Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 1: Văn bản 2 - Quang Trung đại phá quân Thanh

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 1: Văn bản 2 - Quang Trung đại phá quân Thanh. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 1: CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ
VĂN BẢN 2: QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THANH
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Đoạn trích có thể chia thành mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần.

Trả lời:

Đoạn trích có thể chia thành hai phần lớn:

- Phần 1: Từ đầu cho đến “các người nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác!”. Phần này là trước trận đánh. Các nội dung nhỏ trong phần này là: tình thế đất nước, Nguyễn Huệ lên ngôi, vua Quang Trung bàn bạc kế sách với mọi người, thúc giục quân sĩ, chỉ trích Sở và Lân, khen ngợi Ngô Thì Nhậm và chuẩn bị lực lượng cho trận đánh lớn.

- Phần 2: Từ “Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh” đến hết. Nội dung của phần này là việc tiến quân của nghĩa quân Tây Sơn ra bắc đánh phá quân Thanh, quân Thanh thua trận bỏ chạy.

 

Câu 2: Em hãy liệt kê những sự kiện lịch sử được tác giả đề cập trong văn bản.

Trả lời:

Một số sự kiện lịch sử chính:

- Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào Thăng Long.

- Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế.

- Vua Quang Trung tiến quân ra bắc.

- Quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh chỉ trong mấy ngày tết năm Kỷ Dậu 1789.

 

Câu 3: Hãy trình bày những hiểu biết cơ bản về văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh” (tác giả, thể loại, nội dung,…).

Trả lời:

- Tác giả: Ngô gia văn phái

- Thể loại: Tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết lịch sử

- Văn bản là hồi thứ mười bốn của tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”.

- Nội dung chính: Chiến thắng trước quân Thanh của quân Tây Sơn do vua Quang Trung lãnh đạo.

 

Câu 4: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

Trả lời:

- Ngô gia văn phái là một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai (thuộc Hà Nội ngày nay).

- Hai tác giả chính của nhóm là: Ngô Thì Chí (1753 – 1788), làm quan thời Lê Chiêu Thống, và Ngô Thì Du (1772 – 1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

- Đây là một dòng họ lớn có truyền thống nghiên cứu và sáng tác văn chương với nhiều tên tuổi tiêu biểu.

- Các tác phẩm của nhóm đều bằng chữ Hán, bao gồm đủ các thể loại, nhiều nhất là thơ, rồi tới phú, truyện ký, tự, bạt, khải, biểu, tấu, sớ...

 

Câu 5: Hãy trình bày những hiểu biết của em về tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống trí”.

Trả lời:

Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm viết bằng chữ Hán của nhóm “Ngô gia văn phái” ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê (chỉ là một lối văn ghi chép sự vật, sự việc). Cũng có thể xem Hoàng Lê nhất thống chỉ là một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi. Nó không chỉ dừng ở sự nhất thống của vương triều nhà Lê, mà còn được viết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào khoảng ba mươi năm cuối của thế kỉ XVIII và mấy năm đầu thế kỉ XIX. Cuốn tiểu thuyết có tất cả 17 hồi.

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Em hãy liệt kê những nhân vật lịch sử được tác giả đề cập trong văn bản. Với mỗi nhân vật hãy thêm một hoặc hai câu giới thiệu.

Trả lời:

- Ngô Văn Sở, một danh tướng của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.

- Nguyễn Văn Tuyết, một danh tướng nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Ông là một trong Tây Sơn thất hổ tướng.

- Nguyễn Huệ. Ông là một nhà chính trị, nhà quân sự người Việt Nam, vị hoàng đế thứ 2 của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông.

- Trưng Nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ. Đây là những người có công lớn đối với nước ta.

- Ngô Thì Nhậm, một tu sỹ Phật giáo, danh sĩ, nhà văn đời Hậu Lê và Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh.

- Sầm Nghi Đống, một tướng của nhà Thanh, người đã bị quân Tây Sơn đánh bại và thắt cổ tự tử ở núi Loa, Khương Thượng gần thành Thăng Long.

- Tôn Sĩ Nghị, một đại thần của nhà Thanh, Trung Quốc. Ông chỉ huy quân đội nhà Thanh tiến vào Đại Việt nhằm giúp vua Lê Chiêu Thống phục dựng triều đại nhưng thất bại.

- Lê Chiêu Thống, hoàng đế cuối cùng của Hoàng triều Lê nước Đại Việt.

 

Câu 2: Tìm những chi tiết tiêu biểu miêu tả thái độ, lời nói và hành động của Bắc Bình Vương khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược nước ta. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách gì của nhân vật?

Trả lời:

Những chi tiết tiêu biểu:

- “Bắc Bình Vương được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay.” Chi tiết này cho thấy Bắc Bình Vương là một người căm thù giặc phương Bắc.

- Bắc Bình Vương khi nghe mọi người đến họp khuyên can đã cho là đúng, “bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, … Lễ xong, hạ lệnh xuất quân, hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thuân (1788). Chi tiết này cho thấy Bắc Bình Vương là người biết suy tính, biết nghe theo mọi người, không nóng vội. Ông cũng là người có quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu ngay.

 

Câu 3: Nêu cảm nhận của em về nhân vật vua Quang Trung được khắc hoạ trong đoạn trích, qua đó nhận xét cảm hứng của các tác giả đối với vị anh hùng dân tộc này.

Trả lời:

Vua Quang Trung trong đoạn trích hiện lên là một tướng lĩnh tài giỏi, một vị vua vì dân vì nước:

- Ngay khi lên ngôi, vua Quang Trung đã “tự mình đốc suất đại binh, cả thuỷ lẫn bộ cùng ra đi”.

- Vua Quang Trung có thân quen với người giỏi, thể hiện qua việc ông mời được Nguyễn Thiếp ra bàn việc quân.

- Vua Quang Trung biết cách để tạo dựng nên một đội quân hùng mạnh thông qua việc ông nhanh chóng tuyển được một đội quân tinh nhuệ, tổ chức quân đội chặt chẽ.

- Lời dụ quân lính của vua Quang Trung có sức thuyết phục cao, đề cập đến truyền thống lịch sử vẻ vang, đến đại nghĩa phải thắng hung tàn, đến việc bảo vệ tổ quốc là trọng trách của mỗi binh lính.

- Việc thưởng người làm tốt và phạt người làm kém cho thấy ông biết dùng người, giữ gìn kỷ cương quân đội, khích lệ binh lính.

- Trong những trận đánh, ông đã đích thân chỉ huy và lập ra nhiều kế sách hay, độc đáo khiến cho 29 vạn quân Thanh tan rã nhanh chóng. Điều đó cho thấy khả năng lãnh đạo tài tình và kinh nghiệm chiến trận phong phú, đa dạng.

=> Cảm hứng của các tác giả đối với vị anh hùng dân tộc này: kính trọng, ngưỡng mộ.

 

Câu 4: Dựa theo tác phẩm, hãy viết một đoạn văn ngắn miêu tả lại chiến công thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung từ tối 30 Tết đến ngày mông 5 tháng giêng năm Kỉ Dậu (1789).

Trả lời:

Khi mọi thứ đều đã chuẩn bị xong, tối 30 Tết, vua Quang Trung và đội quân nhanh chóng lên đường. Khi quân ra đến sông Gián, nghĩa binh trấn thủ ở đó tan vỡ chạy trước. Lúc đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh đi do thám từ đằng xa trông thấy bóng cũng chạy nốt. Vua Quang Trung liền thúc quân đuổi theo, tới huyện Phú Xuyên thì bắt sống được hết, không tên nào trốn thoát nên những đạo quân Thanh đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi đều không biết. Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng, năm Kỉ Dậu (1789), vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, lập kế bắc loa truyền gọi khiến cho quân địch tưởng quân ta có lực lượng đông hơn nhiều lần nên sợ hãi ra hàng ngay. Tiếp đó, vua cho ghép tấm ván, dàn trận chữ “nhất”, lập kế nghi binh ở phía đông. Mờ sáng ngày mồng 5, vua Quang trung cưỡi voi đi đốc thúc, tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh ở trong thành cố gắng chống cự nhưng không thể làm được gì. Trận Ngọc Hồi giành chiến thắng. Đến đây quân Thanh đã bại. Tôn Sĩ Nghị và vua Lê ở thành Thăng Long khi biết tin thì đã quá muộn, bỏ chạy ngay tức khắc.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Nhân vật Lê Chiêu Thống được khắc hoạ rõ nét qua những chi tiết tiêu biểu nào? Phân tích một chi tiết đặc sắc, thể hiện rõ bản chất của nhân vật Lê Chiêu Thống, qua đó thấy được thái độ của tác giả đối với nhân vật này.

Trả lời: 

Những chi tiết tiêu biểu miêu tả nhân vật Lê Chiêu Thống trong đoạn trích:

- Khi nghe tin quân Thanh đại bại, vua Lê đã vội vã cùng bọn bề tôi của mình đưa thái hậu ra ngoài. Cả bọn không thể sang sông theo cách thông thường đã cướp lấy một chiếc thuyền đánh cá rồi chèo sang bờ bắc.

- Khi được người thổ hào giúp đỡ tạm thời thoát nạn, vua Lê bày tỏ lòng cảm kích.

Chi tiết đặc sắc, thể hiện rõ bản chất của nhân vật Lê Chiêu Thống là chi tiết vua Lê khi nghe tin quân Tây Sơn đuổi đến nơi, cuống quýt bảo người thổ hào: “Muôn đội hậu tình, không có gì để báo đáp, chỉ có trời cao đất dày chứng giám tấc lòng thành của ông mà ban phúc cho thôi. Bây giờ quân giặc gần tới, trước mắt đây có con đường sống nào có thể chạy gấp lên cửa ải, xin tính kế cho ngay.” Đây là những lời nói mĩ miều giả tạo để mong người thổ hào sẽ giúp mình một lần nữa.

=> Thái độ của tác giả đối với nhân vật Lê Chiêu Thống là: chê bai, coi thường một kẻ xấu xa, bán nước, giả nhân giả nghĩa.

 

Câu 2: Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích. Hãy khái quát chủ đề đó.

Trả lời: 

Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh là sự đối lập giữa một bên là những con người chính nghĩa, những người chiến đấu vì độc lập dân tộc với một bên là những con người tàn ác, những kẻ đi xấm lược. 

=> Sự đối lập đó góp phần quan trọng vào việc thể hiện chủ đề của đoạn trích: tình thần yêu nước, ý chí bảo vệ giang sơn, ca ngợi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do người anh hùng Nguyễn Huệ lãnh đạo.

 

Câu 3: Chi tiết vua Quang Trung – giữa cuộc hành quân khẩn cấp – cho vời "người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp" để hỏi ý kiến về việc đánh giặc có ý nghĩa như thế nào đối với việc khắc hoạ hình tượng nhân vật?

Trả lời:

Chi tiết này tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đáng kể trong việc khắc hoạ hình tượng vua Quang Trung.

- Trước hết, cần biết "người cống sĩ ở huyện La Sơn" là ai. Nguyễn Thiếp còn gọi là La Sơn Phu Tử (1723 – 1804), quê ở làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn,

trấn Nghệ An (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là một trí thức có tài, am hiểu thời thế và có lòng thương dân sâu sắc. Thời Lê – Trịnh, ông có ra làm quan một thời gian ngắn rồi cáo về ẩn dật ở quê nhà, dạy học và làm thơ. Việc vua Quang Trung gặp gỡ Nguyễn Thiếp là chuyện có thật mà lịch sử đã ghi lại.

– Vua Quang Trung hỏi ý kiến Nguyễn Thiếp về vấn đề gì?

– Thái độ của nhà vua trong cuộc đối thoại này như thế nào?

– Qua đó, em có thể rút ra điều gì về đức tính của vua Quang Trung?

– Nhận xét về ngòi bút miêu tả nhân vật lịch sử thông qua sự kiện lịch sử của các tác giả.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Em hãy nêu nhận xét về nghệ thuật trần thuật sự kiện lịch sử của tác giả qua đoạn trích.

Trả lời:

- Nên chú ý Hoàng Lê nhất thống chí là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, vậy thì, ngoài việc ghi chép chân thực các sự kiện lịch sử đang biến động thật gấp gáp, khẩn trương còn phải tái hiện được không khí lịch sử và khắc hoạ được những con người của một thời đại lịch sử. Xuất phát từ đặc điểm đó sẽ có thể đánh giá giá trị nghệ thuật của lối văn trần thuật đặc sắc ở đoạn trích.

- Hãy chú ý đến sự khác biệt giữa việc ghi chép các sự kiện lịch sử, liệt kê diễn biến một cuộc chiến như trong các sách sử với việc hình thành một câu chuyện như trong đoạn trích. Giữa các sự kiện được kết nối chặt chẽ, lời văn có thêm sự miêu tả, biểu cảm, hướng tới định hướng nội dung theo quan điểm của tác giả,…

 

Câu 2: Ở đoạn trích này, những yếu tố đặc trưng nào của truyện lịch sử đã được tác giả sử dụng?

Trả lời:

Những yếu tố đặc trưng của truyện lịch sử được tác giả sử dụng trong đoạn trích có thể kể ra như:

- Đoạn trích đã tái hiện được sự kiện “Quang Trung đại phá quân Thanh” một cách chân thực, sinh động.

- Cốt truyện của đoạn trích được xây dựng trên cơ sở các sự kiện xảy ra trước và trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh của nước ta.

- Thế giới nhân vật trong đoạn trích phong phú như cuộc đời thực. Đoạn trích tập trung khắc hoạ một nhân vật nổi bật trong lịch sử nước ta là người anh hùng Nguyễn Huệ. Nhân vật này cũng được hiện ra dưới cách nhìn riêng của tác giả.

- Ngôn ngữ trong đoạn trích phù hợp với thời đại, có thể thấy rõ qua việc xưng hô, đối thoại, kể, tả.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 1: Quang Trung đại phá quân Thanh

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay