Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 kết nối Bài 9: Văn bản. Con đường không chọn

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 9: Văn bản. Con đường không chọn. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 Kết nối tri thức.

VĂN BẢN. CON ĐƯỜNG KHÔNG CHỌN

(20 câu)

1.    NHẬN BIẾT (6 câu)

Câu 1: Trình bày hiểu biết của em về tác giả và tác phẩm “Con đường không chọn”

Trả lời:

a, Tác giả:

- Tên: Rô-bớt Phờ-rớt (1874 – 1963)

- Quê: là nhà thơ Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn trong văn học hiện đại.

- Gia đình:

+ Cha là chủ biên một tờ báo  Qua đời vì bệnh lao phổi

+ Mẹ: Giáo sư trung học

- Bản thân: Từng theo học trường Harvard nhưng sau đó thôi học vì được ông nội cho cho một trang trại nhỏ

=> Là điều kiện giúp ông được sống giữa thiên nhiên hùng vĩ. Đó là điều kiện giúp ông sau này sáng tác nhiều bài thơ hay, nổi tiếng.

 => Cho đến nay ông là nhà thơ duy nhất từng được bốn lần nhận giải thưởng Pu – lít -dơ – giải thưởng thường niên uy tín của Mỹ trao cho các lĩnh vực như báo chí, văn chương, âm nhạc…

- Sự nghiệp:

+ Năm 1913: Thành công với tậpA Boy’s Will”.

+ Năm 1914: xuất bản tập thơ thứ hai “North of Boston” cũng được nhiều người khen ngợi.

+Năm 1916, ông cho phổ biến tập thơ “Mountain Interval”, trong đó có bài thơ “Birches” và “The Road Not Taken”.

b,  Tác phẩm:

- Sáng tác năm 1915, lấy cảm hứng từ những cuộc đi dạo trong rừng với người bạn của ông, lấy cảm hứng từ những cuộc đi dạo trong rừng với người bạn của ông – nhà thơ nhà thơ É-uốt Thô-mớt-xơ (1878 – 1917).

- Theo lời của Phờ-rét, trong những cuộc đi dạo ấy, Thô-mớt-xơ thường băn khoăn không biết nên chọn lổi nào để đi, rồi sau khi đã lựa chọn, ông lại nuối tiếc, đáng lẽ nên chọn một lối khác.

- Bài thơ của Phờ-rót ra đời vào thời điểm nhiều người hoài nghi về lựa chọn của bản thân và thường nghĩ rằng họ nên quay lại con đường mình từng từ bỏ. Không lâu sau khi nhận được bài thơ của Phờ-rót trong một lá thư, Ét-uốt Thô-mát-xơ tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và ông đã tử trận trong trận A-rát-xơ vào năm 1917.

Câu 2: Văn bản được chia thành mấy phần? Em hãy nêu nội dung chính của mỗi phần.

Trả lời:

Bố cục: 3 phần

+ Khổ 1. Hoàn cảnh của nhân vật trữ tình

+ Khổ 2,3. Cách chọn đường của nhân vật trữ tình

+ Khổ 4. Tâm trạng của nhân vật trữ tình

Câu 3: Em hãy trình bày nội dung chính của bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ “Con đường không chọn” của Rô-bớt Phờ-rớt đã gửi gắm những suy nghĩ của tác giả về những lựa chọn của con người trên đường đời. Trong cuộc sống, mỗi chúng ta luôn phải đưa ra những lựa chọn mà quyết định ấy sẽ ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời của mình. Vì vậy, trên hành trình cuộc đời, mỗi chúng ta cần đưa ra những lựa chọn đúng đắn, sống là chính mình, không đi theo những lối mòn.

Câu 4: Trình bày giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Con đường không chọn”

Trả lời:

  • a. Nội dung
  • b. Nghệ thuật

Câu 5: Em hãy xác định thể thơ, phương thức biểu đat của bài thơ?

Trả lời:

- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm 

- Thể loại: Thể thơ tự do

Câu 6: Em hãy trình bày ý hiểu của mình về nhan đề bài thơ

Trả lời:

Nhan đề “Con đường không chọn”

+Làm rõ tâm lí phổ biến của con người: Thường nuối tiếc về những gì mình đã không chọn, vì phần lớn những lựa chọn thực tế đều có vẻ bất toàn, không dẫn đến điều mong đợi.

+Tâm lí “đứng núi này trông núi nọ” khiến người ta không dốc lòng vào con đường mà mình đã chọn, cũng không đủ can đảm để làm lại, bỏ sang con đường có thể chọn nhưng cuối cùng đã không chọn.

2.    THÔNG HIỂU ( 4 câu)

Câu 1: Vì sao nhân vật trữ tình cảm thấy khó khăn khi phải lựa chọn 1 trong 2 lối rẽ?

Trả lời:

- Hai con đường có vẻ giống nhau: rừng lá vàng, cỏ rậm trên mặt đường, thấy dấu mòn, lá rơi đầy chưa đen vết chân ai…và người ta đều không nhìn thấy hết phía trước nó là gì…

à Đó là tình thế khó khăn của đời sống, nhất là khi ta không thể phóng tầm mắt lên trước để xem con đường này dẫn ta tới đâu và liệu nơi đó có như ta kì vọng không?

- Tình huống nhân vật trữ tình đối mặt thực sự rất khó khăn vì anh ta không thể cùng lúc đi trên hai con đường. Nhưng nếu từ bỏ sự lựa chọn thì hành trình của anh ta không thể bắt đầu và anh ta chỉ mãi  giẫm chân tại chỗ, không tiếp bước được.

Câu 2: Trạng thái phân vân, băn khoăn này có phải là một trạng thái khá phổ biến đối với nhiều người hiện nay không?

Trả lời:

-       Trạng thái phân vân, băn khoăn khá phổ biến của bộ phận con người không đủ can đảm để dấn thân đến cùng trên hành trình của mình.

è Cuộc đời con người cũng vậy, chúng ta luôn phải dám đối mặt với những lựa chọn và đưa ra quyết định đúng đắn để tiếp tục bước đi trên hành trình của mình.

 

Câu 3: Trong khổ thơ cuối, nhân vật trữ tình đã chọn lối đi nào? Em có nhận thấy được tâm trạng gì của nhân vật trữ tình trước lựa chọn đó?

Trả lời:

- Nhân vật đã chọn lối đi “Lối mòn ít có ai đi”

- Tâm trạng: thở dài

à Dù đã lựa chọn một lối đi nhưng nhân vật trữ tình vẫn do dự, băn khoăn, buồn và nuối tiếc, không thật sự tin rằng lối rẽ đó sẽ tốt hơn. Anh ta tưởng tượng đến viễn cảnh tương lai rằng “Tôi sẽ kể chuyện này trong tiếng thở dài”.   

- NV tự đối diện với chính mình, giải đáp những trăn trở, thắc mắc nảy sinh từ chính lòng mình.

 

Câu 4: Em nhận ra được thông điệp gì từ sự lựa chọn của nhân vật trữ tình?

Trả lời:

Thông điệp: Mỗi người cần phải có một hướng đi riêng, không nên đi theo lối mòn của đã có nhiều người đi. Con người cần dũng cảm trải nghiệm và có lựa chọn con đường cho tương lai.

3.    VẬN DỤNG (8 câu)

Câu 1: Em hãy phân tích hình ảnh trung tâm của bài thơ. Nó đã được nhân vật trữ tình nói đến như thế nào?

Trả lời:

Hình ảnh trung tâm của bài thơ, như nhan đề cho biết, là “con đường không chọn”. Hình ảnh này được nhân vật trữ tình nhắc đến nhiều lần trong bài thơ (trước khi ám ảnh độc giả, nó đã làm “tôi” luôn bận lòng):

- Lần thứ nhất, được nhắc trong sự phân vân khi con đường đang đi trong rừng bỗng mở trước mặt hai lối rẽ.

- Lần thứ hai, được nhắc trong sự hứa hẹn với chính bản thân rằng một ngày nào đó mình sẽ bước chân trên con đường này.

- Lần thứ ba, được nhắc trong dự cảm rằng lời tự hứa sẽ khó thực hiện.

- Lần thứ tư, được nhắc trong sự hồi nhớ về quyết định ban đầu - cái quyết định đã làm nên số phận của một con người.

Dĩ nhiên, trong bài thơ, hình ảnh “con đường đã chọn” cũng xuất hiện song song với hình ảnh “con đường không chọn” nhưng chính hình ảnh con đường không chọn mới để lại những mối ưu tư không dứt cho nhân vật trữ tình. Từ hình ảnh này, bài thơ gợi lên một vấn đề mang tính phổ quát: cuộc đời mỗi người luôn phụ thuộc vào những lựa chọn, nhưng cách lựa chọn, những điều chi phối sự lựa chọn luôn là một câu đố, một bí mật.

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về sự lựa chọn của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Nếu là em, em có lựa chọn như vậy không? Vì sao?

Trả lời:

Có lẽ nhân vật trữ tình cũng có chút không tin tưởng sự lựa chọn của mình. Nếu là anh ta, em vẫn sẽ chọn như thế, bởi theo em, anh ta không cần thiết phải tin rằng lối rẽ mình chọn là con đường tốt hơn mà đó có thể là sự yêu thích hay cảm thấy phù hợp hoặc các yếu tố khác khiến anh ta chọn con đường đó. 

Câu 3: Cuộc sống thường xuất hiện những ngã rẽ bất ngờ, đặt chúng ta đứng giữa nga ba đường và buộc phải đưa ra sự lựa chọn. Dựa vào kinh nghiệm cá nhân và những hiểu biết của bản thân, em hãy đưa ra một số lời khuyên cho những người đang ở trong hoàn cảnh như vậy.

Trả lời:

Cuộc sống thường xuất hiện những ngã rẽ bất ngờ, đặt chúng ta đứng giữa ngã ba đường và buộc phải đưa ra sự lựa chọn. Vào những lúc như vậy bạn sẽ làm gì? Nếu là bạn tôi lựa chọn lắng nghe trái tim của mình. Bởi lẽ, chỉ có bản thân bạn mới biết mình có gì, muốn gì và sẽ làm được gì. Đường nhiên, nói vậy không phải tôi đang cổ vũ bạn lao đi một cách mù quáng. Bạn vẫn cần trao đổi, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của người khác để tìm ra con đường thật sự phù hợp với mình. Khi đã lựa chọn con đường đó, bạn phải tự tin và cố gắng vượt qua dù khó khăn thế nào. Đừng để khó khăn làm vật cản bước con đường đi đến thành công của bạn.

Câu 4: Phải chăng sau nhiều lưỡng lự, suy tính, nhân vật trữ tình đã hoàn toàn yên tâm với việc lựa chọn lối rẽ của mình? Những dấu hiệu, chi tiết nào trong bài thơ có thể giúp bạn giải đáp được câu hỏi này?

Trả lời:

Qua hồi lâu lưỡng lự, việc chọn đi theo lối rẽ sau (theo thứ tự trần thuật) không khiến nhân vật trữ tình hoàn toàn yên tâm. Nhiều dấu hiệu, chi tiết trong hai khổ cuối của bài thơ nói lên điều này: 

-  “Tôi” vẫn muốn một ngày nào đó được đi trên con đường đã không chọn lúc ban đầu. “Tôi” sợ không có điều kiện thực hiện cuộc lựa chọn lần hai, một khi lựa chọn ban đầu có thể đẩy đời người vào một thứ mê cung phức tạp, rắc rối. 

- “Tôi” không ngăn được tiếng “thở dài”, vì bên trong dường như có chút tiếc nuối. Điều đó ngầm cho biết con đường đã chọn không hoàn toàn đưa đến sự thoả mãn (nếu thoả mãn, chắc “tôi” sẽ không nhớ lại sự lựa chọn ban đầu với nhiều ưu tư đến vậy).

- “Tôi” nhắc đến sự “khác biệt” của đời mình không phải với cảm xúc tự hào, hãnh diện. Từ “khác biệt” ở đây chỉ tổng thể những nông nỗi, sự kiện, sự cố đã xảy ra trong đời, cái làm nên số phận không giống ai của “tôi”.

Câu 5: Tự hứa hẹn với mình rồi lại thấy sự hứa hẹn đó không lấy gì làm chắc chắn – điều gì đã khiến cho “tôi” rơi vào tình trạng ít tin tưởng ấy? Bạn nhận xét thế nào về đặc điểm con người của “tôi” được bộc lộ qua khổ thơ thứ ba

Trả lời:

Ở ba dòng sau của khổ thơ thứ ba, ngay khi vừa mới nói lời hẹn ước (cũng là nỗi mong ước), nhân vật trữ tình đã lập tức bộc lộ cảm giác thiếu tin tưởng về “kế hoạch” do chính mình đặt ra. Lí do dẫn tới điều này có thể là: Nhân vật trữ tình dự cảm được những phức tạp của cuộc đời – nhân tố cản trở mỗi người có thể làm được điều dự định (hình ảnh “đường nối đường” nói lên sự đan cài ngược xuôi bộn bề của những hướng đi hay những khả năng lựa chọn mà người ta không dễ làm chủ). 

Câu 6: Đang trong thời điểm hiện tại, “tôi” đã vội nghĩ về một ngày xa xôi ở phía trước. Có phải tâm trạng của “tôi” trong ngày ấy chỉ tràn ngập sự tiếc nuối hay không? Hãy cho biết cảm nhận và lí giải của bạn về vấn đề này.

Trả lời:

- Trong một ngày xa nào đó, tâm trạng của “tôi” không hẳn là tiếc nuối. Sự tiếc nuối chỉ đến khi người ta nhận thức rõ mình đã chọn sai đường hoặc khi thực sự biết rằng: Nếu trước đó mình quyết định khác đi thì cuộc đời hẳn đã có kết quả tích cực, tươi sáng hơn.

- Tâm trạng của “tôi” trong mấy câu cuối của bài thơ thật sự phức tạp. “Tôi” nghĩ về bản thân sự lựa chọn nhiều hơn là thao thức trước kết quả cuối cùng mà sự lựa chọn đó mang lại. Rõ ràng, trong cảm nhận của “tôi”, mọi lựa chọn đều khó khăn, có khi mang tính chất định mệnh chứ không phải là đáp số được đưa ra bởi những tính toán cặn kẽ, logic (với mọi con đường, đích phía trước đều mù tăm, thiếu xác định, rất khó hình dung). Chỉ biết rằng một khi đã quyết định lựa chọn thì hệ luỵ kéo theo là rất lớn – thứ hệ luỵ làm nên tính chất riêng biệt của mỗi cuộc đời với tất cả những dở, hay, tiêu cực, tích cực của nó.

Câu 7: Bạn hiểu như thế nào về ý thơ toát lên từ hai dòng cuối của tác phẩm? Hãy tưởng tượng và miêu tả cảm giác của nhân vật trữ tình khi thốt lên từ “khác biệt” trong bản dịch 2 (tr. 105).

Trả lời:

- Ý thơ được toát lên từ hai dòng cuối của tác phẩm:

Dù muốn hay không, khi đứng trước sự lựa chọn bắt buộc tác giả phải đưa ra quyết định cho bản thân mình. Tác giả chưa bao giờ cho rằng sự lựa chọn con đường chưa có người đi của mình là sai lầm và cũng chưa bao giờ tỏ ra ân hận vì sự lựa chọn đó. Nhưng mà trong sâu thẳm của tâm hồn, “con đường không được chọn” vẫn có sức vẫy gọi rất lớn như một bến bờ hạnh phúc mà con thuyền cuộc đời của nhà thơ không bao giờ cập bến được.

- Cảm giác của nhân vật trữ tình khi thốt lên hai từ “khác biệt" trong bản dịch:

+ “Tôi” thốt lên từ “khác biệt” trong “tiếng thở dài” chứ không phải trong cảm xúc kiêu hãnh. Điều đó cho thấy, ở đây, từ”khác biệt” thể hiện thái độ trầm tư hơn là cảm giác hân hoan. 

+ Từ “khác biệt”, theo góc nhìn nói trên, đã thâu tóm toàn bộ những nỗi đời, những khúc quanh đặc thù của một số phận – điều được tạo nên bởi sự lựa chọn ban đầu của “tôi” và “tôi” phải chấp nhận, bất kể hay, dở, thành công hay thất bại.

 

Câu 8: Nêu nhận xét khái quát về mối quan hệ giữa hình ảnh con đường và hình ảnh nhân vật trữ tình trong bài thơ

Trả lời:

- Trong bài thơ, giữa hình ảnh con đường và hình ảnh nhân vật trữ tình có sự thống nhất chặt chẽ, tuy hai nhưng cũng là một.

- Con đường không chỉ là con đường cụ thể trong rừng có lá vàng ngập bước chân đi vào một buổi sáng nào đó, mà còn là biểu tượng của đường đời, đường số phận, đúng hơn là biểu tượng của sự lựa chọn đường đi trong cuộc sống.

=> Có thể nói, nếu không có “tôi” với những trăn trở về sự lựa chọn thì cũng sẽ không có con đường với hai lối rẽ khiến người lữ hành phải phân tâm như bài thơ cho biết. Như vậy, con đường là sự hình tượng hoá những trăn trở của chính nhà thơ, như được sinh ra từ những trăn trở ấy. Tuy bài thơ gợi lên câu chuyện có thật về những cuộc dạo chơi trong rừng giữa tác giả với người bạn thân của mình là Ét-uốt Thô-mớt-xơ (Edward Thomas), nhưng khi vào bài thơ, tính cụ thể của con đường đã bị mờ đi để tính biểu tượng nổi bật lên.

4.    VẬN DỤNG CAO ( 2 câu)

Câu 1: Phân tích tác phẩm Con đường không chọn

Trả lời:

Có người đã từng nói: "Lựa chọn của bạn sẽ tạo ra tất cả sự khác biệt trong điều mà bạn muốn đạt được". Vậy nhưng, để đưa ra được một quyết định trong bất kì việc gì đều không dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải xem xét cẩn thận từ chính bản thân cho đến các yếu tố ngoại cảnh. Vấn đề này đã được nhà thơ Mỹ Rô-bớt Phờ-rót diễn đạt lại một cách hết sức gần gũi qua tác phẩm "Con đường không chọn". Bài thơ là một thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về những sự lựa chọn của con người trong cuộc sống.

Ra đời vào năm 1915, "Con đường không chọn" đã chiếm được cảm tình của vô số độc giả bởi chủ đề mang tính thời đại mà nó mang đến. Dù là những ngày xa xưa hay cả bây giờ, con người đều gặp khó khăn trước ngã rẽ cuộc đời. Chúng ta thường có xu hướng lựa chọn rồi lại suy nghĩ, hối hận, nuối tiếc, phân vân. Câu hỏi thường trực đặt ra trong đầu con người mỗi khi giải quyết một vấn đề đó là: "Liệu mình có chọn đúng hay không?", "Liệu mình có hối hận hay không?", "Nhỡ làm như kia tốt hơn thì sao?",... Điều này cũng được thể hiện rất rõ qua nhan đề tác phẩm. Nhà thơ đặt là "Con đường không chọn" chứ không phải "Con đường được chọn" chính là để nói về cảm giác tiếc nuối, băn khoăn ấy.

Đầu tiên, dễ thấy thành công của tác phẩm nằm ở những hình ảnh tượng trưng gần gũi, giản dị mà không kém phần sâu sắc. Ngay câu thơ mở đầu, "con đường" đã xuất hiện và "rẽ làm đôi". Đây có thể là đường đi dạo quen thuộc trong rừng mà nhà thơ hay đi cùng bạn, cũng có thể là đường tới thành công trong cuộc đời mỗi người. Hai ngã rẽ chính là biểu tượng cho những định hướng khác nhau, buộc con người phải đưa ra sự lựa chọn. Đôi khi, các "lối" đó được phân chia tốt - xấu rõ ràng, giúp ta dễ dàng quan sát và bước đi. Nhưng trong bài thơ, hai ngã rẽ lại có rất nhiều điểm tương đồng: cỏ rậm um tùm, nền đất đầy lá rụng và đã có những dấu mòn. Điều này khiến nhân vật "tôi" chần chừ, phân vân mất cả một buổi. Sự tiếc nuối vì "chỉ có thể chọn một mà thôi" chính là thứ đã níu chân con người.

Nhưng có khó khăn đến đâu, việc đưa ra lựa chọn là điều không thể tránh khỏi. Ở đây, nhân vật "tôi" đã chọn "lối mòn ít có ai đi". Một "lối mòn" đòi hỏi con người phải nỗ lực và cố gắng hơn rất nhiều. Đồng thời, ít cơ hội được giúp đỡ , đường đi gập ghềnh hơn, tốn nhiều sức lực và thời gian hơn. Nhưng nó cũng có thể mang đến sự biến chuyển, "làm thay đổi tất cả", dẫn con người đến với những thành công ngoài mong đợi. Tuy vậy, nhân vật "tôi" hay chính chúng ta đều có một điểm chung: hay nhìn lại và nuối tiếc quá khứ. Nó thể hiện vô cùng rõ ràng qua tiếng thở dài khi kể lại câu chuyện "ngày xưa đã lâu lắm rồi" cùng lời hẹn "sẽ quay lại con đường không đi một ngày nào đó" mà chính chúng ta cũng thừa hiểu là rất khó để thực hiện. Hình ảnh "đường lại đưa đường" đánh thẳng vào tâm trí người đọc, cho ta biết rằng một khi đã chọn thì gần như không thể quay đầu. Sự lựa chọn sẽ đưa mỗi người theo những con đường khác, gặp thêm bao ngã rẽ khác. Đó chính là thứ làm nên sự khó đoán, bất định của cuộc đời. Nếu như ai cũng đi một hướng giống nhau, trải qua những cung đường y chang thì cuộc sống này sẽ nhạt nhẽo và buồn tẻ biết bao.

Với thể thơ tự do đầy phóng khoáng, tác giả đã đem đến cho các thế hệ độc giả một bài thơ vô cùng đặc biệt. Ở đây, chúng ta thoải mái cảm nhận, thấu hiểu với nhân vật mà không phải chịu bất cứ sự gò bó nào. Từ đó, người đọc dễ dàng đặt bản thân mình vào tác phẩm, nhìn thấy chính mình trong hoàn cảnh ngặt nghèo kia. Không chỉ vậy, những hình ảnh ẩn dụ trong bài thơ cũng hết sức gần gũi. Việc sử dụng "con đường" hay "ngã rẽ" vừa tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc, vừa mang lại sức gợi mạnh mẽ cho người tiếp nhận. Ngoài ra, bản dịch thơ còn thành công đem tác phẩm lại gần với độc giả nước nhà hơn qua ngôn ngữ linh hoạt, giản dị. Tất cả đã làm nên một bài thơ vô cùng hấp dẫn, ghi lại dấu ấn đậm nét trong kho tàng văn học thế giới.

Qua "Con đường không chọn", chúng ta lại có thêm bài học vô cùng giá trị về tầm quan trọng của sự lựa chọn. Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có những nỗi băn khoăn, trăn trở về phải - trái, đúng - sai của vấn đề mình gặp phải. Việc ta cần làm là trau dồi bản thân thật tốt để có thể tự tin, dũng cảm đưa ra quyết định. Hãy vững bước trên con đường mình đã lựa chọn. Bằng những hình ảnh thơ giản dị, quen thuộc, Rô-bớt Phờ-rót đã thành công truyền tải tư tưởng của bản thân đến các thế hệ độc giả sau này.

Bài thơ "Con đường không chọn" sẽ luôn là một trong những tượng đài của thơ ca thế giới. Sự lựa chọn là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Vậy nên, chúng ta hãy không ngừng học tập, phát triển bản thân một cách toàn diện nhất để có thể tự tin đưa ra quyết định cho cuộc đời của chính mình.

Câu 2: Bạn đã liên hệ tới bản thân như thế nào khi trải nghiệm cùng bài thơ? Nếu điều bạn tâm đắc nhất với tác phẩm Con đường không chọn của Rô-bớt Phờ-rút.

Trả lời:

Liên hệ tới bản thân khi trải nghiệm bài thơ:

- Cuộc đời là những sự lựa chọn, bản thân cũng đã từng băn khoăn, trăn trở, suy tư trước khi đưa ra quyết định của mình.

-  Bản thân cũng đã từng không trân trọng những gì mình đang có mà ngược lại, chỉ trân trọng và khao khát những cái đã mất đi hoặc không thuộc về mình như tác giả.

Điều tâm đắc nhất về con đường không chọn của Rô-bớt Phờ-rót.

- Tâm đắc với thông điệp tác giả gửi gắm trong bài thơ: Cuộc đời là một hành trình dài, ẩn chứa vô vàn sự lựa chọn khác nhau. Chỉ có việc lựa chọn mới giúp con người ta nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực mà mình cần tìm kiếm.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay