời kháng chiến chống Mĩ. 

+  Nhan đề xuất phát từ ánh mắt nhìn xa xăm của Phương Định, lời các anh bộ đội lái xe ngợi ca họ, hình ảnh lãng mạn, đẹp và trong sáng lại phù hợp với những cô gái mơ mộng đang sống và chiến đấu trên cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mĩ (60-70) ác liệt. Ba cô gái trẻ là ba vì sao xa xôi trên cao điểm của tuyến đường Trường Sơn.

+ “Những ngôi sao xa xôi” cái ánh sáng ẩn hiện xa xôi, dịu dàng mát mẻ như sương núi, có sức mê hoặc lòng người. Đó là biểu tượng về sự ngời sáng của phẩm chất cách mạng trong những cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn. Phương Định, Nho hay Thao đều là những "ngôi sao xa" nơi cuối rừng Trường Sơn, sáng ngời vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bằng khả năng sáng tạo và nhờ có những ngày từng lăn lộn với chiến trường "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê đã có một chỗ đứng vững vàng, luôn hấp dẫn người đọc.

Câu 2: Tìm các chi tiết miêu tả tâm lí của Phương Định khi phá bom.

Trả lời:

- Phương Định “dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom”. Quả bom nằm lạnh lùng. Lưỡi xẻng thỉnh thoảng lại chạm vào quả bom, một tiếng động sắc đến gai người vang lên, cứa vào da thịt cô.

- “Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí. Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành” -> càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh, gan dạ của cô.

- Những lúc đối mặt với quả bom sắt lạnh lùng, cô cũng có nghĩ đến cái chết. “Nhưng một cái chết rất mờ nhạt, không cụ thể”. Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Còn điều mà cô quan tâm lúc này là “liệu mìn có nổ không, bom có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần thứ hai?”

=> Trong suy nghĩ của Định, cô luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt dù có phải hi sinh.

Câu 3: Hãy tìm những dẫn chứng về tình cảm, quan niệm của Phương Định dành cho đồng đội của cô? Qua đó ta thấy thái độ của Phương Định đối với đồng đội có như thế nào?

Trả lời:

Những dẫn chứng về tình cảm, quan niệm của Phương Định dành cho đồng đội của cô:

- Yêu mến đồng đội, quan tâm, tôn trọng tất cả những người bạn, người anh em cùng sống và chiến đấu với mình.

- Phương Định miêu tả chị Nho và chị Thao đầy trìu mến, khi miêu tả các anh bộ đội, khi Phương Định chăm sóc chị Nho.

- Lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về.

=> Trong chị luôn thường trực tình đồng đội, đồng chí nồng ấm. Tấm lòng vị tha của chị luôn quan tâm tới đồng đội. Tình cảm đồng đội,đồng chí là ngọn lửa sưởi ấm lòng, là niềm tin, là động lực, là nguồn động viên khích lệ các chị thêm vững lòng trên mặt trận đầy gian nguy này. 

Câu 4: Đề tài của truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là gì?

Trả lời:

Đề tài: Ca ngợi cuộc sống, chiến đấu của thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Nêu ý nghĩa trận mưa đá xuất hiện trong bài “Những ngôi sao xa xôi”.

Trả lời:

Với nhân vật Phương Định, trận mưa đá còn gợi về cô bao nhiêu hình ảnh, kỉ niệm êm đềm về thành phố và tuổi thiếu nữ của cô. Chi tiết ấy cho thấy cuộc sống ngoài chiến trường bên cạnh sự khốc liệt, dữ dội cũng còn có những phút thanh thản cho tâm hồn người được lắng dịu. Có như thế họ mới có thể sống và chiến đấu lâu dài được.

Câu 2: Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” được trần thuật theo ngôi thứ mấy? Tác dụng của việc trần thuật đó là gì?

Trả lời:

- Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất và những người kể chuyện cũng là nhân vật chính: Phương Định.

-  Sự lựa chọn ngôi kể như vậy phù hợp với nội dung tác phẩm và tạo thuận lợi để tác giả miêu tả, biểu hiện thế giới tâm hồn, những cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật. Để cho nhân vật là người trong cuộc kể lại thì câu chuyện sẽ thật hơn, cụ thể và sinh động hơn, tạo cho người đọc cảm giác tin vào câu chuyện hơn. Và ở đây, truyện viết về chiến tranh, tất nhiên phải có bom đạn, chiến đấu, hi sinh, nhưng trong truyện này, hiện lên khá rõ là thế giới nội tâm của các cô gái thanh niên xung phong với vẻ đẹp tâm hồn của một thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mĩ. Đó cũng là do cách lựa chọn và kể của tác giả - nhất là vai kể ở đây lại là một cô gái trẻ Hà Nội có cá tính nhiều mộng mơ với những kỉ niệm đẹp của thời thiếu nữ.

Câu 3: Em có suy nghĩ gì về công việc và hoàn cảnh sống của họ? Với công việc như thế đòi hỏi tinh thần làm việc như thế nào?

Trả lời:

+ Họ làm việc ở nơi tập trung nhiều bom đạn sự nguy hiểm và ác liệt.

+ Công việc những thanh niên xung phong làm mạo hiểm cận kề với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh.

+ Họ ở những nơi tập chung bom đạn, nguy hiểm phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch-> luôn đối diện với cái chết, cái chết và sự sống chỉ gần nhau trong gang tấc, xong ở họ sáng ngời lên những phẩm chất tốt đẹp.

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”.

Trả lời:

- Khái quát hoàn cảnh sống và chiến đấu của 3 cô gái

  • Sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom đạn.
  • Họ phải đối mặt đó là cuộc chiến đấu ác liệt và chính là công việc tổ trinh sát mặt đường - một công việc hơn cả nặng nhọc, đó là nhiệm vụ hiểm nghèo.

- Vẻ đẹp chung của ba cô gái

  • Họ có lòng yêu nước sâu sắc, sống có lí tưởng cao đẹp.
  • Tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng dũng cảm, gan dạ không sợ gian khổ hi sinh.
  • Họ có tâm hồn trong sáng, lạc quan, yêu đời
  • Họ là những nữ thanh niên xung phong có tình đồng đội gắn bó, thân thiết

- Vẻ đẹp riêng của ba cô thanh niên xung phong

  • Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn nhưng trong chiến đấu thì rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn.
  • Nhân vật Phương Định là đại diện các cô gái trẻ Hà Nội vào chiến trường tham gia đánh giặc, tuy gian khổ nhưng vẫn giữ được cái phong cách riêng của người Hà Nội, rất trữ tình và đáng yêu. Là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình.
  • Nhân vật chị Thao lớn tuổi hơn nên những ước mơ và dự định về tương lai cũng thiết thực hơn. Một người chị nông thôn, đầy tinh thần trách nhiệm, dám quyết đoán, biết hi sinh và nhường nhịn.

Câu 2: Tâm trạng của Phương Định khi cơn mưa đá bất ngờ ập đến? Qua phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật giúp em hiểu thêm gì về Phương Định?

Trả lời:

Tâm trạng của Phương Định khi cơn mưa đá bất ngờ ập đến, ở cô lập tức toát lên một niềm vui con trẻ, niềm vui ấy nở tung ra, say sưa, tràn đầy. Cô nhặt những hạt mưa đá để rồi bâng khuâng ngơ ngác khi thấy nó tan biến bất ngờ, cũng nhanh như khi nó ập đến. “Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nỗi… Tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố” Tất cả mọi kỉ niệm đẹp nhất ở thành phố Hà Nội, về mẹ, về tuổi thiếu nữ trong sáng, vô tư như ùa về, xoáy mạnh trong lòng cô gái. 

=> Qua đó ta thấy được Phương Định hiện ra trước mắt ta là một cô gái trẻ trung thông minh tinh nghịch nhiều mơ mộng. Không chỉ hồn nhiên yêu đời mà Phương Định còn có một tâm hồn rất nhạy cảm. 

Câu 3: Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về nhân vật Phương Định.

Trả lời:

Cô gái Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đó là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp, trong sáng, giàu tình cảm và dũng cảm, ngoan cường. Xuất thân là con gái Hà Nội, Phương Định tham gia thanh niên xung phong sống giữa khói bụi Trường Sơn và bom đạn. Công việc của chị là đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom nổ. Công việc hết sức nguy hiểm. Giữa chiến trường khói lửa, chị vẫn hồn nhiên, ngây thơ, trẻ con đôi khi nhạy cảm, mơ mộng, thích hát. Luôn mang trong mình tinh thần dũng cảm trong cuộc phá bom đầy nguy hiểm, chị dũng cảm, bình tĩnh tiến đến quả bom, đàng hoàng mà bước tới cùng xới xẻ đào đất, có lúc lưỡi xẻng chạm trúng vào quả bom. Đó là cuộc sống thường nhật của họ. Có những khi chị nghĩ đến cái chết như chỉ "mờ nhạt" vụt qua, hoàn thành nhiệm vụ luôn được chị đặt lên hàng đầu. Công việc nguy hiểm là vậy mà Phương Định vẫn đùa vui trong gian khổ, mang trong mình một tâm hồn lạc quan yêu đời, mơ mộng của một thiếu nữ. Trong chị luôn thường trực tình đồng đội, đồng chí nồng ấm. Tấm lòng vị tha của chị luôn quan tâm tới đồng đội. Ngược lại, chị Phượng Định cũng rất cần sự cổ vũ, động viên của đồng đội. Chị cảm thấy ấm lòng và tự tin hơn khi cảm thấy ánh mắt dõi theo, khích lệ của các anh chiến sĩ pháo binh. Chị được rất nhiều chiến sĩ cảm mến. Điều đó càng làm tình đồng đội, đồng chí trong chị thêm sâu đậm biết bao! Phương Định, tuy chỉ là một ngôi sao bé nhỏ, nhưng sẽ luôn tỏa sáng, sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam. Các cô mãi là những hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến.

4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 11: Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp. (Pautopxki)

Em hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy viết về xứ sở cái đẹp mà Lê Minh Khuê mang đến cho bạn đọc qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.

Trả lời:

  1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về sứ mệnh cao cả của nhà văn chân chính.

- Trích dẫn ý kiến của K. Pautopxki và giới hạn phạm vi dẫn chứng: Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê.

  1. Thân bài
  2. Khái quát:
  3. Giải thích

- Nhà văn chân chính: Nhà văn có thái độ nghiêm túc trong lao động và sáng tạo nghệ thuật; có lương tâm, có trách nhiệm với nghề; tạo ra tác phẩm văn chương có giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc.

- Người dẫn đường: Là người định hướng tư tưởng, cảm xúc cho bạn đọc.

- Xứ sở cái đẹp: Là vẻ đẹp của một tác phẩm văn học được thể hiện ở hai phương diện nội dung và hình thức.

+ Vẻ đẹp nội dung là vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm. Đó là vẻ đẹp trong tự nhiên, trong con người, trong lao động, chiến đấu… mà nhà văn mang tới cho người đọc.

+ Vẻ đẹp hình thức là khả năng xây dựng được những hình tượng nghệ thuật sinh động, độc đáo, hấp dẫn, là khả năng kết cấu chặt chẽ, xây dựng tình huống hợp lí, khả năng sử dụng ngôn từ điêu luyện...

-> Ý kiến nhấn mạnh vai trò của nhà văn trong việc dẫn dắt, định hướng và bồi đắp tư tưởng, cảm xúc thẩm mĩ cho bạn đọc khi tiếp cận một tác phẩm văn chương.

  1. Bàn luận:

- Con người luôn có nhu cầu cảm thụ, thưởng thức cái đẹp.

- Thiên chức cao cả của nhà văn là thông qua tác phẩm của mình để hướng con người tới các giá trị chân – thiện – mĩ. Nhà văn bằng năng lực của mình đã đưa cái đẹp vào tác phẩm một cách nghệ thuật, giúp người đọc vừa cảm nhận được cái đẹp cuộc đời, vừa cảm nhận được cái đẹp của chính tác phẩm.

- Giá trị thẩm mĩ là một trong ba giá trị cơ bản của văn học, là khả năng văn học có thể đem đến cho con người những rung động trước cái đẹp.

  1. Vài nét về tác giả và tác phẩm:

- Tác giả: Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên về truyện ngắn. Trong những năm chiến tranh, truyện của bà viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. Là nhà văn từng có những năm tháng gắn bó với những con đường mưa bom bão đạm, từng chứng kiến, trải qua những gian khổ. Bởi vậy, bà có những tác phẩm viết về cuộc sống và con người nơi đây thật chân thực và xúc động.

- Tác phẩm: Là tác phẩm đầu tay sáng tác vào năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc diễn ra hết sức ác liệt…

Truyện kể về cuộc sống, chiến đấu của ba cô gái thanh niên Phương Định, Thao, Nho trong kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Qua tác phẩm, nhà văn dẫn người đọc đến với ‘‘xứ sở của cái đẹp”. Tác phẩm là minh chứng cho nhận định của Pautopxki.

  1. Chứng minh: Xứ sở cái đẹp mà Lê Minh Khuê mang đến cho bạn đọc qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.
  2. “Xứ sở cái đẹp” trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được thể hiện ở phương diện nội dung: Đó là vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ qua hình ảnh ba nữ trinh sát mặt đường. 
  3. Hoàn cảnh sống và chiến đấu:

+ Sống và làm việc dưới chân một cao điểm, trên tuyến đường trọng điểm của Trường Sơn, giữa mênh mông khói bụi và bom đạn hủy diệt của kẻ thù : Đường bị đánh lở loét, hai bên đường không có lá xanh, những thân cây bị tước khô cháy ; đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ầm ì... 

-> Liệt kê, tả thực tái hiện hiện thực khốc liệt, tính chất ác liệt của cuộc chiến, đó là sự dã man, tàn bạo của kẻ thù; tàn phá thiên nhiên nặng nề, hủy diệt cả sự sống. 

+ Công việc vô cùng hiểm nguy: Đo khối lượng đất đá, đếm bom chưa nổ, nếu cần thì phá bom. Phá bom một ngày năm lần, ít thì ba lần. Trong lúc đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn và làm việc có khi suốt đêm thì các cô, tổ trinh sát mặt đường, phải chạy trên cao điểm cả ban ngày, dưới cái nóng trên ba mươi độ, thần chết rình rập xung quanh. 

+ Phải đối diện với thần chết từng phút, từng giờ: thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhip điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ.

=> Nhiệm vụ công việc của họ rất quan trọng và đầy gian khổ, ác liệt, luôn luôn phải đối mặt với hiểm nguy và cái chết, đó cũng là hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ. 

  1. Vẻ đẹp của ba cô gái thanh niên xung phong :

* Vẻ đẹp chung: 

- Họ có lí tưởng sống cao đẹp:

+ Rời ghế nhà trường phổ thông, gác lại bao ước mơ, hoài bão của mình, ba nữ thanh niên xung phong ra mặt trận, cùng nhiều thanh niên xung phong khác: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” để giành độc lập, tự do của Tổ quốc. 

+ Họ thuộc tổ Trinh sát mặt đường ở trên cao điểm - cái tên gợi bao khát khao cống hiến.

=> Lí tưởng sống của họ cũng là của cả thế hệ trẻ thời đại ấy, sẵn sàng tình nguyện đến những nơi khó khăn ác liệt nhất, nhiều thử thách nhất, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc: “Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên”. Họ có lòng yêu nước cháy bỏng, nhiệt huyết sôi sục.

* Họ là là những cô gái kiên cường, dũng cảm và có tinh thần trách nhiệm với công việc:

- Sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không hề e ngại, run sợ, chùn bước trước hiểm nguy: Phương Định sẵn sàng nhận nhiệm vụ phá bom dù trước đó bị thương và vết thương chưa lành miệng. Một ngày chúng tôi phá bom ba- năm lần. Quen rồi. Tôi, một quả......dưới chân cái hầm ba-ri-e cũ…

=> Những câu văn ngắn, dạng câu đặc biệt là những thông báo giản dị, thản nhiên. Các cô đi làm nhiệm vụ đặc biệt hiểm nguy, đi vào chỗ chết, chia nhau cái chết mà bình tĩnh đến lạ thường.

- Bình tĩnh, dũng cảm trong công việc: Đến gần quả bom, không đi khom, đào đất dưới vỏ quả bom còn nóng, bỏ thuốc mìn, châm ngòi 

- Cố gắng hoàn thành công việc, không ngại hy sinh: phải nhanh hơn chút nữa. Liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Làm thế nào để châm mìn lần thứ hai? …thoáng nghĩ đến cái chết (nhưng chỉ là mờ nhạt, thoáng qua).

=> Nghệ thuật miêu tả nhân vật: đặt nhân vật trong tình huống cụ thể: đối mặt với quả bom có thể nổ bất cứ lúc nào - đối mặt với thần chết. Sử dụng một loạt động từ chỉ hành động gợi tả những hành động chính xác, nhanh nhẹn, thuần thục, khéo léo, khẩn trương, đồng thời miêu tả cụ thể chân thực những trạng thái cảm xúc của nhân vật như lo lắng, căng thẳng, bình tĩnh... Mục đích hoàn thành nhiệm vụ luôn được họ đặt lên trên hết, sự từng trải và lòng gan dạ đã giúp họ chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân, không ngại hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. 

- Họ có tình đồng chí đồng đội cao đẹp

Họ quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho nhau; thấu hiểu và tôn trọng sở thích của nhau:

+ Phương Định: Lo lắng cho chị Thao và Nho lên cao điểm chưa về đến nỗi “nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Phương Định hiểu chị Thao và Nho như hiểu về những chị em ruột thịt. Với Nho, cô em út của tổ trinh sát thì Phương Định rất muốn bế trên tay: Trông nó nhẹ mát như một que kem trắng. Biết bao trìu mến, yêu thương trong cái nhìn ấy. Khi Nho bị thương, cô vỗ về và chăm sóc như một người y tá: moi đất, bế Nho đặt lên đùi, rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than, tiêm cho Nho, rồi pha sữa trong cái ca sắt… Đặc biệt, cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những chiến sĩ mà cô gặp ngày đêm trên con đường ra mặt trận. Với cô những người đẹp nhất, thông minh, cam đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ. 

+ Chị Thao: cuống cuồng khi Nho bị thương, giành khó khăn về mình (Phương Định bị thương, chị Thao phân công Phương Định ở nhà trực máy, còn mình cùng Nho đi trinh sát ...)

+ Nho: thấu hiểu đồng đội, bị thương cũng không kêu ca, biết trấn an tinh thần của đồng đội...

=> Tình đồng chí đồng đội của họ thật thiêng liêng, cao cả và đáng quý. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh để các cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

- Họ là những cô gái lạc quan, trẻ trung, trong sáng, mơ mộng:

+ Trước khó khăn, họ vẫn đùa vui, tếu táo: trên cao điểm về, khói bom nhem nhuốc, khi cười chỉ thấy hai hàm răng trắng lóa, gọi nhau là những con quỷ mắt đen… Phương Định thích hát, chị Thao thích chép bài hát…, với họ “tiếng hát át tiếng bom”…

+ Họ thích làm đẹp cho cuộc sống của mình, ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt: Nho và chị Thao thích thêu thùa, Chị Thao tỉa lông mày nhỏ như que tăm, Phương Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ màng, thích hát… 

+ Cả ba đều hồn nhiên tươi trẻ: vui thích cuống cuồng khi cơn mưa đá đến bất ngờ, tiếc nuối khi cơn mưa qua nhanh...

* Nét đẹp riêng:

- Nho: Là em út, tính nết trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng vẻ bé nhỏ, nhẹ nhàng, xinh đẹp mát mẻ như một que kem trắng nhưng rất bản lĩnh, rắn rỏi.

- Chị Thao: Là người thích làm đẹp, ở chị có những nét tính cách tưởng trái ngược nhau: Thích chép bài hát, chép cả bài do Phương Định bịa ra nhưng lại không hát trôi chảy bài nào; dũng cảm, táo bạo, bản lĩnh, kiên quyết trong chiến đấu nhưng lại sợ máu, sợ vắt…

- Phương Định: 

+ Là cô gái xinh đẹp, duyên dáng nhưng không biểu lộ tình cảm, tỏ ra kín

đáo trước đám đông, tưởng như kiêu kì nhưng lại tạo nên một sức hút tự nhiên.

+ Là cô gái Hà Nội, vào chiến trường ba năm, hay hoài niệm về quê hương, mẹ, mái trường...

+ Là cô gái hồn nhiên mơ mộng với nhiều nét tính cách thể hiện rất rõ ràng: thích hát, thuộc nhiều bài hát, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom đạn nổ.

=> Họ là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ. Vẻ đẹp đó khơi gợi những rung động thẩm mĩ, bồi đắp tình cảm con người. Tác phẩm đã gợi lên trong người đọc sự yêu mến, ngưỡng mộ, cảm phục trước vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay soi vào để hoàn thiện bản thân và sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời.

  1. “Xứ sở cái đẹp” trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được thể hiện ở phương diện nghệ thuật: 

- Cốt truyện đơn giản, hấp dẫn. Tác giả thành công trong việc tạo dựng được rõ nét khung cảnh và không khí ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn bằng nột vài nét miêu tả không rườm rà.

- Truyện kể theo ngôi thứ nhất – nhân vật Phương Định, tác giả đã diễn tả tự nhiên, sinh động những tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ của những cô gái ở giữa chiến trường, luôn đối mặt với cái chết mà vẫn sống hồn nhiên, lạc quan, giàu tình cảm mà không ít mơ mộng. Truyện kể tự nhiên, lôi cuốn người đọc. Nhân vật bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình nên truyện kể khai thác được chiều sâu tâm lí nhân vật. 

- Truyện kể chắt lọc, chân thực, sinh động. Hình ảnh Phương Định và những nữ trinh sát mặt đường như ở ngoài đời thực của chiến trường bước vào trong tác phẩm.

- Ngôn ngữ và giọng điệu: Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện – cô gái người Hà Nội – tạo cho tác phẩm có giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung và có chất nữ tính, vui tươi, hóm hỉnh. 

- Xây dựng nhân vật qua miêu tả tâm lí, ngoại hình, cử chỉ, hành động để bộc lộ tích cách và phẩm chất. 

- Lời kể thường dùng câu ngắn, nhịp nhanh tạo được không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến trường. Ở những đoạn hồi tưởng, nhịp kể chậm lại, gợi nhớ những kỉ niệm của tuổi niên thiếu hồn nhiên, vô tư và không khí thanh bình trước chiến tranh.

III. Đánh giá

- Nhận định của Pautopxki là một ý kiến xác đáng khi khẳng định sứ mệnh cao cả của nhà văn trong việc truyền tải cái đẹp của cuộc sống đến với người đọc. Điều này không chỉ đúng với tác phẩm Những ngôi sao xa xôi mà còn đúng với văn học và nghệ thuật nói chung.

- Nhà văn phải thâm nhập thực tế, trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết và tài năng nghệ thuật để có thể tái hiện cái đẹp chân thực của đời sống trong tác phẩm của mình.

- Ý kiến cũng là một định hướng ý nghĩa cho việc chọn lọc và tiếp nhận văn chương của người đọc.

  1. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

- Liên hệ bản thân. 



=> Giáo án Ngữ văn 8 kết nối Bài 7 Văn bản 3: Những ngôi sao xa xôi (trích)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay