Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 8: Văn bản 3 - Xe đêm (trích)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 8: Văn bản 3 - Xe đêm (trích). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 8: NHÀ VĂN VÀ TRANG VIẾT

VĂN BẢN 3: XE ĐÊM
(11 câu)

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Hãy trình bày hiểu biết của em về về tác giả Côn-xtan-tin Pau-tốp-xki và văn bản Xe đêm (hoàn cảnh ra đời, thể loại, nội dung,......).

Trả lời:

*Tác giả: 

- Côn-xtan-tin Pau-xtốp-xki sinh ngày 31 tháng 5 năm 1892, mất ngày 14 tháng 7 năm 1968. Ông là nhà văn Nga nổi tiếng.

- Bố ông là một nhân viên đường sắt gốc Cossack Zaporizhia, còn mẹ ông xuất thân từ một gia đình trí thức người Ba Lan vì vậy gia đình nhà Paustovsky sử dụng cùng lúc ba thứ tiếng, tiếng Nga, tiếng Ba Lan và tiếng Ukraina.

- Côn-xtan-tin Pau-xtốp-xki được đề cử giải Nobel Văn học bốn lần: vào các năm 1965, 1966, 1967 và 1968, nhưng ông chưa bao giờ trở thành người đoạt giải.

- Truyện ngắn của ông mang chất thơ nhẹ nhàng, tinh tế, khơi dậy ở người đọc sự rung cảm trước những vẻ đẹp bình dị, khuất lấp, dễ bị lãng quên trong cuộc sống.

*Tác phẩm:

- Là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Pau-tốp-xki

- Thể loại: Truyện ngắn

- Phương thức biểu đạt: Tự sự

- Nội dung chính: “Xe đêm” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Pau-xtốp-xki. Truyện gửi gắm thông điệp về sức mạnh của trí tưởng tượng và ảnh hưởng của nó trong văn chương cũng như trong đời sống.

Câu 2: Chân dung nhân vật An-đéc-xen hiện lên qua những chi tiết nào? 

Trả lời:

Chân dung nhân vật An - đéc - xen được hiện lên qua những chi tiết: 

- Chàng rất xấu trai và tự mình biết trước điều đó.

- Chàng cao kều và nhút nháy

- Tay chân lòng thòng như con rối xâu dây mà ở quê chàng trẻ con gọi là "ham - pen - man" 

Câu 3:  An-đéc-xen đã tiên đoán như thế nào về tương lai của các cô gái mới quen?

Trả lời:

An-đéc-xen đã tiên đoán về tương lai các cô gái mới quen: "Nếu chẳng may có chuyện gì không lành xảy ra với người yêu cô, cô sẽ đắn đo suy tính, lên đường, vượt qua ngàn dặm, qua núi tuyết và sa mặc khô cằn, để gặp chàng, cứu chàng khỏi cơn nguy nan.

Câu 4: Tác giả cho rằng những thứ vặt vãnh do trí tưởng tượng lượm nhặt được có đặc tính gì?

Trả lời:

Chúng làm sống dậy quá khứ, hồi sinh trọn vẹn tâm trạng từng trải nghiệm trong giây phút nhặt mảnh vỡ nào đó từ một bức tranh ghép, một chiếc lá du hay một chiếc vòng sắt móng lừa. 

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Theo em, nghệ thuật của đoạn trích Xe đêm có gì nổi bật?

Trả lời:

Qua đoạn trích Xe đêm, chân dung nhân vật An - đéc - xen được hiện lên qua rất nhiều chi tiết chân thực. Những câu chuyện của An-đéc-xen đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả. Bằng trí tưởng tượng lãng mạn, phong phú, An-đéc-xen đã sáng tạo nên một thế giới huyền bí nhưng vẫn rất gần gũi với con người, với cuộc sống thường ngày. Trong đoạn trích Xe đêm chủ yếu sử dụng nhiều yếu tố tưởng tượng, truyện lồng trong truyện tạo lên một câu chuyện không có hồi kết và liên kết đến cuộc sống của mỗi con người là một câu chuyện là mang tới rất nhiều bài học ý nghĩa cho người đọc.

Câu 2: Theo An-đéc-xen kể lại, ông đã mang đến niềm vui cho cháu bé trong gia đình kiểm lâm xứ Giuýt-len. Em có đồng tình với ý kiến “trái tim bé sẽ không dễ bị trơ lì như với những người chưa từng chứng kiến chuyện cổ tích như thế” không? Vì sao?

Trả lời:

- Theo tác giả An-đéc-xen kể lại, ông đã mang đến niềm vui cho cháu bé trong gia đình kiểm lâm xứ Giuýt- len. Em đồng tình với ý kiến "trái tim bé sẽ không dễ bị trơ lì như với những người chưa từng chứng kiến chuyện cổ tích như thế".

- Bởi vì, ông luôn mong muốn mang tới những kỉ niệm đẹp để hàn gắn vào tuổi thơ của những đứa trẻ và khi ông nói như vậy là muốn hướng tới một tâm hồn với những kỉ niệm thơ ấu rực cháy và những sự mất mát là do chú lùn giấu đi hoặc họ chưa tìm kiếm ra.

Câu 3: Theo em, An-đéc-xen có những phẩm chất gì?

Trả lời:

Em có thể dựa theo những ý sau:

- Nhân hậu, tốt bụng, hào phóng

- Lạc quan, yêu đời

- Có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, dồi dào và sáng tạo

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Qua đoạn trích, em nhận ra tình cảm, thái độ gì của nhà văn Pau-xtốp-xki đối với nhà văn An-đéc-xen?

Trả lời:

An-đéc-xen là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Những câu truyện cổ An-đéc-xen đã chinh phục được hàng triệu trái tim độc giả. Những câu chuyện của ông luôn được các bạn nhỏ khắp nơi trên thế giới hoan nghênh, thích thú. Các nhân vật trong truyện của ông đôi khi ở trong những hoàn cảnh rất thương tâm, tuy vậy truyện của ông vẫn luôn lấp lánh thứ ánh sáng lãng mạn kì ảo, kết thúc có hậu, mang đến cho bạn đọc niềm tin và tình yêu đối với cuộc sống. Qua đoạn trích Xe đêm, em cảm nhận được tình cảm, thái độ của nhà văn Pau-xtốp-xki đối với nhà văn An-đéc-xen vô cùng chân thực, dường như đây là tâm tư và suy nghĩ của ông dành cho chính bản thân mình. Trong câu chuyện ông dành một sự ưu ái cũng như một mong muốn khát khao là chữa lành cho cuộc sống và con người, đặc biệt là những đứa trẻ. Vì vậy, tình cảm Pau-xtốp-xki dành cho nhà văn An-đéc-xen vô cùng chân thực, nồng cháy và chân thành, gần gũi với cuộc sống hiện thực.

Câu 2: Phân tích nhân vật An-đéc-xen trong văn bản Xe đêm (trích)

Trả lời:

Em có thể dựa theo những ý sau đây:

* Ngoại hình: An-đéc-xen có ngoại hình không quá nổi bật, ông được miêu tả có trán cao, hơi ngả về đằng sau, người “cao kều và nhút nhát”, “tay chân lòng thòng như con rối xâu dây mà ở quê chàng trẻ con gọi là ham-pen-man” và tự biết mình “xấu trai”. Tuy nhiên, trong thế giới cổ tích của mình, lúc nào ông cũng hình dung mình “đẹp trai, trẻ trung, hoạt bát”, ông tả với các cô gái như thể ông là một chàng trai trẻ hấp dẫn và đáng yêu. Mặc dù vậy, trong thực tế An-đéc-xen vẫn buồn, “trái tim cũng đau thắt” khi những cô gái trẻ thường đi qua ông “như một cái cột đèn vô tri vô giác” bởi ngoại hình xấu trai. 

* Tính cách, phẩm chất:

- An-đéc-xen là một người hào phóng, tốt bụng và lịch sự: 

+ Khi biết người lái xe không muốn cho các cô gái đến một thị trấn bởi không hài lòng với khoản tiền họ trả, ông đã chủ động đề nghị “trả nốt số tiền thiếu” và “sẽ trả thêm” nếu người lái xe “thôi không ăn nói thô lỗ với khách và lảm nhảm vớ vẩn”.

- Sự xuất hiện của ông ở đầu đoạn trích trong tâm thế đang tưởng tượng, ông có cái thú “lượm lặt trong những chuyến đi đủ thứ vặt vãnh” mà Pau-tốp-xki cho rằng đây là thói quen của những người “có trí tưởng tượng sống động”. Dường như việc “lượm lặt” là bản năng của một nhà văn, một người sáng tác. Nhà văn chân chính phải có một trực giác nhạy bén, một tâm hồn giàu cảm xúc, một tấm lòng rộng mở để đón nhận những âm vang của đời sống, quan tâm thường xuyên và sâu sắc với những gì đang diễn ra xung quanh mình dù chỉ được gợi lên từ những thứ nhỏ bé như “mảnh vỡ từ một bức tranh ghép”, “một chiếc lá du” hay “một chiếc vòng sắt móng lừa”. Nhà văn đến với công việc sáng tạo bằng một tâm hồn giàu cảm xúc nhưng cũng không thể thiếu một khả năng quan sát tinh tế, rộng rãi bởi cuộc sống hết sức phong phúc, người viết phải thật tinh tế mới phát hiện những ý nghĩa sâu xa, tiềm ẩn trong sự vật, hiện tượng. 

-  An-đéc-xen tự nhận mình là một nhà “tiên tri” nhưng không phải là “một thầy bói bịp bợm”. Cách ông giới thiệu quê hương của mình cũng rất đặc biệt, An-đéc-xen đã tự nhận rằng mọi người có thể coi ông “là một hoàng tử bất hạnh từ cái xứ sở xưa kia Hăm-lét từng sống”. Nhắc tới nhân vật hoàng tử Hăm-lét trong vở kịch bi kịch nổi tiếng cùng tên của Sếch-xpia, Hăm-lét trong truyện là hoàng tử Đan Mạch. 

- Thứ mà An-đéc-xen nhìn thấy trong bóng tối là vẻ đẹp của những cô gái trên chuyến xe đêm mà ông cho là “thấy rõ đến nối trái tim tôi tràn đầy tình cảm ngưỡng mộ vẻ đẹp kiều diễm của cô”. Khi nói điều đó, An-đéc-xen cảm thấy “mặt mình lạnh toát”, là trạng thái quen thuộc khi ông sáng tác những bài thơ hay truyện cổ tích”. Phải chăng đây chính là sự rung động trước cái đẹp, là sự nhạy cảm của tâm hồn nhà văn với cái đẹp đang hiện hữu trước mắt? Cảm xúc ấy được Pau-tốp-xki miêu tả là “sự hòa trộn của một thoáng ưu tư, một dòng tuôn chảy những từ ngữ chẳng rõ từ đâu tới, một cảm nhận bất ngờ về sức mạnh của thi ca, về quyền lực của mình với trái tim con người”. Bản thân An-đéc-xen cũng không biết gọi trạng thái ấy là gì, có người gọi là “cảm hứng sáng tạo”, có người lại gọi là “ứng tác xuất thần”. Hê-ghen và Bi-ê-lin-xki đều dùng từ “cảm hứng” để chỉ trạng thái hưng phấn cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả. Đọc một tác phẩm văn học tựa như sự thưởng thức những kì quan của cái đẹp, bởi ngòi bút của nhà văn bao giờ cũng chịu sự chi phối của cái đẹp, khao khát chiếm lĩnh những vẻ đẹp cao cả của cuộc sống. Khi bắt gặp một cô gái xinh đẹp, An-đéc-xen đã không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ và rung động của mình. Thậm chí, khi ông mến mộ sắc đẹp của Ma-ri-ra, ông cũng không ngần ngại mà ngợi ca mặc dù “nói tiếng Ý không thạo” vì An-đéc-xen lúc thiếu thời “đã nguyện với thần thi ca rằng tôi sẽ ca tụng cái đẹp ở bất cứ nơi nào” ông gặp. Có thể nói, nếu văn học và hiện thực là “hai đường tròn đồng tâm” thì tâm điểm ấy chính là con người được soi chiếu qua lăng kính của cái đẹp. 

- Tài năng của An-đéc-xen thể hiện rõ nhất qua việc ông không chỉ quan sát vẻ đẹp ngoại hình của các cô gái mà ông còn có thể nhìn sâu và thấu tỏ tâm hồn của họ. Ông miêu tả Ni-cô-li-na là cô gái có “trái tim nồng nhiệt”, sẵn sàng “vượt ngàn dặm, qua núi tuyết và sa mạc khô cằn” để gặp và cứu nếu người yêu gặp cơn nguy khốn. Còn với Ma-ri-na, ông cho rằng cô là người “bản tính kín đáo”, “dấu trong lòng một niềm đam mê bỏng cháy” nhưng An-đéc-xen cho rằng những người phụ nữ như thế “hoặc rất buồn, hoặc là rất hạnh phúc”. 

- Những lời tiên đoán của An-đéc-xen dành cho các cô gái là khác nhau nhưng đều có chung một điểm là họ sẽ tìm được hạnh phúc cho chính mình, đó cũng là kết thúc thường thấy trong chuyện cổ tích khi người tốt sẽ luôn có kết thúc có hậu, có một cuộc sống tốt đẹp dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả. 

-  An-đéc-xen tự nhận mình là “một nhà thơ lang thang”, công việc duy nhất của ông là “là ra những món quà nhỏ bé tặng mọi người và có những hành vi nông nổi” cốt sao cho những người gần gũi được vui”. Ông đã kể câu chuyện giấu kẹo bọc giấy và quả chà là, hoa hay bao tay và một dải băng lụa dưới những gốc cây nấm để tạo bất ngờ cho con gái người gác rừng và nói dối rằng những thứ ấy “là do những chú lùn cất giấu”. Mọi người nghe những tiên đoán và câu chuyện An-đéc-xen kể đều cho là ông “nhện độc cắn” nên mất trí, “lời lẽ điên rồ”, gây nên “một tội lỗi lớn” vì đã đánh lừa “một sinh thể ngây thơ”. Nhưng An-đéc-xen vẫn quả quyết rằng cô bé ấy sẽ không dễ bị trơ lì như những người “chưa từng chứng kiến chuyện cổ tích”. Khi thực tại không còn là những giấc mơ, miền cổ tích chính là nơi hạnh phúc luôn ngự trị ở đó. Ông luôn mong muốn mang tới những kỉ niệm đẹp để hàn gắn vào tuổi thơ của những đứa trẻ và khi ông nói như vậy là muốn hướng tới một tâm hồn với những kỉ niệm thơ ấu rực cháy và những sự mất mát là do chú lùn giấu đi hoặc họ chưa tìm kiếm ra. Tâm hồn trẻ thơ tựa như một tờ giấy trắng, thứ mà ông tạo ra cho cô bé ấy là mảng kí ức tươi đẹp và diệu kì để cô bé lớn lên với một tâm hồn phong phú, một trái tim biết rung động. 

Câu 3: Truyện cổ An-đéc-xen đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả. Theo em, trí tưởng tượng đã giúp ích như thế nào cho An-đéc-xen trong việc viết truyện cổ tích?

Trả lời:

Truyện cổ An-đéc-xen đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả. Trong việc viết truyện cổ tích, trí tưởng tượng đã giúp ích cho An-đéc-xen rất nhiều, cụ thể là:

+ Bằng trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, ông đã sáng tạo nên một thế giới huyền ảo mà vẫn rất gần gũi với con người, với cuộc sống thường ngày.

+ Ông quan niệm rằng: “Không có truyện kể nào hay hơn được những điều do chính cuộc sống tạo nên”.

+ Nhà văn Nguyễn Tuân đã có nhận định về truyện An-đéc-xen: “Một em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn An-đéc-xen thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình yêu thương và lòng công bằng…”.

4. VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 11: Qua hình tượng An-đéc-xen, em thấy trí tưởng tượng, sáng tạo có vai trò như thế nào trong quá trình sáng tác của nhà văn?

Trả lời:

Trí tưởng tượng sáng tạo là dấu hiệu quan trọng nhất của tài ba nghệ thuật, là một trong những sức mạnh chủ yếu của quá trình sáng tác nghệ thuật. Năng lực tưởng tượng tồn tại trong mỗi con người mà theo Lê-nin thì tưởng tượng là phẩm chất có giá trị vĩ đại nhất. Tưởng tượng là ước đoán, là mơ ước, là đoán định, là vượt lên phía trước. Nếu không có tưởng tượng, con người không sáng tạo ra được gì hết và do đó không thể tồn tại và phát triển được. 

Đối với sáng tạo nghệ thuật, tưởng tưởng là đặc biệt quan trọng. M.Gorky coi sức tưởng tượng như là một trong những biện pháp quan trọng nhất của kĩ thuật xây dựng hình tượng trong một tác phẩm văn học. Hay Viat-se-xlap Xi-khốp từng nói:”Nếu không có tưởng tượng thì không có nghệ thuật”. Từ dòng thác của những cảm xúc, những điều quan sát về hiện thực, trí tưởng tượng vẽ nên những hình tượng có tính sáng tạo của hư cấu, Nhờ trí tưởng tượng, hình tượng nghệ thuật hư cấu trở nên đúng hơn và chân thực hơn của sự thật cuộc sống. Nếu không có trí tưởng tượng, văn học sẽ trở thành sao chép cuộc sống một cách máy móc, vụn vặt, tẻ nhạt, là ghi lại những biểu hiện bên ngoài của hiện thực. 

=> Giáo án Ngữ văn 8 kết nối Bài 8 Văn bản 3: Xe đêm (trích)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay