Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 3: Văn bản 3 - Nam Quốc Sơn Hà

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 3: Văn bản 3 - Nam Quốc Sơn Hà. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 3: LỜI SÔNG NÚI

VĂN BẢN 3: NAM QUỐC SƠN HÀ
(14 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Nam quốc sơn hà” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Nhan đề: do người đời sau đặt

- Tác giả: chưa rõ

- Hoàn cảnh ra đời: chưa rõ. Có nhiều lời kể về sự ra đời của bài thơ, trong đó có truyền thuyết: Năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước ta. Vua Lí Nhân Tông sai Lí Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt, bỗng một đêm, quân sĩ chợt nghe từ trong đến thơ hai anh em Trương Hống và Trương Hát – hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục, được tôn là thần sông Như Nguyệt – có tiếng ngâm bài thơ này.

- Thể loại: thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

- Nội dung: Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ dõng dạc đanh thép, “Nam quốc sơn hà” là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước và nêu có ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược.

 

Câu 2: Đặc điểm về bố cục của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật được thể hiện như thế nào trong bài thơ?

Trả lời:

Bài thơ được triển khai theo hướng:

- Khai (câu 1): mở ý cho bài thơ. Ở đây, tác giả đưa ra lời nhận định: Sông núi nước Nam do vua nước Nam cai quản.

- Thừa (câu 2): tiếp nối, phát triển ý thơ. Ở đây, tác giả đưa ra lí lẽ hỗ trợ nhận định ở câu 1.

- Chuyển (câu 3): phát triển, chuyển hướng ý thơ. Ở đây, tác giả đề cập đến sự việc giặc dữ đến xâm phạm là không đúng.

- Hợp (câu 4): thâu tóm, đưa ra lời khẳng định. Ở đây, tác giả kết bài thơ với lời khẳng định rằng kẻ địch sẽ phải thua.

 

Câu 3: Đặc điểm về niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp, đối của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật được thể hiện như thế nào trong bài thơ?

Trả lời:

- Chữ thứ hai của bài thơ là thanh trắc nên bài thơ được làm theo luật trắc.

- Nhịp của bài thơ là 4/3.

Như vậy, bài thơ đã đảm bảo được những yêu cầu về hình thức của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

 

Câu 4: Hãy giải nghĩa các từ trong bản phiên âm của bài thơ.

Trả lời:

- Câu 1: Nam: phương Nam; quốc: nước; sơn: núi; hà: sông; Nam: nước Nam; đế: vua; cư: ở.

- Câu 2: Tiệt nhiên: rõ ràng như thế, không thể khác; định: quyết định; phận: rút gọn của từ “giới phận”, “địa phận” là phần đất đã được giới hạn; tại: ở; thiên: trời; thư: sách

- Câu 3: Như hà: cớ sao; nghịch: trái ngược lại; lỗ: mọi rợ, quân địch, thường dùng với thái độ khinh miệt; lai: đến, lại; xâm phạm: lấn chiếm quyền lợi của người khác.

- Câu 4: Nhữ đẳng: bọn chúng mày; hành: sẽ, trải qua; khan: xem; thủ: nhận lấy; bại: thua; hư: không.

 

Câu 5: “Sông núi nước Nam” được coi như là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta viết bằng thơ. Vậy thế nào là một Tuyên ngôn Độc lập? Nội dung Tuyên ngôn Độc lập trong bài thơ này là gì?

Trả lời:

- Tuyên ngôn độc lập là lời tuyên bố về chủ quyền của đất nước và khẳng định không một thế lực nào được phép xâm phạm vào quyền độc lập ấy. 

- Tuyên ngôn độc lập trong bài thơ Sông núi nước Nam thể hiện ở các khía cạnh:

+ Tác giả khẳng định nước Nam là của người Nam. Đó là điều đã được ghi tại “thiên thư” (sách trời). Tác giả viện đến thiên thư vì ngày xưa người ta vẫn còn coi trời là đấng tối cao. Người Trung Quốc cổ đại tự coi mình là trung tâm của vũ trụ nên vua của họ được gọi là “đế”, các nước chư hầu nhỏ hơn bị họ coi là “vương” (vua của những vùng đất nhỏ). Trong bài thơ này, tác giả đã cố ý dùng từ “Nam đế” (vua nước Nam) để hàm ý sánh ngang với “đế” của nước Trung Hoa rộng lớn.

+ Ý nghĩa tuyên ngôn còn thể hiện ở lời khẳng định chắc chắn rằng nếu kẻ thù vi phạm vào quyền tự chủ ấy của nước ta thì chúng thế nào cũng sẽ phải chuốc lấy bại vong.

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: “Sông núi nước Nam” là một bài thơ thiên về sự biểu ý (bày tỏ ý kiến). Vậy nội dung biểu ý đó được thể hiện theo một bố cục như thế nào? Hãy nhận xét về bố cục và cách biểu ý đó.

Trả lời:

- Bài thơ triển khai nội dung biểu ý theo bố cục: ở hai câu thơ đầu, tác giả đã khẳng định một cách tuyệt đối chủ quyền lãnh thổ với một thái độ của một dân tộc luôn trân trọng chính nghĩa. 

- Từ khẳng định chân lí, đến câu thơ cuối, tác giả đã dựa ngay trên cái chân lí ấy mà đưa ra một lời tuyên bố chắc chắn về quyết tâm chống lại những kẻ làm trái những điều chính nghĩa.

Bố cục của bài thơ như thế là chặt chẽ, khiến cho những luận cứ đưa ra đều rất thuyết phục.

 

Câu 2: Ngoài biểu ý, “Sông núi nước Nam” có biểu cảm (bày tỏ cảm xúc) không? Nếu có thì thuộc trạng thái nào? (lộ rõ, ẩn kín)

Hãy giải thích tại sao em chọn trạng thái đó.

Trả lời:

Bài thơ tuy chủ yếu thiên về biểu ý song không phải vì thế mà trả thành một bài luận lí khô khan. Có thể nhận thấy rằng, đằng sau tư tưởng độc lập chủ quyền đầy kiên quyết ấy là một cảm xúc mãnh liệt ẩn kín bên trong. Nếu không có tình cảm mãnh liệt thì chắc chắn không thể viết được những câu thơ đầy chí khí như vậy.

 

Câu 3: Qua các cụm từ "tiệt nhiên" (rõ ràng, dứt khoát như thế, không thể khác), "định phận tại thiên thư " (định phận tại sách trời), "hành khan thủ bại hư " (chắc chắn sẽ nhận lấy thất bại), hãy nhận xét về giọng điệu của bài thơ.

Trả lời:

Qua các cụm từ “tiệt nhiên” (rõ ràng, dứt khoát như thế, không thể khác), “định phận tại thiên thư” (định phận tại sách trời) và “hành khan thủ bại hư” (chắc chắn sẽ nhận lấy thất bại), chúng ta có thể nhận thấy cảm hứng triết luận của bài thơ đã được thể hiện bằng một giọng điệu hào sảng, đanh thép, đầy uy lực.

 

Câu 4: Đã nói đến thơ là phải có biểu ý và biểu cảm. Vậy bài thơ Sông núi nước Nam có hình thức biểu ý, biểu cảm như thế nào? 

Trả lời:

- Bài thơ thiên về biểu ý (nghị luận, trình bày ý kiến), bởi bài thơ đã trực tiếp nêu rõ ý tưởng bảo vệ độc lập, kiên quyết chống ngoại xâm, nhưng vẫn có cách biểu cảm riêng. Ở đây, cảm xúc, thái độ mãnh liệt, sắt đá đã tồn tại bằng cách ẩn vào bên trong ý tưởng. Người đọc biết nghiền ngẫm, biết suy cảm, sẽ thấy thái độ, cảm xúc trữ tình đó.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Có bạn thắc mắc tại sao không nói là “Nam nhân cư” (người Nam ở) mà lại nói “Nam đế cư” (vua Nam ở) thì em sẽ giải thích thế nào?

Trả lời:

- Người xưa coi trời là đấng tối cao và chỉ có vua (Thiên tử – con trời) mới có quyền định đoạt mọi việc ở trần gian. Tất cả mọi thứ có trên mặt đất đều là của vua. 

- Hơn thế nữa, nói Nam đế cư là có hàm ý nói rằng vua của nước Nam cũng là Thiên tử chứ không phải là một ông “vua nhỏ” dưới quyền cai quản của Hoàng đế Trung Hoa.

 

Câu 2: Ví thử có người nói rằng: “Sông núi nước Nam” chưa phải là thơ, vì chỉ có ý này ý khác mà không có cảm xúc, em sẽ nói lại như thế nào với người ấy?

Trả lời:

- Ngược lại với ý kiến cho rằng hai bài “Sông núi nước Nam” không phải là thơ, vì chỉ có ý này ý khác mà không có cảm xúc, em có thể trình bày một quan niệm về thơ như sau: Đã là thơ dĩ nhiên cùng với sự biểu ý phải có sự biểu cảm, nhưng trong thơ trạng thái biểu cảm là đa dạng, tựu trung có dạng lộ ra ở lời, có dạng ẩn kín trong ý. “Sông núi nước Nam” là thuộc dạng sau, và nó đã tồn tại trong thể thơ: thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Những trường hợp như thế không hiếm.

- Có thể lấy thêm ví dụ về bốn câu đề từ trong “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh: “Thân thể ở trong lao – Tinh thần ở ngoài lao – Muốn nên sự nghiệp lớn – Tinh thần càng phải cao” hoặc bài thơ “Phò giá về kinh”.

 

Câu 3: Em hãy giải thích tại sao bài thơ Sông núi nước Nam đã được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Nếu có người hỏi rằng: “Tuyên ngôn độc lập là phải viết sau khi đã toàn thắng, còn đây là bài thơ ra đời vào thời điểm chưa độc lập, còn kháng chiến (ở đây ta tạm coi là vậy)” thì em sẽ trả lời thế nào?

Trả lời:

Để thực hiện yêu cầu này, trong trường hợp với bài thơ “Sông núi nước Nam”, em hãy chú ý đến hai điều cần nói khi xác định thế nào là một bản tuyên ngôn độc lập:

- Thường là viết sau khi đã toàn thắng trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

- Nội dung được nêu lên ở văn bản là lời tuyên bố về chủ quyền bất khả xâm phạm, chủ quyền độc lập của Tổ quốc.Vậy thì, trường hợp Sông núi nước Nam là thế nào? Là trường hợp tuy viết lúc kháng chiến chưa kết thúc thắng lợi nhưng về nội dung lại là sự tuyên bố về chủ quyền độc lập của đất nước và như một lợi khẳng định sự tất thắng, không có chuyện thua. Do đó vẫn có thể xem là bản tuyên ngôn độc lập. Dĩ nhiên, trường hợp này có khác so với Bình Ngô đại cáo, là tuyên ngôn sau khi đã toàn thắng.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Sau bài thơ Sông núi nước Nam, vào đầu thế kỉ XV, trong bài “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi đã viết:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Em hãy phân tích, so sánh, làm rõ về sự phát triển của ý thức dân tộc từ bài thơ “Sông núi nước Nam” đến đoạn trích “Đại cáo bình Ngô” trên đây.

Trả lời:

Để làm bài tập này, em hãy lần lượt thực hiện các thao tác sau:

  1. a) Xác định đúng yêu cầu của bài tập là làm rõ được sự phát triển của ý thức dân tộc từ Sông núi nước Nam đến Đại cáo bình Ngô.
  2. b) Tìm hiểu lại các yếu tố của nội dung ý thức dân tộc đã được học ở bài Sông núi nước Nam và tìm hiểu thêm các yếu tố thuộc nội dung ý thức dân tộc trong đoạn trích Đại cáo bình Ngô.
  3. c) Sau đó, tổng kết nêu lên sự phát triển của ý thức dân tộc (từ Sông núi nước Nam đến đoạn trích Đại cáo bình Ngô) với những gợi ý sau đây:

– Ở Sông núi nước Nam đã có ý thức về lãnh thổ, về giống nòi (người nước Nam mà vua Nam đại diện), về chủ quyền và tinh thần kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của đất nước.

– Đến đoạn trích Đại cáo bình Ngô, ý thức dân tộc phát triển đã tạo được một định nghĩa hoàn chỉnh về dân tộc trong đó có đủ các yếu tố cơ bản: lãnh thổ, giống nòi (được nói với ý thức tự hào), lịch sử, phong tục, văn hoá (và dĩ nhiên có cả tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược mà bài Đại cáo bình Ngô đã thể hiện). Điều đó chứng tỏ, qua gần bốn thế kỉ, quan niệm về dân tộc trong lịch sử nước ta ngày một sáng rõ hơn, hoàn chỉnh hơn.

 

Câu 2: Em rút ra được nhận thức gì cho bản thân sau khi học bài thơ này?

Trả lời:

Câu trả lời tuỳ thuộc vào sự nhìn nhận và hiểu biết vốn có của em. Ví dụ: Bài thơ giúp em biết rằng người dân nước ta đã có ý thức về độc lập chủ quyền từ lâu, có tinh thần chiến đấu bảo vệ đất nước thể hiện qua sự khẳng định tất thắng,… Em có thể mở rộng ra trách nhiệm của bản thân trong tình hình hiện nay.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 3: Nam Quốc Sơn Hà

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay