Câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối Ôn tập Bài 1: Câu chuyện của lịch sử (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 8 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Bài 1: Câu chuyện của lịch sử (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 8 kết nối tri thức.

ÔN TẬP BÀI 1. CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ (PHẦN 1)

Câu 1: Tác dụng của từ ngữ địa phương trong các tác phẩm văn học là gì.

Trả lời:

– Tạo bối cảnh cụ thể: Việc sử dụng từ ngữ địa phương giúp tác giả thể hiện không gian, thời gian và bối cảnh của tác phẩm một cách cụ thể và rõ ràng.

– Hiểu rõ hơn về văn hóa và cuộc sống địa phương: Từ ngữ địa phương có khả năng miêu tả hiện thực cuộc sống con người một cách chân thực và chi tiết.

– Thể hiện đa dạng ngôn ngữ: Các từ ngữ địa phương thường phản ánh cách nói, ngôn ngữ và cách giao tiếp đặc trưng của từng vùng miền.

– Thể hiện tính cách của nhân vật: Từ ngữ địa phương cũng có thể được sử dụng để khắc họa tính cách và đặc điểm của nhân vật.

Câu 2: Tìm một số từ ngữ địa phương nơi em ở hoặc ở vùng khác mà em biết. Nêu từ ngữ toàn dân tương ứng.

Trả lời:

- Bắp và bẹ ở đây đều có nghĩa là "ngô".

- Trong 3 từ : bắp, bẹ, ngô - từ "bẹ" là từ địa phương. 

- Từ "ngô" là từ được sử dụng phổ biến trong toàn dân

Câu 3: Đặt 1 câu có sử dụng từ ngữ địa phương.

Trả lời:

Con heo này mập ghê ! ( heo là từ ngữ địa phương của người miền Nam )

Câu 4: Hãy trình bày những hiểu biết của em về bài thơ “Ta đi tới” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Trả lời:

- Tác giả: Tố Hữu

- Tập thơ: Việt Bắc

- Hoàn cảnh ra đời: Được Tố Hữu sáng tác vào tháng 8 năm 1954 – thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi, chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

- Nội dung: Bài thơ vừa ca ngợi những chiến thắng lẫy lừng của cuộc kháng chiến, vừa thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về chặng đường sắp tới của dân tộc.

Câu 5:  Đọc trích đoạn “Ta đi tới”, em hình dung như thế nào về bối cảnh lịch sử (không gian, thời gian, những sự kiện quan trọng,…) đã gợi nguồn cảm hứng thơ ca cho tác giả?

Trả lời:

- Không gian: mênh mông, rộng lớn. Điều đó được thể hiện qua những câu thơ như:

+ Đường ta rộng thênh thang tám thước

+ Đường cách mạng, dài theo kháng chiến…

+ Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Không gian trong bài thơ còn rộng mở đến mọi miền tổ quốc từ vùng Tây Bắc đến miền Nam, thể hiện qua các địa danh mà tác giả liệt kê.

- Thời gian: sau khi nước ta giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954. Trong bài là lúc mọi người đang ra về, rời khỏi chiến khu Việt Bắc.

- Sự kiện: chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chúng ta đánh đuổi hoàn toàn thực dân Pháp, đất nước tươi đẹp bước vào một giai đoạn mới.

Câu 6: Hãy chỉ ra những điểm hay về mặt ngôn từ, nghệ thuật trong bài thơ “Ta đi tới”.

Trả lời:

Hãy chú ý một số điểm thông dụng trong thơ như:

- Sử dụng đa dạng tính từ chỉ màu sắc, tính từ gợi sắc thái biểu cảm mạnh mẽ: “đỏ tươi”, “đẹp vô cùng”, “xanh ngào ngạt”, “chói”, “rào rạt”,…

- Cảm xúc đan xen, cảm xúc bộc lộ trực tiếp: “Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!”, “Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi!”, “Hôm nay ngày đẹp lắm!”, “Ai về với quê hương ta tha thiết”,…

- Đảo trật tự thành phần câu một cách linh hoạt, tạo sự mạch lạc: “Đã tan tác những bóng thù hắc ám / Đã sáng lại trời thu tháng Tám”,…

- Cách so sánh, ví von hay, độc đáo: “Đường cách mạng, dài theo kháng chiến”,…

- Các biện pháp tu từ: liệt kê, điệp,…

- Cách tổ chức ý thơ để hướng tới mục tiêu thể hiện của tác giả

Câu 7: Hãy trình bày một số hiểu biết của em về văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (tác giả, thể loại,…).

Trả lời:

- Tác giả: Nguyễn Huy Tưởng

- Văn bản thuộc phần 3 của tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.

- Thể loại: Truyện lịch sử

- Nội dung chính: Câu chuyện về tinh thần yêu nước của Trần Quốc Toản.

Câu 8: Hãy cho biết câu chuyện “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” dựa trên bối cảnh của sự kiện lịch sử nào và hãy cho biết một số thông tin lịch sử về Trần Quốc Toản.

Trả lời:

Bối cảnh: Căn cứ “Đại Việt sử ký toàn thư” cùng “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, vào tháng 10 năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than, cùng quan viên bàn kế chống quân Nguyên.

Một số thông tin về Trần Quốc Toản:

  • Trần Quốc Toản (chữ Hán: 陳國瓚; sinh mất không rõ), hiệu là Hoài Văn hầu (懷文侯), sau truy tặng tước vương, là một tông thất nhà Trần, sống ở thời kỳ trị vì của Trần Thánh Tông cùng Trần Nhân Tông.
  • Ông nổi tiếng có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai.

Câu 9: Em hãy liệt kê những sự kiện lịch sử được tác giả đề cập trong văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh”.

Trả lời:

Một số sự kiện lịch sử chính:

- Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào Thăng Long.

- Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế.

- Vua Quang Trung tiến quân ra bắc.

- Quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh chỉ trong mấy ngày tết năm Kỷ Dậu 1789.

Câu 10: Hãy trình bày những hiểu biết cơ bản về văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh” (tác giả, thể loại, nội dung,…).

Trả lời:

- Tác giả: Ngô gia văn phái

- Thể loại: Tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết lịch sử

- Văn bản là hồi thứ mười bốn của tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”.

- Nội dung chính: Chiến thắng trước quân Thanh của quân Tây Sơn do vua Quang Trung lãnh đạo.

Câu 11: Hãy trình bày những hiểu biết của em về biệt ngữ xã hội (khái niệm, đặc điểm, hình thức, sự hình thành, ví dụ,…)

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ do một nhóm người / một tầng lớp xã hội tạo ra theo một cách nào đó và chủ yếu sử dụng giữa họ với nhau.

- Biệt ngữ xã hội là một bộ phận từ ngữ có đặc điểm riêng:

+ Có khi đặc điểm riêng của biệt ngữ thể hiện ở ngữ âm. Ví dụ:

Anh đây công tử không “vòm”

Ngày mai "kện rệp" biết “mòm" vào đầu.

Các từ trong dấu ngoặc kép là biệt ngữ xã hội: “vòm” là nhà, “kện rệp” là hết gạo, “mòm” là ăn. “Kện rệp” và “mòm” có hình thức ngữ âm hoàn toàn mới lạ, chưa gặp trong vốn từ chung của tiếng Việt.

+ Có khi đặc điểm riêng của biệt ngữ thể hiện ở ngữ nghĩa. Ví dụ:

“Tớ chỉ nhường tháng này thôi, tháng sau thì tớ cho cậu ngửi khói.”

Từ “ngửi khói” trong câu trên không có nghĩa là dùng mũi để nhận biết mùi khói, mà là tụt lại phía sau.

- Do những đặc điểm khác biệt như vậy, trong văn bản, biệt ngữ xã hội thường được in nghiêng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép và được chú thích về nghĩa.

- Biệt ngữ xã hội hình thành trên những quy ước riêng người đó, vì thế chúng thường được sử dụng trong phạm vi hẹp. Chỉ những người có mối liên hệ riêng với nhau về nghề nghiệp, lứa tuổi, sinh hoạt, sở thích,... và nắm được quy ước mới có thể dùng biệt ngữ để giao tiếp.

Câu 12: Khi sử dụng biệt ngữ xã hội cần chú ý điều gì? Tại sao không nên lạm dụng biệt ngữ xã hội?

Trả lời:

- Khi sử dụng biệt ngữ xã hội cần chú ý tới tình huống, ngữ cảnh mà mình đang ở. Ví dụ như nếu ta đang trình bày một bài phát biểu cần sự trang trọng thì chúng ta không nên sử dụng biệt ngữ xã hội mà cần phải sử dụng ngôn từ phù hợp với tình huống đó.

- Không nên lạm dụng biệt ngữ xã hội vì điều đó có thể khiến người khác khó hiểu, cản trở giao tiếp hoặc khiến người khác dễ hiểu nhầm về chúng ta.

Câu 13: Chỉ ra biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại sau và nhận xét về việc sử dụng biệt ngữ của người nói:

- Nam, dạo này tớ thấy Hoàng buồn buồn, ít nói. Cậu có biết vì sao không?

- Tớ cũng hem biết vì sao cậu ơi.

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại là: “hem”.

- Nhận xét: Việc người nói dùng biệt ngữ ở đây giúp cho lời đối thoại trở nên gần gũi thân mật.

Câu 14: Chỉ ra từ ngữ địa phương và nêu tác dụng của việc sử dụng những từ ngữ đó trong các trường hợp sau:

  1. a) Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy

Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

  1. b) – Nói như cậu thì… còn chi là Huế!
  2. c) Má, tánh lo xa. Chứ gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới, hi vọng rực lên theo màu lúa.

Trả lời:

  1. a) Từ ngữ địa phương là: “chừ”.
  2. b) Từ ngữ địa phương là: “chi”
  3. c) Từ ngữ địa phương là: “má”

Tác dụng của việc sử dụng từ ngữ địa phương trong các trường hợp trên là: tô đậm màu sắc địa phương, màu sắc quê hương hoặc thể hiện mối quan hệ thân thiết.

Câu 15: Trong văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản có tâm trạng như thế nào khi phải đứng trên bờ nhìn quang cảnh một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở bến Bình Than?

Trả lời:

- Hoài Văn có tâm trạng buồn tủi khi thấy rất nhiều vương công đại thần đều được đến dự hội nghị, trong đó có cả những người con trai của Hưng Đạo Vương, những người mới chỉ hơn anh có “dăm sáu tuổi”.

- Hoài Văn thật sự khao khát được vào bàn chuyện với mọi người. Điều đó được thể hiện qua chi tiết “Mắt Hoài Văn giương to đến rách, nhìn những lá cờ bay múa trên những đoàn thuyền đẹp như gấm như hoa” và những suy nghĩ chỉ cần mình được xuống thuyền thì sẽ xin đánh ngay.

- Hoài Văn còn cảm thấy có chút tủi thân khi thấy những bô lão nhà quê còn được mời đến bàn chuyện mà mình đây là tôn thất chẳng nhẽ lại không suy nghĩ được như họ.

Câu 16: Trong văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, Chứng kiến hành động và nghe lời tâu bày của Trần Quốc Toản, vua Thiệu Bảo có thái độ và cách xử lý như thế nào? Thái độ và cách xử lý đó cho thấy điều gì ở vị vua này?

Trả lời:

- Vua có thái độ thích thú: “Thiệu Bảo gật đầu, mỉm cười nhìn Hưng Đạo Vương”. Vua thấy được tấm lòng yêu nước đáng trọng của Trần Quốc Toản nên thương tình tha tội cho anh. Vua còn khuyên Trần Quốc Toản nên về phụ dưỡng mẹ.

- Thái độ và cách xử lí cho thấy ông là một vị vua nhân từ, biết đối nhân xử thế, không vì quyền uy mà đưa ra quyết định hà khắc. Tuy vậy, nhìn ở một góc độ nào đó, ông có thể là bảo thủ, không đề cao khả năng của người trẻ - một nếp nghĩ cổ xưa.

Câu 17: Hãy nêu những nội dung chính trong khổ thơ đầu bài thơ “Ta đi tới”.

Trả lời:

- Chiến tranh kết thúc, hoà bình được lập lại, mọi người có thể đi lại tư do, hiên ngang: “Ta đi giữa ban ngày / Trên đường cái, ung dung ta bước / …”

- “Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên / Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên”: những con đường gắn với cuộc kháng chiến.

- “Đường cách mạng, dài theo kháng chiến”: Đây là một cách ví von độc đáo của tác giả: ví sự dài ngắn trong thực tế với thời gian trừu tượng nhưng lại cho người đọc suy ngẫm vì cuộc kháng chiến của chúng ta kéo dài nhiều năm trời.

- “Đến hôm nay … xuôi cùng thuyền”: cảm xúc vui sướng trong cảnh sắc tươi mới của đất nước.

Câu 18: Hãy nêu những nội dung chính trong khổ thơ thứ ba bài thơ “Ta đi tới”.

Trả lời:

- “Đã tan tác … tóc bạc Bác Hồ”: con đường trở về Thủ đô nay đã yên bình trở lại

- “Mẹ ơi! Lau nước mắt / Làng ta giặc chạy rồi”: Tình cảm của tác giả với mẹ. Đây là lúc các chiến sĩ còn sống có thể trở về đoàn tụ bên gia đình, không còn bị chia cắt, không còn nỗi lo chiến tranh.

- “Tre làng ta lại mọc … thánh thót quanh làng”: Những hoạt động thường nhật trở lại, một cuộc sống mới bắt đầu

Câu 19: Thế giới nhân vật trong truyện lịch sử có đặc điểm gì?

Trả lời:

Thế giới nhân vật trong truyện lịch sử phong phú như trong cuộc đời thực. Việc chọn kiểu nhân vật nào để miêu tả trong truyện là dụng ý nghệ thuật riêng của nhà văn. eutat Thông thường, truyện lịch sử tập trung khắc họa những nhân vật nổi tiếng như vua chúa, anh hùng, danh nhân,... - những con người có vai trò quan trọng đối với đời sống của cộng đồng, dân tộc. Tuy nhiên, các nhân vật đó hiện ra dưới cái nhìn riêng, thể hiện cách lí giải độc đáo của nhà văn về lịch sử. Bên cạnh đó, mối quan hệ phức tạp giữa nhân vật với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội cũng được nhà văn quan tâm thể hiện.

Câu 20: Chỉ ra biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại sau và nhận xét về việc sử dụng biệt ngữ của người nói:

- Cậu ấy là bạn con đấy à?

- Đúng rồi, bố. Nó lầy quá bố nhỉ?

Trả lời:

- Biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại là: “lầy”.

- Nhận xét: “lầy” là biệt ngữ thường được dùng bởi những người trẻ tuổi. Trong trường hợp này, người con nói biệt ngữ này với bố là không phù hợp, sẽ khiến bố khó hiểu hoặc nảy sinh vấn đề khác.

Câu 21: Tìm từ ngữ địa phương trong đoạn truyện dưới đây và cho biết từ toàn dân tương ứng.

Một đơn vị bộ đội trên đường hành quân, đến Quảng Bình, vào nghỉ tại nhà một ông cụ. Cụ già thăm hỏi từng chiến sĩ và chăm chú nhìn vào một chiến sĩ da ngăm đen, rồi nói một cách rất tự nhiên:

- Chú này giống con bọ hung.

Người chiến sĩ là dân Bắc Bộ, không hiểu tiếng địa phương lấy làm bối rối. Sau đó mới hiểu ý nghĩa của câu nói ấy là: "Chú này rất giống con của bố.".

Trả lời:

- Từ ngữ địa phương trong đoạn là: “bọ” và “hung”. “Bọ” là cha, “hung” là ghê.

Câu 22: Đọc bài thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi tặng vợ và cho biết bài thơ này gợi cho em những cảm nghĩ gì xung quanh vấn đề từ ngữ địa phương và việc sử dụng từ ngữ địa phương.

Cái gầu thì bảo cái đài

Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi

Chộ tức là thấy em ơi

Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em.

Thích chi thì bảo là sèm

Nghe ai bảo đọi thì đem bát vào

Cá quả lại gọi cá tràu

Vo trốc là bảo gội đầu đấy em...

Nghe em giọng Bắc êm êm

Bà con hàng xóm đến xem chật nhà

Răng chưa sang nhởi nhà choa

o đã nhốt con ga trong truồng

Em cười bối rối mà thương

Thương em một lại trăm đường thương quê

Gió lào thổi rạc bờ tre

Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn

Chắt từ đá sỏi đất cằn

Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.

Trả lời:

- Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi quê ở Nghệ An. Vợ nhà thơ là người miền Bắc. Trong bài thơ này, có nhiều từ ngữ địa phương Nghệ – Tĩnh đã được tác giả giải thích bằng từ ngữ toàn dân. Nhưng có mấy từ ngữ tác giả không giải thích. Đó là từ “răng” có nghĩa là “sao” (từ nghi vấn), “nhởi” (chơi), “choa” (đại từ ngôi thứ nhất, tự xưng đối với người ngang bậc hoặc ở bậc dưới; tao, chúng tao), “o” (chị hoặc em gái của cha), “ga” (gà), “truồng” (chuồng).

- Qua bài thơ, em cảm nghĩ như thế nào về tình cảm của con người đối với tiếng nói của quê hương; về những khó khăn trong việc giao tiếp do tiếng địa phương gây ra và tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ văn hoá ngôn ngữ, nâng cao sự hiểu biết về từ ngữ toàn dân để mọi người ở các địa phương có thể hiểu nhau dễ dàng hơn.

Câu 23: Trong văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh”, chi tiết vua Quang Trung – giữa cuộc hành quân khẩn cấp – cho vời "người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp" để hỏi ý kiến về việc đánh giặc có ý nghĩa như thế nào đối với việc khắc hoạ hình tượng nhân vật?

Trả lời:

Chi tiết này tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đáng kể trong việc khắc hoạ hình tượng vua Quang Trung.

- Trước hết, cần biết "người cống sĩ ở huyện La Sơn" là ai. Nguyễn Thiếp còn gọi là La Sơn Phu Tử (1723 – 1804), quê ở làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn,

trấn Nghệ An (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là một trí thức có tài, am hiểu thời thế và có lòng thương dân sâu sắc. Thời Lê – Trịnh, ông có ra làm quan một thời gian ngắn rồi cáo về ẩn dật ở quê nhà, dạy học và làm thơ. Việc vua Quang Trung gặp gỡ Nguyễn Thiếp là chuyện có thật mà lịch sử đã ghi lại.

– Vua Quang Trung hỏi ý kiến Nguyễn Thiếp về vấn đề gì?

– Thái độ của nhà vua trong cuộc đối thoại này như thế nào?

– Qua đó, em có thể rút ra điều gì về đức tính của vua Quang Trung?

– Nhận xét về ngòi bút miêu tả nhân vật lịch sử thông qua sự kiện lịch sử của các tác giả.

Câu 24: Trong tác phẩm “Ta đi tới”, Nhìn lại chặng đường cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “ba ngàn ngày không nghỉ”, nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc gì? Theo em, đây chỉ là cảm xúc của cá nhân nhà thơ hay còn là cảm xúc chung của cộng đồng? Vì sao?

Trả lời:

- Nhà thơ bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên: “Ờ, đã chín năm rồi đấy nhỉ!”. Sự gắn bó của nhà thơ với vùng đất kháng chiến khiến nhà thơ không nghĩ rằng một khoảng thời gian dài như vậy đã trôi qua khi mà “bắp chân, đầu gối vẫn săn gân”.

- Đây là cảm xúc chung của những người Việt Nam tham gia vào cuộc chiến trường kì quyết định vận mệnh của dân tộc đó vì họ đã phải chung sống, đoàn kết với nhau một lòng mới có thể vượt qua bao khó khăn.

Câu 25: Nhận xét về cách đặt nhan đề của bài thơ “Ta đi tới”.

Trả lời:

Nhan đề của bài thơ nếu nhìn một cách đơn giản chúng ta có thể thấy nó đối lập với nội dung của bài thơ: “Ta đi tới” nhưng trong bài lại là “việc trở về quê hương”. Tuy vậy, đây không phải sự bất hợp lí mà là cách nhìn nhận mới mẻ của tác giả: kết thúc chiến tranh không phải là sự kết thúc đơn thuần hay sự trở lại mà là tiếp tục một chặng đường mới. Đó là một cách hiểu. Chúng ta cũng có thể hiểu đơn giản hơn: “ta đi tới” là đi tới mọi miền đất nước.

Câu 26: Điểm khác biệt giữa từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội là gì?

Trả lời:

- Từ ngữ địa phương là những từ ngữ chỉ được sử dụng phổ biến ở một/một số địa phương nhất định, còn biệt ngữ xã hội là những từ ngữ chỉ được sử dụng phổ biến ở một nhóm đối tượng hay tầng lớp xã hội nào đó.

- Ví dụ: một từ địa phương bất kì A sẽ chỉ được sử dụng ở vùng B trong khi đó một biệt ngữ xã hội C có thể được sử dụng bởi những người thuộc thế hệ X ở bất cứ nơi đâu trên đất nước.

Câu 27: Em hãy nêu nhận xét về nghệ thuật trần thuật sự kiện lịch sử của tác giả qua đoạn trích “Quang Trung đại phá quân Thanh”.

Trả lời:

- Nên chú ý Hoàng Lê nhất thống chí là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, vậy thì, ngoài việc ghi chép chân thực các sự kiện lịch sử đang biến động thật gấp gáp, khẩn trương còn phải tái hiện được không khí lịch sử và khắc hoạ được những con người của một thời đại lịch sử. Xuất phát từ đặc điểm đó sẽ có thể đánh giá giá trị nghệ thuật của lối văn trần thuật đặc sắc ở đoạn trích.

- Hãy chú ý đến sự khác biệt giữa việc ghi chép các sự kiện lịch sử, liệt kê diễn biến một cuộc chiến như trong các sách sử với việc hình thành một câu chuyện như trong đoạn trích. Giữa các sự kiện được kết nối chặt chẽ, lời văn có thêm sự miêu tả, biểu cảm, hướng tới định hướng nội dung theo quan điểm của tác giả,…

Câu 28: Hồ Chí Minh trong tác phẩm "Lịch sử nước ta" có ca ngợi về Trần Quốc Toản như sau:

Quốc Toản là trẻ có tài,

Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền,

Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,

Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung

Thật là một đấng anh hùng,

Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo.

Dựa vào câu chuyện trong văn bản “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” và những gì em tiếp nhận được từ lời thơ của Hồ Chủ tịch, em hãy nêu trách nhiệm của thanh niên, đặc biệt là lứa tuổi học sinh như các em trong công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước hiện nay.

Trả lời:

Đây là một câu hỏi mở, hãy phát triển dựa theo hiểu biết và quan điểm của bản thân. Đoạn văn dưới đây là có thể là một gợi ý.

Trong truyện của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như trong thực tế lịch sử, Trần Quốc Toản hiện lên là một người tuy trẻ tuổi nhưng đã hiểu được trách nhiệm cần có của bản thân và sẵn sàng dấn thân vì Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, tuy đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất và chúng ta được hưởng nền hoà bình độc lập nhưng tình hình thế giới cho chúng ta thấy rằng chiến tranh vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào và chúng ta luôn phải sẵn sàng. Hơn nữa, vấn đề này thực sự cũng chỉ là an ninh truyền thống, hiện nay còn nhiều chúng ta còn rất nhiều thứ liên quan đến an ninh phi truyền thống khác mà chúng ta đang phải đối mặt. Kế đến, nói về đóng góp của thanh niên cho sự phát triển của đất nước, chúng ta có thể hình dung được điều đó qua sự phát triển của xã hội, kinh tế, khoa học công nghệ của nước ta so với thế giới. Chúng ta đang sống một cuộc sống tốt hơn nhưng không có nghĩa là chúng ta không cần phải cố gắng nữa. Cả thế giới đang nỗ lực, đặc biệt là người dân ở các nước phát triển, thế nên không có lí do gì một nước đang phát triển như Việt Nam mà người dân lại không cần cố gắng nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước. Đối với thế hệ học sinh, những người làm chủ tương lai của đất nước, chúng ta cần phải trau dồi thật tốt kiến thức, kĩ năng, tránh sa vào những điều vô bổ, không vì là trẻ tuổi mà không quyết tâm, không đóng góp.

Câu 29: Những địa danh nào được nhắc đến trong đoạn trích “Ta đi tới”? Theo em, việc xuất hiện một loạt địa danh như vật mang lại hiệu quả gì trong việc thể hiện tình cảm của tác giả?

Trả lời:

- Những địa đanh được nhắc đến trong đoạn trích là: Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, Tây Bắc, Điện Biên, sông Lô, bến nước Bình Ca, Phú Thọ, Trung Hà, Hưng Hoá, khu Ba, khu Bốn, sông Thao, Hà Nội, Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Nam – Ngãi, Bình – Phú, Khánh Hoà, Phan Rang, Phan Thiết, Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc, khu Năm, sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng.

- Có thể thấy việc tác giả đưa vào bài thơ nhiều địa danh là có sắp xếp, có thứ tự. Tác giả đi từ vùng miền núi phía Bắc, nơi diễn ra cuộc chiến, rồi xuống đến Hà Nội, vào Nam rồi trở lên miền Trung và Tây Nguyên.

- Việc xuất hiện một loạt địa danh như vậy góp phần quan trọng trong việc thể hiện tình cảm yêu quê hương, đất nước của tác giả. Tác giả muốn mang đến cho người đọc một đất nước đa dạng vùng miền, phong phú về bản sắc văn hoá. Đồng thời, tác giả muốn hoà mình cùng những chiến hữu đi tới mọi miền của Tổ quốc trong ngày vui chiến thắng.

Câu 30: Biệt ngữ xã hội dùng trong trường hợp này có phù hợp không? Vì sao?

Một nhóm bạn trẻ đang chuẩn bị tranh tài trong một trò chơi.

Một bạn của đội A khiêu khích:

- Chúng mày không có tuổi! Mấy con gà!

Mấy bạn đội B liền đáp lại ngay:

- Gáy ghê thế! Hết trận rồi xem.

Trả lời:

- Các biệt ngữ xã hội trong đoạn hội thoại: “tuổi”, “gà”, “gáy”

- Những biệt ngữ này có tính chất thông tục, gây kích động nên nếu nhóm người này có tính cách như vậy thì sẽ phù hợp còn nếu nhóm người này là những bạn học sinh thì nó sẽ không phù hợp. Học sinh không nên học theo những ngôn từ kiểu này.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay