Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 4: Tiếng cười trào phúng trong thơ (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 4: Tiếng cười trào phúng trong thơ (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 kết nối tri thức

ÔN TẬP BÀI 4. TIẾNG CƯỜI TRÀO PHÚNG TRONG THƠ (PHẦN 2)

Câu 1: Điền các từ Hán Việt thích hợp vào chỗ trống:

  1. gặp gỡ, yết kiến

- Tôi… cô ấy trên một chuyến tàu về Hà Nội.

- Vua sai người đưa cậu bé vào… .

  1. hy sinh, mất

- Ông ấy… đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chúng tôi.

- Các chiến sĩ đã… trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

  1. bênh vực, bão chữa

- Luật sư đang… cho bị cáo tại phiên tòa.

- Khi tôi bị mọi người đổ oan, cậu ấy đã… cho tôi.

  1. anh em, huynh đệ

- … nào phải người xa,

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

- … tương tàn.

Trả lời:

  1. gặp gỡ, yết kiến

- Tôi gặp gỡ cô ấy trên một chuyến tàu về Hà Nội.

- Vua sai người đưa cậu bé vào yết kiến.

  1. hy sinh, mất

- Ông ấy mất đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chúng tôi.

- Các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

  1. bênh vực, bão chữa

- Luật sư đang bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa.

- Khi tôi bị mọi người đổ oan, cậu ấy đã bênh vực cho tôi.

  1. anh em, huynh đệ

- Anh em nào phải người xa,

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

- Huynh đệ tương tàn

Câu 2: Giải thích nghĩa của các từ Hán Việt được in đậm trong các câu sau:

  1. Thuở nhỏ, thầy Mạnh Tử tuy thông minh, tư chấthơn người nhưng lại ham chơi, một lần do ham chơi mà thầy trốn học.
  2. Người quân tử học để thành danh, thỉnh giáongười khác là để làm tăng thêm tri thức.
  3. Thứ nhất, dù trẻ em còn non nớt thì mỗi đứa trẻ đều có quan điểmriêng về thế giới, đều có những ý kiến riêng đáng được tôn trọng.
  4. Tiếng nói của Ma-la-la đã tạo ra nhiều thay đổi tích cựctại quê hương cô.

Trả lời:

Giải thích ý nghĩa các từ Hán Việt được in đậm:

Thông minh: có năng lực trí tuệ tốt, hiểu nhanh, tiếp thu nhanh.

- Tư chất: tính chất vốn có của một người.

Thành danh: dựng nên tên tuổi.

Thỉnh giáo: xin người ta dạy bảo.

Tri thức: những điều người ta vì kinh nghiệm và học tập mà biết, hay vì lí trí và cảm xúc mà biết.

- Quan điểm: điểm xuất phát quy định hướng suy nghĩ, cách xem xét, đánh giá về một sự vật, sự việc nào đó.

- Thế giới: Trái Đất, bề mặt là nơi toàn thể loài người đang sinh sống.

Tôn trọng: tỏ thái độ đánh giá cao và cho là không được vi phạm hoặc xúc phạm đến.

- Tích cực: tỏ ra chủ động, có những hoạt động tạo ra sự biến động theo hướng phát triển.

 

Câu 3: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Lai Tân” (tác giả, thể loại, nội dung, hoàn cảnh sáng tác,…)

Trả lời:

- Tác giả: Hồ Chí Minh

- Thể loại: thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

- Nội dung, hoàn cảnh ra đời: Trong cảnh tù đày, Hồ Chí Minh đã chứng kiến bao sự thật về xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Lai Tân là nơi mà Người đã trải qua trên con đường từ Thiên Giang đến Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây. Bài thơ mang tên địa danh nay là bài thứ 97 trong số 134 bài thơ của tập “Nhật kí trong tù”, nó cho thấy hiện trạng đen tối, thối nát của một xã hội tưởng là yên ấm, tốt lành.

Câu 4: Hãy chọn và giải nghĩa một số yếu tố Hán Việt trong bài thơ “Lai Tân”.

Trả lời:

Ví dụ:

- giam: nhà giam

- thiên: ngày

- đổ: cờ bạc

- thôn: nuốt, chiếm đoạt

- đăng: đèn

Câu 5: Bài thơ “Lai Tân” thuộc thể thơ nào? Nêu những dấu hiệu giúp em nhận biết được điều đó?

Trả lời:

- Bài thơ “Lai Tân” thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Những dấu hiệu nhận diện: có 4 câu thơ, mỗi câu có 7 tiếng, niêm và luật bằng trắc đa phần được đảm bảo,…

Câu 6: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Một số giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Trần Thị Hoa Lê

- Thể loại: văn bản thông tin

- Nội dung: Văn bản đề cập đến các giọng điệu phổ biến trong thơ trào phúng: hài hước, mỉa mai – châm biếm, đả kích (có đặc điểm và ví dụ cụ thể).

Câu 7: Đối tượng miêu tả, thể hiện của văn học trào phúng là gì? Văn bản đã nêu những đối tượng cụ thể nào mà tiếng cười trào phúng thướng nhắm tới?

Trả lời:

- Đối tượng miêu tả, thể hiện của văn học trào phúng là sự bất toàn của con người, cuộc sống.

- Văn bản đã nêu ra những đối tượng cụ thể mà tiếng cười trào phùng nhắm tới là:

+ Tự chỉ trích mình đáng cười, vô tích sự (dẫn chứng là bài thơ “Tự trào 1” của Phạm Thái)

+ Tình huống trớ trêu của quan lại (dẫn chứng là bài thơ “Hỏi thăm quan tuần mất cướp” của Nguyễn Khuyến)

+ Cái khổ lại càng thêm khổ bởi sự tàn bạo, tham lam của chính quyền (dẫn chứng là bài thơ “Nha lệ thương dân” của Kép Trà)

+ Sự tha hoá đạo đức trong xã hội (dẫn chứng là bài thơ “Đất Vị Hoàng” của Trần Tế Xương)

Câu 8: Tác giả cho rằng bài thơ “Hỏi thăm quan tuần mất cướp” của Nguyễn Khuyến sử dụng giọng điệu nào của tiếng cười trào phúng? Hãy chỉ rõ tại sao.

Trả lời:

- Sử dụng giọng điệu mỉa mai – châm biếm vì: Nguyễn Khuyến đã châm biếm về tình huống trớ trêu của “quan tuần” mất cướp. Quan tuần phủ đứng đầu một tỉnh (nhỏ) – người lẽ ra phải trị được quân trộm cướp thì lại bị kẻ cướp “lèn” cho một vố rõ đau. Tình huống mỉa mai “quan tuần mất cướp” đã cho thấy sự bất lực, đáng thương và đáng cười của ông quan này.

Câu 9: Tác giả cho rằng bài thơ “Đất Vị Hoàng” của Trần Tế Xương sử dụng giọng điệu nào của tiếng cười trào phúng? Hãy chỉ rõ tại sao.

Trả lời:

- Sử dụng giọng điệu đả kích vì: Bài thơ có lối kết cấu thủ vĩ ngâm, câu đầu, câu cuối hoàn toàn giống nhau, tạo nên cảm giác về một vòng xoay bế tắc, luẩn quẩn của xã hội giao thời cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Dưới cái nhìn của nhà thơ trào phúng, tâm điểm “vòng xoay bế tắc” đó chính là tỉnh trạng đạo đúc gia đình và xã hội xuống cấp nghiêm trọng: gia đình thì mất tôn ti trật tự, người trên hư hỏng, người dưới hỗn hảo, thiếu tôn trọng lẫn nhau (con khinh bố, vợ chửi chồng); xã hội thì đẩy rẫy những thói keo kiệt, tham lam, chạy theo đồng tiền (người đâu như cứt sắt, chuyện thở vặt hơi đồng).

Câu 10: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Trần Tế Xương.

Trả lời:

- Trần Tế Xương (1870 – 1907) quê ở Nam Định, là người có tài nhưng lận đận thi cử, đỗ Tú tài nên thường được gọi là Tú Xương.

- Trần Tế Xương sáng tác nhiều thơ Nôm.

- Thơ của ông đậm chất trữ tình và chất trào phúng, phản ánh rõ nét bức tranh hiện thực của xã hội thuộc địa nửa phong kiến nước ta cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

- Một số bài thơ Nôm tiêu biểu của Trần Tế Xương: Năm mới chúc nhau, Thương vợ, Áo bông che bạn, Sông Lấp,…

Câu 11: Đặc điểm về niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp và đối của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện như thế nào trong bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”?

Trả lời:

- Nhịp của bài thơ là 4/3.

è Bài thơ đảm bảo được những yêu cầu hình thức của thể thơ này.

Câu 12: Hãy chỉ ra những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu”.

Trả lời:

Bài thơ Nôm Đường luật này thể hiện khá rõ những đặc sắc trong nghệ thuật của thơ Tú Xương:

- Sự kết hợp hài hòa bút pháp nghệ thuật trào phúng và bút pháp trữ tình

- Cách chọn những chi tiết điển hình hàm chứa ý nghĩa: “sĩ tử đeo lọ lôi thôi, quan trường thét loa ậm ọe”: những chi tiết châm biếm sâu cay.

- “Cờ” che đầu quan sứ đối với “váy” quét đất của bà đầm: Thơ Đường luật đã được Việt hóa đến mức thuần thục, tự nhiên như thơ dân tộc.

Câu 13: Nhóm từ Hán Việt thường có sắc thái nghĩa như thế nào? Sắc thái nghĩa của những từ đó giống hay khác với những từ có nghĩa tương đồng trong tiếng Việt? Hãy lấy ví dụ.

Trả lời:

Nhóm từ Hán Việt thường có sắc thái nghĩa cổ kính, trang trọng hoặc khái quát, trừu tượng, khác hẳn với những từ có nghĩa tương đồng trong tiếng Việt.

- Sắc thái cổ kính, ví dụ: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” (Huy Cận, Tràng giang). Nếu thay “tràng giang” bằng sông dài thì câu thơ của Huy Cận sẽ mất đi sắc thái này.

- Sắc thái trang trọng, ví dụ: “Hôm nay, phu nhân Thủ tướng đến thăm các cháu ở nhà trẻ Hoa Hồng”. Cách dùng từ “phu nhân” (thay vì dùng từ “vợ”) phù hợp với vị thế của người được nói đến.

- Sắc thái khái quát, trừu tượng, ví dụ: “Các phụ huynh rất mong được biết kết quả học tập, rèn luyện của con em mình”. Từ “phụ huynh” không thể thay thế bằng từ “cha anh”.

Câu 14: Phân biệt sắc thái nghĩa của các từ ngữ sau và cho ví dụ để làm rõ sự khác nhau về cách dùng giữa các từ ngữ đó:

  1. lên tiếng – cao giọng
  2. chậm rãi – chậm chạp

Trả lời:

  1. a) “Lên tiếng” mang sắc thái nghĩa trang trọng còn “cao giọng” mang sắc thái nghĩa tiêu cực, chê bai

Ví dụ:

- Ngay sau khi biết được sự việc, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bảo vệ anh.

- Thấy cô gái không làm được theo yêu cầu của mình, anh ta cao giọng quát tháo.

  1. b) “Chậm rãi” mang sắc thái nghĩa tích cực (chậm là tốt) còn “chậm chạp” mang sắc thái nghĩa tiêu cực (chậm là không được).

- Hãy cứ làm chậm rãi, không phải vội vàng vì cái này cần phải làm cẩn thận.

- Sao làm chậm chạp thế, làm thế này thì bao giờ mới xong?

Câu 15: Hãy lựa chọn từ phù hợp để điền vào chỗ trống.

  1. thân mẫu, mẹ

(1) Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa … như nước trong nguồn chảy ra.

(2) Nhà máy dệt kim Vinh mang tên Hoàng Thị Loan - … Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  1. tuyệt mĩ, rất đẹp

(1) Có một cái cốc … được bày bán ở gian hàng bên đó.

(2) Trong bảo tàng mĩ thuật này trưng bày nhiều bức hoạ …

  1. giáo huấn, dạy bảo

(1) Mọi cán bộ đều phải thực hiện lời … của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

(2) Con cái cần phải nghe lời … của cha mẹ.

Trả lời:

  1. a) (1): mẹ; (2): thân mẫu
  2. b) (1): rất đẹp; (2): tuyệt mĩ
  3. c) (1): giáo huấn; (2): dạy bảo

Câu 16: Đọc đoạn văn sau đây trong “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ”, tìm những từ ngữ Hán Việt góp phần tạo sắc thái cổ xưa.

Lúc bấy giờ Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải. Mấy lần Đà đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần, quân Nam Hải bị giết hại rất nhiều, nên Đà đành cố thủ đợi cơ hội khác. Triệu Đà thấy dùng binh không lợi, bèn xin giảng hoà với An Dương Vương, và sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân, nhưng chú ý tìm cách phá chiếc nỏ thần.

Trong những ngày đi lại để kết tình hoà hiếu, Trọng Thuỷ gặp được Mị Châu, một thiếu nữ mày ngài mắt phượng, nhan sắc tuyệt trần, con gái yêu của An Dương Vương.

Trả lời:

Các từ ngữ “giảng hoà, cầu thân, hoà hiếu, nhan sắc tuyệt trần” góp phần tạo sắc thái cổ xưa.

Câu 17: Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” là gì?

Trả lời:

- Cảm xúc chủ đạo của tác giả trong bài thơ là sự châm biếm, chế giếu, phê phán những thứ chẳng ra thể thống gì, những thứ vô văn hoá đồng thời là sự đau xót, chua cay trước tình cảnh suy yếu của nước nhà.

Câu 18: Bố cục bài thơ “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” gồm mấy phần? Đó là những phần nào?

Trả lời:

- Bài thơ này được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nên có thể chia bài thơ theo mô hình “Đề - thực – luận – kết” hoặc mô hình 6/2.

- Bố cục 6/2:

+ 6 câu đầu: tình trạng của kì thi

+ 2 câu cuối: tâm trạng của nhà thơ

Câu 19: Trong các giọng điệu của tiếng cười ở thơ trào phúng mà văn bản “Một số giọng điệu của tiếng cười trong thơ trào phúng” đề cập, em cảm thấy thích thú với giọng điệu nào? Vì sao?

Trả lời:

- Hãy trả lời tuỳ thuộc vào cảm nhận của em.

- Tham khảo: Em thấy thích thú nhất với giọng điệu “mỉa mai – châm biếm” vì nó tạo ra tiếng cười trào phúng mạnh mẽ. Bài thơ được làm với giọng điệu này thường có đủ mọi yếu tố: vừa nêu ra được cái xấu, vừa chỉ trích thậm tệ được cái xấu đó thông qua cách nói hàm ý, tạo nên tiếng cười sâu sắc, gây ấn tượng với người đọc

Câu 20: Vận dụng tri thức từ văn bản, em hãy cho biết bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống” (Hồ Xuân Hương) sử dụng (những) giọng điệu nào của tiếng cười trào phúng?

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,

Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.

Ví đây đổi phận làm trai được,

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.

Trả lời:

- Các giọng điệu mà tác giả đề cập đến có những tương đồng nhất định nên hãy trả lời dựa theo cảm nhận và đánh giá của em.

- Bài thơ sử dụng giọng điệu hài hước. Các từ ngữ như “ghé mắt”, “trông ngang”, “kìa”, “cheo leo” thể hiện sự khinh bỉ, giễu cợt một tên tướng bại trận mà còn được lập đền thờ.

Câu 21: Vận dụng tri thức từ văn bản, em hãy cho biết bài thơ “Vịnh khoa thi Hương” sử dụng (những) giọng điệu nào của tiếng cười trào phúng?

Trả lời:

- Các giọng điệu mà tác giả đề cập đến có những tương đồng nhất định nên hãy trả lời dựa theo cảm nhận và đánh giá của em.

- Bài thơ “Vịnh khoa thi Hương” của Trần Tế Xương sử dụng chủ yếu là giọng điệu hài hước vì trong bài thơ, đặc biệt là 4 câu thực – luận, tác giả đã phô bày sự suy đồi, sự vô phép tắc của khoa thi. Ngoài ra, bài thơ cũng có phần mỉa mai, châm biếm chính quyền nhà Nguyễn yếu kém, nước nhà suy vong.

Câu 22: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) làm rõ chất trào phúng nhẹ nhàng mà sâu cay của bài thơ qua lời nhận xét: “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”.

Trả lời:

Đoạn của em cần đảm bảo được những ý sau:

- Thứ nhất là khái quát được nội dung 3 câu đầu. Vì tính chất trào phúng ở câu cuối chỉ nhẹ nhàng và sau cay khi kết hợp với các câu trên.

- Chỉ ra rằng câu cuối tưởng như là mâu thuẫn nhưng thức tế là mỉa mai, châm trích mạnh mẽ sự thối nát của chính quyền Lai Tân.

- Nhận xét về cách sử dụng từ ngữ (nếu có thể).

Đoạn văn tham khảo:

Chỉ cần lướt qua ba câu thơ đầu của “Lai Tân”, người đọc đã có thể thấy đó như một thước phim mà tác giả đang cố tái hiện lại một cách chân thực. Thước phim này chiếu lại một bộ máy cai trị ở Lai Tân gồm “ban trưởng”, “cảnh trưởng”, “huyện trưởng” với những việc làm xem ra là bình thường trong cái xã hội bấy giờ. Bình thường đến mức tầm thường! Thực tế là vậy. Một điều minh nhiên rằng cái xã hội đó sẽ không “thái bình”. Nhưng đến câu cuối bài thơ, với tất cả những sự việc như thế mà tác giả lại kết luận rằng:

“Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”

Dường như là dửng dưng và vô cùng nghịch lý. Tuy là thế nhưng tác giả đã đả kích một cách nhẹ nhàng nhưng lại thấm thía. Nhãn tự “thái bình” đồng thời vừa vạch ra một nghịch lý, vừa vẽ ra một hợp lý mang “phong cách” Tưởng Giới Thạch. Phải chăng “thái bình” là do được sự đồng lòng nhất quán từ “cảnh trưởng”, “ban trưởng” đến “huyện trưởng”. Tất cả đều như nhau, cũng thối nát, mục rữa. Lại thêm với nhãn tự “thái bình”, tác giả dường như đang khẳng định rằng tình trạng của chế độ thống trị xã hội Trung Quốc bấy giờ vẫn xảy ra bình thường, không có gì phải lạ cả, thậm chí điều đó gần như là bản chất của guồng máy cai trị ở đây. Chỉ cần như thế thôi, tác giả đã mỉa mai châm biếm cái xã hội dưới thời Tưởng Giới Thạch đó một cách sâu sắc đến vậy. Sâu sắc là bởi thi nhân đã nhìn thấy vào trong cái sự thật đã được che đậy bằng bề mặt giả tạo của bộ máy cai trị này.

Câu 23: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Vua truyền cho hai chú cháu đứng dậy, và nói tiếp:

- Việc nước đã có người lớn lo. Hoài Văn Hầu nên về quê để phu nhân có người sớm hôm trông cậy. Đế vương lấy hiếu trị thiên hạ, em ta không nên sao những phận làm con.

Vừa lúc ấy, một người nội thị bưng một mâm cỗ đi qua. Thiệu Bảo cầm lấy một quả cam sành chín mọng trên mâm, bảo một nội thị đưa cho Hoài Văn.

  1. Tìm từ ngữ đồng nghĩa với mỗi từ in đậm trong đoạn trích trên.
  2. Việc sử dụng các từ in đậm đó đã đem lại sắc thái gì cho lời văn?

Trả lời:

  1. a) – Phu nhân: vợ (xét theo truyện thì “phu nhân” ở đây chỉ mẹ của Hoài Văn)

- Đế vương: vua

- Thiên hạ: nước (nhà)

- Nội thị: người hầu

  1. b) Việc sử dụng các từ ngữ in đậm đó mang lại sắc thái cổ xưa, trang trọng cho lời văn.

Câu 24: Xếp các từ ngữ có chứa yếu tố “giai” sau thành từng nhóm có yếu tố Hán Việt cùng nghĩa và giải nghĩa yếu tố Hán Việt đó.

“giai cấp, giai điệu, giai nhân, giai phẩm, giai thoại, giai đoạn, bách niên giai lão”

Trả lời:

- Giai với nghĩa là cùng, đều: giai cấp, bách niên giai lão

- Giai với nghĩa là tốt, đẹp: giai điệu, giai nhân, giai phẩm

- Giai với nghĩa về thời gian: giai thoại, giai đoạn

Câu 25: Hãy viết một đoạn văn khoảng 10 đến 15 dòng về một chủ đề bất kì có chứa từ / yếu tố Hán Việt. Hãy chỉ ra các từ / yếu tố Hán Việt trong đó.

Trả lời:

Gợi ý: Từ Hán Việt được sử dụng rất phổ biến trong khi nói, viết tiếng Việt vậy nên việc viết một đoạn văn có chứa từ / yếu tố Hán Việt là điều rất dễ dàng. Cái khó ở đây là chỉ ra các từ / yếu tố Hán Việt vì chúng ta rất dễ nhầm giữa từ gốc Hán và từ thuần Việt. Hãy hỏi thầy cô hoặc tra từ điển để xác định.

Câu 26: Khi sử dụng từ Hán Việt, ta cần lưu ý hiện tượng đồng âm: các yếu tố Hán Việt cùng âm, nhưng nghĩa khác xa nhau và không có liên quan với nhau. Hãy chứng minh điều đó với yếu tố “giới”.

Trả lời:

Có nhiều yếu tố “giới” cùng âm nhưng nghĩa khác xa nhau và không có liên quan với nhau:

- Giới1, với nghĩa là “cõi, nơi tiếp giáp” trong các từ như: giới hạn, giới thuyết, giới tuyến, biên giới, địa giới, giáp giới, hạ giới, phân giới, ranh giới, thế giới, thượng giới, tiên giới.

- Giới2, với nghĩa “răn, kiêng” trong các từ như: giới nghiêm, cảnh giới, phạm giới, thụ giới.

- Giới3, với nghĩa “ở giữa, làm trung gian" trong các từ như: giới thiệu, môi giới.

- Giới4, với nghĩa “đồ kim khí, vũ khí” trong các từ như: cơ giới, cơ giới hoá, binh giới, khí giới, quân giới.

- Giới5, với nghĩa chỉ một loài cây: kinh giới.

Câu 27: Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong cách diễn đạt “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” và “Ậm oẹ quan trường miệng thét loa”? Nêu rõ tác dụng của biện pháp tu từ đó trong việc tái hiện hình ảnh các sĩ tử và quan viên người Việt.

Trả lời:

- Trong 2 câu này tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ: “lôi thôi” và “ậm oẹ” được đảo lên đầu.

- Phép tu từ đảo ngữ trong các diễn đạt này đã thực sự làm nổi bật hình ảnh các sĩ tử và quan viên người Việt ở khoa thi đồng thời thể hiện sự chê bai, châm biếm của tác giả:

+ “Lôi thôi”: Ở đây, ta cần hiểu là đối với một kì thi tầm cỡ như thế này thì các sĩ tử khi đi thi phải ăn mặc trang nghiệm, lịch sử, ra dáng con nhà có học nhưng ở đây họ lại ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, không phù hợp.

+ “Ậm oẹ”: ậm oẹ chỉ việc nói không rõ, không liền mạch. Ở đây, ta cần hiểu là các quan viên, mà ở đây với tính chất là một kỳ thi lớn, thì họ phải thực sự có phong thái của một người làm quan, phải ăn to nói lớn, có khả năng nói trước đám đông, ngôn từ chuẩn mực. Tuy nhiên, ở kì thi này, các quan viên chỉ có thể “thét loa ậm oẹ”, thể hiện sự yếu kém, suy đồi của hệ thống quan lại. Những tên quan này không phải là những quan chức thực sự, vì dân vì nước mà chúng chỉ giỏi doạ nạt, ức hiếp dân chúng.

Câu 28: Các nhân vật trong bài thơ “Lai Tân” thuộc thành phần nào trong xã hội? Hãy làm rõ dụng ý của tác giả khi nhằm vào nhóm đối tượng này.

Trả lời:

- Các nhân vật trong bài thơ (ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng) đều là những người có quyền lực, thuộc thành phần quan chức quản lí xã hội.

- Tác giả nhằm vào nhóm đối tượng này với dụng ý là phô bày mạnh mẽ sự thối nát ở chính quyền, xã hội đất Lai Tân, Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Hãy chú ý đến từ “trưởng”: tác giả muốn chỉ thẳng vào những người đứng đầu.

Câu 29: Hãy nhận xét về những việc thường làm của ban trưởng và cảnh trưởng trong hai câu đầu “Lai tân”

Trả lời:

- Việc thường làm của ban trưởng là đánh bạc, của cảnh trưởng là ăn tiền phạm nhân bị áp giải. Ta thấy rằng đây là những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.

- Đối với ban trưởng, cảnh trưởng, nhiệm vụ của họ phải là giữ gìn trật tự an ninh, thực thi công lí nhưng ở đây thì hoàn toàn ngược lại.

- Chú ý đến chữ “trưởng”: tác giả muốn nhấn mạnh vào cấp bậc của những con người này, nhận mạnh vào việc không phải chỉ những tên cấp dưới mới làm những việc sai trái này mà đến cả người đứng đầu cũng vậy.

è Hai câu thơ phần nào tái hiện cảnh thối nát của chính quyền ở Lai Tân. Những người nắm quyền không lo trị an, bảo vệ dân chúng mà chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền, thu lợi cho bản thân.

Câu 30: Theo em, nội dung câu kết “Lai tân” có mâu thuẫn với nội dung của các câu thơ trước không? Vì sao?

Trả lời:

- Nội dung câu kết không hề mâu thuẫn với nội dung của các câu thơ trước đó.

- Tiếng cười trào phúng của bài thơ được thể hiện rõ nét qua câu thơ này: Lai Tân vẫn thái bình như xưa.

- Ở đây ta có thể hiểu là những việc làm sai trái, phá hoại cuộc sống đó của chính quyền nơi đây đã diễn ra trong thời gian dài và cách thức đó vẫn duy trì Lai Tân “được thái bình”.

è Nói chung câu thơ cuối là một sự mỉa mai, chế nhạo đặc sắc của tác giả đối với chính quyền ở Lai Tân. Câu thơ cuối không mâu thuẫn với các câu trên mà càng lột tả, nhấn mạnh thêm tình trạng đã nói.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay