Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 8: Văn bản 2 - Đọc văn: Cuộc chơi tìm ý nghĩa

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 8: Văn bản 2 - Đọc văn: Cuộc chơi tìm ý nghĩa. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 8: NHÀ VĂN VÀ TRANG VIẾT

VĂN BẢN 2: ĐỌC VĂN – CUỘC CHƠI TÌM Ý NGHĨA
(11 câu)

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Luận đề của văn bản Đọc văn – cuộc chơi tìm ý nghĩa là gì?

Trả lời:

- Đặc điểm quan trọng của văn học là có một ý nghĩa nhưng đó là ý nghĩa tiềm ẩn.

- Con người xây dựng nên rất nhiều lí thuyết và phương pháp để nắm bắt ý nghĩa

- Ý nghĩa của văn học không chỉ nằm trong văn bản mà còn nằm trong mối liên hệ trên nhiều phương diện, nhiều góc độ, nhiều mặt giữa văn bản. Ý nghĩa đó cũng có thể nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản với cuộc đời, xã hội.

- Tác phẩm văn học và đọc văn thật sự là một hiện tượng kì diệu, thú vị

- Đọc văn là nền tảng của học văn.

Câu 2: Tác giả cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học thường không cố định. Câu văn nào trong văn bản giúp em hiểu rõ về vấn đề này?

Trả lời:

- Tác giả cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học thường không cố định. Câu văn: “Ý nghĩa văn bản không chỉ nằm trong văn bản mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản của cuộc đời.” đã giúp em hiểu rõ về vấn đề này. Tuy nhiên có thời người ta hiểu ý nghĩa văn bản là cái cố định, mang tính đơn nhất, chỉ cần ai đó có tài phát biểu một câu nắm hết hồn vía.

Câu 3: Trong văn bản, các từ ngữ như chơi trò, trò chơi, ú tim, chơi được lặp lại nhiều lần. Với những từ ngữ đó, tác giả lí giải như thế nào về việc đọc văn?

Trả lời:

Trong văn bản, các từ ngữ như chơi trò, trò chơi, ú tim, chơi được lặp lại nhiều lần. Với những từ ngữ đó, tác giả lí giải việc đọc văn cũng sẽ giống như chúng ta đang tham gia một chơi mà trò chơi đó do ta làm quản trò. Việc đó giúp xóa bỏ ranh giới giữa ta, tác giả và chính người đọc không phải đệm nhạc mà đã trở thành người chơi tác phẩm trên bản nhạc đó. Mà bản nhạc vui hay buồn còn tùy vào người chơi và chơi theo những cách khác nhau để cảm nhận và thấu hiểu được.

Câu 4: Tác giả quan niệm đọc văn là gì?

Trả lời:

Đọc văn là cuộc đi tìm ý nghĩa nhân sinh qua các văn bản thẩm mĩ của văn học bằng chính tâm hồn người đọc. 

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Trong đoạn (4) có câu: “Thưởng thức văn học cũng có quy luật.”. Câu văn đó nhắc nhở em điều gì?

Trả lời:

Trong đoạn (4) có câu: “Thưởng thức văn học cũng có quy luật.”. Câu văn đó đã nhắc nhở em về cách cảm nhận văn học một cách tuần tự giống như một bản nhạc. Chúng ta cần lắng nghe những lời nhạc từ khi bắt đầu dạo nhạc cho tới khi vào điệp khúc và tới hồi kết. Từ đó người đọc có thể thấm thía từng lời nói, từng từ ngữ của tác giả muốn giao thoa với người đọc vừa trò chuyện vừa tâm sự có sự tương tác nhất định theo từng quy luật riêng rất khác.

Câu 2: Em hãy chỉ ra mối quan hệ giữa đoạn (5) và đoạn (6). Mối quan hệ đó làm rõ ý nghĩa gì của việc đọc văn?

Trả lời:

Mối quan hệ giữa đoạn (5) và đoạn (6) làm rõ ý nghĩa của nội dung đoạn trích tập trung bàn về hai khái niệm: “tác phẩm văn học” và “đọc văn học”.

Câu 3: Vì sao có thể nói "không ai có thể đọc tác phẩm một lần là xong"? Em hãy viết đoạn văn (khoảng 7-9 câu) trả lời câu hỏi đó.

Trả lời:

Không ai có thể đọc tác phẩm một lần là xong. Bởi lẽ, ẩn sau mỗi tác phẩm văn học là những bài học mang giá trị nhân văn sâu sắc. Nó có thể được thể hiện một cách trực tiếp nhưng cũng có thể được thể hiện một cách gián tiếp qua những câu chuyện, lời nói, những câu văn, câu thơ hay từng dấu câu được tác giả sử dụng. Đọc một lần, chúng ta có thể nắm khái quát được nội dung của của tác phẩm những không một ai dám khẳng định mình hiểu sâu, hiểu kĩ từng chi tiết, dụng ý của tác giả ẩn sau những câu văn, câu thơ... Ví dụ, lần đầu đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, với số lượng câu hơn mấy nghìn chữ, nghệ thuật ngôn từ, các biện pháp tu từ... được sử dụng linh hoạt trong tác phẩm. Đọc 1 lần ta hiểu được khái quát nội dung tác phẩm. Nhưng chỉ khi đọc nhiều lần, đọc đi, đọc lại ta mới ngẫm được hết cái hay về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Vì vậy mà khi đọc một tác phẩm bất kì nào đó, chúng ta phải đọc nhiều lần, ngẫm nghĩ thật nhiều để cảm nhận được hết cái hay, cái thú vị ẩn sau mỗi tác phẩm.

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Theo em, vì sao tác giả cho rằng: “Đọc văn là cuộc đi tìm ý nghĩa nhân sinh qua các văn bản thẩm mĩ của văn học bằng chính tâm hồn người đọc. Các phương pháp chỉ là phụ trợ”.

Trả lời:

- Ý kiến trên của Trần Đình Sử muốn đề cập tới mối quan hệ giữa người đọc và tác phẩm, cụ thể là vai trò của người đọc trong việc tiếp nhận văn học. 

- Văn bản thẩm mĩ không phải là một kho chứa những ý nghĩa nhân sinh mà chỉ cần mở trang sách ra là chúng ta có thể thấy ngay được. Bởi ý nghĩa nhân sinh chỉ được rút ra sau khi người đọc đã trải nghiệm tác phẩm, đã đọc, đã nghiền ngầm, điều này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận và thế giới quan của mỗi người. Đọc văn là quá trình người đọc hòa mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng tai nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp của người nghệ sĩ sáng tạo. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn văn hoá và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật,…làm cho tác phẩm từ một văn bản khô khan biến thành một thế giới sống động, đầy sức cuốn hút.

- Các phương pháp tiếp cận, thẩm bình văn bản thẩm mĩ chỉ là công cụ giúp người đọc đi sâu hơn vào nội tại của tác phẩm. Nếu tâm hồn người đọc không phong phú, không đủ trải nghiệm thì dù có nhiều phương pháp đến đâu cũng khó để có thể cảm nhận được hết ý nghĩa nhân sinh mà tác giả gửi gắm, chỉ có thể dừng lại ở mức cảm nhận chung chung, nông cạn. 

Câu 2: Theo em, vì sao tác giả cho rằng: “Ý nghĩa của văn bản không chỉ nằm ở trong văn bản, mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản với cuộc đời”? 

Trả lời:

Hồ Chí Minh quan niệm: “Xã hội thế nào, văn học thế ấy”, văn bản nghệ thuật là sự sáng tạo – sáng tạo trên những chất liệu vốn góp nhặt được từ cuộc sống, là linh hồn, là hơi thở của cuộc đời này. Bởi vậy, ý nghĩa của văn bản hay chính là tư tưởng, tình cảm của nhiều thế hệ nhà văn cầm bút sáng tác đều bị tác động bởi hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của thời đại. 

Văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, nhưng nhà văn nào cũng sống trong một thời đại cụ thể, ít nhiều bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của thời đại đó. Tác phẩm văn học bao giờ cũng mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra nó, thời đại tạo ra nhà văn và thông qua nhà văn sáng tạo ra tác phẩm văn học. Muốn tìm hiểu những tầng ý nghĩa sâu sắc nhất của văn bản, người đọc cần phải nhận ra những ảnh hưởng sâu sắc của thời đại đối với văn học, mỗi giai đoạn văn học lại mang những đặc điểm, tính chất riêng. Hơn nữa, một trào lưu, một tác gia, một tác phẩm văn học ra đời cũng chỉ có thể xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội, văn hóa cụ thể. 

Trong nhận định của Trần Đình Sử, cuộc đời ở đây không phải là cái chung chung, trừu tượng và không hoàn toàn giống nhau cho dù những tác giả đó có sống cũng một thời đại. Có hoàn cảnh lớn, hoàn cảnh nhỏ, có đời sống rộng lớn và đời sống nhỏ hẹp. Ý nghĩa văn bản cũng phụ thuộc vào năng lực của người viết, mỗi tác giả lại bắt rễ vào một môi trường nào đó của đời sống xã hội, phụ thuộc vào tầm cỡ của tác giả đó xem họ phản ánh sâu sắc vấn đề lớn đến đâu, động chạm đến những vấn đề sống còn nào của xã hội. 

Câu 3: Theo em, việc đọc văn có vai trò như thế nào đối với mỗi người?

Trả lời:

- Đọc các tác phẩm văn học vĩ đại giúp rèn luyện trí tưởng tượng. Có những câu chuyện khiến ta thấy thích thú; thật thú vị khi được gặp gỡ những nhân vật và sống trong thế giới của họ, được cùng họ đắm chìm trong hạnh phúc và khổ đau. Thực tế mà nói, một trí tưởng tượng phong phú  có thể giúp ta nhận thức được chân lý, đưa ra những đánh giá đúng đắn và đối mặt với những vấn đề phức tạp của cuộc sống theo một cách sáng tạo hơn. Nó còn hỗ trợ chúng ta trong việc xây dựng tư duy logic và lý luận tốt hơn.

- Đọc văn học đưa chúng ta đi xuyên không gian và thời gian. Tiếp xúc với những nhân vật ở bối cảnh như vậy sẽ xóa dần đi sự thiếu hiểu biết của ta. Mark Twain từng nhận xét rằng, “Những chuyến du hành sẽ chấm dứt định kiến, sự nông cạn và cố chấp. Thế giới rộng lớn, vĩ đại và nhân từ ngoài kia sẽ không thể được lĩnh hội bằng cách rúc mình cả đời trong một góc nhỏ trên trái đất.”. Văn học đã đóng vai trò như một chuyến tàu vô giá cho hành trình khám phá của ta.

- Đọc văn học cho phép chúng ta nhìn nhận thế giới qua con mắt của những người khác. Nó rèn luyện tâm trí trở nên linh hoạt, biết đón nhận những quan điểm khác nhau - để tạm gác quan điểm cá nhân sang một bên và nhìn nhận thế giới qua đôi mắt của một người đến từ một thời đại, tầng lớp hay dân tộc hoàn toàn khác. Đọc văn học giúp nuôi dưỡng và phát triển khả năng thấu hiểu của con người.

- Những tác phẩm văn học vĩ đại đã đóng một vai trò nền tảng trong quá trình định hình xã hội.

- Đọc văn học thúc đẩy tư duy và nhận thức, đồng thời cải thiện năng lực ngôn ngữ cũng như mở rộng vốn từ. Tiếp xúc với những văn bản như thế này đòi hỏi một tâm trí cởi mở, nhạy bén để có thể đáp ứng và duy trì những tiến trình tư duy phức tạp hơn. 

- Cuối cùng, văn học giúp ta hiểu hơn về chính bản thân mình - hay nói ngắn gọn, để thấu hiểu con người, bởi chủ thể của văn học là con người. Trong từng trang sách, ta sẽ được học về khả năng sáng tạo và bản chất đạo đức của mình, về sự nhận thức, và quan trọng nhất, tâm hồn con người. Ta thấy được con người ở đỉnh cao của vinh quang và tận cùng của sự ngu dốt - với sự đan xen của từng ý nghĩ, hành động, cảm xúc và niềm tin nhuốm màu khổ đau. Hay nói cách khác, văn học là tấm gương phản chiếu bản năng con người, nó hé lộ những khía cạnh phức tạp và sâu thẳm bên trong, những đức hạnh cũng như thói xấu; và hơn thế nữa, nó là tấm gương phản ánh cả một thời kỳ văn hóa, soi chiếu hình thù và đặc tính của cả một thời đại.

4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 11: Theo em, phê bình văn học trải qua mấy giai đoạn chính? Nêu cụ thể tên từng giai đoạn đó.

Trả lời:

Phê bình văn học nhân loại, đến nay, được các nhà nghiên cứu xác nhận là đã trải qua ít nhất là ba giai đoạn chính:

  1. Giai đoạn truyền thống, tiếp cận tác phẩm từ tác giả.
  2. Giai đoạn tiền hiện đại, tiếp cận tác phẩm từ chính bản thân tác phẩm.
  3. Giai đoạn hiện đại và hậu hiện đại, tiếp cận tác phẩm từ độc giả. 

Tương ứng với các giai đoạn trên là sự tồn tại của hai hệ hình nghiên cứu: từ tác giả sang tác phẩm và từ tác phẩm sang độc giả trên cơ sở thay đổi hiện thực cuộc sống, đối tượng văn học, quan niệm triết mỹ, môi trường văn hóa, sự vận động của ngôn ngữ, phương pháp tư duy cũng như thay đổi phương pháp sáng tác và phê bình...

=> Giáo án Ngữ văn 8 kết nối Bài 8 Văn bản 2: Đọc văn - cuộc chơi tìm ý nghĩa

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay