Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 4: Văn bản 2 - Lai Tân

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 4: Văn bản 2 - Lai Tân. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án ngữ văn 8 kết nối tri thức

BÀI 4: TIẾNG CƯỜI TRÀO PHÚNG TRONG THƠ

VĂN BẢN 2: LAI TÂN
(17 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Lai Tân” (tác giả, thể loại, nội dung, hoàn cảnh sáng tác,…)

Trả lời:

- Tác giả: Hồ Chí Minh

- Thể loại: thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

- Nội dung, hoàn cảnh ra đời: Trong cảnh tù đày, Hồ Chí Minh đã chứng kiến bao sự thật về xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Lai Tân là nơi mà Người đã trải qua trên con đường từ Thiên Giang đến Liễu Châu thuộc tỉnh Quảng Tây. Bài thơ mang tên địa danh nay là bài thứ 97 trong số 134 bài thơ của tập “Nhật kí trong tù”, nó cho thấy hiện trạng đen tối, thối nát của một xã hội tưởng là yên ấm, tốt lành.

 

Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tập thơ “Nhật kí trong tù”.

Trả lời:

Một vài thông tin tham khảo:

- Nhật ký trong tù (nguyên văn chữ Hán: 獄中日記; Hán-Việt: Ngục trung nhật ký) là tập thơ chữ Hán gồm 134 bài theo thể Đường luật do Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943. Ngoài ra, phần cuối văn bản là bút ký đọc sách và bút ký đọc báo ghi chép tóm tắt những thông tin quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa quốc tế và Việt Nam đương thời.

- Nhật ký trong tù không chỉ ghi những cảnh sinh hoạt trong tù, mà còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch.

- Tập thơ "Nhật ký trong tù" đã được một số nhà phê bình đánh giá. Theo BBC, không chỉ các tác giả Việt Nam và phương Tây mà ngay chính các nhân vật của Trung Quốc – quê hương của thơ chữ Hán – như Quách Mạt Nhược, Viên Ưng, Hoàng Tranh đều ca ngợi tập thơ này.

- Xuân Diệu có viết: "Thơ Nhật ký trong tù theo ý tôi, rất dễ và rất khó. Dễ là dễ hiểu, giản dị, gần gũi với mọi người, các bài có cơ sở đầu tiên ở thực tế dễ thông cảm. Nhưng nếu chưa nâng tâm trí mình lên đúng mức thì chưa thấy hết các tinh tuý ở bên trong thơ, cho nên nói là rất khó... Người xưa nói: "Đối diện đàm tâm" nghĩa là mặt nhìn mặt miệng không nói mà hai tâm hồn trò chuyện, như vậy là tinh vi lắm, là cái thứ im lặng rất cao đàm tâm được với nhau... Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh, được đào tạo trong lò hun đúc của Lênin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi, Văn Thiên Tường..."

 

Câu 3: Hãy chỉ ra bố cục của bài thơ “Lai Tân”.

Trả lời:

Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật thì bố cục của nó sẽ là mô hình “khai – thừa – chuyển – hợp”, tuy nhiên kết cấu đó không phù hợp lắm với bài thơ này. Dựa vào nội dung bài thơ, ta có thể chia làm hai phần:

- Phần 1 (3 câu đầu): tình trạng của bộ máy chính quyền vùng đất Lai Tân, Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch

- Phần 2 (câu cuối): câu kết nhấn mạnh tính chất thối nát của chính quyền này.

 

Câu 4: Hãy chọn và giải nghĩa một số yếu tố Hán Việt trong bài thơ.

Trả lời:

Ví dụ:

- giam: nhà giam

- thiên: ngày

- đổ: cờ bạc

- thôn: nuốt, chiếm đoạt

- đăng: đèn

 

Câu 5: Bài thơ “Lai Tân” thuộc thể thơ nào? Nêu những dấu hiệu giúp em nhận biết được điều đó?

Trả lời:

- Bài thơ “Lai Tân” thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Những dấu hiệu nhận diện: có 4 câu thơ, mỗi câu có 7 tiếng, niêm và luật bằng trắc đa phần được đảm bảo,…

 

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Đặc điểm về niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp, đối của thể thơ thất ngôn tứ Tuyệt đường luật được thể hiện như thế nào trong bài thơ “Lai Tân”?

Trả lời:

- Nhịp của bài thơ là 4/3.

Bài thơ đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về hình thức của thể thơ, trừ chữ thứ 6 ở câu 3 là không đúng thanh, ở đây nếu đúng thì phải là thanh trắc (T). 

 

Câu 2: Hãy nhận xét về những việc thường làm của ban trưởng và cảnh trưởng trong hai câu đầu.

Trả lời:

- Việc thường làm của ban trưởng là đánh bạc, của cảnh trưởng là ăn tiền phạm nhân bị áp giải. Ta thấy rằng đây là những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật.

- Đối với ban trưởng, cảnh trưởng, nhiệm vụ của họ phải là giữ gìn trật tự an ninh, thực thi công lí nhưng ở đây thì hoàn toàn ngược lại.

- Chú ý đến chữ “trưởng”: tác giả muốn nhấn mạnh vào cấp bậc của những con người này, nhận mạnh vào việc không phải chỉ những tên cấp dưới mới làm những việc sai trái này mà đến cả người đứng đầu cũng vậy.

Hai câu thơ phần nào tái hiện cảnh thối nát của chính quyền ở Lai Tân. Những người nắm quyền không lo trị an, bảo vệ dân chúng mà chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền, thu lợi cho bản thân.

 

Câu 3: Phải chăng sau khi chê những thói xấu của ban trưởng và cảnh trưởng, tác giả muốn dành tặng lời khen cho huyện trưởng vì đã làm việc chăm chỉ? Em thử suy đoán huyện trưởng “chong đèn” để làm việc gì.

Trả lời:

- Sau khi chê những thói xấu của ban trưởng và cảnh trưởng, tác giả không hề dành tặng lời khen cho huyện trưởng mà tiếp tục chỉ trích việc làm của ông ta. Lí do: Ta thấy sự nâng lên về sức mạnh quyền lực từ câu 1 đến câu 3: ban trưởng rồi đến cảnh trưởng và cao nhất là huyện trưởng. Từ “trưởng” tiếp tục xuất hiện. Xem xét câu 4 và xu hướng của cả bài thơ thì rõ ràng ở đây, tác giả đã ngầm ẩn ý việc làm của huyện trưởng cũng sai trái, xấu xa như ban trưởng và cảnh trưởng và có thể còn hơn thế.

- Huyện trưởng “chong đèn” làm việc gì? Vì tác giả không nói rõ nên không xác định được là ông ta làm gì. Dưới đây là một số cách nghĩ:

+ Một số người cho rằng ông ta hút thuốc phiện

+ Một số lại nói ông ta chong đèn chỉ để cho có hình thức còn bản thân ông ta thì làm việc sai trái

+ Một số nghĩ rằng ông ta làm việc công theo đúng cách thức mà quan chức vẫn làm chỉ có điều là ông ta làm những việc vi phạm pháp luật chẳng hạn như đưa ra những quyết định bắt bớ, hạch sách người vô tội,…

Hãy đưa ra ý kiến theo quan điểm và cách nhìn của em.

 

Câu 4: Giọng điệu trào phúng của câu thơ thứ ba có gì đặc biệt so với hai câu thơ đầu?

Trả lời:

- Trong hai câu thơ đầu, những việc làm sai phạm được tác giả nêu rõ nhưng trong câu thơ thứ ba, tác giả không nêu trực tiếp mà thông qua ẩn ý, tuy vậy điều đó chỉ làm tăng thêm sự châm biếm, chế giễu chứ không làm giảm đi. 

Giọng điệu trào phúng ở câu thơ thứ ba dần được nâng lên so với hai câu đầu.

 

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Các nhân vật trong bài thơ “Lai Tân” thuộc thành phần nào trong xã hội? Hãy làm rõ dụng ý của tác giả khi nhằm vào nhóm đối tượng này.

Trả lời:

- Các nhân vật trong bài thơ (ban trưởng, cảnh trưởng, huyện trưởng) đều là những người có quyền lực, thuộc thành phần quan chức quản lí xã hội.

- Tác giả nhằm vào nhóm đối tượng này với dụng ý là phô bày mạnh mẽ sự thối nát ở chính quyền, xã hội đất Lai Tân, Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch. Hãy chú ý đến từ “trưởng”: tác giả muốn chỉ thẳng vào những người đứng đầu.

 

Câu 2: Theo em, nội dung câu kết có mâu thuẫn với nội dung của các câu thơ trước không? Vì sao?

Trả lời:

- Nội dung câu kết không hề mâu thuẫn với nội dung của các câu thơ trước đó.

- Tiếng cười trào phúng của bài thơ được thể hiện rõ nét qua câu thơ này: Lai Tân vẫn thái bình như xưa.

- Ở đây ta có thể hiểu là những việc làm sai trái, phá hoại cuộc sống đó của chính quyền nơi đây đã diễn ra trong thời gian dài và cách thức đó vẫn duy trì Lai Tân “được thái bình”. 

Nói chung câu thơ cuối là một sự mỉa mai, chế nhạo đặc sắc của tác giả đối với chính quyền ở Lai Tân. Câu thơ cuối không mâu thuẫn với các câu trên mà càng lột tả, nhấn mạnh thêm tình trạng đã nói.

 

Câu 3: Hãy so sánh tính chất trào phúng trong hai bài thơ “Vịnh khoa thi Hương” và “Lai Tân”.

Trả lời:

- Giống nhau: Cả hai bài thơ đều có những đoạn nêu ra tình trạng suy đồi, mục nát, không thể chấp nhận được: 4 câu giữa trong “Vịnh khoa thi Hương” và 3 câu đầu trong “Lai Tân”.

- Khác nhau: 2 câu cuối trong “Vịnh khoa thi Hương” ít tính chất mỉa mai, châm biếm mà thiên về thể hiện cảm xúc đau xót của tác giả trong khi câu cuối ở bài “Lai Tân” kết hợp với phần trên tạo ra tính chất trào phúng mạnh mẽ hơn.

 

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) làm rõ chất trào phúng nhẹ nhàng mà sâu cay của bài thơ qua lời nhận xét: “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”.

Trả lời:

Đoạn của em cần đảm bảo được những ý sau:

- Thứ nhất là khái quát được nội dung 3 câu đầu. Vì tính chất trào phúng ở câu cuối chỉ nhẹ nhàng và sau cay khi kết hợp với các câu trên.

- Chỉ ra rằng câu cuối tưởng như là mâu thuẫn nhưng thức tế là mỉa mai, châm trích mạnh mẽ sự thối nát của chính quyền Lai Tân.

- Nhận xét về cách sử dụng từ ngữ (nếu có thể).

Đoạn văn tham khảo:

Chỉ cần lướt qua ba câu thơ đầu của “Lai Tân”, người đọc đã có thể thấy đó như một thước phim mà tác giả đang cố tái hiện lại một cách chân thực. Thước phim này chiếu lại một bộ máy cai trị ở Lai Tân gồm “ban trưởng”, “cảnh trưởng”, “huyện trưởng” với những việc làm xem ra là bình thường trong cái xã hội bấy giờ. Bình thường đến mức tầm thường! Thực tế là vậy. Một điều minh nhiên rằng cái xã hội đó sẽ không “thái bình”. Nhưng đến câu cuối bài thơ, với tất cả những sự việc như thế mà tác giả lại kết luận rằng:

“Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”

Dường như là dửng dưng và vô cùng nghịch lý. Tuy là thế nhưng tác giả đã đả kích một cách nhẹ nhàng nhưng lại thấm thía. Nhãn tự “thái bình” đồng thời vừa vạch ra một nghịch lý, vừa vẽ ra một hợp lý mang “phong cách” Tưởng Giới Thạch. Phải chăng “thái bình” là do được sự đồng lòng nhất quán từ “cảnh trưởng”, “ban trưởng” đến “huyện trưởng”. Tất cả đều như nhau, cũng thối nát, mục rữa. Lại thêm với nhãn tự “thái bình”, tác giả dường như đang khẳng định rằng tình trạng của chế độ thống trị xã hội Trung Quốc bấy giờ vẫn xảy ra bình thường, không có gì phải lạ cả, thậm chí điều đó gần như là bản chất của guồng máy cai trị ở đây. Chỉ cần như thế thôi, tác giả đã mỉa mai châm biếm cái xã hội dưới thời Tưởng Giới Thạch đó một cách sâu sắc đến vậy. Sâu sắc là bởi thi nhân đã nhìn thấy vào trong cái sự thật đã được che đậy bằng bề mặt giả tạo của bộ máy cai trị này.

 

Câu 2: Hãy nêu những điểm đặc sắc trong bài thơ “Lai Tân”.

Trả lời:

Một số điểm hay trong bài thơ mà em có thể chỉ ra:

- Sự tăng tiến về quyền lực, chức vị: quản ngục > cảnh sát > quan huyện

- Sự thối nát đi từ lộ rõ (các việc làm sai trái ở hai câu đầu) đến ẩn ý (ở hai câu sau, bản thân sự hàm ý cũng tăng lên ở câu cuối) nhưng thực chất lại càng phô bày mạnh mẽ cái xã hội không thể chấp nhận được.

- Tính chất trào phùng trong bài thơ, nhất là câu cuối.

- Sự chọn lựa những hình ảnh, nhân vật có sức phản ánh cao.



=> Giáo án dạy thêm văn 8 kết nối bài 4: Lai tân

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay