Câu hỏi tự luận Địa lí 10 kết nối tri thức Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án địa lí 11 kết nối tri thức
BÀI 33: CƠ CẤU, VAI TRÒ, ĐẶC ĐIỂM, CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ DỊCH VỤ
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Dịch vụ là gì?
Trả lời:
- Dịch vụ là những hoạt động mang tính xã hội, tạo ra các sản phẩm phần lớn là vô hình (phi vật chất) nhằm thoả mãn các nhu cầu trong sản xuất và đời sống của con người.
Câu 2: Dịch vụ được chia thành những nhóm nào?
Trả lời:
Người ta thưởng chia dịch vụ thành ba nhóm:
+ Dịch vụ kinh doanh: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hoá, bản buôn, bán lẻ....
+ Dịch vụ tiêu dùng y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, du lịch, bưu chính viễn thông,...
+ Dịch vụ công hành chính công, thủ tục hành chính.....
Câu 3: Nêu vai trò của dịch vụ?
Trả lời:
Vai trò: vừa thúc đẩy các hoạt động kinh tế, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư.
+ Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
+ Thúc đẩy phân công lao động, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
+ Phát triển nguồn nhân lực và phát triển con người, giải quyết tốt các vấn đề xã hội,
+ Góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường + Kết nối các hệ thống, yếu tố của các thành phần kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội.
Câu 4: Trình bày đặc điểm của dịch vụ?
Trả lời:
Đặc điểm của dịch vụ:
- Sản phẩm dịch vụ phần lớn là phi vật chất. Do đó, việc đánh giá chất lượng và quy mô cung cấp dịch vụ khó hơn so với việc đánh giá chất lượng và quy mô các sản phẩm vật chất (nông nghiệp, công nghiệp).
Quá trình sản xuất (cung cấp ) dịch vụ và tiêu dùng (hưởng thụ) dịch vụ thường diễn ra đồng thời.
- Sự phát triển của khoa học – công nghệ đã làm thay đổi hình thức, cơ cấu, chất lượng của ngành dịch vụ.
Câu 5: Trình bày các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố dịch vụ?
Trả lời:
Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố dịch vụ:
- Vị trí địa lí: Sự phát triển các loại hình dịch vụ và sự phân bố mạng lưới các hoạt động dịch vụ.
- Trình độ phát triển kinh tế: quyết định sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ, tính đa dạng và quy mô các ngành dịch vụ.
- Đặc điểm dân số: Ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, cơ cấu các ngành dịch vụ, mạng lưới phân bố, năng lực cạnh tranh, sức mua, nhu cầu dịch vụ...
- Thị trường: Tạo cơ hội phát triển các doanh nghiệp dịch vụ, mở cửa cho thương mại và đầu tư dịch vụ.
- Vốn đầu tư: Khuyến khích phát triển mạnh các ngành dịch vụ, phát triển dịch vụ trên quy mô toàn cầu (tài chính, ngân hàng...).
- Khoa học - công nghệ: Thay đổi phương thức sản xuất nhiều loại hình dịch vụ, phát triển dịch vụ có hàm lượng chất xám cao.
- Văn hoá, lịch sử: Hình thức tổ chức mạng lưới dịch vụ và sự phát triển, phân bố dịch vụ du lịch.
Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: phát triển và phân bố các loại hình dịch vụ, đặc biệt là du lịch.
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Trình bày tác động của dịch vụ đến sản xuất?
Trả lời:
Tác động của dịch vụ đến sản xuất:
+ Thương mại, giao thông vận tải tham gia vào việc cung ứng nguyên vật liệu, bản thành phẩm... vào việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tác động cả ở đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất.
+ Giao thông vận tải, thông tin liên lạc tác động mạnh mẽ đến phân bổ sản xuất; tạo cơ sở hạ tầng.. các đầu mối giao thông vận tải có sức hút đặc biệt đối với sự phân bố các khu công nghiệp mới.
+ Các điều kiện dịch vụ được thuận lợi, thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư; các dịch vụ về tài chính tạo nguồn lực về sản xuất cho các doanh nghiệp.
+Các dịch vụ nghề nghiệp có vai trò quan trọng tạo ra năng suất lao động cao trong các ngành công nghệ cao.
Câu 2: Ngành dịch vụ phát triển có tác động như thế nào tới phát triển kinh tế - xã hội và tài nguyên môi trường?
Trả lời:
- Dịch vụ phát triển có tác dụng thúc đẩy các ngành sản xuất vật chất.
+ Dịch vụ cung ứng nguyên liệu, vật tư, máy móc... để phát triển sản xuất.
+ Dịch vụ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo ra thị hiếu mới, nhu u mới, kích thích sản xuất phát triển.
+ Dịch vụ góp phần tăng cường các mối liên hệ kinh tế - xã hội giữa các địa phương, có tác động to m làm thay đổi phân bố sản xuất, thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ.
+ Sự phát triển của du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.
- Dịch vụ phát triển có tác động đến tài nguyên, môi trường. -
+ Sự phát triển của dịch vụ cho phép khai thác tốt hơn tài nguyên thiên nhiên và sự ưu đãi của tự nhiên; các di sản văn hóa, lịch sử... để phục vụ con người.
+ Du lịch phát triển góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường.
Câu 3: Trình độ phát triển kinh tế có tác động như thế nào tới phát triển ngành dịch vụ?
Trả lời:
Tác động của trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước đến phát triển ngành dịch vụ:
+ Sản xuất phát triển (quy mô, cơ cấu, sản lượng,...) thì dịch vụ phát triển để đáp ứng các nhu cầu về cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng,... và tiêu thụ sản phẩm.
+ Năng suất lao động trong nông nghiệp, công nghiệp có cao thì mới có thể chuyển một phần lao động sang làm dịch vụ.
+ Phân bố sản xuất kéo theo sự phân bố của các hoạt động dịch vụ. +Chuyên môn hóa sản xuất càng sâu thì mối liên hệ giữa các bộ phận lãnh thổ càng chặt chẽ, đòi hỏi dịch vụ phải phát triển để đáp ứng.
Câu 4: Dân cư có tác động như thế nào tới phát triển ngành dịch vụ?
Trả lời:
Dân cư tác động đến sự phát triển ngành dịch vụ.
+ Số dân, kết cấu tuổi, giới tính, tỉ lệ tăng dân số và sức mua của dân cư đặt ra những yêu cầu về quy mô phát triển, nhịp độ tăng trưởng và cơ cấu của ngành dịch vụ.
+ Sự phân bố dân cư kéo theo sự phân bố mạng lưới dịch vụ tiêu dùng; các ngành dịch vụ thường phân bố ở ngay trong lòng các điểm phân bố dân cư (thành phố, thị xã, các làng bản...).
- Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của dân cư có ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ: lễ + hội, văn hóa dân gian,... càng đa dạng và phong phú là cơ sở để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ.
Câu 5: Trình bày những điều kiện để phát triển ngành du lịch?
Trả lời:
- Phải có nhu cầu xã hội về du lịch, nghỉ dưỡng.
- Phải có nguồn tài nguyên du lịch phong phú (tài nguyên thiên nhiên, các di sản lịch sử, văn hóa).
- Phải có một hệ thống các cơ sở phục vụ du lịch, phục vụ tốt (chẳng hạn như hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, khu điều dưỡng, các bãi tắm, các khu thể thao, hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc,...), có khả năng phục vụ nhu cầu của nhiều loại khách du lịch khác nhau, nhiều loại hình du lịch khác nhau.
3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Sự phân bố các ngành dịch vụ ảnh hưởng rất lớn đến phân bố các ngành kinh tế. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Sự phân bố các ngành dịch vụ có ảnh hưởng rất lớn đến phân bố các ngành kinh tế:
+ Loại hình dịch vụ có ảnh hưởng đến phân bố kinh tế chủ yếu là dịch vụ sản xuất, trong đó chủ yếu là giao thông vận tải, thông tin liên lạc.
+Các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc (nhất là viễn thông) tác động mạnh mẽ đến phân bố sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ khác. +Các đầu mối giao thông vận tải có sức hút đặc biệt đối với sự phân bố các khu công nghiệp mới.
+ Các điều kiện dịch vụ được thuận lợi, thông thoáng là những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư.
Câu 2: Tại sao động lực của sự tăng trưởng kinh tế là sự phát triển của các ngành dịch vụ?
Trả lời:
Sự phát triển của các ngành dịch vụ là động lực của sự tăng trưởng kinh tế, vì
- Các ngành thương mại, giao thông vận tải tham gia vào việc cung ứng nguyên vật liệu, bán thành phẩm. và vào việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, như vậy là tác động cả ở đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất.
- Các dịch vụ về tài chính có ý nghĩa càng lớn khi quy mô sản xuất ngày càng mở rộng và vốn, bất động sản là nguồn lực của các doanh nghiệp.
- Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại, khoa học trở thành lực lượng sản xuất - trực tiếp, thì các dịch vụ nghề nghiệp có vai trò quan trọng tạo ra năng suất lao động cao trong các ngành công nghệ cao.
- Sự phát triển mạnh mẽ của giao thông vận tải và thông tin liên lạc (nhất là viễn thông) tạo ra cơ sở hạ tầng mới cho việc quản lí xã hội, quản lí nền kinh tế, làm thay đổi quan niệm của con người về không gian, về khoảng cách, làm tăng thêm vai trò của yếu tố thời gian.
- Trên thực tế, ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kì, EU và Nhật Bản đều là các nền kinh tế với công nghiệp chế tạo có công nghệ cao và dịch vụ rất phát triển.
Câu 3: Phân tích tác động của sự phát triển kinh tế tới sự tăng trưởng nhanh của khu vực dịch vụ?
Trả lời:
Tác động của sự phát triển kinh tế tới sự tăng trưởng nhanh của khu vực dịch vụ:
- Sự phát triển của các ngành sản xuất vật chất làm nảy sinh các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất.
- Kinh tế phát triển, mức sống của nhân dân sẽ tăng, quyết định sức mua, nhu cầu dịch vụ.
- Sự phát triển kinh tế sẽ nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự chuyển dịch lao động từ khu vực sản xuất
vật chất sang khu vực dịch vụ.
- Việc mở rộng sự phân bố sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ kéo theo sự phân bố rộng rãi và chuyển dịch phân bố dịch vụ.
Câu 4: Đô thị hóa có tác động như thế nào tới phát triển ngành dịch vụ?
Trả lời:
Sự phát triển của đô thị hóa tác động mạnh mẽ đến phát triển dịch vụ sản xuất, dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ công.
- Các thành phố thường là các trung tâm công nghiệp, vì vậy, các loại dịch vụ kinh doanh (dịch vụ sản xuất) phát triển một cách tương xứng.
- Dân cư thành thị nói chung có mức sống cao, có “lối sống thành thị”. Vì vậy, nhu cầu dịch vụ hết sức
đa dạng, hoạt động dịch vụ cực kì phức tạp.
- Môi trường của các thành phố là môi trường nhân tạo, phần lớn nhu cầu của dân cư được đáp ứng nhờ các nguồn cung cấp từ bên ngoài vào (lương thực, thực phẩm, năng lượng, nước sinh hoạt,...).
- Nhiều thành phố là trung tâm hành chính, văn hoá, xã hội, một số thành phố, thị xã còn là trung tâm chính trị của cả nước, của địa phương; vì vậy, các dịch vụ công (hành chính, văn hóa, giáo dục,...) cũng được tập trung ở đây.
Câu 5: Tại sao trên thế giới ngành dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ?
Trả lời:
Ngành dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ:
- Kinh tế thế giới ngày càng phát triển; trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước ngày càng cao, đẩy nhanh sự phát triển các ngành dịch vụ sản xuất, tiêu dùng,...
- Quy mô dân số thế giới nói chung và các nước nói riêng ngày càng lớn, chất lượng cuộc sống người dân ở nhiều nước được nâng cao tác động mạnh đến dịch vụ tiêu dùng.
- Quá trình đô thị hoá được đẩy mạnh tác động đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ công ở các đô thị.
- Toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, mở rộng thị trường tạo cơ hội phát triển các doanh nghiệp dịch vụ, mở cửa cho thương mại và đầu tư dịch vụ. Liên kết và hợp tác quốc tế phát triển đẩy mạnh nhanh chóng dịch vụ và thương mại quốc tế, hợp tác giữa các nước trong phát triển dịch vụ.
- Khoa học kĩ thuật và công nghệ phát triển mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi phương thức sản xuất nhiều loại hình dịch vụ, phát triển dịch vụ có hàm lượng chất xám cao.
- Chính sách của các quốc gia phát triển tự do các hình thức dịch vụ và đa dạng hoá hoạt động dịch vụ.
4. VẬN DỤNG CAO (5 câu)
Câu 1: Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ sản xuất. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ sản xuất, vì:
- Dịch vụ sản xuất là ngành phục vụ cho yêu cầu của các ngành sản xuất, đảm bảo và tạo điều kiện để các ngành sản xuất phát triển.
- Các ngành dịch vụ sản xuất (trừ giao thông vận tải) không chịu ảnh hưởng của phân bố tài nguyên thiên nhiên, chỉ chịu tác động của các nhân tố kinh tế – xã hội.
Câu 2: Sự phát triển của dịch vụ gắn liền với dân cư. Giải thích tại sao?
Trả lời:
Sự phát triển của dịch vụ gắn liền với dân cư:
- Quy mô dân số quy định quy mô phát triển dịch vụ.
- Cơ cấu dân số đa dạng (theo tuổi, theo giới, theo lao động, theo trình độ văn hoá,...) tác động đến cơ cấu và sự đa dạng của dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu dùng.
- Gia tăng dân số tác động đến nhịp độ tăng trưởng của dịch vụ.
- Sự phân bố dân cư kéo theo sự phân bố các ngành dịch vụ tiêu dùng: Nơi mật độ dân số cao có dịch vụ phát triển mạnh.
- Truyền thống văn hoá, tôn giáo, văn hoá, phong tục tập quán, nhu cầu, thị hiếu, sức mua,... của dân cư có ảnh hưởng đến loại hình và việc tổ chức dịch vụ.
Câu 3: Tại sao tỉ lệ lao động dịch vụ ngày càng tăng ở các nước trên thế giới?
Trả lời:
Tỉ lệ lao động dịch vụ ngày càng tăng ở các nước trên thế giới:
- Trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước: Trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước càng cao, điều kiện và nhu cầu về dịch vụ sản xuất, tiêu dùng, du lịch,... càng lớn, thu hút người lao động tham gia các hoạt động dịch vụ.
- Năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất ngày càng cao, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển một phần lao động sang làm dịch vụ.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo sự chuyển dịch lao động, với sự gia tăng lao động ở khu vực dịch vụ.
- Sự phát triển của đô thị hóa (quy mô đô thị lớn lên, số dân đô thị trên thế giới tăng, lối sống đô thị ngày càng được phổ biến rộng rãi) kéo theo sự phát triển của các trung tâm dịch vụ.
Câu 4: Dịch vụ sản xuất và dịch vụ tiêu dùng ngày càng phát triển mạnh. Giải thích tại sao?
Trả lời:
- a) Dịch vụ sản xuất phát triển, do:
. Sản xuất ngày càng phát triển với quy mô lớn, năng suất cao, tốc độ nhanh..., đòi hỏi ngành dịch vụ sản xuất (vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp,...) phát triển đáp ứng.
- Sự phát triển của nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ sản xuất phát triển (ví dụ, các phương tiện kĩ thuật hiện đại cùng với toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho các hoạt động của dịch vụ sản xuất diễn ra rất thuận lợi).
- b) Dịch vụ tiêu dùng (hoạt động bán buôn, bán lẻ, du lịch,...) phát triển, do:
- Dân số:
+ Quy mô dân số: Quy mô dân số càng lớn, nhu cầu tiêu thụ càng nhiều, quy mô dịch vụ càng lớn.
+ Gia tăng dân số: Dân số tăng nhanh kéo theo tốc độ tăng nhanh của dịch vụ tiêu dùng.
+ Cơ cấu dân số: Cơ cấu dân số theo tuổi, giới, lao động văn hóa,... đòi hỏi sự đáp ứng đa dạng của dịch vụ tiêu dùng, dẫn đến cơ cấu dịch vụ tiêu dùng đa đạng.
+ Phân bố dân cư: Sự phân bố các ngành dịch vụ tiêu dùng gắn bó mật thiết với sự phân bố dân cư; việc phân bố dân cư ngày nay mở rộng phạm vi ở nhiều nơi trên thế giới, kéo theo sự phân bố rộng rãi các ngành dịch vụ tiêu dùng.
- Trình độ phát triển kinh tế, năng suất lao động xã hội:
+ Trình độ phát triển của nền kinh tế càng cao, điều kiện và nhu cầu về dịch vụ càng lớn, thu hút người lao động tham gia các hoạt động dịch vụ.
+ Năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất ngày càng cao, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển một phần lao động sang làm dịch vụ.
- Quá trình đô thị hóa trên thế giới: Đô thị hóa phát triển, số dân đô thị ngày càng tăng, lối sống đô thị phổ biến, tạo nhu cầu dịch vụ lớn và đa dạng, hoạt động dịch vụ phát triển mạnh.
Câu 5: Tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP ở các nước phát triển và các nước đang phát triển có sự khác nhau như thế nào?
Trả lời:
Tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP ở các nước phát triển và các nước đang phát triển có sự khác nhau:
- Các nước phát triển có tỉ trọng dịch vụ cao trong cơ cấu GDP, còn các nước đang phát triển có tỉ trọng thường nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do sự khác nhau về các nhân tố tác động đến phát triển dịch vụ ở hai nhóm nước, như: Trình độ phát triển của nền kinh tế và năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất; số dân, kết cấu tuổi, giới tính, tỉ lệ gia tăng dân số và sức mua của dân cư; đô thị hóa và công nghiệp hóa....
- Các nước phát triển:
+ Trình độ phát triển của nền kinh tế và năng suất lao động xã hội cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển, ngành công nghiệp và xây dựng phát triển, đô thị hóa phát triển mạnh; chất lượng cuộc sống của dân cư cao, sức mua lớn,... làm cho hoạt động dịch vụ phát triển mạnh và đa dạng.
+ Do sự phát triển của kinh tế, đặc biệt là kinh tế tri thức và chất lượng cuộc sống dân cư cao nên chất lượng dịch vụ tốt và tương ứng giá trị dịch vụ cao, phát triển nhiều ngành có vai trò rất lớn trong nền kinh tế toàn cầu mang lại giá trị lớn (dịch vụ tiền tệ, giao thông vận tải biển, viễn thông, sở hữu trí tuệ,..).
- Các nước đang phát triển:
+ Nhìn chung phần lớn các nước có trình độ phát triển kinh tế đang còn ở mức thấp, năng suất lao động xã hội chưa cao; khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP. Hiện nay, nhiều nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng thành tựu chưa cao; quá trình đô thị hóa còn nhiều hạn chế,... Từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dịch vụ.
+ Do sự phát triển của kinh tế và chất lượng cuộc sống dân cư nên chất lượng dịch vụ có giá trị chưa cao; các dịch vụ mang lại hiệu quả cao đang còn nhiều hạn chế.