Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 1: Văn bản 1 - Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 1: Văn bản 1 - Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 1: CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ

VĂN BẢN 1: LÁ CỜ THÊU SÁU CHỮ VÀNG

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày một số hiểu biết của em về văn bản (tác giả, thể loại,…).

Trả lời:

- Tác giả: Nguyễn Huy Tưởng

- Văn bản thuộc phần 3 của tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.

- Thể loại: Truyện lịch sử

- Nội dung chính: Câu chuyện về tinh thần yêu nước của Trần Quốc Toản.

 

Câu 2: Hãy trình bày một vài thông tin cơ bản về tác giả Nguyễn Huy Tưởng.

Trả lời:

- Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) quê ở Hà Nội.

- Trong sáng tạo nghệ thuật, ông có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử, có đóng góp nổi bật ở hai thể loại: tiểu thuyết và kịch.

- Từ những năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước và phát triển đất nước bên cạnh công việc liên quan đến văn học.

- Ông là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

- Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.

- Một só tác phẩm nổi bật: Đêm hội Long Trì (1942), Vũ Như Tô (1943), An Tư (1944), Bắc Sơn (1946), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960), Sống mãi với Thủ đô (1961),…

 

Câu 3: Hãy tóm tắt nội dung của văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (khoảng 15 đến 20 dòng).

Trả lời:

Thời điểm quân Nguyên chuẩn bị kế hoạch xâm chiếm nước ta, vua nhà Trần triệu tập hội nghị Bình Than để bàn về việc chống giặc. Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, một tôn thất nhà Trần, với tinh thần yêu nước, căm ghét giặc ngoại xâm, đã đến bến nơi mà vương công đại thần đều tề tựu bàn việc nước để xin đánh giặc, mặc dù vậy, vì nhỏ tuổi, Hoài Văn chỉ có thể đứng ngoài. Cho rằng mình quá hiểu ý đồ của giặc và cũng cảm thấy buồn vì trong khi những người nhà quê còn được bàn chuyện mà mình thì lại không, nên sau khi chờ đợi suốt một thời gian dài không làm gì được, Hoài Văn đã bất chấp xông vào yết kiến vua, sẵn sàng đánh nhau với lính canh. Chiêu Thành Vương, chú của Hoài Văn, sau đó đã ra can ngăn và cho biết về tình hình cuộc bàn luận. Cảm thấy thật bất hợp lí khi đến lúc này vẫn có người còn có ý định hoà hoãn, Quốc Toản xồng xộc xuống bến tâu với vua xin đánh rồi cũng tự xin chịu tội. Có người yêu cầu phải trị tội để giữ phép nước nhưng vua thấy việc làm của Quốc Toản là đáng trọng nên tha và cho anh một quả cam. Quốc Toản rời đi trong tiếng cười nhạo của mọi người, ý chí quyết tâm chiêu binh mãi mã để tự mình đánh giặc cũng xuất phát từ đó. Trong lúc căm phẫn, anh đã bóp nát quả cam, một chi tiết mà sau này người ta luôn nhắc về anh.

 

Câu 4: Hãy cho biết câu chuyện dựa trên bối cảnh của sự kiện lịch sử nào và hãy cho biết một số thông tin lịch sử về Trần Quốc Toản.

Trả lời:

Bối cảnh: Căn cứ “Đại Việt sử ký toàn thư” cùng “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, vào tháng 10 năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than, cùng quan viên bàn kế chống quân Nguyên.

Một số thông tin về Trần Quốc Toản: 

  • Trần Quốc Toản (chữ Hán: 陳國瓚; sinh mất không rõ), hiệu là Hoài Văn hầu (懷文侯), sau truy tặng tước vương, là một tông thất nhà Trần, sống ở thời kỳ trị vì của Trần Thánh Tông cùng Trần Nhân Tông. 
  • Ông nổi tiếng có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai.

 

Câu 5: Hãy khái quát chủ đề của văn bản và cho biết căn cứ vào đâu mà em khái quát như vậy.

Trả lời:

- Nếu xem xét đến bối cảnh trong văn bản thì ta có thể cho chủ đề ở đây là: câu chuyện lịch sử.

- Nếu xem xét đến nhân vật chính và những hành động, tính cách được bộc lộ, ta có thể cho chủ đề ở đây là: lòng yêu nước.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản có tâm trạng như thế nào khi phải đứng trên bờ nhìn quang cảnh một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở bến Bình Than?

Trả lời:

- Hoài Văn có tâm trạng buồn tủi khi thấy rất nhiều vương công đại thần đều được đến dự hội nghị, trong đó có cả những người con trai của Hưng Đạo Vương, những người mới chỉ hơn anh có “dăm sáu tuổi”.

- Hoài Văn thật sự khao khát được vào bàn chuyện với mọi người. Điều đó được thể hiện qua chi tiết “Mắt Hoài Văn giương to đến rách, nhìn những lá cờ bay múa trên những đoàn thuyền đẹp như gấm như hoa” và những suy nghĩ chỉ cần mình được xuống thuyền thì sẽ xin đánh ngay.

- Hoài Văn còn cảm thấy có chút tủi thân khi thấy những bô lão nhà quê còn được mời đến bàn chuyện mà mình đây là tôn thất chẳng nhẽ lại không suy nghĩ được như họ.

 

Câu 2: Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản có hành động gì khác thường? Vì sao Trần Quốc Toản có hành động như vậy?

Trả lời:

- Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản không những không dừng lại mà còn cố xuống cho bằng được: “Quốc Toản tuốt gươm, mắt trừng lên điên dại, nói “Không buông ra, ta chém!””. Lính canh cố khuyên giải nhưng điều đó chỉ làm Quốc Toản tức giận hơn: “Hoài Văn đỏ mặt bừng bừng, quát lớn “Ta xuống xin bệ kiến quan gia, không kẻ nào được giữ ta lại. Lôi thôi thì hãy nhìn lưỡi gươm này.””

- Trần Quốc Toản có hành động như vậy là vì suốt cả ngày hôm qua cho đến hôm nay, anh không ăn không uống chỉ muốn tìm gặp vua, buồn bã quá nên có hành động như vậy.

 

Câu 3: Chứng kiến hành động và nghe lời tâu bày của Trần Quốc Toản, vua Thiệu Bảo có thái độ và cách xử lí như thế nào? Thái độ và cách xử lí đó cho thấy điều gì ở vị vua này?

Trả lời:

- Vua có thái độ thích thú: “Thiệu Bảo gật đầu, mỉm cười nhìn Hưng Đạo Vương”. Vua thấy được tấm lòng yêu nước đáng trọng của Trần Quốc Toản nên thương tình tha tội cho anh. Vua còn khuyên Trần Quốc Toản nên về phụ dưỡng mẹ.

- Thái độ và cách xử lí cho thấy ông là một vị vua nhân từ, biết đối nhân xử thế, không vì quyền uy mà đưa ra quyết định hà khắc. Tuy vậy, nhìn ở một góc độ nào đó, ông có thể là bảo thủ, không đề cao khả năng của người trẻ - một nếp nghĩ cổ xưa.

 

Câu 4: Những nét tính cách nào của Trần Quốc Toản được thể hiện qua lời đối thoại với các nhân vật khác ngoài nhân vật vua Thiệu Bảo?

Trả lời:

Với nhân vật người chú Chiêu Thành Vương:

  • Quốc Toản có lối suy nghĩ mới, hiện đại: đất nước lâm nguy thì người trẻ cũng phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc: “Nhưng cháu trộm nghĩ rằng khi quốc biến thì đến đứa trẻ cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn. Cháu chưa đến tuổi dự bàn việc nước, nhưng cháu có phải là giống cỏ cây đâu mà ngồi yên được? Vua lo thì kẻ thần tử cũng phải lo.”
  • Quốc Toản luôn lấy chính nghĩa làm đầu, sẵn sàng liều chết để làm điều mình cho là đúng: “Chú thường dạy cháu những điều trung nghĩa, cháu vẫn ghi trong tấc dạ. Cháu liều chết đến đây, chỉ muốn góp một vài lời”.
  • Sự căm phẫn với những kẻ có suy nghĩ hèn kém: “Ai chủ hoà? Ai chủ hoà? Cho nó mượn đường ư? Không biết đấy là kế giả đồ diệt Quắc của nó đấy sao? Dâng giang sơn gấm vóc này cho giặc hay sao mà lại bàn thế?

Với các nhân vật lính canh:

  • Quốc Toản quyết tâm đoạt được điều mà mình mong muốn dù điều đó vượt khuôn phép: “Không buông ra, ta chém!”, “Lôi thôi thì hãy nhìn lưỡi gươm này!”.

Với các nhân vật người nhà:

  • “Ta đã tâu với quan gia cho đánh. Quan gia ban cho ta quả cam này. Ơn vua lộc nước, ta đem về để biếu mẫu thân.” Tuỳ quan điểm của em, câu nói này có thể cho thấy Quốc Toản là một người biết nói dối, biết “uốn lưỡi” hoặc là một người biết xử lí tình huống khôn khéo.

 

Câu 5: Thế giới nhân vật trong truyện lịch sử có đặc điểm gì?

Trả lời:

Thế giới nhân vật trong truyện lịch sử phong phú như trong cuộc đời thực. Việc chọn kiểu nhân vật nào để miêu tả trong truyện là dụng ý nghệ thuật riêng của nhà văn. eutat Thông thường, truyện lịch sử tập trung khắc hoạ những nhân vật nổi tiếng như vua chúa, anh hùng, danh nhân,... - những con người có vai trò quan trọng đối với đời sống của cộng đồng, dân tộc. Tuy nhiên, các nhân vật đó hiện ra dưới cái nhìn riêng, thể hiện cách lí giải độc đáo của nhà văn về lịch sử. Bên cạnh đó, mối quan hệ phức tạp giữa nhân vật với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội cũng được nhà văn quan tâm thể hiện.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Trong lời người kể chuyện đôi chỗ xen vào những ý nghĩ thầm kín của nhân vật Trần Quốc Toản. Hãy nêu một vài trường hợp và phân tích tác dụng của sự đan xen đó.

Trả lời:

Có thể kể ra một vài trường hợp, ví dụ như:

  • Đoạn quan lại tề tựu ở thuyền ngự: “Những người em họ ấy, chẳng qua chỉ hơn Hoài Văn dăm sáu tuổi! Cha ta mất sớm, nên ta mới phải đứng rìa nhục nhã thế này!”
  • Đoạn Quốc Toản đứng ngoài nhìn mọi người bàn chuyện: “Dã tâm của quân giặc đã hai năm rõ mười rồi. Nó giả tiếng mượn đường, kì thực là để cướp sống lấy nước Nam. Chỉ có việc đánh, làm gì phải kéo ra tận đây mà bàn đi bàn lại? Chao ôi!”
  • Đoạn Quốc Toản suy nghĩ về việc vua cho mời các bô lão: “Những người áo vải ấy còn biết đường phải trái, huống chi ta là bậc tôn thất há lại không nghĩ được như họ sao?”

Tác dụng: Truyện được kể bằng ngôi thứ ba, cách kể này không làm bộc lộ rõ được tâm trạng của nhân vật nên việc tác giả đôi chỗ xen vào những ý nghĩ thầm kín là nhằm xử lí vấn đề đó.

 

Câu 2: Trong truyện này, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật đều mang đậm màu sắc lịch sử. Hãy nêu một số ví dụ và cho biết tác dụng.

Trả lời:

- Về ngôn từ, ta có thấy rất nhiều từ ngữ cổ xưa, thường dùng trong các truyện, phim thời phong kiến nhưng lại ít dùng trong thời đại ngày nay. Có thể kể ra như: Vương, Hầu, ngự, đấng thiên tử, nghi trượng, quan gia, quốc thể, phép tắc, thần tử, giang sơn, giả đồ diệt Quắc, chiêu binh mãi mã,…

- Về lời nói nhân vật, đặc biệt là lời nói giữa Trần Quốc Toản với lính canh, với vua, với chú mình, ta thấy rằng lời thể hiện tính tôn ti, thể hiện vua có quyền lực tối cao. Có thể kể ra như: “Quân pháp vô thân, hầu không có phận sự ở đây, nên trở ra cho anh em làm việc. Nhược bằng khinh thường phép nước, anh em tất phải chiếu theo lệnh thượng.”, “Nhưng ra ngoài là việc nước, có tôn ti, có phép tắc, không thể coi thường. Cháu tự tiện đến đây đã là không phải, lại gây sự với quân Thánh Dực, đấy là tội chết.”, “Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước.”,…

- Tác dụng: Ngôn ngữ trong truyện nhờ đó mới có thể đảm bảo tính thời đại, thể hiện đặc trưng, vị thế xã hội của nhân vật. 

 

Câu 3: Viết một đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích chi tiết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam.

Trả lời:

Trong đoạn văn, em cần phải trình bày được những ý sau:

  • Vì sao Trần Quốc Toản nhận được quả cam hay anh đã nhận quả cam như thế nào?
  • Quả cam đó có tính chất như thế nào, bình thường hay cần phải trân trọng?
  • Cách mà Hoài Văn xử lí quả cam đó có gì khác thường không?
  • Điều gì khiến cho Hoài Văn bóp nát quả cam?
  • Việc Quốc Toản bóp nát quả cam, một hình ảnh mà người ta mãi lưu truyền về anh, có phải chỉ là vô tình hay còn mang một ý nghĩa khác?

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Hồ Chí Minh trong tác phẩm "Lịch sử nước ta" có ca ngợi về Trần Quốc Toản như sau:

Quốc Toản là trẻ có tài,

Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền,

Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,

Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung

Thật là một đấng anh hùng,

Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo.

Dựa vào câu chuyện trong văn bản và những gì em tiếp nhận được từ lời thơ của Hồ Chủ tịch, em hãy nêu trách nhiệm của thanh niên, đặc biệt là lứa tuổi học sinh như các em trong công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước hiện nay.

Trả lời:

Đây là một câu hỏi mở, hãy phát triển dựa theo hiểu biết và quan điểm của bản thân. Đoạn văn dưới đây là có thể là một gợi ý.

Trong truyện của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như trong thực tế lịch sử, Trần Quốc Toản hiện lên là một người tuy trẻ tuổi nhưng đã hiểu được trách nhiệm cần có của bản thân và sẵn sàng dấn thân vì Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, tuy đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất và chúng ta được hưởng nền hoà bình độc lập nhưng tình hình thế giới cho chúng ta thấy rằng chiến tranh vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào và chúng ta luôn phải sẵn sàng. Hơn nữa, vấn đề này thực sự cũng chỉ là an ninh truyền thống, hiện nay còn nhiều chúng ta còn rất nhiều thứ liên quan đến an ninh phi truyền thống khác mà chúng ta đang phải đối mặt. Kế đến, nói về đóng góp của thanh niên cho sự phát triển của đất nước, chúng ta có thể hình dung được điều đó qua sự phát triển của xã hội, kinh tế, khoa học công nghệ của nước ta so với thế giới. Chúng ta đang sống một cuộc sống tốt hơn nhưng không có nghĩa là chúng ta không cần phải cố gắng nữa. Cả thế giới đang nỗ lực, đặc biệt là người dân ở các nước phát triển, thế nên không có lí do gì một nước đang phát triển như Việt Nam mà người dân lại không cần cố gắng nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước. Đối với thế hệ học sinh, những người làm chủ tương lai của đất nước, chúng ta cần phải trau dồi thật tốt kiến thức, kĩ năng, tránh sa vào những điều vô bổ, không vì là trẻ tuổi mà không quyết tâm, không đóng góp.

 

Câu 2: “Cốt truyện của truyện lịch sử thường được xây dựng trên cơ sở các sự kiện đã xảy ra; nhà văn tái tạo, hư cấu, sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật của mình nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng nào đó.” Hãy chứng minh điều này qua văn bản và qua hiểu biết của em.

Trả lời:

Trong thực tế, có rất ít tư liệu lịch sử ghi lại về Trần Quốc Toản. Trong văn bản cũng như trong toàn truyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, cuộc đời của Trần Quốc Toản đã được nhà văn tái tạo, hư cấu và sắp xếp theo ý đồ của riêng mình dựa trên chút ít dữ kiện lịch sử mà nhà văn thu thập được về con người này. Hầu hết các sự kiện liên quan đến Trần Quốc Toản trong văn bản không được đề cập đến trong các bộ sử của nước ta.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 1: Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay