Bài tập file word Sinh học 8 cánh diều Bài 42: Cân bằng tự nhiên và bảo vệ môi trường

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 8 (Sinh học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 42: Cân bằng tự nhiên và bảo vệ môi trường. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 8 CD.

Xem: => Giáo án sinh học 8 cánh diều

BÀI 42. CÂN BẰNG TỰ NHIÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

(18 CÂU)

1. NHẬN BIẾT (6 CÂU)

Câu 1. Nêu khái niệm cân bằng tự nhiên? Trình bày nguyên nhân gây mất cân bằng tự nhiên?

Trả lời:

- Cân bằng tự nhiên là trạng thái ổn định tự nhiên của quần thể, quần xã, hệ sinh thái hướng tới sự thích nghi của quần xã với điều kiện sống.

- Nguyên nhân gây mất cân bằng tự nhiên:

  • Do quá trình hoạt động của núi lửa, động đất, hạn hán, khí hậu thay đổi đột ngột,...;
  • Các hoạt động của con người như tiêu diệt các loài sinh vật, du nhập vào hệ sinh thái các laofi sinh vật lạ.
  • Ô nhiễm môi trường sống, làm tăng đột ngột số lượng cá thể một loài…

Câu 2. Trình bày một số biện pháp bảo vệ, duy trì cân bằng tự nhiên?

Trả lời:

Một số biện pháp bảo vệ, duy trì cân bằng tự nhiên:

  • Bảo vệ đa dạng sinh học
  • Kiểm soát việc du nhập các loài sinh vật ngoại lai
  • Giảm thiểu các nguồn chất thải gây ô nhiễm…

Câu 3. Kể tên một số loại động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam? Đưa ra biện pháp để bảo vệ động vật hoang dã.

Trả lời:

- Một số loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam: voi, tê giác, sếu đầu đỏ, các loại linh trưởng, báo hoa mai, vượn đen má vàng, chà vá chân xám, voọc bạc, gấu ngựa…

- Biện pháp bảo vệ động vật hoang dã:

+ Xây dựng hành động kế hoạch quốc gia về tăng cường kiểm soát hoat động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã;

+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ các loài động vật hoang dã;

+ Bảo vệ các khu rừng và biển là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã; Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia để bảo vệ sinh cảnh và các loài động vật hoang dã.

Câu 4. Ô nhiễm môi trường là gì? Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường là gì?

Trả lời:

- Ô nhiễm môi trường là hiện tượng khi các tính chất vật lí, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi, gây tác hại tới đời sống con người và các sinh vật khác.

- Nguyên nhân:

+ Do các quá trình tự nhiên như núi lửa, động đất, hạn hán, khí hậu thay đổi đột ngột,..

+ Các hoạt động của con người như tiêu diệu các loài sinh vật, du nhập vào hệ sinh thái các loài sinh vật lạ làm phá vỡ nơi cư trú ổn định của loài, gây ô nhiễm môi trường sống, làm tăng nhanh đột ngột số lượng cá thể của loài nào đó trong hệ sinh thái.

Câu 5. Biến đổi khí hậu là gì? Trình bày những biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trả lời:

- Biến đổi khí hậu là những thay đổi của các yếu tố khí hậu vượt ra khỏi trạng thái trung bình đã được duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỉ hoặc dài hơn.

- Một số biện pháp chủ yếu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu:

+ Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

+ Hạn chế nạn phá rừng.

+ Hạn chế sự gia tăng dân số.

+ Sử dụng năng lượng mới.

+ Ứng dụng công nghệ mới.

Câu 6. Ô nhiễm môi trường là gì? Phân loại ô nhiễm môi trường?

Trả lời:

- Ô nhiễm môi trường là hiện tượng khi các tính chất vật lí, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi, gây tác hại tới đời sống con người và các sinh vật khác.

- Phân loại ô nhiễm môi trường:

  • Ô nhiễm do khí thải
  • Ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật
  • Ô nhiễm do các chất phóng xạ
  • Ô nhiễn sinh vật gây bệnh
  • Ô nhiễm do chất thải rắn
  • Ô nhiễm do nước thải.

2. THÔNG HIỂU (6 CÂU)

Câu 1. Trình bày khả năng tự điều chỉnh số lượng cá thể của quần thể ở mức cân bằng?

Trả lời:

Điều chỉnh số lượng cá thể của quần thể ở mức cân bằng bằng cách:

+ Khi số lượng cá thể cao thì quần thể điều chỉnh làm giảm số lượng cá thể trong quần thể.

+ Khi số lượng cá thể thaaos thì quần thể điều chỉnh làm tăng số lượng cá thể của quần thể.

Câu 2. Sinh vật ngoại lai là gì? Em hãy kể một số sinh vật ngoại lai mà em biết.

Trả lời:

 - Sinh vật ngoại lai là sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải khu vực sống tự nhiên của chúng, đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái bản địa và đa dạng sinh học.

- Một số sinh vật ngoại lai:

+ Ốc bươu vàng

+ Tôm càng đỏ

+ Rùa tai đỏ

+ Cây mai dương

+ Bèo tây.

Câu 3. Tại sao quần xã có sự khác biệt theo chu kì ngày đêm và chu kì mùa? Từ đó cho biết, cân bằng tự nhiên có phải là trạng thái tĩnh (không thay đổi) không?

Trả lời:

Các nhân tố sinh thái trong môi trường luôn ảnh hưởng tới quần xã, tạo nên sự thay đổi của quần xã. Sự thay đổi chu kì ngày đêm, chu kì mùa dẫn đến sự thay đổi các nhân tố sinh thái vô sinh và hữu sinh hoạt động của các sinh vật cũng mang tính chất chu kì → quần xã có sự khác biệt theo chu kì ngày đêm và chu kì mùa → Cân bằng tự nhiên không phải là trạng thái tĩnh.

Câu 4. Hãy phân tích các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sau:

  1. Ô nhiễm do chất thải từ hoạt động công nghiệp và sinh hoạt
  2. Ô nhiễm do hóa chất vảo vệ thực vật.

Trả lời:

  1. Ô nhiễm do chất thải hoạt động công nghiệp và sinh hoạt: Các chất khí thải ra từ hoạt động công nghiệp nhue CO, SO2, CO2, NO2,.. có ảnh hưởng không tốt đến cơ thể sinh vật. Bên cạnh đó, chúng là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính.
  2. Ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật: Sản xuất nông nghiệp sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,.. Những hóa chất này góp phần làm tăng năng suất cây trồng nhưng có thể gây hại cho sức khỏe con người và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái nếu sử dụng không đúng cách

Câu 5. Vì sao chúng ta cần phải chung tay bảo vệ tầng ozone?

Trả lời:

Phải bảo vệ tầng ozone vì:

+ Tầng ozone hấp thụ tia cực tím từ bức xạ của mặt trời đến trái đất, giúp bảo vệ môi trường, khí hậu và sinh vật sống.

+ Tầng ozone giúp con người có thể tránh được nguy cơ mắc phải các bệnh về da và ung thư.

+ Khi tầng ozone bị suy giảm cũng có thể gây ra biến đổi khí hậu.

Câu 6. Việc phân loại rác thải trong gia đình giúp ích gì trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường?

Trả lời:

- Lợi ích của phân loại rác thải trong gia đình trong việc hạn chế ô nhiễm môi trường là:

+ Giúp giảm đi một lượng rác thải ra môi trường một cách đáng kể, tiết kiệm thêm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý.

+ Giúp giảm đi lượng lớn rác thải rắn và mùi thải ra môi trường, mang lại kinh tế lớn từ các loại rác thải có thể tái chế được.

+ Giảm đi sự ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng, sử dụng và bảo vệ hợp lý nguồn tài nguyên của chúng ta.

3. VẬN DỤNG (6 CÂU)

Câu 1. Trong xã hội nông nghiệp, khi con người biết chăn nuôi, trồng trọt đã tác động tới môi trường như thế nào?

Trả lời:

- Trong xã hội nông nghiệp, con người đã biết trồng trọt và chăn nuôi. Họ trồng ngũ cốc, đỗ, lạc vừng, một số cây ăn quả, các loại rau..., họ chăn nuôi một số gia súc, chủ yếu là chó, dê, cừu, bò...

- Nền nông nghiệp phát triển đã đem lại một lượng lương thực, thực phẩm dồi dào hơn thời kì nguyên thuỷ và đồng hành với điều đó là dân số gia tăng.

- Sự phát triển này đã:

+ Dẫn con người tới viêc chặt phá rừng, đốt rừng để lấy đất canh tác và chăn thả gia súc. Một số rừng nguyên sinh và nhiều diện tích rừng bị biến thành đất trồng trọt và bãi chăn thả gia súc. Diện tích rừng bị thu hẹp không ít.

+ Hoạt động cày xới đất trồng trọt đã làm thay đổi đất và nước tầng mặt, gây ra nhiều vùng đất bị khô cằn và suy giảm độ màu mỡ.

+ Cùng với sự phát triển chăn nuôi và trồng trọt, con người đã sống định cư và do đó nhiều diện tích rừng bị biến thành các khu dân cư và khu sản xuất nông nghiệp.

- Tuy vậy, ở thời kì này, tác động của con người vào tự nhiên còn yếu so với thời kì sau.

Câu 2. Trồng cây, gây rừng có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường?

Trả lời:

- Trồng cây, gây rừng là một biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường vì:

  • Làm trong sạch không khí khi cây lấy khí CO2 và thải khí O2 ra khí quyển trong quá trình quang hợp của lá cây; đồng thời cây còn có tác dụng cản bụi và gió, làm mát không khí nhờ quá trình bốc hơi trước, điều hoà khí hậu...
  • Do phá hoại rừng nên tạo ra nhiều vùng đất trống, đồi trọc. Khi đó, gây ra những hiện tượng sụt lở, xói mòn đất, lũ lụt, hạn hán, mất nguồn nước ngầm... Trồng cây, gây rừng trên những vùng đất trống, đồi trọc sẽ hạn chế các hiện tượng bất lợi này để bảo vệ môi trường.

- Góp phần khôi phục các hộ sinh thái, khôi phục thảm thực vật đã bị phá huỷ, tái tạo sự cân bằng sinh thái, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Câu 3. Hãy nêu một số hoạt động của con người gây những hậu quả phá huỷ môi trường tự nhiên và nêu những hậu quả đó.

Trả lời:

- Những hoạt động của con người gây hậu quả phá huỷ môi trường tự nhiên:

  • Hái lượm.
  • Săn bắt động vật hoang dã.
  • Đốt rừng lấy đất trồng trọt, chặt cây rừng lấy gỗ.
  • Chăn thả gia súc.
  • Khai thác khoáng sản.
  • Phát triển nhiều khu dân cư, khu công nghiệp...
  • Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày.
  • Chiến tranh.

- Những hậu quả gây ra:

  • Cháy rừng, hạn hán, lũ lụt.
  • Mất nhiều loài sinh vật, mất nơi ở của sinh vật.
  • Xói mòn và thoái hoá đất.
  • Ô nhiễm môi trường.
  • Mất cân bằng sinh thái.

=> Như vậy, có thể nói, hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra hậu quả phá huỷ môi trường tự nhiên.

Câu 4. Con người có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ và cải tạo môi trường tự nhiên?

Trả lời:

- Từ khi xuất hiện trên Trái Đất và cho đến nay, nhiều hoạt động của con người đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường: gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái môi trường. Điều đó đã ảnh hưởng đến chính cuộc sống của con người và con người đã nhận biết rất rõ ràng điều này.

- Ngày nay, với sự hiểu biết ngày càng tăng con người đã và đang nỗ lực chung tay, góp sức khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ và cải tạo môi trường. Điều này thể hiện vai trò của con người trong việc bảo vệ và cải tạo môi trường.

Ví dụ: con người có vai trò trong việc bảo vệ và cải tạo môi trường như :

+ Biết hạn chế phát triển dân số quá nhanh.

+ Biết khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

+ Biết bảo vệ các loài sinh vật để không làm suy giảm đa dạng sinh vật.

+ Biết trồng cây gây rừng, phục hồi và trồng rừng mới, bảo vệ rừng đầu nguồn và vốn rừng hiện có

+ Biết kiểm soát và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

+ Biết triển khai có hiệu quả các hoạt động khoa học tạo ra nhiều giống vật nuôi và cây trồng có năng suất cao, tìm ra các biện pháp xử lí tốt nhất và hiệu quả nhất các chất thải trong sản xuất cũng như các chất thải sinh hoạt.

+ Biết giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người.

Câu 5. Hãy chứng minh cân bằng sinh thái thể hiện ở sự thay đổi quần xã sinh vật theo chu kì mùa.

Trả lời:

Thực vật thường rụng lá vào mùa đông hoặc phát triển kém, dẫn đến một lượng lớn thức ăn của các loại sinh vật khác giảm sút. Một số loài động vật chọn cách ngủ đông, số khác di cư đến nơi ấm áp hơn.

=> Điều kiện khí hậu thuận lợi thực vật phát triển dẫn đến động vật cũng phát triển, tuy nhiên số lượng lời sinh vật luôn được khống chế ở mức độ ổn định phù hợp với khả năng của môi trường tạo cân bằng sinh học trong quần xã.

Câu 6. Các sinh vật ngoại lai đe dọa như thế nào đến hệ sinh thái bản địa và đa dạng sinh học. Em hãy cho ví dụ.

Trả lời:

Sinh vật ngoại lai gây rất nhiều tiêu cực như cạnh tranh thức ăn, nơi cư trú với các loài sinh vật bản địa; làm giảm tính đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái; cản trở sự tái sinh tự nhiên của những loài bản địa do khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh với mật độ dày đặc của loài ngoại lai; lai giống với những loài sinh vật bản địa, làm suy giảm nguồn gen.

Đối với loài ngoại lai có khả năng thụ tinh chéo, sinh vật ngoại lai làm rối loạn hệ thống gen của sinh vật bản địa và cạnh tranh, tiêu diệt dần loài bản địa, dẫn đến sự thay đổi, suy thoái hoặc tiêu diệt luôn cả hệ sinh thái bản địa. Đặc biệt, sinh vât ngoại lai có thể truyền bệnh và kí sinh trùng.

=> Giáo án KHTN 8 cánh diều Bài 42: Cân bằng tự nhiên và bảo vệ môi trường

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay