Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối bài 9: Văn bản 3 - Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 9: Văn bản 3 - Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 Kết nối tri thức.

BÀI 9: HÔM NAY VÀ NGÀY MAI

VĂN BẢN 3: DIỄN TỪ ỨNG KHẨU CỦA THỦ LĨNH DA ĐỎ XI-ÁT-TƠN
(12 câu)

1. NHẬN BIẾT (4 câu)

Câu 1: Tóm tắt văn bản Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn.

Trả lời:

Đối với người da đỏ, đất đai, cùng với mọi vật liên quan với nó - bầu trời, không khí, dòng nước, động vật, thực vật - là thiêng liêng.Cách đối xử của người da trắng mới nhập cư đối với đất là hoàn toàn đối lập với người da đỏ, nếu người da đỏ buộc phải bán đất thì người da trắng cũng phải đối xử với đất như người da đỏ. “Đất là mẹ” của loài người, điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra với những đứa con của đất, vì vậy cần phải biết kính trọng đất đai.

Câu 2: Những điều thiêng liêng trong kí ức của người da đỏ là gì?

Trả lời:

Đối với người da đỏ, mỗi tấc đất là thiêng liêng. Mảnh đất là bà mẹ của người da đỏ

- Những bông hoa là người chị, người em của người da đỏ.

- Dòng nước óng ánh, êm ả là máu của tổ tiên người da đỏ.

- Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông chúng tôi.

Câu 3: Sự khác nhau giữa người da đỏ và người da trắng trong cách đối xử giữa đất đai và thiên nhiên là gì?

Trả lời:

- Đối với người da trắng:

+ Họ coi mảnh đất này là kẻ thù và khi chinh phục được thì họ sẽ lấn tới.

+ Họ cư xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những vật mua được, tước đoạt được, rồi bán đi.

+ Ở thành phố người da trắng không có nơi nào yên tĩnh.

+ Người da trắng không để tâm đến bầu không khí họ đang hít thở.

- Người da đỏ: 

+ Họ ưa những âm thanh êm ái của những cơn gió thoảng qua trên mặt hồ.

+ Đối với họ không khí là quý giá.

+ Người da trắng phải đối xử với các muông thú như những người anh em

Câu 4: Những lời kiến nghị nào được nhắc tới ở phần cuối của bức thư?

Trả lời:

Ở phần cuối của bức thư, tác giả đã đưa ra những lời kiến nghị có ý nghĩa sâu sắc:

- Cách ứng xử của người da trắng hoàn toàn đối lập với cách ứng xử của người da đỏ đối với đất đai và thiên nhiên.

- Đòi hỏi Tổng thống Mĩ phải dạy con cháu biết kính trọng đất đai vì sự giàu có của đất đai là do nhiều mạng sống của người da đỏ bồi đắp nên.

- Đòi hỏi Tổng thống Mĩ phải khuyên bảo con cháu coi đất như là Mẹ vì bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng chính là bảo vệ cho đời sống của con người.

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Nêu giá trị nội dung của văn bản Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn.

Trả lời:

Qua bức thư trả lời yêu cầu mua đất của Tổng thống Mĩ Phreng – klin, thủ lĩnh người da đỏ Xi-át-tơn, đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa toàn nhân loại: Con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, phải chăm lo bảo vệ môi trường và thiên nhiên như bảo vệ mạng sống của chính mình.

Câu 2: Trong đoạn văn tác giả đã sử dụng phép so sánh và nhân hoá, hãy chỉ ra các phép tu từ đó và nêu tác dụng.

Trả lời:

* Các phép nhân hóa:

Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ ( dùng để gọi sự vật trong thiên nhiên )

Những bông hoa ngát hương là người chị, người em ( dùng để gọi sự vật trong thiên nhiên )

Người da đỏ, mỏm đá, vũng nước, chú ngựa “đều cùng một gia đình” ( dùng để tả hiện tượng thiên nhiên.)

* Các phép so sánh được sử dụng:

Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối là máu của tổ tiên.

Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông.

* Tác dụng của các phép tu từ

Những hình ảnh so sánh và nhân hóa trên cho ta thấy rõ sự gắn bó máu thịt ngàn đời của người da đỏ với thiên nhiên. Con người với thiên nhiên được thể hiện gắn bó hết sức thân thiết, như là chị em, như là con người trong một gia đình, như là con cái với người mẹ. Cha ông, tổ tiên của người da đỏ tồn tại trong thiên nhiên, trong những dòng nước, trong âm thanh của côn trùng và nước chảy. Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều cùng chung một gia đình.

 

Câu 3: Em hiểu thế nào về câu nói của thủ lĩnh da đỏ: "Đất là Mẹ"

Trả lời:

Câu nói "Đất là Mẹ" nhấn mạnh quan hệ mật thiết gắn bó của người với đất:  con người sống được là nhờ có đất đai. Đất đai cho con người nơi trú ngụ. Đất là nguồn sống, là sự chở che, bảo vệ con người. Đất đai nuôi sống cây cỏ, thú vật và các thứ này lại nuôi sống con người. Trên mặt đất còn có những dòng suối, con sông cho con người nguồn nước và nguồn thủy sản... Tóm lại nhờ có đất con người mới sống được. Đất đai tựa như người Mẹ đã sinh ra con người. Những con người phải có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, bảo vệ Đất., cần có thái độ cư xử đúng đắn với đất đai.

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Tại sao Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn cách đây hơn một thế kỉ vẫn được xem là một trong những văn bản hay nhất nói về môi trường?

Trả lời:

Đây là một bức thư rất nổi tiếng, cách đây hơn một thế kỉ vẫn được xem là một trong những văn bản hay nhất nói về môi trường. Bởii lẽ, ngày nay khi xã hội phát triển, con người chạy đua công nghệ, ra sức phát triển kinh tế. Đất đai ngày càng bị ô nhiễm, xói mòn và dường như bị "bỏ mặc" không được quan tâm và sử dụng đúng cách. Dẫu là trong quá khứ hay hiện tại thì đất đai vẫn là nguồn tài nguyên quý giá và quan trọng đối với đời sống của con người và là lãnh thổ của một dân tộc. 

Tác giả đã viết với tất cả các tình yêu mến, kính trọng đất đai của người da đỏ. Qua bức thư này, người da đỏ đã bày tỏ lòng quý trọng thiên nhiên, sự gắn bó của con người và bầu trời, mặt đất, các dòng sông, muôn loài cỏ cây và muông thú. Họ đã tỏ rõ ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sông và họ hiểu sâu sắc rằng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống cũng chính là bảo vệ cuộc sống của con người. Đó là những thông điệp quý giá và luôn có ý nghĩa trong mọi thời đại

Câu 2: Cụm từ "Tôi là kẻ hoang dã" được lặp lại nhiều lần trong bức thư có ý nghĩa như thế nào ?

Trả lời:

- Thể hiện sự khiêm tốn của vị thủ lĩnh.

- Nhấn mạnh sự khác biệt của về lối sống của người da trắng và da đỏ.

- Nói lên người da đỏ chỉ biết một cách sống là hoà hợp với thiên nhiên.

Câu 3: Phân tích tác phẩm Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn.

Trả lời:

Bảo vệ thiên nhiên và môi trường hiện nay là vấn đề sống còn đối với nhân loại. Tất nhiên phải có sự đồng thuận và những biện pháp có tính chất chiến lược toàn cầu. Song, để có được những hành động kịp thời và hiệu quả ấy, con người phải tự đổi mới về nhận thức. Bức thư của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn góp phần tích cực vào tư tưởng, tình cảm của chúng ta trên phương diện vừa nêu.

"Đất là mẹ". Luận điểm quan trọng này chạy suốt bài văn, và riêng ở phần đầu bức thư, nó mở ra một quan niệm hoàn toàn mới mẻ. Vì sao "mỗi tấc đất là thiêng liêng", nghĩa là một khái niệm vật chất đã được tinh thần hoá ? Vì một mặt, "mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương..." đối với người dân da đỏ đã trở nên không khí trong lành để sống, để hít thở hằng ngày. Và một mặt khác, nó là trí tuệ, là khái niệm. Đất vừa là không gian vừa là thời gian, và tất cả điều này đã trở nên máu thịt: "Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó kí ức của người da đỏ". Câu văn chân thành như một lời tâm niệm, một tiếng nói trung thực tha thiết của lương tâm. Hình ảnh bà mẹ trở đi trở lại nhiều lần ở đoạn văn nhằm khẳng định quan hệ huyết thống, mà khi đã có quan hệ huyết thống thì không thể chia cắt, tách rời: "Chúng tôi là một phần của mẹ, và mẹ cũng là một phần của chúng tôi". Người với bông hoa là chị, là em: người với mỏm đá, vũng nước,... đều cùng chung một gia đình. Dòng nước đâu chỉ là những giọt nước, nó là "máu của tổ tiên chúng tôi". Tiếng thì thầm của nó chính là "tiếng nói của cha ông chúng tôi". Luận điểm quan trọng này một mặt phản ánh quan hệ cộng sinh giữa con người với môi trường sống từ buổi sơ khai, nhưng một mặt nó xác nhận một quy luật trường tồn: con người muốn tồn tại, phải dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Và như thế, đồng thời nó dự báo những nguy cơ: con người sẽ tự huỷ diệt nếu những khế ước thiêng liêng giữa con người với môi trường đã được thiết lập một cách tự nhiên bị xâm phạm. Và không dưới hai lần, khế ước tinh thần ấy được gọi tên một cách nôm na là "kí ức của người da đỏ".

Trên cơ sở ấy, tác giả bức thư gay gắt phê phán lối sống thực dụng của "người da trắng" đã và đang phá vỡ mối quan hệ vốn thân thiện giữa con người với đất, với thiên nhiên. Họ đã thay thế quan hệ gia đình bằng quan hệ sở hữu, quan hệ chiếm đoạt. Lấy lợi nhuận làm thước đo, con người tàn bạo, ích kỷ và tham lam tự biến mình thành con thú: "Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc". Thế giới mà người da trắng tạo ra là những thành phố rất trái với tự nhiên ở chỗ: "chẳng có nơi nào yên tĩnh cả, chẳng có nơi nào là nghe được tiếng lá cây lay động vào mùa xuân hay tiếng vỗ cánh của côn trùng". Thế là: biến đất đai thành vật bán mua, biến nông thôn thành đô thị, nhưng quá quắt hơn, họ biến bầu không khí vốn là của chung, của muông thú, cỏ cây, cả người da trắng cũng cùng sẻ chia "hít thở bầu không khí đó" thành đối tượng chẳng đáng quan tâm. Điều đáng nói ở đây, cũng thật vô lý ở đây: tác giả bức thư lưu ý cả đến quyền lợi của những người đi chinh phục, trong lúc chính kẻ đi chinh phục lại chẳng đoái hoài. "Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ". (Ở đoạn trước: những âm thanh của mùa xuân đối với họ không có ý nghĩa gì hơn là những tiếng ồn ào lăng mạ trong tai). Cách lập luận dẫn đến cao trào khi người viết bức thư so sánh hai hình ảnh một thuộc về thiên nhiên, còn một thuộc về nền văn minh hiện đại: "con trâu rừng" và "con ngựa sắt nhả khói". Nếu xét về phương diện ích lợi trong giao thông thì: "con ngựa sắt nhả khói" là vô địch, là niềm tự hào. Nhưng nếu chỉ cần đến nó mà bắn bỏ những con trâu rừng thì khi đoàn tàu chạy qua lại là một hành vi tự sát. Câu văn sau đây vượt qua sự khập khiễng của biện pháp so sánh thông thường để đạt đến một sự tiên tri, minh triết: "Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống". Một câu hỏi không có hồi âm vì không thể có một cách nào đó trả lời, vậy bản thân nó đã là chân lý, một sự thật hiển nhiên.

Phần kết của bức thư cũng như phần quan trọng phía trên không bị ràng buộc bởi nghi thức bán mua thông thường một vùng đất có thể còn rất hoang vu. Cái chính là thái độ của con người trước sau đối với đất ra sao ? Về chủ sở hữu, nó có thể thuộc về người da trắng, nhưng "Ngài phải dạy con cháu rằng mảnh đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi", mảnh đất ấy "do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên", nghĩa là mồ mả tổ tiên của người da đỏ. Nhưng cái chính cũng chưa hẳn đã là như thế ! Dù chủ sở hữu là ai, đối với người da đỏ và người da trắng: "Đất là Mẹ". Đã là mẹ, đất sẽ yêu thương đùm bọc mọi đứa con mình. Nhưng có điều: đừng có một ai xúc phạm tới đất đai. Bởi "Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất".

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 11: Bằng những hiểu biết của em, hãy nêu cảm nhận về cuộc sống tôn thờ thiên nhiên của người da đỏ. 

Trả lời:

Người da đỏ là cộng đồng người dân bản địa sống tại Hoa Kỳ từ hàng nghìn thậm chí hàng triệu năm trước. Họ là những người dân du mục được cho là đến từ châu Á. Văn hóa của những người Mỹ bản địa có lịch sử đến hàng trăm năm và được phát triển cùng với thiên nhiên. Mọi yếu tố trong cuộc sống người dân da đỏ đều được dựa trên sự phát triển của Trái đất. Các bộ tộc người da đỏ tôn thờ linh hồn của các loài động vật như những vị thần. Tuy nhiên họ vẫn giết thịt chúng để làm thực phẩm và quần áo. Họ sẽ không bao giờ bỏ phí bất cứ phần nào của các loài động vật, họ ăn thịt, dùng lông làm áo, sử dụng da làm trống và xương để chế tạo nên các công cụ, vũ khí. Những người da đỏ tin rằng, linh hồn các loài động vật sẽ sống mãi cùng linh hồn bộ lạc. Họ chạm khắc những "totem" hình mặt thú trên khúc gỗ để biểu trưng cho linh hồn người thân trong gia đình hay nhân vật quan trọng trong bộ tộc. Người da đỏ tin rằng mỗi người đều mang linh hồn của một loài động vật nhất định. Khi họ chết đi, linh hồn của họ sẽ sống trong con vật đó. Họ coi thiên nhiên là một món quà của thượng đế và luôn quan niệm rằng, cần phải tôn kính và quý trọng thiên nhiên.

Câu 12: Em đã đọc những tác phẩm nào viết về người da đỏ? Kể tên và nêu cảm nghĩ của em về những tác phẩm đó.

Trả lời:

Tác phẩm viết về người da đỏ mà em đã đọc là: “Không nhà” – Tommy Orange

“Không Nhà” nói lên sự thật về câu chuyện của người Mỹ bản địa, nhưng không phải là bức tranh với những người thổ dân cưỡi ngựa, mang cung tên bên mình. Thay vào đó là cuộc đấu tranh của những người Mỹ bản địa trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự vật lộn của từng cá nhân để tiếp tục tồn tại. Tác giả không ngay trực tiếp đưa người đọc vào câu chuyện của mình mà ông đưa vào những dư liệu có thật trong lịch sử về cuộc xâm lược của người da trắng lên vùng dất bản địa của người da đỏ. Về những chiếc thủ cấp, việc người da trắng đã giết hại, cướp bóc dã man đến thế nào rồi sau đó đẩy những người bản địa phải tha phương, từ bỏ đi tên họ và quê hương của mình. Nó lý giải cho người đọc vì sao những câu chuyện được bắt đầu. Và nếu người ta nhìn phương Tây, nhìn người da trắng là sự phát triển của văn minh nhân loại thì văn minh của nhân loại thực ra không vượt ra bên ngoài thời kỳ dã man là bao mà chỉ là dã man theo một cách khác. Bởi vì họ chẳng qua là những kẻ mạnh hơn và thành công trong các cuộc xâm chiếm, xóa bỏ đi bản sắc của dân tộc khác rồi khoác lên mình bộ áo “văn minh”. Khép lại trang cuối cùng của “Không nhà”, em cảm nhận rõ hơn những khó khăn, đau đớn mà người da đỏ phải chịu đựng trước sự xâm chiếm tham lam, độc ác của những người ngoại tộc. Và cũng giống như trong văn bản “Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn”, người da đỏ họ yêu mảnh đất của mình như máu thịt, trong họ có chảy dòng chảy của núi rừng và tình yêu thiên nhiên, muông thú, cỏ cây luôn ngập tràn trái tim họ. “Không nhà” quả thực là một cuốn sách đáng để đọc và suy ngẫm. 



=> Giáo án Ngữ văn 8 kết nối Bài 9 Văn bản 3: Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay