Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 4: Tiếng cười trào phúng trong thơ (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 4: Tiếng cười trào phúng trong thơ (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 4. TIẾNG CƯỜI TRÀO PHÚNG TRONG THƠ (PHẦN 1)

Câu 1: Từ Hán Việt là gì?

Trả lời:

Từ Hán Việt là các từ ngữ trong tiếng Việt đi vay mượn, có nghĩa gốc từ tiếng Hán (Trung Quốc) nhưng được ghi bằng chữ cái Latinh. Về mặt âm thanh từ Hán Việt khi phát âm gần giống với tiếng Trung Quốc. Trong từ vựng tiếng Việt từ Hán Việt chiếm tỷ lệ cao

Câu 2: Đơn vị cấu tạo nên từ Hán Việt là?

Trả lời:

- Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn các từ Hán Việt. Các tiếng để cấu tạo nên từ Hán Việt được gọi là yếu tố Hán Việt.

- Phần lớn các yếu tố Hán Việt không thể dùng độc lập mà dùng để cấu tạo từ ghép.

- Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng khác nghĩa.

 

Câu 3: Tìm nhanh các từ Hán Việt có các yếu tố sau: nhân (người), đại (lớn).

Trả lời:

- Nhân: thi nhân, văn nhân, nhân mã, nhân ngư, danh nhân, doanh nhân, thành nhân, nam nhân, nữ nhân, nhân loại, nhân cách, nhân tính, chúng nhân, nhân tài, cố nhân, cổ nhân,

- Đại: đại thắng, đại bại, đại tướng, đại tá, đại úy, đại thủy, đại gia, đại vương, đại đế, đại nghiệp, đại ca, đại huynh, đại tỷ, đại bá, đại hà, đại san, đã vũ, đại nạn, đại dịch, đại nhân…

Câu 4: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Trần Tế Xương

- Bài thơ còn có tên khác là: Vịnh khoa thi Hương

- Thể loại: thơ thất ngôn bát cú Đường luật

- Nội dung: Năm Đinh Dậu, 1897, tại trường thi Hà Nam, vợ chồng toàn quyền Paul Doumer và vợ chồng Công sứ Nam Định Lenormand có tới dự lễ xướng danh. Đây là nỗi nhục đối với người trí thức Việt Nam bởi tại chốn tuyển chọn nhân tài cho đất Việt, cái bóng của mấy tên thực dân cướp nước đã trùm lên tất cả. Là nhà nho có lòng tự trọng, vốn tin vào đạo lí thánh hiền và luôn tha thiết với truyền thống văn học của dân tộc, Trần Tế Xương hết sức phẫn uất, đau xót. Bài thơ đã vẽ lên một cách sống động tình trạng suy đồi của Nho học thời ấy cùng những cảnh chướng tai gai mắt lúc chế độ thuộc địa nửa phong kiên bước đầu được xác lập ở nước ta.

Câu 5: Đặc điểm về bố cục của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện như thế nào trong bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”?

Trả lời:

Bài thơ được triển khai với bốn phần:

- Đề (hai câu đầu): triển khai ý ẩn chứa trong nhan đề. Ở đây, tác giả đề cập đến sự kiện nhà nước mở khoa thi.

- Thực (hai câu 3 và 4): giải thích rõ các khía cạnh chính của đối tượng được miêu tả, bàn luận trong bài thơ. Ở đây, tác giả đã vẽ ra những nét đầu tiên trên bức tranh về khoa thi.

- Luận (hai câu 5 và 6): luận giải, phát triển, mở rộng suy nghĩ về đối tượng. Ở đây, tác giả tiếp tục vẽ bức tranh đó với hình ảnh của ngoại bang.

- Kết (hai câu cuối): thâu tóm tinh thần của toàn bài và có thể mở ra những ý tưởng, liên tưởng mới. Ở đây, tác giả đã thể hiện cảm xúc và gửi gắm mong muốn của mình.

Câu 6: Trình bày những thông tin cơ bản về tập thơ “Nhật kí trong tù”.

Trả lời:

Một vài thông tin tham khảo:

- Nhật ký trong tù (nguyên văn chữ Hán: 獄中日記; Hán-Việt: Ngục trung nhật ký) là tập thơ chữ Hán gồm 134 bài theo thể Đường luật do Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943. Ngoài ra, phần cuối văn bản là bút ký đọc sách và bút ký đọc báo ghi chép tóm tắt những thông tin quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa quốc tế và Việt Nam đương thời.

- Nhật ký trong tù không chỉ ghi những cảnh sinh hoạt trong tù, mà còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch

- Tập thơ "Nhật ký trong tù" đã được một số nhà phê bình đánh giá. Theo BBC, không chỉ các tác giả Việt Nam và phương Tây mà ngay chính các nhân vật của Trung Quốc – quê hương của thơ chữ Hán – như Quách Mạt Nhược, Viên Ưng, Hoàng Tranh đều ca ngợi tập thơ này.

- Xuân Diệu có viết: "Thơ Nhật ký trong tù theo ý tôi, rất dễ và rất khó. Dễ là dễ hiểu, giản dị, gần gũi với mọi người, các bài có cơ sở đầu tiên ở thực tế dễ thông cảm. Nhưng nếu chưa nâng tâm trí mình lên đúng mức thì chưa thấy hết các tinh tuý ở bên trong thơ, cho nên nói là rất khó... Người xưa nói: "Đối diện đàm tâm" nghĩa là mặt nhìn mặt miệng không nói mà hai tâm hồn trò chuyện, như vậy là tinh vi lắm, là cái thứ im lặng rất cao đàm tâm được với nhau... Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh, được đào tạo trong lò hun đúc của Lênin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi, Văn Thiên Tường..."

Câu 7: Hãy chỉ ra bố cục của bài thơ “Lai Tân”.

Trả lời:

Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật thì bố cục của nó sẽ là mô hình “khai – thừa – chuyển – hợp”, tuy nhiên kết cấu đó không phù hợp lắm với bài thơ này. Dựa vào nội dung bài thơ, ta có thể chia làm hai phần:

- Phần 1 (3 câu đầu): tình trạng của bộ máy chính quyền vùng đất Lai Tân, Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch

- Phần 2 (câu cuối): câu kết nhấn mạnh tính chất thối nát của chính quyền này.

Câu 8: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Trần Thị Hoa Lê.

Trả lời:

- Trần Thị Hoa Lê sinh năm 1968 tại Ninh Bình, là giảng viên đại học, nhà nghiên cứu văn học.

- Các công trình nghiên cứu chính: Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam, tập 2 (2015, viết chung), Văn học trào phúng Việt Nam thời trung đại (2017),…

Câu 9: Văn bản “Một số giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng”  đề cập đến những giọng điệu nào của tiếng cười trong thơ trào phúng? Hãy chỉ rõ dấu hiệu để nhận biết từng giọng điệu.

Trả lời:

Văn bản đề cập đến một số giọng điệu của tiếng cười trào phúng: hài hước, mỉa mai – châm biếm, đả kích:

- Hài hước: là cách đùa cợt nhẹ nhàng cùng những yếu tố khác lạ phóng túng, phá vỡ các khuôn khổ quen thuộc.

- Mỉa mai – châm biếm: là cách tạo ra những yếu tố vô lí hoặc thiếu logic, đảo lộn trật tự thông thường, tạo nên tiếng cười phê phán, thanh lọc những thói xấu như thói tự mãn, kiêu căng, đạo đức giả, keo kiệt. Mỉa mai – châm biếm là cách “chế nhạo ngầm, đeo mặt nạ nghiêm trang”: khen để mà chê, khẳng định để mà phủ định, đề cao để mà hạ thấp,…

- Đả kích: thường mang giọng điệu phủ nhận gay gắt đối tượng, thể hiện quan niệm nhân sinh, đạo đức của tác giả. Đó có thể là những hình thức ngôn từ mang tính “mắng chửi” quyết liệt, có phần suồng sã, thô mộc, nhằm múc đích cảnh tỉnh sự tha hoá đạo đức đang diễn ra tràn lan trong xã hội.

Câu 10: Xếp các từ ngữ có chứa yếu tố “nam” sau thành từng nhóm có yếu tố Hán Việt cùng nghĩa và giải nghĩa yếu tố Hán Việt đó.

“kim chỉ nam, nam quyền, nam phong, phương nam, nam sinh, nam tính”

Trả lời:

- Nam với nghĩa là một phương hướng: kim chỉ nam, nam quyền, nam phong, phương nam

- Nam với nghĩa là một giới tính: nam sinh, nam tính

Câu 11: Hãy trình bày những hiểu biết của em về sắc thái nghĩa của từ ngữ (khái niệm, phân loại, cách dùng, ví dụ,…)

Trả lời:

- Sắc thái nghĩa của từ ngữ là phần nghĩa bổ sung cho nghĩa cơ bản, thể hiện thái độ,

cảm xúc, cách đánh giá của người dùng đối với đối tượng được nói đến.

- Có những sắc thái nghĩa cơ bản như: trang trọng – thân mật – suồng sã, tích cực – tiêu cực, tốt nghĩa – xấu nghĩa,...

- Trong giao tiếp, cần chú ý sử dụng từ ngữ có sắc thái nghĩa phù hợp để phát huy được hiệu quả biểu đạt.

- Ví dụ: “lâm chung” có sắc thái trang trọng, còn “sắp chết” có sắc thái bình thường, đôi khi là khinh mạt nếu dùng với ngườ

Câu 12: Phân biệt sắc thái nghĩa của các từ ngữ sau và cho ví dụ để làm rõ sự khác nhau về cách dùng giữa các từ ngữ đó:

  1. ngắn – cụt lủn
  2. cao – lêu nghêu

Trả lời:

  1. a) “Ngắn” có sắc thái nghĩa trung tính còn “cụt lủn” có sắc thái nghĩa suồng sã, khẩu ngữ, chê bai.

Ví dụ:

- Đó là một câu trả lời ngắn nhưng đủ ý.

- Đó là một câu trả lời cụt lủn không thể chấp nhận.

  1. b) “Cao” có sắc thái nghĩa trung tính còn “lêu nghêu” có sắc thái nghĩa chê bai (cao nhưng không đẹp)

Ví dụ:

- Anh ta là một người cao.

- Anh ta cao lêu nghêu, điều đó khiến cho anh ta mất điểm trong mắt mọi người.

Câu 13: Theo em, các từ in đậm trong các câu sau đây có thể thay thế cho nhau được không? Vì sao?

- Cuộc kháng chiến vĩ đại ấy là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

- Anh ấy có một thân hình to lớn, săn chắc.

Trả lời:

Không thể thay thế cho nhau được vì “vĩ đại” mang sắc thái tôn kính, ngưỡng mộ còn “to lớn” thiên về sắc thái trung tính.

Câu 14: Đặc điểm về niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp, đối của thể thơ thất ngôn tứ Tuyệt đường luật được thể hiện như thế nào trong bài thơ “Lai Tân”?

Trả lời:

- Nhịp của bài thơ là 4/3.

è Bài thơ đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về hình thức của thể thơ, trừ chữ thứ 6 ở câu 3 là không đúng thanh, ở đây nếu đúng thì phải là thanh trắc (T).

Câu 15: Trong văn bản “Lai Tân”, Phải chăng sau khi chê những thói xấu của ban trưởng và cảnh trưởng, tác giả muốn dành tặng lời khen cho huyện trưởng vì đã làm việc chăm chỉ? Em thử suy đoán huyện trưởng “chong đèn” để làm việc gì.

Trả lời:

- Sau khi chê những thói xấu của ban trưởng và cảnh trưởng, tác giả không hề dành tặng lời khen cho huyện trưởng mà tiếp tục chỉ trích việc làm của ông ta. Lí do: Ta thấy sự nâng lên về sức mạnh quyền lực từ câu 1 đến câu 3: ban trưởng rồi đến cảnh trưởng và cao nhất là huyện trưởng. Từ “trưởng” tiếp tục xuất hiện. Xem xét câu 4 và xu hướng của cả bài thơ thì rõ ràng ở đây, tác giả đã ngầm ẩn ý việc làm của huyện trưởng cũng sai trái, xấu xa như ban trưởng và cảnh trưởng và có thể còn hơn thế.

- Huyện trưởng “chong đèn” làm việc gì? Vì tác giả không nói rõ nên không xác định được là ông ta làm gì. Dưới đây là một số cách nghĩ:

+ Một số người cho rằng ông ta hút thuốc phiện

+ Một số lại nói ông ta chong đèn chỉ để cho có hình thức còn bản thân ông ta thì làm việc sai trái

+ Một số nghĩ rằng ông ta làm việc công theo đúng cách thức mà quan chức vẫn làm chỉ có điều là ông ta làm những việc vi phạm pháp luật chẳng hạn như đưa ra những quyết định bắt bớ, hạch sách người vô tội,…

Hãy đưa ra ý kiến theo quan điểm và cách nhìn của em.

Câu 16: Tác giả cho rằng bài thơ “Tự trào 1” của Phạm Thái sử dụng giọng điệu nào của tiếng cười trào phúng? Hãy chỉ rõ tại sao.

Trả lời:

- Sử dụng giọng điệu hài hước vì: Hai cặp câu thực và luận của bài thơ bát cú sử dụng những từ ngữ, hình ảnh đăng đối theo lối chế giễu (gầy gối hạc – béo răng nghê, màu nhem nhuốc – giọng bét be) đã dựng nên bức chân dung nhà nho tài hoa nhưng không gặp thời vận, đành tìm thú vui trong việc làm thơ, dạy trẻ, vẽ tranh, uống rượu; và chuyển hoá nỗi buồn thời thế thành ra tiếng cười hài hước tự chế nhạo lối sống coi nhẹ mọi được – mất, sinh – tử của mình.

Câu 17: Tác giả cho rằng bài thơ “Nha lệ thương dân” của Kép Trà sử dụng giọng điệu nào của tiếng cười trào phúng? Hãy chỉ rõ tại sao.

Trả lời:

- Sử dụng giọng điệu mỉa mai – châm biếm vì: Trong bài thơ thất ngôn bát cú nảy, tác giả sử dụng lối nói ngược (phản ngữ), giả như khen ngợi “nha lệ thương dân”, “dốc lòng” lo cư dân trong tình cảnh mưa lớn, vỡ đê, nước lụt, song tiếng cười mỉa mai cất lên ở bốn câu thơ thực (3 – 4) và luận (5 – 6) đã phơi bày thực chất lợi dụng thiên tai để nhũng nhiễu, bản rút dân nghèo của đám nha lệ đó. Chúng “thương dân” bằng cách “nhai tre, nhai bạc, bắt trâu, bắt bò, nuốt, no” khiến cho người dân đã nghèo đói vì thiên tại lại khổ sở thêm vì nhân hoạ.

Câu 18: Theo em, các từ in đậm trong các câu sau đây có thể thay thế cho nhau được không? Vì sao?

- Không thể thống kê chính xác số người chết trong nạn đói năm 1945.

- Người chiến sĩ ấy đã hi sinh trong một trận chiến ở biên giới phía Bắc.

- Cụ tôi đã mất cách đây năm năm.

Trả lời:

- Không thể thay thế cho nhau được vì “chết” mang sắc thái nghĩa thông thường, “hi sinh” mang sắc thái tôn kính, thường dùng cho những người chết vì đất nước, vì lí tưởng cao đẹp, “mất” là một cách nói giảm nói tránh, hàm ý thương tiếc.

- Ví dụ nếu ở câu đầu ta dùng từ “mất” thì nó sẽ không hợp với phong cách và có thể gây hiểu nhầm với “mất tích”. Nếu ở câu thứ hai mà ta dùng từ “chết” thì sẽ làm mất đi sự thể hiện cần có.

Câu 19: Tại sao người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, tên địa lí?

Trả lời:

Gợi ý: Liên hệ với tên của các bạn trong lớp hoặc của người thân bằng từ Hán Việt, tên địa lí bằng từ Hán Việt, so sánh với từ thuần Việt có nghĩa tương ứng để suy ra sắc thái biểu cảm của từ Hán Việt dùng làm tên người, tên địa lí. Sắc thái biểu cảm đó là lí do khiến người Việt Nam thích dùng từ Hán Việt để đặt tên người, tên địa lí. Ví dụ: có người đặt tên là Đại chứ ít ai có tên là To, có làng đặt tên là (làng) Phú Mĩ chứ không ai đặt tên là (làng) Giàu Đẹp.

 

Câu 20: Hãy khái quát nội dung của bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”.

Trả lời:

- Bài thơ nêu lên một bức tranh hiện thực sinh động, sắc nét, có giá trị khái quát cao về một khoa thi cuối mùa - khoa thi Đinh Dậu năm 1897, khi thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ lên đất nước ta.

- Qua khung cảnh trường thi thiếu tôn nghiêm và có phần lố bịch, ta thấy được cảnh tình đất nước: sự nhốn nháo, ô hợp, sự áp đảo của ngoại bang. (6 câu thơ đầu)

- Bài thơ cũng bộc lộ sâu sắc tâm trạng của Tú Xương trước cảnh tình đất nước lúc bấy giờ: đó là nỗi đau, nỗi nhục mất nước, căm ghét, khinh bỉ bọn thực dân xâm lược, muốn thức tỉnh lương tri, thức tỉnh tinh thần dân tộc ở mỗi người (trong toàn bài, chủ yếu ở hai câu cuối).

Câu 21: Hai câu đề bài “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” cho biết điều gì về chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX?

Trả lời:

- “Nhà nước ba năm mở một khoa”: Đây là thông lệ của kì thi Hương thời phong kiến: 3 năm một lần. Thi Hương là một khoa thi Nho học liên tỉnh ở các triều đại phong kiến nhằm tuyển chọn nhân tài, bổ nhiệm làm quan. Ta có thể thấy là hình thức thi này phù hợp với thời kì trước đây, tức là các triều đại Lí, Trần, Lê,… còn ở thời điểm trong bài là thời nhà Nguyễn, quan trọng hơn nữa, đây là thời điểm nước ta trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến, hình thức thi kiểu này rõ ràng không còn phù hợp với thời cuộc. Lưu ý rằng đây chỉ là cách nhìn của ta ở thời điểm hiện tại, còn đối với nhà thơ Tú Xương, có thể câu này chỉ là một câu để mở vào bài, không có hàm ý gì ở đây.

- “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”: Từ năm 1831, ngoài Bắc có hai trường thi ở Nam Định và Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp chiếm được đất Bắc thì các sĩ tử phải vào trong để thi. Từ năm 1886, hai trường này gộp lại thi chung tại Nam Định, lấy tên là trường Hà Nam. Từ “lẫn” được tác giả dùng với ý chê bai, khinh rẻ triều đình, cái “nhà nước” mà giờ đây chỉ còn là bù nhìn của Pháp, không còn năng lực, không còn khả năng bảo vệ được đất nước.

è Nói chung, ta có thể thấy là chế độ thi cử ở nước ta cuối thế kỉ XIX đã cổ hủ và đi đến giai đoạn suy tàn.

Câu 22: Trong “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” nhắc đến “nhân tài đất Bắc”, tác giả muốn ám chỉ những đối tượng nào? Em cảm nhận được thái độ gì của tác giả qua lời nhắn nhủ ấy?

Trả lời:

- Hãy trả lời câu hỏi này dựa trên quan điểm, suy nghĩ của em.

- Nhắc đến “nhân tài đất Bắc”, tác giả có thể muốn ám chỉ đến những con người tài giỏi ở miền Bắc, nơi đã có hàng ngàn năm lịch sử vẻ vang hay tầng lớp trí thức, những sĩ tử hay những con người muốn đóng góp cho nước nhà hoặc có thể là chính tác giả,…

- Hai câu thơ cuối cho ta thấy được nỗi đau xót, tủi nhục trước tình cảnh nước nhà của tác giả đồng thời thể hiện mong muốn thức tỉnh mọi người, đặc biệt là người tài, để chấm dứt cái cảnh tồi tàn này.

Câu 23: Vận dụng tri thức từ văn bản, em hãy cho biết bài thơ “Lai Tân” sử dụng (những) giọng điệu nào của tiếng cười trào phúng?

Trả lời:

- Các giọng điệu mà tác giả đề cập đến có những tương đồng nhất định nên hãy trả lời dựa theo cảm nhận và đánh giá của em.

- Bài thơ “Lai Tân” của Hồ Chí Minh sử dụng giọng điệu mỉa mai – châm biếm. Giọng điệu này thể hiện đôi chút ở câu 3 và thể hiện rất rõ nét ở câu cuối “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. Đây là kiểu “chế nhạo ngầm, đeo mặt nạ nghiêm trang”: khen để mà chê, khẳng định để mà phủ định. Câu thơ tuy giọng điệu có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực tế lại có tính chỉ trích, chế giễu sâu cay chính quyền Lai Tân.

Câu 24: Hãy chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của các giọng điệu trào phúng mà tác giả đề cập trong văn bản “Một số giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng”.

Trả lời:

- Điểm chung giữa các giọng điệu này là đều đưa ra những vấn đề xấu, những vô lí, bất cập,…

- Điểm khác là ở mức độ tiếng cười, mức độ chỉ trích,… Ví dụ như hài hước thì là cách đùa cượt nhẹ nhàng, mỉa mai – châm biếm thì thể hiện theo đúng cái tên của nó, có tính phê phán mạnh mẽ hơn, có tính hàm ý còn đả kích thì có sự phản ánh kịch liệt, trực tiếp hơn, thể hiện mức độ khó chịu, bất mãn cao của tác giả.

Câu 25: Hãy so sánh tính chất trào phúng trong hai bài thơ “Vịnh khoa thi Hương” và “Lai Tân”.

Trả lời:

- Giống nhau: Cả hai bài thơ đều có những đoạn nêu ra tình trạng suy đồi, mục nát, không thể chấp nhận được: 4 câu giữa trong “Vịnh khoa thi Hương” và 3 câu đầu trong “Lai Tân”.

- Khác nhau: 2 câu cuối trong “Vịnh khoa thi Hương” ít tính chất mỉa mai, châm biếm mà thiên về thể hiện cảm xúc đau xót của tác giả trong khi câu cuối ở bài “Lai Tân” kết hợp với phần trên tạo ra tính chất trào phúng mạnh mẽ hơn.

Câu 26: Nhận xét về việc dùng các từ Hán Việt (in đậm) trong những câu sau:

- Em đi xa nhớ bảo vệ sức khoẻ nhé!

- Đồ vật làm bằng gỗ tốt thì sử dụng được lâu dài. Còn những đồ làm bằng gỗ xấu dù làm rất cầu kì, mĩ lệ thì cũng chỉ dùng được trong một thời gian ngắn.

Trả lời:

- Các từ Hán Việt này không phù hợp để dùng trong những trường trên. Ta cần những từ có sắc thái nghĩa phù hợp hơn, đó là những từ thuần Việt. Từ “bảo vệ” nên được thay thế bằng từ “giữ gìn”, từ “mĩ lệ” thay bằng từ “đẹp mắt”.

 

Câu 27: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Huống chi ta cùng các người sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi tai vạ về sau?

  1. Tìm trong đoạn trích năm từ Hán Việt và giải nghĩa các từ đó.
  2. Đặt một câu với mỗi từ Hán Việt tìm được.

Trả lời:

Một số từ Hán Việt trong đoạn trích:

- Huống chi: (liên từ) tổ hợp biểu thị ý với đối tượng sắp nêu thì việc đang nói đến càng có khả năng xảy ra, nó là tất yếu.

Đặt câu: Người dưng còn giúp được huống chi bạn bè.

- Loạn lạc: tình trạng xã hội lộn xộn, không còn có trật tự, an ninh do có loạn.

Đặt câu: Các tinh binh được vu cử đi dẹp loạn lạc ở phương Bắc.

- Gian nan: có nhiều khó khăn gian khổ phải vượt qua.

Đặt câu: Tình cảnh gian nan đã khiến nhiều người nản chí.

- Triều đình: nơi các quan vào chầu vua và bàn việc nước; thường dùng để chỉ cơ quan trung ương, do vua trực tiếp đứng đầu, của nhà nước quân chủ.

Đặt câu: Triều đình nhà Nguyễn đã nhiều lần nhượng bộ thực dân Pháp.

- Tai vạ: điều không may lớn phải gánh chịu một cách oan uổng.

Đặt câu: Anh nên làm ăn cẩn thận, tránh gây tai vạ về sau.

Câu 28: Giải nghĩa các thành ngữ có yếu tố Hán Việt sau và đặt câu với mỗi thành ngữ:

  1. đồng sàng dị mộng
  2. chúng khẩu đồng từ
  3. độc nhất vô nhị

Trả lời:

  1. a) Đồng sàng dị mộng nghĩa là cùng nằm một giường mà có những giấc mơ khác nhau; ví cảnh cùng chung sống với nhau, có quan hệ bên ngoài gắn bó, nhưng tâm tư, tình cảm, chí hướng khác nhau (thường nói về vợ chồng).

Ví dụ:

- Vợ chồng bọn họ đúng là đồng sàng dị mộng, không đồng lòng với nhau, xem ra rất khó sống cùng nhau đến cuối đời.

- Đồng sàng dị mộng nhưng mọi người đều không biết, ngồi cùng nhau vấn cảnh cuối cùng ai đúng. (Tiền Khiêm Ích thời nhà Thanh trong tác phẩm “Ngọc xuyên tử ca”.)

  1. b) Chúng khẩu đồng từ nghĩa là tất cả đều cùng nói một lời, một ý. Ví dụ: Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết.
  2. c) Độc nhất vô nhị chỉ một thứ gì, một điều gì đó là duy nhất, rất nhiếm, không có nhiều. Ví dụ: ABC là một món bảo vật độc nhất vô nhị, chúng ta không thể để nó rơi vào tay người khác.

Câu 29: Trong “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”, Tiếng cười trào phúng được thể hiện như thế nào qua việc đặc tả, nhấn mạnh hai hình ảnh mang tính chất “ngoại lai” là quan sứ và mụ đầm?

Trả lời:

- Thi Hương là một khoa thi Nho học truyền thống nên ngay bản thân việc có sự xuất hiện của người nước ngoài đã là không phù hợp. Đã vậy nhưng thế lực ngoại bang này còn áp đảo hoàn toàn người Việt, thể hiện qua hình ảnh “cờ kéo rợp trời”, “váy lê quét đất”. Thực dân Pháp áp đặt được ách đô hộ lên nước ta, triều đình nhà Nguyễn chỉ còn là tay sai vì thế mà “quan sứ”, “mụ đầm” được trọng vọng hơn cả.

- Hình ảnh “cờ kéo rợp trời”, “váy lê quét đất” của quan sứ và mụ đầm đầy vẻ phô trương, hình thức, không đúng lễ nghi của một kì thi. Đối với một nhà nho có lòng tự trọng, tha thiết với truyền thống dân tộc thì những điều này thật sự không thể chấp nhận nổi.

- Phép đối được thể hiện chặt chẽ (cờ kéo rợp trời – váy lê quét đất, quan sứ đến – mụ đầm ra) cùng với cách nói giễu cợt “mụ đầm” càng nhấn mạnh sa sút về chất lượng, sự tuỳ tiện vô lối của kì thi.

è Nói chung, tiếng cười trào phúng ở hình ảnh mang tính chất “ngoại lai” này thể hiện ở cách tác giả châm biếm, chế giễu sự thiếu tôn nghiêm, lố bịch, đạp lên những chuẩn mực.

Câu 30: Hãy nêu những điểm đặc sắc trong bài thơ “Lai Tân”.

Trả lời:

Một số điểm hay trong bài thơ mà em có thể chỉ ra:

- Sự tăng tiến về quyền lực, chức vị: quản ngục > cảnh sát > quan huyện

- Sự thối nát đi từ lộ rõ (các việc làm sai trái ở hai câu đầu) đến ẩn ý (ở hai câu sau, bản thân sự hàm ý cũng tăng lên ở câu cuối) nhưng thực chất lại càng phô bày mạnh mẽ cái xã hội không thể chấp nhận được.

- Tính chất trào phùng trong bài thơ, nhất là câu cuối.

- Sự chọn lựa những hình ảnh, nhân vật có sức phản ánh cao.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay