Câu hỏi tự luận Địa lí 8 kết nối tri thức Ôn tập Chương 4: Biển đảo Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 4: Biển đảo Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án địa lí 8 kết nối tri thức

ÔN TẬP CHƯƠNG 4

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Câu 1: Quan sát Hình 11.1. Bản đồ phạm vi Biển Đông và kể tên những quần đảo thuộc vùng biển nước ta.

Trả lời:

Những quần đảo thuộc vùng biển nước ta: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Côn Sơn.

Câu 2: Kể tên các quốc gia có chung Biển Đông với Việt Nam:

Trả lời:

Các quốc gia có chung Biển Đông với Việt Nam là: Trung Quốc, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia.

Câu 3: Liệt kê những dạng địa hình ven biển ở nước ta.

Trả lời:

Những dạng địa hình ven biển ở nước ta là: vịnh cửa sông, bờ biển mài mòn, bãi cát phẳng, cồn cát, đầm phá,…

Câu 4: Nêu khái quát về phạm vi Biển Đông và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

Trả lời:

* Phạm vi Biển Đông:

- Là vùng biển thuộc Thái Bình Dương.

- Phạm vi: từ vĩ độ 3oN đến vĩ độ 26oB; từ khoảng kinh độ 100oĐ đến kinh độ 121oĐ.

- Diện tích: 3,44 triệu km2.

- Biển Đông tương đối kín.

- Các nước có chung Biển Đống với Việt Nam là: Trung Quốc, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia.

* Các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông:

- Diện tích: khoảng 1 triệu km2.

- Việt Nam có các vùng biển là: nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.

- Trong vùng biển Việt Nam có hai vịnh biển quan trọng là vịnh Thái Lan và vịnh Bắc Bộ.

Câu 5: Trình bày đặc điểm địa hình của vùng biển đảo Việt Nam.

Trả lời:

- Các dạng địa hình ven biển: rất đa dạng, bao gồm: vịnh cửa sông, bờ biển mài mòn, tam giác châu, các bãi cát phẳng, cồn cát, đàm phá, vũng vịnh nước sâu,…

- Địa hình thềm lục địa: có sự tiếp nối với địa hình trên đất liền:

+ Ở phía bắc và phía nam: nông và bằng phẳng.

+ Ở miền Trung: hẹp và sâu.

- Địa hình đảo:

+ Nước ta có hệ thống đảo ven bờ phân bố tập trung ở vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang,…

+ Các đảo ven bờ có diện tích lớn nhất là Phú Quốc, Cát Bà.

+ Ở phía bắc: các đảo, quần đảo thường có cấu tạo từ đá vôi với các dạng địa hình các-xtơ.

+ Ở phía nam: nhiều đảo và quần đảo lớn có nguồn gốc hình thành từ san hô.

Câu 6: Nêu những nét đặc trưng về khí hậu của vùng biển đảo Việt Nam.

Trả lời:

* Khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa:

- Nhiệt độ trung bình năm: 23 – 28oC.

+ Vào mùa hạ, nhiệt độ giữa các vùng biển ít chênh lệch.

+ Vào mùa đông, nhiệt độ giảm khá nhanh từ vùng biển phía nam lên vùng biển phía bắc.

+ Biên độ nhiệt độ trung bình năm nhỏ hơn trên đất liền.

- Hướng gió thay đổi theo mùa:

+ Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau: gió mùa mùa đông và gió Tín phong có hướng đông bắc chiếm ưu thế.

+ Từ tháng 5 đến tháng 9: gió mùa hướng đông nam chiếm ưu thế.

+ Gió trên biển mạnh hơn gió trên đất liền.

- Lượng mưa: nhỏ hơn trên đất liền, khoảng trên 1 100mm/năm.

- Thiên tai:

+ Vùng biển nước ta chịu nhiều thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc.

+ Trung bình mỗi năm có 3 – 4 cơn bão đổ bộ vào vùng biển nước ta.

Câu 7: Nêu những đặc điểm về hải văn của vùng biển đảo nước ta.

Trả lời:

- Nhiệt độ nước biển tầng mặt trung bình năm: 23oC.

- Độ muối trung bình: 32 ‰ - 33 ‰ và có sự biến động theo mùa.

- Dòng biển ven bờ ở nước ta có sự thay đổi theo mùa:

+ Vào mùa đông: dòng biển có hướng đông bắc – tây nam.

+ Vào mùa hạ: dòng biển có hướng tây nam – đông bắc.

- Vùng biển Việt Nam còn có các vùng nước trồi, vận động theo chiều thẳng đứng, kéo theo nguồn dinh dưỡng cho các loài sinh vật biển.

- Chế độ thủy triều dọc bờ biển Việt Nam rất đa dạng, gồm: nhật triều đều, nhật triều không đều, bán nhật triều và bán nhật triều không đều.

Câu 8: Tại sao địa hình ven biển nước ta đa dạng?

Trả lời:

Địa hình ven biển nước ta đa dạng do tác động phối hợp của nội lực và ngoại lực trong quá trình phát triển lâu dài của lãnh thổ Việt Nam:

- Nội lực: các hoạt động nâng cao và hạ thấp địa hình, bồi lấp các vùng trũng lục địa sát biển, đứt gãy ven biển...

- Ngoại lực: tác động của sóng, thủy triều, dòng biển, biển tiến và biển lùi, sông ngòi...

Câu 9: Vì sao lượng mưa trên biển nước ta ít hơn trên đất liền?

Trả lời:

Lượng mưa trên biển nước ta ít hơn trên đất liền là do đất liền có các loại địa hình núi chắn gió còn ở ngoài biển không có núi chắn gió nên biển không có đủ hơi ẩm cho việc dẫn mưa đến. Chính vì vậy, lượng mưa ở biển ít hơn trên đất liền.

Câu 10: Chứng minh địa hình ven biển nước ta đa dạng chủ yếu là do tác động kết hợp của sóng biển, thủy triều, sông ngòi và hoạt động kiến tạo.

Trả lời:

- Sóng biển: có tác động mài mòn bờ biển hình thành các dạng địa hình: hàm ếch sóng vỗ, bờ biển mài mòn..

- Thủy triều, sông ngòi làm hình thành các dạng địa hình như tam giác châu có bãi triều, đầm phá, cửa sông,…

- Hoạt động kiến tạo làm biến đổi địa hình ven biển và thềm lục địa, từ đó hình thành các vũng vịnh nước sâu, đảo ven bờ…

→ Vì vậy địa hình ven biển nước ta đa dạng.

Câu 11: Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện đang là một vấn đề nóng hiện nay. Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 50 – 80 từ) bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Trả lời:

Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang là một vấn đề nóng hiện nay của Việt Nam và của toàn thế giới. Trước tình thế này, em nghĩ các quốc gia cần phải đàm phán và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình để không làm cho diễn biến trở nên phức tạp hơn. Là một người dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em cần có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mình. Thứ nhất, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo và nâng cao nhận thức đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thứ hai, tăng cường học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về bảo vệ môi trường biển đảo. Cuối cùng, xây dựng và phát huy những tiềm năng của biển đảo Việt Nam trong công cuộc hiện nay.

Câu 12: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 12 và kể tên những tài nguyên sinh vật thuộc vùng biển nước ta.

Trả lời:

Những tài nguyên sinh vật thuộc vùng biển nước ta là: rùa, đồi mồi, tôm, cá nục, cá thu, bò biển, mực,…

Câu 13: Liệt kê những bãi biển đẹp thuộc vùng biển nước ta mà em biết.

Trả lời:

Những bãi biển đẹp thuộc vùng biển nước ta mà em biết là: biển Mỹ Khê, biển Mũi Né, biển Nha Trang, biển Lăng Cô, biển Cửa Lò, biển Sầm Sơn,…

Câu 14: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam – trang 8 và kể tên những mỏ khoáng sản ở vùng biển nước ta.

Trả lời:

Những mỏ khoáng sản thuộc vùng biển nước ta là: mỏ Hồng Ngọc, mỏ Bạch Hổ, mỏ Rạng Đông, mỏ Rồng, mỏ Đại Hùng.

Câu 15: Trình bày đặc điểm môi trường biển đảo Việt Nam.

Trả lời:

- Là một bộ phận trong môi trường sống của con người nói chung.

- Bao gồm các yếu tố tự nhiên (bờ biển, đáy biển, nước biển, đa dạng sinh học biển,…) và các yếu tố nhân tạo (các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất,… nằm ven biển, trên biển và các đảo).

- Môi trường biển có những đặc điểm khác biệt với môi trường trên đất liền:

+ Môi trường biển không chia cắt được. Vì vậy, khi một vùng biển bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho cả cùng bờ biển, vùng nước và cả các đảo xung quanh.

+ Môi trường đảo do có sự biệt lập với đất liền, diện tích nhỏ nên rất nhạy cảm trước tác động của con người, dễ bị suy thoái hơn so với đất liền.

Câu 16: Nêu những nét đặc trưng về tài nguyên sinh vật ở biển và thềm lục địa nước ta.

Trả lời:

Sinh vật ở vùng biển Việt Nam phong phú và đa dạng, có tính đa dạng sinh học cao:

- Vùng biển có hơn 2 000 loài cá, trong đó 110 loài có giá trị kinh tế cao.

- Các loài động vật giáp xác, thân mềm có giá trị dinh dưỡng cao như tôm, mực, hải sâm,…

- Vùng triều ven bờ có nhiều loài rong biển được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và xuất khẩu.

- Năm 2019, trữ lượng thủy sản ở nước ta là 3,87 triệu tấn và khả năng khai thác là gần 1,55 triệu tấn.

Câu 17: Tài nguyên du lịch biển nước ta có những đặc trưng gì?

Trả lời:

* Điều kiện thuận lợi:

- Bờ biển dài, có nhiều bãi cát, vịnh, hang động đẹp, nước biển trong xanh.

- Hệ sinh thái biển phong phú.

- Khung cảnh thiên nhiên các đảo đa dạng.

* Một số điểm du lịch thu hút: vịnh Hạ Long, Mỹ Khê, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc,…

Câu 18: Vì sao cần phải bảo vệ tài nguyên môi trường biển?

Trả lời:

Cần phải bảo vệ tài nguyên môi trường biển vì:

- Mặc dù Biển Đông là một kho tài nguyên lớn nhưng không phải vô tận.

- Nguồn lợi khoáng sản, thuỷ hải sản có chiều hướng giảm sút do con người khai thác.

- Một số vùng biển ven bờ, ven các đảo đã bị ô nhiễm do các chất thải từ sinh hoạt, sản xuất, giao thông và việc khai thác dầu khí.

- Việc ô nhiễm môi trường biển sẽ ảnh tới phát triển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản....

Câu 19: Biển đã đem lại những thuận lợi và khó khăn gì đối với kinh tế và đời sống của nhân dân ta?

Trả lời:

- Thuận lợi: Biển nước ta rất giàu và đẹp, nguồn lợi biển thật phong phú, đa dạng và có giá trị về nhiều mặt:

+ Cung cấp tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ, khí đốt, muối...), thuỷ hải sản.

+ Có giá trị về giao thông vận tải (xây dựng các cảng biển).

+ Có giá trị về du lịch (với nhiều bãi biển đẹp).

+ Có ý nghĩa về an ninh quốc phòng và nghiên cứu khoa học.

- Khó khăn: Vùng biển nước ta thường xuyên có thiên tai: mưa, bão

Câu 20: Theo em, chúng ta cần phải làm gì để khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển của nước ta?

Trả lời:

Để khai thác lâu bền và bảo vệ tốt môi trường biển, chúng ta cần:

- Nâng cao trình độ công nghệ khai thác, chế biến các nguồn tài nguyên biển.

- Quy định số lượng, kích thước thủy sản đánh bắt, hạn chế đánh bắt ven bờ, đẩy mạnh đánh bắt xa bờ.

- Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho dân cư, xử lí đúng mức các trường hợp vi phạm.

- Hợp tác với các nước trong khu vực để bảo vệ môi trường biển.

- Không sử dụng dụng cụ kích điện, lưới điện để đánh bắt thủy hải sản.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay