Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 2: Văn bản 1 - Thu điếu

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 2: Văn bản 1 - Thu điếu. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 2: VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂN

VĂN BẢN 1: THU ĐIẾU
(15 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết cơ bản của em về bài thơ “Thu điếu” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Nguyễn Khuyến

- Thể loại: Thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- “Thu điếu” nằm trong chùm ba bài thơ thu của ông. Theo Xuân Diệu, “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”.

- Nội dung: Bài thơ tái hiện những đặc trưng của mùa thu miền Bắc, cũng qua đó nhà thơ gửi gắm nỗi lòng, suy tư của mình trong thời cuộc rối ren.

 

Câu 2: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Khuyến.

Trả lời:

- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu là Quế Sơn, lúc nhỏ tên là Nguyễn Thắng, sinh tại quê ngoại – xã Hoàng Xá (nay là xã Yên Trung), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, lớn lên và sống chủ yếu ở quê nội – làng Và (tên chữ là Vị Hạ), xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. 

- Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo. 

- Năm 1864, ông đỗ đầu kì thi Hương. 

- Mấy kì sau thi tiếp lại trượt, đến năm 1871, ông đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình. Do đỗ đầu cả ba kì thi nên Nguyễn Khuyến được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. 

- Tuy đỗ đạt cao nhưng ông chỉ làm quan hơn mười năm, còn phần lớn cuộc đời là dạy học và sống thanh bạch ở quê nhà. 

- Nguyễn Khuyến là người tài năng, có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân, từng bày tỏ thái độ kiên quyết không hợp tác với chính quyền thực dân Pháp.

- Sáng tác của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, hiện còn trên 800 bài gồm thơ, văn, câu đối nhưng chủ yếu là thơ. 

- Thơ Nguyễn Khuyến nói lên tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bè bạn; phản ánh cuộc sống của những con người khổ cực, thuần hậu, chất phác; châm biếm, đả kích thực dân xâm lược, tầng lớp thống trị, đồng thời bộc lộ tấm lòng ưu ái đối với dân, với nước. 

- Đóng góp nổi bật của Nguyễn Khuyến cho nền văn học dân tộc là ở mảng thơ Nôm, thơ viết về làng quê, thơ trào phúng.

 

Câu 3: Chỉ ra đặc điểm thi luật (bố cục) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ “Thu điếu”.

Trả lời: 

Theo bố cục đề/thực/luận/kết:

- Phần đề (2 câu đầu): Triển khai được nội dung miêu tả bức tranh mùa thu khi đi câu cá

- Phần thực (câu 3 và câu 4): Làm rõ cảnh sắc mùa thu

- Phần luận (câu 5 và câu 6): Tiếp tục làm rõ thêm về không gian, cảnh vật mùa thu

- Phần kết (2 câu cuối): Kết lại việc đi câu cá trong mùa thu

Với bài thơ này ta có thể chia theo mô hình 6/2:

- Sáu câu đầu: hình tượng thiên nhiên

- Hai câu cuối: hình tượng con người

 

Câu 4: Chỉ ra đặc điểm thi luật (luật bằng trắc) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ “Thu điếu”.

Trả lời:

Chữ thứ hai của câu thứ nhất là “thu”  bài thơ làm theo luật bằng.

Như vậy, có thể thấy bài thơ đã làm chuẩn theo luật bằng trắc của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

 

Câu 5: Chỉ ra đặc điểm thi luật (niêm, vần, nhịp, đối) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ “Thu điếu”.

Trả lời:

- Về niêm: Chữ thứ hai của câu 2 và câu 3 cùng là thanh trắc, của câu 4 và câu 5 cùng là thanh bằng, của câu 6 và câu 7 cùng là thanh trắc, của câu 1 và câu 8 cùng là thanh bằng.

- Về vần: Bài thơ chỉ gieo một vần và gieo vần bằng, ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8: veo – teo – vèo – teo – bèo.

- Về nhịp: Các câu thơ trong bài chủ yếu ngắt nhịp 4/3. Ví dụ: Ao thu lạnh lẽo / nước trong veo.

- Về đối: 

+ Hai câu thực:

Sóng biếc

Theo làn

Hơi 

Gợi tí

Lá vàng

Trước gió

Khẽ

Đưa vèo

+ Hai câu luận:

Tầng mây

Lơ lửng

Trời

Xanh ngắt

Ngõ trúc

Quanh co

Khách

Vắng teo

Ta có thể thấy rõ sự đối xứng được thể hiện qua từ loại.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Giải thích ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Chỉ ra mối liên hệ giữa nhan đề và hai câu đề.

Trả lời: 

- Nhan đề có ý nghĩa là tác giả đi câu cá vào mùa thu.

- Nhan đề “Mùa thu câu cá” có mối liên hệ trực tiếp với nội dung của hai câu đề: không gian ao thu với mặt nước êm đềm và chiếc thuyền câu bé nhỏ.

 

Câu 2: Bức tranh thiên nhiên mùa thu được tái hiện ở những khoảng không gian nào? Nhận xét về trình tự miêu tả những khoảng không gian đó.

Trả lời: 

Bức tranh thiên nhiên được miêu tả ở những khoảng không gian là:

- Mặt ao:

+ Nước ao: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”

+ Thuyền câu: “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.

+ Sóng nước: “Sóng biếc theo làn hơi gợi tí”

+ Không trung: “Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”

- Bầu trời:

+ Tầng mây: “Tầng mây lơ lửng”

+ Trời: “Trời xanh ngắt”

- Mặt đất:

+ Ngõ trúc: “Ngõ trúc quanh co”

Trình tự miêu tả: chúng ta có thể thấy là tác giả đã đi từ những thứ ở gần mình như nước ao, chiếc thuyền đang ngồi, làn sóng, lá, gió rồi dần đi ra xa và lên cao (tầng mây, ngõ trúc).

 

Câu 3: Phân tích các từ ngữ miêu tả hình dáng, màu sắc, âm thanh, chuyển động,… của các sự vật; từ đó hãy khái quát những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong bài thơ.

Trả lời:

Phân tích các từ ngữ miêu tả sự vật:

- Ao thu: “lạnh lẽo, trong veo” – gợi tiết trời se lạnh, mặt nước phẳng lặng, làn nước trong suốt, như có thể nhìn thấu đáy; thuyền câu: “bé tẻo teo” – từ láy tượng hình, nhấn mạnh sự bé nhỏ của con thuyền chỉ như chiếc lá đậu trên mặt ao thu. Không gian của ao thu và hình dáng thuyền câu toát lên nét hài hoà, xinh xắn.

- Bầu trời: màu “xanh ngắt” đặc trưng của trời thu đất Bắc, gợi nền trời cao, rộng và không gian trong trẻo của một ngày thu nắng đẹp; “tầng mây lơ lửng” tạo hình khối, toát lên vẻ bình yên, thanh tĩnh. Màu xanh của trời thu (“xanh ngắt”), của mặt nước mùa thu (“sóng biếc”), màu vàng điểm xuyết của lá thu (“lá vàng”),... mang lại ấn tượng về một bức tranh thiên nhiên tươi sáng.

- Ngõ trúc: lối ngõ nhỏ, quanh co – không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ, gợi khung cảnh im vắng, tĩnh lặng.

- Chuyển động của các sự vật đều nhẹ, khẽ khàng: sóng lăn tăn “hơi gợn tí” theo làn gió nhẹ; lá “khẽ đưa vèo” – rơi rất nhẹ và rất nhanh; những đám mây lơ lửng như không trôi. 

- Âm thanh: tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” đâu đó trên mặt ao thu. Khái quát những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ: không khí mát lành; trời thu trong xanh, cao rộng; không gian êm đềm, thanh tĩnh; cảnh sắc hài hoà, giàu chất thơ,...

 

Câu 4: Giải nghĩa hai câu thơ: “Tựa gối buông cần lâu chẳng được – Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Trả lời:

Các cách hiểu có thể có:

– Tì tay vào đầu gối buông cần đã lâu mà chẳng câu được gì. Liền lúc đó nghe có tiếng con cá nào đớp mồi động dưới chân bèo.

– Khó mà ngồi mãi trong tư thế tựa gối buông cần...

– Muốn ngồi tựa gối buông cần lâu một chút cũng không được vì có tiếng con cá nào đớp mồi động dưới chân bèo (người ngồi câu không thiết gì đến cá, chỉ thích được yên tĩnh mà suy tư, không muốn dòng suy tư bị đứt đoạn).

Các cách giải thích nêu trên đều có thể chấp nhận được do chúng không hoàn toàn loại trừ nhau. Riêng với câu "Cá đâu đớp động dưới chân bèo" không thể hiểu theo nghĩa cá “đâu có đớp” (nghĩa là “không” đớp). Từ “đâu” trong câu này là đại từ phiếm chỉ chứ không phải là hư từ phủ định, nó mang nét nghĩa giống nét nghĩa của từ “đâu” trong một câu “Kiều”: "Người đâu gặp gỡ làm chi".

 

Câu 5: Nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ được thể hiện trong bài.

Trả lời:

Bài thơ cho ta thấy rất rõ vẻ đẹp tâm hồn của tác giả: đó là một con người bình dị, gắn bó sâu sắc với quê hương, biết rung động với những vẻ đẹp đơn sơ của chốn thôn dã thanh bình, biết hướng về sự thanh sạch cao quý và luôn có tinh thần trách nhiệm đối với cuộc đời.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1:  Ở hai câu kết, hình ảnh con người hiện lên trong tư thế, trạng thái như thế nào? Qua đó, em cảm nhận được nỗi niềm tâm sự gì của tác giả?

Trả lời:

- Hình ảnh con người: hiện lên trong tư thế của người ngồi câu cá “tựa gối, buông cần”, như đang thu mình trên chiếc thuyền câu bé nhỏ trong trạng thái trầm tư.

- Âm thanh của tiếng cá đớp bọt nước đâu đó khẽ động dưới chân bèo không chỉ làm tăng cái im vắng, tĩnh lặng của ngoại cảnh mà còn cho thấy khoảnh khắc trầm lắng, suy tư của con người.

Qua đó, ta có thể cảm nhận được nỗi buồn thời thế kín đáo mà sâu sắc được tác giả gửi gắm.

 

Câu 2: Nêu chủ đề của bài thơ. Chủ đề ấy giúp em hiểu thêm điều gì về tâm hồn tác giả?

Trả lời:

- Chủ đề: Bài thơ “Thu điếu” thể hiện sự cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của mùa thu đất Bắc và tình cảm gắn bó thiết tha với quê hương của tác giả; qua đó bày tỏ niềm ưu tư trước thời cuộc.

- Cảm nhận về tâm hồn tác giả: Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, chan hoà với thiên nhiên; yêu mến và trân trọng cuộc sống bình yên nơi làng quê; tâm sự sâu kín của một con người dẫu tìm về cuộc sống ẩn dật vẫn không nguôi nỗi buồn thời thế,…

 

Câu 3: Tìm hiểu cách tác giả triển khai ý thơ đã được báo hiệu ở nhan đề “Thu điếu”.

Trả lời:

- Bài thơ đã đảm bảo được tính nhất quán, từ nhan đề đến mọi chi tiết miêu tả đều trực tiếp hay gián tiếp làm rõ hai từ “Thu điếu” (nghĩa là “Câu cá mùa thu”). Mới chỉ đọc hai câu 1 – 2 (thừa đề và phá đề), ta đã thấy ngay cái cảnh được báo hiệu từ tên gọi tác phẩm: có “ao”, có “thu” (hợp lại thành “ao thu”), có nước trong veo, có chiếc thuyền câu nhỏ. Đúng là bài thơ nói chuyện “Câu cá mùa thu”, tuy câu cá chỉ là hình thức bề ngoài. Các câu tiếp theo của bài đều được tổ chức xoay xung quanh "trục" này, dù có lúc người đọc có cảm tưởng tác giả nhấn mạnh vào yếu tố “thu” hơn yếu tố “câu cá”. Cảnh thu đã được nhìn từ con mắt của một người ngồi câu trong ao. Thực ra, những điều vừa nói đều thuộc vấn đề kĩ thuật làm thơ mà một người có kinh nghiệm sáng tác và có vốn quan sát phong phú dễ dàng vượt qua, chưa nói gì đến bậc thầy Nguyễn Khuyến.

- “Thu điếu” là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật thuộc “thể bằng”, do tiếng thứ hai ở câu mở đầu mang thanh bằng (“thu”). Theo mô hình chuẩn về thanh điệu, chỉ có ba tiếng trong bài rơi vào biệt lệ “nhất tam ngũ bất luận” là “lá” ở câu 4, “lơ” ở câu 5 và “cá” ở câu 8. Dĩ nhiên, đây là điều được phép. Các phương diện khác như niêm, đối được tuân thủ nghiêm chỉnh.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Bài thơ đã thực sự nắm bắt và thể hiện được thần thái riêng của mùa thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Hãy làm rõ điều đó qua phân tích các chi tiết và hình ảnh cụ thể.

Trả lời:

Thần thái riêng của mùa thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đã được thể hiện trong bài thơ:

- Cảnh thu vừa trong vừa tĩnh:

+ Trong: ao nước trong tưởng có thể nhìn thấu đáy (“trong veo”); sóng biêng biếc phản chiếu màu cây, màu trời; trời ít mây nên càng nổi bật màu xanh ngắt (“xanh” ở đây cũng có thể hiểu là “trong”). 

+ Tĩnh: mặt ao lặng, “lạnh lẽo” (cái “lạnh” thường hay sóng đôi với cái “lặng”); sóng hơi gợn (“gợn tí”); gió “khẽ” đưa lá vàng; “khách vắng teo”; tiếng cá đớp bóng nghe mơ hồ như có như không (cái “động” của tiếng cá đớp bóng càng làm nổi bật cái “tĩnh” chung của cảnh). Ở đây, cái “trong” gắn liền với cái “tĩnh”.

- Đây là cảnh thu đặc trưng của làng quê Việt Nam, nhất là của đồng bằng Bắc Bộ, ở xứ đồng chiêm trũng. Các chi tiết miêu tả trong bài đều giàu tính hiện thực, hầu như không vướng chút ước lệ nào, có thể gợi lên trong lòng độc giả những cảm xúc sâu lắng về quê hương.

- Dưới ngòi bút của tác giả, tất cả các sự vật được nhắc tới đều xứng hợp với nhau: ao thu nhỏ – thuyền câu bé; gió nhẹ – sóng “gợn tí”; trời xanh – nước trong; “khách vắng teo” – người ngồi câu trầm ngâm yên lặng; đặc biệt là các mảng màu xanh của nước, của tre trúc rất hoà điệu với màu xanh của bầu trời.

- Nguyễn Khuyến vốn là một bậc thầy trong việc đưa từ láy vào thơ. Từ láy chẳng những tạo ra vẻ thuần Nôm cho tác phẩm mà còn có tác dụng làm tăng nhạc tính của nó. Từ láy vừa mô phỏng tài tình dáng dấp, động thái của sự vật, làm cho sự vật hiện lên sống động, vừa thể hiện được biến thái tinh vi trong cảm xúc chủ quan của người sáng tạo. “Lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng” đều là những từ láy như thế. 

+ “Lạnh lẽo” không hẳn nói về cái lạnh của nước mà nói về không khí đượm vẻ hiu hắt của cảnh vật cũng như tâm trạng u uẩn của nhà thơ. 

+ “Tẻo teo” có thể được giải thích là rất nhỏ (chiếc thuyền câu nhỏ), nhưng nếu chỉ nói thế thì chưa thấy hết ý vị của việc lặp lại âm “eo” dễ gợi liên tưởng về một "đối tượng" nào đó đang mỗi lúc một thu hẹp diện tích, phù hợp với cái nhìn của nhà thơ muốn mọi vật thu lại vừa trong tầm mắt, không mở ra quá rộng làm cho không khí suy tư bị loãng đi. 

+ “Lơ lửng” vừa gợi hình ảnh đám mây đọng lại lưng chừng giữa tầng không, vừa gợi trạng thái phân thân hay mơ màng của nhà thơ.

 

Câu 2: Có gì đặc biệt trong hành động câu cá và cách cảm nhận không gian thu của nhân vật trữ tình? Kiểu câu cá ấy, cách cảm nhận ấy cho ta hiểu được gì về tâm sự của nhà thơ?

Trả lời:

- Quả thật, nhìn bề ngoài, bài thơ nói chuyện câu cá mùa thu. Nhưng xét bề sâu, chuyện câu cá không được nhân vật trữ tình quan tâm nhiều lắm. Các biểu hiện: câu cá mà dường như mắt chỉ quan tâm ghi nhận cảnh sắc mùa thu; nghe tiếng cá đớp động dưới chân bèo mà như muốn giật mình sực tỉnh; vừa trở về với thực tại thoắt bỗng lâm vào trạng thái lửng lơ, không phân định được đâu là hư, đâu là thực.

- Tại sao có nghịch lí trên? 

+ Trước hết, tác giả không hiện diện trong bài thơ với tư cách là một người lao động (ngay trong cuộc sống của mình, Nguyễn Khuyến cũng thế). 

+ Hơn nữa, đối với các nhà thơ xưa, việc viết về hành động câu cá chỉ vì câu cá thật ra không có ý vị gì, thậm chí vô nghĩa (ở đây ta đang nói tới những bài thơ mà nhân vật trữ tình trong đó là người đi câu, chứ không phải bàn về những bài vịnh các ngư phủ, hay nói rộng ra là vịnh về nghề “ngư” trong tứ nghệ “ngư, tiều canh, mục”). Chuyện câu cá được nói đến chỉ như một cái cớ nghệ thuật để nhà thơ thể hiện “cảm giác thu” và bộc lộ “tâm trạng” của mình.

- Tâm trạng của nhân vật trữ tình là tâm trạng “u hoài”. Nỗi u hoài đã phủ lên cảnh vật bên ngoài một vẻ hắt hiu rất đặc biệt. Mặt nước “lạnh lẽo” của ao thu phần nào phản chiếu cõi lòng nhà thơ. Với tâm trạng đó, tác giả nhạy cảm với những cái gì là “thanh”, là “vắng” và càng nói về cái thanh, cái vắng, nỗi u hoài càng được bộc lộ một cách sâu sắc. Đọc toàn bộ văn thơ Nguyễn Khuyến, ta sẽ nhận ra mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: không phải nhà thơ không chuộng cảnh thanh vắng, thư nhàn, nhưng sống nhàn trong tình thế rối ren của đất nước có một cái gì giống như là bất nhẫn, vả lại, cho dù nhà thơ muốn nhàn thì muôn sự phiền toái của cuộc đời đâu có cho ông được toại nguyện. Hoá ra, tưởng đã được nhàn mà cái nhàn vẫn còn ở xa vời, muốn được sống thanh cao mà cái thanh cao luôn có nguy cơ bị vấy bẩn.

- Câu cá nhưng lại hững hờ với việc lắng nghe cá “đớp động dưới chân bèo”. Rất có thể nhà thơ đang suy tư về sự đời, về hiện trạng đất nước, về sự bất lực của chính bản thân.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 2: Thu điếu

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay