Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 2: Thực hành tiếng việt - Từ tượng hình và từ tượng thanh
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 2: Thực hành tiếng việt - Từ tượng hình và từ tượng thanh. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án ngữ văn 8 kết nối tri thức
BÀI 2: VẺ ĐẸP CỔ ĐIỂNTHỰC HÀNH TIẾNG VIỆT: TỪ TƯỢNG HÌNH VÀ TỪ TƯỢNG THANH
(17 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
(17 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết cơ bản về từ tượng hình và từ tượng thanh (khái niệm, đặc điểm, tác dụng,…)
Trả lời:
- Từ tượng hình là từ gợi tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật; từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên hoặc con người.
- Các từ tượng hình, từ tượng thanh có giá trị gợi hình ảnh, gợi âm thanh và có tính biểu cảm. Sử dụng các loại từ này, không chỉ giúp cho đối tượng cần miêu tả hiện lên cụ thể, sinh động mà còn thể hiện được cách nhìn, cách cảm nhận của người viết, người nói.
- Ví dụ từ tượng hình:
+ Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông. (Nguyễn Du);
+ Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. (Bà Huyện Thanh Quan);
+ Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm. (Quang Dũng)
- Ví dụ từ tượng thanh:
+ Sột soạt gió trêu tà áo biếc. (Hàn Mặc Tử);
+ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ/ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về. (Tế Hanh)
Câu 2: Chỉ ra các từ tượng hình và từ tượng thanh trong trường hợp sau:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
[…] Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Trả lời:
- Từ tượng hình có trong đoạn thơ là: tẻo teo, lơ lửng, quanh co.
- Từ tượng thanh không có trong đoạn thơ.
Câu 3: Chỉ ra các từ tượng hình và từ tượng thanh trong trường hợp sau:
Líu lo kìa giọng vàng anh
Mùa xuân vắt vẻo trên nhành lộc non.
Trả lời:
- Từ tượng hình có trong đoạn thơ là: vắt vẻo
- Từ tượng thanh có trong đoạn thơ là: líu lo
Câu 4: Chỉ ra các từ tượng hình và từ tượng thanh trong trường hợp sau:
“Tôi không nhờ tôi đã nghe tiếng chồi non tách vỏ vào lúc nào, tôi cũng không nhớ tôi đã nghe tiếng chim lích chích mổ hạt từ đâu, nhưng tôi cảm nhận tất cả một cách rõ rệt trong từng mạch máu đang phập phồng bên dưới làn da.”
Trả lời:
- Từ tượng hình có trong đoạn thơ là: phập phồng
- Từ tượng thanh có trong đoạn thơ là: lích chích
Câu 5: Đọc các đoạn trích sau (trong Lão Hạc của Nam Cao) và trả lời câu hỏi.
- Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...
- Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?".
- Tôi ở nhà Binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc.
Câu hỏi:
- a) Trong các từ in đậm trên, những từ nào gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật; những từ nào mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người?
- b) Những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái hoặc mô phỏng âm thanh như trên có tác dụng gì trong văn miêu tả và tự sự?
Trả lời:
- a) – Những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật là: móm mém, vật vã, xồng xộc, rũ rượi, xộc xệch, sòng sọc.
- Những từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người: hu hu, ư ử
- b) Những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái hoặc mô phỏng âm thanh như trên có tác dụng làm tăng sức gợi hình, gợi tả, gợi âm thanh và có tính biểu cảm. Nhờ những từ này, lời văn trở nên sinh động, chân thực hơn và đôi khi nó còn cách để thể hiện cách nhìn, cách biểu hiện của người viết.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Xác định và phân tích tác dụng của các từ tượng hình, từ tượng thanh trong đoạn thơ sau:
Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Trả lời:
Đoạn thơ có các từ tượng hình: le te, lập loè, phất phơ, lóng lánh
– Từ “le te” gợi hình ảnh những ngôi nhà tranh thấp, hẹp ở làng quê Việt Nam xưa.
– Từ “lập loè” gợi ánh sáng chợt loé lên, chợt tắt đi của đom đóm; làm nổi bật thêm cái tối của những lối ngõ nhỏ và sự im vắng, tĩnh lặng của đêm khuya.
– Từ “phất phơ” miêu tả sự lay động khẽ khàng của làn khói mỏng trong buổi chiều thu khi tiết trời se lạnh, gợi được cả làn gió nhẹ.
– Từ “lóng lánh” gợi hình ảnh ánh trăng được phản chiếu từ mặt ao thu, khi làn nước trong trẻo xao động.
Đoạn thơ không có từ tượng thanh.
Câu 2: Xác định và phân tích tác dụng của các từ tượng hình, từ tượng thanh trong đoạn thơ sau:
Sáng hồng lơ lửng mây son,
Mặt trời thức giấc véo von chim chào.
Cổng làng rộng mở. Ồn ào,
Nông phu lững thững đi vào nắng mai.
Trả lời:
Đoạn thơ có các từ tượng hình: lơ lửng, lững thững; từ tượng thanh: véo von, ồn ào.
– Từ “lơ lửng” tả hình ảnh những đám mây như treo trên lưng chừng trời, gợi vẻ đẹp bình yên.
– Từ “lững thững” gợi tả dáng đi thong thả của những người nông dân bước ra khỏi cổng làng, bắt đầu một ngày lao động, mà như “đi vào nắng mai”.
– Từ “véo von” gợi tiếng chim trong trẻo, tươi vui như tiếng trẻ thơ; từ “ồn ào” gợi không khí sôi động nơi cổng làng vào buổi sớm mai.
Câu 3: Tìm từ tượng hình, từ tượng thanh trong những câu sau (trích từ Tắt đèn của Ngô Tất Tố):
- Thằng Dần vục đầu vừa thổi vừa húp soàn soạt. Chị Dậu rón rén bưng một bát lớn đến chỗ chồng nằm.
– Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.
– Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.
– Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.
Trả lời:
- Các từ tượng hình, tượng thanh là: soàn soạt, rón rén, bịch, bốp, lẻo khẻo, (ngã) chỏng quèo.
Câu 4: Hãy tìm một số từ tượng hình gợi tả dáng đi của người.
Trả lời:
Ví dụ: lò dò, tập tễnh, tất bật, thướt tha, lom khom, huỳnh huỵch, rón rén, thoăn thoắt, thong thả,…
3. VẬN DỤNG (3 câu)
Câu 1: Hãy lấy ví dụ về từ tượng hình và từ tượng thanh trong các tác phẩm văn học và phân tích giá trị của nó.
Trả lời:
- Ví dụ về từ tượng hình:
Trong làn nắng ửng, khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
(Hàn Mặc Tử, Mùa xuân chín)
Từ “lấm tấm” gợi hình ảnh những đốm nắng rải qua vòm cây, in trên những mái nhà tranh, gợi khung cảnh bình yên của buổi bình minh mùa xuân nơi quê nhà.
- Ví dụ về từ tượng thanh:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may.
(Nguyễn Đình Thi, Đất nước)
Từ “xao xác” gợi âm thanh thoảng nhẹ, mơ hồ của tiếng lá và tiếng gió trong không gian im vắng, tĩnh lặng của một Hà Nội cổ kính, êm đềm.
Câu 2: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
“Giữa vùng cỏ tranh khô vàng, gió thổi lao xao, một bầy chim hàng nghìn con vụt cất cánh bay lên. Chim áo già màu nâu, chim manh manh mỏ đỏ bóng như màu thuốc đánh móng tay, lại có bộ lông xám tro điểm những chấm trắng chấm đỏ li ti rất đẹp mắt... Những con chim nhỏ bay vù vù kêu líu ríu lượn vòng trên cao một chốc, lại đáp xuống phía sau lưng chúng tôi.”
- Liệt kê các từ tượng hình và từ tượng thanh trong đoạn văn trên.
- Phân tích tác dụng của một từ tượng hình và một từ tượng thanh trong đoạn văn.
Trả lời:
- a) - Từ tượng hình: li ti
- Từ tượng thanh: lao xao, vù vù, líu ríu
- b) – Từ “li ti” gợi ra cảm giác kích cỡ bé xíu như những chấm, hạt,… Ngay bản thân câu trong đoạn đã thể hiện điều đó: “bộ lông xám tro điểm những chấm đỏ nhỏ li ti”.
- Từ “lao xao” gợi ra âm thanh nhỏ bé, liên tục khi gió thổi vào cỏ cây.
Câu 3: Phân biệt ý nghĩa của các từ tượng thanh tả tiếng cười: cười ha hả, cười hì hì, cười hô hố, cười hơ hớ.
Trả lời:
- Ha hả: từ gợi tiếng cười to, tỏ ra rất khoái chí.
- Hì hì: từ mô phỏng tiếng cười phát cả ra đằng mũi, thường biểu lộ sự thích thú, có vẻ hiền lành.
- Hô hố: từ mô phỏng tiếng cười to và thô lỗ, gây cảm giác kó chịu cho người khác.
- Hơ hớ: từ mô phỏng tiếng cười thoải mái, không cần che đậy, giữ gìn.
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Hãy làm một đoạn văn / đoạn thơ có sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh.
Trả lời:
Đoạn văn gợi ý: Trên con đường gập ghềnh và khúc khuỷu hướng vào thôn Đoài, sự vất vả hiện rõ trên khuôn mặt của anh ấy dưới tiết trời nắng gay gắt của một ngày hè điển hình của vùng đất phía Nam. Bỗng từ đâu chẳng biết, những cơn gió lộng ào ào thổi tới. Bầu không khí vì thế dễ chịu hơn hẳn. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu cho một cơn thịnh nộ của đất trời. Mây đen giăng kín trời, tiếng sấm ầm ầm, chớp giật loé sáng khắp trời, cây cối ngả nghiêng theo cơn cuồng phong dữ dội, mọi thứ tung bay mù mịt. Thật khó để mường tượng cảm giác của anh chàng đó lúc này!
Câu 2: Từ tượng hình, từ tượng thanh là những thuật ngữ đã được dùng quen trong Việt ngữ học. Hãy nhận xét về mức độ “đạt” của hai thuật ngữ này.
Trả lời:
- Tượng ở đây là một yếu tố Hán Việt có nghĩa là "mô phỏng".
- Từ tượng thanh là một thuật ngữ rất đạt, nó chỉ những từ được đặt ra theo phương thức mô phỏng âm thanh trong thực tế khách quan. Trong tiếng Việt, những từ như (con) mèo, (chim) cuốc, (cười) ha ha, (khóc) hu hu, (kêu) ư ử (gió thổi) ù ù,... đều là từ tượng thanh.
- Từ tượng hình là một thuật ngữ không đạt. Từ là một đơn vị ngôn ngữ có vỏ vật chất là âm thanh. Âm thanh thì làm sao mà mô phỏng được hình dáng. Chỉ có chữ viết mới có khả năng mô phỏng được hình dáng. Nhưng không phải mọi thứ chữ viết đều có khả năng mô phỏng hình dáng mà chỉ có loại chữ như chữ Hán mới có khả năng đó. Chữ 木 (mộc: cây), chữ 本 (bản: gốc), chữ 日 (nhật: mặt trời), chữ 月 (nguyệt: mặt trăng),... là những chữ tượng hình. Đúng ra nên gọi là từ gợi hình. Tuy nhiên, vì thói quen cũng có thể dùng thuật ngữ từ tượng hình để chỉ những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của sự vật, hoạt động, trạng thái của sự vật như ta đang học.
=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 2: Từ tượng hình và từ tượng thanh