Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 1: Thực hành tiếng việt - Biệt ngữ xã hội

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 1: Thực hành tiếng việt - Biệt ngữ xã hội. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 1: CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: BIỆT NGỮ XÃ HỘI
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về biệt ngữ xã hội (khái niệm, đặc điểm, hình thức, sự hình thành, ví dụ,…)

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ do một nhóm người / một tầng lớp xã hội tạo ra theo một cách nào đó và chủ yếu sử dụng giữa họ với nhau.

- Biệt ngữ xã hội là một bộ phận từ ngữ có đặc điểm riêng:

+ Có khi đặc điểm riêng của biệt ngữ thể hiện ở ngữ âm. Ví dụ: 

Anh đây công tử không “vòm”

Ngày mai "kện rệp" biết “mòm" vào đầu.

Các từ trong dấu ngoặc kép là biệt ngữ xã hội: “vòm” là nhà, “kện rệp” là hết gạo, “mòm” là ăn. “Kện rệp” và “mòm” có hình thức ngữ âm hoàn toàn mới lạ, chưa gặp trong vốn từ chung của tiếng Việt. 

+ Có khi đặc điểm riêng của biệt ngữ thể hiện ở ngữ nghĩa. Ví dụ:

“Tớ chỉ nhường tháng này thôi, tháng sau thì tớ cho cậu ngửi khói.”

Từ “ngửi khói” trong câu trên không có nghĩa là dùng mũi để nhận biết mùi khói, mà là tụt lại phía sau.

- Do những đặc điểm khác biệt như vậy, trong văn bản, biệt ngữ xã hội thường được in nghiêng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép và được chú thích về nghĩa.

- Biệt ngữ xã hội hình thành trên những quy ước riêng người đó, vì thế chúng thường được sử dụng trong phạm vi hẹp. Chỉ những người có mối liên hệ riêng với nhau về nghề nghiệp, lứa tuổi, sinh hoạt, sở thích,... và nắm được quy ước mới có thể dùng biệt ngữ để giao tiếp.

 

Câu 2: Biệt ngữ xã hội được sử dụng như thế nào?

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội chỉ nên sử dụng hạn chế, phù hợp với đối tượng và mục đích giao tiếp.

- Đối với nhà văn, việc sử dụng biệt ngữ xã hội để miêu tả cuộc sống, sinh hoạt của một nhóm người đặc biệt nào đó đôi khi trở nên cần thiết. Nhờ dùng biệt ngữ, bức tranh cuộc sống của một đối tượng cụ thể trở nên sinh động, chân thực.

 

Câu 3: Chỉ ra biệt ngữ xã hội ở câu sau và cho biết dựa vào đâu em khẳng định như vậy. Hãy giải nghĩa biệt ngữ đó.

“Năm lên sáu, cung thiếu nhi thành phố có cuộc tuyển “gà” khắp các trường tiểu học, tôi cũng được chọn gửi đến lớp năng khiếu.”

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội trong câu là: “gà”

- Lí do:

+ Về mặt hình thức: có dấu “”

+ Về mặt nôi dung: có ý nghĩa khác với nghĩa toàn dân thường dùng của từ “gà”

- Giải nghĩa: “gà” ở đây chỉ những người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, còn kém cỏi.

 

Câu 4: Chỉ ra biệt ngữ xã hội ở câu sau và cho biết dựa vào đâu em khẳng định như vậy. Hãy giải nghĩa biệt ngữ đó.

“Ôn tập cẩn thận đi em. Em cứ “tủ” như vậy, không trúng đề thì nguy đấy.”

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội trong câu là: “tủ”

- Lí do:

+ Về mặt hình thức: có dấu “”

+ Về mặt nôi dung: có ý nghĩa khác với nghĩa toàn dân thường dùng của từ “tủ”

- Giải nghĩa: “tủ” ở đây nói về việc chỉ ôn thi vào một nội dung nào đó mà bỏ qua toàn bộ các nội dung khác

 

Câu 5: Chỉ ra biệt ngữ xã hội ở câu sau và cho biết dựa vào đâu em khẳng định như vậy. Hãy giải nghĩa biệt ngữ đó.

“Vào ngày khai giảng, ngoài các hoạt động trong phần lễ, các bạn còn được “quẩy” hết mình trong phần hội.”

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội trong câu là: “quẩy”

- Lí do:

+ Về mặt hình thức: có dấu “”

+ Về mặt nôi dung: có ý nghĩa khác với nghĩa toàn dân thường dùng của từ “quẩy”

- Giải nghĩa: “quẩy” ở đây chỉ việc reo hò, nhảy múa

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: “Cái việc lơ đễnh rất hữu ý đó, cái chuyện bỏ quên hộp thuốc lào vẫn là một ám hiệu của Cai Xanh dùng tới mỗi lúc đi tìm bạn để “đánh một tiếng bạc lớn” nghĩa là cướp một đám to.”

Vì sao ở câu trên, người kể chuyện phải giải thích cụm từ “đánh một tiếng bạc lớn"? Theo em, tác giả dùng cụm từ đó với mục đích gì?

Trả lời:

- Vì cụm từ này là biệt ngữ xã hội của Cai Xanh và bạn mình nên người kể chuyện cần phải giải thích để mọi người hiểu đúng ý nghĩa, nhất là trong trường hợp này, nếu không giải thích, người đọc có thể hiểu là “đi đánh bạc” chứ không phải là “đi cướp của”.

- Tác giả dùng cụm từ đó với mục đích là để tô đậm màu sắc tầng lớp xã hội của ngôn ngữ, tính cách nhân vật

 

Câu 2: Chỉ ra biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại sau và nhận xét về việc sử dụng biệt ngữ của người nói:

- Cậu ấy là bạn con đấy à?

- Đúng rồi, bố. Nó lầy quá bố nhỉ?

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại là: “lầy”.

- Nhận xét: “lầy” là biệt ngữ thường được dùng bởi những người trẻ tuổi. Trong trường hợp này, người con nói biệt ngữ này với bố là không phù hợp, sẽ khiến bố khó hiểu hoặc nảy sinh vấn đề khác.

 

Câu 3: Chỉ ra biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại sau và nhận xét về việc sử dụng biệt ngữ của người nói:

- Nam, dạo này tớ thấy Hoàng buồn buồn, ít nói. Cậu có biết vì sao không? 

- Tớ cũng hem biết vì sao cậu ơi.

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại là: “hem”.

- Nhận xét: Việc người nói dùng biệt ngữ ở đây giúp cho lời đối thoại trở nên gần gũi thân mật.

 

Câu 4: Khi sử dụng biệt ngữ xã hội cần chú ý điều gì? Tại sao không nên lạm dụng biệt ngữ xã hội?

Trả lời:

- Khi sử dụng biệt ngữ xã hội cần chú ý tới tình huống, ngữ cảnh mà mình đang ở. Ví dụ như nếu ta đang trình bày một bài phát biểu cần sự trang trọng thì chúng ta không nên sử dụng biệt ngữ xã hội mà cần phải sử dụng ngôn từ phù hợp với tình huống đó.

- Không nên lạm dụng biệt ngữ xã hội vì điều đó có thể khiến người khác khó hiểu, cản trở giao tiếp hoặc khiến người khác dễ hiểu nhầm về chúng ta.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Trong phóng sự “Tôi kéo xe” của Tam Lang (viết về những người làm nghề kéo xe chở người thời trước Cách mạng tháng Tám năm 1945), có đoạn hội thoại:

- Mày đã “làm xe" lần nào chưa?

- Bẩm, chúng cháu chưa làm bao giờ cả.

Trong “Cạm bẫy người:” của Vũ Trọng Phụng - một tác phẩm vạch trần trò gian xảo, bịp bợm của những kẻ đánh bạc trước năm 1945 – có câu: “Tôi rất lấy làm lạ là vì cứ thấy hai con chim mòng thắng trận, ù tràn đi mà nhà đi săn kia đã phí gần hai mươi viên đạn.”

Nêu tác dụng của việc sử dụng biệt ngữ xã hội (in đậm) trong các trường hợp trên. Đọc tác phẩm văn học, gặp những biệt ngữ như thế, việc đầu tiên cần làm là gì?

Trả lời:

- Trong phóng sự “Tôi kéo xe” của Tam Lang: “làm xe” có nghĩa làm nghề kéo xe chở người. Tác dụng: Biệt ngữ này và cả đoạn hội thoại cho thấy sự khinh miệt đối với cái nghề “làm xe” hèn kém, qua đó bức tranh cuộc sống khốn khó được tái hiện chân thực hơn thông qua ngôn từ.

- Trong “Cạm bẫy người” của Vũ Trọng Phụng: “chim mòng” có nghĩa là người chơi bạc, “nhà đi săn” có nghĩa chủ sòng bạc, “viên đạn” nghĩa là đồng bạc, tiền. Tác dụng: Vũ Trọng Phụng sử dụng biệt ngữ xã hội để lên án tệ nạn cờ bạc trong “Cạm bẫy người”. Nhờ biệt ngữ đó, bức tranh cuộc sống trở nên chân thực, sinh động.

- Đọc tác phẩm văn học, gặp những biệt ngữ như thế, việc đầu tiên cần làm là xác định nghĩa của biệt ngữ để hiểu đúng nội dung của văn bản.

 

Câu 2: Hãy viết một đoạn văn hoặc một đoạn hội thoại có sử dụng biệt ngữ xã hội.

Trả lời:

Thấy Hoa mấy lần ăn “trứng ngỗng” rồi vẫn chấp mê bất ngộ, An nói:

- Đừng có học “tủ” nữa. “Tủ” mấy lần rồi không sáng mắt ra à?

An liền đáp:

- Lần này khác, tớ vừa khao thằng Tuấn, nó con cô giáo nên biết đề trước rồi.

Hoa tỏ vẻ không hài lòng:

- Rồi xem, thêm con nữa thì thôi xác định nhé.

 

Câu 3: Đọc đoạn sau và trả lời câu hỏi:

Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến… Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.

Tôi cũng cười đáp lại cô tôi:

- Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.

Tại sao trong đoạn văn này, có chỗ tác giả dùng từ “mẹ”, có chỗ lại dùng từ “mợ”?

Trả lời: 

Trong đoạn văn có chỗ tác giả dùng từ “mẹ”, chỗ lại dùng từ “mợ” vì tác giả muốn dùng từ phù hợp với ngữ cảnh. “Mẹ” là từ toàn dân còn “mợ” cũng có nghĩa là mẹ nhưng được dùng để xưng gọi trong gia đình trung lưu, trí thức ngày trước. Có thể thấy: “mợ” trong trường hợp này là biệt ngữ xã hội.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Khi viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học, chúng ta có thể sử dụng các biệt ngữ xã hội không? Vì sao?

Trả lời:

- Nếu tác phẩm văn học mà chúng ta phân tích có sử dụng biệt ngữ xã hội với tính chất một phương tiện tu từ để làm cho câu chuyện trở nên chân thật hơn thì chúng ta cần phải phân tích những biệt ngữ đó.

- Khi viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học, tuỳ thuộc vào đối tượng tiếp nhận, ta có thể quyết định sử dụng biệt ngữ xã hội hay không. Thông thường chúng ta sẽ không dùng biệt ngữ xã hội trong lời văn phân tích vì nó có tính qui phạm nhất định. Trong một số trường hợp chúng ta vẫn có thể dùng thêm biệt ngữ xã hội để tăng tính biểu đạt, kiểu như: “Cái này theo kiểu giới trẻ hiện nay hay gọi là “chất” đấy …”.

 

Câu 2: Biệt ngữ xã hội dùng trong trường hợp này có phù hợp không? Vì sao?

Một nhóm bạn trẻ đang chuẩn bị tranh tài trong một trò chơi.

Một bạn của đội A khiêu khích:

- Chúng mày không có tuổi! Mấy con gà!

Mấy bạn đội B liền đáp lại ngay:

- Gáy ghê thế! Hết trận rồi xem.

Trả lời:

- Các biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại: “tuổi”, “gà”, “gáy”

- Những biệt ngữ này có tính chất thông tục, gây kích động nên nếu nhóm người này có tính cách như vậy thì sẽ phù hợp còn nếu nhóm người này là những bạn học sinh thì nó sẽ không phù hợp. Học sinh không nên học theo những ngôn từ kiểu này.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 1 Ôn tập thực hành tiếng việt: Biệt ngữ xã hội

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay